CHỒNG NAM VỢ BẮC
Tôi lấy vacation nghỉ ở nhà 3
ngày để dưỡng sức vì bị cảm từ mấy ngày trước. Ba ngày ở nhà tôi tha hồ ngủ
muộn dậy trễ và lên net vui chơi với bạn bè. Có nhóm bạn bè cùng lớp thời trung
học là thân nhất, chúng tôi gặp nhau hàng ngày, ngoài thông tin liên hệ tới
trường cũ bạn xưa nếu có, hầu hết chúng tôi hỏi thăm nhau, kể chuyện mình,
chuyện đời và vui đùa qua lại. Thời buổi thông tin điện tử vừa nhanh vừa tiện
lợi.
Sáng hôm nay chúng tôi có đề
tài “Kiếp sau tôi sẽ thay chồng, đổi vợ không?” nhiều bạn hăng hái trả lời sẽ
lấy chồng khác, vợ khác để …thay đổi không khí, bạn Nguyễn Trung Trực đã xuất
thần làm ngay 2 câu thơ dù cả đời chẳng làm thơ bao giờ:
“Một kiếp đã oải lắm
rồi,
Lấy thêm kiếp nữa đời tôi còn
gì?”
Và một bạn khác cũng đồng
tình:
“Một kiếp đã chán thấy
bà,
Lấy thêm kiếp nữa chắc là tiêu
luôn”
Nhưng vài người quyết chí kiếp
sau sẽ lấy lại người phối ngẫu hiện tại của mình. Tôi cũng thế, sẽ lấy lại
người chồng Nam Kỳ hiền lành đã dám kết duyên cùng tôi cô em Bắc Kỳ chanh chua
đanh đá.
Ngày xưa anh Bông quen tôi
đúng là duyên kỳ ngộ, không tìm nhau mà gặp nhau. Anh hay đến thăm một người
bạn ở cùng xóm tôi, lần nào anh cũng gặp tôi đang ngồi ăn bún riêu xì xụp ở đầu
con hẻm. Nhờ tật ăn hàng thường xuyên ấy mà anh nhớ mặt tôi và tò mò làm quen.
Khi đã quen nhau anh chọc quê tôi:
- Xóm này có nhiều con hẻm
giống nhau, nhưng nhờ có em ngồi ăn bún riêu nên anh biết chắc mình không
lộn.
Tôi đã bẻn lẻn và chọc lại
anh:
- Tại em thích ăn bún riêu cua
với rau kinh giới, nên thành ghiền luôn. Hôm nào em nghỉ ăn bún riêu cho anh đi
lạc sang ngõ hẻm khác cho biết thân..
Quê anh Bông ở Cần Thơ gạo
trắng nước trong, ruộng vườn bát ngát, cây trái xum xuê, anh là công tử miệt
vườn của xứ Tây Đô.
Mẹ tôi không tán thành cho tôi
kết duyên với anh, bà thành kiến với trai miền Nam, chỉ thích ăn nhậu, sinh ra
đánh vợ đánh con và nhất là tiêu xài hoang phí, không biết phòng xa cho tương
lai, lấy nó thì đời con nghèo mạt rệp, hạnh phúc chẳng dài lâu. Thà tôi lấy
người miền Trung, xứ khô cằn sỏi đá nhưng sản xuất ra nhiều nhân tài, chịu
thương chịu khó làm ăn và căn cơ tằn tiện …cao tay hơn cả dân miền Bắc thì bà
yên chí đời tôi ấm no, hay tôi lấy đồng hương miền Bắc thì tốt nhất vì giống
nhau mọi thứ, sẽ thông cảm nhau.
Nhưng mẹ tôi đâu biết rằng tôi
đã “kết” anh Bông rồi, nghe anh tả vườn trái cây nhà anh tôi đã mê tơi, chỉ
mong được về quê anh trèo hái trái cây và ăn cho thỏa thích, những trái mận,
trái soài ngọt lịm ngon lành, mà dù có chua thì chấm muối ớt cũng ngon luôn..
Còn chuyện tính tình thì tùy từng người, chứ đâu phải trai miền Nam nào cũng hư
như mẹ tôi nghĩ.
Tôi đã hứa với mẹ:
- Mẹ yên tâm, anh ấy là dân
Cần Thơ hay bất cứ vùng Nam Kỳ Lục tỉnh nào, hay dân miệt vườn Nam bộ Hốc Môn
Bà Điểm 18 thôn vườn trầu đi chăng nữa mà vào tay con, con sẽ huấn luyện thành
Bắc Kỳ nhà mình ngay.
Cuối cùng mẹ tôi cũng phải
đồng ý, bà lo âu dặn dò:
- Vậy con phải học làm ruộng,
làm vườn mà gánh vác giang sơn nhà chồng.
Tôi yêu vườn ruộng nhà anh,
tôi yêu anh, dù trước đó những đồng hương Cần Thơ của anh đã lừa đảo tôi hai cú
thật đẹp..
Sau năm 1975 có lần mẹ tôi sai
tôi đi Cần Thơ thăm một gia đình họ hàng làm ăn ở đó. Khi về tôi có ghé chợ tại
bến Ninh Kiều để mua trái cây về Sài Gòn làm qùa. Tôi đã chọn lựa kỹ từng qủa
soài, một chục soài 14 qủa, (người miền Nam hào phóng thế đấy, đã gọi là “một
chục” đáng lẽ ra là 10 mà thành 14) Bà bán hàng để vào túi giấy ngay trước mắt
tôi. Vậy mà bà phù phép sao đó về nhà đếm lại chỉ có 12 qủa mà lại có mấy qủa
soài hư. Tôi vừa tức giận vừa…kinh ngạc bái phục bà bán hàng soài sát đất. Hay
là bà đã tốt nghiệp nghề ảo thuật trước khi ra chợ bán hàng ?
Chưa hết, khi ra bến xe đò về
Saì Gòn, thấy phòng bán vé đông nghẹt người, tôi biết sức mình không chen lấn
nổi với người ta, đành tìm mua vé chợ đen, thì có một anh lơ xe túm áo tôi mời
mọc lên xe với gía cả đắt gấp đôi gía chính thức. Tôi đồng ý miễn là khỏi bon
chen và được về sớm, anh hướng dẫn tôi lên xe ngồi xong đòi tôi trả tiền để anh
còn chạy đi kiếm thêm những khách khác cho mau đủ chuyến.
Tôi trả tiền và thong thả ngồi
ngắm thiên hạ đang lu bu ngoài bến xe mà thương cho họ, thà chịu hi sinh tốn
thêm tiền như tôi cho khỏe tấm thân.
Khi hành khách đã đầy và xe
bắt đầu chạy thì một anh lơ xe khác đến thu tiền từng người. Tô mới giật mình
biết mình đã bị lừa, anh lơ xe lúc nãy là tên lưu manh lường gạt nào đó, anh lơ
xe này mới là thật. Thế là tôi lại phải trả tiền xe gía chợ đen thêm một lần
nữa.
Mẹ tôi qúa lo xa, vì vợ chồng
tôi sống ở Sài Gòn, tôi không phải làm ruộng làm vườn, nhưng quản lý một anh
chồng Nam Kỳ theo …truyền thống Bắc Kỳ nhà mình, theo đúng ý mình cũng vất vả
lắm.
Mẹ tôi nói linh qúa, anh Bông
vừa ăn xài rộng rãi vừa thích nhậu nhẹt lu bù.
Mới lấy nhau tôi đã thấy làn
ranh Nam Bắc ngay trong nhà mình, trong cách ăn uống, cách suy nghĩ và trong
từng lời ăn tiếng nói của hai vợ chồng. Bố mẹ tôi người Bắc, di cư vào Nam lại
sống trong khu xóm toàn người Bắc, nên tôi vẫn nguyên vẹn là con gái Bắc cả từ
ăn nói đến cách sống ở đời.
Bài học vỡ lòng tôi dậy anh là
dẫn anh vào bếp chỉ từng món một:
- Anh ơi, đây là cái “ bát” và
cái “thìa”, anh đừng gọi là cái “chén” và cái “muỗng” nữa nhé.
Anh nhanh nhẩu:
- Biết rồi, còn cái “gía” múc
canh kia kêu là cái “môi” chứ gì?
Tôi không hài lòng:
- Đấy, sao anh lại nói tiếng
Nam “kêu là” phải “gọi là” như tiếng Bắc em chứ. Em đã nói rồi, hai vợ chồng
sống chung cả đời với nhau dưới một mái nhà thì phải cùng một thứ ngôn ngữ cho
đồng điệu mà, đơn giản chỉ vì thế thôi, chứ em không ghét bỏ gì tiếng miền Nam
của anh đâu. Nhưng dù sao tiếng miền Bắc cũng …dễ thương hơn, thí dụ chiếc
thuyền còn được đưa vào thơ vào nhạc, “thuyền tình” chứ ai nói “ghe tình” bao
giờ. “Đi về” mà anh nói “Đi dìa” hay “tấm màn cửa” anh nói “tấm màng cửa” là
sai lỗi chính tả đấy.
Anh Bông khiêm nhường chịu
thua:
- Anh đồng ý là anh và em sẽ
xài chung, à quên…sẽ dùng chung tiếng Bắc cho hoà hợp như tình yêu của chúng
mình đã hòa hợp, cho dù em có thiên vị tiếng Bắc của em rõ ràng.
Ngoài việc dậy tiếng Bắc cho
chồng, tôi còn sửa đổi anh bản tính ăn tiêu phong lưu, rộng rãi như đa số những
người miền Nam sinh ra ở nơi chốn vốn được đất trời ưu đãi, ruộng vườn tươi
tốt, nhiều sông rạch, nhiều cá nhiều tôm, huống chi anh lại là con nhà giàu
được cha mẹ cưng chiều từ nhỏ.
Dần dần công tử Tây Đô của tôi
cũng đã dùng quen nhiều từ miền Bắc và ăn được những món Bắc, tôi khỏi phải làm
thực đơn phân loại hai miền Bắc Nam như hồi mới lấy nhau nữa.
Cái màn “cai rượu” cho
anh mới là khó. Ban đầu tôi ra chỉ thị:
- Anh chỉ được phép uống rượu
bia khi xã giao thôi nhé. Em không thích đàn ông có mùi rượu đâu.
Rồi tôi lườm, tôi nguýt mỗi
khi thấy anh uống rượu, nên anh cũng giảm được đôi chút. Để nhắc nhở chồng, tôi
dán một tờ giấy với hàng chữ viết to bằng mực đỏ: “ Uống rượu vợ bớt yêu”,
nhưng anh vẫn chứng nào tật nấy.
Tôi tăng cường thêm một khẩu
hiệu khác mạnh mẽ hơn: “ Uống rượu sẽ mất vợ”
Lần này anh Bông tức tốc hỏi
tôi ngay:
- Em sẽ bỏ anh hả?
- Không bao giờ, em vẫn yêu
anh suốt đời. Anh bỏ em thì có, vì nếu anh không nghe em bỏ rượu thì một ngày
nào đó anh say xỉn không trúng gío ở ngoài quán hay lề đường chết bất tử thì
cũng sơ gan, ung thư gan mà chết sớm, em sẽ ôm trọn gia tài anh để lại và đi
lấy chồng khác ráng chịu.
Thế là anh Bông bớt rượu và bỏ
rượu hẳn. Không biết vì anh sợ mất vợ hay sợ mất gia tài?
Khi gia đình tôi được bảo lãnh
sang định cư ở Mỹ, dòng máu Nam kỳ xả láng của anh Bông lại ngóc dậy, từ chuyện
lớn đến chuyện nhỏ.
Anh đi shopping trong mall mua
quần áo, đồ dùng toàn là đồ hiệu đắt tiền, còn đi làm anh cũng lười không muốn
mang gỉo đồ ăn theo, sáng sớm anh ghé tiệm mua điểm tâm cà phê trước khi vào
hãng, trưa thì anh chạy xe ra ăn ngoài v..v…
Một lần nữa tôi lại phải uốn
nắn, sửa đổi cho anh. Tôi ra kế hoạch:
- Anh ơi, mình phải sống tiết
kiệm để dành tiền mua nhà.
Anh cằn nhằn:
- Mới xong kế hoạch mua xe bây
giờ đến mua nhà…
Tôi kế hoạch tiếp:
- Còn nữa, xong mua nhà tới để
dành tiền cho hai con vào đại học.
Anh thảng thốt đến nỗi quên
phéng tiếng miền Bắc của vợ, mà xổ nguyên một câu miền Nam quen thuộc:
- Trời đất qủy thần thiên địa
ơi, hết kế hoạch này tới kế hoạch kia, em giống cộng sản Việt Nam y chang hà,
lúc nào cũng chỉ tiêu và kế hoạch làm cho dân tình lầm than. Lấy vợ Bắc Kỳ cứ
tưởng mãi mãi là cô em Bắc Kỳ dễ thương, ai dè em lo xa, tằn tiện, bóc lột đời
anh không ngừng nghỉ.
Đợi anh nguôi ngoai cơn “sốc”
tôi “khiếu nại” anh đã dùng tiếng miền Nam, là đi sai đường hướng thuận hòa của
hai vợ chồng, và anh đã phải học thuộc câu thảng thốt bằng tiếng miền Bắc là:
“Ối giời cao đất dầy ôi” thay vì “ Trời đất qủy thần thiên địa ơi”.
Anh hứa lần sau nếu đụng
chuyện anh sẽ xử dụng câu này.
Đấy, anh chồng Nam kỳ
của tôi hiền lành và dễ bảo như thế, kiếp sau tôi không lấy anh thì cũng phí.
Chỉ lo là kiếp sau anh Bông …có chịu lấy tôi nữa hay không mà thôi.
***
Buổi trưa tôi lại vào
email của nhóm bạn học, lần này đọc được hai hung tin một lúc.
Một người bạn bên Việt
Nam mới bị đụng xe chết tốt, và một người bạn ở Mỹ thì bị stroke đang nằm hôn
mê trong bệnh viện.
Chúng tôi nhào nháo hỏi
thăm nhau những tin tức liên quan đến hai người bạn đồng môn bất hạnh này và
bàn xa tán gần đến cuộc sống vô thường ngắn ngủi, chẳng biết sống chết lúc
nào.
Người nọ khuyên người
kia hãy lo hưởng thụ cuộc đời, của cải vật chất chỉ là bọt bèo, hãy thương yêu
vợ, chồng mình thêm nữa. Ai cũng biết thế, nhưng cuộc sống luôn có những điều
để người ta phải lo toan, tính toán.
Hôm nọ tôi mới bị cảm mà
đã thấy mệt mỏi chán đời. Lúc ấy tiền bạc, món ăn ngon, niềm vui thú nào cũng
đều vô nghĩa. Vậy tại sao tôi không hưởng những thứ ấy khi đang khỏe mạnh, yêu
đời.
Tôi nhớ mãi câu chồng
tôi đã thảng thốt kêu lên “ Trời đất qủy thần thiên địa ơi” suốt nhiều năm nay,
bỗng thấy ân hận và thương anh Bông qúa. Hai con đã học đại học xong rồi, tôi
lại đề ra chỉ tiêu chắt chiu để dành tiền mai mốt…cho cháu nội cháu ngoại. Lo
toan như tôi thì kéo dài đến cả kiếp sau cũng chưa hết.
Hôm nay tôi sẽ thay đổi
chính mình, một cuộc thay đổi quy mô và bất ngờ cho chồng tôi ngạc nhiên và
sung sướng.
Ngay chiều nay tôi sẽ
không thèm nấu cơm, chốc anh đi làm về tôi sẽ rủ anh đi nhà hàng, chiêu đãi anh
những món ngon và đắt tiền nhất để đánh dấu một cách sống khác, một bước ngoặt
trên con đường đời của một đôi vợ chồng hạnh phúc.
Anh vừa bước chân vào
cửa tôi đã hớn hở xông ra ôm chầm lấy anh, nũng nịu:
- Welcome anh đã đi làm
“dìa”.
Anh Bông ngạc nhiên chất
vấn và chỉnh tôi:
- Sao em lại nói tiếng
miền Nam sai lỗi chính tả thế? Ừ, anh đã đi làm về.
Tôi dịu dàng hơn bao
giờ:
- Hôm nay em thích tiếng
miền Nam của anh mà. Em biết là tiếng miền nào cũng có cái dễ thương của nó,
ngay cả tiếng miền Trung nặng nề khó nghe, khó hiểu.
- Nhưng sao em lại
welcome anh? Em lịch sự bất ngờ thế? một ngày anh đi làm về như mọi ngày.
Tôi nghiêm chỉnh
nói:
- Em chờ anh về để thông
báo một tin rất vui là bắt đầu từ hôm nay trở đi chúng ta sẽ chi tiêu thoải
mái, không phải hà tiện để dành tiền theo bất cứ kế hoạch nào nữa. Nhân dịp em
vừa nghe tin hai người bạn gặp nạn, em sợ cuộc đời bất trắc, kiếp người còn phù
du nói chi là tiền bạc. Chúng ta hãy vui hưởng cuộc sống ngay khi còn khỏe mạnh
anh ạ, nhà cửa, xe cộ trả hết sạch sẽ rồi, tiền bạc trong 401K và trong bank
của hai vợ chồng mình khá nhiều vì dành dụm suốt nhiều năm nay. Chúng ta sẽ mua
xe đẹp, loại đắt tiền, sẽ sắm quần áo xịn, sẽ đi du lịch đó đây mỗi năm, và
chốc nữa đây vợ chồng mình sẽ đi ăn tiệm anh nhé. Mai sau về gìa chúng mình đều
có tiền retire, lo gì.
Nói xong tôi nhìn anh
với vẻ ban ơn huệ, như một cai tù độ lượng vừa phóng thích cho một tù nhân mang
án tù vô hạn định, tưởng anh sẽ mừng vui và hét lên thỏa thích khi được trở về
bản chất Nam Kỳ của chính mình vì bao nhiêu năm nay anh đã sống theo cách sống
Bắc Kỳ của tôi, theo sự quản lý của tôi. Nhưng tôi kinh ngạc qúa, anh thảng
thốt lên một tràng với những từ miền Bắc rất chuẩn:
- Ối giời cao đất dầy
ôi, em đang tỉnh hay mê? sao em liều và to gan thế? Sao bỗng dưng em rửng mỡ
đòi tiêu xài hoang phí thế? Khi mà trước đây anh tiêu xài hoang phí em đã điên
tiết lên cấm cản anh. Em có biết là nước Mỹ đang nợ ngập đầu ngập cổ không?
ngân sách chính phủ Mỹ càng ngày càng eo hẹp, đang phải cắt xén bớt tiền phúc
lợi của người gìa, người về hưu không? Người ta còn tiên đoán rằng chẳng bao
lâu nữa chính phủ sẽ không có đủ tiền trả cho những người hưu trí nữa đấy. Nên
dù chúng ta không phải lo cho con cái nữa, nhưng vẫn phải sống căn cơ, dành dụm
tiền để sau này về gìa có mà chi tiêu, ở Mỹ điều kiện khoa học, y tế cao chúng
ta sẽ sống lâu, sống thọ lắm. Không ai thương mình bằng chính mình đâu
em.
Thì ra suốt mấy chục năm
sống bên nhau, bây giờ anh đã lo xa, tính toán hơn cả dân Bắc Kỳ thứ thật là
tôi đang đứng trước mặt anh. Mẹ tôi ở dưới suối vàng chắc cũng đang mỉm cười
mãn nguyện?
Tôi còn đang ngẩn ngơ
không ngờ người chồng Nam Kỳ của tôi đã bị tôi Bắc Kỳ hóa nhuần nhuyễn đến thế
thì anh ân cần và rất rành rẽ nói:
- Em ra nấu cơm đi trong
lúc anh tắm rửa thay quần áo. Hôm qua món cà pháo om với bì lợn, với đậu phụ
rắc tía tô anh thích lắm, ăn được mấy bát cơm. Hôm nay em làm món cá rán và món
nộm rau muống trộn với thịt ba chỉ, tôm, khế, rau răm và vừng em nhé. Việc gì
đi ăn nhà hàng cho tốn tiền và làm sao có món Bắc Kỳ ngon như của em cơ
chứ.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Chuyện vụn ngày đầu
năm 2024l
- Đọc Nguyễn Xuân
Dương bình thơl
- Chuyện về thầy xem
tướng Bùi Cao Thếl
- Một chút tâm sự khi
đọc thơ Nguyễn Tuyểnl
- Về phong cách
bình thơ của Châu Thạchl
- “Tưng tửng” 7 chuyện
cùng Nguyễn Đăng Hànhl
- Về “Chân dung 99
nhà văn Việt Nam đương đại”l
- Vài lời về mấy
bài viết gần đây của ông Nguyên Lạcl
- Bạn đọc cảm nhận
bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl
- Các bài viết về
đồng tính luyến ái trên trang Đặng Xuân Xuyếnl
Mời nghe Kim Yến đọc truyện
ngắn
“CÔ” VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng
Xuân Xuyến:
Ngô Thanh Tuấn giới thiệu
Tác giả: Nguyễn Thị Thanh Dương -
nguồn: honviet.com
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét