NHỮNG DANH NHÂN LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI - Tác giả: Phương Việt Kháng (Quảng Ninh)

Leave a Comment
NHỮNG DANH NHÂN LÀ NGƯỜI
ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI
*
Xưa nay, tình yêu đồng tính luôn là một chủ đề nhạy cảm mà nhiều người né tránh. Có những xã hội, nền văn minh chấp nhận, thậm chí cổ súy cho loại tình cảm thuộc giới tính thứ ba này. Nhưng ngược lại, có những vùng đất mà cụm từ “tình cảm đồng tính” gặp phải sự kỳ thị ghê gớm. 
Ngược dòng thời gian trở về những thế kỷ trước, có nhiều mối quan hệ đồng tính luyến ái tồn tại bất chấp sự kỳ thị của xã hội hoặc những hình phạt tàn khốc. Và trong lịch sử, cũng có không ít những nhân vật lừng lẫy chỉ dành tình yêu của mình cho người đồng tính…
Bài tổng hợp NHỮNG DANH NHÂN LÀ NGƯỜI ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI (*) của Phương Việt Kháng gửi đăng trên Trang Đặng Xuân Xuyến đầu xuân Canh Tý 2020 để bạn đọc thêm một góc nhìn về thế giới của những người đồng tính.

1. Achilles và Patroclus - cuộc tình thay đổi lịch sử
Trong văn hóa Hy Lạp, Achilles là một trong những chiến binh anh dũng và vĩ đại nhất. Nhờ có sự góp sức của chàng, công cuộc chinh phục thành Troy (khoảng năm 1184 TCN) dài đằng đẵng 10 năm trời của quân Hy Lạp mới giành được thắng lợi. Vì chiến thắng ấy, Achilles đã mất đi cả mạng sống của bản thân, cũng như mất đi người tình đồng tính của mình - Patroclus.
Nói về hai nhân vật này, nhiều người cho rằng, mối quan hệ giữa họ vẫn còn là một bí ẩn không rõ ràng. Bản thân Patroclus và Achilles vốn là 2 người bạn thân trong quân ngũ - Achilles đối xử với Patroclus khác hẳn với người khác. Ông chiến đấu vì bạn, chăm sóc tận tình mỗi khi bạn bị thương. Chính những biểu hiện ấy làm dấy lên nghi ngờ về tình yêu đồng tính có tồn tại giữa hai chiến binh?
Trong trận chiến thành Troy, mối quan hệ ấy có lẽ đã phần nào được hé lộ. Tình cảm khác thường mà Achilles dành cho Patroclus chính là một trong những bước ngoặt của cuộc chiến và cũng là minh chứng rõ nét cho mối tình đồng tính giữa họ.
Sau xích mích với Agamemnon, Achilles từ chối việc ra trận tiến đánh thành Troy. Khi đó, Patroclus bèn xin mượn áo giáp vàng của Achilles để xung trận với lý do nếu mặc bộ giáp ấy, quân địch sẽ lầm tưởng Achilles ra trận, kinh hãi mà bỏ chạy. Achilles đồng ý, nhưng chàng căn dặn Patroclus không được truy sát địch tới chân thành.
Quả nhiên, Patroclus trong bộ giáp Achilles đã đẩy lùi được quân thành Troy. Nhưng trong lúc hăng máu, Patroclus quên lời dặn của "người tình", đuổi địch tới tận thành và kết quả bị Hector giết chết.
Cái chết của Patroclus đã trở thành bước ngoặt của cuộc chiến. Biết tin người yêu chết, Achilles đau đớn vô cùng. Chàng ôm hôn xác người yêu công khai, khóc than suốt nhiều ngày, thậm chí còn định tự vẫn. Sau đó, chàng thề sẽ trả thù cho Patroclus. 
Chính lúc đó, xích mích với Agamemnon bị xóa bỏ, Achilles quay trở lại chiến trường, giết chết Hector và tiêu diệt rất nhiều quân địch, góp phần vào chiến thắng thành Troy sau này.

2. Alexander Đại đế và Hephaestion
Alexander Đại đế (356 TCN - 323 TCN) là một trong các vị tướng vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Nhưng không chỉ nổi danh là đánh đâu thắng đó, hoàng đế Macedonia còn được biết tới với mối tình đồng tính cùng người bạn thân Hephaestion.
(Chuyện tình đồng tính giữa Alexander Đại đế và Hephaestion)
Trong xã hội thời ấy, tình cảm đồng giới, nhất là nam - nam hoàn toàn được cho phép, đó là lý do vì sao mối quan hệ giữa Alexander Đại đế và Hephaestion là chuyện rất bình thường. 
Hai người là bạn thân từ thuở thiếu thời, cùng học dưới sự dạy dỗ của Aristotle. Lịch sử chép lại, Alexander dành thời gian ở bên Hephaestion nhiều hơn bất cứ ai, kể cả vợ mình. Từ bé cho tới lớn, hai người luôn dính chặt với nhau, cùng bàn luận chuyện chính trị, quân sự, tương lai…
Mặc dù thực tế Alexander và cả Hephaestion vẫn lấy vợ, nhưng mối tình của họ là không thể bàn cãi. Đích thân Alexander đã từng tuyên bố Hephaestion có ý nghĩa tất cả đối với ông. 
Khi cả hai tới thăm thành đền thờ Achilles và Patroclus, Alexander đã tôn vinh Achilles, trong khi Hephaestion thì kính cẩn trước Patroclus. Nhiều tài liệu kể lại rằng, đó là lúc hai người nhận ra mối tình mình dành cho nhau, giống như tình yêu giữa Achilles và Patroclus 

3. Hoàng đế Nero và hai cuộc hôn nhân đồng giới
Không có những mối tình sâu sắc như Achilles với Patroclus song Nero - hoàng đế La Mã là người duy nhất trong lịch sử có những 2 cuộc hôn nhân đồng tính một cách công khai trong hai vai trò khác nhau.
Cuộc hôn nhân đầu tiên của hoàng đế Nero là với một người nô lệ Pythagoras - người từng làm trong hầm rượu vang. Thực tế, có rất ít thông tin cụ thể về nhân vật này, chỉ biết rằng khoảng năm 64, đám cưới giữa họ diễn ra một cách rất công khai, long trọng. 
Điều đáng ngạc nhiên là trong cuộc hôn nhân này, hoàng đế Nero đóng vai trò là một… cô dâu. Và càng lạ hơn khi ông gọi Pythagoras là “một vật nuôi bẩn thỉu của mình”.
Khoảng 3 năm sau, Nero lại một lần nữa gây tai tiếng khi ông tiến hành kết hôn với một cậu bé nô lệ bị hoạn tên Sporus. Khác với cuộc tình cùng Pythagoras, khi yêu Sporus, Nero đóng vai trò là một người đàn ông. Hoàng đế sủng ái Sporus bởi vẻ đẹp của cậu, ông hay gọi người tình đồng giới của mình là “quý cô”, “hoàng hậu”, “nhân tình” một cách rất âu yếm.

4. Hán Ai Đế và Đổng Hiền
Là vị Hoàng đế thứ 13 của nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông ở ngôi từ năm 7 TCN đến năm 1 TCN
(Hán Ai Đế và Đổng Hiền)
Câu chuyện của vua Hán Ai Đế và Đổng Hiền thời nhà Hán được rất nhiều sử sách Trung Quốc ghi chép lại. Đổng Hiền là người hầu bên cạnh thái tử. Ban đầu, Đổng Hiền không được chú ý nhiều. Cho đến một hôm, Đổng Hiền đang làm việc trong cung, đúng lúc dừng lại ở trước điện thì Ai Đế, khi đó đã lên ngôi hoàng đế, nhìn thấy. Sau nhiều năm gặp lại, Ai Đế đã nhận ra Đổng Hiền đã trưởng thành và tuấn tú hẳn lên. So với những cung nữ phấn sáp trong lục viện anh ta còn kiều diễm hơn. 
Ai Đế không cầm được sự vui mừng lệnh cho Đổng Hiền theo sau mình hầu hạ. Từ đó Ai Đế đối với Đổng Hiền ngày càng sủng ái. Ngồi cùng xe, ngủ cùng giường, làm gì cũng không rời xa Đổng Hiền. Ông ta còn phong cho Đổng Hiền làm Hoàng Môn Lang, bắt Đổng Hiền lúc nào cũng phải ở bên cạnh mình. Ai Đế còn lệnh xây dựng cho Đổng Hiền một tư dinh tráng lệ, quy mô vượt hơn hẳn các vị đại thần. Những ngọc lạ châu quý trong cung đều để cho Đổng Hiền tự chọn lấy, thậm chí nhiều đồ dùng của vua như giày, quần áo và xe ngựa đều dùng chung với ông. 
Có một lần ngủ trưa, Đổng Hiền gối lên cánh tay áo của Ai Đế mà ngủ. Ai Đế muốn quay người nhưng cũng không muốn làm tỉnh giấc của Đổng Hiền nên lấy kiếm cắt đứt cánh tay áo của mình. Người đời sau này gọi mối tình đồng tính là "đoạn tụ chi tích", nghĩa là "mối tình cắt tay áo" cũng là có nguồn gốc từ câu chuyện này.
Một ngày, Ai Đế mở yến tiệc cùng chư thần, sau khi uống vài cốc rượu, đột nhiên Ai Đế nhìn Đổng Hiền bằng đôi mắt thâm tình, rồi nói muốn nhường lại ngôi cho Đổng Hiền. Sự việc này đã khiến cả triều văn võ bá quan ngỡ ngàng. Ai Đế còn ra lệnh cho xây dựng bên cạnh lăng mộ của mình một phần mộ khác để nếu Đổng Hiền chết thì sẽ an táng bên cạnh phần mộ của mình. 
Nhưng ước nguyện này của Hán Ai Đế không trở thành hiện thực. Năm 26 tuổi vua lâm bệnh nặng mà chết, Đổng Hiền biết mạng mình khó giữ khi không còn Ai Đế, cũng tự sát theo.

5. Hán Văn Đế và Đặng Thông - mối tình xuất phát từ giấc chiêm bao
(Hán Cao Đế và Đặng Thông)
Lâu nay, không ít người vẫn tưởng Trung Hoa với những vương triều phong kiến quy củ, nề nếp không bao giờ chấp nhận chuyện yêu đương đồng tính trong xã hội. Song thực tế thì không phải vậy. Chuyện tình yêu cùng giới vẫn xảy ra trong xã hội Trung Hoa, thậm chí chính những vị hoàng đế phong kiến cũng cổ súy chuyện này.
Hán Văn Đế Lưu Hằng (202 TCN – 157 TCN) là một người như vậy. Tương truyền, cả đời ông có yêu một người đàn ông khác, tên Đặng Thông. Câu chuyện tình bắt đầu từ giấc mơ lên trời của Hán Văn Đế. 
Ông mơ rằng mình được một người đầu quấn khăn vàng giúp lên đến Nam Thiên Môn khi ông dùng sức 9 trâu 2 hổ cũng không lên được trời. Vua định cảm ơn thì người đàn ông đã đi mất từ lúc nào.
Hôm sau, khi Hán Văn Đế đi chơi bỗng nhìn thấy Đặng Thông - một thủy thủ đầu quấn khăn vàng, giống hệt người trong mộng. Ông bèn nghĩ đó là điềm báo nên từ ấy vô cùng sủng ái Đặng Thông, cho ông này hưởng vinh hoa phú quý.
Mối tình của họ ngày càng khăng khít, nồng thắm. Đặng Thông cũng rất yêu và cảm động trước tình cảm vua dành cho mình. Có lần, lưng Hán Văn Đế có nhọt, máu mủ chảy ra liên tục, Đặng Thông chẳng quản ngại đã dùng miệng hút mủ ra cho "người tình". 
Sau này, Hán Văn Đế đã than rằng: “Đặng Thông còn yêu ta hơn cả thái tử”. Chính câu nói ấy đã khiến thái tử Lưu Khải ôm hận người tình của cha. Sau khi Hán Văn Đế qua đời, Lưu Khải lên ngôi liền bãi miễn chức quan của Đặng Thông, tịch thu tài sản, khiến ông này qua đời trong cảnh đói rét.

6. Vua Khải Định (Việt Nam) chỉ thích ôm đàn ông ngủ
*Vua Khải Định)
Trong cuốn Chuyện các bà trong nội cung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết thêm, nhiều người biết Khải Định bất lực, chính vua cũng nhận điều đó. Thế nhưng, các quan đại thần thì vẫn muốn “tiến” cung con gái mình vào làm vợ vua. Khó lòng chối từ, vua thường nói với các quan: "Nội cung của Trẫm là một cái chùa (ý nói không có chuyện ái ân tình dục), ai muốn tu thì cứ vào".
Năm 1916, ngay sau khi Khải Định lên ngôi, đại thần Hồ Đắc Trung đã “tiến” ngay vào Nội con gái mình là Hồ Thị Chỉ (người trước đó từng được “tiến” cho vua Duy Tân, nhưng vua không nhận vì đã yêu cô Mai Thị Vàng, con ông Mai Khắc Đôn, thầy dạy chữ Hán cho vua Duy Tân).
Là con quan đại thần, được triều đình cưới hỏi đúng nghi lễ, bà Hồ Thị Chỉ được phong chức rất cao, nhưng cũng vẫn ở vào bậc Ân Phi (Đệ nhị giai phi). Tước cao, chức trọng, danh nghĩa là vợ chính ở với vua Khải Định, nhưng thực chất bà chẳng được tí gì về ái ân chăn gối với ông vua “bất lực”.
Bà phải chấp nhận cảnh đóng kịch làm vợ vua như thế để được hưởng phú quý danh vọng, với ý nghĩ mình sẽ là mẹ đích thực của hoàng tử Vĩnh Thuỵ, vì bà Từ Cung tuy là mẹ sinh, nhưng là con nhà bình dân, lại không được cưới hỏi theo nghi lễ triều đình.
Thế nhưng, bà không được toại nguyện điều đó, vì trước khi lâm chung, Khải Định đã truyền trao cho bà Từ Cung lời di ngôn vắn tắt: “Tử quý, mẫu vinh”. Điều này đã khiến bà Hồ Thị Chỉ tức điên. Cuối cùng bà chết già trong một tu viện Thiên chúa giáo.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng cho biết vua Khải Định thích đàn ông chứ không thích đàn bà. Trong suốt 10 năm làm vua (1916-1925), vua đã nuôi ông Nguyễn Đắc Vọng làm thị vệ. Ban đêm, vua ôm Vọng ngủ. Nhờ sự khéo léo trong việc phục tùng này mà ông Vọng đã được thăng tiến đến Ngũ đẳng thị vệ. Những buổi sáng phải ra điện Cần Chánh thiết triều, các bà đứng hai hàng bái kiến đón chào, ông liền dùng tay ôm gọn hai vạt áo bào sát vào người để khỏi vương vào “đàn bà”…
Liên quan đến chuyện Khải Định thích đàn ông một số tư liệu khác cho biết thêm, nhà vua ham xem hát bội, nhưng lại không thích xem phụ nữ diễn. Đoàn tuồng ngự chỉ toàn nam giới. Gặp cảnh cần có đào thì nam đóng giả vai nữ.


Mời tham khảo thêm video: NHÌN NHẬN VỀ
ĐỒNG TÍNH LUYẾN ÁI TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Do vậy mà đoàn tuồng Thanh Bình dưới triều Khải Định có nhiều nghệ nhân nam rất giỏi. Bên cạnh đó, vua còn chuộng trang điểm, đeo nhiều trang sức, ăn mặc lòe loẹt, tự sáng chế ra những bộ y phục không giống ai cho mình.

7. Trần A Kiều - Vị Hoàng hậu đồng tính đầu tiên trong lịch sử
(Trần A Kiều và Sở Phục)
Bà Hoàng hậu nổi tiếng với mối tình đồng tính nữ đầu tiên trong hậu cung Trung Quốc chính là Trần Hoàng hậu, vợ của vị vua triều Hán, Hán Vũ Đế.
Trần Hoàng hậu còn được người đời gọi với tên Trần A Kiều hay Trần Kiều.
Trần Kiều có thể nói là người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất tới sự nghiệp của Hán Vũ đế. Nhà sử gia Ban Cố trong Hán thư chỉ rõ, Hán Vũ đế Lưu Triệt năm lên ba tuổi đã được phong là Giao Đông vương. Một lần, ông được mẹ nuôi, tức Quán Đào công chúa, ôm vào lòng rồi hỏi: Con có muốn lấy vợ không?, Lưu Triệt liền đáp ‘có’.
Công chúa chỉ vào đám đông hơn trăm người đứng cạnh gợi ý để cho Lưu Triệt chọn, nhưng Lưu Triệt không chọn ai. Khi công chúa Quán Đào chỉ về phía con mình là Trần Kiều thì Lưu Triệt nhoẻn cười đáp: Được ạ! Nếu lấy được A Kiều làm vợ, con sẽ cho đúc nhà vàng để cho nàng ở. Chính câu nói này về sau đã trở thành điển cố nổi tiếng của Trung Quốc Kim ốc tàng Kiều (nhà vàng cất người đẹp).
Sau khi gả bà cho Lưu Triệt, Quán Đào công chúa ra sức giúp Lưu Triệt đoạt ngôi Thái tử, cuối cùng đã thành công. Chính vì lý do này mà Lưu Triệt sau này lên ngôi hoàng đề cũng nể bà nhiều phần.
Năm 140 TCN, Hán Cảnh Đế qua đời, Lưu Triệt lên ngôi, tức Hán Vũ Đế. Vũ Đế phong cho bà làm Hoàng hậu và xây cho bà tòa nhà bằng vàng cho bà, đúng như lời hứa lúc trước.
Ban đầu, Hán Vũ Đế vô cùng yêu thương Trần Hoàng hậu, chiều chuộng bà hết mực. Nhưng nhiều năm sau, vì bà không thể sinh được con  nên tình cảm cũng từ đó mà phai nhạt dần. Ông dần muốn tới cung của các phi tần khác khiến bà nổi cơn ghen.
Sự việc nghiêm trọng nhất là khi Trần hoàng hậu dùng thuật vu cổ, yểm bùa Vệ Tử Phu khiến Hán Vũ Đế nổi trận lôi đình. Cũng chính từ khi dùng thuật này mà mối tình đồng tính của Trần Hoàng hậu mới bắt đầu. Một nữ phù thủy tên là Sở Phục nói với Trần A Kiều rằng bà ta có phép thuật khiến Hoàng đế có thể “hồi tâm chuyển ý” quay lại yêu Trần Hoàng hậu như xưa, tuy nhiên, để thực hiện được phép thuật ấy ngày đêm phải làm lễ tế đồng thời kết hợp với việc dùng thuốc theo đúng thang mà bà ta yêu cầu.
Do sống cô quạnh một mình trong chốn hậu cung lạnh lẽo, nay lại suốt ngày gần gũi với một mình Sở Phục, lâu dần, Trần A Kiều lại nảy sinh tình cảm với nữ phù thủy này. Theo sử sách ghi chép, Trần A Kiều cho nữ phù thủy mặc quần áo của nam giới, sống cùng nhau trong chốn tịch cung chẳng khác gì vợ chồng.
Năm Nguyên Đạo thứ năm, tức năm 130 trước Công nguyên, chuyện giữa Trần A Kiều và nữ phù thủy Sở Phục bại lộ. Lần này thì Vũ Đế không còn nể nang bất cứ điều gì nữa, ra lệnh cho tên quan tàn ác nhất trong triều đình lúc bấy giờ là Trương Thang điều tra, xét xử vụ án. Vụ án vào tay như được dịp để thể hiện uy quyền, Trương Thang cho bắt một lúc hơn 300 người. Cuối cùng nữ phù thủy Sở Phục bị xử tử hình còn Trần Hoàng hậu bị phế, giam vào cung Trường Môn.
Mối tình của bà và phù thủy yểm bùa cũng là một giai thoại được nhiều người nhắc tới về sau, bà được mệnh danh là vị hoàng hậu đồng tính duy nhất trong lịch sử hậu cung Trung Quốc.

8. Tổng thống Hoa Kỳ: Abraham Lincoln 
Và người tình cận vệ David V.Derickson
(Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln)
Theo tác giả Đặng Xuân Xuyến thì vị tổng thống vĩ đại nhất của người Mỹ, chính là một người đồng tính luyến ái. Trong bài “Bi kịch của người đồng tính luyến ái” đăng trên Trang Đặng Xuân Xuyến ngày 30 tháng 04 năm 2018 của tác giả Nguyễn Thị Lan Anh có trích đoạn bài viết của tác giả Đặng Xuân Xuyến về chuyện tình đồng tính này:
Học giả C.A.Trip đã khẳng định: Abraham Lincoln  có quan hệ đồng tính với David V.Derickson, đội trưởng đội cận vệ. Trong cuốn "Thế giới thầm kín của Abraham Lincoln", C.A.Trip đã chỉ rõ mối quan hệ giữa họ vượt quá nhiều ranh giới cần có của người cận vệ với tổng thống. Sự thân mật giữa họ đã khiến dư luận ngạc nhiên. Virginia Fox, vợ một thứ trưởng hải quân đã viết trong nhật ký (vào năm 1862): "Có một anh lính điển trai ở đây đã hiến mình cho tổng thống, đi xe cùng ông ta, và khi bà Lincoln đi vắng, thì ngủ cùng ông ta! Kỳ lạ thế!". Còn Thomas Chamberlain, chỉ huy trung đoàn của Derickson thì bình luận: "Đại uý Derickson một cách thật đặc biệt đã có được sự yêu mến của tổng thống đến nỗi khi bà Lincoln vắng nhà, anh ta được ngủ lại qua đêm cùng giường với tổng thống và nghe nói còn được mặc cả áo ngủ của tổng thống". Khi Derickson bị thuyên chuyển, Lincoln đã cố gắng hết sức để giữ lại.
Ông Tripp còn nói: Nhiều nhà viết tiểu sử Abraham Lincoln, gồm có Carl Sandburg, đã cảm thấy được vấn đề đồng tính ở Lincoln. (Sandburg viết mối quan hệ Lincoln và Joshua Speed có "những nét của hoa oải hương, mềm mại như violet tháng năm"). Ông Tripp còn dẫn ra những điều rất bí mật, như việc bà mẹ kế Sarah Bush Lincoln, người rất hiểu Abraham Lincoln, nhận xét: "Theo tôi biết, Lincoln không mê con gái!", hay như Billy Green, người có quan hệ đồng tính với Lincoln ở New Salem đã nói: Lincoln có bộ đùi "thật sự hoàn hảo".
Vấn đề đồng tính của vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ đã được các học giả bàn cãi rất nhiều trong mấy năm gần đây. Đặc biệt Ông Tripp, bằng những phân tích cực kỳ kỹ lưỡng đã kết luận: Vị tổng thống vĩ đại nhất của người Mỹ, chính là một người đồng tính luyến ái.”

9. Marcela Gracia Ibeas & Elisa Sánchez Loriga
(Marcela Gracia Ibeas và Elisa Sánchez Loriga)
Năm 1902, một cô gái tên Elisa Sánchez Loriga phải đóng giả làm đàn ông để cưới một cô gái khác, Marcela Gracia Ibeas. Đây là đám cưới đồng giới đầu tiên tại Tây Ban Nha, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm văn học, phim ảnh sau này. 
Marcela Gracia Ibeas và Elisa Sánchez Loriga gặp nhau lần đầu khi cả hai vừa học vừa làm tại nhà thờ công giáo A Coruna. Mối quan hệ của hai người mãnh liệt đến mức cha mẹ Marcela phải chia cắt bằng việc gửi cô đến vùng đất khác. Mặc khoảng cách địa lý, Elisa vẫn đi bộ đến nơi Marcela đang ở sau mỗi giờ học. 
Hai người tổ chức đám cưới vào ngày 8/6/1901. Elisa cắt tóc ngắn, đóng giả làm đàn ông, lấy tên là Mario để linh mục không nhận ra. Tuy nhiên, bí mật này không giữ được lâu. Thông tin về một cuộc hôn nhân đồng tính nữ trở thành tin tức chấn động vùng Galicia. Bức ảnh cưới của Marcela và Elisa được đăng trên trang nhất của tờ báo La Voz de Halicia với tiêu đề: "Đám cưới không có chú rể". Họ bị đuổi việc, khai trừ khỏi Giáo hội và bị chính quyền đuổi bắt. 
Marcela và Elisa chạy trốn, từ Bồ Đào Nha đến Argentina. Để bảo toàn tính mạng hai người, Elisa dùng tên giả kết hôn với một người đàn ông khác, đưa Marcela vào sống cùng nhà với cô. Sau đó, người chồng Elisa phát hiện ra cuộc tình bí mật của vợ. Năm 1909, báo chí tuyên bố Elisa qua đời vì tự tử. Điều gì đã xảy ra với Marcela, mãi mãi là một ẩn số. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đồng giới của họ chưa bao giờ bị hủy bỏ. 
Năm 2019, câu chuyện tình yêu của cặp đôi đã được chuyển thể sang phim điện ảnh Elisa and Marcela do đạo diễn Isabel Coixet thực hiện.

10. James I & George Villiers 
(James I và George Villiers)
James I là con trai của Nữ hoàng Scotland Mary Stuart, được kế vị ngai vàng nước Anh năm 1603 sau khi Nữ hoàng Elizabeth I băng hà mà không có người nối dõi  Mặc dù lấy vợ sinh con, James I là một người đồng tính luyến ái. Người tình sâu đậm nhất với James I là Công tước xứ Buckingham George Villiers.
Vua James I từng đứng trước Hội đồng Cơ mật của Vương quốc Anh tuyên bố: "Các người có thể chắc chắn rằng tôi yêu Villiers hơn bất kỳ ai khác, và hơn những người ở đây. Tôi muốn nói lên tiếng lòng của mình rằng đó không phải là một khiếm khuyết, vì Chúa cũng như vậy và tôi không thể bị đổ lỗi". 
Theo tài liệu sử sách, trong những bức thư, James I gọi Villiers là "tình yêu" và là "vợ" của ông. Công tước xứ Buckingham cũng từng viết những lời yêu thương tha thiết gửi nhà vua: "Em ước gì có thể được gặp gỡ vui vẻ và thoải mái với anh. Em chỉ muốn sống trong thế giới này vì anh, và em thà bị trục xuất ở bất kỳ nơi nào trên thế giới này cùng với nhau, còn hơn là sống một cuộc đời góa bụa đau khổ mà không có anh".  
Mối quan hệ của này khiến George Villiers nhận về rất nhiều sự ghét bỏ. Sau khi vua James I qua đời năm 1625, George Villiers cũng bị đâm chết. 

11. Pan Zhang & Wang Zhongxian
Câu chuyện này lần đầu được kể trong cuốn sách Anthology Of Tales From Records Of The Taiping Era. Wang Zhongxian sống trong thời nhà Chu, một triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc, vào khoảng thế kỷ X TCN. Trong một lần gặp gỡ Pan Zhang, ông phải lòng ngay từ ánh nhìn đầu tiên. Hai người yêu nhau, sống tình cảm bên nhau như vợ chồng, "chia sẻ cùng một chăn gối với sự thân mật không ràng buộc".
Wang Zhongxian và Pan Zhang chết cùng một ngày. Họ được chôn cất trên núi La Phù (Quảng Đông, Trung Quốc). Ở gần mộ của cặp đôi, một cái cây kỳ lạ đã mọc lên, với những nhánh cây hướng về nhau như những cái ôm thân mật. Người dân địa phương vẫn gọi đây là "cây chung gối". 

12. James Buchanan & William Rufus King
(James Buchanan và William Rufus Kingn)
James Buchanan (1791-1868) là Tổng thống Mỹ thứ 15, là ông chủ Nhà Trắng duy nhất suốt đời làm trai tân khi không bao giờ kết hôn sinh con. Mặc dù chưa từng kết hôn, Tổng thống Buchanan từng đính hôn một lần. Tuy nhiên, vị hôn thê này sau đó đã hủy hôn. Kể từ đó, vị Tổng thống này không màng tới chuyện hôn nhân.
Trong đời sống riêng tư, mối quan hệ đồng giới giữa James Buchanan và William Rufus King - thượng nghị sĩ Bắc Carolina đến từ Alabama không phải chuyện bí mật. Hai người sống chung trong một căn nhà ở Washington trong 15 năm. Sau này, thượng nghị sĩ King trở thành Phó tổng thống Mỹ dưới thời Tổng thống Franklin Pierce.
Theo nhà viết sử sách James W.Loewen, William Rufus King được biết đến như một vị Phó Tổng thống "đồng tính luyến ái" nổi tiếng của nước Mỹ. Thậm chí, ông King còn bị gắn với biệt danh "phu nhân Buchanan". Sử gia Loewen cũng công bố một lá thư do Tổng thống Buchanan viết gửi một người bạn sau khi William King đi Pháp làm công sứ. Nội dung bức thư thể hiện rõ tình cảm của Tổng thống Buchanan dành cho "người bạn": "Tôi thật sự rất cô độc và chỉ có một mình, không ai có thể làm bạn đồng hành với tôi từ khi người ấy đi xa. Tôi đã từng theo đuổi nhiều người đàn ông nhưng đều thất bại".

13. Queen Anne & Sarah Churchill
Nữ hoàng Anne - nhân vật cuối cùng của triều đại Stuart, từng trị vì Vương quốc Anh trong giai đoạn 1702 - 1714. Bà được biết đến là một nữ hoàng tài năng, cứng rắn với nhan sắc quyến rũ nhưng phải trải qua một cuộc đời đầy bi kịch. Bi kịch lớn nhất là chuyện Anne là người song tính, từng rơi vào ái tình với Sarah Churchill (bà cố của dòng họ cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill).
Sarah Churchill được miêu tả là một cận thần xinh đẹp nhưng có tham vọng không đáy. Theo sử sách, cuộc phiêu lưu tình ái này diễn ra trong lúc Nữ hoàng Anne vẫn đang chung sống với Hoàng tử George. Mối quan hệ say đắm giữa hai người phụ nữ đã trói buộc Sarah luôn túc trực một cách trung thành bên Nữ hoàng. Anne sủng ái Sarah nhưng chẳng hề biết rằng tình nhân của bà đang có lòng tham giành lấy lợi thế chính trị và tài sản. 
Mặc dù phải trải qua đau khổ triền miên và đắm chìm trong một mối tình kỳ lạ, Nữ hoàng Anne vẫn tìm thấy chút tỉnh táo cuối cùng. Bà quyết định làm tròn trách nhiệm với hoàng gia và hạn chế sự can dự của quyền lực thứ ba - nhân tình Sarah. Cuối cùng, Anne đã chấm dứt sự điều khiển của Sarah cùng với ý chí sắt đá, và lấp lại khoảng trống bê bối bằng một mối tình với Abigail Masham - một người chị em họ của Sarah.
Đau đớn vì bị ruồng bỏ, Sarah đã hủy hoại tình yêu này khi tuyên bố cho Abigail Masham về những tai tiếng trong quan hệ với Nữ hoàng. Sau này, chính Sarah lại không tiếc lời nguyền rủa Nữ hoàng Anne, và biến cái gọi là "tình yêu" ngày nào trở thành một cuộc chiến âm thầm hỗn loạn. Sarah không bao giờ tha thứ cho Anne, còn Nữ hoàng cũng buộc sa thải Sarah khỏi mọi vị trí. Sarah rời khỏi nước Anh và chỉ có thể trở về sau khi Nữ hoàng Anne qua đời năm 1714.

14. Eleanor Butler & Sarah Ponsonby 
Eleanor Butler và Sarah Ponsonb là hai phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc người Ireland, được biết đến với cái tên "Ladies of Llangollen". Họ gặp nhau năm 1773, nảy sinh tình cảm mãnh liệt và thường xuyên gửi thư cho nhau. Khi phát hiện ra mối quan hệ thân thiết này, gia đình Eleanor Butler trở nên hoảng hốt, sắp xếp để cô vào một tu viện.
Vào ngày 30/3/1778, Eleanor và Sarah quyết định bỏ trốn và sống cùng nhau đến Anh. Họ cưỡi ngựa đến Waterford, mặc quần áo như đàn ông và trang bị súng lục. Họ đã từ bỏ danh hiệu cao quý, không chấp nhận những cuộc hôn nhân được dàn xếp và bỏ trốn khỏi gia đình để tìm một mái nhà hạnh phúc của riêng mình. Hai người còn được biết đến là "hai trinh nữ nổi tiếng nhất châu Âu".
Đương thời, Eleanor và Sarah rất nổi tiếng. Hai người phụ nữ có cuộc sống yên bình, hàng ngày đọc sách, viết, vẽ, làm vườn. Tuy nhiên, ở thế kỷ 18, việc phụ nữ lựa chọn không kết hôn mà sống độc thân suốt đời vẫn là một điều hiếm có. Chính vì thế, căn hộ của họ thường xuyên được những nhân vật tiếng tăm ghé thăm. Hoàng hậu Charlotte thậm chí còn khuyên chồng là vua George III tặng dinh thự riêng cho Eleanor và Sarah. 
Sống cùng Eleanor và Sarah là hầu nữ Mary Caryll - người đã chăm sóc 2 chủ nhân mà không cần tiền công cho đến lúc chết. Cả 3 được chôn chung tại nhà thờ St. Collen. Hiện nay, ngôi nhà của họ có tên Plas Newydd nằm tại Anglesey, xứ Wales, vẫn là một địa điểm du lịch nổi tiếng.

15. Hadrian & Antinous
Hadrian, người trị vì La Mã từ năm 117 - 138, không chỉ yêu phụ nữ mà còn bị phái mạnh hấp dẫn. Trong số những người mà hoàng đế Hadrian yêu nhất có chàng trai tuấn tú Antinous. 
Đời sống tình dục người La Mã giai đoạn này rất phóng túng do sự sùng bái thần Venus - vị thần đại diện cho tình yêu và tính dục. Cho nên, mối quan hệ đồng tính giữa Hadrian và Antinous không hề e ngại. Vị hoàng đế La Mã này đã đưa người tình Antinous đi khắp nơi trong suốt 6 năm. Cho đến năm 130, Antinous chết đuối ở vùng sông Nile khi tuổi đời vẫn còn trẻ.
Khi người tình chết, hoàng đế Hadrian vô cùng đau khổ. Tại nơi người tình qua đời, Hadrian cho xây một thành phố mới có tên Antinopolis. Hoàng đế Hadrian cũng thành lập một giáo phái để người dân thờ phụng Antinous. Ở khắp La Mã, những bức tượng về Antinous được dựng lên. Chính vì vậy, Antinous trở thành một trong những nhân vật thời cổ đại được biết đến nhiều nhất.

16. Oscar Wilde & Alfred Douglas
(Oscar Wilde và Alfred Douglas)
Oscar Wilde là một nhà thơ người Ireland có đời sống tình dục lưỡng tính. Năm 1891, ông gặp Alfred Douglas. Lúc đó, Wilde đã kết hôn và có hai con trai nhưng chuyện tình với Lord Douglas đã đưa ông sang một chương mới cuộc đời. 
Alfred Douglas nổi tiếng là một chàng trai hư hỏng, ăn chơi lêu lổng. Ông thường quăng tiền cho những cuộc vui chơi hay cờ bạc. Có nhiều người cho rằng Oscar Wilde cũng chỉ là một trong số những cuộc vui ngắn hạn của Douglas. Họ thường cãi vã rồi chia tay, nhưng cuối cùng vẫn về với nhau. Với Oscar, Douglas là chàng thơ cho bao tác phẩm của ông.
Cha của Douglas, hầu tước xứ Queensberry, nghi ngờ mối quan hệ của hai người "trên mức bạn bè". Ông tuyên bố sẽ "cắt quyền thừa kế và không chu cấp tiền cho Douglas", đe dọa sẽ làm lớn vụ việc lên nếu Douglas tiếp tục mối quan hệ với Oscar Wilde. Vốn tính bướng bỉnh, Douglas chấp nhận sẽ đứng về phía Oscar Wilde và chống lại cha mình.
Trong bức thư viết vào cuối năm 1892, Oscar Wilde diễn tả nỗi nhớ mong khắc khoải của mình với Douglas: "Bosie thương yêu, anh rất vui khi em cảm thấy đã khá hơn và thích những bưu thiếp nhỏ xinh anh gửi. Oxford rất khó chịu trong tiết trời mùa đông. Khoảng 10 ngày tới có lẽ anh sẽ đi Paris. Thật kinh khủng khi phải xa em đến một nơi rất nóng nực...".
Sự sỉ nhục của ngài Hầu tước đã khiến Wilde tức giận và đâm đơn kiện bố của người tình tội lăng mạ. Nhưng thật không may mắn khi chính Wilde bị kiện ngược lại với tội danh lôi kéo Alfred vào mối quan hệ "xấu xa, bừa bãi". Do không thể làm gì để chống lại được định kiến đương thời, sự dồn nén từ phía cha của Douglas, theo Đạo luật Chống đồng tính luyến ái năm 1885, Oscar Wilde bị tuyên án 2 năm lao động khổ sai.
Trước tòa, khi bị kết án hủ bại vì quan hệ cùng giới, nhà thơ Oscar Wilde đã tự biện hộ cho mình rằng: "Thứ tình yêu không dám gọi tên trong thế kỷ này chính là niềm đam mê mãnh liệt giữa David và Jonathan, hay như những gì Platon đã đề cập đến trong triết học của ông, như những gì các vị đọc được trong các bài sonnet của Michelangelo và Shakespeare... Chẳng có gì là trái tự nhiên ở đây cả".
Sau khi được ra khỏi tù vào ngày 19/5/1897, hai người lén lút gặp gỡ nhưng trước sức ép gia đình, họ trốn sang Napoli (Italy). Hai người sống chung một thời gian nhưng lúc này, tình cảm của Douglas dành cho Wilde có phần đã nhạt phai. Những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống đã khiến họ phải chia lìa. Oscar Wilde trở lại Paris sống nốt phần đời của mình còn Douglas trở lại Anh vào năm 1898. 2 năm sau, Wilde qua đời trong cô đơn, nợ nần và tuyệt vọng. 
Sau cái chết của Wilde, Douglas đã thành một người khác. Ông chối bỏ, thậm chí buông những lời nói xấu Oscar Wilde. Ông phủ nhận tất cả những câu chuyện tình từng có với Oscar, ruồng rẫy quá khứ của mình như một cách để che giấu đi nỗi sợ hãi về định kiến của xã hội đương thời.
-------------
MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

           
Mời thư giãn với nhạc phẩm MỘT NĂM MỚI BÌNH AN
của Sơn Tùng MTP, qua tiếng hát Sơn Tùng MTP:
            
*.
PHƯƠNG VIỆT KHÁNG
Địa chỉ: Lô nhà số 5, phường Trần Hưng Đạo,
thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Email: datinh_1974@yahoo.com
.





..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 26.12.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.

0 comments:

Đăng nhận xét