NỖI
KHỔ TẶNG THƠ
Mình
không dám tặng thơ cho ai, trừ trường hợp hai thằng bạn đặc biệt. Thằng A như
nó thường giới thiệu là văn nghệ sỹ tỉnh X; thằng B chữa xe đạp mấy chục năm,
nay chữa xe máy vỉa hè Hà Nội. Thời chiến tranh cùng đại đội với mình, cả ba
học các trường đại học khác nhau nhưng chung gốc Bách Khoa, đều thương binh.
Đứng trước cái khó, nếu không tặng thì chúng nói như chọc vào tai, kiểu, “chưa
đi đến đâu, đâu nha”, “bài học lịch sự tối thiểu mà cũng không biết”. Nếu tặng,
có thể còn... bị chúng mắng mỏ, dạy dỗ khó chịu lắm. Cân nhắc, lăn tăn rồi liều
tặng. Phải “lập mưu” bằng cách mời chúng uống bia hoặc café. Khốn khổ, hôm ấy
thằng A ra Hà Nội chơi, hai thằng lại không ngồi chung chiếu được nên phải mời
hai lần. Tưởng làm thế để tạo cơ hội, khi chúng vui nhất thì... tặng! Nhưng nào
có được đâu.
Vừa
mở miệng nói tặng, thằng A bảo, có lục bát không? Không. Cai 30 năm rồi. Thế đi
chỗ khác chơi. Người làm thơ mà không viết được lục bát thì nói làm gì. Chưa
đọc cũng biết rồi. Ngay có lục bát mà sai vần, sái vận tao cũng vứt, thơ như
thế là chưa sạch nước cản, hiểu không? Thử thách lớn nhất của người làm thơ là
có biết làm thơ lục bát đúng vần, đúng điệu không. Hàng trăm, thậm chí hàng
ngàn năm lục bát là tiếng lòng là hồn vía người Việt. Đừng quên điều đó nha.
Những nhà thơ nổi tiếng suốt từ những năm 1930 đến nay đều có thơ lục bát. Mình
bảo, thế mày tưởng thi pháp thơ đứng yên và chỉ có lục bát thôi à. Cho có n thế
loại thì tập thơ không có bài nào lục bát, coi như chưa biết làm thơ. Nguyễn Du
thiên tài và Nguyễn Bính sống mãi nhờ làm thơ lục bát đấy. Ông Tố Hữu là nhà
thơ lớn, chính lục bát làm cho ông trở nên vĩ đại đó. Trên giá sách tao, không
có tập thơ nào không có ít nhất một bài lục bát. Tao mở tập thơ thì việc đầu
tiên xem có lục bát không. Khi ấy mới mua, mới đọc. Trên giá tao sắp xếp theo
thứ tự ưu tiên. tập thơ nào nhiều lục bát thì đừng trước, ít thì đứng sau để
cho dễ tra cứu khi cần. Thơ phải thế. Thơ là thế, là lục bát, hiểu chưa? Thôi
qua đi, nói chuyện ngày xưa đánh nhau cho vui, chứ nói chuyện thơ thẩn với mày
thì... tao sợ mất bạn. Nó lảng sang chuyện khác, uống nước đi, dạo này có vết
thương nào nổi dậy không... (Ra điều, mày biết gì thơ mà nói cho mất thời
gian).
Với
thằng B, hắn nói, có lục bát không đấy. Mình bảo, có, Nó nói, đi chỗ khác chơi.
Phả hồn qua ngôn ngữ vào bản nhạc dân gian có sẵn, xưa rồi nha. Thơ lục bát là
do người ta đặt ra, ép vần, ép điệu, khuôn khuôn, khổ khổ, ngoài thơ. Vì nó phù
hợp với bình dân và thực tế thơ lục bát là thơ bình dân. Mày chỉ tao xem trên
đời này có hai cái lá giống nhau đi? Không có đâu. Vậy sao thơ mày và thơ tao
lại chung khuôn để nó na ná nhau à? Nhà thơ trước thiên nhiên và con người, với
quá khứ, hiện tại và tương lại trong khoảnh khắc nào đó, vì lý do nào đó gây
cho họ sự rung động mạnh trong hồn. Họ tìm thấy ngôn ngữ nói lòng mình và chia
sẻ với người khác. Nếu sự rung động đó bắt đầu lại vang lên đã bị những vần
điệu lục bát quyến rũ thì chính bài thơ đó đã bị mắc vào lưới rôi. Bài thơ đó
đã đi từ cảm xúc qua trung gian là thể loại, làm thơ mà còn loay hoay tìm vần,
tìm điệu, tìm thể loại cùng lắm thì tạo ra bài thơ gián tiếp, thế là đã chậm
một nhịp rồi. Nhà thơ không ra khỏi khuôn khổ trong khi cuộc đời phải vượt qua
khuôn khổ thì thơ khó lòng diễn đạt đến tận tâm can, khó lòng đạt tới sự khác
biệt. Sự khác biệt là một giá trị mới trong thơ. Giá trị đó là cái vân tay
chứng nhận thơ của mỗi người trong đóa hoa thơ của cả một dân tộc. Thơ vốn tự
nhiên, không phải từ ngoài vào mà phải từ trong ra. Đời sống kinh tế đã khác,
khác vì cá nhân được tôn thờ, chỉ có cá nhân mới đủ quyền góp vào nền kinh tế
thị trường. Khoa học công nghệ đã khác, nó không chỉ thành lực lượng sản xuất
trực tiếp mà còn dẫn đầu sự phát triển. Nền kinh tế ấy, nền khoa học công nghệ
ấy, không một quan hệ nào có thể cản trở được nó. Tình người sẽ khác và thơ cũng
sẽ khác. Đến cây tre, con trâu còn phải thay đổi vị trí trong đời sống, huống
gì là thơ? Thơ là sáng tạo nha. Đừng quên điều đó. Tao chỉ nói với người có chí
sáng tạo thôi chứ ngoài ra thì thua toàn tập. Chẳng lẽ thơ lục bát ra đời từ
nền nông nghiệp lúa nước lạc hậu, đã tồn tại ngàn năm trong nền kinh tế và chế
độ chính trị gần như không thay đổi lại chịu nằm yên khi nền công nghiệp xác
lập và xu hướng phát triển kinh tế thị trường trong thế giới đã toàn cầu hóa
sao? Ngay giống lúa cũng bao nhiêu lần đã đổi khác. Phải thừa nhận rằng, nền
nông nghiệp tiểu nông đã ăn vào gen và di truyền lại trong các thế hệ. Đến nỗi
phải trăm năm sau may ra nhận thức vận động mới trở thành nhận thức bình thường
trong xã hội. Thay mắt đi mày mới hiểu được những điều tao nói. Mắt ấy lấy ở
đâu, mày biết không? Bắt đầu tư nhà triết học cổ đại người Hy Lạp Heraclitus
(khoảng 535 TCN – 475) hơn 2000 năm trước đó sau còn nhiều cổ thụ hướng dẫn cho
phương pháp. Chắc lại không biết ai phải không? Nói thật nhé, nói chuyện với
mày chán như con gián ấy. Thơ là thơ, rặp khuôn là vứt, biết chưa hả cái đầu
nhẵn thín kia?
Mình
ù cả tai. Tặng thơ mà phải mời chúng bia để nghe hai thằng giảng giải về thơ
thì cũng thấu khổ rồi. Người ta đã viết, đã in tốn công, tốn sức, tốn tiền mà
tặng còn bị... ỉ ôi, dạy bảo... Tưởng khổ và đau đến thế cũng là tận cùng rôi!
*
VƯƠNG CƯỜNG
Địa
chỉ: Khu TT Phương Mai, phường
Phương Mai
quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ messenger facebook Nguyễn Đình Văn ngày 01.08.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét