CHUYỆN GIẢ NGU CỦA NHỮNG NGƯỜI THÔNG MINH - Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh (Hải Dương)

Leave a Comment

 


CHUYỆN GIẢ NGU CỦA

NHỮNG NGƯỜI THÔNG MINH

 

(Tác giả Nguyễn Thị Lan Anh)

Jonh là một cậu học trò rất thông minh nhưng ngang bướng và nghịch ngợm. chính vì thế mà kết quả học tập của cậu thường không tốt lắm. Giáo viên của cậu đã nghĩ ra một cách là mời thầy giáo dạy tâm lý đến kiểm tra cậu bằng những câu hỏi.

Đầu tiên nhà tâm lý đã có câu hỏi dò: - “Em cho tôi biết Romeo và Juliet là tác phẩm của ai?”

Jonh uể oải trả lời: - “Em làm sao mà biết được. Những học sinh như em sẽ chẳng bao giờ đọc những tác phẩm của Shakespeare!”.

Jonh đã trả lời theo kiểu biết mà lại giả vờ không biết, khiến cho người khác nghe phải bất ngờ. Thoạt tiên, cậu ra có vẻ như không biết, không trả lời câu hỏi đó, nhưng trên thực tế thì cậu ta lại trả lời rất chính xác mà câu hỏi nhà tâm lý học đưa ra.

Hay như câu chuyện về cậu bé Wiliam, vị tổng thống thứ 9 của Mỹ, cũng vậy. Wilam sinh ra ở một thị trấn nhỏ, trong một gia đình nghèo khó, nhưng lại vô cùng thông minh.

Người dân ở thị trấn này rất thích chơi khăm để thử trí thông minh của cậu bé Wiliam. Họ vứt đồng xu một hào và năm xu xuống trước mặt cậu bé để cậu tuỳ ý nhặt một trong hai đồng đó. Và cậu Wiliam thường cúi xuống nhặt đồng năm xu.

Một hôm, có một phụ nữ đứng tuổi đã hỏi cậu: - “Tại sao cháu không nhặt đồng xu một hào mà lại nhặt đồng năm xu? Lẽ nào cháu không biết giá trị của hai đồng đó sao?”

Wiliam trả lời: - “Đương nhiên là cháu biết, song nếu cháu nhặt đồng một hào thì lần sau mọi người không còn muốn tung đồng xu lên cho cháu nhặt nữa”.

Wiliam đã dùng cách “biết mà giả bộ như không biết” để lượm tiền của người khác thật thông minh. Cậu bé chỉ nhặt đồng năm xu tỏ ra thật ngớ ngẩn và làm trò cười cho mọi người. Nhưng hành động khiến cho mọi người ở khi thị trấn cứ vứt tiền xu cho cậu ta nhặt thì lại thể hiện một sự thông minh của cậu bé. Sự thông minh mà người ta gọi là được bao bọc bởi sự “ngu xuẩn”. Nhưng sau khi nghe cậu bé nói ra điều đó thì mọi người đều khâm phục.

Biết và giả vờ như không biết thuộc vào kỹ năng phê bình trước rồi khen ngợi biểu dương sau. Phê bình trước có thể hình thành nên một kiểu tư duy, tức là có một cảm giác sai về đối tượng, còn biểu dương sau lại nhanh chóng phá vỡ kiểu tư duy đó, khiến người khác phải ngạc nhiên và cảm thấy lạ lùng. Khi cả hai điều đó càng mạnh thì hiệu quả của nó càng rõ rệt và từ đó tạo nên tình cảm và khiếu hài hước khiến cho người nghe cảm thấy thích thú.

Điều đặc biệt là những người sử dụng phép này thường không bao giờ để lộ dụng ý của mình, bất ngờ luôn đến phút chót. Bởi vì trí tuệ càng thể hiện ra một cách trực tiếp và thẳng thắng phơi thì càng khiến cho người khác cảm thấy thiếu đi sự thông minh, khôn khéo.

Một nhà triết học đã từng nói: - “Nếu bạn muốn có kẻ thù thì bạn hãy tỏ ra bạn ưu việt hơn đối tượng bạn tiếp chuyện. Nếu bạn muốn có bạn thì hãy để người ấy ưu việt hơn bạn”. Vì sao vậy? Vì khi đối tượng của bạn tỏ ra ưu việt hơn ta thì họ sẽ có cảm giác họ là nhân vật quan trọng. Còn khi ta tỏ ta ưu việt hơn thì họ sẽ cảm giác tự ti, dẫn tới sự hâm mộ nhưng không thể tránh khỏi lòng đố kỵ, ghen ghét. Chính sự giả vờ như không biết ấy sẽ khiến cho đối phương bộc lộ hết bản thân mình, đó là điều kiện để bạn nắm rõ họ hơn. Khi biết đối phương là người thế nào thì sẽ dễ dàng xử thế, bản thân mình luôn ở thế chủ động, dẫn dắt vấn đề.

Vờ như không biết, không biết, không hiểu để coi mọi chuyện chẳng có gì là không thể, khiến cho đối phương không phải là khó chịu mà sẽ phải nghĩ lại quyết định của mình. Sự vờ vịt, dí dỏm dù sao cũng sẽ tạo cho người ta cảm giác vui vẻ, thoải mái mà không thể trách móc gì mình được.

Ví dụ câu chuyện của một đôi vợ chồng để bạn tham khảo.

Vợ: - “Hôm nay anh lại uống rượu ở ngoài rồi?”

Chồng: - “Làm gì có chuyện đó”.

Vợ: - “Vậy tại sao trên áo anh toàn mùi rượu?”

Chồng: - “Không thể thế được, vì lúc uống rượu anh có để rượu dây ra áo đâu.”

Xem ra người chồng này rất thành thật, mà lại có vẻ là ngốc nghếch. Nhưng thực ra anh ta đang làm bộ, giả vờ để người vợ phải bật cười khi nghe anh ta nói. Anh ta tỏ ra ngây thơ, khờ dại để cho không khí gia đình được vui vẻ, tránh được sự căng thẳng từ người vợ. Cả hai đều hiểu đó là câu nói cực kỳ “ngu xuẩn” nhưng lúc đó chỉ có như vậy mới là thú vị. Nếu không biết sự “ngu xuẩn” trong đó có lẽ mới là “ngu xuẩn” thực sự.

Lại có một ông già muốn dựng lại ngôi nhà, công việc đang rất gấp gáp, ông ta cần rất nhiều đinh để đóng. Cuối buổi chiều, ông ta đến một cửa hàng tạp hoá duy nhất bán đinh ở thị trấn. Ông nói với cô bán hàng: - “Chào chị, tôi muốn mua 5 kg đinh”.

- “Không có” cô bán hàng đáp.

Ông ta lại nói: - “Không có 5 kg thì bán cho tôi 2,5 kg cũng được”.

Cô bán hàng: - “Cũng không có”.

- “Vậy thì 1 kg được không?”

Cô bán hàng: - “Ngay 1/2 kg cũng không có”.

Lúc này ông già lại phải khổ sở: - “Chị ơi, dù thế nào thì chị cũng phải bán cho tôi một cái đinh chứ?”

Cô bán hàng ngạc nhiên hỏi: - “Cái ông này… ông thật kỳ quặc, mua một cái đinh làm gì?”

Ông già trả lời: - “Tôi mua một chiếc đinh để đóng chặt “cửa sau” cửa hàng nhà chị lại”.

Cô bán hàng vô cùng ngạc nhiên trước sự thông minh, khéo léo và sự hài hước của ông già này. Cô ta đã cười và vui vẻ mở cửa bán cho ông già số đinh mà ông ta cần.

Hành động mua một chiếc đinh thật là ngớ ngẩn khiến cho mọi người không khỏi ngạc nhiên mà chú ý. Hơn thế nữa, dùng cái đinh đó để đóng cửa sau của cửa hàng đã đóng cửa trước thì thật là không thể. Hiểu quả của sự dí dỏm, vờ vịt như ngô nghê, ngốc nghếch đã thực sự có hiệu quả.

Một hôm có mấy người bạn đến thăm cô giáo cũ mà họ đã nhiều năm không gặp, cô giáo hỏi tình hình của mỗi học trò.

- “Gặp các em cô rất vui. Các em đều đã trưởng thành cả rồi.”

Cô giáo lại hỏi một cô học trò cũ ngồi cạnh mình: - “Chồng em công tác tốt chứ?”

- “Thưa cô em chưa lấy chồng ạ!”

- “Ồ, cô biết rồi, chồng em chưa cưới em chứ gì?”

Vậy là mấy cô trò lại phá lên cười thật vui vẻ.

Gặp những trường hợp khó xử như vậy tưởng chừng là cô giáo sẽ phải ngượng ngùng. Nhưng không, cô giáo đã “khéo chống” bằng sự khéo léo tỏ ta ngây ngô mang tính hài hước. Nếu như lúc đó cô học trò lắc đầu “em vẫn chưa lấy chồng”, còn cô giáo thì im lặng và tỏ ra “đồng cảm” thì sẽ gieo vào lòng nhau sự ngượng ngùng và buồn tủi.

Đời nhà Tống có câu chuyện như sau:

Một hôm vua Thái Tông mời hai đại thần đến uống rượu với mình, hai vị đó là Khổng Chủ Chính, giữ chức Điện tiền Đô Ngu hầu và Vương Vinh, đại thần trong triều.

Sau mấy tuần rượu, Khổng Chủ Chính và Vương Vịnh có việc tranh luận rất gay gắt, rồi cãi nhau hăng đến đỏ gay cả mặt mày, không ai chịu nhường ai. Hai người đã quên bẵng là có nhà vua đang ngồi ở đó, rồi lại khoa chân múa tay rất gay gắt.

Thị vệ thấy vậy liền tiến lại để bắt giữ nhưng Tống Thái Tông hạ lệnh cho bọn lính đưa hai người về dinh phủ nghỉ ngơi như không có chuyện gì. Ngày hôm sau hai đại thần tỉnh dậy nhớ đến sự việc hôm qua thì hốt hoảng, cùng nhau vào cung điện để tạ tội với vua.

Thái Tông giả vờ như không biết chuyện gì, nói:

- “Hôm qua hai khanh đã bất kính với trẩm như thế nào? Trẫm cũng đã quá say đâu có nhớ gì đâu. Thôi hai khanh cứ lui đi”.

Hai đại thần nghe vậy như đã trút được gánh nặng trong lòng, rất đỗi mừng rỡ. Sau khi đã bái tạ vua thì cùng nhau kéo về và thề nguyền sẽ không bao giờ dám như vậy nữa.

Cũng sau chuyện đó không chỉ có hai cận thần mà tất cả các quan trong triều đều thầm ca ngợi tài đức của Tống Thái Tông. Không dùng hình phạt nhưng mọi văn võ bá quan đều đã lấy đó làm tấm gương để soi vào bản thân mình, lấy đó làm bài học để tự tu dưỡng nhân cách bản thân mình.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết về khoa Tử Vi0

- Các bài viết về khoa Phong Thủy0

- Các bài viết về khoa Tướng thuật0

- Các bài viết về Tín ngưỡng0

- Các bài phê bình, cảm nhận thơ0

- Các bài viết về Biên khảo0

- Các bài viết về chăm sóc sức khỏe0

- Các bài viết về Kiến thức cuộc sống0

- Các bài viết về Chuyện làng văn0

 

Mời nghe nhạc phẩm THẾ SỰ

của Ngọc Phụng, qua tiếng hát Ngọc Phụng:

*.

NGUYỄN THỊ LAN ANH

Địa chỉ: Khu Bình Minh, phường Phạm Ngũ Lão

thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương.

Email: nguyenthilananh80@yahoo.com

 

 

 

 

 

 

..............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.07.2016.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét