CHUYỆN TÍN NGƯỠNG - TÂM LINH CHÉP TỪ FACEBOOK - 1 - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

CHUYỆN TÍN NGƯỠNG - TÂM LINH

CHÉP TỪ FACEBOOK - 1

*

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

 

Nhà báo Quốc Phong:

ĐỜI 2 LẦN LÀM “VUA” LÀ PHẢI CÓ SỐ!

Nhân việc “ lò” lửa của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy: đúng là củi tươi mấy, có vào” lò” của ông cũng đều cháy.

Tuần nay, “lò” đã dịch chuyển chính thức đến đến thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng lần này có khác lần trước, đó là những vi phạm xảy ra ngay tại thành phố mang tên Bác, do các lãnh đạo thành phố vi phạm. Họ cùng nhóm lợi ích thao túng và đại náo chính sách, gây tổn thất lớn về kinh tế cho ngân sách. Qua đó gây nên sự bất bình tích tụ nhiều năm với dân.

Trong con mắt tôi, Đại hội Đảng 12 quả đã sáng suốt tìm ra một nhân vật sạch sẽ, cẩn trọng, bài bản để giúp Đảng lập lại kỷ cương , trật tự trong Đảng. Qua đó lấy lại niềm tin trong dân.

Hãy thử hình dung, nếu không phải là một người liêm chính như ông Nguyễn Phú Trọng thì Đảng này hôm nay sẽ ra sao sau hàng chục năm, qua vài nhiệm kỳ mà nền kinh tế, thể chế chính trị nước nhà đều đi xuống, thậm chí đến sát bờ vực, đáng báo động...

Ở nước ta mấy chục năm qua, người có quyền lực nhất, đó là người giữ cương vị Tổng bí thư của Đảng. Dân mình thì cứ thấy người nào to nhất nước thì đó là “Vua”. Vậy thôi!

Chuyện là thế này:

Nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, nguyên giảng viên khoa Văn, Đại học Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn Hà Nội, bạn học cùng lớp Văn Khoá 18 với tôi đã có lần kể cho bạn bè cùng lớp nghe một câu chuyện khá thú vị có liên quan tới Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông còn giữ cương vị Vụ trưởng của Tạp chí Cộng sản hồi nào.

Khi ấy, Tiến sĩ Nguyễn Phú Trọng thi thoảng vào khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội giảng bài. Ông vốn là người sống rất giản dị, không hề quan cách khi được mời vào khoa, giảng ngoại khoá. Nhiều khi, ông rất thật lòng nói với Nguyễn Hùng Vỹ vì ông quá hiểu, khoa không có phương tiện đưa đón bằng xe cơ giới. Ông bảo Hùng Vỹ rằng cứ lấy xe đạp đi ra phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi ông làm việc rồi đèo giúp ông vào khoa là được. Ông không bao giờ câu nệ chuyện đó.

Cách đây dăm năm, Hùng Vỹ nói với tôi rằng tướng mạo ông Phú Trọng ngày trẻ nghe nói lạ lắm. Hồi trường đi sơ tán tránh bom Mỹ ở Đại Từ, Thái Nguyên (ông Trọng học khoá 8, từ 1963 đến 1967), trong một lần đi vào rừng chặt tre về làm lán cho sinh viên, theo quy định, mỗi sinh viên phải kiếm cho được mà mang về 1 cây / tuần. Ông Phú Trọng khi đó trắng trẻo và trông rất thư sinh. So với chúng bạn cùng lứa, người ông nhỏ thó và có phần hơi yếu, xanh xao. Lần đó, mọi người dừng chân giải lao bên vệ rừng thì cánh bạn bè lôi chàng sinh viên Phú Trọng ra đùa cợt. Sinh viên Phú Trọng thì cứ lẳng lặng ngồi, chẳng hề phản kháng chi hết.

Lần ấy, cũng ngồi nghỉ còn có ông thày tướng vốn nổi tiếng trong thôn bản mà họ ở. Thấy sinh viên Phú Trọng bị bắt nạt dữ quá, ông bảo đám sinh viên rằng: Các cậu đừng thấy người ta gầy yếu mà chòng ghẹo cậu ta. Sau này cậu ta sẽ làm Vua cho mà coi, đừng có đùa nhé!

Có một sinh viên trong lớp với sinh viên Trọng vội hỏi luôn rằng: Vậy bác coi tướng của cháu thì ra sao? Ông thày tướng phán: Tướng cậu là yểu tướng, sẽ chẳng sống được bao năm nữa đâu!

Thật không ngờ chàng trai ấy sau đó phải bỏ dở việc học lên đường cầm súng vào miền Nam chiến đấu và anh đã hy sinh anh dũng tại chiến trường, không bao giờ về học tiếp được cùng chúng bạn nữa.

Khi ông Phú Trọng làm Chủ tịch Quốc hội, Hùng Vỹ bảo tôi: Ngày xưa người ta coi tướng ông Phú Trọng đã nói ông ấy có tướng làm vua, vậy là không đúng rồi ông ạ (năm 2011, ông Phú Trọng đã quá 1 tuổi so với quy hoạch nhiệm kỳ sau). Thế rồi tình thế lại đổi khác, ông vẫn được Đại hội 11 tín nhiệm cao và chọn ở lại đảm trách cương vị Tổng bí thư của Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Rồi, nhiều khi thời vận có thể lại đến. Người tuổi cao tưởng đương nhiên sẽ nghỉ, nhưng do chưa tìm được người trẻ thay thế xứng đáng, do người nọ không phục người kia v.v... mà sẽ chọn nhân vật dung hoà nhất, sạch sẽ hơn cả làm minh chủ. Vì thế nên chẳng thể nói trước điều gì! Và hôm nay, sau hơn 2 năm sau Đại hội12, ông đã chứng minh Đảng đã tìm đúng người cần nhất khi tiếp tục nhiệm kỳ làm “Vua” lần 2.

Hoá ra, tướng số mà người ta nói về ông quả không sai tẹo nào, điều đó thật bất ngờ với nhiều người quan tâm đến nhân sự Đại hội khi đó. Đúng như cổ nhân thường nói "30 vẫn chưa phải là Tết!"

https://www.facebook.com/quoc.phong.5/posts/1601307966636720

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện:

CẦU MỘNG

Thăng Long xưa là chốn đế kinh. Đây là nơi nhà vua mở khoa thi, nên khi mùa thi đến (Mùa Xuân) thì sĩ tử trong kinh ngoài trấn nô nức kéo về ôn luyện và đợi kỳ thi đến. Sĩ tử sẽ tập trung trọ học ở các trường lớn của các quan Nghè nổi tiếng quanh Hồ Hoàn Kiếm.

Trước ngày thi 1 - 2 ngày, sĩ tử kéo đến Đền Quán Thánh là ngôi đền lớn trông ra Hồ Tây, là nơi thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ để cầu mộng. Các thầy khóa tắm táp sạch sẽ, ăn vận gọn gàng, ăn chay trước một ngày rồi mang một mảnh chiếu vào đền, làm lễ xin cầu mộng.

Khi đêm xuống, trong đền ngoài sân là các sĩ tử nằm la liệt, lặng lẽ và nghiêm trang để mong được Thần báo mộng cho về kỳ thi và kết quả thi. Thần báo rất linh ứng nên cứ vào dịp trước thi vài ngày là đền rất đông người tụ tập. Thăng Long chỉ có một chỗ này là có thể cầu mộng.

Năm ấy, có thầy khóa là Nguyễn Đăng Đạo, người làng Bịu (Hoài Bão) phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc về cầu mộng ở đền Quán Thánh. Trong giấc mộng, Thần hiện ra bảo: Anh chớ nên đi thi nữa, vì anh sẽ không đỗ, đi thi làm gì cho mất công. Nguyễn Đăng Đạo, trong giấc mộng lớn tiếng cãi lại Thần rằng: Ngài nói sai rồi! Tôi sẽ đỗ Trạng nguyên khoa này. Nói rồi ông đứng lên cuốn chiếu ra về.

Chàng trai vào thi. Hồi hộp chờ đến ngày yết bảng thì đến xem, thấy tên mình đứng thứ nhất, Đệ nhất giáp Tiến sĩ Đệ Nhất danh, tức là Trạng Nguyên.

Ngày nay, sĩ tử không đến cầu mộng ở Đền Quan Thánh nữa, mà kéo đến Văn Miếu để cầu cúng, sờ đầu rùa.

https://www.facebook.com/nxdien2k15/posts/2060653140904313

 

Nhà Nghiên cứu Văn hóa Bùi Đồng:

DÍNH BÙA!

Đó là một buổi chiều mưa rơi rả rích. Mấy anh em chúng tôi vẫn nằm ườn trên giường vì thời tiết xấu quá. Chúng tôi gồm mấy học sinh vừa ra trường và học sinh học nghề vừa ở nước ngoài về thực tập tại nhà máy cơ khí nông cụ Hà Đông để thi công cho công trình điện CE thuộc bộ cơ khí và luyện kim.

Bỗng anh bạn tên Ngà, đi Hungary về hô: - “Ai ăn vịt thì xé tem ra mua nhé”. Chúng tôi cũng thích nhậu trong cảnh mưa rơi này. Một thoáng sau đó Ngà vừa đi mua vừa nấu được bún sáo vịt. Thế là tất cả xì xụp chén.

Đang ăn bỗng có tiếng chửi. Tôi biết đó là anh công nhân người dân tộc cùng ở khu tập thể này. Số là vợ con anh cũng ở đây và cháu bé nuôi thêm đàn vịt. Chẳng hiểu sao Ngà không mua bằng tem phiếu của chúng tôi mà lại bắt trộm... Bên kia vẫn chửi rát lắm, tôi bỏ dở không ăn được nữa! Tối hôm đó anh nhà mất vịt kia sang gặp tôi và tôi cũng kể lại tình đầu như thế. Bẵng đi khoảng 3 tuần sau anh Ngà lăn lộn, quằn quại kêu đau bụng và bụng cứ to dần lên. Đi khám bệnh, bệnh viện nào cũng trả về vì không thấy nguyên nhân. Đau đớn hành hạ mất một tuần thì anh Ngà chết.

Bẵng đi một thời gian sau tôi có gặp lại anh mất vịt kia, tôi có hỏi thì anh nói: - “Anh có nhớ tôi hỏi thật kĩ ai là người bắt vịt không? Và tôi cũng mừng vì chỉ mình anh Ngà chủ mưu và thực hiện nên đã dùng bùa của dân tộc mình mà ếm chết.”. Tôi gặng hỏi: - “Vậy chúng tôi cũng ăn mà sao không chết?”. Anh ấy trả lời: - “Không vì các anh không đồng chủ mưu!”.

Tôi lạnh toát sống lưng và hiểu rằng: BÙA CHÚ LÀ CÓ THẬT.

https://www.facebook.com/bui.dong.754/posts/1789160751249041

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

CHUYỆN CỦA DƯƠNG TỰ TRỌNG

“- Anh có tin vào tâm linh không?

Dương Tự Trọng bất ngờ hỏi tôi. Tôi hơi ngạc nhiên:

- Tại sao ông lại hỏi thế?

- Là vì trong đời, có những sự việc, em không thể lý giải được anh ạ. Chỉ có thể khẳng định rằng, hình như có một thế giới vừa hiện thực, lại vừa rất huyền bí bao phủ quanh mình, thậm chí ở chính trong mình. Đó là thế giới tâm linh.

Dương Tự Trọng bắt đầu câu chuyện bằng một giọng trầm trầm:

- Ở trong tù, em có hai giấc mơ lạ lắm anh ạ.

- Lạ sao?

- Lạ vì sự ứng nghiệm. Em sợ đến vã mồ hôi mà không thể lý giải được. Giấc mơ thứ nhất đến với em khi em vừa về trại cải tạo này. Lúc đó, em đâu đã quen với việc cuốc đất, vác đá, hay lao động chân tay. Bởi thế mà rất mệt. Em vừa thỉu đi, vâng, chỉ mới vừa thỉu đi thôi chứ chưa phải đã ngủ đâu. Nói đúng ra, em đang ở trạng thái mơ mơ màng màng kiểu nửa thức nửa ngủ. Em nói chắc chắn như vậy vì nếu ngủ rồi thì em đã chẳng còn biết gì nữa. Em chợt giật mình khi phát hiện thấy có một bóng người đứng ở ngay đầu giường của mình. Nói đầu giường cũng là nói theo thói quen thôi, chứ thực ra làm gì có giường. Một tấm ni lông trải trên nền đất của căn lán trại. Đứng trước mặt em là một ông già hiền lành và phúc hậu. Da đỏ au. Mái tóc bạc trắng. Chòm râu cũng trắng như cước. Trông ông như một ông Tiên, lại như một vị Thiền sư. Sở dĩ giống sư vì ông mặc quần áo nâu sồng. Nhưng nếu là nhà sư thì ông phải xuống tóc chứ. Ông không xuống tóc mà tóc ông lại bồng lên như mây. Trông đẹp lắm. Em hỏi: “Cụ đi đâu mà lại lạc vào đây? Con rất tiếc là con không thể đưa cụ về nhà được. Cũng không dẫn được cụ ra khỏi đây được…”. “Ta có lạc đường đâu mà con phải dẫn đường cho ta. Ta tự tìm đến với con kia mà…”. “Chẳng hay cụ gặp con có điều gì dạy bảo ạ?”. “Không! Ta làm sao dạy bảo con được. Ta chỉ thấy con tử tế nên muốn cứu con thôi. Rồi ta cũng lại muốn con cứu những người tử tế khác…”

Em bắt đầu tò mò. Chẳng lẽ ông Bụt đã từng cứu cô Tấm đây ư? Hoá ra những chuyện hoang đường mà người đời vẫn gọi là chuyện Cổ tích lại hoàn toàn có thật như thế này ư?

- Người con hiện đang ủ rất nhiều bệnh. Trong đó có cả mầm mống của bệnh nan y. - Ông cụ bảo - Nhưng con sẽ không chết ngay đâu. Tuổi thọ của con sẽ bị rút ngắn lại. Con là người tử tế. Ngưởi tử tế bao giờ cũng rất quý hiếm. Bởi thế, ta muốn cứu con. Rồi con cứu tiếp những người tử tế khác”. Nói rồi, ông cụ rút trong tấm áo nâu rộng ra mấy nhánh lá xanh xanh, thân màu tím có gai. Đưa cho em, cụ dặn: “Đây là một cây thuốc quý. Rất quý mà trời phật và các đấng anh linh đã ban cho con người…”. “Vậy con có thể tìm nó ở đâu?” - Em thật sự bàng hoàng. “Nó ở quanh con đấy. Ở cả trên đỉnh núi Tam Đảo nữa. Nhiều lắm. Con cứ ra đó mà hái. Và tốt nhất, con hãy hái buổi sáng. Buổi chiều hái cũng được. Nhưng hay nhất là hái khi chưa có ánh nắng mặt trời…”. Ông cụ cẩn thận chỉ cho em từng rảnh lá: “Nhớ là lá xanh nhạt. Thân tím. Lại có gai nhé. Đừng nhầm nó với các thứ cây khác”. “Vậy cây này chữa được những bệnh gì thưa cụ?”. “Nhiều lắm. Đặc biệt là tiêu độc. Bệnh tật đều do các chất độc lưu cữu qua miếng ăn, cái uống và khí trời mà ta đưa vào cơ thể mình. Con cứ băm ra, phơi khô. Nhưng nhớ phơi trong bóng râm. Còn tốt nhất là uống tươi. Con cứ lấy một nắm, cho vào ấm đun. Rồi uống như uống nước chè, nước vối thôi. Thế mà rồi bao nhiêu chất độc ở trong gan, trong máu con sẽ tiêu hết đấy. Những mầm mống của bệnh ung thư, bệnh tiền liệt tuyến cũng sẽ hết. Con sẽ ăn ngon, ngủ ngon. Khí huyết thông suốt…”. Em bừng tỉnh. Mồ hôi vã đầm đìa. Ngay chiều ấy, em đã báo cáo quản giáo giấc mơ lạ lùng. Rồi để kiểm nghiệm giấc mơ lạ, em bắt đầu lùng tìm ngay trong khu vực trang trại mà mình đang lao động cái tạo. Chiều đó mưa. Rừng ẩm ướt lắm. Sương mù giăng suốt ngày đêm. Không khí rất lạnh. Nhưng em vẫn vã mồ hôi, khi nhìn thấy loại cây ấy. Đúng là loại cây ông cụ đã chỉ cho em trong giấc mơ. Lá xanh nhạt, thân tím, lại có gai nhỏ và sắc. Mà nhiều lắm. Cũng trong chiều ấy, em gặp nhiều người dân, chủ yếu là đồng bào Dao. Họ đi tìm cắt chính những loại cây em đang tìm rồi quấn thành từng bó gùi xuống phố. Em hỏi thì họ bảo, họ cắt bán cho thương lái Trung Quốc. Bao nhiêu các “chú khách” cũng mua hết. Bán dễ lắm. Cứ mười ngàn một ký. Có người quơ một ngày mà kiếm được triệu bạc. Không ít người còn tậu được cả xe máy nhờ loại cây dây gai “khí gió thổ tả” này. Hoá ra người Trung Quốc đã biết cây thuốc quý của ta. Họ khai thác đến cả năm nay rồi. Hàng chục tấn thuốc quý đã lọt vào tay thương lái Trung Quốc. Cần phải chặn ngay. Em báo cáo các anh quản giáo nên thu mua. Đúng là thuốc quý rồi. Nếu không quý, sao Trung Quốc họ lại săn tìm. Tốt nhất, mình nên trả gấp đôi. Họ trả mười ngàn thì mình nên trả hẳn hai mươi ngàn. Em bảo bà con đừng bán cho thương lái Trung Quốc. Họ hay lừa mình lắm. Họ mua rễ quế để giết cây quế. Mua móng trâu bò để tiêu diệt trâu bò. Bà con đừng tin bọn người xấu. Tất nhiên, em nói vậy thì họ cũng biết vậy. Biết nhưng đã chắc gì họ tin. Làm sao mà tin được người đang bị tù tội. Chỉ có điều, mình trả cao hơn, dù không được gấp đôi, nhưng vẫn co hơn nên họ không bán cho Trung Quốc nữa…

Dương Tự Trọng cười sảng khoái, như một cảnh sát hình sự, kẻ khắc tinh với tội phạm vừa đánh xong một vụ án kinh tế kiêm săn lùng những bí mật quốc gia…

- Em có đề nghị các anh quản giáo gửi cây thuốc này cho một số bạn bè em, để họ nghiên cứu xem giá trị thực của nó đến đâu. Nhiều bác sĩ là những nhà khoa học họ đều đánh giá đây là cây thuốc quý. Rất quý. Em và bè bạn em trong trại uống thấy cực tốt. Mỡ máu tiêu hết. Ổn định tiểu đường. Gan thận rất tốt. Nước tiểu trong. Ngủ cực ngon. Đúng là thần dược thật. Em sẽ tặng anh một ít để anh dùng thử, anh sẽ thấy hiệu nghiệm ngay.

- Thế còn giấc mơ thứ hai?

- À, đấy lại là cuộc gặp gỡ với bố em. Ông cụ đến thăm em. - Giọng Dương Tự Trọng nghẹn lại - Lâu lắm rồi, em mới được gặp bố. Và rồi bố con lại gặp nhau gặp trong hoàn cảnh này. Ông thấy ông cụ cứ đứng nhìn em trân trân. Em bảo: “Bố nói gì với con đi chứ! Mẹ khoẻ không? Con thực sự có tội với bố mẹ. Những lúc bố mẹ cần có con ở bên cạnh nhất thì con lại đang ở trong hoàn cảnh thế này. Bố em vẫn chẳng nói gì. Chỉ nhìn em thôi. Nhìn trân trân. Ông đưa tay xoa đầu em như xoa đầu một đứa trẻ. Hệt như ngày nào em còn ấu thơ. Mỗi lần ông về lại sà vào lòng ông. Rồi ông khóc. Lần đầu tiên trong đời, em mới được nhìn thấy bố em khóc. Nước mắt lại có máu. Máu lại nhỏ xuống cả mặt em. Thế là em khóc ầm lên và choàng tỉnh. Mấy đứa bạn tù ở trong cùng buồng giam cũng tỉnh giấc theo. Lúc ấy là 4 giờ 15 phút ngày 25 tháng Giêng năm 2016. Em bảo các bạn cùng buồng giam: “Bố tôi mất rồi. Cụ vừa mới mất cách đây ít phút thôi. Chắc chắn là cụ mất

Dương Tự Trọng ngồi lặng. Gương mặt xâm xâm một nỗi buồn thăm thẳm. Anh quay mặt vào tường của căn phòng khách trại cải tạo. Hình như anh khóc. Tôi lặng lẽ nhìn ra khung cửa sổ mở rộng. Một vạt đồi xanh mướt cây trái, rau khoai. Đó là thành quả lao động của người tù đặc biệt này.

- Sau này có người nhà vào thăm, em mới biết sự thật. Đúng là lúc ấy bố em đang hấp hối. Bố em mất lúc 5 giờ 15 phút. Nghĩa là đúng một tiếng sau giây phút em “gặp cụ”. Và như thế, có thể trong lúc tử biệt sinh ly, âm dương hỗn độn, hồn đang lìa thể xác, bố em nghĩ đến em chăng? Em ân hận lắm. Đau khổ lắm. Nhưng chẳng biết làm thế nào. Vì chính bố em dạy em làm người tử tế. Mà người tử tế thì trước hết phải tử tế với những người ruột thịt, người thân, rồi đến mọi người…”

https://www.facebook.com/phuongdung.le.359/posts/2929581067275507

 

Nhà báo Trần Xuân:

SỐ PHẬN BÀ NGUYỄN THỊ NĂM

Bà Nguyễn Thị Năm còn gọi là Cát Hanh Long (1906-1953), quê làng Bưởi, Hà Nội.

Sau năm 1945 bà tản cư lên chiến khu Thái Nguyên, mua lại hai đồn điền của một người Pháp. Do thu nhập buôn bán và thu hoạch đồn điền bà trở nên giàu vào hàng phú gia địch quốc.

Trước cách mạng tháng Tám bà ủng hộ Việt Minh 20 nghìn đồng Đông Dương, tương đương 700 lạng vàng. Ngoài tiền bạc, bà còn giúp đỡ vật dụng, thóc gạo, đồ dùng y tế, thuốc men, nhà cửa. Khi chính phủ kêu gọi Tuần lễ vàng, bà lại ủng hộ 100 lạng vàng nữa .

Trong thời kỳ chống Pháp, bà được bầu là chủ tịch Hội Phụ nữ Thái Nguyên. Nhiều cán bộ, nhiều đơn vị bộ đội được bà cho ăn ở trong đồn điền. Bà còn nuôi cơm các cán bộ chủ chốt như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Hoàng Hữu Nhân, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Lê Thanh Nghị...

Trong Cải Cách Ruộng Đất bà bị quy địa chủ lôi ra đấu tố, kết tội địa chủ phản động, cường hào gian ác rồi đem xử bắn tại Đồng Bẩm, Thái Nguyên ngày

9-7-1953 tức ngày 29 tháng Năm Âm lịch.

Năm 1955-1956 đảng Cộng Sản Việt Nam tổ chức sửa sai Cải Cách Ruộng Đất nhưng trường hợp của bà Năm không được cứu xét.

Ngày 10-11-2001, trong một "Văn bản chứng nhận", Đại tướng võ nguyên giáp đã viết: "Bà Nguyễn Thị Năm tức Cát Hanh Long là một địa chủ có tinh thần yêu nước, trong kháng chiến đã từng giúp đỡ bộ đội, bản thân tôi và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có lúc đã ở lại nhà bà. Trong những buổi họp sửa sai, chính Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Lê Văn Lương đều cho rằng xử trí bà Nguyễn Thị Năm là sai lầm". (báo Lao động 22-7-2012)

 

CÂU CHUYỆN TÌM MỘ

Ông Hanh - con cả của bà Nguyễn Thị Năm nói: "Sau khi bắn xong người ta đem xác cụ tôi chôn giấu ở nơi người nhà không hề biết. Suốt bao năm gia đình tôi nhiều lần tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy mộ."

Năm 1993 ông Hanh nhờ nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên ở Tứ Kỳ, Hải Dương giúp. Ông Liên vẫn tại nhà hướng dẫn qua điện thoại, nội dung: "Đến khu vực sân bay cũ bỏ hoang thấy cây nào có lá nhỏ nhất thì đào!"

Khu vực này rộng, cây cối um tùm, chỉ mỗi cây phượng lá nhỏ, mọi người ra sức đào sâu hơn mét thì quả nhiên gặp hài cốt. Người nhà nhận ngay ra bà nhờ hàng cúc bấm và cái vòng ngọc thạch vì chật tay nên không bị đội cải cách tịch thu.

Con chau thắp hương khấn vái rước hài cốt bà về quê xây mộ.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=834388200839353&id=100028045414979

 

Nhà văn, nhà giáo Đặng Văn Sinh:

TRÊN ĐỜI NÀY CÓ LUẬT NHÂN QUẢ?

Một hôm bà xã hỏi: “Theo ông có luật nhân quả báo ứng không?”. Mình vốn là thằng không mấy mê tín, lại càng chẳng tin chuyện ma quỷ dù đã đọc đi đọc lại mấy cuốn sách “Thế giới bên kia” của ngài James Van Praagh, và nhất là “Muôn kiếp nhân sinh” của giáo sư Nguyên Phong, nên cứ ậm ừ mãi. Ngẫm nghĩ một lúc đành trả lời nước đôi “cũng có thể có nhưng cũng có thể không". Bà vợ bảo “Ông là kẻ vô thần, không biết sợ là gì. Luật GIỜI có thật đấy”. Rồi bà ấy kể hai chuyện lạ bên quê ngoại Vũ Thư, Thái Bình. Chuyện thật, không phải bịa, nhân chứng vẫn còn sống nhưng cái cách GIỜI hành thì cực kỳ khốn khổ, khốn nạn. Chuyện thứ nhất, ông M, trước năm 1945 làm trương tuần (như dân quân bây giờ) bắt được một người ăn trộm chuối, cắt gân cả hai chân khiến anh ta tàn tật suốt đời. Sau này, ông trương tuần có 2 cô con gái, nhưng thật không may, cả hai đều bị liệt bẩm sinh, đến nay đã gần 60. Họ kiếm sống bằng nghề khâu nón, mọi sự di chuyển đều phải bò.

Chuyện thứ hai xảy ra cách đây 65 năm, cũng ở làng T.H, ông H.V.P bị bệnh phong (dân gian thường gọi là hủi). Lúc ấy, ở xứ ta chưa có thuốc đặc hiệu điều trị. Người bệnh đến giai đoạn kịch phát tay chân lở loét bốc mùi hôi thối khiến cho con cái không chịu được. Anh H.V.N, con cả bèn nghĩ ra kế thuê người kéo xe ba gác mang ông bố đẩy xuống sông. Người được thuê chở bệnh nhân đi nhưng không nỡ nên để ông cụ nằm lại bãi ngô gần mép nước. Đêm ấy, ông cụ lần mò về được nhà, quần áo, đầu tóc ướt sũng nước mưa, chỉ mặt đứa con cả thề độc rồi lại thập thững lần ra cổng lẫn vào bóng đêm.

Thời gian qua đi, không ai biết ông P đi đâu, còn sống hay đã chết. H.V.N có 3 đứa con, đứa nào cũng lành lặn, khỏe mạnh, không hề di truyền căn bệnh quái ác của ông nội. Thế nhưng có điều không thể giải thích là, sang đầu thiên niên kỷ mới, lần lượt 3 đứa đều bị tai nạn giao thông vào những thời điểm khác nhau, trong đó, thằng lớn chết ngay đầu mũi ô tô, còn hai đứa em bị di chứng bán thân bất toại báo hại vợ con.

Kể đến đây, bà xã lên giọng giáo huấn bảo: “Ở đời có vay có trả, luật nhân quả không tránh được đâu”. Lúc ấy tôi hơi đuối lý nhưng vẫn cố vớt vát cãi chày cãi cối: “Vậy tôi hỏi bà, những kẻ vô duyên vô cớ đẩy cả một dân tộc vào cuộc huynh đệ tương tàn, giết chết hàng triệu người vô tội, hay những kẻ ngồi ghế pháp đình ăn hối lộ rồi tuyên “bản án bỏ túi” khiến bao nhiêu nạn nhân chết oan hoặc lĩnh án tù chung thân có nằm trong cái luật nhân quả ấy không? Chưa hết đâu, hạ cánh an toàn rồi, chúng sống phè phỡn, vênh mặt lên trước bàn dân thiên hạ, hưởng lạc số tài sản thu vén được khi còn tại chức, thậm chí trước khi về chầu ông vải chúng còn kiếm được vài hecta đất xây lăng mộ hoành tráng nữa, liệu có sự báo ứng không?"

Cãi liều thế mà thắng toàn tập. Bà vợ thừ người ra vớt vát: “cái ông này, toàn nói nhảm”…

*.

Tháng mạnh đông, ngày xấu

Đặng Văn Sinh

https://www.facebook.com/kyuclangcua/posts/606483000805537

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

 

Mời xem video CÂU CHUYỆN ĐẦU THAI:





0 comments:

Đăng nhận xét