MỘT LẦN ĐI GỌI HỒN - Tác giả: Ngô Nhật Đăng ; Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Leave a Comment

 

MỘT LẦN ĐI GỌI HỒN

*

Sau khi học Tử Vi được hơn 10 năm Thầy tôi mới cho bắt đầu đọc Dịch, nói là 10 năm nhưng tuần chỉ có 2, 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng đồng hồ. Những thứ này lạ lắm, cố gắng nhồi nhét thì sẽ bị “tẩu hỏa nhập ma” thành người “leng keng tàu điện” nửa mê nửa tỉnh.

Vì thế khi đọc Dịch tôi đặc biệt chú ý đến phần vu nghiễn của nó, phần mà người Tàu đi rất sâu thành cả một thứ gần như tôn giáo gọi là Đạo Lão, sinh ra phép thuật, thầy pháp, đồng bóng, tiếp xúc với hồn người đã chết, luyện thuốc trường sinh ... Khi quan sát những người lên đồng ta thấy họ như nhận được lệnh từ một vị trên cao nào đó, thấy được quá khứ (rất đúng), dự đoán tương lai (không rõ ràng cho đến khi sự việc xảy ra) thậm chí còn được người thường coi là khải thị như các nhà tiên tri nổi tiếng thế giới. Nó chỉ nằm trong một số nhóm người đặc biệt nhưng cũng có thể luyện tập bằng phương pháp Tâm Động rất gần với yoga Ấn Độ hay Grotte du Coeur của phương Tây, ở Việt Nam cũng từng có một trung tâm gọi là “Viện nghiên cứu ứng dụng Tiềm năng con người” với ông giáo sư Nguyễn Phúc Giác Hải mà những năm cuối đời bị “tẩu hỏa nhập ma”.

Thực ra điều này không có gì là lạ nếu ta biết toàn cục, đây cũng là chìa khóa mở vào một miền bí ẩn có quyền năng vượt quá khả năng con người bình thường như thấu thị, gọi hồn, tìm mộ, các phép chữa bệnh vv... những người theo đuổi Minh triết đôi khi cũng tập luyện phương pháp này để biết về cơ cấu của tâm trạng con người, làm cho hoạt động quá thiên về lý trí được linh động mềm dẻo hơn, nâng tư duy nên miền tiềm thức và phần nào có thể ngăn chặn các “đạo sỹ, ông đồng, bà cốt” lợi dụng gây ra tệ đoan trong xã hội. Nhưng nó thường hại nhiều hơn lợi nên ai muốn học hoặc không thì tùy. Các bậc đại hiền triết như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm biết việc mấy trăm năm về trước, mấy trăm năm về sau cũng coi nhẹ những “quyền năng” này. Phật Thích Ca, Chúa Jesus cũng chỉ thị hiện phép lạ vào những hoàn cảnh không thể không làm. Yoga Ấn Độ cũng có phép Sava-sana để xả bớt những suy tư đi lạc hướng.

Nên sau khi đã xem số Tử Vi cho hàng ngàn người, tiếng nổi như cồn thì tôi chấm dứt không bao giờ xem nữa mà lại hay đến những ông thầy pháp, thày bói, bà đồng gọi hồn... cứ nghe ai giỏi là mò đến. Chứng kiến họ làm phép và cười, đôi khi lại có những trao đổi rất thú vị. Mới biết các vị nhà ta kể cả “tứ trụ” cũng mê món này lắm. Không nhịn được cười mỗi lần nhớ tới các ông ấy, hét ra lửa, đi đâu cũng oai phong bệ vệ ra dáng nhưng trước mặt mấy ông thầy thì khúm núm lễ phép xưng “con” thậm chí thay chân tiểu đồng đun nước pha trà cho thầy, trong đó không thiếu những ông thầy lưu manh hơn cả lưu manh. Kể cũng là luật bù trừ của ông Trời.

Một lần tôi đi coi gọi hồn tận Thanh Hóa, cô này nổi tiếng lắm người ta không gọi tên thật mà gọi là cô Tiên, mà cô đẹp thật, tóc dài ngang kheo chân, da trắng, môi hồng, mắt đen ướt rượt, đi nhẹ như lướt. Có một thằng ngỗ ngược kể với tôi, lần đầu gặp cô nó xuýt xoa: “Trời, trông cô ngon thế”. Khi hồn người thân của nó về, kể vanh vách chuyện ngày xưa chỉ hai người biết, toàn những chuyện cảm động làm nó ôm mặt khóc rưng rức.

Chỗ này đông lắm, xe đậu chật sân, vợ chồng anh trai cô tiên xây một dãy nhà trọ, một nhà hàng để phục vụ khách, có người phải chờ cả tháng trời. Tôi ngồi xuống bàn gọi một ly cafe, ngồi gần là một bà già tóc bạc có dáng một bà má Nam Bộ, tôi hỏi thì hóa ra là đúng, bà ở tuốt miền Tây. Bà hỏi tôi:

- Con đến lần đầu hay lần thứ mấy?

- Dạ con đến lần đầu tiên.

Bà nói:

- Dì là lần thứ 2, lần trước ra có được gặp nhưng chỉ được nhận đúng là người nhà mình rồi về, 3 tháng sau mới quay lại. Dì ra được 2 bữa rồi, không biết hôm nay có được gặp không. Con chắc cũng phải thế đấy.

Tôi cười:

- Chắc con không phải chờ lâu đâu dì.

Mấy tên mê đi xem bói, gọi hồn rất hay rủ tôi, vì người đông đến đâu hễ tôi có mặt là bao giờ cũng được xem trước, trái cây của mình bao giờ cũng được để lên trên cùng, thầy nào nổ to đến đâu nói với tôi cũng thành nhỏ nhẹ, bọn nó ngạc nhiên lắm nhưng tôi cũng chẳng nói gì “tự nhiên mà, tao không biết”. Có lần bà xã rủ đi coi bói tuốt dưới miệt ruộng, một bà má Nam Bộ rặc, coi bói cho thằng Bắc Kỳ xong nói: “Tết này vợ chồng bay về đây ăn Tết với tao”. Có lần nàng ngạc nhiên nói: “Dì Sáu (bói) gọi điện cho em nói, thằng chồng mày thiếu tiền làm ăn thì nói với tau, tau mang sổ đỏ ra ngân hàng vay cho nó” - Trời đất, làm tôi cảm động không biết nói sao nữa.

Tôi đang nghĩ miên man thì có tiếng gọi: “Ai tên là Đăng thì vào nhé”- Tôi không để ý vì thiếu gì người trùng tên, có tiếng quát, lần này là cô tiên: “Thằng Đăng cháu ông Ngô Xuân Quỳnh vào đây nhanh lên” - Tôi giật nảy người, cụ Quỳnh là cụ Ngũ đại của tôi, ở trong triều đình Huế cùng ông Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi làm cuộc Cần Vương. Thất bại, cụ chạy về Thanh Hóa lập ra một đội nghĩa quân, đánh với Pháp được mấy trận thì học trò yêu bị giết, con trai bị bắt, cụ về làng lên một chiếc thuyền chèo ra giữa sông, uống rượu ngâm thơ, được 3 ngày không nghe thấy tiếng, dân làng chèo thuyền ra xem thì cụ đã mất. Việc này ghi rõ trong gia phả nên tôi nhớ lắm. Tôi vội vàng chạy vào, căn phòng đóng cửa buông rèm chỉ có một ngọn đèn nhỏ nên mờ mờ tỏ tỏ, có mấy người đang ngồi trước mặt cô tiên, thấy tôi vào, một ông nói to:

- Tưởng Hà Nội thời bao cấp mới có xếp hàng mà vẫn chen ngang, ai ngờ dưới kia cũng có.

Tôi phì cười, thì có tiếng quát:

- Thằng kia, mày biết tao là ai không?

- Dạ, biết.

- Biết mà bắt tao chờ, mày có biết mày có tội gì không?

Tội của tôi thì nhiều như nước sông Hồng làm sao kể hết nên tôi cứ lúng búng. Lại quát:

- Mày có biết quê mày ở đâu không?

- Dạ con có biết ạ.

Rồi tôi đọc vanh vách tên thôn, làng, xã, huyện, tỉnh. Cụ lại quát:

- Biết mà không về, hơn 40 tuổi, hơn nửa đời người mà không biết tìm đường về quê. Đồ mất gốc.

Bỏ mẹ rồi, tôi liền đổ lỗi:

- Tại ba con, ba con có bao giờ đưa con về quê đâu mà biết (quê tôi gọi bố là ba).

Thấy cụ nhẹ nhàng hơn:

- Ba mày hả ? Hôm rồi ngồi với nhau mấy ông cũng nói bao giờ ba mày xuống đây (chết) sẽ nọc ra cho ăn đòn một trận. Thôi, mai về quê đi con, về thì dân làng quý mến chứ có mất gì đâu. Hôm nay tao về chỉ để nói với mày thế thôi.

Thế là cụ thăng. Hôm sau tôi tìm đường về quê, cả làng ríu rít đến hỏi thăm, tôi lên nhà thờ, ra mộ thắp nhang cho cụ Quỳnh, lần đầu tiên trong đời được nếm cái cảm giác quê hương bản quán xa vời ngàn dặm cũng nhờ đi gọi hồn, từ đó cứ rảnh là tôi lại về quê.

Có lần mấy người Thanh Hóa vào Vũng Tàu thăm cha tôi, ông nói: “Chúng mày sướng, chết được về chôn ở Thanh Hóa, còn tao thì...

Cha tôi dặn tôi: “Khi bố chết, con thiêu rồi rắc tro ra biển”.

Khi ông hấp hối, tôi hỏi: “Con đưa bố về quê nhé?”. Ông gật đầu, nhắm mắt, 2 giọt lệ ứa ra rồi nhẹ nhàng đi. Tôi đưa bố về quê, nằm bên cạnh ông bà nội, ông nội tôi lang thang khắp xứ, sang cả Pháp nhưng rồi khi chết cũng lại về quê.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

 

Mời nghe nhạc phẩm BÊN EM MÙA XUÂN của Hoài An

qua tiếng hát Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Ngô Kiến Huy, Khổng Tú Quỳnh:

Nguyễn Đình Văn giới thiệu

Tác giả: Ngô Nhật Đăng - nguồn: Ngô Nhật Đăng

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét