GIÁO SƯ TRẦN NGỌC THÊM VÀ ‘TRƯỜNG HỢP TÍNH CÁCH NGƯỜI THANH HOÁ’ - Tác giả: Hoàng Tuấn Công (Thanh Hóa)

Leave a Comment

 

GIÁO SƯ TRẦN NGỌC THÊM VÀ

‘TRƯỜNG HỢP TÍNH CÁCH NGƯỜI THANH HOÁ’

*

(Tác giả Hoàng Tuấn Công)

Năm 2016, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Xây dựng phương pháp nghiên cứu tính cách vùng miền: Trường hợp tính cách người Thanh Hóa”.

Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Ngọc Thêm là báo cáo viên.

Sau 4 năm, năm ngoái (2020) kết luận "người Thanh Hóa: ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh" của Giáo sư Thêm bỗng dưng lại rộ lên trên mạng xã hội. Đó là lý do khiến tôi lần đầu tiên đọc được tham luận của ông.

Bây giờ xin nói nhanh về mấy điểm không ổn (không phải tất cả) của Nhà Nghiên cứu Văn hoá Trần Ngọc Thêm:

1- Về phương pháp luận, Giáo sư Trần Ngọc Thêm không ổn ở chỗ: dựa vào hiện tượng "người lao động Thanh Hóa không được đón tiếp ở nhiều nơi" để kết luận tính cách người Thanh Hoá từ cổ chí kim.

Xét về số lượng, thì bà con Thanh Hoá lao động ở tỉnh ngoài chỉ chiếm một phần nhỏ so với gần 4 triệu dân Thanh Hoá. Về chất lượng, thì "người lao động Thanh Hóa" ở đây được hiểu là công nhân, lao động giản đơn, đi làm ăn xa theo thời vụ, thì dù tốt hay xấu cũng không thể xem là đại diện cho mọi tầng lớp dân chúng Thanh Hoá, để qua đó hình dung, phác hoạ, thậm chí là tạc hẳn thành chân dung người Thanh Hoá xưa nay được. Ấy là chưa kể dân gian dạy rằng: "Kinh đô cũng có kẻ rồ / Thôn quê cũng có sinh đồ trạng nguyên", "Sông có khúc, người có lúc", "Đất có tuần, dân có vận"...

2- Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng, nhờ nằm ở "vị trí trung gian giữa thủ phủ của đất nước là miền Bắc với phần còn lại là miền Trung và miền Nam", nên Thanh Hoá có được "sự bản lĩnh, quyết đoán của người miền Trung, tính linh hoạt, biến báo và khôn ngoan của người miền Bắc.".

- Vậy ông căn cứ vào đâu để phân định rạch ròi, người miền Bắc thiếu "sự bản lĩnh, quyết đoán", trong khi người miền Trung và miền Nam lại thiếu "tính linh hoạt, biến báo và khôn ngoan"?

- Bằng cách nào mà chỉ do ở vị trí "trung gian" mà người Thanh Hoá lại hấp thu được tinh hoa ấy của cả hai miền, trong khi Nghệ An, Hà Tĩnh lại không?

- Nếu lí giải do An - Tĩnh bị ngăn cách bởi Thanh Hoá, nên không có được "tính linh hoạt, biến báo và khôn ngoan của người miền Bắc", thì tại sao Thanh Hoá cũng bị ngăn cách bởi An - Tĩnh mà vẫn có được "sự bản lĩnh, quyết đoán của người miền Trung", thậm chí là cả miền Nam?

3- Giáo sư Trần Ngọc Thêm cho rằng: "chính vị trí trung gian đặc biệt này đã đem đến Thanh Hóa những hạn chế nghiêm trọng. Đó là sự tích hợp cái xấu, cái phi giá trị của hai miền. “Nguồn gốc người Thanh Hóa bên cạnh người bản địa, là những dòng di dân với nhiều lý do khác nhau (những người cùng đinh, ương bướng, những kẻ lưu đày) từ đồng bằng Bắc bộ, nhất là các tỉnh đông dân giáp ranh và nam Trung Quốc”.

Nhưng Thanh Hoá chưa bao giờ được xem là điển hình cho mảnh đất đón nhận những cuộc di dân lớn, đặc biệt là nơi tụ hội của hạng "cùng đinh, ương bướng, những kẻ lưu đày". Ngược lại, Thanh Hoá mới chính là điểm xuất phát của những người lưu đày, nhiều cuộc di dân lớn theo chúa Nguyễn đi chinh phục vùng đất phương Nam, cũng như di cư ra Bắc sinh sống và tạo nhiều dấu ấn về làng nghề phố nghề. Mặc khác, ông giải thích vì sao sự tiếp thu tinh hoa của cả hai miền để "sản sinh một số lượng vua chúa khổng lồ", nhưng lại "tích hợp cái xấu, cái phi giá trị của hai miền", tới mức "xấu" nhiều hơn "tốt" và bị chối bỏ ở cả hai miền?

5- Giáo sư Trần Ngọc Thêm còn "hệ thống hóa thành bảy tật bệnh của người Thanh Hóa: ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh".

Nhưng trong tiếng Việt, "tật bệnh" có nghĩa là "bệnh tật". Mà bảy thứ ông tổng kết "ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh", hoàn toàn không phải "tật bệnh", mà đó là "thói tật"!

Mặt khác, Giáo sư dựa vào đâu để có kết luận này?

Dựa vào số vụ "ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh" của "người lao động Thanh Hoá" ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh, rồi kết luận cho tính cách người Thanh Hoá nói chung chăng? Thỉnh thoảng có tin tức về những vụ ăn cắp siêu thị, hoặc ăn cắp vặt, gây gổ, bị phân biệt đối xử của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, ông có thống kê để biết được trong số đó bao nhiêu phần trăm là người Thanh Hoá không?

Giả sử cùng một khu công nghiệp, mỗi năm người ta thống kê có tới 5 người Thanh Hoá bị phát hiện "ăn cắp vặt", trong khi số người của các tỉnh X, Y chỉ là 3, thì cũng phải xem lại tổng số lao động Thanh Hoá gấp mấy lần số lao động của các tỉnh X, Y kia. Bởi số lao động gốc gác Thanh Hoá càng đông, thì tỉ lệ tệ nạn, hay những vụ việc phức tạp xảy ra so với địa phương khác ở đất khách càng lớn. Điều này không có gì khó hiểu.

Kết luận như Giáo sư Trần Ngọc Thêm thì phải chăng giờ đây tách tỉnh Thanh thành "nước Thanh Hoá", người Việt Nam sẽ "thanh toán" được thói xấu "ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh"?

6- Có lẽ sau khi đúc kết "bảy tật bệnh" của người Thanh Hoá xong, thì Giáo sư Trần Ngọc Thêm mới giật mình, bởi thấy sao nó giống với "tật bệnh" của người Việt Nam quá. Thế nên ông mới bất ngờ tuyên bố "hoà cả làng":

"nhiều tật bệnh của người Thanh Hóa cũng là những tật bệnh của người Việt Nam nói chung. Những gì đã và đang xảy ra với người Thanh Hóa ở Việt Nam cũng đã và đang xảy ra với người Việt Nam ở trên thế giới. Thanh Hóa về cơ bản có thể xem là một Việt Nam thu nhỏ” (!)

------------

Ghi chú: Hiện tại đoạn Giáo sư Trần Ngọc Thêm "hệ thống hóa thành bảy tật bệnh của người Thanh Hóa: ăn cắp vặt, gian dối, hám lợi, ích kỷ, hiếu thắng, hay gây gổ, cực đoan, ngông nghênh", đã bị cắt bỏ khỏi bài viết đăng trên trang web vnuhcm.edu.vn của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hãy còn lưu trên nhiều trang khác.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Thu Hương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bình Phương0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Huy Thiệp0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

*.

HOÀNG TUẤN CÔNG

Địa chỉ: đường Trần Nhật Duật, phường Nam Ngạn,

Thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Email: tuancongthuphong@gmail.com

 

 

 

 

.............................................................................................................

- Cập nhật từ email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn, ngày 10.09.2020.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét