NỘI DUNG BÍ HIỂM TRONG 'THƠ CÁCH TÂN' QUA MỘT BÀI THƠ - Tác giả: Minh Nhiên (Chưa Xác Định)

Leave a Comment

 


NỘI DUNG BÍ HIỂM TRONG "THƠ CÁCH TÂN"

QUA MỘT BÀI THƠ

 

Bạn sẽ hỏi, sao tôi quá quan tâm đến tầng lớp Bá Kiến văn chương?

Xin trả lời bằng câu hỏi khác: Sao lại không, nếu chúng ta đọc văn, học văn, dạy văn mà không có chút tình yêu và nhiệt huyết với môn Văn thì đọc làm gì, dạy gì, cho ai? Những người có vai trò định hướng cả sự nghiệp và tương lai văn học của đất nước, sao tôi không quan tâm?

Thật ra đổi mới trong văn học không phải điều gì xa lạ. Đổi mới làm cho văn học nói riêng và cuộc sống nói chung trở nên phong phú sinh động. Nhưng phải có tính kế thừa, phát huy, đẹp hơn, hay hơn cái nền tảng có trước. Chính vì vậy mới có các thời kỳ văn học, các trào lưu văn học. Nội dung hình thức có thể khác nhau nhưng điểm chung là cái đẹp và tính nhân văn được bảo tồn.

Vậy, tại sao hiện nay người ta còn phải bàn cãi về một trào lưu thơ chưa được chính thức lưu hành? Trào lưu đó gọi là trào lưu "thơ cách tân" (có người gọi là "thơ vô lối", "thơ con cóc", "tân con cóc"... ). Vì chẳng có gì chính thức, nên tôi xin gọi là "thơ bí hiểm".

Cá nhân tôi không thích thơ có vần luật. Tất nhiên thơ vần luật xưa nay rất hay. Nhưng tôi lại thích tính suy tưởng và âm hưởng khắc khoải, sâu lắng trong thơ không vần, nhịp điệu dài ngắn khác nhau. Cho nên đối với tôi, thơ tự do có cái hay riêng của nó. Nhưng thơ Nguyễn Quang Thiều thì khiến tôi quá đỗi kinh ngạc. Không phải ở hình thức thể hiện, mà ở nội dung bí hiểm, kỳ quái, nhiều bài thiếu thẩm mỹ trầm trọng.

Sau đây là một bài thơ bí hiểm của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sáng tác:

HỒI TƯỞNG THÁNG GIÊNG

 

Trong chiếu chăn ẩm ướt

Mơ con người hoa tầm xuân

Chạy qua nghĩa địa

Đã tản mát đồ cúng lễ đầu năm

Một bà già ốm dậy

Mở cửa cảnh giác nhìn

Chạy trốn trong chính bộ lông mình

Con chó mơ một ngày

Sang tận bên kia đường viền ánh sáng

Hy vọng đổ vô hồi

Vào tháng Giêng câm tiếng

Nhưng mùa xuân vẫn còn giấu mặt

Chỉ thả ra một cánh bướm thăm dò

Vào một ngày cuối Giêng

Người hàng xóm goá chồng

Trở về từ nghĩa địa

Cắm đầy hoa tầm xuân trong phòng ngủ của mình

*.

Nguyễn Quang Thiều

Cả chùm thơ hồi tưởng 12 tháng, gần như bài nào cũng có ngôn từ và ý tứ bí hiểm như vậy. Tác giả còn nhiều bài thơ bí hiểm khác như "Sự mất ngủ của lửa", "Tấm chăn Thổ Nhĩ Kỳ"... Nhưng tôi chỉ dừng lại ở bài thơ này. Vì là bài thơ đầu tiên tôi được đọc về Nguyễn Quang Thiều, ấn tượng về nó thật khó phai mờ.

Đọc bài thơ tôi hết sức bất ngờ, nó thực sự bí hiểm. Dù các hội viên của ông đều hết lời ca tụng, dù chẳng mấy ai phân tích cụ thể hay ở đâu, như thế nào.

Nhìn tổng thể, "Hồi tưởng tháng giêng" có cấu trúc của thơ tự do. Tuy vậy, thơ tự do cũng cần có âm thanh, nhịp điệu của thơ. Về âm điệu thì không thể phủ nhận là văn bản của tác giả Nguyễn Quang Thiều thiếu chất liệu tạo nên sự mềm mại, truyền cảm của thơ. Nhưng bài "thơ" trên gây phản cảm không hẳn do âm thanh mà ở ý nghĩa mù mờ, kỳ dị của nó.

Câu 1 gợi lên cảm giác khó chịu, vì "chiếu chăn ẩm ướt", nếu không nói là hơi hơi mất vệ sinh.

Câu 2 : ai mơ? Có thể là... nhân vật trữ tình (tác giả)? Mơ con người giống hoa tầm xuân hay mơ con người và hoa tầm xuân?

Đoạn 2 nổi bật hình ảnh "bà già ốm dậy" (tưởng như liên kết với "chiếu chăn ẩm ướt''. Mùa xuân làm bà khỏe lên). Nhưng khi bà mở cửa "cảnh giác nhìn" thì kịch tính bắt đầu! Tại sao bà cảnh giác? Chỉ có thể là bà chú tâm đến đồ cúng! Vậy đồ cúng vơi dần do người âm hay người dương thế?...

Cao trào của câu chuyện là giấc mơ của chú chó "chạy trốn trong chính bộ lông mình" ... "đường viền ánh sáng" có thể là ẩn dụ: nó mơ chạy ra "nghĩa địa" để xơi đồ cúng? Cũng không hợp lý lắm vì chó thường thích ăn thịt! Hay người ta cúng mặn chăng? Hay ý nghĩa gì cao xa hơn? Ví dụ bà già như con chó nhút nhát ôm giấc mơ thầm kín nào đó?

"Tháng Giêng câm" nhưng "hi vọng đổ vô hồi", mùa xuân "giấu mặt", chỉ thả ra một cánh bướm ngập ngừng lén lút "thăm dò"? Thôi thì kệ đi, cũng dấy lên chút hi vọng vào đoạn cuối.

Người đàn bà góa trở về từ nghĩa địa, hẳn nàng đi thăm mộ chồng? Nàng có phải "bà già" ở đoạn 2? Mùa xuân nàng thấy yêu đời trở lại. Nàng có quyền! Nhưng vô lý! Nàng già rồi tầm xuân gì nữa. Nhưng cũng có lý! Bà ấy già mà còn "mất nết" nên "cảnh giác" với dư luận cũng phải.

Cả bài thơ mùa xuân mà hồi hộp muốn chết! Như xem phim trinh thám kinh dị.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Minh Nhiên0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Thiều0

- Các bài viết của (về) tác giả Tạ Duy Anh0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Bàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Dương Ninh Ninh0

- Các bài viết của (về) tác giả Đông La0

- Các bài viết của (về) tác giả Đỗ Trường0

- Các bài viết của (về) tác giả Đỗ Hoàng0

- Các bài viết của (về) tác giả Đỗ Anh Tuyến0

- Các bài viết của (về) tác giả Bùi Đồng0

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

"CÔ" VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

Vũ Thị Hương Mai giới thiệu

Tác giả: Minh Nhiên - nguồn: facebook

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét