VÌ SAO NÊN LẤY TÊN MÃO THỎ MẸO MÈO - Tác giả: Đỗ Đức Chiêu ; La Thụy giới thiệu

Leave a Comment

 

VÌ SAO NÊN LẤY TÊN

MÃO THỎ MẸO MÈO

*

Tuổi Mẹo là con Mèo Ngao,      

Hay quấu hay quào ăn vụng thành tinh

Đó là hai câu trong bài Đồng Dao nói về CON MÈO trong 12 con giáp của vùng Lục Tỉnh quê tôi; khắp đồng bằng sông Cửu Long và cả nước Việt Nam đều biết tuổi MÃO là tuổi con MÈO; nhưng theo Thập Nhị Địa Chi trong Tử Vi đẩu số thì MÃO là con THỎ chớ không phải con MÈO! Có thể do âm MÃO 卯 có âm sắc gần giống các âm MAO, MEO, MÈO, MIÊU, MỈU là tiếng kêu và là tên gọi của con MÈO mà ra chăng?! Vả lại con MÈO là một trong những gia súc thường nuôi trong nhà hơn là con THỎ sống trong hang hố bụi rậm, nên con MÈO gần gũi thân thương với người Việt Nam ta hơn là con THỎ thường được nuôi trong chuồng.

Nhưng dù cho Thỏ hay Mèo gì thì cũng là năm MÃO 卯, ngôi thứ tư của Địa chi kết hợp với ngôi cuối cùng của Thiên can là QUÝ 癸, nên năm nay 2023 là năm QUÝ MÃO 癸卯. Bắc phương Nhâm Quý thủy 北方壬癸水, nên QUÝ thuộc âm thủy ở phương bắc và có màu đen, nên năm Quý Mão là năm của con thỏ màu đen, nếu đọc là QUÝ MẸO thì là con mèo đen, mà dân Cái răng Ba láng Vàm Xáng Phong điền của chúng tôi gọi là con Mèo Mun. Điều nầy cho thấy tiếng Việt ta rất lắt léo và rất khó học đối với người nước ngoài. Này nhé, con cọp đen thì gọi là HẮC HỔ; con ngựa đen thì gọi là con NGỰA Ô; con chó đen thì gọi là con CHÓ MỰC, còn con mèo đen thì lại gọi là con MÈO MUN và con cá đen là con... CÁ LÓC...!!!

Năm Mão là năm thứ tư theo Địa chi: Tý, Sửu, Dần, MÃO... Nhưng tháng Mão là Tháng Hai Âm lịch trong năm; Ngày Mão là ngày được xếp sau ngày Dần và trước ngày Thìn; Giờ Mão là từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, giờ của mặt trời mọc, giờ của một ngày mới bắt đầu, nên ông bà ngày xưa thường nhắc nhở con cháu câu nói trong Tăng Quảng Hiền Văn sau đây:

Mạc ẩm Mão thời tửu, 莫飲卯時酒,

Hôn hôn túy đáo Dậu.昏昏醉到酉.

Mạc mạ Dậu thời thê, 莫罵酉時妻,

Nhất dạ thụ cô thê. 一夜受孤凄.

 Có nghĩa:

* Đừng uống rượu vào giờ Mão (từ 5 đến 7 giờ sáng). 

Vì sẽ bị... Say sưa mơ màng cho đến giờ Dậu (từ 5 đến 7 giờ tối). Vậy là suốt ngày sẽ không làm ăn gì được cả!

* Đừng mắng vợ vào giờ Dậu.

Vì chiều tối mà vợ chồng giận nhau thì suốt đêm sẽ chịu lạnh lẽo cô đơn có một mình, cũng sẽ không "làm ăn" gì được cả!

Tâm lý quá cỡ "thợ mộc"! Ai bảo là ông bà ngày xưa không biết tâm lý tình cảm và bảo vệ hạnh phúc gia đình đâu!?

Theo truyền thuyết xưa trong cung trăng có con thỏ trắng giã thuốc trường sinh. Vì có sắc lông trắng như ngọc nên mọi người đều gọi là NGỌC THỐ 玉兔 là Thỏ Ngọc; hình thành thành ngữ NGỌC THỐ ĐẢO DƯỢC 玉兔搗藥 là Thỏ Ngọc Giã Thuốc theo các truyền thuyết sau đây:                            

* Thỏ Ngọc là hoá thân của Hằng Nga, vì sau khi đến cung trăng đã phạm luật của thiên đình nên Ngọc Đế phạt biến thành thỏ ngọc, đến mỗi đêm trăng sáng thì phải cầm chày ngọc cối ngọc để giã thuốc trường sinh cho các thần tiên trên trời.

* Có truyền thuyết cho rằng Thỏ Ngọc chính là hóa thân của Hậu Nghệ, vì thương Hằng Nga ở cung trăng vò võ có một mình, nên mới hóa thân thành con vật mà Hằng Nga yêu thích nhất để cùng bầu bạn với nàng. Đáng thương cho Hằng Nga không biết là người chồng mà mình luôn tưởng nhớ chính là con Thỏ Ngọc đang kề cận bên mình mỗi đêm.

* Theo truyền thuyết dân gian thì có ba vị tiên ông hóa thân thành ba ông già nghèo khổ đến xin thức ăn của ba người bạn là Chồn, Khỉ và Thỏ. Chồn và Khỉ đều mang thức ăn để dành ra cho ba ông già, riêng Thỏ thì không có gì để cho, bèn nói với ba ông già rằng:"Các ông hãy ăn thịt của tôi đi". Nói xong, bèn nhảy vào đống lửa gần đó để làm thức ăn cho ba ông già. Ba vị tiên ông bàng hoàng và rất cảm động bèn cứu Thỏ ra khỏi đống lửa và đưa lên cung trăng.

* Theo truyện Phong Thần Diễn Nghĩa thì khi Tây Bá Hầu Cơ Xương bị giam nơi Dũ lý, con trai trưởng là Bá Ấp Khảo đến Triều ca để tìm cách cứu cha. Đắc Kỷ thấy Bá Ấp Khảo đẹp trai lại giỏi về đàn cầm bèn động tình đem lời cớt nhả. Bá Ấp Khảo lấy lời lẽ chính trực khuyên can. Đắc Kỷ thẹn quá hóa giận bèn gièm pha với Trụ Vương là Bá Ấp Khảo buông lời vô lễ chọc ghẹo mình. Trụ Vương bèn hành hình Bá Ấp Khảo. Đắc Kỷ lấy thịt làm thành bánh bao đem cho Cơ Xương ăn. Tuy biết là thịt của con mình, Cơ Xương cũng giả ngây giả dại mà ăn hết để được tha về nước. Khi vừa về đến đất Tây Kỳ ông bèn lợm giọng và há miệng mửa ra ba con thỏ trắng. Ông biết đó là ba hồn chín vía của Bá Ấp Khảo. Đêm đó khi trăng vừa lên đến đỉnh đầu, các con thỏ đều chạy ra sân để ngắm trăng. Bỗng có Hằng Nga hiện xuống bảo rằng vâng lệnh của bà Tây Vương Mẫu đến rước các con thỏ ngọc về cung Quảng Hàn....

Còn rất nhiều rất nhiều truyền thuyết dân gian khác về con Thỏ Ngọc ở trong cung trăng. Theo thời gian lâu dần lâu dần hình ảnh con Thỏ Ngọc là biểu tượng của vầng trăng. Trăng là Thỏ ngọc, Thỏ ngọc là trăng, như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã cho Vương Quan nói về nấm mộ hoang bên đường của Đạm Tiên bằng hai câu:                     

Trải bao THỎ LẶN ÁC TÀ,

Ấy mồ vô chủ ai mà viếng thăm.

THỎ LẶN là Trăng lặn, ÁC TÀ là Mặt Trời chiều; Trăng lặn là hết đêm, Mặt Trời về chiều là hết ngày. Nên THỎ LẶN ÁC TÀ chỉ ngày tháng qua đi. "Trải bao THỎ LẶN ÁC TÀ," là biết bao là ngày tháng đã qua đi rồi!

Trong bài thơ Vấn Nguyệt của Bà Chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng có câu:            

Hỏi con NGỌC THỐ đà bao tuổi?   

Chớ chị Hằng Nga đã mấy con?

Còn trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều thì gọi vầng trăng là BÓNG THỎ:                     

Khi BÓNG THỎ chênh vênh trước nóc,

Nghe vang lừng tiếng giục bên tai.

Dè chừng nghĩ tiếng tiểu đòi,

Nghiêng bình phấn mốc mà dồi má nheo.

Trong văn học cổ ta cũng thường nghe câu THỐ TỬ HỒ BI 兔死狐悲, có nghĩa: Con thỏ chết con chồn buồn. Theo truyện ngụ ngôn sau đây:

Ngày xưa, có đôi bạn thân Thỏ và Chồn sống nương tựa lẫn nhau. Một hôm trời quang mây tạnh, đôi bạn đang dạo chơi ngoài cánh đồng cỏ đầy hoa thơm cỏ lạ; Tình cờ, xuất hiện một người thợ săn giương cung bắn ngay chú Thỏ, Thỏ mang tên phóng chạy lủi vào đám cỏ đế để trốn. Nhưng vì vết thương quá nặng, thỏ chết. Khi chồn chạy đến thì thấy bạn mình đã chết rồi, bèn khóc than thảm thiết. Tình cờ có một ông cụ đi đến, hỏi: "Thỏ chết là chuyện của thỏ, sao ngươi lại khóc lóc thảm thiết thế kia? "Chồn thưa rằng: "Vì Thỏ là bạn kết giao của tôi, nên nay bạn mất, sao tôi lại có thể không đau lòng chớ!" Ông cụ nghe xong cảm khái nói rằng: "Thố tử Hồ bi, vật thương kỳ loại 兔死狐悲,物傷其類 !" Có nghĩa: Thỏ chết Chồn buồn, loài vật còn biết thương yêu lẫn nhau!"

Trong Hồi thứ 89 truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung đời Minh, khi Mạnh Hoạch bị bắt đã nói với một Động chủ chỉ điểm cho Khổng Minh bắt mình rằng: "Thố Tử Hồ Bi, Vật thương kỳ loại, ngô dữ nhữ giai thị các động chi chủ, vãng nhật vô oán, hà cố hại ngã?

 ‘兔死狐悲,物傷其類’。吾与汝皆是各洞之主,往日无冤,何故害我?".

Có nghĩa: "Thỏ chết chồn buồn vì thương đồng loại. Ta và ngươi đều là động chủ của một động, ngày thường không có ân oán gì với nhau, cớ chi lại hại ta như thế ?!"

Cũng từ truyện ngụ ngôn trên, ta thấy con thỏ bản tính nhút nhát, lại rất thính tai, nên hễ nghe tiếng động là nhảy vào bụi cỏ đế để trốn, nên chi ta lại có thành ngữ "NHÁT NHƯ THỎ ĐẾ" để chỉ những người nhút nhát không có chút gan dạ nào cả!

Theo nghiên cứu khoa học, THỎ thở hơi rất nhẹ nhàng, không có tiếng động, chỉ thấy thành bụng dao động theo nhịp thở một cách rất dễ thương và tội nghiệp. Thỏ lại hay có tính “cắn nhẹ” có nghĩa là “được rồi, thôi đã đủ rồi”. Chúng sẽ lợi dụng hành động cắn nhẹ để ngăn cản động tác hiện tại của chủ nhân. Nếu bạn không quan tâm mà tiếp tục hành vi đó, chúng sẽ phản đối bằng hành động mạnh hơn. Có thể vì thế mà chủ nhân của Câu lạc bộ Playboy là Hugh Hefner đã dùng hình tượng của con thỏ cho các "NGƯỜI ĐẸP THỎ" để ngầm bảo với các khách hàng là phải biết tiết chế và dừng lại đúng lúc. Nên mặc dù có rất nhiều “lời ong tiếng ve” gán cho tội khiêu dâm, Tạp chí và Câu lạc bộ Playboy vẫn tồn tại phát triển cho đến hiện nay đã hơn 60 năm qua rồi!

Nhạy cảm, trực tính, phản ứng nhanh nhẹn và phóng thẳng khi nghe tiếng động đã giúp cho Thỏ thoát qua nhiều tai nạn sát thân, nhưng có đôi khi phản ứng nhanh nhẹn và phóng thẳng quá cũng làm hại cho thân mình, thay vì phóng thẳng vào bụi cỏ đế để trốn, thì thỏ lại phóng thẳng vào gốc cây làm cho dập đầu sứt trán và ngất xỉu tại chỗ, như con thỏ của người nước Tống trong sách Hàn Phi Tử 韩非子 như sau:

Thời Chiến Quốc, nước Tống có người nông dân siêng năng ra đồng làm ruộng mỗi ngay. Một hôm đang ngồi nghỉ dưới gốc cây, tình cờ có một con thỏ phóng nhanh tới va đầu vào gốc cây ngất xỉu. Xách con thỏ mập ú trong tay anh ta mừng rơn đem về nhà khoe với vợ con. Hôm đó gia đình có một bữa ăn thịnh soạn ngon lành với thịt con thỏ. Anh ta nghĩ: ‘Nếu mỗi ngày có được một con thỏ như thế nầy thì tội gì phải cày sâu cuốc bẩm chi cho mệt!’ Anh ta bèn ngưng không làm việc đồng áng nữa, mỗi ngày cứ ngồi dưới bóng cây mà đợi thỏ phóng vào gốc cây để bắt về mà ăn thịt”. Ngày này qua ngày khác, đồng ruộng ngày một hoang vu, cỏ mọc cao hơn đầu mà nào có thấy thêm được con thỏ nào chạy lủi đầu vào gốc cây nữa đâu! Chỉ tổ làm trò cười cho bà con lối xóm mà thôi.

Từ câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã hình thành một thành ngữ trong văn học là THỦ CHU ĐÃI THỐ 守株待兔. Có nghĩa là “Giữ lấy cái gốc cây mà đợi thỏ” để chỉ những người cứng ngắt cố chấp không linh động, lấy việc Ngẫu Nhiên làm Hiển Nhiên mà mong đợi và hy vọng. Tiếng Nôm ta gọi là “Ôm Cây Đợi Thỏ” để mỉa mai những người “Nằm chờ sung rụng” không chịu siêng năng lao động để kiếm sống mà chỉ trông chờ vào những may mắn ngẫu nhiên như trúng số trúng đề; chỉ muốn làm ít hưởng nhiều hay không làm mà được hưởng! Cứ ÔM CÂY mà ĐỢI THỎ đi nhé!!!

Nhắc tới số đề lại làm cho tôi nhớ lại hồi nhỏ lúc còn ở trong chợ Cái Chanh, thuộc xã Thường Thạnh Đông huyện Châu Thành tỉnh Phong Dinh. Lúc bấy giờ Chí sĩ Ngô Đình Diệm mới về chấp chánh, chính sự và xã hội chưa ổn định, nên lực lượng võ trang của Hòa Hảo còn đóng ở chợ Cái Chanh và họ đã cho xây dựng nhà lồng chợ lại để tổ chức xổ đề 36 làm kinh phí, nên tôi còn nhớ rất rõ các con số đề:

* Con THỎ mang số 8, có tên chữ là Nguyệt Bửu 月寶 thuộc nhóm Ngũ Hổ Tướng 五虎將.

Còn MÈO thì có tới 2 con:

* MÈO rừng mang số 14, có tên chữ là Chỉ Đắc 只得 thuộc nhóm Thất Sinh Ý 七生意.

* MÈO nhà (dị bản là Kỳ lân) mang số 18, có tên chữ là Thiên Thân 天伸 thuộc nhóm Nhị Đạo Sĩ 二道士.

Trong bài “Vè Thua Đề 36” của thầy giáo Kiến dạy ở trường sơ cấp ấp Yên Thượng Thị trấn Cái Răng có các câu như:

... Hai mươi chín, Mười tám, chữ THIÊN đứng đầu,

 Lái buôn thua thiếu câu mâu,

Bạn bè đuổi hết ngồi sầu lái ghe...

Số 18 là THIÊN Thân như ta đã biết ở trên, còn số...

29 là THIÊN Lương 天良 thuộc nhóm Tứ Hòa Thượng 四和尚, là con Lươn.

Vậy là...

Năm MÃO, năm MẸO vừa là con THỎ vừa là con MÈO RỪNG lại vừa là con MÈO NHÀ, chiếm hết 3 ngôi trong đề 36 rồi. Sau nầy dân Chợ Lớn còn thêm vào 4 con số nữa cho chẳng 40. Đó là 37 Thiên Công 天公 là Ông Trời; 38 Địa Chủ 地主 là Ông Địa, 39 là ông Thần Tài 財神 và 40 là Táo Quân 灶君, là Ông Táo. Sau 1975 dân số đề lại áp dụng vào Xổ Số Kiến Thiết hằng ngày của các tỉnh thành, từ 00 đến 99 để đánh đề, nên QÚY MÃO 2023 nầy muốn đánh đề theo chữ MÃO là Thỏ và Mèo thì ta có các số sau đây:

* THỎ là số 8, 48, 88 thế thân là số 20, 60, 00.

* MÈO RỪNG số 14, 54, 94 thế thân là số 13, 53, 93.

* MÈO NHÀ số 18, 58, 98 thế thân là số 10, 50, 90.

Chỉ có một chữ MÃO thôi, muốn đánh đề cho chắc ăn theo Xổ Số Kiến Thiết hiện nay thì phải đánh tất cả 18 con số nêu trên, mà còn chưa chắc đã trúng nữa, nên ai mê số đề thì sẽ tha hồ mà...tán gia bại sản nhé!

 

Trở lại với con MÈO... 

Mặc dù không có tên trong “Lục Súc Tranh Công”, nhưng con mèo được nuôi trong nhà cũng sánh ngang hàng với con chó bằng các thành ngữ tục ngữ ghép đôi như: Chó giữ nhà, mèo bắt chuột; Chó tha đi, mèo tha lại; Gấu ó như chó với mèo, Đá mèo quèo chó, Chưởi chó mắng mèo; Chó treo mèo đậy; Không có chó bắt mèo ăn cứt... Xem ra, con mèo ở trong nhà có vẻ thất thế hơn con chó rất nhiều, nên nhiều con hay bỏ nhà đi làm “Mèo hoang”, sống lang thang ngoài đồng nội như câu ca dao sau đây:

MÈO HOANG lại gặp chó hoang;

Anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai.

Vì sống lang thang vất vưởng ngoài đồng trong các gò mả, nên bị người đời mai mỉa là MÈO MẢ GÀ ĐỒNG như khi Khuyển Ưng bắt Thúy Kiều về giao nạp cho Hoạn Bà mẹ của Hoạn Thư; Thúy Kiều đã bị Hoạn Bà mắng rằng:

Con này chẳng phải thiện nhân,

Chẳng phường trốn chúa thì quân lộn chồng.

Ra tuồng MÈO MẢ GÀ ĐỒNG,

Ra tuồng lúng túng chẳng xong bề nào...

Mèo lại thích được vuốt ve chiều chuộng, lại hay nhõng nhẽo, dúi đầu dúi cổ vào mình vào tay của người khác, nên chi "Mèo" lại được dùng để chỉ người tình ngoài hôn phối. Đó là những "con mèo hai chân" rất dễ thương, rất nũng nịu, rất duyên dáng và cũng rất... sợ "Sư Tử", nhất là "SƯ TỬ HÀ ĐÔNG". Như Long Khâu cư sĩ Trần Qúy Thường 陳季常 bạn thân của Tô Đông Pha 蘇東坡, một trong Đường Tống Bát Đại Gia. Truyện kể, một hôm Tô Đông Pha rước mấy cô kỹ nữ ở Nghi xuân Viện về nhà để hầu rượu cho các bạn bè cùng nhau thù tạc, dĩ nhiên có cả Trần Quý Thường. Trong khi mọi người đang vui vẻ với các "Con Mèo hai chân" thì vợ Trần Quý Thường đến hét lên một tiếng, Trần Quý Thường giật mình rớt cả cây gậy đang cầm trong tay, nên Tô Đông Pha đã làm bài thơ ghẹo bạn như sau:

誰似龍丘居士賢,  Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,

談空談有夜不眠。  Đàm không đàm hữu dạ bất miên.

忽聞河東獅子吼,  Hốt văn Hà Đông Sư Tử hống,

拄杖落手心茫然。  Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên!

 Có nghĩa:

Có ai mà giỏi được bằng Long Khâu Cư Sĩ đâu?!

Có thể đàm luận chuyện đời nói không nói có suốt đêm không ngủ.

Nhưng ...   

Bỗng nghe tiếng rống của Sư Tử Hà Đông, thì ...    

Giật mình hoảng hốt đến nỗi gậy rớt khỏi tay!

Diễn Nôm:

Long Khâu Cư Sĩ giỏi ai bằng,

Chuyện có chuyện không nói rất hăng.

Chợt bỗng Hà Đông Sư Tử rống, 

Giật mình gậy rớt, hết còn... hăng!

Vì vợ của Trần Quý Thường là Liễu Nguyệt Nga 柳月娥, con của một thế gia vọng tộc ở xứ Hà Đông 河東. Nên Tô Đông Pha đã gọi đùa là Hà Đông Sư Tử 河東獅子; Không ngờ từ đó về sau "SƯ TỬ HÀ ĐÔNG" trở thành bà vợ dữ, bà vợ hung ác, lấn lướt và "ăn hiếp" chồng !  và thành ngữ HÀ ĐÔNG SƯ HỐNG 河東獅吼 (tiếng gầm của con sư tử Hà đông)  được ra đời từ đó!

Có người đẹp bên cạnh mà không biết ấp yêu chìu chuộng thì người ta sẽ bảo là "Mèo mà bày đặt chê mỡ", nên đàn ông thấy gái đẹp thì như là "Mèo thấy mỡ" vậy, cho nên đừng bao giờ "Để mỡ gần miệng Mèo" thế nào có ngày cũng bị nó "xực" mà thôi ! Có bạn gái, có girlfriend thì gọi là "Có Mèo"; đi tán gái thì gọi là đi "Cua Mèo". Mèo luôn luôn ăn uống nhỏ nhẹ chậm rải từ tốn như con gái mới lớn nên được tiếng "Nữ thực như miêu", lại biết làm dáng hơn những con vật khác, biết rửa mặt rửa mày khi mới ngủ thức dậy, mặc dù rửa như "Mèo rửa mặt", nhưng lại luôn tự hào về nhan sắc của mình, vậy nên mới bị người đời mỉa mai là rốt cuộc "Mèo vẫn hoàn mèo" hay "Mèo khen Mèo dài đuôi" như câu ca dao:

Mèo nằm bồ lúa khoanh đuôi 

Vợ anh đẹp lắm... bắt ruồi nấu canh!

Đẹp mà vô dụng, chỉ biết... bắt ruồi nấu canh mà thôi! Nhưng dù cho có xinh đẹp đến đâu hễ mắc mưa ướt nhẹp, lông tóc xụi lơ thì sẽ thành con "Mèo mắc mưa" ngay, như những câu ca dao sau đây:                     

Anh đi năm bảy dặm truông,

Anh cưới cô vợ như khuôn bánh xèo.    

Anh đi năm bảy dặm đèo,

Anh cưới cô vợ như MÈO MẮC MƯA!

Người đời lại thường nói: "Mèo đến nhà thì khó, Chó đến nhà thì sang", vì tiếng kêu "ngheo, ngheo" gần với âm "Nghèo, nghèo!" nên cô gái tuổi Mẹo luôn nhận thiệt thòi về mình:    

Lỡ sanh ra tuổi con Mèo,

Chị giàu chị ở, em nghèo em đi!

Mèo lại được phong tặng là "Dũng sĩ diệt chuột", nhưng chuyện "diệt chuột" thường chỉ xảy ra lúc ban đêm nên chỉ có mèo và chuột "rình rập rút rít rục rịt" với nhau mà thôi. Nên chuyện trai gái hẹn hò hú hí nhau trong đêm khuya cũng được gọi là "Chuyện Mèo Chuột". Thực tế, thì mèo gặp chuột là sẽ vồ ngay chẳng hề tha bao giờ, còn chuột gặp mèo thì chết điếng, cố kiếm  đường mà chạy thoát thân. Nên khi Ngự Tiền Thị Vệ là Nam Hiệp Triển Chiêu 展昭 được phong làm NGỰ MIÊU 御貓 là "Con mèo của Vua" thì Ngũ Nghĩa 五義 là Năm con chuột kết nghĩa với nhau rất bất mãn, nhất là Cẩm Mao Thử 錦毛鼠 (Chuột lông gấm) Bạch Ngọc Đường 白玉堂 quyết tìm cho được Triển Chiêu để so tài cao thấp, để cho biết "Mèo nào sẽ cắn Mỉu nào"; nhưng cuối cùng cũng phải chịu khuất phục vì "con chuột đẹp trai" nầy đã bị bại dưới tay của "con mèo vua ban" một cách khẩu phục tâm phục! Cuối cùng tất cả cùng đồng lòng giúp cho Bao Thanh Thiên BAO CÔNG 包青天包公 phá giải những kỳ án để giúp đời. Như ta đã biết vụ phá án lớn nhất và nổi tiếng nhất của Bao Công là "Ly miêu hoán chúa thiêu hũy Bích Vân Cung 貍貓換主燒燬碧雲宮". Có nghĩa: Dùng con Mèo chết để tráo ấu chúa và đốt cháy tiêu cung Bích Vân, câu truyện thâm cung bí sử giữa Lý Thần Phi, Lưu Hoàng Hậu, Thái giám Quách Hòe... mà chẳng những phim ảnh  Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc cho lên màn ảnh lớn màn ảnh nhỏ... mà cả hát Bộ, hát Cải lương của ta cũng cải biên thành những tuồng hát rất ăn khách từ thế kỷ trước đến giờ. Bài hát BAO THANH THIÊN sau đây có hình ảnh của Ngự Miêu Nam Hiệp Triển Chiêu và Năm con Chuột trong Thất Hiệp Ngũ Nghĩa:

                             《包青天》胡瓜

Đọc truyện Thuyết Đường Diễn Nghĩa ta còn thấy có câu MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠: là Mèo khóc Chuột, ý muốn nói: Chỉ làm bộ thương xót mà thôi! Cả câu là "Miêu khốc lão thử giả từ bi 猫哭老鼠假慈悲": Mèo khóc chuột là lòng từ bi giả dối, để che mắt thiên hạ nhằm muốn đạt được một mục đích nào đó.

Thành ngữ MIÊU KHỐC LÃO THỬ 猫哭老鼠 có xuất xứ từ truyện Thuyết Đường, hồi thứ 62. Đây là câu nói mĩa mai của tướng Trình Giảo Kim nói với Tần Vương Lý Thế Dân, khi Tần Vương đến điếu tang tiểu tướng La Thành vừa mới bị Ân Tề nhị vương hại chết. Trình Giảo Kim cho là Tần Vương chỉ giả bộ thương xót để cho các tướng khác cảm động mà liều mình bán mạng để giúp nhà Đường tạo dựng nên cơ nghiệp mà thôi, chớ chẳng phải thương xót thật tình. Nên câu ...   
"Mèo khóc Chuột" có nghĩa tương đương như là câu "Nước mắt cá sấu" của ta vậy.

Để kết thúc bài viết về Mèo, mời tất cả cùng đọc lại truyện ngụ ngôn của "Lã Phụng Tiên tây" Jean de La Fontaine (1621-1695) có liên quan đến con mèo sau đây. Bài thơ Ngụ Ngôn có tựa là KHỈ và MÈO. Nội dung tả lại việc Khỉ dụ Mèo khều lấy hạt dẽ đang được nướng ở trong lò. Khỉ ăn hạt dẽ còn Mèo thì bị cháy cả lông chân. Bài thơ Ngụ Ngôn nầy được diễn nôm như sau:            

KHỈ VÀ MÈO

 

Khỉ và Mèo cùng chung một chủ

Chung một nhà, thức ngủ có đôi

Phá hại thì nhất hạng rồi

Lại không kiêng nể một ai bao giờ    

 Đã biết vậy, đừng ngờ xóm ngõ

Nếu trong nhà đổ vỡ vật chi

Khỉ thì trộm cắp quá đi

Mèo thì chuột bọ để gì ý đâu

Nhưng phó mát cất đâu cũng biết

Ăn vụng thì hạng nhất trần gian

Một hôm hai đứa lưu manh

Trông thấy hạt dẻ nướng quanh bếp lò    

Cùng rỏ dãi, nhỏ to bàn mãi

Một việc thôi, mà lợi hai đường   

Trước là thích khẩu no lòng

Sau thì để khổ cho ông hỏa đầu

Khỉ cất tiếng yêu cầu chú Mão: 

"Việc làm này ông bạn mới xong  

Nếu tôi mà được như ông 

Bẩm sinh bạo lửa thì không phải nhờ   

Hạt dẻ nướng đương chờ ta đó     

Bạn lấy ra chẳng khó khăn gì!" 

Mèo nghe hành động tức thì

Gạt tro cẩn thận ra rìa bếp than

Hai chân nó mấy phen thò thụt 

Rốt cuộc rồi lấy được hạt đầu

Rồi hai ba hạt tiếp sau

Khỉ trong lúc đó cúi đầu bóc ăn

Bỗng con sen ngoài sân đi tới

Khỉ và Mèo cùng vội lẩn chuồn 

Riêng Mèo vừa tức vừa buồn

 

Có nhiều hầu bá giống trường hợp trên

Nghe phỉnh nịnh, lửa tên liều mạng

Chiếm đất đai dâng hiến cho vua

Sánh Mèo cái dại chẳng thua!

                              

Bản dịch của Đỗ Khắc Siêm, Hà Khắc Nguyện       

Cầu chúc cho tất cả mọi người trong năm QUÝ MÃO 2023 đều được AN KHANG HẠNH PHÚC đừng dại dột như con mèo của Lã Phụng Tiên nghe lời ngon tiếng ngọt rồi chỉ thiệt thòi cho bản thân mình mà thôi!

CHÚC MỪNG NĂM MỚI QUÝ MÃO 2023! HAPPY NEW YEAR!

 

* Câu đối cho năm QUÝ MÃO 2023:

NHÂM DẦN qua, bệnh dịch thiên tai qua tuốt luốt, tiễn đi ông NGÁO ỘP;

QUÝ MÃO đến, tiền tài phúc lộc đến rình rang, rước lại ẻm MÈO MUN.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

 

Mời thư giãn với nhạc phẩm PHIÊN GÁC ĐÊM XUÂN

của Nguyễn Văn Đông, qua tiếng hát Tuấn Vũ:

Nhà thơ La Thụy giới thiệu

Tác giả: Đỗ Đức Chiêu  Nguồn: phudoan56@gmail.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét