TỐ HỮU HAY LÀ SỰ VONG THÂN NGHỆ THUẬT TRONG TRÒ CHƠI QUYỀN LỰC - Tác giả: Trần Mạnh Hảo (Sài Gòn)

1 comment

 .

TỐ HỮU HAY LÀ

SỰ VONG THÂN NGHỆ THUẬT

TRONG TRÒ CHƠI QUYỀN LỰC

*

“Đảng ta đó trăm tay nghìn mắt

Đảng ta đây xương sắt da đồng”

(trích trong bài thơ “Ba mươi năm đời ta có đảng” của Tố Hữu.

 

Đây là tên cuốn sách của Tố Hữu: “Qua cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại "Nhân Văn - Giai Phẩm" trên mặt trận văn nghệ”, nhà xuất bản Văn Hoá, 1958; Tố Hữu đã nhận định về phong trào này và những người bị coi là dính líu với sự bịa tội, vu cáo tột đỉnh, như một bản án chết người, tàn nhẫn nhất, vô nhân đạo nhất, như sau:

(Tác giả Trần Mạnh Hảo)

“Lật bộ áo "Nhân Văn – Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, Trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm; (tr.9. Sđd)... Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ. (trg17.Sđd).

Báo cáo tổng kết vụ "Nhân Văn – Giai Phẩm" cũng do Tố Hữu viết có kết luận về tư tưởng chính trị và quan điểm văn nghệ của phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm như sau: Xuyên tạc mâu thuẫn xã hội, khiêu khích nhân dân chống lại chế độ và Đảng lãnh đạo, phản đối văn nghệ phục vụ chính trị nhưng thực ra là phản đối văn nghệ phục vụ đường lối chính trị cách mạng của giai cấp công nhân, muốn lái văn nghệ sang đường lối chính trị phản động, đả kích nền văn nghệ kháng chiến, đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng.

Với những tội danh tày trời do Tố Hữu gán cho hàng trăm người là “nhân văn giai phẩm”, hoặc dính líu đến phong trào này, đảng và nhà nước phải xử bắn hết bọn họ mới xứng đáng.

Mấy chục năm sau, đại tá công an A 25 phụ trách văn học của Bộ công an Việt Nam là Thái Kế Toại, (bút danh Lê Hoài Nguyên) đã viết một bản tường trình dài, sau hơn ba mươi năm nghiên cứu đề tài này, đã lớn tiếng minh oan cho các nhà văn nhà thơ, các nhạc sĩ, họa sĩ, các nhà trí thức lớn với tiêu đề công trình:

VỤ NHÂN VĂN - GIAI PHẨM MỘT TRÀO LƯU DÂN CHỦ, MỘT CUỘC CÁCH TÂN VĂN HỌC KHÔNG THÀNH

LÊ HOÀI NGUYÊN (tên thật Thái Kế Toại đại tá công an A 25 phụ trách phần văn học)

Xin trích vài đoạn trong công trình này:

“VGP trước hết là một trào lưu tư tưởng, một cuộc cách mạng văn học đòi hỏi dân chủ hóa ở miền Bắc Việt Nam năm 1954-1960 có nguồn gốc và đã xảy ra trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, trong bộ máy Chính phủ Kháng chiến chống Pháp do Hồ Chí Minh lãnh đạo trong quá trình đi từ chủ nghĩa dân chủ tư sản đến chủ nghĩa cộng sản hình thái Mao Trạch Đông (1948-1954), bùng phát vào thời điểm đặc biệt 1955-1957 trên các lĩnh vực triết học, tư tưởng, pháp luật, giáo dục, văn học nghệ thuật, báo chí chủ yếu trên các ấn phẩm báo Nhân Văn, Sáng Tạo, Trăm Hoa, Tự Do Diễn Đàn, Đất Mới- Chuyện Sinh Viên, Văn… và các sách dạng tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân, Giai Phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Đông, Sách Tết, Vũ Trọng Phụng…do khởi xướng hầu hết là số văn nghệ sỹ, trí thức tài năng, có nhiều công lao trong kháng chiến chống Pháp, trong quân đội, bị đàn áp và xét xử công khai bằng một vụ án Tổ chức chính trị hoạt động gián điệp lật đổ chính quyền nhân dân với cái tên Nhân Văn - Giai Phẩm, tiếp theo là việc xử lý bằng các hình thức trừng phạt nội bộ với hàng trăm giáo sư, thày giáo, sinh viên, nhà văn, nghệ sỹ điện ảnh sân khấu, nhạc sỹ, họa sỹ, kiến trúc sư, phóng viên, xuất bản , cán bộ lãnh đạo, nhân viên một số bộ ngành, cơ quan nhà nước…”

https://dotchuoinon.com/.../v%E1%BB%A5-nhan-van-giai-ph.../

Như vậy, Tố Hữu trong cuốn sách lên án “Nhân Văn giai phẩm” ra năm 1958, đã bịa đặt ra bao nhiêu tội không hề có của những người Nhân Văn giai phẩm gồm tội chống đảng có tổ chức, toan lật đổ chế độ, toàn bọn phản động ma cô đĩ điếm con cái tư sản địa chủ thâm thù với cộng sản, phải tiêu diệt bọn chúng.

Trong khi nhóm Nhân văn Giai phẩm (nhân văn giai phẩm) thực chất chỉ là một cách cách tân văn học không thành như đại tá công an phụ trách văn học Bộ công an đã kết luật.”

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà phê bình văn học Thụy Khuê trên RFI, bà nói: "Thực chất phong trào Nhân văn Giai phẩm, nếu đứng về mặt chính trị, thì đó là một cuộc đấu tranh của một số người trí thức, văn nghệ sĩ và một số đảng viên về chính trị nữa, là chống - không phải chống đảng cộng sản đâu, mà đấy là chống- cái chủ nghĩa Stalin và chống chủ nghĩa Mao Trạch Đông."

Mở đầu cuộc đàn áp nhóm Nhân văn Giai phẩm, do Trường Chinh - tổng bí thư đảng và Tố Hữu lúc ấy là ủy viên trung ương đảng phụ trách tuyên truyền chủ trương, đã xảy ra một cuộc hội thảo tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu do nhóm Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Tử Phác, Phác Văn… chủ trương chê bai tập thơ này của Tố Hữu nhạt nhẽo, rất dở, thiếu tính đảng và tính nhân dân…

Và Tố Hữu làm cuộc trả thù kinh hãi, để toan giết hết bọn dám chê thơ mình này, vu cho họ chống đảng, lật đổ chính quyền, móc nối với Mỹ Diệm trong Nam… Được sự nhất trí của Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu chỉ đạo trực tiếp cuộc đánh giết này một cách không thương tiếc.

Tại sao Tố Hữu lại tàn ác như thế?

Chàng thanh niên Nguyễn Kim Thành quê làng Phù Lai, Quảng Thọ, Quảng Điền con nhà nghèo sinh năm 1920 ra Huế học trường Quốc học, vốn hiền lành, nhân hậu, lại học giỏi, dễ thương. Bạn học cùng khóa với Huy Cận, Xuân Diệu… ai cũng khen anh hồi ấy thơ đã khá hay.

Nhưng rồi thời cuộc đưa đẩy anh Thành vào gió bụi khi phong trào cánh tả, mặt trận bình dân bên Pháp thắng cử lên cầm quyền 1936-1939. Đảng cộng sản Đông Dương được phép ra công khai, sách báo cộng sản tràn lan khắp Hà Nội, Huế, Sài Gòn và các tỉnh khác.

Anh Nguyễn Kim Thành hay đến tiệm sách của ông Nguyễn Khoa Văn đọc sách cộng sản, được các ông cộng sản gộc Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu... tuyên truyền giáo dục. Năm 1936, với lòng yêu nước và say mê lý tưởng cộng sản, anh Thành tham gia đoàn thanh niên dân chủ Đông Dương. Năm 1938 Nguyễn Kim Thành vào đảng và hoạt động bí mật tại Huế…

Thuở ấy, tâm hồn anh Thành đẹp lắm, lý tưởng lắm, đâu đã ác độc như sau này anh đứng ra vu cáo và tiêu diệt anh em Nhân văn Giai phẩm.

Tháng 4-1939 anh Thành – tức nhà thơ Tố Hữu bị Pháp bắt. Anh bị giam tại lao Thừa Phủ, dẫu bị giặc tra tấn dã man, anh vẫn không chịu khai ra đồng chí của mình. Anh bị giặc giải đi hết các nhà tù này đến nhà tù khác. Anh dám hi sinh thân mình cho đảng, cho đất nước độc lập.

Anh và các đồng chí cộng sản của anh thời trong lao tù giặc anh hùng lắm, đẹp lắm…

Và thơ anh viết những ngày trong lao tù cũng đẹp lắm, hay lắm, chân thành và xúc động lắm. Thơ ấy đã in trong tập thơ “Từ ấy” 71 bài, tập thơ hay nhất đời anh.

Chúng ta hãy nhìn Tố Hữu và tập thơ “Từ ấy” bằng cái nhìn lịch sử, không áp đặt cái nhìn thiên kiến hôm nay để xóa sổ hay bôi đen một “thời thanh niên sôi nổi” anh hùng, dũng cảm, bền gan đấu tranh với giặc Pháp trong tù ngục. Hàng trăm chiến sĩ Quốc Dân Đảng, Cộng Sản đã bị đày ải trong tù , đã bị đưa ra trường bắn.

Ai bảo những người con của dân tộc Việt, dù là quốc gia hay cộng sản, đã hi sinh cho dân tộc đất nước trước năm 1945 là không đẹp?

Cho đến nay, tôi luôn yêu mến và đánh giá cao tập thơ “Từ ấy” của Tố Hữu. Ô ng với tập thơ này, xứng đáng được gọi là nhà thơ cách mạng như thơ ca yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh vậy!

Vả, ông đã đến với chủ nghĩa cộng sản bằng sách báo Pháp. Thuở ấy, trước khi Tố Hữu vào đảng, qua sách báo Pháp, gương của các nhà văn, nhà thơ lớn, họa sĩ lớn Pháp và thế giới gia nhập đảng cộng sản, hoặc có cảm tình với cộng sản như:

Pablo Picasso (1881-1973) họa sĩ Tây Ban nha đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng; Adre Gide (1869-1951) Nobel 1947, đảng viên cộng sản Pháp, năm 1936 sang thăm Liên Xô về Paris tố cáo Liên Xô là trại tập trung và ra khỏi đảng; Romaini Rolland (1866-1944) Nobel 1915, thân cộng, ca ngợi cách mạng tháng 10; Jean-Paul Sartre (1905-1980) giải Nobel nhưng không nhận, đảng viên cộng sản Pháp sau bỏ đảng chống Marx; Albert Camus (1905-1960) Nobel văn học, đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng;Paul Eluard (1895-1952) đảng viên cộng sản Pháp sau này bỏ đảng; chỉ có ba thiên tài văn học sau là đảng viên cộng sản không bỏ đảng:

- Louis Aragon (1897-1982), nhà thơ lớn nhất nước Pháp thế kỷ 20, có bộ tiểu thuyết lớn: “những người cộng sản” , bài thơ “đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”.

- Pablo Neruda (1904-1973) nhà thơ Chi Lê đảng viên cộng sản Chi Lê, Nobel 1971.

- Nazim Hikmet nhà thơ lớn Thổ Nhĩ Kỳ (1902-1963) đảng viên đảng cộng sản Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng bi kịch cuộc đời Tố Hữu và thơ Tố Hữu là trò chơi quyền lực; Khi đảng cộng sản của ông giành được chính quyền năm 1945, suốt 9 năm kháng Pháp, 21 năm đảng cộng sản nắm quyền ở miền Bắc; sau 30-4-1975 đảng cộng sản nắm quyền trên cả nước, với phương châm độc quyền, độc tôn, độc đảng, tiêu diệt sở hữu cá nhân, tiêu diệt tự do cá nhân, quyền lực đã tha hóa chế độ của Tố Hữu, tha hóa thơ và cuộc đời Tố Hữu…

Khi có quyền, ông và các đồng chí của ông tuyệt đối chủ quan, tuyệt đối coi chủ nghĩa mình là chân lý, rằng đảng không thể sai, chỉ có dân sai thôi…

Tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu được viết ra không phải bởi trái tim chân thành của một cá nhân, mà được viết ra bằng ý thức chủ quan của kẻ cầm quyền… Trong tập này, chỉ bài thơ lục bát “ Việt Bắc” còn có thể gọi là thơ hay.

Lấy chính trị làm gốc, chứ không lấy trái tim làm gốc, thơ của ông từ “Việt Bắc “ đến “ Gió lộng” và các tập khác hầu như chỉ là vè, là tấu chính trị, toàn là thứ thơ dễ dãi, nôm na…

Quan niệm về tình yêu, về thi ca của Tố Hữu rất thô thiển, rất phi nhân, như khi ông nói với người yêu trong bài “Chào xuân 61”:

“Như buổi đầu hò hẹn, say mê

Anh nắm tay em, sôi nổi, vụng về

Mà nói vậy: "Trái tim anh đó

Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:

Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều

Phần cho thơ, và phần để em yêu..."

Em xấu hổ: "Thế cũng nhiều anh nhỉ!"

Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí

Dắt nhau đi, cho đến sáng mai nay”…

Trái tim con người đâu phải quả dứa mà Tố Hữu xẻ ra này phần của đảng nhiều nhất, phần của em ít nhất, phần anh dành cho thơ khá hơn một tí… Khi yêu đảng thì ông cũng phải lấy cả tim ra yêu, khi yêu vợ cũng phải lấy cả quả tim ra yêu, khi làm thơ ông cũng phải dùng cả quả tim rung động thì thơ ông mới hay được chứ? Hèn gì thơ ông dở vì ông chỉ dành cho nó một mẩu tim bằng cái móng tay. Vả, cái người đàn bà yêu ông hình như chỉ là cái máy, không phải con người, vì nếu là người đàn bà đang yêu, bà ta đòi ông cả trái tim cơ. Có bà nào chỉ được chồng bố thí cho tí tim bằng con kiến mà đã sướng run gật đầu thế…?

Xem ra Tố Hữu là người không hề biết yêu bất cứ thứ gì dù là đảng, dù là vợ, dù là thơ, vì trái tim ông chỉ là một cục đất sét…

Tố Hữu, nói cho cùng, là một nhà thơ không tim; nên ông mới viết bài thơ ca ngợi Stalin – kẻ giết người hơn cả Hitle:

Xin đọc bài thơ ca ngợi Stalin của Tố Hữu, để xem thơ của ông kinh hãi đến chừng nào khi ông khóc kẻ độc tài khát máu hơn khóc cha khóc mẹ mình:

ĐỜI ĐỜI NHỚ ÔNG

Bữa trước mẹ cho con xem ảnh

Ông Stalin bên cạnh nhi đồng

Áo Ông trắng giữa mây hồng

Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

Hôm qua loa gọi ngoài đồng

Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao

Làng trên xóm dưới xôn xao

Làm sao, Ông đã... làm sao, mất rồi!

Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!

Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười

Yêu con yêu nước yêu nòi

Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!

Ngày xưa khô héo quạnh hiu

Có người mới có ít nhiều vui tươi

Ngày xưa đói rách tơi bời

Có người mới có được nồi cơm no

Ngày xưa cùm kẹp dày vò

Có người mới có tự do tháng ngày

Ngày mai dân có ruộng cày

Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai

Ơn này nhớ để hai vai

Một vai ơn Bác một vai ơn Người

Con còn bé dại con ơi

Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!

Thương Ông mẹ nguyện trong lòng

Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con

Ông dù đã khuất không còn

Chân Ông còn mãi dấu son trên đường

Trên đường quê sáng tinh sương

Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng

Ngàn tay trắng những băng tang

Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời.

(5-1953)

Thơ như thế này là phi nhân, hay nhân bản?

Không tim, nên Tố Hữu mới ca ngợi Mao Trạch Đông, kẻ đã giết cả trăm triệu dân Trung Hoa:

“Mao trạch đông

Trán người cao lồng lộng

Đẹp như một ngọn cờ hồng

Trên mặt người mặt đất rộng mênh mông”

Không tim, nên Tố Hữu mới coi Việt Nam Trung Hoa không cần biên giới:

“Bên kia biên giới là mình

Bên đây biên giới cũng tình quê hương”

Ngay cả những bài thơ nổi tiếng của Tố Hữu như: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Ta đi tới”, “Ba mươi năm đời ta có đảng” cũng chỉ là những bài tấu, bài vè, rất ít câu thơ…

Tóm lại, từ một chàng trai yêu nước, yêu lý tưởng cộng sản, đi qua tù ngục, rất anh hùng, rất quả cảm, Tố Hữu trở thành nhà thơ cách mạng, thành người cầm quyền bị cái chủ nghĩa diệt cá nhân, diệt tư hữu, độc quyền ảo tưởng và lừa bịp tha hóa, biến ông thành độc ác, biến thơ ông thành công cụ chính trị, công cụ tuyên truyền. Đi theo cách mạng, theo đảng, Tố Hữu thành vong thân, ông không còn là bản thân thiện lành như xưa nữa, mà trở thành công cụ đàn áp, thành cái loa cho một thời đại không tim, như câu thơ chia tim thành ba phần cho đảng nhiều, cho thơ và em yêu chút chút mà thơ ông đã viết…

Trần Độ, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu… thảy đã đi con đường giống ông, họ cũng bị tha hóa như ông, vong thân như ông, nhưng họ đã sám hối; còn ông gây đau thương cho hàng bao người mà ông cuối đời vẫn quyết im lặng, không một lời hối lỗi… Ông đã đau đớn lắm khi nghe tin chủ nghĩa cộng sản sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới…

Sắp tới 100 năm ngày sinh Tố Hữu: 4-10-1920, người ta đang chuẩn bị xây tượng đài và nhà tưởng niệm cực lớn cho ông; dù tâm hồn ông, thi ca ông đã dần dà rời khỏi lòng dân và sẽ còn bị lịch sử phán xét. May mắn thay, vẫn còn tập thơ “Từ ấy” làm của ăn đường cho ông ở kiếp sau.,.

----------

(Viết thêm lúc 2 h 27 phút ngày 17-2-2020: Năm 1945 Tố Hữu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế, cùng với Nguyễn Chí Thanh bí thư tỉnh ủy đã ra lệnh thủ tiêu thượng thư Phạm Quỳnh, cha con cụ Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thân, bắt ngót trăm người yêu nước Quốc Dân Đảng rồi đem lên rừng thủ tiêu hết, trừ cụ Tôn Thất Tần sống sót vì biết dùng thuốc nam chữa bệnh cho các tù nhân cộng sản)

*.

Sài Gòn, ngày 16-2-2020

TRẦN MẠNH HẢO

Địa chỉ: Số nhà 220/22 phố Hồ Văn Huê,

quận Phú Nhuận, thành phố Sài Gòn

Email: hungdimy@yahoo.com

 

 

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: khoidinhbang@gmail.com, ngày 13.06.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

..  

1 nhận xét:

  1. Những bài viết thẳng thắn như thế này rất cần phổ biến rộng rãi tới bạn đọc!
    Cám ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo và chủ trang Đặng Xuân Xuyến đã giới thiệu bài viết hay với bạn đọc!

    Trả lờiXóa