'EM VÀ TRỊNH' - BỘ PHIM GÂY NHIỀU TRANH CÃI - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

 

“EM VÀ TRỊNH”

BỘ PHIM GÂY NHIỀU TRANH CÃI

*

Đặng Xuân Xuyến giới thiệu

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

 

Tác giả: Mai An Nguyễn Anh Tuấn

CA SĨ KHÁNH LY CÓ QUYỀN KIỆN PHIM “EM VÀ TRỊNH”?

Đó là câu hỏi mà một học trò cũ cùng nghề tôi mới hỏi qua thư Điện tử… Thú thực là, tôi dự định khi cơn sốt phim này qua đi mới tìm xem sao, bởi lúc này đi xem, nếu hay thì tốt, còn nếu dở (theo ý chủ quan), lại nổi “máu nghề nghiệp” lên thì biết đâu sẽ ảnh hưởng tới doanh thu như mục đích của “đội bạn”, tôi không nỡ.

Nhưng vì có câu hỏi trên, rồi đọc lại mấy sự phản ứng khá gay gắt của ca sĩ Khánh Ly (và ca sĩ Thanh Thúy), tôi thử đặt vào địa vị mình, thì bỗng hiểu và chợt thông cảm hết với các ca sĩ - những người đã được hỏi, được tìm hiểu khá kỹ về đời riêng trước khi “hóa thân“ trên màn bạc, song những gì được nhìn thấy - nghe thấy sau đó lại không giống như những gì đã kể, đã miêu tả.

Lúc đầu, tôi cũng đồng quan điểm với một số người xem, rằng đây là phim hư cấu - fiction, người làm phim có quyền sáng tạo riêng, tạo ra một Trịnh Công Sơn của riêng êkip làm phim; và nếu 10 đạo diễn làm phim về Trịnh Công Sơn thì sẽ có 10 Trịnh Công Sơn khác nhau - theo cảm nhận riêng của từng đạo diễn, đó là quy luật của nghệ thuật điện ảnh - nhất là phim truyện.

Nhưng trước phản ứng cụ thể của ca sĩ Khánh Ly, ngẫm kỹ lại, tôi thấy ca sĩ này có lý. Vấn đề không phải là những chi tiết nghệ thuật về đời riêng Khánh Ly có tác dụng tôn vinh bà, hay hạ thấp bà, mà vấn đề ở đây là: các nhà làm phim đã vi phạm vào đạo đức lẫn pháp luật khi phá vỡ quyền bảo vệ nhân thân (tiểu sử) cùng những bí mật đời riêng! Sao lại để đến cái nỗi ca sĩ phải than vãn: con cái tôi sẽ nhìn nhận, đánh giá về tôi ra sao trước những tình tiết - chi tiết này nọ mang tính bịa đặt, thậm chí trơ trẽn và thô bỉ nhằm câu khách?!

Chưa kể việc hư cấu đó mang tính nghệ thuật đến đâu, giá trị thẩm mỹ tác động tới đông đảo người xem thế nào, chỉ riêng điều xúc phạm tới sự thật lịch sử về một nhân vật đang sống sờ sờ sờ ra đó với mục đích thương mại, không được sự đồng tình của "nhân sự", cũng đã làm cho bộ phim công phu tốn kém này trở thành thứ phẩm, thậm chí là bằng cớ không chối cãi cho một vụ kiện cáo rất có thể xảy ra, vụ kiện cáo thực đáng xấu hổ với tất cả giới truyền thông và giới điện ảnh trong nước!

Ừ, ai cấm các bạn hư cấu, với những nhân chứng của Trịnh Công Sơn đang còn sống kia, sao các bạn không cho mang cái tên khác, danh xưng khác (Ví như Khánh Ly thành Khánh Huệ chẳng hạn; chữ Lys là hoa Huệ trong tiếng Pháp, gợi nhớ cuốn tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn hiện thực Balzac: “Hoa huệ trong thung” - Le Lys dans la valée, cũng gợi cho ta tới giọng ca “vàng” của người nhạc sĩ trong thời còn bơ vơ giữa thung lũng cô đơn của tên tuổi, v.v). Cách đây mấy chục năm, trong bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” do Trung tâm Điện ảnh Trẻ chúng tôi sản xuất, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cũng đã khôn khéo thay tên hầu hết các nhân vật “vệ tinh” của nhân vật chính (cũng đổi tên thành Quang Sơn), nhưng có ai kêu ca phàn nàn gì đâu!?

Với riêng tôi, và một số đồng nghiệp, đây sẽ là bài học “xương máu” cho nghề nghiệp!

 

 

 

Tác giả: nhạc sĩ Tuấn Khanh

LÀM PHIM, VÀ "QUYỀN" TỰ DO SÁNG TẠO

Bộ phim về Trịnh Công Sơn được xem là phim tiểu sử, có nhiều chi tiết được liệt kê, nhiều nhân vật được nhắc đến, nhưng có vài cái tên quan trọng bị tránh không nhắc đến.

Trong cuộc đời của ông Trịnh Công Sơn, nhân vật Lưu Kim Cương (1933-1968) là điểm phản bác lại những quan điểm mà nhiều người hay gọi ông là Việt Cộng nằm vùng, mà từ đó để nhận ra rằng bản chất nghệ sĩ của Trịnh Công Sơn là một người la cà bè bạn, sống tùy cảm xúc và cuối cùng chỉ loay hoay chọn cách tồn tại an toàn ở quê nhà.

Phim "Em và Trịnh" nhấn mạnh về nhân vật Ngô Kha, bạn của Trịnh Công Sơn. Cũng phải thôi, vì Ngô Kha được coi là người của phía cách mạng. Mặc dù chuyện phong liệt sĩ cho Ngô Kha cũng đã từng vật vã tranh cãi ở Huế, cho đến năm 1981, vượt qua các lời phản bác, ông Ngô Kha mới được phong tặng liệt sĩ. Có thể thấy cách chú trọng dựng một không khí riêng “Ngô Kha” trong phim, là một phần để làm đẹp lòng những người kiểm duyệt.

Phim cũng “cộng nghiệp” hai nhân vật Đinh Cường và Trịnh Cung thành một người và tạo ra một tính cách chung chung cũng là một cách lướt qua, có thể là để không nói về Trịnh Cung (1938). Nhân vật này, nếu nói về, cũng không tiện trong một nền điện ảnh còn thiếu thốn tự do và khả năng cảm nhận về điện ảnh chân chính của những người có quyền.

Ông Trịnh Cung nhập ngũ năm 1964 như mọi thanh niên miền Nam lúc đó theo lệnh tổng động viên, theo học khóa 19 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau đó với tài năng hội họa ông được giữ lại làm huấn luyện viên môn Chiến tranh Chính trị VNCH. Sau Tháng Tư 1975, ông gác bút lông và giá vẽ trong chục năm vì cuộc sống thay đổi với 3 năm đi tù “cải tạo”, 2 năm buộc đi kinh tế mới và 2 năm trở về Sài Gòn bán bánh mì ở vỉa hè. Hơn nữa, đầu những năm 2000, khi cả nước sục sôi chống Trung Quốc, ông cũng xuống đường và bị công an gọi làm việc nhiều lần.

Ông Trịnh Cung kể, vào lúc quá mệt mỏi với những thư mời thẩm vấn, ông đã báo với người công an là ông từ nay sẽ không đi nữa, vì lòng tự trọng của mình, và ông chỉ sẽ chờ bắt thôi. Từ đó, lúc nào ở cái bàn gần cửa nhà, ông luôn để sẵn một cái túi nhỏ với một bộ đồ, cái lon Guigoz chờ khi có công an đến là xúc cơm bỏ vào đó với chút muối mè và lên đường. Nhưng không hiểu sao, từ sau tuyên bố đó, không ai quấy rầy ông nữa.

Dĩ nhiên, với một người bạn rất thân nhưng khác màu như vậy, thì làm sao có thể để vào, khiến bộ phim có thể toàn vẹn mô tả về một Trịnh Công Sơn tranh-đấu-như-một-người-cộng-sản?

Còn với đại tá Lưu Kim Cương, lại càng không, vì cuộc đời của ông sống, chiến đấu và phục vụ cho một chế độ khác. Hơn nữa hình mẫu của đại tá Lưu Kim Cương là một nhân vật điển hình của một trí thức sĩ quan của chế độ cũ: quả quyết với lý tưởng phục vụ nhưng nhãn quan đầy dân chủ trong đời sống.

Đại tá Lưu Kim Cương vì mến tài mà quen với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hai người thường xuyên sinh hoạt văn nghệ với nhau ở quán Mây Bốn Phương, nằm trong Câu Lạc Bộ Không Quân. Vì thân nhau nên một tuần có lúc ông Sơn đến chơi với đại tá Cương hai, ba lần. Tình bạn của hai người gắn bó hơn khi có lúc ông Nguyễn Cao Kỳ gặp Trịnh Công Sơn tại câu lạc bộ, và chỉ trích thẳng mặt ông Sơn về các bài hát phản chiến, nhưng đại tá Lưu Kim Cương chính là người bênh vực. Chuyện kể rằng khi Trịnh Công Sơn đang giải bày quan điểm của mình, thì đại tá Cương đã xen vào cắt ngang, nói rằng “tôi nghĩ đó là những điều hay nhất của một quốc gia tự do”.

Mậu Thân 1968, khi Trịnh Công Sơn núp ở trong nhà, hé màn quan sát đường phố - là tiền đề cho ca khúc mang tính lịch sử Bài Ca Dành Cho Những Xác Người – và mất liên lạc với mọi người ở Sài Gòn. Sau khi chiến sự tạm lắng xuống, đại tá Lưu Kim Cương đã sốt ruột biệt phái phi công Nguyễn Quí Chấn bay ngay ra Huế để đón Trịnh Công Sơn vào Sài Gòn lánh nạn. Riêng chi tiết "hé màn nhìn ra" của Trịnh Công Sơn, nếu ai có thời gian đọc lại Mười Gương Mặt Văn Nghệ của Tạ Tỵ, sẽ biết nhiều hơn, đặc biệt là với bút ký của chính Trịnh Công Sơn viết về những người lính Bắc Việt xuất hiện ở Huế lúc đó, ra sao.

Tháng 5 năm 1968, khi đang là đại tá Tư lệnh Không đoàn 33 Chiến thuật kiêm Chỉ huy trưởng Yếu khu Quân sự Tân Sơn Nhứt, ông bị tử trận trong trận Mậu Thân đợt 2, được truy thăng cấp bậc chuẩn tướng. Đại tá Lưu Kim Cương là người bạn duy nhất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà là người khiến ông xúc động đến mức viết ra ca khúc dành riêng, mang tên Cho Một Người Nằm Xuống.

Dù được viết bài hát riêng, nhưng ông Cương không được nằm trong nhãn quan mô tả lại tiểu sử, cũng là điều dễ hiểu ở Việt Nam hôm nay. Nên có thể nói ở Việt Nam hôm nay, người ta đang tạo ra thể loại tiểu sử giả tưởng. Vì giả tưởng, nên các nhân vật cần thiết lại xóa đi, và những ai được phục dựng trong phim như ca sĩ Khánh Ly, ca sĩ Thanh Thúy… đều phản đối phần của mình bị lãng mạn hóa, teen hóa hoặc hoàn toàn khác biệt đời thật của mình.

Đã có không ít những lời tranh cãi, cho rằng “làm phim có quyền”. Thậm chí là sếp lớn của hãng đầu tư phim cũng nói kiểu như quần chúng còn dốt nát nên không nhận ra cái “quyền sáng tạo” của điện ảnh. Dĩ nhiên, làm phim có quyền bay bổng với trí tưởng tượng của nhà biên kịch, đạo diễn, nhưng trước hết nền tảng của sự bay bổng đó phải là tinh thần tự do, trong một nền điện ảnh tự do không nhằm phục vụ cho bất cứ ai. Khi không đủ sức mạnh của bản thân nhưng lại thích nói lớn tiếng, giống như một người tự do, thì anh chỉ có thể tự huyễn hoặc mình, và có tội khi cố căng sửa lịch sử để làm tròn phận mình và đời của cả người khác, chỉ để mua vui ngày kiểm duyệt.

Hãy tưởng tượng, một ngày nào đó, khi các nhà làm phim trẻ và ngôn ngữ bay bổng vũ trụ ấy, lại làm phim tiểu sử về anh Bảy Lốp hay người anh hùng không quân Phạm Tuân tắt máy, nằm trên mây để chờ B52 đến chẳng hạn. Nghĩ mà toát mồ hôi.

 

 

 

Tác giả: nhạc sĩ Tuấn Khanh

CA SĨ KHÁNH LY NÓI GÌ VỀ BỘ PHIM CUỘC ĐỜI TRỊNH CÔNG SƠN

Sau khoảng một tuần công chiếu, bộ phim Em Và Trịnh đã nhận được rất nhiều lời phê bình. Bên cạnh những lời khen ngợi về hình ảnh đẹp, âm nhạc quen thuộc, những hình ảnh ký ức Sài Gòn được phục chế, thì diễn xuất của diễn viên và nội dung kịch bản là điều bị tranh cãi rất nhiều.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều người từ chối không đi xem bộ phim của Trịnh Công Sơn, vì họ tin rằng hệ thống kiểm duyệt của nhà nước vẫn chằng chịt, nên sẽ chỉ có thể phô diễn một Trịnh Công Sơn theo ý của nhà cầm quyền mà thôi.

Điều đáng nói là bộ phim này có rất nhiều chi tiết liên quan về những người còn sống, nhưng không hiểu sao đạo diễn cũng như diễn viên lại không dành nhiều thời gian tham khảo với những người có liên quan, cụ thể trong trường hợp đó là nhân vật Khánh Ly.

Trên các bài báo quảng cáo về bộ phim này, đạo diễn cũng như những người thực hiện nói rằng họ rất quan tâm để tạo dựng nhân vật Trịnh Công Sơn cũng như xây dựng nhân vật nữ thay cho hình ảnh của ca sĩ Khánh Ly. Theo mô tả, đây là những chọn lựa hết sức công phu và khó khăn.

Ca sĩ Khánh Ly kể diễn viên Bùi Lan Hương - ca sĩ hóa thân bà trong phim – từng gửi email, gọi điện thoại xin bà tư vấn về vai diễn. Bà Khánh Ly nói trong cuộc gọi kéo dài khoảng ba phút, Bùi Lan Hương hỏi ăn mặc sao cho ra chất của bà. “Thời trẻ, tôi giản dị, lại còn nghèo. Tôi không có tiền mua quần áo, đôi guốc bít mũi đã cũ, xộc xệch, cũng không trang điểm, đeo trang sức. Sau đó, tôi cũng không thấy ai hỏi thêm ý kiến của mình”, Khánh Ly cho biết.

Câu chuyện này khiến nhiều người ngạc nhiên bởi rõ ràng về mặt tổ chức phục trang, và miêu tả nhân vật, có vẻ như đạo diễn đã phó thác cho diễn viên, chứ không có sự tổ chức chi tiết nào khác. Mọi thứ được tập trung để miêu tả nhân vật Trịnh Công Sơn, nhưng dường như chế độ kiểm duyệt đã khiến những góc cạnh thú vị có thể trình bày được cuộc đời và vai trò của họ Trịnh trong lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa chỉ rõ nét hình ảnh của một thanh niên yêu đương lăng nhăng và… nhảm.

Mới lò mò đi theo Diễm như mấy thằng stalk trong phim kinh dị, xong thấy Dao Ánh phát là quên luôn nhỏ chị vừa tồn tại trên đời. Lên Đà Lạt nhớ nhung thư từ cho Ánh được chút thì theo Khánh Ly tới bến, còn viết cả vào thư khoe Ánh là anh mới quen con nhỏ này. Lúc về già cặp Michiko thì cũng hôn hít tưng bừng xong nghe tin Ánh về thăm là sáng lác mắt, báo hại cô dâu bỏ của chạy lấy người trong ngày cưới” - Trương Thiên Cơ, một người bình luận phim tự do ghi lại cảm xúc trên Facebook, “Tất cả cứ trôi qua đều đều, ải ải, hết thời lượng thì kết phim. Mà nó còn gây cho ta cảm giác Trịnh sống chỉ để đuổi theo gái”.

Trong cuộc họp báo vào trung tuần Tháng Sáu công bố kế hoạch lưu diễn xuyên Việt kỷ niệm 60 năm ca hát, khi được phóng viên hỏi có đi xem qua phim Trịnh chưa, bà Khánh Ly cười và nói: “Tại sao tôi phải đi xem một bộ phim hư cấu về một con người mà tôi đã biết? Còn đáng ngạc nhiên hơn trong đó hư cấu cả tôi”. Dù bà Khánh Ly nói, rồi cười nhã nhặn trong cuộc họp báo, nhưng chi tiết này để lộ cho thấy việc sơ suất của những người làm bộ phim này khi họ không nghĩ đến chuyện gửi cho bà một tấm vé mời để được xem về chính mình trong phim.

Sai lầm của bộ phim Em và Trịnh được nhiều người mô tả cho thấy rằng đây là một bộ phim giải trí đơn thuần, nhưng đạo diễn ham muốn diễn đạt như là bức chân dung điện ảnh về cuộc đời một nhân vật nổi tiếng đang được chế độ bơm đẩy, khiến nhiều chi tiết phải gồng gánh những phần lịch sử không thể làm rõ trong chế độ kiểm duyệt.

Ngân sách làm bộ phim lên đến 50 tỷ. Thăm dò từ của những người theo dõi việc ra mắt bộ phim này cũng cho thấy rằng hầu hết là tò mò để xem một Trịnh Công Sơn được diễn đạt trên phim như thế nào, nhưng không có quá nhiều hi vọng về một bộ phim hay. Cũng có nhiều người trẻ xem phim để được thấy một Sài Gòn cũ trước năm 1975 là như thế nào.

Thế nhưng những chi tiết không đúng về lịch sử cũng như mập mờ tạo ra những nghi vấn về cái chết của nhân vật Ngô Kha - vốn vẫn chưa có lời kết trong lịch sử về cái chết của ông ta tại Huế, là điều đáng trách của những người viết kịch bản. “Khi bạn kiếm ăn bằng cách khai thác di sản Việt Nam Cộng Hoà, nếu bạn không dám, không thể nói đúng về chế độ này, thì ở mức đạo đức tối thiểu, bạn cũng đừng nói xấu. Nếu vi phạm nguyên tắc đạo đức tối thiểu này, bạn chỉ là rác rưởi”, nhà văn Trà Đoá, sống ở Sài Gòn, nói về bộ phim qua những tình tiết được coi là không đúng với lịch sử.

Hoàng Lê, một nữ khán giả xem phim, người đã sống qua những năm tháng của Sài Gòn cũ, chỉ ra vài chi tiết bất hợp lý trong phim:

Ngoài lỗi kiến thức dẫn đến dàn dựng sai như cảnh quân cảnh lái xe Jeep chặn bắt Trịnh Công Sơn đang chở bạn gái bằng xe đạp ngoài đường để đưa về thẩm vấn vì sao sáng tác nhạc ca ngợi hoà bình, còn có cảnh khi còn ở B’lao (Bảo Lộc), chưa về biểu diễn tại Sài Gòn, khi nghe nói nữ ca sĩ Joan Baez của Mỹ đã ví cặp Khánh Ly – Trịnh Công Sơn với cặp Joan Baez – Bob Dylan, Khánh Ly-Bùi Lan Hương đã nói với Trịnh Công Sơn: “Mình đẹp đôi hơn chứ!” Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh không biết rằng Joan Baez đã gọi Trịnh Công Sơn là “Bob Dylan của Việt Nam” (Bob Dylan of Vietnam) vào năm 1970, khi phong trào phản chiến ở Mỹ đang lên cao sau Tết Mậu Thân, còn Trịnh Công Sơn lên B’lao dạy học vào năm 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn và anh gặp ca sĩ Khánh Ly ở Đà Lạt vào năm 1965”.

Phan Cao Hoài Nam, một nhà bình luận điện ảnh, viết trên blog: “Khi Trịnh lên B’lao dạy học, ta không thấy anh trò chuyện với học trò, với người dân, có suy nghĩ gì về thời cuộc. Tất cả bị biến thành các cảnh MV rất bực bội. Trong những mối tình, Trịnh chỉ chạy trốn và thụ động với những dòng thư hiện lên sến súa và sáo rỗng, với tần suất dày đặc vô cùng thiếu tinh tế”.

Có thể nói bộ phim Em và Trịnh bị giằng xé giữa việc phục vụ giới trẻ với những tình tiết âm nhạc giải trí, và cũng muốn lôi kéo luôn những khán giả muốn biết về một mảng đời có những câu chuyện tình của họ Trịnh. Bên cạnh đó, lại pha trộn cả những hình ảnh chính trị thiên tả của ông ta, như một món quà để lọt cửa kiểm duyệt. Tất cả điều này khiến bộ phim trở thành một nồi lẩu vụng về và biến các tuyến diễn viên trở nên nông cạn trong diễn xuất, vì không biết mình phải trình bày nhân vật được phân vai theo hướng nào. Từ Sài Gòn, nhà báo Huỳnh Duy Lộc nói một cách điềm đạm: “Mình cho đây là một phim chưa hay, không có tầm. Mình tin là mai sau lịch sử sẽ đặt nó đúng vị trí”.

Khi được hỏi diễn viên Bùi Lan Hương trong vai Khánh Ly có vẻ trau chuốt và điệu đà, liệu có mô tả đúng cuộc đời của bà không, bà Khánh Ly không bình luận gì mà chỉ kể lại một kỷ niệm khi đi hát với Trịnh Công Sơn, bà tập trung trình diễn đến mức bỏ cả guốc dép, đứng chân trần. Nữ ca sĩ 77 tuổi này kết thúc phần nhận định của bà về bộ phim Em và Trịnh bằng nụ cười “Có thể họ là người yêu Trịnh Công Sơn, nhưng yêu theo một kiểu khác, một kiểu nào đó.

 

 

 

Tác giả: Lê Võ Châu Anh

EM VÀ TRỊNH -

THAM LAM VÀ HỜI HỢT, ĐƯỢC VÀ MẤT

Trước khi viết một bài khá dài về bộ phim Em Và Trịnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, mình muốn nói rằng mình rất trân trọng và đây hoàn toàn không phải là một bài chê phong trào, vì yêu quý vì tiếc mà viết, vì theo mình đáng lẽ bộ phim không trở thành bộ phim gây tranh cãi như hiện tại, mà có thể trở thành bộ phim thành công trong số ít các bộ phim có chủ đề khai thác nhân vật như Trịnh Công Sơn.

 

1. ĐƯỢC GÌ?

- Đầu tiên phải kể đến đề tài, đề tài bộ phim là một điều đáng khen ngợi vì đưa hình tượng cố nhạc sĩ lên màn ảnh rộng. Quả thực thì điện ảnh Việt rất nhiều đề tài, rất nhiều chủ đề nhân vật có thể khai thác. Bộ phim có thể được xem là một trong những sự tiên phong trong vấn đề khai thác nhân vật sự kiện tạo được sự chú ý quan tâm của khán giả.

- Tái hiện lại Huế, Sài Gòn và Đà Lạt xưa. Có nhiều chi tiết trên phim mình rất thích và thấy rất cảm động. Ví như hình tượng chiếc vé tàu của Dao Ánh hay thời trang những năm 60. Có những chi tiết mang dấu ấn lịch sử, ví như việc quân dịch là việc đi lính phục vụ chế độ Ngụy quyền, hay trong lời thoại của Trịnh khi nói chuyện với Khánh Ly, rủ Khánh Ly về Sài Gòn có nói "Sài Gòn là thủ đô". Quy mô tái hiện khung cảnh đáng hoan nghênh ở quy mô lớn hơn 1 căn phòng hay một ngôi nhà, ví như cảnh nhiều người đạp xe trên phố, quán bar thời xưa, bến tàu thời xưa. Điều này thể hiện được sự đầu tư và chỉn chu trong việc tạo hình và hình ảnh của bộ phim.

- Lời thoại. Phim có nhiều lời thoại hay và đắt giá. "Mai ơi, anh e âm nhạc đã bỏ anh rồi" hay "Còn gì đau đớn hơn khi ta coi nỗi đau là một điều bình thường." Những lời thoại này được lấy từ tư liệu của chính cố nhạc sĩ, nhưng được lồng ghép vào phim ở những phân cảnh rất phù hợp.

 

2. MẤT GÌ?

Tác phẩm này mất nhiều hơn được, vậy vì sao mất? Phải kể đến sự tham lam của đạo diễn và biên kịch. Mà thói đời, càng dư thừa thì càng thiếu thốn, càng lam lam lại càng hời hợt. Điểm danh sự tham lam dẫn đến hời hợt trong bộ phim này:

- Tuyến nhân vật: thông thường nhân vật trong phim sẽ có vài nhân vật chính và một nhân vật trung tâm. Trước khi xem phim ai cũng biết, nhân vật trung tâm sẽ là Trịnh, nhưng xem rồi thì không biết cuối cùng thì Trịnh nào là trung tâm khi có 2 nhân vật trẻ và già quá khác xa nhau về diễn xuất, cách thể hiện và không có sự ăn nhập gì. Hay tưởng tượng lại, nếu nhân vật trung tâm không phải là người mà là cuộc tình, vậy cuộc tình Dao Ánh là trung tâm, vậy thì tại sao thời lượng phim với các cuộc tình khác lại dài đến vậy, có khi còn dài hơn cả, ví như mối quan hệ với cô gái người Nhật Michiko. Sự tham lam này khiến bộ phim kể rất nhiều câu chuyện nhưng cuối cùng lại chẳng biết đang kể câu chuyện gì.

- Diễn viên: Việc kiếm tìm diễn viên cho nhân vật rất khó khăn, vì không phải bao giờ cũng có một người phù hợp hoàn hảo, nhưng để 1 người không có một chất gì ăn nhập, thì đó là có lỗi với nhân vật thực sự. Chú Trần Lực có thể là một diễn viên gạo cội ở những tuyến nhân vật khác, nhưng khi hóa thân thành Trịnh Công Sơn khi về già có thể coi là một thất bại trong sự nghiệp diễn xuất của chú. Vì sao, vì chú không có một nét gì trầm mặc nhưng đầy lãng mạn của một người nhạc sĩ, chú không có nét từng trải nhưng mong manh của Trịnh, và khi chú phiêu theo âm nhạc người ta thấy chú như một người nghệ sĩ nửa mùa, vì nó là nét phiêu bề mặt, không phải cái phiêu nội tâm cuả người nghệ sĩ, nhất là người nghệ sĩ sáng tác. Chú khô cứng và thiếu mong manh, nên khi chú đau khổ, người ta cảm thấy khô khốc, khi chú nói những lời đường mật và lãng mạn, người xem lại cảm thấy sự phô quá đà trong hình hài và biểu đạt thô ráp. Đáng lẽ câu thoại "Mai ơi, anh e âm nhạc đã bỏ anh rồi" là một câu thoại đắt giá, nhưng nó chẳng làm nên điều gì cả. Việc không tìm thấy diễn viên phù hợp cho bộ phim không phải hiếm, và đôi khi đạo diễn và biên kịch phải thay màu mới, phải sửa lại kịch bản, đó là một điều rất bình thường. Tuy nhiên không biết đoàn làm phim có nhận thấy điều này không, khi sự xuất hiện của chú chiếm 1 nửa thời lượng phim. Đó chẳng phải là sự tham lam và hời hợt hay sao.

- Mối tình Dao Ánh bị nâng lên quá đà tạo nên những mối quan hệ còn lại gượng ép và xây dựng nên một hình hài Trịnh Công Sơn khó hiểu. Sự tạo cao trào để tô vẽ cho cuộc tình với Dao Ánh dùng chính chất liệu là các cuộc tình khác nói một cách nghiêm túc thì nó khá buồn cười, theo lối tư duy ngôn tình kiểu các cô gái mới lớn thường hay đọc, đó chính là lý do mà cư dân mạng gắn cho hình tượng cố nhạc sĩ là "trapboy đời đầu" trong khi trên thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Đầu tiên là kể về câu chuyện tình giữa nhạc sĩ với Ngô Vũ Bích Diễm, khi lần đầu tiên đến chơi và Dao Ánh mở cửa, thời điểm đó Dao Ánh còn là "một cô bé chạy loăng quăng theo chị", thực sự ở thời điểm đó Dao Ánh còn quá bé và tâm lý yêu cô chị, công bằng mà nói không ai để ý cô em quá bé như vậy. Nhưng không, trên phim phải có cảnh nam chính thất thần trước nhan sắc nữ chính hay đi vào còn ngắm nàng thêm chút nữa mới hả dạ. Chưa hết, khi mang tặng Diễm bài hát, nam chính lại ngây ngất trước vẻ đẹp của nữ chính thêm chút nữa, ơ hay, để làm gì. Để nhấn mạnh rằng đây mới là định mệnh cuộc đời của cố nhạc sĩ ư? Chưa hết, sang cảnh xây dựng mối quan hệ cùng đi lên bằng âm nhạc với Khánh Ly, rõ ràng đây là mối quan hệ thuần khiết tri âm tri kỷ, nhưng khi cảnh Trịnh trước khi về Huế, nhất định giữa cảnh rừng núi hoang vu heo hắt phải có cảnh nàng ôm chàng trong cô độc, để nói rằng giữa bao nhiêu cám dỗ, Trịnh vẫn chỉ yêu mình Dao Ánh hay sao? Tại sao? Tại sao lại phải thế? Rồi đến khi đi nửa cuộc đời, có mối quan hệ với cô gái hồn nhiên Michiko, Dao Ánh lại xuất hiện rồi biến mất, để lại trong Trịnh nỗi trống trải còn Michiko là nỗi tủi hờn. Đến giờ vẫn không ai biết tại sao đám cưới ngoài đời thực lại không diễn ra, nhưng nếu trên phim Dao Ánh xuất hiện 1 cách ý tứ hơn, không phải là một con người bằng xương bằng thịt, những cái ôm và những bó hoa thì có lẽ hình ảnh Trịnh đã khác. Chi tiết này, một lần nữa cũng chỉ để tô điểm cho cuộc tình Dao Ánh mà thôi.

- Quá nhiều chi tiết nhưng thiếu ý niệm thời gian. Sự ôm đồm chi tiết trong phim thì ai cũng thấy, nhưng có một sự hời hợt xuyên suốt bộ phim chính là ý niệm thời gian. Từ lúc gặp lần đầu ở Pháp cho đến khi Michiko đến Việt Nam là bao lâu? Họ ở bên nhau bao lâu thì yêu nhau? Bên nhau bao lâu thì họ quyết định làm đám cưới? Trịnh theo đuổi Diễm bao lâu? Cuộc tình và những lá thư với Dao Ánh kéo dài bao lâu? Vì thiếu ý niệm thời gian trên, Trịnh trên phim biến thành kẻ vừa nhảy vài bước thì đã ngả đầu ôm ấp với Michiko, vừa thoáng thấy cô gái xinh đẹp tan trường thì đã đem lòng yêu say đắm, vừa chấm dứt với cô chị đã quay ra tỏ tình với cô em. Thời gian duy nhất xác định ở trên phim là thời gian Trịnh quay lại tìm Khánh Ly "Lời mời của Quán văn 3 năm trước vẫn còn chứ?", chỉ một sự xác định thời gian thôi đã tạo nên sự bền bỉ chắc chắn của một mối quan hệ, nhưng với các cuộc tình của ông trên màn ảnh thì không.

- Ôm đồm nhiều chi tiết, nhiều nàng thơ làm cho bộ phim chỉ có chuyển cảnh, không có chuyển biến tâm lý nhân vật. Nếu ai từng ấn tượng với tình yêu Trịnh dành cho Diễm và Dao Ánh thì càng thấy bộ phim này dở như nào. Đầu tiên là Diễm, trên phim chỉ có cảnh 1 chiều mưa, Diễm đi qua và nhạc sĩ đem lòng say đắm. Nhưng trên thực tế, việc ngắm dòng nữ sinh tan trường về trên phố và say đắm nàng nó là một khoảng thời gian rất dài, nhiều ngày nhiều tháng nhiều năm.

"Thưở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường Đại học Văn khoa ở Huế.

Nhiều ngày, nhiều tháng của thưở ấy, người con gái ấy vẫn đi qua dưới những vòm cây long não. Có rất nhiều mùa nắng và mùa mưa cũng theo qua. Những mùa nắng ve râm ran mở ra khúc hát mùa hè trong lá. Mùa mưa Huế, người con gái ấy đi qua nhạt nhòa trong mưa giữa hai hàng cây long não mờ mịt...

Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận...Trừ những người quá xa phải đi xe đạp, còn lại đa số cứ đến trường bằng những bước đi thong thả hoàng cung. Đi để được ngắm nhìn, để cảm thấy âm thầm trong lòng, mình là một nhan sắc."

"...ngày ngày người con gái mang tên Diễm trong chiếc áo lụa trắng của trường Đồng Khánh, vẫn thường đi ngang qua , băng qua cầu, rẽ tay mặt về nhà. Hình ảnh người con gái thùy mị mang nét kín cổng cao tường rất cổ điển đó đã làm cho anh không ngày nào không nhìn xuống đường chờ đợi:

Lụa áo em phủ mặt đường

Gót nhỏ xanh xao tựa khói sương

Diễm mang đến cho anh một mối tình nhẹ nhàng và lãng mạn như hai chữ "Diễm Xưa". Có hôm thức dậy muộn, nhìn thấy bên cửa sổ có cài một nhành dạ lý hương, anh biết người đẹp đã đi qua nhà mình. Và mỗi lần thức dậy anh đều mong nhìn thấy cành hoa cài trên cửa: "Chiều nay còn mưa, sao em không lại, nhớ mãi trong cơn đau vùi, làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau, bước chân em xin về mau.""

Còn Dao Ánh, mối tình của bà và Trịnh Công Sơn tái hiện trên phim là những lá thư, nhưng độc chỉ có thư của Trịnh gửi nàng, trong thời gian yêu đương đó nội dung bà gửi cho ông những nội dung gì, không ai rõ. Trên thực tế nhiều nguồn kể lại, thì Dao Ánh ban đầu để an ủi ông vì mối tình với Diễm nên viết thư, sau nhiều lần tâm tình tình yêu mới nảy nở. Nhưng không, trên phim thì họ gần như yêu và say đắm nhau luôn. Vì thiếu quãng nghỉ, chuyển biến tâm lý nhân vật nên hình tượng cố nhạc sĩ lên phim khá buồn cười, nếu không nói là đa tình một cách thiếu nghiêm túc.

- Quá tập trung vào các nàng thơ, mối quan hệ xã hội của Trịnh trên phim không tồn tại. Để xây lên nội tâm nhân vật không chỉ có tình yêu, còn phải có mối quan hệ xã hội, Trịnh cư xử như nào với bạn bè, với công việc, với gia đình, những biến cố nào trong đời để Trịnh lúc này khác lúc kia. Nhưng không, Trịnh trong phim chỉ là một hình hài di động chạy từ nàng thơ chuyển cảnh sang một nàng thơ khác.

- Nhiều cảnh thừa và vô lý. Một trong những cảnh vô lý và gây tụt cảm xúc của phim là cảnh những người bạn yêu nhạc cười nói hát hò ngay trong chính ngôi nhà của ông ngay từ đầu phim. Trong rất nhiều năm được tiếp xúc nhạc Trịnh, mình không thấy một tổ chức nào có kiểu giao lưu vừa đi vừa vỗ tay hát hò, cười haha hihi khi hát nhạc Trịnh như thế cả, rất giống kiểu giao lưu văn nghệ làng xã, thiếu tính chiều sâu trong âm nhạc của ông. Mà trên thực tế có chăng đi chăng nữa thì cũng không nên đưa vào, vì thời lượng cuộc đời và thời lượng phim là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chính cảnh văn nghệ văn gừng chỉ để chuyển cảnh hoài niệm như thế, thực sự đã tạo nên một dự cảm thiếu nhất quán về bộ phim ngay từ những phút đầu tiên.

Cuối cùng thì, đọng lại bộ phim vẫn là sự tiếc nuối. Vì với một đề tài đắt giá như vậy, đáng lẽ bộ phim phải đi được xa hơn. Và việc đưa tất cả nàng thơ của Trịnh lên phim là một sai lầm không thể chối bỏ. Như trong hội họa hay nhiếp ảnh, trước khi bắt đầu bằng màu phải tập làm quen với chì và đen trắng, tức trong nghệ thuật, sự giản lược là điều cần thiết. Em Và Trịnh đã liều lĩnh và ôm đồm cuối cùng tạo nên một sự hời hợt không đầu không cuối, méo mó trong hình tượng người nhạc sĩ tài hoa.

Dù sao thì, xem xong một bộ phim không thể về, mấy mươi con người rời khỏi rạp chiếu phải đứng lại để tâm sự trong các trạng thái đứng, ngồi. Về nhà bật nhạc Trịnh lên nghe và viết 1 bài dài ơi là dài để bày tỏ nỗi niềm, thì không phải bộ phim nào cũng làm được.

Nên là, cứ xem thôi.

Để tưởng nhớ và day dứt.

 

 

 

Tác giả: Diễm Trinh

CA SĨ THANH THÚY KHÔNG ĐỒNG TÌNH VỚI BỘ PHIM “EM VÀ TRỊNH”

Bên cạnh những chia sẻ "không vui" từ Khánh Ly, danh ca Thanh Thúy - một trong những nhân vật "Em" trong phim Em và Trịnh - cũng đã có phản ứng về cách xây dựng hình tượng cũng như những chi tiết sai lệch về bà trong phim.

Sau 15 ngày trình chiếu, bộ phim Em và Trịnh hiện đạt doanh thu khoảng 90 tỉ đồng. Chính những tranh cãi gay gắt quanh bộ phim chân dung, tiểu sử về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trên khắp các diễn đàn phim ảnh, mạng xã hội đã giúp bộ phim được nhiều người tìm xem, để rồi tranh cãi, "khẩu chiến" dữ dội tiếp.

Những nhân vật có thật ngoài đời được đoàn phim "tái dựng" hình ảnh trên phim đã có những phản ứng về chính hình tượng của họ trên phim. Danh ca Khánh Ly, trong những chia sẻ gần đây với báo chí, cho rằng bộ phim đã phản ánh không chân thực mối quan hệ giữa bà và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc sinh thời, với những cảnh trong phim như "đút sữa chua cho ông ăn, đi tìm nhạc sĩ, ôm ông khi ông buồn". Khánh Ly khẳng định, giữa bà và Trịnh Công Sơn không có tình yêu: "Nhưng họ vẫn cố tình gán ghép chúng tôi thành một đôi. Để làm gì, tôi không hiểu. Để cho họ thỏa mãn à? Và quan trọng là lúc đó tôi đã có gia đình. Các con tôi sẽ nghĩ gì khi xem phim có cảnh mẹ chủ động đi tìm ông Trịnh Công Sơn. Trong khi tôi với bố nó vẫn ở với nhau".

"Tôi chỉ nghĩ một điều là vì sao người ta làm như thế trong khi tôi còn sống. Tôi không biết khi con tôi xem phim đó, chúng sẽ nghĩ thế nào về mình. Đại diện của đoàn phim trước khi quay có liên lạc, có cho tôi xem kịch bản những phân đoạn Khánh Ly trong phim. Với những cảnh họ dự định thực hiện, tôi đã không đồng ý. Và tôi cũng nói nếu muốn sáng tạo, muốn giữ kịch bản thì phải đổi tên nhân vật. Nhưng cuối cùng, một số cảnh tôi không đồng ý vẫn đưa lên phim và tên Khánh Ly không hề thay đổi" - danh ca Khánh Ly nay đã 77 tuổi cho biết.

Danh ca Thanh Thúy cho rằng hình ảnh của mình bị "xuyên tạc"

Mới đây, bà Thanh Thúy (danh ca Thanh Thúy) đã chia sẻ với báo chí rằng hình ảnh của mình bị xuyên tạc trên phim về Trịnh Công Sơn. Nữ ca sĩ từng thành công với ca khúc Ướt mi (do Trịnh Công Sơn sáng tác tặng) - Thanh Thuý khẳng định: "Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ".

Nữ danh ca Thanh Thúy không giấu được sự thất vọng khi chia sẻ với báo chí tiếng Việt ở hải ngoại: “Đó là thời gian mẹ tôi mới mất. Tôi để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ tôi mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Tôi cũng rất 'kỵ' hình ảnh một nam, một nữ đi về trong ngỏ hẽm mờ ảo như thế. Đó không phải là tôi. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của tôi lúc đó, tôi cũng nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Tôi không hiểu được. Đó là một cô gái sành sỏi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý”.

Thời điểm ekip Em và Trịnh tung ra poster nàng thơ đầu tiên của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - nhân vật danh ca Thanh Thúy do nữ diễn viên Phạm Nhật Linh đảm nhận, thì ngay lập tức trên mạng xã hội, khán giả đã có những màn so sánh giữa "bản sao" và có không ít ý kiến tranh cãi xoay quanh danh ca Thanh Thúy phiên bản 9x này, cho là "không đúng thần thái".

Danh ca Thanh Thúy, tên thật Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1943), là người con của xứ Huế. Do mẹ của bà bị bệnh hiểm nghèo nên gia đình phải rời mảnh đất cố đô, đưa mẹ vào Sài Gòn chữa trị. Để mưu sinh kiếm thêm tiền thuốc thang cho mẹ tại Sài Gòn, Thanh Thúy đến với nghiệp ca hát khi mới 16 tuổi. Lần đầu tiên Thanh Thúy xuất hiện trên sân khấu phòng trà Đức Quỳnh, cạnh rạp chiếu bóng Việt Long nằm đường Cao Thắng cùng với Minh Hiếu. Và ngay lúc đó, tiếng hát của bà đã chinh phục được khán thính giả vốn dĩ rất khó tính trong việc thưởng thức âm nhạc.

Thân gái dặm trường nơi đất khách quê người, song Thanh Thúy vẫn xuất hiện đầy tự tin dưới ánh đèn sân khấu bằng một chất giọng rất đặc biệt, không lẫn lộn với ai. Bà là người Huế, nói rặt tiếng Huế nhưng hát giọng Bắc, chất giọng trộn lẫn giữa Huế và Hà Nội vốn đã đặc biệt, nhưng khi bà cất lên bằng giọng hát thì càng đặc biệt hơn. Đó là một chất giọng hơi khàn nhưng không đục, được bà luyến láy, nhấn nhá nhiều cung bậc trầm bổng rất liêu trai. Thanh Thúy được nhiều đạo diễn, nhạc sĩ gọi với các biệt danh, như "Tiếng hát liêu trai", "Tiếng hát khói sương", "Tiếng hát lúc 0 giờ"...

Những năm đầu thập niên 1960, tên tuổi của ca sĩ Thanh Thúy đã lừng lẫy không chỉ trên các sân khấu phòng trà mà cả trên sóng đài phát thanh, đĩa nhạc, băng nhạc. Những ca khúc đã gắn liền với tên tuổi Thanh Thúy lúc bấy giờ như: Nửa đêm ngoài phố, Kiếp nghèo, Người em sầu mộng, Ngăn cách, Tàu đêm năm cũ

Sinh thời, Trịnh Công Sơn từng cho biết ông gặp Thanh Thúy năm 1958, khi cùng bạn đến phòng trà Mỹ Cảnh ở Sài Gòn để uống rượu, nghe nhạc. Tình cờ, ông được nghe tiếng hát của một ca sĩ người Huế - Thanh Thúy. Giọng ca trầm buồn của bà gây cho ông ấn tượng đặc biệt. Nhạc sĩ viết một mảnh giấy nhỏ đề nghị Thanh Thúy hát bài Giọt mưa thu của Đặng Thế Phong. Bà nhỏ nhẹ cám ơn rồi cất tiếng hát. Vài tháng trước đó, cha bà qua đời, mẹ đang bị lao phổi nặng. Mang nỗi niềm riêng, bà không kiềm chế nổi cảm xúc, vừa hát vừa khóc. Sau đó, Trịnh Công Sơn nhớ lại những giọt nước mắt của Thanh Thúy, sáng tác ca khúc Ướt mi. Ông viết trong một lần giới thiệu ca khúc: "Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng manh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ". Một lần khác, nhớ bóng dáng Thanh Thúy mặc áo dài, sau đêm nhạc hối hả về nhà với mẹ, Trịnh Công Sơn viết tặng bà ca khúc tên Thương một người: "Thương nụ cười và mái tóc buông lơi/ Mùa thu úa trên môi/ Từng đêm qua ngõ tối...".

Theo tư liệu, vào năm 1961, nhạc sĩ Y Vân sáng tác ca khúc Thúy đã đi rồi, dựa trên mối tình đơn phương của bạn thân ông - một đạo diễn kiêm kịch sĩ - dành cho Thanh Thúy. Nhạc phẩm được sử dụng trong cuốn phim cùng tên, do ca sĩ - diễn viên Hùng Cường thu âm.

 

 

 

Tác giả: Tằng Phát

“EM VÀ TRỊNH” NHƯ NỒI LẨU THẬP CẨM

Đứa con tinh thần của Phan Gia Nhật Linh không thể gọi tên là phim âm nhạc và quá hư cấu cho một tác phẩm tiểu sử.

Bản nguyên Trịnh Công Sơn vốn là một tam giác Bermuda- một huyền thoại bí ẩn, đầy mâu thuẫn, nuốt trọn tất cả và không nhả gì ra ngoài các bản tình ca bất hủ.

Phó bản điện ảnh Trịnh Công Sơn và phó bản của phó bản Em và Trịnh là một “kỳ quan thế giới thu nhỏ ở Sa Pa” - phiên bản cuộc đời được làm bé đi, sản xuất bằng xốp phủ sơn, có tất cả sự hào nhoáng và rất thích hợp để trở thành một điểm check-in thời thượng.

Bản nguyên Trịnh Công Sơn là khối nguyên liệu khổng lồ - những mối tình của ông, sự nghiệp âm nhạc đồ sộ và phong phú của ông, bạn bè của ông… đặt trên bối cảnh của một trong những cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử.

Trong những năm tháng chiến tranh và cả những năm dài của thời hậu chiến, ở cả hai bên bờ đại dương, hàng triệu người đã nương tựa vào âm nhạc của ông, tạo ra vô vàn những phiên bản Trịnh Công Sơn khác nhau trong tâm tưởng.

 

Một nồi lẩu thập cẩm

Do đó, cuộc tranh cãi bất tận về việc “giống” hay “không giống” sẽ là vô nghĩa.

Hãy xem những người gần gũi nhất với ông, thân thuộc nhất với ông không ngừng mâu thuẫn, dị biệt và nhiều khi đối nghịch khi cố gắng mô tả Trịnh Công Sơn là đủ hiểu.

Câu hỏi ở đây sẽ là: “Đâu là Trịnh Công Sơn” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh? Và có vẻ, đạo diễn không có được Trịnh Công Sơn 'của mình'”.

Cái bối rối “tình đôi lận đận” phân vân giữa chọn góc nhìn của riêng mình hay làm dâu trăm họ, thỏa mãn vô vàn những ý kiến khác nhau (có thể) của người thân, bạn bè, những “chuyên gia Trịnh Công Sơn” đã đưa đạo diễn vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” ngay từ đầu và kéo dài đến tận cuối phim.

Vậy thì tóm lại Em và Trịnh là thể loại phim gì?

Nó quá nhiều “tài liệu” cho một câu chuyện tình, quá ít âm nhạc cho một bộ phim âm nhạc, quá hư cấu cho một bộ phim tiểu sử và vì không đủ dũng cảm lựa chọn Trịnh Công Sơn của mình.

Vì vậy, Em và Trịnh trở thành một nồi lẩu thập cẩm. Nó có mỗi thứ một ít, chút thời cuộc, chút âm nhạc, chút số phận và rất nhiều các mối tình nhàn nhạt thoáng qua.

Có một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa chết đói giữa hai bó cỏ - nó không thể quyết định bó cỏ nào ngon hơn. Hãy hình dung như nhà biên kịch phải đứng giữa hàng trăm bó cỏ - những chi tiết đắt giá trong một quãng đời dài của người nghệ sĩ - và anh ta bị ''chết'' vì bội thực, vì bó cỏ nào anh ta cũng muốn nếm một chút.

Phương pháp truyền thống của người sáng tạo khi đứng trước một hiện thực quá ngồn ngộn, đó là lựa chọn “zoom out” (tạo một góc nhìn cao hơn hiện thực) hay “zoom in” (đi thật sâu vào một vài chi tiết của hiện thực).

Cả hai phương pháp này đều “dị ứng” với cách minh họa của tác giả kịch bản của Em và Trịnh, dẫn đến một hiện tượng hi hữu trong lịch sử điện ảnh Việt Nam: Nhà sản xuất cùng một lúc ra mắt hai phiên bản phim.

Do đó phiên bản thứ 2 Trịnh Công Sơn là phiên bản 1 được dũng cảm cắt tuột đi nhân vật dẫn chuyện thời hậu chiến và mối tình của ông với cô sinh viên người Nhật Michiko.

Và lạ lùng là sau khi cắt tuột hơn 40 phút phim của bản “lẩu thập cẩm”, bộ phim lại tập trung và tốt hơn hẳn.

 

Đoạn phim tài liệu ghép vô tội vạ

Có rất nhiều lời ca thán về việc Em và Trịnh giống một MV ca nhạc kéo dài. Thật ra, sự giống nhau đó xuất phát từ lựa chọn chung - minh họa trực tiếp. Cho nên nếu ca từ vang lên “mưa vẫn mưa bay” thì trời phải ướt sũng và người nhạc sĩ run rẩy sáng tác trong mưa, “đường phượng bay” thì hoa phượng phải nở đỏ phố, “nắng thủy tinh” thì trời phải bừng sáng, “đại bác ru đêm” thì màn ảnh phải ngập tràn tiếng nổ và đêm trong phim lúc nào cũng ngập ánh hỏa châu.

Và khi minh họa cho một hiện thực đã quá quen thuộc trên màn ảnh, thì việc bị ảnh hưởng bởi những bộ phim trước đó là điều dễ hiểu.

Khán giả khó tính sẽ phì cười khi luôn gặp hình ảnh rập khuôn đến không thể rập khuôn hơn.

Những đoạn phim tài liệu được lồng ghép vô tội vạ trong phim càng làm tính minh họa của nó rõ rệt hơn, nhưng có lẽ cũng không tệ bằng áp đặt khiên cưỡng trong hành trình trở về từ B’Lao của Trịnh Công Sơn - mọi thảm cảnh của chiến tranh nối đuôi nhau trình diễn trước mặt Sơn qua khung cửa chuyến xe.

Nhưng có những bó cỏ không dễ ăn như vậy, bởi nó không thuộc về hiện thực đời sống để có thể dễ dàng minh họa.

 

"Remake" cảm xúc Trịnh Công Sơn thất bại

Các mối tình của Trịnh Công Sơn là vậy. Bởi sự thực là “thực tại Trịnh Công Sơn” là một thực tại nhiều chiều. “Hoàng tử bé” của âm nhạc Việt Nam vốn không thuộc về thế giới này, ông ở đó mà cũng không ở đó, luôn luôn trìu mến và cũng luôn luôn xa cách, ông thuộc về hành tinh của ông, hành tinh ông tự tạo ra và sống thiết tha trong hành tinh đó.

Ông bị hút hồn không phải bởi vệt áo dài lướt qua mà là cảm xúc nó ngân mãi trong ông, ông say đắm một Dao Ánh trong hơn 300 bức thư tình tuyệt diệu ông viết hơn là một Dao Ánh trong đời thực, yêu thương một Mai của những cuộc điện thoại viễn liên và thấy trẻ lại trong những câu hỏi ngây thơ của Michiko…

Tình yêu của ông là tình yêu với cảm xúc của chính mình, và nỗi sợ hãi của ông là nỗi sợ hãi rằng: Đến lúc những xúc cảm đó rời khỏi ông và biến mất. Nỗi sợ hãi khi sự buồn bã trở nên bình thản, như một sự tất yếu của cảm xúc. Đó cũng là nỗi buồn hiện sinh của thế hệ ông, và điều khiến ông được nhiều người chia sẻ.

Trong khi cố gắng “remake” hiện thực, Em và Trịnh đã hoàn toàn thất bại trong việc “remake” cái cảm xúc đó, cái tinh thần đó của Trịnh Công Sơn.

Một trong những từ mà Trịnh Công Sơn yêu thích là “thiết tha” - có một sự trìu mến đầy tính nữ trong mối quan hệ của ông với những người xung quanh.

Không tìm thấy đâu ra sự “thiết tha” đó trong phim. Không tìm thấy đâu cái cảm giác “mà tôi yêu quá cuộc đời này” - đạo diễn trình bày trước mắt chúng ta hình ảnh một nhạc sĩ ngây ngây thơ thơ khi còn trẻ (“ngây ngây mà rầu, sầu sầu mà khóc”) và một ông già mất toàn bộ sức sống, niềm vui sống khi tuổi già, không có xót xa, chỉ có mệt mỏi.

 

Cảnh tệ hại nhất phim

Điểm đặc biệt của Em và Trịnh, đó là chúng ta sẽ rất khó để quyết định xem cảnh nào là cảnh tệ hại nhất của bộ phim - đoạn phi lộ dài dòng mở đầu phim hay cái nháy mắt “đểu giả” của Trần Lực ở kết phim.

Nhưng tôi sẽ bỏ phiếu cho cái kết.

Nếu sự thừa thãi của đoạn “phi lộ” đầu phim quá rõ ràng - bữa tiệc gia đình kiểu “cả nhà cùng ca” - có thể rất gợi nhớ không khí của gia đình nhạc sĩ, nhưng lại đầy nhàm chán với khán giả thì cái kết phim chính xác là một “coup de grace” cho hình tượng nhạc sĩ trong tâm tưởng khán giả - một con người vừa chao đảo đi qua các cuộc tình tha thiết lại trở nên rất “trai lơ” bước vào một cuộc tình mới, với nàng thơ mới.

Không thể không nói, góp phần vào sự thất bại điện ảnh của Em và Trịnh có phần đóng góp không nhỏ của các diễn viên.

Trần Lực là một thất bại toàn tập. Việc loại bỏ hoàn toàn các phân cảnh có anh trong phiên bản Trịnh Công Sơn khiến bản phim dễ chịu hơn nhiều. Cái khô cứng của anh, cái mệt mỏi của anh, cái thái độ “trai lơ” của anh ở cuối phim làm khán giả triệt để đánh mất cảm xúc.

Avin Lu, như đã nói ở trên, có sự “ngây ngây thơ thơ” chứ không phải sự ngây thơ thánh thiện của Trịnh Công Sơn. Đặc biệt ở đoạn đầu, khi nhìn thấy Bích Diễm, cái thể hiện của anh không phải sự rung động thảng thốt của nghệ sĩ với cái đẹp, mà là biểu cảm rất “lạ cho mặt sữa cũng ngây vì tình”.

Những đoạn sau anh đóng tốt hơn, nhưng cũng chỉ đủ tròn vai một cách miễn cưỡng. Trường đoạn anh đóng tốt nhất có lẽ lúc thẩm vấn với nhân viên quân cảnh, gương mặt chìm trong tối nên sâu hơn, quyết liệt hơn.

Mọi người dành nhiều lời khen cho Bùi Lan Hương, nhưng tôi tự hỏi: “Khánh Ly sẽ thô bạo vậy sao, dữ dằn vậy sao?”.

Cái thô bạo dữ dằn của Bùi Lan Hương (“Anh thó của ông Văn Cao đấy à”, “Em có hai con rồi đấy”) là cái thô bạo dữ của ngõ chợ Khâm Thiên sau bao cấp chứ không phải sự mạnh mẽ của cô Mai di cư từ Hà Nội vào miền Nam. Chỉ có một điểm sáng hiếm hoi là diễn xuất tự nhiên và hồn hậu của Hoàng Hà, lọt thỏm giữa những vai diễn vô vị khác.

 

Vậy chẳng lẽ không có điều gì đáng khen ở Em và Trịnh?

Âm nhạc của Đức Trí, và chắc chắn các tình khúc bất hủ của Trịnh Công Sơn là thứ đã khiến cho khán giả không bị ngủ gục suốt 136 phút lê thê của một bộ phim không thể biết đạo diễn sẽ kết thúc như thế nào.

Sự kỹ lưỡng của bối cảnh, trang phục và hình ảnh chắc chắn là điểm cộng cho bộ phim. Nhưng ngay cả ở đây, xử lý màu sắc và ánh sáng cũng khiến cho bộ phim “mới” quá - màu sắc và những cảnh quay đậm chất MV khiến chúng ta không có cảm giác được quay về với quá khứ.

Những bối cảnh đẹp đẽ ở Đà Lạt, Huế, Sài Gòn cũng mang đầy màu sắc “remake” - phục dựng chứ không làm chúng ta có cảm giác cũ kỹ chân thực của một bộ phim truyện điện ảnh.

 

Vậy đâu là Trịnh Công Sơn của Phan Gia Nhật Linh?

Lựa chọn thỏa mãn nhóm khán giả tuổi teen với một Avin Lu rất “ a la Mắt biếc” (Hãy xem sự trở lại của hình ảnh diễn viên điển trai chở cây đàn sau lưng xe đạp của mình) hay nhóm khán giả tuổi ''sồn sồn'' với hình ảnh người hùng xế chiều Trần Lực, hay cả hai?

Với một kịch bản dàn trải, một đạo diễn mang nặng tính minh họa và do dự, một dàn diễn viên mà nhân vật thiếu nhiều đất diễn vì thế rất ít đời sống nên người làm tốt nhất cũng chỉ ở mức tròn vai, nhưng cuối cùng Em và Trịnh vẫn sẽ thu hút được một lượng khán giả đến rạp xem phim?

Cái may mắn của bộ phim là ở chỗ, những khán giả trung thành của Trịnh Công Sơn vốn đã có sẵn “hành tinh Trịnh Công Sơn” trong mình và khi họ xem phim, tiềm thức của họ không ngừng làm đầy cho hình ảnh tẻ nhạt mà họ đang xem trên màn ảnh, và họ sống lại không phải với câu chuyện trên màn ảnh, mà là với câu chuyện về Trịnh Công Sơn trong tiềm thức của họ.

Nhưng lớp khán giả trẻ hơn sẽ không có được đặc ân ấy!

Không may cho họ? Hay là may cho họ?

 


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Vài cảm nhận khi xem phim BỐ GIÀ (web drama) của Trấn Thànhl

- Hôn quân Lưu Tử Nghiệp và vai diễn của Trương Dật Kiệtl

0 comments:

Đăng nhận xét