(Nguồn ảnh: internet) |
VOV.VN: “KHÔNG
THỂ ĐỂ BÀ
NGUYỄN
PHƯƠNG HẰNG...” VÀ TÂM THƯ
CỦA BÀ
NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG
*
KHÔNG THỂ ĐỂ BÀ NGUYỄN PHƯƠNG HẰNG CHO MÌNH CÓ
QUYỀN XÚC PHẠM BẤT KỲ AI TRÊN MẠNG
VOV.VN - Giả sử những đối tượng bị bà Hằng vu khống mà không
tố cáo và khởi kiện thì cơ quan chức năng vẫn có thể đề nghị xử lý hình sự bà
Hằng theo Điều 331 BLHS.
Cái tên Nguyễn Phương Hằng đang nổi lên
thành một hiện tượng trên mạng xã hội với những màn livestream, phát trực tuyến
lập kỷ lục tới cả triệu người xem cùng lúc trên nhiều nền tảng với những màn
đấu tố, vạch trần thói hư tật xấu của một số nghệ sĩ nổi tiếng hàng đầu. Bà
Phương Hằng được một bộ phận khán giả tôn vinh như đại diện của công lý, người
hùng chống tiêu cực trên mặt trận văn hóa giải trí.
Vậy nhưng sự thật có hoàn toàn đúng như
vậy? Việc lợi dụng phát trực tuyến trên mạng xã hội công khai đả kích, xúc
phạm, thách thức một số cá nhân khác có phải là hành động hợp pháp? Cần chế tài
ra sao trước tình trạng dùng mạng xã hội phát tán các nội dung lệch chuẩn gây
mất trật tự xã hội?
Để có thêm góc nhìn về câu chuyện đang thu
hút sự chú ý đặc biệt của dư luận, phóng viên VOV có cuộc trao đổi với nhà báo
Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh.
Phóng viên: Thưa ông, sau buổi phát trực tuyến vào tối
25/5 vừa qua tạo nên “cú nổ” truyền thông lập kỷ lục 1,3 triệu người xem cùng
lúc trên các nền tảng mạng xã hội khi tố dàn sao showbiz Việt, bà Nguyễn
Phương Hằng đã cam kết với Sở Thông tin-Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh là sẽ không livestream để xúc phạm người
khác nữa. Thực tế, ngày 29/5, buổi livestream được hẹn trước của bà Hằng đã bị
hủy, nhưng sau đó bà này liên tiếp xuất hiện trên mạng xã hội để "bóc
phốt" nghệ sĩ một cách bóng gió, nhẹ nhàng hơn. Mới nhất, tối 10/6, bà
Hằng đã tổ chức buổi livestream với chủ đề “Đại hội vạch mặt” kéo dài hơn 2 giờ
đồng hồ, chính thức đánh dấu phần tiếp theo của màn khẩu chiến giữa bà chủ của
Công ty cổ phần Đại Nam với một bộ phận nghệ sĩ. Anh có bất ngờ trước sự trở
lại của bà Nguyễn Phương Hằng hay không?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi hơi bất ngờ trước sự quay trở lại của bà Nguyễn Phương
Hằng trong việc khẩu chiến, chủ yếu là từ phía bà Hằng, đối với các nghệ sĩ.
Tôi nghĩ rằng, câu chuyện như vậy đã làm
bận lòng rất nhiều người trong nhiều tháng qua, đã đến lúc nên dừng lại. Ít
nhất về mặt hành xử, nếu thêm nữa thành quá lố.
Tôi nghĩ là bà ấy đã dừng lại và cũng từng
nghe bà Hằng nói cuộc chiến đến đây là chấm dứt. Nên, khi bà Hằng quay trở lại
với màn khẩu chiến này, thú thực tôi hơi bất ngờ.
Phóng viên: Đã từng hứa là sẽ không livestream xúc phạm người
khác thế nhưng bà Hằng vẫn trở lại vào đêm 10/6 và có phần mạnh mẽ hơn với
những ngôn từ kiểu như “con quỷ đội lột người”, “con rắn độc”, “sát thủ không
hề tầm thường”…, phải chăng bà Phương Hằng đã “tiền hậu bất nhất”, thiếu tôn
trọng cơ quan chức năng?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây không chỉ là thiếu tôn trọng cơ quan chức năng mà tôi
còn thấy bà Hằng thiếu tôn trọng dư luận xã hội trong chuyện này.
Thứ nhất, khi bà Hằng hứa với Sở Thông
tin-Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh, sau đó lại chuyển địa điểm livestream
về Bình Dương, tức là nơi mà việc quản lý Nhà nước về thông tin-truyền thông
thuộc Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Bình Dương. Như vậy có thể thấy bà ấy muốn
lách qua lời hứa của chính mình.
Thứ hai, những ngôn từ bà Hằng sử dụng như
đã nói ở trên, dù có căn cứ tới đâu nếu những đối tượng bị bà này phê phán là
sai thì đối tượng đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, chứ bà Hằng không
thể nhân danh cái gì để mà lên án, ví von người này, người kia với những ngôn
từ mang tính miệt thị, nhục mạ như vậy.
Phóng viên: Có thể nói, lý do chủ quan khiến bà Phương Hằng
livestream trở lại đó là để "đáp lại" sự kỳ vọng của nhiều fan hâm mộ
đang rất thần tượng. Vậy nhưng “nhân danh” cuộc chiến thanh lọc showbiz Việt và
lợi dụng phát trực tuyến trên mạng xã hội để công khai đả kích, xúc phạm hay là
thách thức những cá nhân khác, trong nhiều trường hợp còn chưa đủ bằng chứng rõ
ràng, theo ông, có phải là hành động hợp pháp hay không?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây có 2 đối tượng bị bà Hằng xâm hại. Thứ nhất là những
nhân vật được trực tiếp nêu tên kèm theo sự miệt thị. Thứ hai là những cơ quan,
tổ chức nếu có, mà những người này tham gia làm việc hoặc là thành viên.
Bà Hằng vẫn nói rằng bà có chứng cứ, nhưng
ở đây, khái niệm chứng cứ bà Hằng hiểu có vẻ ngây thơ hay cố tình ngây thơ quá.
Chứng cứ phải là sự thật, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu thập theo
trình tự luật định. Ở đây, những điều mà bà Hằng coi là chứng cứ, thực ra có
những thứ là sự suy diễn cá nhân của bà này, khi chưa có bằng chứng rõ ràng,
không có chứng cứ pháp lý, có thể bị coi là vu khống. Người có hành vi vu khống
sẽ bị xử lý theo Bộ luật Hình sự 2015 đã quy định.
Giả sử những đối tượng bị bà Hằng vu
khống không tố cáo và khởi kiện thì cơ quan chức năng, cụ thể là công
an và sở Thông tin-Truyền thông 2 địa phương là thành phố Hồ Chí Minh và Bình
Dương vẫn có thể đề nghị xử lý hình sự bà Hằng theo Điều 331 BLHS về tội “Lợi
dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ
chức”.
Trong suốt một chuỗi livestream như vậy,
có những lúc bà Hằng không kiểm soát được ngôn từ, với sự cao hứng được đẩy lên
từ công chúng mạng xã hội, bà Hằng rất có thể đã hoặc sẽ phạm những sai lầm như
miệt thị người khác mà không có căn cứ vững chắc.
Phóng viên: Có ý kiến nhận xét, nhiều báo điện tử đã bám vào
hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, vô tình tôn vinh những hành vi không hợp pháp.
Xin hỏi quan điểm của ông?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Cá nhân tôi cũng coi việc bà Phương Hằng livestream với
lượng công chúng “khủng” như vậy, ở góc độ của người nghiên cứu về truyền
thông, tôi cho đây là hiện tượng đáng nghiên cứu khi một nhân vật tay ngang thu
hút được một lượng công chúng lớn. Nó cũng có một số chỉ dấu cho chúng ta
thấy một sự dịch chuyển công chúng hoặc dịch chuyển phương thức tiếp cận công
chúng của giới truyền thông.
Tuy nhiên, một số báo điện tử coi đây là
đề tài và bám theo nó, đẩy lên, khiến cho bà Hằng bị nhầm lẫn, dẫn tới những
lần livestream của bà này liên tục tăng cấp, với số người được nhắc tên nhiều
hơn, kết tội mạnh mẽ hơn, và có vẻ như bà này đã trượt xa với ranh giới giữa
việc thuật lại một sự thật với việc xúc phạm ai đó.
Phóng viên: Vậy theo ông, công chúng và cơ quan chức năng nên
có thái độ và ứng xử thế nào trước sự việc đang thu hút sự quan tâm rất lớn của
dư luận này?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Tôi nghĩ mọi việc đã bắt đầu từ việc Sở Thông tin – Truyền
thông Bình Dương cấp giấy phép họp báo cho bà Phương Hằng với sự xuất hiện của
100 Youtuber và 100 nhà báo. Khi đó bà ấy cảm thấy bà có quyền đưa những câu
chuyện ấy ra công chúng và tự nghĩ rằng mình là một người của công chúng, có
quyền hành xử như vậy.
Trong khi, lẽ ra nếu bà livestream trong
lần họp báo đầu tiên, tố cáo Võ Hoàng Yên, lẽ ra phải hướng dẫn bà ấy là nội
dung tố cáo phải làm đơn và gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không
phải đưa ra công luận những nội dung chưa được kết luận. Tôi rất khó hiểu với
giấy phép họp báo mà Sở Thông tin-Truyền thông Bình Dương đã cấp lần đầu cho bà
Hằng.
Thứ hai, việc quản lý về truyền thông cũng
phải thay đổi khi với những nền tảng mạng xã hội có nguồn gốc từ nước ngoài,
người ta không cần phải xin phép ai cả, vẫn có thể truyền tải tin tức và tương
tác trực tiếp với một lượng công chúng rất lớn như vậy, phải có cách nào đó để
kiểm soát, quản lý việc đưa thông tin đến công chúng để không xâm hại các lợi
ích của cá nhân, tổ chức hoặc xã hội.
Thứ ba, tôi nghĩ, các cơ quan chức năng
của Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh cần theo dõi và nghe lại những buổi
livestream này, nếu có dấu hiệu xâm phạm lợi ích cá nhân, tổ chức hoặc xã hội
mà được luật hành chính hay luật hình sự tuyên bố bảo vệ thì phải xử lý chứ
không thể để bà Hằng tiếp tục cho mình quyền được xúc phạm bất kỳ ai trên mạng
xã hội.
Phóng viên: Về lâu dài, chúng ta cần chế tài ra sao trước tình
trạng dùng mạng xã hội Facebook, Youtube tuyên truyền, phát tán các nội dung
lệch chuẩn, gây mất trật tự xã hội?
Nhà báo Nguyễn Đức Hiển: Ở đây có các chủ thể khác nhau nên cần có các phản ứng khác
nhau. Thứ nhất, cá nhân hoặc tổ chức nào cảm thấy mình bị xâm hại thì phải tố
cáo hoặc khởi kiện tại tòa án, khi bạn không dùng pháp luật để bảo vệ các quyền
và lợi ích của mình thì bạn đã tự để cho người xâm hại bạn mặc nhiên tung
hoành.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước phải
thấy rằng những hành vi vượt ra ranh giới đã xâm hại, đã rơi vào những quy phạm
bị cấm thì phải xử lý.
Thứ ba, về mặt lập pháp, việc quản lý
thông tin truyền thông hiện nay không còn như thời cũ khi người ta đã có thể
tiếp cận công chúng rộng rãi, tức thì, khó kiểm soát thì pháp luật cũng phải đi
theo để điều chỉnh cho phù hợp.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!./.
Hải Quân/VOV1
--------
TÂM THƯ GỬI TẤT CẢ QUÝ VỊ
CỘNG ĐỒNG MẠNG TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC
Nguyễn Phương Hằng tôi yêu cầu ra văn bản
cấm tôi livestream.
Quý vị thân mến! Nguyễn Phương Hằng tôi tố
cáo ông Võ Hoàng Yên vì ông ấy đã lường gạt dân chúng suốt 14 năm qua, xin thưa
là RÒNG RÃ 14 NĂM QUA. Một quá trình tìm hiểu và lật đổ bộ mặt dối trá
"thần tượng" đầu tiên này, tôi ngỡ ngàng ngạc nhiên phát hiện ra hàng
loạt những "thần tượng" khác cũng lường gạt, cũng ma mị và giả dối
không kém. Phía sau ông ấy là hàng loạt những nghệ sỹ, hàng loạt những
"người của công chúng, họ kết nối, cổ vũ, quảng cáo cho tên tuổi của Võ
Hoàng Yên. Nhưng khi tôi kêu gọi lên tiếng, thì không những không lên tiếng, mà
còn chửi rủa tôi, miệt thị tôi, đặt điều vu khống tôi, đưa tin sai lệch về tôi
và công ty tôi, muốn tôi câm miệng bằng mọi cách. Mạng xã hội thì công kích
tôi, báo chí thì im lặng, chực chờ khi tôi sai sót thì lên bài mừng rỡ như vỡ
trận. Đến khi tôi chứng minh được sự liên quan rõ ràng giữ H.L. với ông Võ
Hoàng Yên thì không những không muốn tin, mà có một bộ phận mù quáng bênh vực
rồi công kích tôi, hàng loạt nghệ sỹ và một số người chà đạp nhân phẩm tôi, xúc
phạm gia đình và con cái tôi, bóp méo mọi sự thật để hạ uy tín tôi bằng mọi thủ
đoạn.
Không dừng lại ở đó, hàng loạt báo chí
cũng im lặng một cách bất ngờ, nhưng khi có thông tin về bất kì một văn bản nào
bắt lỗi tôi, thì họ tung hô như được mùa. Quý vị ơi! Sáng hôm nay, báo VOV đã
đăng một bài báo "đòi xử lý nghiêm vì tôi livestream". Tôi thật sự
sốc và mất lòng tin. Họ nói tôi rằng tôi sử dụng những ngôn ngữ xấu xí để đả
kích người khác. Vậy hãy cho tôi hỏi: BAO NHIÊU NGHỆ SỸ TRÌNH DIỄN TRÊN SÂN KHẤU
NÓI LỜI PHẢN CẢM? Bao nhiêu vở diễn ăn nói tục tĩu, nếu không nói là quá trơ
trẽn - gọi là "hài dơ". Bao nhiêu người lên livestream Facebook tới
Youtube, từ Youtube tới Tiktok và hàng loạt những mạng xã hội để xúc phạm tôi,
để xúc phạm người khác, họ nói hàng ngày hàng giờ, họ tha hồ chửi bới tục tĩu,
họ muốn nói gì thì nói để bán miệng kiếm tiền, đã AI XỬ LÝ NGHIÊM CHƯA? Sao
không xử lý họ giúp tôi? Mà chỉ chăm chăm vào soi mói và bắt lỗi tôi TỪNG CÂU
TỪNG CHỮ? Tôi livestream có phải để quáng cáo để kiếm tiền không? Tôi được lợi
hay công chúng được lợi? Mà lại chỉ nhắm vào tôi?
Hàng triệu người thương mến tôi, ủng hộ
tôi vì vạch trần cái ác. Tôi nói ra, tôi bức xúc, tôi kêu gào, thi thoảng có
một vài từ ngữ lỡ lời thì bắt chẹt tôi, lên án tôi, phạt tôi? Rồi hả hê khi tôi
bị phạt. Còn khi tôi không nói ra, thì tôi phụ lòng tin của hàng triệu người kì
vọng vào tôi. Tôi không nói ra thì người dân tiếp tục bị lường gạt, bị ma mị,
đã khổ NGÀY CÀNG KHỔ, đã tin NGÀY CÀNG TIN vào những thứ tâm linh dối trá. Ai
được ai mất nhiều hơn khi tôi không lên tiếng? Có phải cả tôi và công chúng đều
bị dồn đến chân tường hay không?
Nếu vậy, tôi tha thiết yêu cầu có một văn
bản CẤM TOÀN BỘ những ai livestream tục tĩu thoá mạ người khác, cấm luôn những
ai lên tiếng nói vì lẽ phải, hoặc để ủng hộ người khác. CẤM HẾT! Như vậy mới là
công bằng. Còn nếu cảm thấy tôi là một người dân không lương thiện, cảm thấy
những gì tôi làm là vô nghĩa, cảm thấy không cần, thì hãy ra văn bản CẤM MỘT
MÌNH TÔI thôi. Tôi sẵn sàng im lặng và cứ để công chúng tiếp tục bị ma mị lọc
lừa.
Những gì tôi nói có hợp với lòng công
chúng không? Nếu không có giá trị thì tại sao hàng triệu người vẫn nghe tôi,
vẫn ủng hộ tôi? Có phải người ta chỉ muốn nghe những điều đúng không? Bởi vì
những gì tôi nói là sự thật, là THẬT NHẤT! Không cần phạt tôi nữa, hãy cấm tôi
nói!
Để không phụ lòng công chúng tin yêu tôi,
muốn tôi làm cho xã hội này sạch đẹp, thì đừng phạt tôi nữa, hãy CẤM TÔI NÓI.
Và kể từ sau khi cấm tôi nói, xã hội này sẽ trở về như trước, quyền lợi cho
công chúng, còn mất mát dành cho tôi.
Hãy ra văn bản cấm tôi livestream đi! Tôi
sẽ trả tất cả về với xã hội, trách nhiệm của tôi đến đây là đủ! Vì tôi cũng
biết mệt mỏi. Tôi cần sự ủng hộ, chứ tôi không cần những đả kích.
Hãy ra văn bản NGAY và LUÔN để cấm một
công dân Nguyễn Phương Hằng câm miệng, không được phát ngôn trước công chúng dù
đúng hay sai! Tôi sẽ chấp hành ngay lập tức! Tôi đang mong chờ điều này vì tôi
cũng quá mệt mỏi. Vì tôi đã là nạn nhân của bao nhiêu sự dối trá rồi, cho nên
tôi CŨNG CẦN IM MIỆNG! Bản thân công ty tôi, gia đình tôi làm thiện nguyện, cho
cũng bị chửi, không cho cũng bị chửi. Và tôi đã nhận được nhiều bình luận nói
rằng: NẾU KHÔNG CHO ĐỪNG TRÁCH BỊ CHỬI! Vậy thì cái xã hội này nó có loạn chưa?
Tự do ngôn luận theo kiểu bầy đàn, còn tôi chỉ có MỘT MÌNH. Vậy thì chính nghĩa
nằm ở đâu? Đây là chân lý hay dồn tôi vào chân tường? Thế thì tôi sẽ không cho,
cứ chửi đi! Tôi dùng toàn bộ số tiền lợi nhuận này cho nhân viên của tôi, vì đã
ép tôi vào tới đường cùng! Thế thôi!
Sau bài viết này, tôi chờ công văn mới
nhất là hãy cấm tôi nói và phát sóng trực tuyến! Tôi xin chấp hành và không có
bất kỳ một ý kiến nào!
Nguyễn Phương Hằng
--------
Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=155244063318091&id=101590748683423
-
ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang
Đặng Xuân Xuyến)
.
Nguyễn Phương Hằng - Người "một mình giữa bầy thú" cất tiếng nói trung thực, can đảm, đã ghi dấu ấn vào một thời kỳ cái ác lên ngôi bá đạo, hoành hành nhũng nhiều chúng sinh.
Trả lờiXóaChép từ trang facebook của nhà giáo Chu Mộng Long
Xóa29 tháng 5 lúc 20:04 ·
HOÀNG ĐẾ CỞI TRUỒNG
Xứ Lĩnh Nam trong cái thời đại thánh ca cứ ra ngõ là gặp hoàng đế. Lĩnh vực nào cũng có hoàng đế: ông bà hoàng bất động sản, ông bà hoàng nước giải khát... cho đến nữ hoàng quần lót. Riêng giới nghệ sỹ thì đẻ ra đủ loại hoàng, từ ông bà hoàng nhạc rock, nhạc pop, nhạc bolero cho đến... các vua hề.
Hoàng đế là thiên tử, con Trời. Ngày xưa mỗi quốc gia chỉ có một. Ngày nay có lẽ Trời nổi máu dục hết cỡ nên đẻ ra hoàng đế nhiều như lợn con!
Đã là con Trời thì chỉ có mẫu mực về văn hoá, đạo đức. Cho nên con Trời thời nay cũng mũ áo xông xênh đi làm từ thiện. Dân vùng thiên tai nhận được một túi quà, mấy trăm ngàn thôi là đã phải đội ơn Trời, mặc dù tiền quà đó không phải của con Trời mà dân cuồng tín các con Trời gửi.
Mấy hôm nay chị Hằng tức ứ máu vì cái đám nhân danh con Trời ấy. Tức nhất là chúng nhân danh đạo đức, văn hoá lột truồng chị bằng trò lu loa bêu riếu chị bị động dục cuồn cuộn khi uống nhầm thuốc của Thần y. Đã thế thì chị lột truồng chúng ra cho bõ tức. Reng trả reng, kẹc trả kẹc...
Sự kiện lớn nhất năm 2021 là thiên hạ vừa được xem Trăng máu vừa được xem các con Trời cởi truồng. Vui đáo để. Trên đời không còn gì vui hơn. Nhờ vui mà chống được đại dịch!
Đại văn hào Đan Mạch Andersen có truyện nổi tiếng Hoàng đế cởi truồng. Hoàng đế nọ vì thích khoe bộ quần áo gọi là "đẹp xưa nay chưa từng có" mà cứ nhồng nhỗng ra phố trình diễn thời trang. Vốn cái anh hoàng đế ấy bị hai gã thợ may lột truồng mà không biết mình bị lột truồng, vì cứ nhầm tưởng do cái tâm của mình có vấn đề nên không thấy nó đẹp. Đến khi thằng bé hồn nhiên thốt lên: "Coi kìa hoàng đế cởi truồng!", cả đám đông tỉnh ra hết ngộ nhận thì vua mới biết mình cởi truồng. Khi tự biết thì đã lộ hết "bí mật quốc gia"!
Chuyện chị Hằng lột truồng các vua hề hao hao như thằng bé dám nói to sự thật trong truyện, chỉ khác là chị nổi giận đùng đùng chứ không hồn nhiên. Trong khi ngược lại, chính mấy thằng bé Cuội thời nay lại cả quyết rằng bộ quần áo của các hoàng đế đẹp thật, còn chị Hằng kia dám lột truồng hoàng đế là vô văn hoá!
Thương nhất là các chú Cuội thi nhau giải cứu vua hề bằng đủ các trò, nào tâm thư, nào huyết thư trào nước mắt và máu. Có đứa còn đeo mặt nạ dân chủ nhưng lại kêu gọi nhà trời phạt méo mặt chị Hằng để các vua hề có cơ hội mặc lại quần áo mà tiếp tục... lừa thiên hạ.
Dân gian năm nay có thơ rằng: Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/Chán váy chị Nguyệt chui qua quần Trời... Lỗi tại chị Hằng không cho tiền để các chú Cuội tiếp tục núp váy! Đáng nói là nhà trời, dù bụng chẳng thích gì Cuội nhưng vì lâu nay cũng đeo mặt nạ đạo đức, văn hoá rởm nên rất sợ đến lượt mình bị lột truồng. Đó là lý do nhà trời phải hô hoán lên đòi xử phạt để răn đe chị Hằng, chặn sớm để không tạo tiền lệ có kẻ học tập chị bắc thang lên lột luôn quần Trời.
Chu Mộng Long
Chép từ facebook của Hoàng Trung Quân
XóaCách đây 8 giờ ·
ĐÔI LỜI NHẮN GỬI MỘT SỐ NHÀ BÁO VOV!
-------------
Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết cách nay 74 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi các đối tượng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh là “bọn thứ ba”, chỉ biết “theo gió bẻ buồm, không có khí khái”, “thái độ thứ ba, ai mặc kệ ai”. Người khẳng định: “Đó là thái độ của những đảng viên và cán bộ ươn hèn, yếu ớt”.
Trở lại vấn đề gây sự thu hút của đông đảo các tầng lớp nhân dân gần đây, đó là câu chuyện của chị Phương Hằng live stream bóc mẽ, lột mặt nạ của lang băm Võ Hoàng Yên và một số nghệ sĩ. Không ai phủ nhận là đôi khi ngôn từ có hơi phản cảm, chưa thật sự chuẩn mực. Thế nhưng khi con người ta quá bức xúc vì bị lừa gạt, xúc phạm thì sự bình tĩnh, kiềm chế trong lời ăn tiếng nói cũng khó mà vẹn toàn. Chị Phương Hằng cần rút kinh nghiệm việc này và báo chí cũng cần lên tiếng góp ý, nhắc nhở chị ấy. Đương nhiên, việc góp ý không đồng nghĩa với quy chụp, kết tội vô căn cứ!
Cái mà dư luận quan tâm nhất là tại sao báo chí, truyền thông chính thống không hề có nổi một bài viết để định hướng dư luận, đấu tranh để chỉ ra cái sai, cái xấu mà những Võ Hoàng Yên, Hoài Linh, Trấn Thành, Trang Khàn, Hồng Vân, Phi Nhung hay Vượng Râu, Hồ Quang Tám, Tuấn Khanh...mà chỉ biết chỉ trích, chụp mũ và đòi xử lý chị Phương Hằng. Đấy có phải là cách đấu tranh, định hướng đúng của các bạn? Cứ cho rằng đôi lúc chị Phương Hằng nói chưa chuẩn mực, các bạn phê phán là đúng. Thế nhưng việc tố cáo, vạch mặt bọn lừa đảo kia, tại sao các bạn không bảo vệ, không khuyến khích, không động viên, nhắc nhở, góp ý để chị ấy làm tốt hơn?
Việc một số người quá khích đánh sập trang VOV là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm nhưng không vì thế mà đánh đồng những người đó với đông đảo quần chúng nhân dân phản đối hai bài báo lệch chuẩn của VOV. VOV thay vì chỉ biết hằn học, ăn thua với chị Phương Hằng và những người phản đối mình thì nên tự ngồi với nhau mà tự phê bình và phê bình. Tự vấn lòng mình là tại sao các bạn là báo chính thống trực thuộc Đài Tiếng nói Việt Nam mà lại bị chính nhân dân Việt Nam đánh giá thấp, xếp hạng 1 sao? Tại sao mình không được nhân ủng hộ khi chỉ biết tấn công chị Phương Hằng mà lờ đi bọn lang băm, nghệ sĩ lừa đảo, mạt hạng kia? Qua vụ việc này, mọi người nên kiềm chế, phản bác những quan điểm sai trái, bài viết lệch chuẩn của VOV chứ không nên quy chụp cho tập thể báo và Đài Tiếng nói Việt Nam! Thế mới là công dân chân chính!
Tôi tin rằng, nếu các bạn công tâm, khách quan, trung thực để định hướng tốt cho dư luận, đấu tranh loại trừ cái xấu, cái ác, cái phản cảm thì nhất định nhân dân sẽ theo dõi, ủng hộ tuyệt đối! Báo chí có sức mạnh ngàn cân trong công cuộc trừ gian, diệt bạo, phanh phui tiêu cực! Thế mới là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chứ vào hùa hay viết phiến diện, một chiều thì sớm muộn cũng sẽ bị chính nhân dân tẩy chay, xa lánh. VOV nên tự nhìn lại mình, tự sửa mình trước khi nói về luân lý, đạo đức./.
----------------
Lão chăn bò