LẠC GIỮA TRUYỆN NGẮN 'TRĂM NGÀN' - Tác giả: Nhật Hạ ; Đinh Như Quang giới thiệu

Leave a Comment

 


LẠC GIỮA TRUYỆN NGẮN

“TRĂM NGÀN”

 

Đọc truyện ngắn Trăm Ngàn, chúng ta luôn có một trạng thái bất an. Cứ phải véo vào tay xem mình có còn tĩnh trí nữa không, bởi ta có cảm giác như đang bị lạc trôi – lạc về địa lý, lạc về vùng miền, lạc về thời đại.

Có nhà phê bình nói cương rằng: “Đó là truyện ngắn hậu hiện đại”.
Úi trời, tôi chẳng thấy cái hậu hiện đại ở đâu cả, mà chỉ thấy nhà phê bình kia đang cố tung ra một màn hỏa mù để che lấp sự cẩu thả của tác giả truyện.

 

Lạc về thời đại?

Bà nội của Trăm Ngàn là “bà Hội”. Chỉ thời Pháp thuộc, thời phong kiến người ta mới gọi những người đàn bà có chồng làm ông Hội đồng là “bà Hội”. Nhưng khi ta vừa định quay về thời Pháp thuộc thì đã giật mình nghe bà Hội thét lên: “Gọi cảnh sát vào gông cổ thằng Trăm Ngàn!”

Ta bừng tỉnh nhớ ra: phải về sống ở thời kỳ Việt Nam Cộng hòa mới tìm ra được ngài cảnh sát để đi “gông cổ” ai đó. Còn sau năm 1975, ở vùng quê, chỉ có “công an xã”, “công an khu vực”, “dân phòng”…

 

Lạc về lòng người, nhân thế…

Ta vẫn tin Trăm Ngàn sinh ra ở Nam Bộ, sống suốt đời ở Nam Bộ, nhưng sao con người Nam Bộ trong truyện lại cạn tình đến thế? Một bà nội có thể hiềm khích, tức tối với bên ngoại, nhưng sao nỡ tâm đối xử với đứa cháu ruột như vậy: bắt nó đi chăn trâu, ăn uống kham khổ, để đứa cháu khác cướp tiền của nó, rồi đuổi nó ra khỏi nhà.

Hình như, trong truyền thống Nam Bộ, bà nội có thể ghét con dâu, có thể từ con trai, nhưng cháu – nhất là cháu đích tôn – thì luôn được giữ lại. Thậm chí, con có con với gái ở đâu đấy, không thừa nhận mẹ nó, thì cháu vẫn đưa về nuôi chứ.

Cái ông Bầu trong truyện cũng như sống lạc. “Ông Bầu là dân làm ăn, bao nhiêu tiền đưa cho vợ giữ. Một ngày về, thấy cái nhà trống không, vợ ông bỏ theo một thằng kép hát. Ông thù quá, quyết lập đoàn hát để truy cho bằng được thứ phản bội này.”

Ủa? Vợ theo kép hát thì cứ đi tìm đoàn cải lương mà truy, chứ sao lại lập một đoàn hát mới để truy? Truy gì mà mấy chục năm không tìm ra, trong khi vùng Nam Bộ, số gánh hát có thể đếm được trên đầu ngón tay? Truy kẻ thù mất mấy chục năm không được, đến khi đã già thì ông bừng ngộ: “Ông không theo đuổi hận thù năm xưa chi nữa. Tuồng đau khổ ông cho hạ màn chấm hết.”

 

Lạc về văn chương cải lương, ngôn tình sến súa…

Trong khi tôi tưởng mình đang đọc một truyện “hậu hiện đại” về gánh hát, thì chợt thấy văn phong trôi tuột về miền văn chương cải lương – ngôn tình.

Nào là:

Ngàn dặm nước non mới nhận ra thứ tìm kiếm cả cuộc đời này chính là cuộc sống đơn sơ ngày cũ.”

Nước mắt nó chảy dài. Kiếp này vậy là nó đã mãn nguyện.”

Chiếc xuồng con đã đưa người về lại bến cuối cuộc đời.”

Nó vô định về tương lai, rồi sẽ nay đây mai đó, góc biển chân trời phiêu du như những ngọn gió không nhà.”

Gió trút lá rơi như tiễn đưa kiếp người về đất.”

Mong kiếp sau nó được tròn nguyện và cuộc đời hiển hách…”

Cái giọng kể ấy cứ mượt như băng cassette cải lương quay lại tua cuối. Mà hình như là tua thật rồi…

 

Lạc luôn cả… ngôn ngữ mẹ đẻ

Đọc mấy dòng giới thiệu, ta biết tác giả Ngô Tú Ngân sinh ra ở miền Tây và lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh. Trăm Ngàn – nhân vật chính – cũng sống cả đời ở miền Tây sông nước. Nhưng kỳ lạ thay, cả tác giả lẫn nhân vật lại luôn bị “lạc giọng” như người sinh ra ở Hà Nội, Hải Dương hay Nam Định vậy.

Họ nói quá nhiều những từ ngữ đặc trưng của vùng Bắc bộ: “mùa hạn", “bậc thềm”, “tao ngộ”, “gấp bội lần”, “buồn tẻ”… – đều không phải giọng miền Tây.

Trong khoa học hình sự, người ta có thể truy ra gốc gác của một người qua phương ngữ – nhất là ngôn ngữ tự nhiên. Nếu vậy, đọc xong Trăm Ngàn, muốn tìm tác giả, có khi các thám tử lại đánh đường ra bãi giữa sông Hồng…

 

Và cuối cùng là… lạc mất bạn đọc

Tôi nghĩ, nếu truyện ngắn là một con thuyền nghệ thuật thì người viết phải là người chèo vững. Còn nếu để nhân vật, thời đại, không gian, ngôn ngữ đều bị “lạc” – thì không chỉ thuyền lạc, mà người đọc cũng… lạc luôn.

 

Mời nhấp chuột đọc thêm:

- Các bài viết của (về) tác giả Ngô Tú Ngân0

- Các bài viết của (về) tác giả Đặng Chương Ngạn0

- Các bài viết của (về) tác giả Hà Thanh Vân0

- Các bài viết của (về) tác giả Ngô Văn Giá0

- Các bài viết của (về) tác giả Nguyễn Quang Lập0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Quang Đạo0

- Các bài viết của (về) tác giả Trần Đức Tín (Khét)0

- Bạn đọc cảm nhận về thơ của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận bài thơ “Quê Nghèo” của Đặng Xuân Xuyếnl

- Bạn đọc cảm nhận về một số tác phẩm của Đặng Xuân Xuyếnl

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 1l

- Đặng Xuân Xuyến - Cảm nhận thơ văn 2l

 

Mời nghe Kim Yến đọc truyện ngắn

"CÔ" VƯƠNG CƯỚI VỢ của Đặng Xuân Xuyến:

 Đinh Như Quang giới thiệu

Tác giả: Nhật Hạ - nguồn: nguyenhungvabanbe

Ảnh minh họa sưu tầm từ nguồn: internet

Bài viết là quan điểm riêng của các tác giả.

0 comments:

Đăng nhận xét