NÓI CHUYỆN VỚI
PAUL NGUYỄN HOÀNG ĐỨC
*
(Về vụ thách đố với Thi hào Nguyễn Du).
Tôi biết đến anh Paul Nguyễn Hoàng Đức hơi muộn nhưng với những ấn tượng khá mạnh về mảng Triết học.
Khi quan sát, thẩm thấu, thưởng thức văn chương, chính trị
tôi thường có ý đề cao và trân trọng những nhân vật viết, phát biểu, lên Thông
điệp có cơ sở triết, có màu sắc triết học, những sản phẩm ấy thường bảo đảm một
giá trị cho tác phẩm, hơn là các quan điểm mang tính thời sự khác.
Bởi vậy tôi mê mẩn vần thơ của Hoàng Tám Bùi “Em hoá đá vì tình, con hoá đá vì ai?”
Trong bài thơ Hòn Vọng Phu tuyệt vời.
Với Paul Nguyễn Hoàng Đức, nếu “Tỉa” những phát biểu có nội
hàm giầu tính triết, có giá trị thông điệp cao, không ít.
Triết cũng là mảng yếu nhất của tôi nên tôi cóp nhặt, trân
trọng từng câu từng ý của những nhà chuyên môn về Triết làm vốn viết, vốn sống
cho mình.
Ví dụ, có thể “Gom” 99% những bi kịch, những mâu thuẫn xã hội
thời 1975/2022 + của Việt Nam bằng một phát biểu của đại văn hào Miguel de
Cervantes người Tây Ban Nha:
“Bi kịch lớn nhất trong
xã hội loài người chính là bi kịch xuất hiện khi hành động chủ quan không phù
hợp với vận động khách quan!”.
Có thể nói, tôi lượm lặt trên trang facebook của anh Nguyễn
Hoàng Đức nhiều “Tài nguyên” kiểu như thế. Cảm ơn anh.
Tôi được biết đến một danh vị “Nhà triết học giỏi nhất châu Á” gì đó, không biết từ đâu, tôi cũng
chưa xác tín nhưng vẫn dành cho anh một tình cảm kính mến bằng mảng … triết.
Nhưng, đến vụ Nguyễn Du thì có vấn đề.
Anh kiên trì cuộc đấu tố, hạ bệ Nguyễn Du.
Anh phủ nhận sạch trơn mọi giá trị của Nguyễn Du.
Anh đòi đem thơ anh “chọi”
thơ Nguyễn Du.
Anh phẩy tay gọi tất cả những người yêu mến thơ Nguyễn Du là
lũ “âm lịch”
Anh tôn vinh thơ, trường ca của chính anh.
Anh quyết liệt, không khoan nhượng, không “tha” Nguyễn Du.
Hôm nay tôi sẽ cố gắng với tham vọng “Tổng kết” vụ om xòm
không đáng có này.
Tôi nói ngay trước khi vào bài chính là tôi muốn đón nhận
những ý kiến bình luận của cộng đồng trên tinh thần thân ái, bác ái, giúp nhau
“thanh toán” vụ này êm đẹp, hết sức tránh làm cho nó bụi mù lên.
Dưới đây là 04 vấn đề cần thảo luận.
Một là: Anh Đức
chọn nhầm đối tượng để vật lộn
Dễ nhận thấy có 02 đối tượng để anh “Vặt” là Nguyễn Du và những người mê Nguyễn Du.
Về phía Nguyễn Du, cho dù hậu thế đắp tượng đồng bia đá hay
đem ông ra quần thảo thì ông cũng chịu.
Bởi vậy, lý lẽ của anh Đức dù đúng dù sai nhưng kiểu “Đấu” không quân tử. Đấu với người bất
khả giác đấu, vô hậu.
Rất may là, có lẽ Tố Như đã lường trước được vụ này nên ông
đã “Khóa” cứng bằng một tuyên ngôn có
cả triệu người làm chứng:
“Lời quê cóp nhặt dông
dài
Mua vui chắc
được một vài trống canh”.
Còn gì rõ ràng hơn?.
Nếu Nguyễn Du hô lên “Ta
vô đối” hoặc “Ta là đỉnh của đỉnh”
kiểu tuổi teen thì mới đáng chấp.
Còn khi ông đóng dấu vào sản phẩm của mình là “Lời quê” thì thi thố cái gì, kiện cáo gì?.
Nếu có một diễn đàn thi thố thật, mà cuối cùng trọng tài cầm
tay anh Đức nêu cao lên, thổi còi thật to và hô “Triết gia Paul Nguyễn Hoàng Đức thắng Nhà thơ nhà quê Nguyễn Du của
thời 200 năm trước, đã mất, Nguyễn Du thua!!” thì đâu có vinh quang gì!?.
Trong toàn bộ tác phẩm “Kiều” của Nguyễn Du cũng không có
chữ nào ra ý tự tôn thái quá, khiêu khích dư luận hay công phá những giá trị
văn chương khác. Tôi dám chắc rằng nếu còn sống, nhận được thông báo tham gia
cuộc “đọ” ông sẽ phẩy tay “Bậy nào, đi chơi chỗ khác để ông uống trà và đánh cờ
với lão bạn!.
Hai là: Đám Âm
lịch mê Nguyễn Du.
Trong những từ ngữ anh Đức dùng trong cuộc chiến này có từ “Âm lịch” rất rõ trong nội hàm chỉ cái
lạc hậu, trì trệ của lớp người “Cũ”,
lớp người không biết internet và bấm nút khởi động bom nguyên tử.
Cần chỉ ra cho anh Đức thấy, nếu khoanh toàn bộ trí thức nhân
loại ra thành hai loại: Loại dùng lịch âm và loại dùng lịch dương, rồi chiếu
bằng những công trình, thành quả trí tuệ của hai giới này, được xác tín bằng
thực tế lịch sử của việc nghiên cứu thiên văn, Y học, địa lý, tử vi, binh đao
thì có lẽ “miếng bánh” thị phần dành cho anh, cho tôi và lớp dùng lịch tây hiện
nay nhỏ như nửa cái bánh trung thu cho trẻ nhỏ.
Vì tránh cho bài viết quá dài tôi chỉ cần tỉa ra một tiểu
tiết: Một bệnh nhân bị hóc xương rất sâu vào khu vực thanh quản, rất khó can
thiệp bằng tây y, thì tôi, một “Âm lịch”
có thể dễ dàng đẩy nó đi một cách vô hại khi KHÔNG SỜ VÀO NGƯỜI BỆNH NHÂN. Bạn
nào (giới y học hiện đại muốn kiểm chứng, tôi sẵn sàng)
Trở lại chuyện văn chương “Âm lịch”
Tôi công nhận ý của Paul Nguyễn Hoàng Đức có một “Hệ phái” âm lịch trong văn chương thật.
Ngoài Nguyễn Du, Nguyễn Bính và vài thế hệ gồm hàng ngàn Thi
nhân không tên tuổi đã sáng tác, lưu truyền những loại hình văn nghệ “quê mùa” cộc kệnh thật.
Nhưng.
Chính nó, ở vào thời điểm đó, nó là cái “Đẳng” tiên tiến so với cái… trước nó.
Tạm soi vào Nguyễn Du, thì thấy trước đó là thời của những
diễn ca tự phát, văn hoá tuỳ hứng kiểu cồng chiêng, miễn sao đem đến cho cuộc
sống những cái hài lòng hơn.
Nó góp phần vào cuộc sống những động lực thật, những niềm vui
thật cho lớp Âm lịch, lớp người chết trước khi biết đến những vần thơ… gì đó
của Nguyễn Hoàng Đức.
Một đất nước vừa kinh qua ngàn năm Bắc thuộc, “Chiến” với đủ thứ trở lực thiên tai địch
hoạ, mà vẫn sản sinh ra những nhà thơ “âm
lịch” là điều đáng tự hào và nếu muốn bài bác nó, là bất nhẫn.
Ba là: Thơ
Nguyễn Du
Nội dung nói trên phần nào làm sáng tỏ giá trị của Thơ Nguyễn
Du rồi.
Nhưng xem ra có một vấn đề không thể để muộn hơn.
Đó là một vài ý kiến siêu cực đoan.
Họ cho việc Nguyễn Du ăn cắp ý của tác phẩm Thanh tâm tài
nhân của Tầu để phủ nhận ông.
Họ cũng cho là cốt truyện tít bên Trung Quốc thì không có giá
trị gì với văn học Việt Nam.
Họ cho thơ "lục bát" là hàng chợ, rẻ tiền.
Tôi có vài ý như sau.
Ở châu Âu, Trung Hoa, Cận Đông sự giao thoa văn hoá là chuyện
thường.
Hãy xem bộ phim Vị Hoàng đế cuối cùng (tiếng Anh: The Last
Emperor) là bộ phim tiểu sử về cuộc đời của Phổ Nghi, vị hoàng đế cuối cùng của
Trung Quốc.
Phim được dựng bởi Bernardo Bertolucci một đạo diễn Ytalia
làm năm 1987. Kịch bản được viết bởi Mark Peploe và Bertolucci, KỊCH BẢN DỰA
HẲN VÀO HỒI KÝ CỦA ÔNG PHỔ NGHI.
Hai ông người Ý này đã làm trọn một “show” sử thi Trung Quốc.
Phim được đánh giá là một trong 3 bộ phim kinh điển nhất
trong lịch sử điện ảnh châu Á. Bộ phim này không những người Ý !, mà cả người
Trung Quốc hoan nghênh.
Việc Nguyễn Du Việt hoá một cốt truyện Tàu bằng văn Việt , để
nhiều người Việt hơn được thưởng thức. Nội dung được xây dựng thành bao nhiêu
minh triết cho cuộc sống để hậu thế nhận dạng xã hội xem đâu là Mã Giám Sinh,
đâu là Từ Hải và nhận ra tính đa dạng của thân phận Thuý Kiều thì nó vượt ra
ngoài “Điểm sàn” của tác giả là “Mua vui
cũng được một vài trống canh”, nó đã thành bất hủ, dù bất hủ trong giới “Âm lịch” đang chiếm phần lớn dân số nước
này.
Kiều còn sống mãi.
Nếu không có “Kiều” mà chỉ có mấy bộ phim của “Vê”
của “H” vừa lên án nạn mãi dâm vừa như … tiếp thị khéo cho họ thì cuộc
sống thật đáng buồn.
Không có gì tức cười hơn việc đem cái Iphon 13 Pro max ra so
với cái bàn tính với 100 “quân” gỗ tròn tròn xâu vào mười thanh ngang hồi cuối
thế kỷ 17 ở Thượng Hải rồi nói cái này hơn cái kia được.
Bốn là: Paul
Nguyễn Hoàng Đức
Với cách “oánh” Nguyễn Du bằng chính thơ… mình anh Đức đã
phạm vài sai lầm.
Về kỹ thuật, nếu anh định làm việc này như là làm sáng tỏ một
chân lý, phải có quy trình.
Anh hãy đề cập với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, hoặc một tổ
chức nghề nghiệp, một tổ chức phi chính phủ có tư cách độc lập, có năng lực
thẩm định văn chương, văn hoá làm một sinh hoạt thượng tầng.
Ở đó anh trình bày những hạn chế, bất ổn của Nguyễn Du (theo
ý anh).
Rồi anh trân trọng công bố tác phẩm của anh.
Sau đó lắng nghe các chuyên gia thẩm định, đánh giá về nêu ý
kiến.
Kiểu lên trang facebook cá nhân tuyên bố sương sương “Tôi hơn đứt Nguyễn Du” nghe nó không… “vào” chút nào!
Trong phần này Tôi có ý khuyên anh Đức một lời:
Để rộng đường dư luận và củng cố thắng lợi cho anh, đề nghị
anh cho đăng vài bài thơ (loại ác chiến nhất) của anh lên trang facebook cá
nhân để anh chị em được biết đến văn tài của anh, xây dựng tình cảm đúng mực
với anh và với… Nguyễn Du.
Cuối cùng
Để kết lại câu chuyện này, với lòng chân thành, tôi nói:
Nếu vạn bất đắc dĩ, phải lấy một đại lượng để so đọ, để bình
phẩm, để muốn … hạ gục Nguyễn Du thì ở Việt Nam, tạm khoanh thời trước và sau
Nguyễn Du 200 năm, phải có không ít hơn 100 tác giả với 500 bài thơ trác tuyệt,
trong đó không có thơ Paul Nguyễn Hoàng Đức!.
Khi chuẩn bị viết bài này tôi làm một “vote” vui vui, là đóng
gói một câu hỏi rồi gửi cho vài Group bạn hữu, đủ các thành phần.
Hôm nay tôi chơi tiếp trò này trên facebook của mình.
Mời các bạn trả lời, chân thành và thân thiện:
Bạn có biết sơ sơ hay bạn thuộc bài thơ nào của Ngài Paul
Nguyễn Hoàng Đức không?.
Đơn giản thế thôi, chơi đúng kiểu âm lịch.
Tôi mong học hỏi được nhiều minh triết của Paul, thật tình!.
Hãy cố gắng để tránh ““Bi
kịch lớn nhất trong xã hội loài người chính là bi kịch xuất hiện khi hành động
chủ quan không phù hợp với vận động khách quan!”. Giống như cuộc so đọ hiện
nay anh ạ!
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe LIÊN KHÚC
BOLERO ACOUSTIC GUITAR
qua tiếng hát của Quán
quân Bolero 2022 Nguyễn Lê Bá Thắng,
với sự phụ diễn của diễn
viên Đặng Tuấn Hưng:
Vũ Thị Hương Mai giới thiệu
Tác giả: Nguyễn Huy Cường - Nguồn: Facebook
Nguyễn Huy Cường
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét