VÀI CHUYỆN VỀ
COMMENT TRÊN FACEBOOK
*
(Tác giả Đặng Xuân Xuyến) |
Mấy hôm trước, đọc comment của nhà thơ
Đồng Thị Chúc: "Có nhiều nhà thơ
muốn cách tân thơ, muốn "cải tiến" thơ, có người muốn cải tiến về nội
dung, có người muốn cải tiến về sử dụng từ ngữ... Điều tiếc là người đọc chưa
thích ứng được với sự "cải tiến" đó nên dần xa lánh thơ, họ không hào
hứng khi nhìn những trang thơ trên báo hay sách thơ trên quầy.", tôi
chợt nhớ có lần cháu tôi, Đặng Quang Hiệp, viết trên facebook thế này:
"Xác chữ rơi
Con mèo lười
Nhìn chuột ve vẩy đuôi bới chữ"
Lần đấy, định comment trêu Đặng Quang
Hiệp: - "Cháu bị như thế này lâu
chưa? Bác sĩ kê đơn thuốc thế nào?" vì biết vốn chữ nghĩa của cháu
cũng chỉ đủ để dùng trong giao tiếp mưu sinh nhưng đọc những bình luận của mấy
nhà thơ có nhiều thơ đăng báo Trung ương, báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn (có nhà
thơ tên Nguyễn L. ở xứ Huế, còn tranh thủ vồn vã khoe: “Với 7 tập thơ của tôi đã in có 9 giải thưởng trong nước, 30 bài thơ
được các nhạc sỹ nổi tiếng phổ nhạc như cố nhạc sỹ bộ trưởng Văn hóa Thông tin
Trần Hoàn... và các nghệ sỹ nổi danh qua nhiều thế hệ từ năm 1979 đến nay hát
như Thu Hiền, Kiều Hưng, Trung Đức, Trọng Tấn... và có 7 bài báo đã viết về các
tập thơ của tôi - cũng đủ chứng minh thơ tôi thế nào rồi - chỉ vậy không cần ai
phải khen thêm nữa.”) ... hết lời khen ngợi: "Hay quá Đặng Quang Hiệp ơi!" "Đặng Quang Hiệp đúng là phù thủy của con chữ!". "Đặng Quang Hiệp độc nha! Tuyệt đỉnh tài sử
dụng câu chữ!" "Tứ mới, lạ
và độc lắm thi sĩ ạ!"... khiến tôi bối rối... rồi rụt rè e ngại nhắn
tin hỏi Hiệp: - "Cháu viết: "Xác chữ rơi / Con mèo lười / Nhìn chuột
ve vẩy đuôi bới chữ" có nghĩa gì thế?".
Hiệp điện thoại cho tôi, hô hố cười: -
"Chú lại trêu cháu. Chú thừa biết cháu viết linh tinh chứ có biết gì thơ
văn đâu mà ý với chả nghĩa... ".
Nghe Hiệp nói vậy tôi thở phào vì may
quá tôi chưa comment khen hay chê mấy câu “thơ” được phong là "Tuyệt đỉnh tài sử dụng câu chữ!"
của cháu. Bất giác tôi nhớ một “trạng thái” khác cũng khá “đặc biệt” của Đặng
Quang Hiệp: "Người đọc không hiểu
tác giả viết gì. Tác giả cũng không biết mình viết gì. Nhưng mọi người cứ khen
nhau ngậu xị.". Ở statuts này, Đặng Quang Hiệp cũng nhận được vô số
lời ngợi khen của mấy nhà thơ nhà văn có tên trong hội nhà văn Việt Nam là:
"thấm lắm", "Đặng Quang Hiệp thâm thúy kinh khủng",
"Nhà thơ sống ở thủ đô có khác, câu
chữ sang trọng và bao hàm những triết lý sống cao siêu"... Có lẽ văn
sĩ Thái Quốc Mưu đã đúng khi ông viết: “Hiện nay có nhiều người làm thơ cố tạo
ra một vẻ mới lạ để gây sự chú ý của người khác và họ gọi đó là thơ cách tân,
thơ hậu hiện đại. Còn người khen thơ, họ khen cũng để cho người khác nghĩ họ là
kẻ biết thưởng thức thơ. Thực tế họ chẳng biết gì cả.”.
Tôi rất ít comment dưới status của bạn
facebook vì ngại lỡ hiểu sai rồi comment sai hoặc “bộc bạch” thẳng quá sẽ mất
lòng bạn facebook. Đã mất khá nhiều bạn (cả trên facebook và ngoài đời) vì tính
thẳng ruột ngựa của mình nên tôi ý thức hạn chế comment dưới status của bạn
facebook nhưng không hiểu sao nhiều lúc cứ comment thẳng tuột những suy nghĩ
trong đầu. Ví dụ như khi đọc bài thơ "Bà Van Ga" của nhà thơ, nhà báo Phạm Đức Mạnh, thấy mọi
người khen bài thơ những lời chất ngất: “Bài
thơ viết về nhà tiên tri Vanga thật tuyệt với ngôn ngữ thơ xuất thần”, “Nhà thơ Phạm Đức Mạnh hội đủ Tâm -
Đức - Tầm”, “Đọc bài thơ thăng
hoa tri thức!”,... Tôi ngạc nhiên: Sao người ta comment dễ dãi thế? Khen
như vậy khác gì là dối mình, dối bạn? Có khen xã giao, khen lấy lòng bạn
facebook thì cũng nên nghĩ tới phản ứng khi đọc của người khác chứ? Định lướt
sang bài khác thì đập vào mắt tôi dòng bình luận của nhà thơ Nguyễn Vũ S.: - “Thơ hay, đầy ẩn dụ về "những cái chết
đã được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu
Long...” thế là tôi comment phản hồi rất thật: - “Thôi thì thơ hay hay không không bàn vì còn phụ thuộc vào “cảm nhận”
của mỗi người hoặc khen hay vì xã giao, vì “áo thụng vái nhau” nhưng chỉ vì bài
thơ có 2 chữ “thiên tai” mà còm lấy được là “đầy ẩn dụ về "những cái chết
đã được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu
Long...” thì thật không nên chút nào.”. Sau bình luận đó, trên trang blog
cá nhân của tôi (Trang Đặng Xuân Xuyến) “được đón nhận” lời “góp ý” rất “đã
tai” của “bạn đọc” ẩn danh (đừng thích thể hiện): “Kinh nhỉ. Thích thể hiện thế nhỉ. Nhận xét cứ như đúng rồi ý:
"Thôi thì thơ hay hay không không bàn vì còn phụ thuộc vào “cảm nhận” của
mỗi người hoặc khen hay vì xã giao, vì “áo thụng vái nhau” nhưng chỉ vì bài thơ
có 2 chữ “thiên tai” mà còm lấy được là “đầy ẩn dụ về "những cái chết đã
được báo trước". Như mất nước, khô hạn thiếu nước đồng bằng sông Cửu Long...”
thì thật không nên chút nào." Biết thì hãy nói còn không biết thì dựa cột
mà nghe đừng đã ngu còn cố tỏ ra nguy hiểm.”. Cũng sau bình luận đó, danh
sách bạn facebook của tôi hao hụt thêm mấy "bạn" tưởng như đã là chí
cốt.
Lại như lần tình cờ đọc một status của nhà
văn nọ từng làm Giám đốc một Nhà xuất bản, thông báo một truyện ngắn của ông
lọt vào danh sách 10 truyện ngắn được bạn đọc yêu thích nhất năm.... trên trang
web văn nghệ X, tôi đã vô tư comment: -“Chúc
mừng anh! Nhờ statuts của anh, hôm nay em mới biết tới trang web này.”. Thế
là nhà văn nọ hủy kết bạn rồi “chặn” nick facebook của tôi dù trước đó anh
nhiều lần vồn vã trao đổi messenger với tôi "những lời gan ruột" về
chuyện văn, chuyện đời.
Hay khi đọc bài "Trải qua một cuộc bể dâu... Đọc Huyết Ngọc,
tiểu thuyết của Tống Ngọc Hân, Nhà xuất bản Phụ Nữ 2015" trên
facebook Tống Ngọc Hân của tác giả Bùi Việt Thắng (Phó Chủ tịch Hội đồng Lý
luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam) có những câu viết rất vội, kiểu: "Nhân vật là cốt lõi của tiểu thuyết, thiếu
nó tác phẩm sẽ trở nên chống chếnh thậm chí hụt hơi.". Tôi đã thẳng
ruột ngựa comment: Trời! Không có nhân vật thì sao gọi là tiểu thuyết, là tác
phẩm văn học mà nhận định "thiếu nó tác phẩm sẽ trở nên chống chếnh thậm
chí hụt hơi"?! mà quên nghĩ tới phản ứng của nhà văn Tống Ngọc Hân vì tác
giả Bùi Việt Thắng là nhà phê bình văn học tên tuổi, đã "ưu ái" viết
giới thiệu tác phẩm của chị với bạn đọc. Có lẽ Tống Ngọc Hân đã gỡ bỏ status đó
hoặc xóa bình luận của tôi để tránh sự khó xử của chị với bạn đọc, nhất là với
tác giả Bùi Việt Thắng.
Thật hiếm người như văn sĩ Trần Thị Hồng Châu lại tiếp nhận vui vẻ comment thẳng đến khó nghe của tôi dưới status chị cảm nhận bài thơ “Gởi buồn cuối năm” của nhà thơ Kha Tiệm Ly: “Tôi mới có duyên đọc thơ của Kha Tiệm Ly được mấy bài và mấy bài đó tôi đều thích chất ngông mà không nghênh, bi mà hùng tráng, đau mà hào sảng trong thơ của ông. Bài thơ này cũng vậy, cũng những nét rất riêng của thơ Kha Tiệm Ly. Đọc bài viết của văn sĩ Hong Tran, tôi thích cách cảm thơ văn mới lạ của chị nhưng có lẽ vì chị quá yêu mến tài thơ của nhà thơ Kha Tiệm Ly nên chị múa bút đẹp quá. Bài thơ là tâm trạng nhức nhối, đau đớn và tuyệt vọng của một đấng nam nhi trước hiện trạng đau thương của đất nước. Chỉ vậy thôi, không là những dự cảm, tiên tri như văn sĩ Hong Tran đã phóng bút. Vì yêu những trang viết của chị nên chia sẻ đôi dòng trái ý, mong chị đừng giận.”. Sau bình luận đó, hình như mến tính thẳng ruột ngựa của tôi nên chị năng ghé thăm trang facebook của tôi hơn và thường để lại những comment cũng rất thẳng.
Mời thư giãn với
nhạc phẩm THƯƠNG CA TIẾNG VIỆT
của Đức Trí - Hà Quang Minh, qua tiếng
hát Mỹ Tâm:
*.
Hà Nội, 01 tháng 11-2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
.
.....................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Copy bài tại trang: https://tienglongnguoixaque.blogspot.com/
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ
nguồn: internet.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
Bài viết thẳng, thật như tình trạng chung của làng thơ Việt Nam. Bạn đọc cần những bài viết khách quan như thế này. Thắc mắc là nhà văn có truyện ngắn được bình chọn có phải nhà văn Nguyễn Trường? Và Giáo sư Bùi Việt Thắng là Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam lại có nhận định dốt nát vậy sao?
Trả lờiXóaBình luận trên không gian mạng (facebook) có lẽ rất cần sự thẳng thắn (phê bình) khen chê rõ ràng. Nhưng thật tiếc đa phần là những lời xã giao lấy lệ, tiếc hơn nữa là đa phần những người "thẳng" lại mới chỉ đủ tầm mà "thẳng" một chiều - nghĩa là phê người thì được, người phê lại là tự ái, là "khùng thẳng thừng". Vậy nên để thẳng thắn trên facebook cần có "trình tối thiểu" về phản biện..
Trả lờiXóa