HÀN
MẶC TỬ:
THIÊN
THẦN BỊ ĐẦY ĐỌA
*
(Kỷ niệm 90 năm phong trào Thơ mới, 1932-2022)
Quê Đồng Hới - Quảng Bình nhưng thi tài
Hàn Mặc Tử chói sáng đỉnh điểm khi về sống ở Quy Nhơn - Bình Định những năm
cuối cuộc đời ngắn ngủi. Có một thiên cơ giữa đất và người…
1.
Từ tuổi học trò ở Quy Nhơn những năm sáu
mươi của thế kỷ trước, chúng tôi đã rất ngưỡng mộ thơ Hàn Mặc Tử và xem vết
tích của ông để lại ở đất này là niềm tự hào và quyến rũ: Ngôi nhà tuổi thơ số
20 đường Khải Định (nay là ngã tư Lê Lợi - Nguyễn Du); mái trường College ông
dệt mộng đèn sách; thư viện nơi ông bươn bả với kiến thức kim cổ đông tây; bãi
biển trăng và cát vàng mộng mị; những con đường rụt rè, những tình yêu; căn
phòng thơ và bạn bè; xóm Tấn nơi lánh bệnh; nhà thương phong điều trị bệnh và
ngôi mộ trên đồi Ghềnh Ráng…
Lời bài hát “đường lên dốc đá nửa đêm trăng tà…” đã ru chúng tôi vào một Quy
Nhơn hoang sơ đẹp và buồn của mối tình thi sĩ và cái dốc Mộng Cầm đã trở thành
địa danh nôn nao bổi hổi. Tôi có duyên may được gặp gỡ và trò chuyện với ba
trong bốn nhà thơ lớn của nhóm “Bàn Thành tứ hữu” là Quách Tấn, Yến Lan và Chế
Lan Viên. Thông qua họ, tôi hiểu thêm về Hàn Mặc Tử trong lòng những người bạn
của ông. Bây giờ trong cõi xa kia, bốn người bạn thân ở thành Đồ Bàn đã gặp lại
nhau nơi cõi khác, chẳng chỉ “nửa đêm trăng tà” mà còn bất cứ lúc nào, như ngày
xưa trẻ trung ở Quy Nhơn, trong những lần tìm đến nhau, thăng hoa trong thơ ca
và tình bạn. Hàn Mặc Tử sinh ngày 12 tháng 8 (âm, nhằm ngày 22/9/1912, mùa
trăng, Chúa nhật, ngày của Chúa,…).
2.
Hàn Mặc Tử không phải một tông đồ truyền
giáo mà là “loài thi sĩ” đã xác lập định mệnh thơ với nguồn mạch của một thế
giới tân kỳ, không phải đi rao giảng đức tin tôn giáo mà quán chiếu trời thơ
như một sứ điệp của tình yêu cuộc sống hoàn vũ. Không phải là linh mục để thực
hiện nghi thức bí tích, nhưng Hàn Mặc Tử vẫn là một kẻ chăn chiên chăn dắt tình
yêu và gieo vào ân sủng thơ ca một mùi dầu thánh.
Tôi đã lặn lội trong âm thanh tuyệt diệu
và mầu nhiệm những bài ca của Sa-lô-môn trong Kinh Thánh, tìm một nguồn gốc của
sự vui vẻ thanh sạch và cao quý những nam nữ rất thanh khiết “như con hoàng
dương hay là như con nai con ở trên các núi thuốc thơm” để quay về với đời và
thơ Hàn Mặc Tử. Đó là một tình yêu tràn trề chảy qua vườn nho chín mọng, hoa
tường vi trắng hồng, lai láng dưới răng, lưỡi, bầu vú, trong ngũ quan líu lo
những mật ong và sữa. Khi người ta yêu nhau, có thể lắng nghe mọi âm thanh ngây
ngất, nhìn mọi chi tiết đắm đuối của thân tâm trong bản giao hưởng thế giới tạo
vật muôn trùng.
Hàn Mặc Tử, dưới góc độ nào đó, ở đầu
thế kỷ XX phân thân trong hoàng đế Sa-lô-môn, trong kẻ lương nhân, và trong cả
cô gái đồng trinh mà mấy nghìn năm rồi, thường hằng trong thánh ca bất tử: “Nguyện người hôn tôi bằng cái hôn của miệng
người. Vì ái tình chàng ngon hơn rượu. Danh chàng thơm như dầu đổ ra; Bởi cớ ấy
các gái đồng trinh yêu mến chàng. Hãy kéo tôi; chúng tôi sẽ chạy theo chàng,
Vua đã dẫn tôi vào phòng Ngài. Chúng tôi sẽ vui mừng và khoái lạc nơi chàng.
Các gái đồng trinh yêu mến chàng cách chánh trực”. Và bắt đầu một hành
trình sáng tạo, Hàn đã lấy máu làm mực, lấy trăng làm giấy, kẻ lên đó những vần
thơ khai phóng làm ngây ngất những tinh cầu: “Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt/ Như đón từ xa một ý thơ“.
Hàn Mặc Tử bày biện cuộc mình như một
thánh lễ, giấy bút vào hành trình: “Mực
lùa khí vị vô hồn chữ/ Văn hút hào quang ở miệng ra“. Dù khi hối hả (như
một cái máy vi tính tiên tri mà thời Hàn chưa có): “Thơ chưa ra khỏi bút/ Giọt mực đã rụng rồi/ Lòng tôi chưa kịp nói/ Giấy
đã toát mồ hôi” hay trầm tĩnh thức nhận
“Người thơ chưa thấy ra đời nhỉ/ Trinh bạch ai chôn tận đáy mồ“, và niềm
sám hối “Đời không có ngọc trong pho
sách/ E chết khôi nguyên ở Phượng Trì” luôn luôn là nỗi ám ảnh để nhà thơ
đi tìm châu báu trong trần gian: “Trái
cây bằng ngọc vỏ bằng gấm/ Còn mặt trời kia tợ khối vàng“. Thánh lễ của
Hàn, từ cuộc khai tâm “Thuở ấy càn khôn
mới dựng nên/ Mùa thơ chưa gặt tốt tươi lên/ Người thơ phong vận như thơ ấy/
Nào đã ra đời ngọc biết tên“, qua rửa tội “Xin thứ tha những câu thơ tội lỗi/ Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng“,
đến cuộc hòa minh: “Anh đứng cách xa hàng
thế giới/ Lặng nhìn trong mộng miệng em cười/ Em cười anh cũng cười theo dọi/
Để nhắn hồn em đã tới nơi“, rồi ơn gọi: “Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu/ Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu/
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang” cho tới tận cùng “Cứ để ta ngất ngư trong vũng huyết/ Trải niềm
đau trên trang giấy mong manh/ Đừng nắm lại nguồn thơ ta đang siết/ Cả lòng ta
trong mớ chữ rung rinh” là thánh lễ của một kẻ tuẫn đạo để cứu rỗi. Điều
này thuộc về định mệnh. Bầy chiên ngôn ngữ đã được quán triệt trong thể xác và
linh hồn người thơ, và người thơ lộn trái thịt da cốt tủy ra trình bày dưới ánh
sáng, theo một nhu cầu nội tại chân thực và thành kính. Hàn Mặc Tử đã tự thắp
những vầng trăng trên thánh lễ, từ y phục: “Áo
ta rách rưới trời không vá/ Suốt bốn mùa trăng mặc vải trăng” đến lương thực:
“Trời hỡi làm sao cho khỏi đói/ Gió trăng
có sẵn làm sao ăn” đến tiện nghi: “Tôi
lượm lá trăng làm chiếu trải” và trải nghiệm “Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra”
nhưng cuối cùng vẫn chơi trên trăng với mục đích: “Để nghe tiếng nhạc Nghê Thường thổi/ Để hớp tinh anh của Nguyệt Cầu/ Và
để thoát ly ngoài thế giới…“. Tự gọi tên “Máu cuồng và Hồn điên“, Hàn Mặc Tử đã trải qua những cơn đau đớn
giày vò về thể xác lẫn tinh thần, muốn thoát hồn ra ngoài xác thịt mà “Đo từ ngọn cỏ tới cung trăng“, một cự ly
quán thế cả và thiên hạ để “Ràng rịt mãi
cho tới ngày tận thế“. Đó là cuộc lữ hành lý tưởng của “loài thi sĩ” để tìm
một nụ cười an lạc trong niềm đau cùng cực của một hình hài.
3.
Nỗi cô độc của một thiên tài thơ ca là
nỗi cô độc trong sum vầy, như đỉnh núi đột khởi giữa điệp trùng gò đống. Đời
Hàn Mặc Tử luôn luôn hiện hữu song hành với thơ Hàn Mặc Tử, trong tình yêu của
mọi người dành cho Hàn Mặc Tử suốt trăm năm nay. Và dù chưa có một thống kê xã
hội học chính thức, tôi vẫn nhận thấy mộ Hàn Mặc Tử trở thành một trong những
địa điểm hành hương được người mến mộ viếng thăm nhiều nhất trong số các nhà
thơ Việt! Tôi đã đọc trong nước mắt của những vần thơ do khách đa tình sau mấy
thế hệ viếng Hàn, nghe rào rạt sức sống của Hàn trong nguồn cảm hứng tinh khôi
của họ, như dành cho người lương nhân trong Nhã Ca: “Vừa sớm mai, chúng ta sẽ thức dậy, Ði đến vườn nho, đặng xem thể nho có
nứt đọt, Hoa có trổ, thạch lựu có nở bông chăng: Tại đó tôi sẽ tỏ ái tình tôi
cho chàng. Trái phong già xông mùi thơm nó; Và tại cửa chúng ta có những thứ
trái ngon mới và cũ; Hỡi lương nhân tôi, tôi đã để dành trái ấy cho chàng!“.
Chúng ta đều biết, ở Bình Định có vị anh
hùng kiệt xuất Quang Trung – Nguyễn Huệ và cuộc đời và sự nghiệp của ông đã
trình bày thánh tích của một thiên tài. Thiên tài quân sự bách chiến bách thắng
đã đưa một người nông dân lên ngôi hoàng đế, đưa những tấc sắt thành lưỡi gươm
thiêng đại định thiên hạ. Tất nhiên, không ai đi so sánh 39 năm hiển hách huân
nghiệp của một người bước lên ngai vàng với 28 năm của một dân đen dù dân đen
ấy là một thiên tài thi ca mang tên Hàn Mặc Tử. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, nhà
thơ đồng nghĩa với anh hùng văn hóa. Ai dám bảo đạo quân chữ nghĩa của Hàn Mặc
Tử không phải được sinh thành bởi hương thơm và ánh sáng, không có khả năng
chinh phục nụ cười nước mắt của thiên hạ trong nhiều thế kỷ tiếp theo.
Sự ngắn ngủi của đời họ là dồn nén của
bùng nổ và nguồn cảm hứng thiên hạ dành cho họ sẽ không bao giờ vơi cạn. Thửa
ruộng Hàn Mặc Tử, tòa nhà Hàn Mặc Tử, ngôi đền Hàn Mặc Tử sẽ làm cuộc giãi bày
cho đến muôn sau, trong cuộc cứu rỗi thi ca thiên khởi, uyên nguyên, xa lạ với
cuộc ma-ra-tông rượt đuổi trường phái, chủ thuyết, trào lưu, nắm chiếc đuôi
khôn ngoan của cỗ xe ngựa triết học kinh viện. Cái đời thơ kỳ lạ ấy đã thực
hiện sứ mệnh như một thiên thần bị đày đọa, đã đau khổ và yêu thương đến cùng
cực khi trót một lần hẹn thề cùng cõi nhân gian
Mời
nhấp chuột đọc thêm:
Mời nghe Đặng Xuân Xuyến đọc bài thơ CUỒNG YÊU:
Trần Chí Cường giới thiệu
Tác giả: Nguyễn
Thanh Mừng
Nguồn: cand.com.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét