ĐAU ĐỚN NHƯ ĐỈA PHẢI
VÔI
Theo dõi cuộc đời
Xuân Diệu, người ta tự hỏi thế có bao giờ Xuân Diệu “hố” không, có bao giờ lộ
vở là một người yếu đuối vụng về không? Có đấy. Có một lần, sự cô đơn đã xui
dại khiến ông gây sự, để rồi bị “đối thủ”giáng cho một cú nặng nề, không thể
cãi lại. Mà vẫn chỉ là câu chuyện liên quan đến thơ.
Năm đó, đã là 1985,
cái năm về sau sẽ được xem là năm cuối cùng trong cuộc đời Xuân Diệu, nhưng hình
như cả ông, cả chúng tôi, đều không ai tính tới chuyện đó.
Xảy ra việc làm
tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1985, loại sách giống như một thứ “chiếu giữa làng”
nên đã biến thành chỗ xếp hạng, cũng là chỗ mặc cả rất quyết liệt: Ai sẽ được
vào, câu hỏi đó đặt ra với đông đảo mọi người chưa giải quyết xong, thì ai sẽ
được lấy sáu bài, ai bốn bài, ai hai bài lại được đặt ra và câu hỏi này mới
thật khó phân xử vì toàn động chạm tới các “đầu lĩnh” cỡ lớn trong giới!
Mặc dù đã là người
chủ trì làm nhiều tuyển tập văn thơ Việt Nam, từ hồi ở Việt Bắc (Tập văn Cách
mạng và kháng chiến) cho tới sau hòa bình 1956 (Thơ Việt Nam 1945-1956) và vinh
quang nhất là Tuyển tập thơ Việt Nam 1945-1960, song đến tập này (1945-1985),
Xuân Diệu không đứng ra làm nữa, mà người được giao chủ trì là nhà thơ Tế Hanh.
Đứng về mặt số lượng
bài đưa vào trong tập thì Xuân Diệu đã thuộc loại nhất, tức là được chọn sáu
bài. Tuy nhiên, lúc xem cả tập thì Xuân Diệu vẫn không bằng lòng. Câu hỏi của
ông nằm ở sự so sánh: tại sao Xuân Diệu sáu bài, mà loại như người này được
những bốn bài, loại người kia được ba bài?!
Theo Xuân Diệu, hình
như những người soạn tuyển tập đã quên mất rằng: chỉ sau Tố Hữu thôi, chứ ông
đứng ở một thế cao vòi vọi, không một nhà thơ lớp sau nào dám so sánh.
Nói tới người nọ
người kia, song lần ấy mũi nhọn công kích của Xuân Diệu tập trung dồn về Xuân
Quỳnh, người phụ nữ được in bốn bài.
Từ hồi bắt đầu chống
Mỹ, trong thơ Việt Nam, vấn đề thế hệ bắt đầu được đặt ra rõ rệt. Có lẽ là do
một sự bén nhạy nào đó, nên Chế Lan Viên rất hiểu chuyện này. Đi đâu ông cũng
đặt vấn đề là phải bồi dưỡng cho lực lượng trẻ, rồi họ sẽ thay thế chúng ta.
Ngược lại, Xuân Diệu khá dè dặt. Mặc dù chính Xuân Diệu đã thanh minh rằng bởi
yêu nên mới cho roi cho vọt, song ai cũng nghĩ ông cố chấp quá.
Thật ra giữa Xuân
Diệu và Xuân Quỳnh không có gì xung đột.
Thậm chí, ở một
phương diện nào đó mà xét, có thể bảo Xuân Quỳnh là người tiếp tục giọng thơ
Xuân Diệu. Cũng tinh tế như thế, nhất là cũng ham sống, cũng nồng nhiệt như
thế.
Nhưng những người
giống nhau lại hay kỵ nhau. Trong nghề làm thơ, Xuân Quỳnh tìm tòi học nghề ở
Chế Lan Viên chứ không ở Xuân Diệu. Ngược lại, Xuân Diệu thấy loại như Phạm
Tiến Duật là lạ, chứ Xuân Quỳnh không lạ. Sự không bằng lòng nhau ngấm ngầm đã
có từ lâu, đến lúc này mới có dịp bùng nổ.
Cậy tuổi già, Xuân
Diệu đi khắp nơi rêu rao, cho là Xuân Quỳnh không đáng như thế, chẳng qua đây
là một nhà thơ phụ nữ xinh đẹp, nên chài được mọi người (chữ chài là của Xuân
Diệu) khiến cho tuyển thơ chẳng còn thể thống gì nữa.
Xuân Quỳnh cũng
chẳng phải người vừa. Thấy Xuân Diệu công khai nói mình ngay cả trong các buổi
họp mà bản thân mình không dự, Xuân Quỳnh cho là bị xúc phạm, và nghĩ chuyện
trả thù bằng cách viết thư thẳng cho Xuân Diệu.
Lịch sử đã biết tới
nhiều ca “điên” của phụ nữ, câu chuyện tôi kể ở đây, chẳng qua là con sóng vỗ
trong cái cốc nhỏ, nhưng nó không phải là không ghê gớm.
Trong thư gửi Xuân
Diệu, Xuân Quỳnh dùng tới những lời lẽ đáo để nhất, cốt có thể làm cho Xuân
Diệu đau đến chết điếng đi, mà không sao chống cự lại nổi.
Xuân Quỳnh nhắc đến
quá khứ của Xuân Diệu. Xuân Quỳnh đặt câu hỏi về những thay đổi trong mấy chục
năm cuối đời của Xuân Diệu và tự trả lời: Chẳng qua Xuân Diệu muốn xây dựng uy
tín riêng cho mình. Chứ đâu phải phục vụ xã hội phục vụ cách mạng như ông vẫn
rêu rao. Thực ra Xuân Diệu không tài cán gì, thơ Xuân Diệu đã hỏng hẳn rồi, mất
hết sự sinh động và tự nhiên rồi.
Đi đến cùng trên con
đường triệt hạ nhà thơ lớp trước đã nói xấu mình, chê bai làm nhục mình, Xuân
Quỳnh nói tới tình trạng đơn độc của Xuân Diệu và cho rằng chỉ những người thất
đức mới bị trời đày như vậy.
Bức thư như một mũi
tên tẩm thuốc độc, chắc chắn làm cho Xuân Diệu giãy giụa trong đau đớn.
Nhưng còn một việc
nữa làm cho Xuân Diệu chết đi sống lại - tôi đoán thế - do một ác ý, mà nhiều
bạn bè của Xuân Quỳnh, trong đó có người viết bài này, xúi bẩy Xuân Quỳnh làm:
Đó là không chỉ gửi riêng lá thư cho Xuân Diệu, vì làm thế, có thể tạo cơ hội cho
Xuân Diệu tránh đòn tức là giấu biệt thư đi không cho ai biết.
Mà, muốn để Xuân
Diệu thảm bại, Xuân Diệu gục ngã ngay trước mặt mọi người, Xuân Quỳnh sao lá
thư này làm vài ba bản, gửi đi vài ba nơi cần thiết.
Không cần phải nói,
cũng có thể đoán Xuân Diệu đã đau đớn như thế nào!
Câu chuyện xảy ra hè
1985, thì đến cuối năm đó, Xuân Diệu qua đời. Trong khi mọi người cuống quýt lo
lắng cho đám tang, thì Xuân Quỳnh cảm thấy như mình có lỗi, và không biết làm
gì để cứu chuộc.
Khi có ai hỏi, Xuân
Quỳnh chỉ phân bua là mình cũng rất biết ơn Xuân Diệu, mình, không có ý hại
ông.
Mấy kẻ xúc xiểm
chúng tôi, lúc này cũng cảm thấy hối hận vì vừa tham gia vào một trò chơi độc
ác.
Tuy nhiên những khi
thật tỉnh táo nhìn lại câu chuyện Xuân Quỳnh - Xuân Diệu nói trên, chúng tôi
hiểu ra một điều: nhà thơ của chúng tôi có lỗi trước tiên, mà cái lỗi đó, một
phần bắt nguồn không phải ở tuổi già, mà là sự đơn độc của ông.
Chúng tôi hàng ngày
dù không giấu được sự tham lam và phải nhận là nhiều khi tham lam một cách vô
lý, ngớ ngẩn. Song cuộc sống gia đình luôn giúp cho chúng tôi tỉnh táo trở lại,
nó mách bảo chúng tôi về một cuộc sống như nó vốn thế, vậy phải biết nhìn ra
chung quanh, biết dừng lại đúng lúc cũng tức là biết rằng sống phải thông cảm,
phải cận nhân tình, đừng có bao giờ quá đáng.
Đời riêng Xuân Diệu
buồn hơn nhiều. Xuân Diệu không có được một gia đình bình thường. Cho nên trong
quan hệ với mọi người Xuân Diệu đã phạm những sai lầm không thể tha thứ được,
kể cả sai lầm với phụ nữ là những người mà trong thâm tâm ông yêu quý.
------------
(Trích
từ phần viết về Xuân Diệu trong tập Cây bút đời người 2002.
Trong
bản in ở nhà xuất bản Kim Đồng 2021, với sự đồng ý của Vương Trí Nhàn, đoạn này
đã bị lược bỏ. Nhưng trong các bản in khác thì vẫn được giữ đầy đủ.)
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết của
(về) tác giả Xuân Diệu0
- Những thắc mắc về
đồng tính luyến áil
- Yếu tố đồng tính
trong thơ Đỗ Anh Tuyếnl
- Tản mạn chuyện giới
tính của “sao”l
- Tản mạn chuyện nghệ
danh của các “sao” Việtl
- Các bài viết về đồng
tính luyến ái trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Khề Khà Truyện đọc truyện
ngắn
“CÔ” SƯỚNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Vương
Trí Nhàn - nguồn: facebook
Ảnh minh họa sưu tầm
từ nguồn: internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét