LUẬN VỀ TRIỀU ĐẠI HAI VUA KẾ TỤC TRIỀU ĐẠI VUA HÙNG - Tác giả: Lê Nghị (Khánh Hòa)

Leave a Comment

 

Đền thờ Triệu Đà (xóm Đồng Xâm, Hồng Thái, Kiến Xương, Thái Bình)

LUẬN VỀ TRIỀU ĐẠI HAI VUA

KẾ TỤC TRIỀU ĐẠI VUA HÙNG

*

1. Phần tham khảo trợ giảng (dành cho người lớn)

Triều đại hai vua kế tục triều đại vua Hùng là An Dương Vương Thục Phán, kế tục An Dương Vương là Triệu Vũ Đế Triệu Đà.

(Tác giả Lê Nghị)

Hai vị vua này từ trước đến đời nhà Lê xếp triều chính thống ở nước ta. Sử gia triều Nguyễn có đặt nghi vấn nhưng vẫn xếp vào triều chính thống. Học giả Đào Duy Anh 1957 cho Triệu Đà xâm lược ngược với Trần Trọng Kim trước đó 1929 cho là triều yêu nước.

Đến nay vẫn còn tranh cãi. Người soạn thấy rằng đã là sự kiện quan trọng nên không thể bỏ qua. Người soạn thiên về ý kiến của các sử gia đời trước vì thời đại họ ở gần hơn, nhiều tư liệu họ nắm được nhưng nay thất lạc do nhà Minh đã cho gom tất cả sách vở nước ta đem đốt hết nhằm xoá bỏ dấu tích cội nguồn lịch sử dân tộc Việt để dễ dàng đồng hoá.

Mặt khác dựa vào sử sách thì An Dương Vương chỉ hợp nhất hai bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt vốn cùng một gốc Âu Cơ - Lạc Long Quân, nên không thể nói An Dương Vương xâm lược mà là cuộc sáp nhập nội bộ. Cũng không thấy mô tả cuộc chiến giữa An Dương Vương và vua Hùng, có thể là sự bàn giao hoà bình.

Sử Hán có thừa nhận tướng Đồ Thư của Tần Thuỷ Hoàng có xâm lược và bị đánh bại tại Tây Âu, tức vùng đất Quảng Tây, vốn là quê hương của tộc Âu Việt chứ chưa xâm phạm đến vùng Lạc Việt của Văn Lang.

Mặt khác Triệu Đà tuy có đi lính và làm tướng nhà Tần nhưng chỉ đóng quân Phiên Ngung Quảng Đông vùng của xứ Bách Việt ngoài phạm vi lục quốc của Trung Hoa. Khi Hán - Sở đánh Tần, rồi Hán - Sở tranh hùng ông cũng án binh bất động. Việc này Nguyễn Du có nhắc tới trong bài Triệu Vũ Đế cố cảnh, khi ông đi sứ Trung Hoa ghi trong Bắc Hành Thi Tập.

Việc Triệu Đà chiếm nước Âu Lạc cũng tương tự An Dương vương chiếm Văn Lang, thực chất là tranh chấp nội bộ của xứ Bách Việt. Cũng chẳng có bằng chứng Triệu Đà giết An Dương Vương. Có thể An Dương Vương không có con trai nối ngôi, lúc đó vua đã trên 72 tuổi, già yếu nên nhượng, vì sau đó không có cuộc khởi nghĩa nào chống Triệu Đà. (Khác với nhà Hán khi xâm lược Nam Việt, triều đình và xứ Âu Lạc cũ kháng chiến kéo dài hơn 6 tháng)

Sau sáp nhập, Triệu Đà mới thành lập nước Nam Việt và đóng đô ở Phiên Ngung. Chính sách cai trị của Triệu Đà là ổn định hành chánh, giữ nguyên người Âu Lạc quản lý đất của mình, khai khẩn vùng đất hoang Việt Thường phía nam Âu Lạc, mở rộng ngoại thương, chăm lo dân giàu nước mạnh, nhà Hán không dám xâm lược. Hán sử cũng ghi nhận thời nhà Triệu không có loạn lạc.

Ông xưng Vũ Đế, Đế là danh xưng của người đứng đầu một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Truyền thống nước Tàu chỉ có một đế, còn lại chỉ phong vương. Đến nay khai quật cho thấy con dấu đời cháu ông vẫn là Văn Đế, cho thấy Hán sử ghi ông dâng thư tạ tội xin thần phục chưa thể tin, mà nếu có chỉ là biện pháp ngoại giao. Sử sách nhà Triệu bị nhà Hán đốt hết để che giấu lịch sử nhưng ấn tích còn đó. Khi nhà Hán làm khó không cho dân 2 nước giao thương, ông chủ động tiến quân cảnh cáo nhà Hán. Nhà Hán phải xuống nước năn nỉ rút quân và mở lại giao thương. Nước Nam Việt độc lập gần 100 năm.

Ông cũng kết thông gia với vua Mân Việt cũng là xứ Bách Việt trước, không thuộc Trung Quốc thời đó, nằm ở Bắc nước Nam Việt.  Điều này tương tự liên minh với Âu Lạc nhưng Triệu Đà không có hành vi xâm lăng Mân Việt.

Riêng ý kiến người biên soạn: Dù tranh cãi gì chăng nữa thì từ thời điểm Tần Thuỷ Hoàng thống nhất Trung Hoa, sau đó đến nhà Hán giành ngôi nhà Tần, trước năm 111 TCN vùng đất Lĩnh Nam- Bách Việt không thuộc Trung Hoa. Thừa nhận An Dương Vương mà loại Triệu Đà là mâu thuẫn trong việc xếp triều. Dù Triệu Đà gốc người phía Bắc, nhưng triều đình là người Bách Việt. Ông theo phong tục người Việt tức ông đã Việt hoá như nhà Tiền Lý, nhà Trần và hàng loạt danh nhân khác sau này. Dân tộc Việt là những người cùng sống trong cùng lãnh thổ một quốc gia, cùng sử dụng tiếng Việt, cùng lo chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Những ý kiến cho Triệu Đà có tham vọng cát cứ là áp đặt, không có cơ sở khoa học lịch sử. Cát cứ là khái niệm chiếm giữ một phần lãnh thổ của một quốc gia đã có trước. Ví dụ loạn 12 sứ quân nước ta mới gọi là cát cứ, vì trước đó các phần lãnh thổ bị chiếm giữ riêng đã là của một quốc gia dưới sự quản lý của Ngô Quyền. Ý kiến cho Triệu Đà theo phong tục Việt để mị dân cũng là suy diễn áp đặt, vì không ai có thể biết lòng người, chỉ nhìn vào hành vi mà đánh giá mới khách quan. Cố ý tách Nam Việt ra khỏi lịch sử Việt là trái với tiêu chí trung thực. Cố ý viện dẫn xuất thân của một công dân mà bỏ qua công lao của người đó là  trái với tiêu chí nhân văn.

Cả hai đời vua đều lo chống ngoại xâm phương Bắc: Tần và Hán, ngay cả Hán sử cũng đã ghi nhận.

 

 2. Bài học: (dành cho trẻ em)


Luận sử sách ắt nhiều ý kiến
Đây lấy theo quan điểm thông thường
Nhà Thục kế tục Hùng Vương
Nhà Triệu tiếp nối một đường chung lo
Đất nước được dân no binh đủ
Bởi lăm le binh sự ải ngoài
Phải khi sáp nhập đổi ngôi
Thuận lòng dân thuận thế thời phải thay
Khác với kẻ dài tay ăn cướp
Trải ngàn năm Bắc thuộc sau này
Thục - Triệu xét có công dày
Tâm can riêng giữ đất này thiên thu (1)
Nước Âu -Lạc xem như chính sử
Nam Việt xưa sao cứ phân vân ?
Triệu Đà vốn lính nhà Tần
Phiên Ngung đô chọn lại gần bắc phương !?
Song xét Triệu xưng vương khởi phát
Ấy là khi Tần mạt Hán hưng
Không vì chúa cũ gian hùng
Không tin Tây Bắc thương vùng Lĩnh Nam
Hợp sức chống lòng tham vô đáy
Sẽ gây ngày máu chảy đầu rơi
Tiếc thay hậu duệ suy đồi
Trăm năm gầy dựng để rồi trắng tay
 
*******************


Trần sử gia trọng ngài tài đức (2)
Tôn Triệu Đà chính bậc minh quân
Sống trên trăm tuổi xa gần  (3)
Lân bang kính nể thần dân tôn sùng
Xét Thục- Triệu đều cùng một chí
Đem Dũng - Nhân ngăn trị bạo tàn
Kế thừa tinh tuý Văn Lang
Xếp triều chính thống nối hàng: phục thay
 

3. Ghi chú (dành cho trẻ em)

(1) Thục Phán người Âu Việt, quê hương Âu Cơ kế nhiệm vua Hùng tộc Lạc Việt của nhà nước Văn Lang, cải tên nước thành Âu-Lạc.

(2) Triệu Đà nhập Âu Lạc vào vùng Bách Việt rồi mới xưng đế đặt tên Nước Nam Việt. Cả hai triều trị nước khác xa chính sách nô dịch của phương Bắc sau này.

(3) Lê Văn Hưu sử gia chính sử đầu tiên của Việt Nam thời Trần, chủ biên bộ Đại Việt sử ký, là bộ sử đầu tiên của nước ta. Quan điểm không phân biệt nguồn gốc xuất thân, tiêu chí tài đức, lo cho dân cho nước.

(4) Triệu Đà thọ 103 tuổi, trị vì 70 năm, làm vua không tài đức không thể sống và cầm quyền lâu như vậy. Xưa nay chính sử thế gian chưa từng có một người thứ 2.

*.

LÊ NGHỊ

Địa chỉ: Số nhà 120/72A, Nguyễn Thiện Thuật,

thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Email: lilinghecr@gmail.com

 

 


 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật từ email: phudoan56@gmail.com ngày 05.07.2021

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét