DẤU CHẤM, DẤU PHẨY TRONG THƠ - Tác giả: Vương Cường (Nghệ An)

Leave a Comment

DẤU CHẤM, DẤU PHẨY

TRONG THƠ

*

(Tác giả Vương Cường)

Năm 1985, khi chuẩn bị làm tuyển tập thơ Việt Nam (1945 - 1985) nhà thơ Quang Huy gọi cho tôi, em mang ra cho anh mấy bài thơ viết về chiến trường được giải ấy để anh chọn một bài. Tôi vội phóng xe từ cơ quan, mang theo 4 bài thơ. Khi tôi đưa bản chép tay cho anh, lướt qua một lượt, bỗng anh hốt hoảng kêu lên: bỏ dấu phẩy đi em ơi! Không phẩy đã là ghê người rồi còn phẩy nữa, em bày ra rõ ràng quá từng món thế này, kinh ghê lắm.

Câu anh Quang Huy nói như sau: "Phút đói khuỵu chân ngủ ngồi, ngủ đứng/ Phút bới tìm xương, thịt bạn đem chôn". trong bài Anh mang về cho em. Câu đầu thì không sao, nhưng đến món xương phẩy (,) thịt đồng đội tôi thì anh không chịu được. Tôi bảo, em quên, quen tay phẩy sai rồi anh ạ. Thế là tôi bỏ dấu phẩy ấy. Câu thơ đúng bản gốc là: Phút bới tìm xương thịt bạn đem chôn.

Năm 1969, khi Bác Hồ mất, trong bài thơ, Chảy cùng nước mắt của nhà thơ Thạch Quỳ có câu: Tiễn đưa trong tiếng súng gầm/ Nước chưa hết giặc, Bác nằm có yên. Theo anh Thạch Quỳ kể trên báo văn nghệ, anh mang hai câu ấy, hỏi các nhà thơ, nhà văn bạn anh mà anh cho là nhạy cảm nhất: cuối câu thơ đó nên để dấu chấm hỏi (?) hay dấu chấm than (!). Kết quả, nhà thơ Xuân Quỳnh trả lời đúng theo anh Thạch Quỳ, khẳng định cái duy nhất của dấu chấm. Nhà văn Trần Thùy Mai viết thư cho anh Thạch Quỳ:... Nguy quá, em quá run. Ban đầu em định đặt dấu chấm hỏi (?) Nước chưa hết giặc, Bác nằm có yên? Nhưng em nghĩ, nếu đơn giản vậy thì tại sao lại nhiều người nói sai và cãi nhau. Hay là nó thế này: Nước chưa hết giặc, Bác nằm có yên...?! Thôi anh Quỳ ơi, em xin tình nguyện thi rớt chứ cuộc thi này kinh khủng quá!

Kinh khủng thật! Trong văn học hay cả trong giao tiếp dấu chấm, dấu phẩy có giá trị rất lớn. Nó làm cho ý nghĩ, thông tin rõ ràng, chính xác, đúng ý người muốn truyền tải. Ngoài lời ra hay đúng hơn dấu chấm, dấu phẩy còn mang nguyên cảm xúc và truyền cảm xúc đó cho người đọc để họ cảm nhận gần giống với người viết. Khi Nguyễn Du viết: Đau đớn thay phận đàn bà! Nếu không có dấu chấm than sau câu thì sao nhỉ? Tôi cảm thấy câu thơ bị mất đi một nửa!

Nhưng rồi, cái quan trọng của dấu chấm, dấu phẩy cứ theo tôi đi suốt đến giờ. Nếu không có thiên nhiên và các mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, con người với con người trong việc tìm cái ăn, cái mặc... liệu có thơ không? Thơ tất nhiên phải phản ánh các mối quan hệ đó, hay đúng hơn các quan hệ đó đã làm xuất hiện buồn, vui, hờn giận... trong thế giới Người mà thơ hướng tới. Nhưng tình cảm thoát ra bằng các thi ảnh, đã qua cảm nhận của nhà thơ, nó không còn nguyên xi nữa.

Nếu không có bờ, liệu có ao, hồ, sông, suối, biển… không? Trong thực tế, ai cũng biết là không. Tôi liên tưởng các dấu chấm, dấu phẩy như những cái bờ ấy. Nó phân định được các khái niệm chính xác. Nhưng nói sông, suối thì ta nghĩ ngoài bờ ra nó phải dài, biển phải rộng, khác với ao, hồ. Những ao, hồ, sông, suối...khi đã thành tâm thức trong trí óc và trái tim nhà thơ thì một mặt nó vẫn ao, hồ, sông, suối...mặt khác nó được tái tạo lại không còn như nó vốn có. Nó đã được nhận thức qua cảm xúc của nhà thơ đang hướng về phản ánh các trạng thái tình cảm trong mối quan hệ Người rồi. Đôi ta lên thác, xuống ghềnh/ Em ra đứng mũi cho anh chịu sào; Trăm năm dù lỗi hẹn hò/ Cây đa, bến cũ con đò khác đưa (ca dao Việt Nam); Anh không xứng là biển xanh (Xuân Diệu); Chỉ có biển mới biết/ Thuyền đi đâu, về đâu (Xuân Quỳnh); Sóng vỗ tràng giang buồn điệp điệp (Huy Cận)...vv...vv. Thác, ghềnh, con đò, biển, thuyền, sóng... đâu còn nguyên nghĩa nữa. Những danh từ này đều định nghĩa được trong thực tế. Ấy mà khi nó vào thơ thì không một nhà từ điển nào định nghĩa được!

Trong nhiều trường hợp, với thơ, tôi lại thấy, các dấu chấm, dấu phẩy có khi làm cho câu thơ bị đóng khung lại mà bản chất thơ là tràn. Các dấu chấm, dấu phẩy giống như bờ ao, hồ, sông, suối cụ thể trong thực tế. Nhưng thơ giống như khi mưa lũ băng đồng, không còn bờ để mà phân biệt rõ ràng được nữa. Ngôn ngữ thơ vừa như rõ ràng vừa như không thể rõ ràng được. Có lẽ đó là lý do mà một bài thơ mỗi người đọc một cách vì bản chất thơ là đa nghĩa, đa tình. Khi tôi nhận lời viết giới thiệu cho tập thơ đầu tay Kiều Mây của tác giả trẻ Huỳnh Thuý Kiều, tôi phải đọc kỹ, cố gắng hiểu ý tác giả. Đến giờ tôi vẫn bị ám ảnh bởi mấy câu thơ: Quầy cau trắng nghiêng sương miền tóc mẹ/ Sóng dập dềnh chao điệu lý xàng xê/ Hò cống liêu ai cười, ai nói? Hoa mù u lọt thỏm bóng chiều. Với tôi, đây là những câu thơ rất đẹp, rất Nam Bộ và chảy tràn bờ. Tôi băn khoăn về dấu hỏi ở câu: Hò cống liêu ai cười, ai nói? Cái dấu hỏi này làm cho câu thơ bị be bờ, cụ thể hoá ngăn cản sự tràn mà tôi đang nói.

Tôi định gọi cho tác giả nói ý mình, nếu tác giả nghe được thì câu thơ còn vọng xa hơn. Nhưng rất tiếc, tôi không liên lạc được mà sáng sớm mai tôi đã đi công tác xa rồi. Khi về sách đã ra, đến giờ tôi vẫn băn khoăn, nếu không có dấu hỏi kia liệu câu thơ có hay hơn không?

*

VƯƠNG CƯỜNG

Địa chỉ: Khu TT Phương Mai, phường Phương Mai

quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.



 

 

 

…………………………………………………………………………

- Cập nhật từ messenger facebook Trần Hải Sơn ngày 21.03.2021.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

0 comments:

Đăng nhận xét