VỀ HIỆN TƯỢNG PHẠM CÔNG THIỆN - Tác giả: Như Hạnh ; La Thụy giới thiệu

Leave a Comment

 

VỀ HIỆN TƯỢNG PHẠM CÔNG THIỆN

*

(Trích bài của Như Hạnh [Pháp danh của

Giáo sư Nguyễn Tự Cường], PhD, Harvard University).

Đọc trọn bài: https://tapchitriet.com/?p=598
 

Đa số những người lớn lên ở Saigon trước 1975 mà có lưu ý đến văn học, triết học thì hẳn cũng nghe đến cái tên Phạm Công Thiện. Theo tôi ông là một scandal [Sự tai tiếng] học thuật đáng tiếc tạo ra bởi một nhóm Phật Giáo. Mà thương thay lại là nhóm elite [tinh lọc] của Phật Giáo, tức là nhóm chủ trương Đại Học Vạn Hạnh. Trước đó thì ông có viết báo và xuất bản mấy cuốn sách cũng chẳng ra thể thống gì. Cứ cho ông có credit [tín chỉ] là biết đọc tiếng Anh tiếng Pháp và cũng chịu khó đọc sách. Nhưng vì ông không bao giờ học đại học, ông thuộc loại “tự học miệt vườn”, lại thêm vì sống ở Việt Nam sách vở khan hiếm, cho nên đọc sách không có lớp lang, cuốn đực cuốn cái. Bất cứ cuốn sách ngoại quốc nào ông đọc được thì tác giả đều là “thiên tài”.

Ông thích đọc Heidegger. Thôi thì cũng không có gì sai quấy, nhưng mà bởi vì không có căn bản học vấn, cho nên ông cũng tự cương theo ý ông. Ông lãng mạn hóa, thơ mộng hóa, bí hiểm hóa Heidegger, “khinh bỉ trương ốc”, làm như thể Heidegger là người duy nhất nắm được chân lý trong tay và ông là người duy nhất hiểu Heidegger. Thật ra thì cái lão Heidegger này cũng chẳng có gì là thơ mộng, lãng mạn, mặc dù thỉnh thoảng lão cũng trích thơ văn. Heidegger là viện trưởng viện đại học Freiberg. Sáng ra cũng cắp cặp, vác ô, dơ thẳng tay chào “Heil, mein Führer” rồi đến trường dạy học. Chúng ta đừng quên là Heidegger phò Hitler và từng có những chủ trương rất tàn bạo.

Sau đó Phạm Công Thiện đi tu trốn lính lấy pháp danh là Thích Nguyên Tánh, và được “Thiền Sư” Thích Nhất Hạnh mang lậu sang Mỹ. Thời đó xuất ngoại là một cơ hội hiếm quí. Ông qua Mỹ cũng chẳng làm được gì. Thiệt sự thì ông đâu có credit [tín chỉ]  hay trình độ gì để mà được một đại học Mỹ nhận vào học. Hơn nữa đi học thì cần nhiều kiên nhẫn, năm này qua năm nọ ngồi trong thư viện dùi mài mà không ai biết mình là ai, lại còn nghèo nàn túng thiếu. Còn ra ngoài kia viết mấy bài dấm dớ nhét mấy chữ tính thể, hố thẳm, khinh bỉ, phá hủy, thì được giới nhà văn nhà thơ và tu sĩ Phật Giáo tôn sùng mang về đại học cho làm khoa trưởng không đã đời hơn sao? Ông về Saigon xuất bản tập thơ èo ọt thiếu tháng gọi là Ngày sinh của rắn, ở bìa trong ông tự nhận là thiên tài duy nhất của Việt Nam. Thật là một thái độ quê mùa, cao-bồi vườn hết chỗ nói.

 Hơn nữa không biết Phạm Công Thiện có phải vì thuở nhỏ xem cải lương hơi nhiều hay không mà ông thường viết những câu văn đại loại như “Nietzsche là một trái tim đen bị sấm sét đánh tan thành muôn triệu mảnh trên ba ngàn trượng đỉnh cao”. Hà Triều Hoa Phượng mà nghe được câu này thì chắc là gật gù lắm muốn mời ông cộng tác. Ông còn tạo ra một ấn tượng sai lầm cho giới trẻ vô tội mà ham học rằng sách triết được viết bằng một thứ ngôn ngữ “lửa”, lãng mạn kiểu Dạ Lý Hương. Sự thật thì hoàn toàn không hề như thế. Ngay cả lão Heidegger cũng vậy. Lão xử dụng một thứ Đức ngữ rắc rối, nhưng mà chẳng có gì “lửa” cả. Nói tóm, ngôn ngữ của Heidegger không côn đồ mà cũng không cải lương. Ngay cả Henry Miller cũng thế. Có thể lão hay nói chuyện sex, nhưng mà văn chương lão cũng chẳng hề có khẩu khí côn đồ.

Cách viết “khảo cứu” của ông cũng hết sức lừa dối (deceptive). Giữa đám Việt ngữ bầy hầy của ông thì thường xen lẫn một vài đoạn ngoại ngữ dài trích dẫn từ sách của một tác gia Tây phương nào đó, rồi ông nói nhăng nói cuội không ra đầu đũa gì cả. Ông làm biếng mà thích khoe khoang, luôn luôn trích một đoạn (thông thường là ở mấy trang đầu sách) của một triết gia hay một câu thơ của nhà thơ nào đó rồi tán nhảm. Tôi nhớ ở đâu đó ông nói là viết một bài về nhà thơ Mỹ William Carlos Williams. Ông trích duy nhất một câu thơ của nhà thơ này rồi viết hên sui vài ba trang cho xong. Lại còn không biết dựa vào đâu ông phong chức tùm lum cho các nhà thơ. Có lúc ông nói Nguyễn Du là nhà thơ lớn thứ ba trên thế giới. Không biết hai vị nhất nhì kia là ai? Dựa vào đâu mà Nguyễn Du đứng thứ ba? Rồi ông còn phong cho ông Quách Tấn là nhà thơ lớn nhất Việt Nam...

Sau này khi ở Mỹ tá túc tại chùa Việt Nam ở Los Angeles của Hòa Thượng Mãn Giác, ông có viết một bài gì đó tôi không nhớ cho một tờ báo Phật Giáo địa phương. Tôi chỉ nhớ trong một chú thích ông ghi trích từ Tạng Kinh Tây Tạng Narthang. Thứ nhất, ông không hề biết Tạng ngữ, thứ hai không hiểu ông đọc lóm đâu được cái tên Tạng Kinh Tây Tạng Narthang. Tạng Kinh Narthang này chỉ có Đại Học Harvard có thôi. Tôi biết thế vì khi đi học tôi có làm việc theo dạng work study ở Rare Books Room (Phòng Sách Hiếm) trên tầng ba của Thư Viện Harvard/ Yenching. Không phải ai cũng khơi khơi vào phòng này xem sách được. Ngay cả các giáo sư của các đại học khác muốn đến xem, mượn vài trang ra để xerox tại chỗ cũng phải có giấy giới thiệu. Tôi còn nhớ ông boss người Trung Quốc của tôi bảo vệ phòng sách này hơn cả tính mạng của ông.

Còn một biến cố nữa mà nhiều người cũng biết đến. Đó là việc ông mạ lỵ ông Nguyễn Văn Trung. Nếu Phạm Công Thiện là “tự học miệt vườn” thì Nguyễn Văn Trung là “học bôi bác.” Ông qua Belgium du học ở Louvain, viết luận án về Phật Giáo. Cái luận án dài khoảng 120 trang, chẳng ra thể thống gì cả. Sau đó ông bị Phạm Công Thiện xỉa xói mạ lị. Thôi thì cũng đáng đời. Ông mạ lỵ Phật Giáo để làm sự nghiệp, nay ông bị mạ lỵ bởi một anh chàng cũng không biết gì về Phật Giáo hơn ông. Người Mỹ sẽ nói là “karma is a bitch.” Phạm Công Thiện muốn mạ lỵ Nguyễn Văn Trung cũng được, nhưng mà ông kết luận bằng một câu hàm hồ hỗn láo không thể tha thứ được. Ông nói đại khái phê bình Nguyễn Văn Trung cũng là phê bình các bậc thầy của ông như là Louis de La Vallée Poussin (1869-1938) và Étienne Lamotte (1903-1983).

La Vallée Poussin và môn đồ của ông, Étienne Lamotte, là hai bậc thầy lớn trong thế giới nghiên cứu triết học và văn hóa Phật Giáo. Ngoài những ngôn ngữ như Greek và Latin ra, họ đều thông thạo các ngôn ngữ kinh điển (canonical laguages) của Phật Giáo như Hán, Pāli, Sanskrit và Tibetan. Những trước tác của họ, tôi không kê khai ra ở đây làm gì vì nó không có ý nghĩa lắm đối với những người ngoài ngành. Chỉ xin đưa ra vài tiêu biểu. La Vallée Poussin biên tập (edited) bản Sanskrit của bộ luận Trung Luận tức là Mūlamadhyamakakārikā của Nāgārjuna (Long Thụ) với bản chú giải của Candrakīti (Nguyệt Xứng). Ông chỉ biên tập chứ không phiên dịch sang Pháp văn. Nhưng đọc bản biên tập của ông, chúng ta cũng đủ thấy cái trình độ bác học vĩ đại của ông. Thuở đó chưa có điện toán, google, trong bản biên tập này ông nhận diện ra được những đoạn tương tự với các đoạn trong các tác phẩm của các phái triết Ấn Độ khác. Ông còn thường xuyên trích các bản dịch Tạng văn (Tibetan) để đối chiếu. Étienne Lamotte cũng bác học không kém gì thầy của ông. Lamotte dịch những kinh và luận quan trọng nhất của Phật Giáo, trong đó có bộ Đại Trí Độ Luận (大智度論). Bản dịch nào của ông cũng mẫu mực, chính xác và bác học. Ngoài ra ông còn viết bộ Histoire du Bouddhisme Indien Des Origines à l’Ère Śaka gần 900 trang. Nói tóm, La Vallée Poussin và Étienne Lamotte là những bậc đại học giả mà hầu hết tất cả những người nghiên cứu Phật Giáo cho đến hiện nay đều kính ngưỡng. La Vallée Poussin mất năm 1938, ông không thể là thầy của Nguyễn Văn Trung. Muốn là học trò của Étienne Lamotte cũng phải là những người có trình độ cao về các ngôn ngữ Phật Giáo. Một anh Việt Nam nhà quê không biết một ngôn ngữ Phật Giáo nào không thể là học trò của Lamotte được.

Khi ông Phạm Công Thiện phát biểu lời trên ông chỉ nói ngông cuồng cho sướng miệng chứ chính bản thân ông cũng chẳng biết hai vị kia là ai. Tôi đoan chắc ông chưa đọc bất cứ một cuốn sách nào của họ, có đọc đi nữa cũng không hiểu. Ông có cái thói hay “name-dropping”, rải tên. Vì không có căn bản học vấn lại rất cẩu thả khinh bạc nên nhiều khi ông rải những cái tên chẳng có liên hệ gì với nhau. Ví dụ Heiddeger, Husserl, Sartre, Talcott Parsons, vân vân. Talcott Parsons là một nhà xã hội học. Nếu không ở trong ngành này đọc sách của ông chúng ta cũng không hiểu. Có lần ông còn khoe khoang vớ vẩn trong một cuốn sách của ông rằng, “tôi vừa ném trọn bộ Summa Theologica của Thomas Aquinas vào một thùng rác ở lề đường Paris.” Cái gì? Nếu mình không học thần học, nhất là thần học Catholic, mình mua sách của Thomas Aquinas để làm gì?

Tôi còn nhớ sau khi đã tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh rồi và làm nhà xuất bản, bọn chúng tôi thường ngồi ở quán cà-phê Nắng Mới trước cửa trường. Tôi cũng có làm cho ban tu thư của phân khoa Khoa Học Xã Hội gì đó. Một hôm tôi đi ngang giảng đường lớn, nghe tiếng giảng qua máy vi âm. Thì ra là giáo sư Thích Nguyên Tánh đang tán phét. Tôi nghe ông phát biểu một câu mà đến nay tôi vẫn không quên vì nó quá phi lý: “Tư tưởng Ấn Độ là kinh nghiệm về hư vô”. WTF! Nói như thế có khác gì nói “thuyết tương đối của Einstein là kinh nghiệm về phở bò”. Tôi biết chắc chắn là ông không biết gì về triết học hay văn hóa Ấn Độ cả. Ông Phạm Công Thiện, tôi dám cá chưa từng bao giờ đọc ngay cả một cuốn sách nhập môn về triết học hay văn hóa Ấn Độ nói chung bằng Anh ngữ.

Phạm Công Thiện là thần tượng của giới nhà văn nhà thơ và tu sĩ Phật Giáo. Nhà văn nhà thơ có thể làm thơ viết văn hay, nhưng mà ngoại ngữ hay trí thức không hề là cái forte của họ, ngoại trừ những người lớn lên ở hải ngoại. Nhưng mà những nhà văn nhà thơ lớn lên ở hải ngoại họ chẳng cần biết Phạm Công Thiện để làm gì. Còn đa số các nhà sư Phật Giáo thì chẳng có kiến thức về bất cứ cái gì nhất là kiến thức về triết học Phật Giáo. Trình độ hiểu biết của Phạm Công Thiện về Phật Giáo không hơn gì một ni cô chú tiểu bình thường. Nói tóm, kinh điển, ngôn ngữ, văn hóa, triết học, tư liệu và sách vở Phật Giáo hoàn toàn vượt ngoài tầm nắm bắt trí thức của Phạm Công Thiện. Oái oăm thay ông lại hù dọa khiến các Thượng Tọa, Đại Đức phục ông sát đất. Ông không đọc được bất cứ một ngôn ngữ kinh điển nào của Phật Giáo thì làm sao ông nghiên cứu? Đọc kinh Việt dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh? Mà quả nhiên ông làm như vậy thật. Đôi khi ông chỉ trích một câu trong bản dịch của Hòa Thượng Trí Tịnh rồi nói nhăng nói cuội “Bồ-đề tâm như hố thẳm” đại loại như vậy. Ông có đọc sách Phật Giáo bằng Anh hay Pháp văn ông cũng không hiểu được. Bởi vì không có cái căn bản ngôn ngữ Phật Giáo trong đầu óc, đọc sách triết học Phật Giáo bằng ngôn ngữ Tây phương rất là khó hiểu.


Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện ngắn

CHUYỆN CU TỐ LÀNG TÔI của Đặng Xuân Xuyến:

Nhà thơ La Thụy giới thiệu

Tác giả: Như Hạnh  Nguồn: tapchitriet.com

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét