TÂM SỰ NGÀY XUÂN
(Tác giả Bùi Thanh Hiếu) |
Lúc tôi chưa lập gia đình hay đã
lập gia đình, cứ đến chiều ngày 1 Tết tôi sẽ đưa mẹ tôi đi chúc Tết nhà người
thân quen. Đầu tiên mẹ tôi chọn đi chùa, đi đình gần nhà, rồi sẽ đến đền Hàng
Quạt.
Sở dĩ trong mấy anh em, mẹ tôi
chọn tôi đưa đi. Bởi vì tôi không biết uống rượu, đến nhà ai mời cũng chẳng
uống được. Thứ hai là không bao giờ tôi tỏ vẻ sốt ruột hay bồn chồn như vướng
mắc việc gì. Khi tôi đã đưa mẹ đi như vậy, những cuộc hẹn chắn cạ, tá lá hay gà
chọi gì đó tôi gạt bỏ hết khỏi trong đầu.
Tôi có thể ngồi bên cạnh mẹ và
bà bạn mẹ, nghe hai người nhẩn nha hỏi những chuyện vặn vặt trong cuộc sống hay
nhắc nhở đến kỷ niệm thời xa xưa nào đó. Cái nữa nếu đến nhà ai chúc Tết, lỡ
phải ở lại ăn, tôi có thể nhảy vào bếp phụ việc, dọn mâm, thậm chí lúc ăn xong
mẹ tôi ngồi nói chuyện, tôi rửa bát đĩa hay quét dọn gì nhà người ta nếu nhà họ
neo người.
Đến nhà ai, tôi mở mồm chỉ vâng
dạ, không chen vào chuyện của mẹ. Ngay ngắn ngồi nghe chuyện người lớn. Lúc lái
xe đi cẩn thận nhìn trước sau, dừng đỗ xe cũng rất nhẹ nhàng.
Mẹ tôi hay đến những người bạn
thuở xa xưa, dù họ nghèo đến mấy. Có nhà chật hẹp còn chẳng có cả chỗ ngồi. Tôi
vờ xin phép ra ngoài hút thuốc cho mọi người đỡ nhường nhau ghế. Mẹ tôi rất hài
lòng vì thái độ ấy của tôi.
Có lẽ người dạy tôi không khúm
núm trước người giàu sang quyền thế, không tỏ vẻ khinh rẻ người nghèo hèn chính
là mẹ tôi, ở mỗi lần Tết tôi đưa mẹ đi chúc Tết mọi người.
Đến trưa mùng 2 là mẹ không đi
chúc Tết nữa, vì người thân quen của mẹ đều loanh quanh chỉ trong khu phố cổ.
Tôi chở mẹ về và đi tìm sới bài vui chơi xuân. Ngày Tết chơi được thua ai cũng
vui vẻ, cười đùa chứ không đôi chút nặng nề như mọi ngày. Ngày 3, 4, 5 tôi sẽ
đi dạo khắp sới gà chọi.
Chơi gì thì chơi, đến ngày 10
tháng Giêng đưa mẹ về quê ngoại. Quê ngoại ở làng Phụng Công, Thường Tín, cách
nhà chỉ khoảng 16 km.
Hội làng quê ngoại vào ngày 11
tháng Giêng. Tôi chở mẹ về, phụ mọi người quét dọn nhà thờ, lau chùi đồ đạc,
làm cỗ cúng. Khi cánh đàn ông trong họ ngồi chém gió đủ chuyện trời bể hay tụ
tập hết bên chiếu bạc. Tôi cặm cụi dưới bếp cùng với cánh phụ nữ làm bếp. Đến
khi cỗ bàn tan, việc nặng nhất là rửa đống bát đĩa tôi là người đảm nhận. Cũng
có một hai người đàn ông trong họ phụ việc bếp núc cùng, nhưng do không rành
nấu nướng, bếp núc như tôi, nên họ chỉ làm việc bê vác nặng.
Cuộc đời của một người đàn ông
có nhiều chuyện lớn, nhiều thăng trầm trong cả năm, có thành, có bại. Nhưng
khoảnh khắc của những ngày đầu xuân, gác bỏ tất cả mọi thứ sang bên, với vẻ
trân trọng thành kính, chở mẹ già đi những nơi mẹ muốn là những quãng lặng để
rèn bản thân mình sống chậm lại, ngẫm nghĩ nhiều hơn về cuộc đời, nhớ đến ơn
sinh thành của cha mẹ.
Mẹ già cũng nhiều tâm sự, không
phải ngày nào cũng có thể đến thăm những người bạn già, dịp Tết cũng là dịp để
mẹ già gặp bạn bè hàn huyên. Đừng tỏ vẻ mất kiên nhẫn khi các mẹ già nói những
chuyện vu vơ, đôi khi chỉ là chuyện nồi măng nhà mình năm nay nấu ra sao, bánh
chưng gói mấy cái.
Tôi biết mỗi khi Tết về, mẹ tôi
nhớ tôi rất nhiều. Mẹ muốn tôi đưa mẹ đi chúc Tết những người quen thân. Tôi
cũng muốn về làm việc đó, nhưng an ninh sứ quán chia sẻ với tôi, anh có về cũng
phí tiền vé, chẳng ai cho anh nhập cảnh đâu, dù chúng tôi ở đây có cấp visa cho
anh đi chăng nữa.
Các bạn dư luận viên hả hê khi
Tết đến, họ nói giọng châm chọc, là thằng lưu vong phản động không có đường về
thăm quê hương, mồ mả tổ tiên, thằng mất gốc, thằng không được về thăm mẹ
già..nọ kia.
Các bạn dư luận viên xoáy vào
chữ Hiếu, chữ Nghĩa vẻ đắc thắng. Như việc tôi không về thăm mẹ là sự chiến
thắng vẻ vang của thể chế này.
Có thể chế nào chiến thắng người
ta bằng cách hèn hạ như thế, bằng cách ngăn cản tình cảm mẹ con ?
Một thể chế mà trừng phạt người
ta bằng cách cấm không cho họ thăm mẹ, chỉ vì người ta chỉ trích đường lối,
chính sách hay vạch ra những quan chức tham nhũng, sai phạm, gây tội với dân
với nước chỉ chứng tỏ thể chế ấy hẹp hòi, tiểu nhân. Chiến thắng cách đê hèn
như thế có gì mà huênh hoang kể lể ?
Mẹ tôi năm nay (2024) đã 91
tuổi, nếu được về thăm mẹ mà phải viết đơn xin, viết cam đoan, phải nói những
lời nịnh bợ...có lẽ đó không phải là điều mà mẹ tôi muốn tôi làm. Mẹ tôi vẫn an
ủi tôi rằng gọi về, mẹ con nhìn hình là đủ, anh không cần phải về đâu. Không
phải mẹ tôi không muốn gặp tôi, mà mẹ tôi không muốn con mình vì thương nhớ, mà
phải làm những điều quỵ luỵ người ta.
Những gì tôi nói xấu về thể chế
này, có cái có thể tôi đúng, có cái tôi nói có thể sai.
Nhưng việc cấm tôi về thăm mẹ,
hả hê vì điều đó, chắc chắn là sự đê hèn không thể phủ nhận.
-------
- Các bài viết về
khoa Phong Thủy0
- Các bài viết về
khoa Tướng thuật0
- Các bài viết về
Kiến thức cuộc sống0
- Các bài viết về
Chuyện làng văn0
Mời nghe nhạc phẩm TÔI CHƯA CÓ MÙA XUÂN
của Châu Kỳ, qua tiếng hát Đan Nguyên:
*.
BÙI THANH HIẾU (Người
Buôn Gió)
Quê quán: huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.
Nơi sinh: Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Cư trú tại: thành phố Berlin, Liên bang Đức.
.
.............................................................................................
- Cập nhật nguyên
bản từ facebook Bùi Thanh Hiếu ngày 11.02.2024.
- Ảnh dùng minh họa
cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
-
Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét