ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH - TÔI HỌC KINH DỊCH - Tác giả: Lưu Xuân Thanh (Bình Định)

2 comments
(Tác giả Lưu Xuân Thanh)
ĐỂ BIẾT CHÍNH MÌNH -
TÔI HỌC KINH DỊCH
*
Thưa quý vị!
Tháng 11 năm 1977 sư phụ tôi - Thiền sư Từ Tánh ở Vạn Ninh, Khánh Hòa khai thị cho học trò: “Phật dạy có 84000 pháp môn tu. Mật Tông là pháp môn thượng thừa (đốn), với hoàn cảnh của con, pháp môn này là thích hợp. Con nên nhớ: Đất, Nước, Lửa, Gió, Không và Thức là Lục Đại. Năm thức đầu là Vật, thức cuối cùng thuộc về Tâm, viên thông làm nhân duyên cho nhau mà sinh ra Các Pháp. Lục Đại bao hàm ba phương diện:
-Thể đại: Bản thể chung của vũ trụ
-Tướng đại: Hình tướng của sự vật và chúng sinh
- Dụng đại: Ngôn ngữ, động tác, công dụng của mỗi vật”.
Thiền sư dạy tôi: Cách lập đàn tràng, khế Ân và bảo tôi tập trung vào trì chú Chuẩn Đề. Khi đạt tới một mức độ nhất định của công phu sẽ từng bước trả lời câu hỏi “tôi là ai, từ đâu đến, sẽ đi về đâu…”. Trước khi trì chú Chuẩn Đề phải sám hối bằng cách tụng kinh Thủy Sám một tháng liên tục mỗi ngày ba thời vào sáng, trưa và tối …

Giới luật của Nhà Phật cấm Tu sỹ và Phật tử bói toán.
Thời mạt pháp, nay có khác. Không ít thầy tu bỏ chùa đi cúng để nhận tiền tạ của gia chủ. Khai kinh “kệ” kinh, đi làm thầy bói kiếm tiền. Rất nhiều chùa thờ thần tài, để thùng Phước sương moi tiền của Phật tử. Tôi không dám vơ đũa cả nắm. Nhưng nhiều thầy (không ít “giả tu”) tha hồ sài “tiền chùa”, thu nhập cao mà không phải chịu thuế. Như vạy sao gọi là “ chính pháp”? Hẳn đức Di LặcTôn Phật buồn lắm!. Đắng lòng khi phải nghe các thày tụng kinh “Lương Hoàng Sám hay Thủy Sám Pháp”. Xin Đức Thế Tôn từ bi hỷ xả xá tội cho để rồi tiếp tục vi phạm giới luật…Không ít thầy tu ở các chùa bằng mọi cách kiếm tiền để mua xe hơi. Mê xe hơn chuông mõ!...Chính vì  thế mà tôi ít đến chùa để khỏi “gai nhãn” .
Từ thực tế “phú quý sinh lễ nghĩa” nhu cầu ngày càng nhiều đã sản sinh ra đủ các loại thầy bà “nói láo, hù dọa, nói dựa” không có cơ sở khoa học, để kiếm tiền những người nhẹ dạ cả tin !...
Có lẽ tôi thuộc vào loại nghiệp quả nặng trong vòng luân hồi sinh tử. Nên có “Thích đủ thứ” cũng là việc bình thường.
Tôi học Kinh Dịch và Những ứng dụng của Dịch trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể là: Dịch lý dự đoán học, Tử Vi Đẩu Số, Bát tự Hà lạc, Phong Thủy Huyền Không, Địa lý toàn thư và Tướng Mệnh. Tôi đi sâu về Dịch Lý Dự Đoán. Qúa trình học tôi nhận biết được sự ảo dệu, biện chứng, rất nhân sinh. Con người có thể cải đổi được…Như Phong Thủy là nhà ở khi sống, mồ mả khi chết (tôi đang nghiên cứu về hỏa thiêu thân xác ra sao). Con người hoàn toàn có thể hoán cải theo ý muốn để đón nhận những điều lành (khí trường tức môi trường) cho nhà ở, cửa hàng vv . Tử Vi để biết mình. Tướng Mệnh để biết người ngõ hầu giao lưu kết bạn và dùng người. Nói cho cùng tôi học Kinh Dịch chỉ để biết chính mình. Đây là điều không dễ dàng một sớm một chiều. Phải học suốt đời…
***
Xưa nay người ta có câu nói: “Nhân sinh hữu Mạng” .
Vậy mạng (mệnh) là gì? Là số trời định sẵn? Không phải. Chính là Khí đã hấp thụ được của Trời Đất tại thời điểm và địa điểm lúc con người sinh ra . Bao gồm khí trong (tôt) và khí đục (không tốt) - Khí bẩm sinh gọi là Mệnh. Trong quá trình Khí trường chuyển động có quy luật theo không gian và thời gian gọi là: Vận. Thực chất của Vận Mệnh chẳng phải do thượng đế sắp đặt là sự tương tác của Âm Dương, Ngũ Hành tạo thành trên mỗi vật cụ thể. Trong đó có con người. Như vậy theo Kinh Dịch mối gắn kết: Thiên, Địa, Nhân là thể thống nhất. Từ đó con người hiểu được Thiên ý, rõ Thiên tượng để biết Thiên cơ, sẽ hành động thuận theo tụ nhiên …Vũ trụ vạn vật là do vận động mà sinh ra. Vận động là vĩnh hằng. Vận động sinh ra Sinh Mệnh. Vận động ngừng thì sinh mệnh cũng kết thúc. Chính điều đó khi nghiên cứu Dịch Lý uyên thâm có thể biết khi nào mình trở về cát bụi. Không có gì là không thể. Mệnh tốt hơn Vận tốt… Mỗi người đều ở trong một nhóm Vận Mệnh nhất định vì sự trùng số Bát Tự (hành tinh này biết bao người trùng năm, tháng, ngày, giờ sinh). Tuy nhiên tùy theo Nghiệp quả và nhân Duyên của kiếp nhân sinh mà có dị biệt, kể cả những cặp song sinh (cha, mẹ, vợ con, anh em, bằng hữu, nhà ở … )
Tôi thường tự hỏi mình, cùng năm, tháng, ngày, giờ sinh sao tôi lại bần hàn, thăng trầm. Họ lại quyền cao, chức trọng, tột đỉnh giàu sang. Mặc dù họ Học chẳng ra sao. Tôi tự trả lời: Họ đã Hành giỏi hơn tôi, họ bạo gan và có trí. Trong cuộc sống đã có câu: Có trí làm quan, có gan làm giàu. Ngày nay làm quan và làm giàu đều phải có cả hai mặt đó (tôi không vơ đũa cả nắm. Trí, Gan bây giờ của không ít người là bao hàm cả lưu manh, ma đạo, bất chấp thủ đoạn để đạt mục đích … ). Điều đó làm tôi suy tư sự huyền ảo đầy bí ẩn của bản thân, cần phải hiểu. Trong một lần uống trà cùng ông anh đồng hao là chủ một hiệu sách từ trước 1975. Anh nói tôi: “Biết mình là sáng, biết người là khôn”. Anh gửi tôi hàng ngàn quyển sách quý, truyện cổ văn của Tàu, khảo cứu, nghiên cứu Lịch Sử, Hải Thượng Lãn Ông, truyện võ hiệp Trung Hoa. Nhiều sách khác như: Minh Tâm bảo giám, Tứ Thư, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, Khổng Minh Thần Toán. Chu Dịch của Phan Bội Châu, Đạo Đức Kinh, Cổ Học Tinh Hoa, Lê Qúy Đôn, Mai Hoa Dịch số, Bát tự Hà Lạc, Tử Vi ảo bí, Địa Lý Tả Ao, Địa Lý Toàn Thư của Lưu Bá Ôn, Khám phá Bí mật bàn tay của BS RôNal, Bút tích học của Huỳnh Minh, Kỳ môn Độn Giáp của Nguyễn Mạnh Bảo, Tướng Mệnh khảo luận của Vũ Tài Lục, Bói Bài, chiêm tinh gia Huỳnh Liên, Kim Oanh Ký … Sau này anh cho luôn để tôi nghiên cứu. Anh gởi tôi vì sợ bị Uỷ Ban Quân Quản thành phố đốt sách của “ngụy Sài Gòn” (tháng 6.1975). Sách một nhà, tôi chỉ nhìn chứ chẳng đọc. Tôi đi buôn bán gỗ kiếm tiền … Cho đến một ngày được gặp một vị Thiền sư trong chuyến đi buôn gỗ ở Vạn Ninh, Khánh Hòa. Từ một kẻ vô thần coi tôn giáo là mê tín, mưu sinh bằng kế “phá sơn lâm”. Tôi đã bỏ nghề để học Phật và tu theo pháp môn Thiền Mật Tông Đà la Ni. Sau khi thiền sư viên tịch ở tuổi 91. Tôi bái hòa thượng Thích Tâm Thông chùa Pháp Hoa, sau đó là Đại đức Thích Trí Minh chùa Linh Sơn làm thày, tiếp tục hoc Phật, học Kinh Dịch và học dự đoán theo Mai Hoa dịch số của Thiệu Khang Tiết đúng ngày Phật Đản năm 1978. Mục đích tôi học Dịch chỉ là từng bước giải mã những bí ẩn của đời tôi. Đã nói đến học Dịch là nói tới chữ: Duyên và Thời, tới sự nghiêm túc, chịu khó, cẩn thận, cầu thị, thật sự khiêm tốn, luôn Trí tín (không tin những gì chưa trắc nghiệm nhiều lần cho kết quả đúng). Luốn tự phản biện, tự trả lời, không phản bác. Thường xuyên nhắc nhở mình tâm niệm câu nói của tiền nhân: Cái trống kêu to vì trong ruột nó rỗng. Như thế sẽ gặp những thiện tri thức chỉ dạy thêm cho mình, không ngừng nâng cao trình độ. Chữ Duyên lại đến với tôi vào năm 1979 tại chùa Linh Sơn, tôi đã gặp một Cư sĩ không giống ai, anh ăn chay trường, anh chỉ có chiếc xe đạp cà tàng. Trong túi áo chỉ đủ tiền vá xe, túi xách chỉ có một bộ đồ, một quyến sách nguyên bản chữ Hán “Tăng San Bốc Dịch” của Dã Hạc Lão Nhân anh mua tại Đài Loan. Anh điếc nhẹ, ai nói sao cũng cười. Tôi không nhớ họ, anh tên là Tỏ cử nhân Hán Nôm (đại học Vạn Hạnh), sau vài lần chỉ dẫn cơ bản về lập quẻ dự đoán theo Tăng San. Anh lên một quẻ Dịch thực tế để kiểm chứng đã khiến tôi kinh ngạc về tính chính xác, tài hoa của Thiện tri thức Tỏ, tôi đã hiểu cơ bản những gì anh chỉ dẫn (thời đó tôi chỉ có thể chép tay để làm giáo khoa thư). Tôi coi cư sĩ là một Minh Sư trên lãnh vực ứng dụng Dự Đoán học.
Tôi chuyên tâm vào học Đông Phương học qua giáo khoa thư của anh đồng hao đã cho. Tôi mua thêm: Triết học Phương Đông , Bí ẩn của Phong Thủy, Trạch cát Thần bí, Bí ẩn của Bát Quái, Tử Bình, Trạch Vận Tân án, Thẩm Thị Huyền Không Học của Thẩm Trúc Nhung, Thái Ât Thần Kinh của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoàng Đế Nội Kinh… Học Kinh Dịch qua sách dịch của Ngô Tất tố, Nguyễn Hiến Lê, Thu Giang Nguyễn Bá Cần  (Việt Nam)… Các GS: Hoàng Thọ Kỳ, Trương Thiện Văn, Hồ Kinh Quốc, Thiệu khang Tiết, Thiệu Vỹ Hoa (Trung Hoa )… Mùa thu năm 1996 tôi ra Đà Nẵng để nghe GSTS Nguyễn Hoàng Phương giảng về Trường sinh học và Tâm linh, GS coi Kinh Dịch là một khoa học: Siêu thống nhất có thể soi tỏ những câu hỏi muôn thuở về con người. Trong chuyến đi này tôi đã có những người bạn cùng sở thích về nghiên cứu Đông phương học. Họ đã nghiên cứu Dịch kinh từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước và đều là bậc thày tôi. Người mà tôi kính trọng nhất là sư huynh Thẩm Thái Hoàng rất uyên bác về Phong Thủy Huyền Không.
Mới đó mà đã hơn ba mươi năm. Trong quá trình học và dự đoán theo Kinh Dịch, nghiêm túc mà nói: Độ chính xác rất cao (vì ngoài việc dự đoán theo hiện hình quẻ Dịch còn phải tổng hợp theo vận mệnh, khí trường của từng người, thập ứng … Để phân tích quẻ Dịch). Như vậy không có nghĩa là không có những lần “chính xác chưa cao”. Dẫu sao cũng chỉ là dự đoán, cũng như dự báo thời tiết mưa bão cơ bản là chính xác, nhưng vẫn có những sai số … Tôi luôn tâm niệm cái mình biết chỉ là một chiếc lá, cái mình chưa biết cả rừng cây đại ngàn. Học và Hỏi, Ghi và Nhớ là phương pháp nhiệm màu cho tôi trong quá trình học Dịch, nghiên cứu Đông Phương học.
Tôi xin thưa cùng quý vị: Hiện giờ tôi vẫn đang học và cũng chỉ là loại học trò cần cù chịu khó chứ chẳng thông minh như thiên hạ. Vì thế tôi sẵn lòng giao lưu với các vị Thiện Tri Thức để nâng cao sự hiểu biết hữu hạn của mình. Rất mong được quý vị chỉ giáo. Tôi hoan hỷ đón nhận và xin chân thành cảm ơn.  
 Đôi lúc người ta phải xê dịch “xả” bớt đi. Đó cũng là Dịch lý. Tôi đã tặng học trò giỏi của mình, một phần tủ sách quý…
*.
LƯU XUÂN THANH (cẩn bút giới thiệu)
(Tên thật: Lưu Quang Thái)
Địa chỉ: Phường Nhơn Phú, tp Quy Nhơn, Bình Định.
Email: luuquangthaibd@gmail.com
.
.






…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 12.04.2016.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

2 nhận xét:

  1. Chú Thái ơi chú nhận cháu làm học trò được khô g ạ

    Trả lờiXóa
  2. Chao bác ! Giang son den tham bac va chuc bac luon binh án

    Trả lờiXóa