(Nguồn ảnh: internet) |
TRẬN
CHIẾN TÀ-KÔNG-KRAO
Tôi đã dự tính kể về trận
đánh này theo đúng thứ tự thời gian trong cuộc đời quân ngũ, nhưng có một thông
báo của anh Phạm Sĩ Sáu( là nhà thơ Quân đội có tên Fb là Sy Sau Pham), trưởng
ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 4,sư đoàn 5 về việc hoãn lại cuộc họp
mặt hằng năm vào ngày 23-4-2020 vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, chúng ta phải
giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người. Hằng năm, anh em cựu chiến binh
trung đoàn chỉ họp mặt hai lần : ngày thành lập Quân đội 22-12 và ngày 23-4.
Ngày 22-12 thì ai cũng biết là ngày khai sinh ra Quân đội Nhân dân Việt Nam do
Bác Võ Nguyên Giáp làm trung đội trưởng, còn ngày 23-4 là ngày kỷ niệm riêng
của cựu chiến binh trung đoàn 4, sư đoàn 5.Đó là ngày đánh trận Tà-Kông-krao,
không phải là một trận thắng mà là một trận thất bại, một trận thua tan tác đã
để lại ký ức đau lòng, day dứt cho những người còn lại. Nói như lời của bác sĩ
Mai Cẩm Tú, chủ nhiệm quân y trung đoàn, người đã trực tiếp cấp cứu cho hằng
trăm thương binh ngày hôm đó: "Anh em mình gặp nhau hôm nay để thắp hương
tưởng niệm ngày giỗ của các đồng đội hy sinh ngày 23-4 nói riêng và các đồng
đội khác của trung đoàn đã hy sinh trong suốt 10 năm làm nhiệm vụ Quốc tế và
chỉ có ở đây, chúng ta mới có cảm giác trung đoàn mình tập hợp đông đủ nhất!".
Câu nói đã làm tôi rơi nước mắt, và địa điểm quen thuộc đó chính là Nghĩa trang
liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh. Ký ức đau buồn đúng 40 năm trước chợt ùa về…
Tà-Kông-krao là một phum nhỏ bỏ hoang (vì
dân chúng đã bị bọn lính Ponpot lùa đi hết) cách đường quốc lộ số 5 hơn hai cây
số về bên trái nếu đi từ Sisophon xuống, cách Sisophon khoảng 15 cây số,
"tiện ích" duy nhất ở Tà-Kông-krao là một hồ nước được đào theo hình
chữ nhật kích thước khoảng 40mét ×20mét, có thành hồ cao 2 mét, tích trữ nước
trong mùa mưa và là nguồn nước chính cả khu vực xung quanh.
Do ta giải phóng Campuchia thần tốc theo
đường quốc lộ ( cứ đánh theo các quốc lộ cho tới biên giới Thái mới thôi), nên
các vùng đất hai bên đường nhất là nơi có "tiện ích" như Tà-Kông-
krao không đủ lực lượng quản lý, chỉ vài tháng sau Ponpot đã tập kết làm căn cứ
với quân số khoảng một đại đội, từ đó, hằng đêm đưa quân tập kích các điểm đóng
quân của ta và gài mìn trên đường…
Ngày 27-3-1980, tôi được chọn là một trong
sáu chiến sĩ của trung đoàn 4 cử đi học lớp quân y sơ cấp do sư đoàn 5 tổ chức
định kỳ mỗi năm, khóa học của tôi là khóa thứ 25 tính từ khi trường quân y được
thành lập. Chưa đầy một tháng sau khi nhập học, một số anh em học viên theo xe
tải về phòng Hậu cần lấy gạo và thực phẩm cho trường Quân y đã cho biết có rất
nhiều thương binh của trung đoàn 4 được đưa về trạm phẫu sư đoàn, không đủ
giường nên phải đặt thương binh nằm dọc theo các hành lang bệnh viện… Tôi còn
nghe nói số hy sinh khoảng 40 đồng đội… Nguyên nhân tại sao?.
Có ý kiến cho rằng, trung đoàn 4 bị sui,
trùng hợp khi đang bao vây Tà-Kông-krao thì có một lực lượng 400 tên lính
Khơ-me đỏ di chuyển từ khu vực Biển Hồ đi ngang qua và chớp thời cơ bao vây
đánh phối hợp với nhóm trong căn cứ làm anh em vỡ trận. Nhưng có một ý kiến xác
đáng hơn, do chính người trong cuộc kể lại (tiểu đoàn 3 là tiểu đoàn chủ công
của trận đánh này): chiều hôm trước ở phum Sophi là địa điểm tập kết của tiểu
đoàn 3, cách mục tiêu khoảng 10 cây số, nhiều anh em đã ăn cơm ở nhà dân, đã có
chia tay từ giã các má nuôi, em nuôi… và kế hoạch quân sự đã bị lộ. Chúng đã
chuẩn bị từ trước, khi tập trung các khẩu đội cối với rất nhiều đạn trong căn
cứ, có một số nhỏ bộ binh ở lại để kiềm chế, còn lực lượng chính và một số tăng
cường thêm từ các khu vực xung quanh thì rút ra ngoài bao vây phía sau khi ta
đã áp sát và nổ súng. Ngay từ loạt đạn đầu, ta đã thương vong nhiều vì bị cối
bắn cấp tập với độ chính xác như đã hiệp đồng trước. Thảm họa đã xảy ra khi ta
buộc lui quân để tránh thương vong thêm, lính Ponpot bên ngoài đã xiết chặt
vòng vây, tiểu đoàn 3 và đại đội 1 của tiểu đoàn 1 vỡ trận. Liên lạc giữa tiểu
đoàn và trung đoàn bị cắt đứt, không có lực lượng dự bị cho tình huống xấu
nhất, những anh em còn sống chạy tản mát các hướng, lạc trong rừng, có anh em
đã hy sinh vì khát nước hoặc trong cơn mê sảng đã bắn vào đầu tự sát mà nhiều
ngày sau lực lượng đến hỗ trợ mới tìm được xác…
Hiện nay hầu hết anh em đã được yên nghỉ
tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh, một số liệt sĩ các tỉnh thành
phía Bắc đã được gia đình di chuyển hài cốt về nghĩa trang ở địa phương để tiện
việc thăm viếng, nên chỉ còn tên lưu trong danh sách ở nghĩa trang mà không có
bia mộ, một số anh em hy sinh sau ngày 23-4 là thuộc các đơn vị của sư đoàn 5 (có
5 trung đoàn), lực lượng đến hỗ trợ hy sinh vì mìn bẫy, vì bị phục kích khi tìm
các đồng đội thất lạc… Có lẽ vẫn còn một số liệt sĩ đã được an táng ở một nghĩa
trang nào đó mà đến giờ tôi vẫn chưa biết.
Bài viết này xin được tưởng nhớ đến các
đồng đội… .
*.
NGUYỄN ĐÌNH TẤN
Địa
chỉ: 49B, đường Cách Mạng Tháng
8,
Phường 17, quận Tân Bình, Sài
Gòn.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: huongmai8081@yahoo.com.vn ngày 26.05.2021.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét