HÌNH TƯỢNG CON RẮN
TRONG TÂM THỨC DÂN GIAN
Trong mười hai con giáp, rắn là con giáp thứ 6 và có vị trí quan
trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của dân tộc. Là loài động
vật hoang dã tồn tại trong thiên nhiên, nhưng rắn không tách khỏi đời sống con
người. Từ xa xưa, trong sinh hoạt văn hóa dân gian, rắn rất ít khi vắng mặt.
Trước hết, rắn có nhiều loại, dựa vào tên gọi, phổ biến nhất có:
cạp nia, cạp nong, hổ mang, mai gầm, rắn lục, rắn ráo...
Dựa vào màu sắc có rắn lục (màu xanh lá cây), rắn lục hoa cân
(màu xanh điểm xuyết những sọc đỏ); rắn lục đầu bạc (các sọc trắng trên bộ da
đen bóng); Cạp nong đầu đỏ (phần đầu và đuôi đỏ chót, thân đen); rắn lá khô đốm
(phần thân màu đỏ điểm xuyết những đốm đen) rắn lửa, rắn hổ đất (màu đen xám),
rắn sọc dưa (vằn sọc đen trắng pha vào nhau)... Căn cứ vào đặc điểm, tính chất,
người ta lại chia ra: Rắn hổ ngựa (loại rắn phóng, chạy nhanh như ngựa sải),
rắn hổ hành (lúc nào cũng có mùi hành); Rắn hổ đất (thân đen bóng, đen mốc
giống màu đất); rắn chuông (dùng đuôi để phát ra những tiếng kêu để xua đuổi,
cảnh báo kẻ thù)...
Trong tâm thức dân gian người Việt, loài rắn có nhiều đặc điểm
"tương đồng" với tính cách, hành động của con người:
Những người tính cách thẳng thắn thường được ví với: "Thẳng
như rắn bò".
Những kẻ trâng tráo, mắt luôn thao láo liếc ngang, nhìn dọc thì
được xem là: "Thao láo như mắt rắn ráo".
Những kẻ hay kêu la: "Oai oái như rắn bắt nhái",
Người hay gân cổ cãi cọ: "Bạnh cổ như cổ hổ mang",
Có hành động lén lút, sợ sệt: "Len lét như rắn mùng
năm"; Kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật: "vẽ rắn thêm chân".
Nơi nhiều nguy hiểm: "hang hùm miệng rắn". Đối với những kẻ phản bội
gia đình, Tổ quốc: "Cõng rắn cắn gà nhà"...
Trong đồng dao, ca dao, câu đối của người lao động xưa cũng có
nhiều hình ảnh đề cập đến rắn: "Bao giờ cho đến tháng ba, ếch cắn cổ rắn
tha ra ngoài đồng", "Rồng rắn lên cây, có cây núc nác, có nhà hiển
vinh","Cây xương rồng, giồng đất rắn, long vẫn hoàn long, Quả dưa
chuột, truột một gang, thử ăn thì thử!"
Rắn thì độc nhưng thịt rắn là món ăn đặc sản dân gian khoái
khẩu:
Cần chi cá lóc, cá trê
Thịt chuột, thịt rắn
nhậu mê hơn nhiều
Thịt rắn nấu chung với thịt mèo là món ăn “Long hổ đấu” nổi
tiếng, nấu chung với thịt gà là món “Long phụng phối”.
Rắn cũng đi vào chuyện tình trao đổi giữa trai gái trong lễ hội:
Con rắn hổ mây nằm cây
thục địa
Con ngựa nhà trời ăn cỏ
chỉ thiên
Phận em là gái thuyền
quyên
Ai mà đối đặng kết
nguyền phu thê
Bên cạnh đó, rắn còn được dùng để chỉ sự may rủi:
“Hễ đi gặp rắn thì may
Về nhà gặp rắn thì hay
phải đòn”
Từ xa xưa, nhân dân ta đã biết bắt rắn để ngâm rượu theo từng
bộ. Bình rượu tam xà (gồm hổ mang, rắn cạp nong, rắn ráo) hoặc ngũ xà (thêm rắn
hổ trâu và rắn ba chỉ) là thuốc bổ, lại chữa được các bệnh tê thấp, đau các
khớp xuơng. Nọc rắn dùng để chế thuốc tê thấp, viêm khớp, viêm dây thần kinh,
giảm đau và bệnh phong. Hình biểu trưng của ngành dược hiện đại là con rắn.
Xuất phát từ môi trường tự nhiên gắn với điều kiện sông nước,
đầm lầy, đời sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa của người Việt cổ phải phụ
thuộc vào nguồn nước. Trong tâm thức dân gian, hình dạng và đặc điểm di chuyển
của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con
sông - nguồn nước (nếu nhìn con sông từ trên cao xuống thì rất giống với hình
ảnh một con rắn đang bò). Một đặc điểm khác của loài rắn hổ mang (khi nổi giận)
thường phát ra tiếng gió phì phì... (có lẽ đây là những lý do rắn mang ý nghĩa
biểu trưng của bão). Hình ảnh tia chớp (dấu hiệu của mưa) có những nét tương
đồng với lưỡi rắn; màu sắc và các sọc của loài rắn chính là cơ sở để con người
liên hệ rắn với cầu vồng (rắn cầu vồng). Các cơn lốc xoáy với hình thù uốn lượn
đã được nhân cách hóa thành hình tượng rắn. Loài rắn có đặc tính lột da, do vậy
nó còn biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử.
Điểm qua kho tàng tục ngữ, thành ngữ, ca dao của người Việt, còn
có rất nhiều hình ảnh đề cập đến rắn:
Rắn rết bò vào, cóc
nhái bò ra: Chỉ mối quan hệ xử
thế của kẻ độc ác như rắn rết không thể chung sống với nhau được, nhất là cóc,
nhái là đối tượng luôn bị chúng rình mò để ăn thịt. Do vậy qui luật sống trong
xã hội ai cũng tránh người hung ác, hiểm độc như rắn rết.
Rồng mạnh không ép rắn
thổ địa: Người có quyền hành
không chế ngự được kẻ ác ôn ở địa phương.
Vẽ rồng vẽ rắn: Kẻ vô tích sự, chẳng làm nên việc gì mà còn bày vẽ lãng phí;
tốn công sức, tiền của, lại còn phản tác dụng.
Vẽ rắn thêm chân: như "vẽ rồng vẽ rắn", chỉ những việc làm không cần
thiết, thừa thãi phản tác dụng.
Rắn mất đầu: Người lãnh đạo đã mất, thì bộ phận bên dưới không làm được gì
nữa.
Miệng hùm rắn độc: Chỉ nơi hiểm nguy độc địa, ai đến đó sẽ bị phân thây, tan
xương nát thịt không thể sống sót trở về được.
Hùm tha rắn cắn: Không gặp tai ương này thì gặp hoạn nạn khác.
Khẩu Phật tâm xà: Kẻ đạo đức giả, miệng nói thương người, lòng dạ ác hiểm, hãm
hại kẻ khác.
Khẩu xà tâm Phật: Người ngoài miệng bốp chát nóng nảy, nhưng bản chất bao dung,
lòng dạ thẳng ngay, nhân đức.
Xà cung thạch hổ: Những kẻ hay nghi ngờ quàng xiên, thấy cây cung nghĩ là rắn
độc, thấy hòn đá ngờ là cọp dữ.
Đầu rắn mắt chuột: ý nói người gian xảo.
Áp rắn vào ngực: Lầm lẫn, thiếu cảnh giác, đem rắn là loài độc hại áp vào ngực,
có ngày bị nó cắn mạng vong.
Đánh rắn đánh đằng đầu: Sử dụng đòn chí mạng đối với kẻ hung ác để khỏi bị báo thù...
Rõ ràng, đề cập đến con rắn song cũng chính là bàn về con người
vậy. Thế mới biết dân gian ta tinh tế và sâu sắc biết chừng nào. Nhân dịp năm
mới Quý Tỵ, xin được kể ra vài điều thú vị về hình ảnh con rắn để hầu chuyện
bạn đọc gần xa.
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe nhạc phẩm CÂU CHUYỆN ĐẦU NĂM
của Hoài An, qua tiếng hát Như Quỳnh:
Đinh Như Quang giới thiệu
Tác giả: Trần Đức Tuấn
- nguồn: baotintuc.vn
Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn:
internet
Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.
0 comments:
Đăng nhận xét