NGUYỄN HOÀNG ĐỨC KẺ MỘNG DU GIỮA ĐỜI THƯỜNG - Tác giả: Sương Nguyệt Minh (Ninh Bình)

2 comments

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

KẺ MỘNG DU GIỮA ĐỜI THƯỜNG

*

 “Tôi có đọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng chỉ đọc lướt ít bài vì thế không để lại chút ấn tượng nào về văn chương của ông cả. Nhưng thật oái oăm, những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức thì tôi lại nhớ rất lâu, có lẽ vì cách viết của các tác giả, vì chân dung của ông được các tác giả tạc khéo quá, ấn tượng quá. Ví như nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về ông cứ như vừa xoa tai búng mũi Nguyễn Hoàng Đức, vừa bông đùa trêu chọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng nhà văn vẫn rất ngạo nghễ ý thức buông giọng ngôi trên. Đọc "NGUYỄN HOÀNG ĐỨC - KẺ MỘNG DU GIỮA ĐỜI THƯỜNG" tôi cứ tủm tỉm hình dung cảnh Sương Nguyệt Minh thi thoảng thơm trán Nguyễn Hoàng Đức âu yếm nhẹ một cái rồi thuận tay đét hai, ba cái rõ mạnh vào mông Nguyễn Hoàng Đức và chỉ chờ thế là cả Nguyễn Hoàng Đức, cả Sương Nguyệt Minh cùng ngửa cổ cười ngặt nghẽo.

Đọc Sương Nguyệt Minh vẽ Nguyễn Hoàng Đức mà thấy thương, thấy yêu, thấy tội tội Nguyễn Hoàng Đức. Chữ danh làm con người ta đẹp lên, sang lên, thơm lên và chữ danh cũng làm con người ta xấu đi, hèn mọn đi, nhơ bẩn đi. Nhưng với Nguyễn Hoàng Đức thì lại khác, chữ danh khiến ông ngây thơ như một đứa trẻ, đạo mạo như một quý bà...

Trong số những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức tôi đã đọc, có lẽ bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh là hay nhất - Hay không phải vì Sương Nguyệt Minh viết kỹ, viết sâu... về Nguyễn Hoàng Đức mà là khoảng lặng "NGUYỄN HOÀNG ĐỨC - KẺ MỘNG DU GIỮA ĐỜI THƯỜNG" để lại trong lòng bạn đọc là khoảng lặng day dứt về chữ TÌNH.” - (Đặng Xuân Xuyến)

 

Nguyễn Hoàng Đức có hai con người trong ông: Một thông minh, sắc sảo, hùng biện, tranh luận gắt chói đến tận cùng lý tính, với sống đời sống thường nhật rất đỗi thật thà, xuề xòa, hồn nhiên cảm tính. Hai, là kẻ mộng du, ảo tưởng khoác sau lưng nặng trĩu hành trang nguyên lý sang trọng sục sôi phiêu du đến những khoảng không “chân chẳng bén đất cật chẳng bén trời”. Tôi nghĩ: Chính cái chân trời của lý tính luôn ngự trị trong tư duy và cõi mộng tưởng kỳ vĩ của ông cộng với mặc cảm thân phận không được công nhận danh tính đã làm nên cái đặc sắc mang tên Dị nhân Nguyễn Hoàng Đức - kẻ mộng du giữa đời thường.

 

1. “Nhà triết học số 1 châu Á?” 

(Tác giả Sương Nguyệt Minh)

Người ta kể rằng: Nguyễn Hoàng Đức được ở bên Đức cha Nguyễn

Văn Thuận (một trong những người được đề cử bầu Giáo hoàng) 4 năm. Qua 4 năm, ông Đức từ một cán bộ an ninh trở thành con chiên ngoan đạo của Chúa, được Chúa giao trọng trách khai sáng đám văn nghệ sĩ u mê. Ông Đức bỏ việc nhà nước, bỏ hết cả mọi danh hiệu hư vinh… chỉ làm mỗi một việc học tiếng Anh, tiếng Pháp, đọc các trước tác Triết học, Thần học, Văn chương - Nghệ thuật và… viết. Từ dạo ấy, ông không còn là con người bình thường nữa. Ông nhìn mọi người bằng con mắt thương cảm như một bề trên nhìn chúng sinh đang lầm than, u mê cần phải khai sáng bằng Triết học, Thần học. Trong ông có một kho tàng tri thức của nhân loại được tích hợp từ các vĩ nhân: Aristotle, Descartes, Kant, Hegel, Nietzsche… và Kinh Thánh… Ông luôn lấy các vĩ nhân làm chuẩn và bỗng dưng thấy cái đám nhà văn Việt Nam thấp bé, mỏng manh, lọ mọ.

Tôi gặp Nguyễn Hoàng Đức lần đầu trong Trại viết tiểu thuyết Hội Nhà Văn cuối năm 2007 ở Quảng Bá, dù trước đó đã từng đọc nhiều triết luận văn chương của ông ở Tạp chí Sông Hương, Cửa Việt và những bài luận về đàn bà về tình yêu ở báo Phụ nữ và chuyên san “Hạnh phúc gia đình”.

Hôm ấy, tôi bỡ ngỡ, lạ lùng đến mức cảm thấy ông “đột ngột xuất hiện như một niềm kinh ngạc” giữa đời thường. Trong bữa cơm, tôi chứng kiến một trận thư hùng có một không hai về triết học giữa Nguyễn Hoàng Đức và nhà thơ Đỗ Minh Tuấn. Ông Đức xuất kho nhà triết học Aristote thì ông Tuấn dẫn ra Nietzsche. Ông Tuấn lôi Khổng Tử, Mạnh Tử dậy thì ông Đức bác luôn phương Đông không có triết học, còn tư tưởng thì lìu tìu không tính, rồi ông khai quật Descartes, Kant, Hegel…

Không khí tranh luận bỏng gắt hừng hực bốc hơi, Nguyễn Hoàng Đức hiên ngang tuyên bố: Ở Việt Nam không có đối thủ triết học để tranh luận cùng ông; có nghĩa là ông đẩy nhà thơ Đỗ Minh Tuấn xuống hàng sau ông và sau bao nhiêu bậc thì ông không nói rõ. Bữa ấy, tôi chêm vào: “Giáo sư Trần Văn Giàu nói rằng: Bản thân mình và đồng nghiệp chỉ là người nghiên cứu, giảng dạy triết học, ở Việt Nam chỉ duy nhất có Trần Đức Thảo là nhà triết học mà thôi”. Tôi dẫn ra các tác phẩm của Trần Đức Thảo tiên sinh như: “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật bịên chứng” và “Nghiên cứu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức” được phương Tây công nhận đánh giá là kiệt xuất và đưa vào Từ điển triết học thế giới. Nguyễn Hoàng Đức liền lôi phắt chuyên luận triết văn “Ý hướng tính văn chương” dầy 640 trang của mình ra bảo: “Tôi đập nát bét. Tôi đập nát bét”. Sợ quá! Chẳng hiểu ông đập bét tôi hay đập nát nhà triết học Trần Đức Thảo? Nghĩ nhanh mới biết mình dại, và tôi ân hận, lẽ ra cứu bữa cơm rượu ngon chỉ bằng cách dẫn các nhà triết học cổ đại Socrate, Platon…tầm nhân loại thì may ra “Nhà triết học số 1 châu Á” mang tên Nguyễn Hoàng Đức mới đối thoại.

Hôm đó, ông hùng biện phân tích “Ý hướng tính văn chương” bao gồm 6 chương. Ông đi từ bản tính sáng tạo của con người qua chân lý, đến Thượng Đế, rồi hạ xuống con người, đến siêu hình học, và văn chương cứu rỗi con người, đến phương tiện của tư duy và văn chương - chính là chữ nghĩa. Ông bảo vệ đến cùng luận điểm: ở Việt Nam ông không có đối thủ triết học, dù cơm có nguội, canh có lạnh thì mặc kệ canh cơm. Khi căng khi chùng, có lúc lớn tiếng đến mức các mâm bên cạnh tối tăm mặt mũi như gặp bom B52 trút xuống Hà Nội mùa đông đỏ lửa năm 1972. Ai cũng thấy kì lạ, dường như gác đũa, há hốc miệng nghe và rồi ù tai chẳng hiểu ông nói gì, và mình thu nhận được kiến thức gì trong cái mớ triết học mênh mông của ông. Ngay cả khi ấy, tôi cũng nhận ra một nỗi buồn cô quạnh của ông khi ông nói mãi, giải thích mãi mà cái đám chúng sinh người trần mắt thịt chúng tôi không chịu hiểu ra, không nhìn thấy một Hy mã lạp sơn triết học đang ngồi lù lù trước mặt. Từ lúc đó, tôi cũng không gắp thức ăn được nữa, chỉ làm mỗi việc… châm tửu hầu ông mải mê thăng đồng chia cắt, định giá, so sánh văn hóa Đông - Tây và sắp đặt nền triết học thế giới một cách rất lành mạnh, đáng yêu, chân thành và nồng nhiệt.

 

2. Dâng hiến văn chương - nghệ thuật…cái gì cũng nhất

Nguyễn Hoàng Đức coi thường ra mặt và chê ỏng chê eo nền thơ Việt Nam: “Thơ Việt có thể nói có đến 80% là giành cho các cụ già, tổ hưu, hay giám đốc đã làm xong công việc kiếm quyền kiếm tiền, giờ quay sang kiếm tí danh thơ”. Ông bảo: “Thơ Việt là lời hát ru à ơi của những hàm răng móm.” Ông mắng các nhà thơ: “Họ không có lý tưởng tự do, bình đẳng bác ái lại chui ra từ tem phiếu. Hơn 90% là vô thần! Tri thức công nông binh về tráng men văn hóa ở trạm cấp cứu Nguyễn Du, còn lại là các cụ tổ hưu đã hết sắc hương!” Ông không coi thơ Đường là hay, toàn là những bài tả cảnh tả tình, khá hơn thì nói được cái chí của người quân tử, và đặc biệt toàn những bài lẻ tẻ, ngắn tũn; không thể gọi là những binh đoàn chữ mà tác giả là thống tướng cầm cây gậy chỉ huy. Thơ với ông phải là trường ca Illiad, và Odyssey của Homer, hay Thần khúc của Dante dài 100 khổ, gồm 14.226 câu thơ. Và ông đã đạt được những điều đó bằng tinh thần sục sôi, không mệt mỏi của mình. Nói có sách mách có chứng, Nguyễn Hoàng Đức nhễ nhại khuân ra xếp cả đống thơ, và chứng minh quyển nào cũng dạt dào tư tưởng: Kẻ hành hương từ đời đến thơ là trường ca mỹ học dài nhất thế giới. Trường ca Đợi... chuyến đò đã lỡ tất nhiên cũng là một bài thơ tình dài nhất thế giới. Điệu kèn cô đơn là tập thơ mang thông điệp tự do tư tưởng… dài nhất thế giới. Thế giới cũng chưa có Trường ca Thần học nào dài hơn Trường ca Thần học “Ngước lên cao” của ông.

Thơ mới cũng chẳng là cái đinh trong mắt ông: “chỉ là một cảm xúc vừa phải” và ông gạt sang một bên. Còn đại thi hào Nguyễn Du thì ông cho là đạo văn của Thanh Tâm Tài Nhân. “Không có “Đoạn trường tân thanh” thì có Truyện kiều không?” Ông hỏi tôi và ông truy bức tôi phải trả lời ngay: có hay không? và không được kèm theo chữ… nhưng. Vì theo ông câu trả lời rất dễ, cái cần thiết không chỉ trình độ mà còn phải có bản lĩnh to lớn nhất. Theo ông, nhà thơ là phải có nhiều bài, nhiều câu nhiều tập và phải biết viết Trường ca. Không biết viết trường ca coi như chỉ là nhà thơ hạng hai, cũng như nhà văn như Sương Nguyệt Minh chưa in tiểu thuyết thì trong mắt ông cũng chỉ đáng là nhà văn hạng hai hạng ba. Ông bảo: Một câu thơ hay, một bài thơ hay cũng chỉ là túp lều xinh xắn. Trường ca mới là lâu đài đá xanh uy nghi, hùng dũng.

Nguyễn Hoàng Đức chê văn xuôi Việt không có tư tưởng. Ông bảo: “Tắt đèn, Số đỏ, Chí Phèo, đều là những tác phẩm có chuyện gay cấn.” Ông đọc Nguyễn Huy Thiệp gần hết, nhưng Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu thì chưa. “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh thì ông mới đọc mấy chục trang. Còn tôi, ông hạ mình “ban phước lành” đọc cho một truyện ngắn Dị Hương đã là quá may mắn; tất nhiên đó là việc làm bất bình thường đối với ông. Tôi bảo: Ông là “nhà lý luận phê bình hàng đầu thế giới” không đọc tác phẩm mà dám cả gan định giá nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông nói tỉnh bơ, chân thành, không có ý cao ngạo: “Nhìn cánh én là biết cả mùa xuân”.

Nguyễn Hoàng Đức viết một chuyên luận về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, và theo ông: Sau khi in chuyên luận ấy thì Nguyễn Huy Thiệp xệp như con dán, ông coi như làm xong nhiệm vụ vinh quang thay thời gian là lấp đất chôn xong văn chương Nguyễn Huy Thiệp. Ông Thiệp không còn lý do gì tồn tại trong tư duy của “nhà lý luận văn học hàng đầu thế giới” mang tên Nguyễn Hoàng Đức. Theo Nguyễn Hoàng Đức, ông đã giải huyền thoại Nguyễn Huy Thiệp và ông cũng quả quyết: “Sau bài của tôi, bữa tiệc của Nguyễn Huy Thiệp chỉ còn là bữa ăn tươi”. Tôi bảo: “Truyện ngắn ôngThiệp vẫn in đều đều, còn cái tiểu luận của ông đòi xóa sổ hộ khẩu văn chương ông Thiệp, thì chẳng ai nhớ và chẳng ai in”. Nguyễn Hoàng Đức bảo: “Không phải bây giờ mà sau này lịch sử văn học phải ghi công tôi đã xóa sạch văn chương Nguyễn Huy Thiệp, Trần Đăng Khoa và cả nền văn học mậu dịch tem phiếu”.

Nguyễn Hoàng Đức luôn bảo người tranh luận đề xuất một nhà lý luận giỏi nhất Việt Nam để ông thách đấu. Đưa ra người nào ông cũng bác thẳng thừng, coi họ là lọ mọ, lìu tìu. Ông bảo: “Gọi là có máu mặt như Trần Mạnh Hảo và Đông La hùng hổ ở đâu, chứ gặp tôi, tôi lừ mắt một cái là cóm róm ngay. Tung hoành ngang dọc gì cũng chỉ từ vĩ tuyến 17 trở vào, chớ dại có vượt sông bến Hải ra bắc”. Lúc nào ông cũng ngong ngóng mong Trần Mạnh Hảo, Đông La chạm đến ông là ông vác trùy ra xới. Ở lĩnh vực triết học, đến như Trần Đức Thảo còn dưới cơ ông thì không còn ai đáng để ông đối thoại. Trong “Ký ức lộn xộn về nhà Triết học số 1 châu Á”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều viết: “Một lần gặp Trần Mạnh Hảo, nhà phê bình mà theo Nguyễn Hoàng Đức là nhà phê bình “cả vú lấp miệng em” nhất Việt Nam, Nguyễn Hoàng Đức chỉ tay vào mặt Trần Mạnh Hảo, tuyên bố: “Nếu ông bước vào sới triết học thì tôi chỉ đập một nhát là nát bét đầu ngay”. Tôi đem chuyện này hỏi Nguyễn Hoàng Đức, ông gật đầu xác nhận với tinh thần bừng bừng thách đấu.

Nguyễn Hoàng Đức chê Mạc Ngôn không xứng đáng đoạt Giải thưởng Nobel và ông viết hẳn một bài dù chưa hề đọc Mạc Ngôn. Theo ông, Mạc Ngôn được Giải thưởng là do Trung Quốc chạy giải. Cả quốc gia chạy giải thưởng Nobel cho Mạc Ngôn. Vì Trung Quốc chưa hề có triết học, chưa hề có tư tưởng, văn chương thiếu hai điều đó thì văn chương không lớn. Nhìn hạt cát biết sa mạc, mùa xuân văn học Trung Quốc đã đì đẹt như thế thì cánh én Mạc Ngôn cũng không bay qua Vạn lý Trường Thành đến với tư tưởng nhân văn nhân loại.

Trong tư duy của Nguyễn Hoàng Đức, thước đo giá trị văn chương nghệ thuật trước hết là phải dầy dặn, đồ sộ. Sách in là phải có gáy dầy, sách đóng ghim mỏng tang dù hay, ông cũng không thèm để mắt. Hấp dẫn dở hay thế nào tính sau, cứ phải dầy, cứ phải dài, cứ phải đồ sộ đã. Sau đó là tư tưởng, không có tư tưởng chỉ là thứ bèo bọt mua vui ở chốn hề chèo. Gia tài văn học của Nguyễn Hoàng Đức khá đồ sộ, chỉ tính cuốn tiểu thuyết Xứ lưu đầy hơn 2000 trang, tiểu thuyết Ngưỡng cửa làm người 4000 trang chưa in, và sẽ rất khó in; nhưng ông đã nhận phần tiểu thuyết dầy nhất, dài nhất Việt Nam.

Có thể nói: Sang nhất, dầy nhất, dài nhất…, cái gì cũng nhất… cũng là nét đặc sắc mang tên dị nhân Nguyễn Hoàng Đức.

 

3. Cô đơn con người, cô đơn thi sĩ

Nguyễn Hoàng Đức mắc một căn bệnh kỳ lạ, những ngày động trời, từ trường trái đất mạnh lên là máu tươi cứ tứa ra lỗ chân lông. Khi ấy, ông đau đớn vô cùng, cả đêm thức trắng không ngủ. Triết học, thần học, trường ca dài nhất thế giới… rủ đi hết, đêm đêm ông lặng lẽ ngồi vo những nắm bông trắng thấm máu trên cơ thể mình thả vào thùng rác. Chỉ một ngày sau, thùng rác đã đầy có ngọn bông máu đỏ. Khoảng một tuần thì khỏi, để rồi mỗi khi động trời ông lại chịu khổ nạn một chu kỳ mới. Hết ứa máu, da ông bắt đầu đóng vảy… như vảy rồng, sáng ngủ dậy vảy rụng đầy ga trắng những miếng á sừng hình dạng kích thước khác nhau, vun lại được cả nắm. Ông không đi bệnh viện, ở nhà cũng không uống thuốc và chưa bao giờ ông có ý định tìm thầy thuốc hay đến bệnh viện chữa cho mình. Tôi ái ngại bảo:

- “Ông phải đi viện điều trị. Để mãi thế này khổ lắm.”

Ông lắc đầu, quả quyết, không mảy may đắn đo:

- “Cái khổ của tôi không phải là cái khổ bình thường, mà là cái khổ tuẫn nạn! Tôi đang chịu sự hành xác vì Chúa”.

Nguyễn Hoàng Đức đã là con chiên của Chúa hơn hai mươi năm nay. Không tuần nào ông bỏ sót đi lễ nhà thờ. Ở Trại sáng tác văn học Sầm Sơn, cuối chiều thứ 7 nào ông cũng gác bút, đi bộ đến nhà thờ quỳ lạy trước Chúa và nghe cha xứ giảng giáo lý. Lòng tin Chúa vững chắc đến mức ông tin Chúa sáng thế ra thế giới khổ đau này và nói điều gì, ông cũng bảo là “ý Chúa”. Trong tiềm thức kì bí mầu nhiệm, ông tin mình là một con chiên được Chúa yêu thương, chỉ có điều Chúa đang còn thử thách, thử thách cũng chính là hành trình được Chúa đưa ông đến đài vinh quang. Và ông tin, một ngày đẹp trời nào đó, ông sẽ khỏi bệnh, ông sẽ được Giải thưởng văn học Nobel. Chúa lòng lành nhìn thấu mọi sự cõi con chiên, Chúa sẽ không bỏ sót ông. Ngày đó không còn xa nữa, hoặc xa lắm cũng chỉ đến lúc cái thế hệ bạn văn, bạn đọc hôm nay tận vong, thay bằng một thứ bạn đọc, bạn văn khác thì mới hiểu nổi tư tưởng của ông. Vì vậy, ông ngồi viết những trang triết luận, những trang văn thơ trong những ngày máu tứa đầy mình một cách sục sôi, mà an lành.

Nguyễn Hoàng Đức luôn nói ông cô đơn nhất trong mọi nỗi, mọi người cô đơn. Ông bảo tôi: “Ông có cô đơn bên người thân, hay thất tình, hay cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình thì vẫn chỉ là nỗi buồn nhỏ bé, lặt vặt, ông vẫn còn người để mà thấy, mà nhìn, mà nghe tiếng người”. Nguyễn Hoàng Đức cũng cô đơn trong thường nhật. Hơn 20 năm rồi ông sống đơn lẻ một mình. Một mình một tượng Chúa. Một mình một nhà. Một mình một bếp. Một mình một cây đàn piano. Một mình… Cái gì cũng một… để cần mẫn viết những trước tác khổng lồ cho nhân loại. Chỉ riêng bát đũa là không một mình, bởi thỉnh thoảng ông đãi khách ở nhà. Thời bao cấp đói rách hàn vi, tết đến, điện đóm phập phù lúc có lúc không, ông chỉ đủ tiền mua một cây nến thắp đêm giao thừa, ông hiu hắt buồn cũng như ngọn nến liu riu thương ông mà cháy chậm lại chờ trời sáng. Năm sau, đời sống khá hơn, đêm giao thừa, Nguyễn Hoàng Đức thắp 7 ngọn nến cháy sáng nhảy nhót reo vui, ông cảm thấy mình đang ngồi trước bản đại giao hưởng ánh sáng, nhưng vẫn một mình, hào quang của giao hưởng không át nổi nỗi đơn độc trĩu nặng của người đàn ông bất lực trước hôn nhân.

Khác với người thường chúng sinh như tôi, ông còn một nỗi cô đơn rợp ngợp của kiếp người mang tên: Nỗi cô đơn thời đại. Nghĩa thực dễ nhìn thấy là ông vào ra cả ngày đêm, cả tuần, cả năm không có ai ở bên, đến ăn cũng một mình, ngủ cũng một mình, giao thừa cũng một mình. Võ võ. Đơn độc. Không đảng, đoàn, không hội, nhóm, không làm ở cơ quan nào, sống tự do và viết để sống. Nghĩa ảo là cả dân tộc này, cả thế giới này không ai hiểu được nỗi niềm, tình cảm, suy nghĩ, trí tuệ, tầm vóc khổng lồ của ông. Và đặc biệt, không ai hiểu hết giá trị triết học, thần học, văn thơ… của ông. Ông mang tâm trạng của người: “Ta là Một, là Riêng, là Thứ Nhất. Không có chi bè bạn nối cùng ta”.

Ông luôn luôn cảm thấy mình không được công nhận, luôn luôn thiệt thòi, luôn luôn đứng ở hành lang. Ông viết nhiều nhưng được in quá ít, như muối bỏ biển. Ông luôn cảm thấy văn tài bị vùi rập, bị dìm hàng; nhưng ông tin một ngày mai người đời không bỏ rơi ông. Chẳng lẽ ba bộ tiểu thuyết dầy gần 1 vạn trang, với những trường ca dài nhất thế giới phải chờ đến khi ông về với Chúa mới được loại người tối tăm chợt nhận ra và hân hoan đón nhận? Tôi nói với Nguyễn Hoàng Đức rằng: “Ông chót sinh ra bất phùng thời. Chúng tôi tối tăm chưa nhận ra cái hay và vẻ đẹp kỳ vĩ tác phẩm của ông thì chính chúng tôi mới có khuyết điểm, mới thiệt thòi, chứ không phải là ông”. Tuy nhiên, xuất bản tư nhân đang lấn át xuất bản nhà nước (mậu dịch quốc doanh như ông nói) vẫn không mặn mà với tác phẩm Nguyễn Hoàng Đức? Bạn đọc thích đọc các bài tranh luận trên internet của ông hơn là tìm đọc sách chuyên luận triết học, thần học và tác phẩm văn chương của ông. Song ông không lấy đó làm buồn. Số ít mới là số quý. Một nhà văn đọc tác phẩm của ông còn quý giá gấp nhiều lần hàng vạn người đọc ất ơ.

Nguyễn Hoàng Đức đọc “Sông Đông êm đềm” của nhà văn Solokhov. Rồi rút ra chân lý: “Thử so sánh, chúng ta thấy, mỗi người đàn ông xứ họ khi ra khỏi nhà đều nhảy lên lưng ngựa, khi hành động, ứng xử, hay tranh luận người ta đều thể hiện sự trưởng thành, tính mã hiệp của mình”. Ông buồn vì xứ mình người ta ra đường lại nhảy lên lưng trâu, trâu thì không thể so với ngựa về sự trưởng thành và mã hiệp. Vì thế, có người xa lánh ông, đến tranh luận người ta cũng lảng tránh, không tranh luận với ông, hoặc tranh luận thì “ăn gian”, nước đôi lập lờ, đuối lý thì đánh bài chuồn. Ông buồn. Ông đòi hỏi sự rõ ràng, minh bạch trong tranh luận, không ấm ớ hội tề. Ông đòi người đối thọai “Hãy chứng minh đi!” Cũng như ai đó nói cướp lời, ông bảo: “Tôi xin ông 1 phút”. Nói xong, ông bảo: “Giờ, đến lượt ông. Cho hẳn 10 phút.”

Ông luôn thách đố bất kỳ ai đặt câu hỏi khó nhất thế giới để ông trả lời. Nhưng, cho đến hiện nay, vẫn chưa có người đủ tầm tư tưởng và triết học đặt ra câu hỏi thử thách trí tuệ ông. Ông thèm có một sới văn chương cho ông so găng, ông khát một diễn đàn triết học để ông tranh luận. Có đêm mất ngủ, ông muốn dựng nhà triết học Trần Đức Thảo dậy để hỏi: “Từ điển các nhà triết học” đồ sộ dày 2715 trang tiếng Pháp, khổ lớn, giới thiệu thân thế, sự nghiệp các nhà triết học danh tiếng của nhân loại từ thời cổ đại đến nay. Có những tên tuổi lớn chỉ được dành cho dăm ba dòng, tệ hơn nữa là tôi - Nhà triết học số 1 châu Á Nguyễn Hoàng Đức thì không được chữ nào ở đó. Nhưng ông - Trần Đức Thảo lại được giới thiệu tới ba trang. Vì sao?” Ơ hay! Ông hỏi thì phải hỏi Bernard và Dorothee Rousset với Ban biên tập quyển sách vĩ đại ấy, chứ sao lại hỏi nhà Triết học Trần Đức Thảo đang dong chơi ở cõi Niết Bàn từ năm 1993!

Tranh luận với Nguyễn Hoàng Đức rất mệt. Đang ở vấn đề A thì ông lấy ví dụ ở mệnh đề B để chứng minh, đang ở mệnh đề B thì ông lấy dẫn chứng ở hệ quả C để giải thích. Ai không tinh ý sẽ bị ông dẫn dắt vào trận đồ bát quái, không có lối ra. Cuộc tranh luận nào, ông cũng là người nói câu cuối cùng. Hầu hết, người ta bỏ cuộc. Bỏ cuộc vì mệt quá, không lại với ông trường thanh đại sức. Bỏ cuộc vì không lý lẽ đấu lại với Đức. Bỏ vì Đức thừa thời gian chỉ để tranh luận, viết bài về một vấn đề triền miên hết tháng này qua năm khác. Bỏ vì… tức giận. Nhưng, bỏ thì bỏ vẫn cứ không ghét hay coi thường ông. Vắng ông là cuộc nhậu mất vui, lại nhớ, lại cầm điện thoại í ới mời ông ra làm… “món nhậu”. Tôi đã chứng kiến nhiều cuộc bia rượu, món ăn trở thành thứ yếu, “món nhậu Nguyễn Hoàng Đức” mới là quan trọng và hấp dẫn.

Nguyễn Hoàng Đức có cái đàn piano cũ nhất Việt Nam, thảng hoặc ông lật nắp đàn lên ngắm, ông có cảm giác như đang nhìn trộm công chúa tắm. Đây là cảm hứng của các vĩ nhân cô đơn chơi đàn như một tâm sự, giống Khổng Minh trong Tam Quốc diễn nghĩa mỗi lần chơi đàn thì mơ hồ cảm giác như có người nào đang lấp ló nghe trộm. Nguyễn Hoàng Đức yêu cái đàn piano như yêu một người đẹp hoàn mỹ. Không ít lần, bần thần vuốt các phím đen trắng, ông cảm giác được sự minh định phải trái, trắng đen rõ ràng, không mập mờ, giống như con đường chân lý. Ông gõ vào phím trắng là gõ vào tự nhiên, gõ vào đá, gỗ, sắt… Ông gõ vào phím đen bán âm là là gõ vào cái sự nhân tạo, chỉ do con người làm nên, tựa như gõ vào trí tuệ và trái tim để lay động sáng tạo ra văn chương nghệ thuật.

Nguyễn Hoàng Đức chơi đàn thường ngày, ngày nào cũng dành ít nhất là một tiếng đồng hồ ngồi dạo các ngón tay trên phím đàn piano. Cái đàn piano này ông mua từ thủơ hàn vi nghèo khó. Dạo ấy, ông đi phiên dịch cho dầu khí, được ít tiền, thay vì mua được cái nhà cấp 4 diện tích 30m2 thì ông mua đàn. Cũng là cách chia sẻ nỗi lòng khi không còn bầu bạn được cùng ai thì gửi tâm sự vào âm nhạc. Chiếc đàn sẽ là người bạn thủ thỉ tâm tình cùng ông. Ông đạp cái xe đạp tòng tọc chở người nghệ nhân lên giây đàn giỏi nhất miền Bắc đi mua piano. Người chủ đàn trố mắt ngạc nhiên nhìn hai gã gầy gò, hốc hác và chiếc xe đạp bó lốp. Không ngã giá một câu, ông gọi hai bác cửu vạn mang đến cái võng và cây luồng, đằng trước buộc lên gác ba ga xe đạp, đằng sau buộc lên phốc tăng một cái xe đạp nữa. Dùng dằng vài tiếng đồng hồ rồi cũng võng cái đàn piano về đến nhà. Hai bác thợ cửu vạn nhận tiền công, còn được ông chiêu đãi một bản nhạc “Phiên chợ Ba tư” trước khi ra về. Dọc đường bác nọ hỏi bác kia trả lời: “Mày nghe nhạc có thấy thích không?” “Không! Nhức đầu lắm. Cứ như phèng la đám ma. Nể mà ngồi nghe cho hết bài”.

Nguyễn Hoàng Đức là kẻ dấn thân nghệ thuật. Dù nghèo, đi xe đạp ọc ạch bó lốp, nhưng cứ 6 tháng một lần ông mời nghệ nhân giỏi nhất miền Bắc đến tận nhà “lên giây đàn”. Những thanh đồng trong đàn piano được cân chỉnh chính xác, thanh âm chuẩn mới làm ông có cảm xúc ngồi vào đàn. Dạo ấy, ông mới tập đàn, lúc như bật bông, lúc như gõ phèng la. Thời bao cấp, mọi người đói, mặt xanh vêu vao, người ta đổ xô trên đường kiếm ăn, Nguyễn Hoàng Đức cũng kiếm ăn, nhưng bằng cách viết báo ngồi ở nhà. Nhọc mệt, thư giãn là lại mở nắp đàn piano tập. Hàng xóm lúc đầu tò mò, trẻ con sang xem, ông ân cần gần gũi tiếp khách, còn cho bọn trẻ nhấn ngón tay mấy cái, thanh âm phát ra, chúng cười ré lên sung sướng. Sau thì tiếng đàn cũng làm phiền họ. Đi làm suốt ngày, chiều tối muốn được thảnh thơi yên tĩnh thì lại bị tiếng đàn hàng xóm tra tấn. Bán rau dưa, cà muối, cá khô suốt ngày phơi mặt bị khói honda xịt cay mắt… lại bị tiếng đàn của ông hành hạ. Nhiều người lặng lẽ bán nhà chuyển đi nơi khác. Gan dạ thi gan với tiếng đàn của ông nhất là một gã Tổng giám đốc lắm tiền nhiều bạc không chịu chuyển nhà. Gã nghe nhạc qua loa thùng ầm ầm vẫn quen tai, nhưng cứ mỗi lần tiếng đàn piano vang lên bản nhạc “Đồng quê” dù là nhỏ nhẹ dìu dặt, gã vẫn cảm thấy như thanh âm xuyên qua tường, xoáy vào tai gã nhức buốt đến mức không chịu nổi. Gã sai con mở to loa thùng phóng nhạc rốc hiện đại sang phía nhà Nguyễn Hoàng Đức, chống trả lại cuộc xâm lăng của âm nhạc cổ điển. Mặc, ông không hề hay biết vẫn cứ đắm say mê mải với những tiếng nước chảy róc rách, tiếng vó ngựa dồn dập và những thanh âm cuồn cuộn như mây vần vũ, như bão giông cuồn cuộn… trong cô đơn, không chia sẻ cùng ai. Cuối cùng, gã Tổng giám đốc trọc phú cũng phải mua nhà chuyển đi nơi khác. Mới hay, sống chung đã rất khó, cùng hệ mỹ học thưởng thức cái đẹp lại càng khó hơn.

Có một chuyện thật 100%, khi ông chưa mua đàn piano, cô bé nhà bên thường sang chơi thân mật chú cháu đến mức bá vai bá cổ, nhưng khi cứ chiều về, tiếng đàn vang lên trong khoảng không gian căn nhà chật hẹp lọt ra ngoài là cô bé xa lánh, dần dần không bén mảng đến chơi nhà ông nữa. Ông nghĩ rằng: Tiếng đàn đã làm ông sang trọng hẳn lên và cô bé cảm thấy thân phận mình nhỏ nhoi, mặc cảm nên khép mình, lùi xa rồi tránh hẳn. Tôi lại đồ rằng, ông chơi những bản nhạc tình yêu trữ tình lãng mạn nồng nàn như là lời tỏ tình, như là lời mời gọi khao khát khác giới… khiến cô gái mới lớn xao xuyến e lệ lùi xa. Thêm một câu chuyện nữa 100%, gã thanh niên tóc dài lõa xõa bên nhà ông, tục tằn, chuyên nói tục với ông, nhưng từ khi cây đàn piano ngự trong nhà ông thì gã đằm tính lại, nói năng nhã nhặn và hết xả ra những lời thô lỗ.

Bây giờ, ông là tay pianist nghiệp dư cự phách nhất Việt Nam, chứ không phải gã gõ thùng tôn như thời mới tập đàn. Bây giờ, quây quần quanh nhà ông là những người hàng xóm tốt bụng, yêu nhạc, cứ vài ngày ông bị mệt hoặc đi chơi xa, vắng tiếng đàn là họ lại nhớ nhung, gọi vóng sang: “Chơi đàn đi, ông Đức ơi!”

 

4. Nghi lễ tình yêu

Nhà triết học số 1 châu Á mang tên Nguyễn Hoàng Đức yêu không dễ. Năm nay, ông (sinh năm 1957) đã gần sáu mươi tuổi, nhưng các nàng tuổi 40 rất khó lọt qua mắt ông để mở cánh cửa tình yêu nặng như cùm gỗ lim của ông, dù có là hoa hậu quý bà vừa sống đơn thân hay cô gái quá lứa nhỡ thì chưa một lần làm vợ. Vậy thì các bóng hồng tươi xanh tuổi 18 trở xuống mới là cái đích để ông ngắm? Không! “Trẻ ranh” nũng nịu suốt ngày, ông bảo: ở cái tuổi tri thiên mệnh, ông không thể vừa viết những trang triết luận bay bổng về anh hùng mỹ học, vừa dỗ người tình ăn socola; vừa đọc trường ca thần học đầu tiên của nhân loại “Ngước lên cao”, vừa thay tã lót cho con. Mẫu hình lý tưởng tình yêu của ông là những cô sinh viên tươi trẻ, nới rộng thêm là các mỹ nữ đơn thân trên dưới tuổi 30, nhưng giới hạn không vượt quá tuổi 35. Tuổi là vậy, nhưng người tình của ông còn phải hiểu biết thần học, triết học, yêu thích nhạc giao hưởng, biết chơi đàn piano càng tốt và phải hiểu được công việc lao động văn chương nhọc nhằn cô độc của ông, ít ra khi ông đọc bài thơ vừa mới sáng tác thì lắng tai nghe chăm chú như nuốt từng lời, chứ thờ ơ là nàng đã giết chết cảm xúc sáng tạo của chồng, có nghĩa là hai tâm hồn vênh váo không đồng điệu. Yêu đương cái nỗi gì!

Bạn bè khuyên Nguyễn Hoàng Đức đừng dây vào cảnh “cha già con cọc”, yêu nhau là đủ, hoặc kết hôn nghĩa chồng vợ tao khang là đủ, họ khuyên ông đừng đẻ con. Đẻ con, sẽ làm nhà triết học lấn bấn vào chuyện sữa bột tã lót bú mớm thì thơ không cất cánh, và tốn thời gian vào những việc tầm thường, được đứa con xinh xắn mà mất một cuốn thần học để đời, hay cuốn luận mỹ học tầm nhân loại. Ngược lại, Nguyễn Hoàng Đức coi ái tình phải cay nồng, bỏng gắt như phở có hạt tiêu và ớt, phải bê bết ngàu sủi tinh dịch và nước bọt hôn nhau. Tình yêu hôn nhân phải ngổn ngang, bề bộn tã lót, nhôm nhoam cứt đái và tiếng cười tiếng khóc trẻ con mới đã. Ông là triết học đại tài tầm châu Á, ông rất muốn yêu lấy vợ sinh con với ý nghĩa truyền giống tốt, giống tinh hoa, giống thiên tài. Tuy nhiên, cho đến giờ phút này, ông vẫn chưa tìm được người phụ nữ của mình để gieo giống. Hỡi những người phụ nữ xinh đẹp vĩ đại! Sao lại bỏ dở một cơ hội vàng ngàn năm có một? Hãy hành động đi! Hãy đến với ông hoàng của văn học Việt, hãy đến với “nhà triết học số 1 châu Á” đi, kẻo các nàng sẽ rơi vào không gian u uất ân hận và tiếc nuối suốt đời.

Một lần tôi hỏi ông:

“Ông già rồi. Sao cứ chịu cảnh ế ẩm đời trai hiu hắt thế?”

Ông ngẫm nghĩ một lát, và thở dài:

“Tôi đã là ông hoàng của văn học Việt Nam, hoặc giả chỉ là cái bóng của ông hoàng thì cũng có nghĩa là tôi sẽ có cả ngàn cung tần mỹ nữ. Nhưng, tôi không muốn ái tình nhôm nhoam với hết người này đến người khác. Tôi chỉ chưa tìm được hoàng hậu của lòng tôi. Bởi vì Chúa đang thử thách tôi.”

Nguyễn Hoàng Đức là con người dư trí tuệ, thừa tài hoa, nhưng thiếu đào hoa. Ông đẹp trai, mũi cao to và gương mặt đẹp như nhà triết học Hy lạp cổ đại chúng ta thường thấy hiện diện đâu đó ở tranh tượng trong bảo tàng nghệ thuật. Ông cũng thuộc hàng nam tính, trí tuệ tài năng. Cái gì ông cũng hơn đám đàn ông bạn bè. Nhưng, ông không một cánh đào hoa. Các bạn ông đào hoa rộn rã như máy gặt đập liên hợp, tình yêu cuồn cuộn như thác lũ. Còn ông như con cá trên cánh đồng khô cạn hớp hớp từng giọt sương tình yêu nhỏ xuống từ mái gianh nghèo. Nhưng ông vẫn cam chịu, không một mảnh tình vắt vai. Ông tin một niềm tin vững chắc và hi vọng rằng: Chúa đang sỉ nhục ái tình của ông, và khi Chúa sỉ nhục đến tận cùng con đường đào hoa của ông thì Ngài sẽ mở lòng, giải phóng cho ông khỏi cuộc hành xác chịu nạn thiếu hụt ái tình. Lúc đó, người đẹp bất ngờ xuất hiện như cổ tích, cánh cửa ái tình mở toang ra. Ông sẽ rực rỡ trong ánh hào quang hạnh phúc với người tình và hôn nhân chóng vánh, ông sẽ gieo giống vào hoàng hậu của lòng ông. Nhân loại sẽ đón chờ cuộc tình vĩ đại cũng y như đón chờ hạt giống triết học ông gieo xuống thế gian trở thành đứa con bất tử như sự bất tử của ông. Đó là niềm tin thành thật.

Dù vậy, tôi vẫn nghĩ: Người con gái nào chấp nhận yêu, lấy ông làm chồng sẽ là người phụ nữ vĩ đại nhất hành tinh, nàng hi sinh không phải vì hoàng đế văn chương khổng lồ Nguyễn Hoàng Đức mà chính là nàng hy sinh đời nàng cho một kẻ mộng tưởng đi giữa đời thường - một nhân vật văn học tương lai của nhân loại.

Nguyễn Hoàng Đức quan niệm: Từ tình yêu đến hôn nhân là phải có lộ trình, và vì tình yêu thiêng liêng chứ không trần tục như tình dục, nên phải có nghi lễ. Cái nghi lễ của ông là câu chuyện thế này xin hầu bạn đọc:

Bạn bè thấy ông đơn thân, tìm hoài vẫn không đứng đầu đứng số, thương lắm vun quén nhiều nhưng chẳng hiểu sao mười cô gái đến thì chục cô đi. Bác sĩ, kỹ sư, tiến sĩ, giáo viên, nhà thơ, nội trợ… đủ cả, nhưng Nguyễn Hoàng Đức vẫn thân đơn bóng chiếc. Tôi cũng nhiệt tình giới thiệu một cô bạn vong niên 28 tuổi xanh là kế toán một công ty, rất say phim truyện tình yêu truyền hình dài tập của Hàn Quốc, đã bắt đầu vào thời đằm thắm. Tôi bảo ông: “Giới thiệu xong là tôi tìm kế “tẩu vi thượng sách” nhường lại không gian huyền ảo cho hai người tự do tìm hiểu. Lần này con cá to. Chớ để sểnh.” Ông Đức hân hoan, sướng lắm! Ông có mặt ở nhân gian nhìn ánh mặt trời trước nàng 23 năm. Có hề chi, nàng đã nghe danh chàng từ lâu, và lòng rất mến mộ.

Tôi đưa nàng đến nhà ông.

Quá bất ngờ! Chúng tôi choáng ngợp bởi không gian huyền ảo lung linh của hàng chục ngọn nến cháy sáng giữa ban ngày. Tượng Đức Chúa Jêsus Christ đóng đinh trên cây thánh giá, ảnh Mẹ Maria, các loại ảnh và lịch Thiên chúa giáo, các tượng bán thân Nguyễn Hoàng Đức kích cỡ bằng người thực, và sách triết học, thần học trong tủ với báo chí chất ngổn ngang chung quanh. Tất nhiên còn có cả hoa tươi và cây đàn piano cổ kính phủ chiếc khăn màu hổ phách in hoa văn cách điệu có nguồn gốc từ xứ xở Ba Tư tạo nên không gian dị nhân Nguyễn Hoàng Đức.

Họ chào nhau khá thoải mái, cởi mở và xem ra ông cũng rất thích nàng. Tôi hào hứng:

“Xin giới thiệu với em! Anh Nguyễn Hoàng Đức đây là nhà thơ, nhà tiểu thuyết, nhà truyện ngắn, nhà biên kịch, nhà báo, “nhà lý luận phê bình văn nghệ hàng đầu thế giới…”

Gương mặt ông sáng bừng, nhưng dường như tôi chưa làm hết phận sự, ông hân hoan, trân trọng tự giới thiệu tiếp:

“Anh còn là nhà triết học, nhà thần học, nhà mỹ học…”

“Đúng đúng! Em thấy không, Nguyễn Hoàng Đức của chúng ta có duyên nhé, lại rất nam tính, đến anh là đàn ông mà còn mê…”.

Ông Đức cười tủm tỉm rất đáng yêu bảo:

“Em đừng nghe Sương Nguyệt Minh. Hắn “dìm hàng” đấy.”

Đột nhiên ông tăng âm lượng giọng nói và hùng biện:

“Thước đo đàn ông là cái đầu triết học thông thái, em ạ. Chứ ông Minh khen anh nam tính là cổ vũ cho khả năng giỏi chuyện giường chiếu…, tình dục. Anh… không chấp”.

Đôi mắt cô bạn gái hơi bối rối, e thẹn. Tôi đưa mắt như muốn bảo Đức: “Ông dịu dàng, âu yếm một chút cho tôi nhờ. Hôm nay, việc trọng đại là… tình yêu, chứ không phải là triết học, thần học”. Nhưng, Đức không để ý đến cái nhìn của tôi, ông đứng phắt dậy, hùng dũng đi đến tủ sách lôi cuốn “Hiện tượng học tinh thần” của Hegel in bằng tiếng Pháp dầy gần 2000 trang và cuốn “Ý hướng tính văn chương” của ông, dầy như viên gạch vồ đặt ra bàn, nói với cô gái mới quen:

“Em thấy không. Đàn ông là phải trí tuệ, khen anh nam tính có họa bằng chê ngầm anh cơ bắp. Con người thằng đàn ông hơn nhau ở chỗ đẳng cấp trí tuệ, em ạ”.

Tôi nói:

“Ông ơi! Pascal bảo: Con người chỉ là một cây sậy yếu ớt trước tạo hóa vô biên.”

Ông Đức bảo:

“Nhà triết học Pascal cũngnói: Con người là một cây sậy, nhưng là cây sậy biết suy nghĩ. Ông Pascal còn triết luận: Nếu cái mũi của Cleopatra dài thêm một chút thì cục diện thế giới sẽ thay đổi…”

Gay rồi. Tôi đã vô tình thò bàn tay vào suối nguồn triết học của ông. Nguyễn Hoàng Đức giải thích ẩn dụ“cái mũi của Cleopatra”, ông phân tích tính từ “dài”, ông chứng minh “cục diện thế giới sẽ thay đổi”…Chết mất thôi! Hết triết học Pascal sang Hegel đếnNietzsche rồi quay về “Ý hướng tính văn chương”…

Tôi ngồi bên thò tay giật giật vạt áo ý nhắc nhở ông quay về chủ để tiếp bạn gái. Ông gạt tay tôi bảo với cô gái:

“Anh Sương Nguyệt Minh là chúa… “dìm hàng” em ạ.”

Rồi Đức quay phắt lại bảo tôi:

“Bây giờ đến lượt ông nói đi. Cho ông nói về triết học… 30 phút đấy. Không nói được ấy gì. Chết chưa!”

“Ừ. Chết. Tôi đang chết đứ đừ đây. Hôm nay là ngày của ông nói chứ không phải tôi.”

Tôi ghé tai Đức thì thào rằng trọng tâm buổi gặp gỡ hôm nay là cô bạn gái, còn triết văn để hôm khác. Mặt ông thộn ra, cười gượng gạo rất đang yêu. Tôi kiếm cớ chuồn và hẹn sẽ quay lại trong thời gian ngắn nhất.

Đúng là Pascal rất có lý khi nhận ra "Con tim có những lý lẽ mà nhiều khi lý trí không thể hiểu nổi". Khoảng gần một giờ sau, tôi chưa kịp quay trở lại nhà Nguyễn Hoàng Đức thì cô bạn gái điện thoại:

“Anh Minh à. Em về rồi.”

Tôi sửng sốt:

“Chết thật! Sao về sớm thế em? Anh nói trước rồi mà. Cái việc tỏ tình thì Đức tồ lắm”.

“Em hết chịu nổi rồi, anh ơi!”

“Là sao?”

“Ảnh ấy bảo: Hôm nay, em là khách quý đặc biệt, anh phải đón bằng nghi lễ đặc biệt. Em bảo: Anh đã thắp 28 ngọn nến giữa ban ngày làm nghi lễ đón em rồi. Anh ấy bảo: Đó chỉ là nghi lễ giáo đầu. Bây giờ mới là nghi lễ chính thức. Nói rồi, anh ấy bước đến cây đàn piano, bảo: Anh sẽ dâng hiến em bản nhạc Sotana The moonlight của Beethoven…”

Tôi cướp lời người đẹp:

“Có phải trước khi đàn, ông ấy phân tích chương một giai điệu chậm rãi, tha thiết như lời than vãn, đánh thức hồi ức tình cảm dịu dàng êm như ánh trăng tan nhẹ trên mặt hồ mênh mông lặng sóng không?”

“Vâng!”

“Rồi ông ấy nói về chương hai ánh trăng chảy mải miết theo dòng sông dài bất tận, báo hiệu một điều khủng khiếp dữ dội sắp xảy ra không?”

“Vâng! Rồi anh ấy phân tích chương cuối ánh trăng tan vỡ trên mặt sóng giông tố, khơi gợi cảm xúc mãnh liệt, dữ dội như con người đang quay cuồng, vật lộn với bão giông đại hồng thủy, với nỗi buồn đau nhưng không tuyệt vọng…”

“Ôi trơ…ời!” - Tôi hét vào ống nghe.

“Đàn xong bản “Sonata Ánh trăng” thì 12h trưa, anh ấy không dừng lại mà dâng hiến cho em tiếp bản nhạc giao hưởng “Định mệnh”.

“Bản giao hưởng ấy bốn chương đấy. Chơi hết thì… chết đói a?”

“Vâng! Vì thế mà em phải viết mảnh giấy chào rồi kẹp vào quyển triết học “Hiện tượng học tinh thần” của nhà triết học Hegel gì đó, rồi ra về khi anh ấy còn…đang mê mải đàn”.

“Ôi giời ơi là giời!”

Tôi chỉ còn biết kêu lên thảng thốt, đầy bất lực vừa giận vừa thương ông. Quên cả người đẹp đang đói bụng ở bên, qua phím đàn piano, ông thả hồn vào “Sotana Ánh trăng” để tỏ tình, nhưng ông mải miết đắm đuối theo dòng chảy âm thanh từ “Ánh trăng” sang “Định mệnh”. Định mệnh thì yêu đương cái nỗi gì!

 

5. Triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức

Nguyễn Hoàng Đức là một con người vừa đơn giản vừa phức tạp.

Sau cái dạo gặp nhau đầu tiên ở Quảng bá, bẵng đi một tháng, Nguyễn Hòang Đức gọi điện thoại cho tôi mời đến nhà riêng ăn tiệc. Hóa ra, “gần nhà xa ngõ”, mười năm chúng tôi ở gần nhau chưa đầy 200m mà chưa một lần chạm mặt nhau.

Tôi rụt rè gõ cửa.

Rụt rè là bởi tôi đã nghe người ta kể về những về những cuộc đón khách kỳ lạ của ông: cuộc linh thiêng, cuộc lộng lẫy, cuộc thần bí và cả những cuộc cười ra nước mắt. Ông gọi với ra, bảo tôi chờ tí. Thì ra, ông đang ghim cà vạt và nghiêng ngó trước gương. Ông mở cửa. Choán trước mặt tôi là một người đàn ông cao lớn lịch thiệp, đóng comple màu be ra dáng chính khách, nhưng cái đầu là của nhà triết học với vầng trán rộng, mũi to và cao, mái tóc hơi dài chải bồng về phía sau. Tôi ngỡ ngàng, nhìn thân mình tôi cao nghều với quần lửng, đi dép lê, mặc áo thun, tay cầm chai rượu quốc lủi Phát Diệm nút lá chuối.

“Ôi! Trịnh trọng quá. Ông vừa đi đâu về hả?” - Tôi ngơ ngác hỏi.

“Không! Tôi vừa sắp tiệc đãi ông”.

“Vẽ. Có hai người mà…”

“Ừ, nhưng ông là khách quý, lần đầu đến nhà nên tôi đãi yến tiệc triều đình...sang nhất.”

Sang nhất! Ôi. Lần đầu trong đời được làm vua.

Ăn cũng phải sang nhất. Ông coi món ăn Việt là lìu tìu, không có món nào ra hồn, không có quốc hồn quốc túy về ăn uống. Ở Nga có rượu Vốt ca, ở Ba Lan có rượu cỏ, ở Pháp có vang booc đô, ở Nhật có sakê…; ở Việt nam thì… quốc lủi, mà rượu làng Vân, rượu Phát Diệm, rượu Bầu Đá, rượu Sán Lùng… cứ lọan lên chẳng có loại nào đại diện cho quốc gia. Còn ăn uống thì rau luộc, thịt luộc, luộc cả con lợn…, chỉ có luộc với chấm. Chả lẽ lại đem mắm tôm, hay dưa khú làm quốc yến?

Tương tự, đàn bầu ngũ cung cũng không thể thi thố với đàn piano của thiên hạ. Ông rất dị ứng với những gì tranh tre nứa lá như sáo, nhị, hồ. Với ông, tất cả phải kì vĩ, hoành tráng, mênh mông, lộng lẫy và… đặc biệt. Đặc biệt như cây đàn ghi ta phải là loại gỗ thông mọc trên triền đá chịu khô hạn, bị gió bão, mưa tuyết đánh tơi bời…thì làm bầu đàn, cần đàn mới tốt, không bị cong vênh, âm thanh chuẩn bốn mùa xuân hạ thu đông.

Triết lý “Thành La Mã không xây trong một đêm” luôn chỉ đạo tư duy và hành động Nguyễn Hòang Đức. Văn chương thì trước hết phải lấy số lượng làm đầu. Một câu thơ hay, một bài thơ hay… không tính là nhà thơ. Một tập thơ hay mà không có gáy đóng ghim ông cũng cho là mỏng manh yếu ớt lìu tìu. Đã là nhà thơ phải viết trường ca, đã là nhà văn phải có tiểu thuyết, không phải 1 cuốn mà nhiều cuốn, phải lấy thước mét để đo. Văn thơ phải có tư tưởng chứ kể và tả chỉ là mua vui giải trí, mỹ học thấp bé lọ mọ tăm tối như túp lều tranh tre nứa lá… không chấp. Ông hiên ngang đi giữa đường thơ vác cây thập giá triết học, đeo túi cỏ thần học đến lâu đài văn chương kì vĩ bằng đá xanh, bỏ qua mọi ngôi nhà tranh, nhà gỗ chỉ một trận hỏa hoạn là thành tro.

Trong con mắt Nguyễn Hoàng Đức, người Phương Tây nhất là dân du mục đi khỏi nhà là nhảy lên mình ngựa nên tính tình phóng khoáng, mã hiệp. Bây giờ, ông đi ra khỏi nhà, không nhẩy lên mình ngựa mà nhẩy lên…ô tô. Ông Đức mua ô tô và đãi bạn (còn gọi là khao) bằng cách mời tôi ngồi lên để ông chở đi 1 vòng quanh nội thành Hà Nội. Ông cảm thấy tự tin vô cùng, bảo: “Từ nay tôi hết lọ mọ rồi, ông ạ”. Tôi phấn chấn chia vui: “Tôi không nghĩ thế, mà đã tính đến cái chuyện ông lấy được vợ từ cái xe ô tô này”. Triết lý của ông là: từ cái xe đạp lên xe máy, dù là xe dyland hơn 200 triệu đồng thì cũng chỉ là xe hai bánh, chẳng khác gì nhau. Nhưng, xe ô tô, dù là xe cỏ mua rẻ 14 triệu đồng ngang với đồng nát thì vẫn là xe ô tô, nó sang hơn vì nó có… 4 bánh, và bỏ tay lái nó vẫn đứng, chứ xe máy, xe đạp bỏ tay ra là… đổ kềnh.

Nguyễn Hoàng Đức dù là một “triết gia vĩ đại”, một “nhà văn khổng lồ”, một “anh hùng mỹ học” vác thập giá đi chinh phục đám văn nhân lìu tìu chúng tôi thì ông vẫn phải sống như một con người bình thường. Có nghĩa là: ông phải ăn uống, phải mặc, phải đi lại, phải mưu sinh. Hàng tuần, ông viết 1 bài báo cho báo Phụ nữ… đủ sống cho cả tuần, nhưng thiếu tiền đổ xăng, ông lại phải viết 1 bài nữa cho báo khác. Cứ ngừng viết là ông ngừng có tiền tiêu vì ông không có lương. Ông là vĩ nhân, là người theo Thiên Chúa giáo, trước lúc ăn phải làm lễ trịnh trọng. Khi cao sang thật cao sang, khi xuề xòa thật xuề xòa đáng yêu. Ông ăn salat Nga, thịt hun khói, thịt cừu chiên, thịt ngỗng trời quay, uống rượu mạnh Chivas hũ sàng 21 năm…, nhưng ông cũng xài được đồ ăn Việt thứ gì ăn cũng thấy ngon: Lòng lợn mắm tôm. Thịt chó. Chân gà nướng. Đậu phụ luộc…Khi ăn món ăn Tây, ông trịnh trọng kính cẩn làm nghi lễ thưởng thức văn hóa ẩm thực. Khi ăn đồ ăn Việt ông chỉ coi là… nạp năng lượng, đánh no bụng để đủ sức hành trình sáng tạo.

Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn gọi Nguyễn Hoàng Đức là: “Anh hề triết học, chàng Đông-ki-sốt văn chương” có lẽ không sai. Tôi đã đọc đi đọc lại những dòng chữ ông Tuấn viết: “Đức còn khoe khi Nguyễn Huy Thiệp mời Đức đến nhà dự khánh thành bức tượng Phật của Hồng Hưng, Đức được ngồi mâm giữa cùng các bậc cao nhân như Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến và Hồng Hưng. Đức tự hào: “Thiệp là chủ nhà mà cũng không ngồi mâm giữa. Tôi còn trẻ măng, chưa là gì cả mà đã được ngồi ngang ngửa với Hoàng Ngọc Hiến…”. Đó là cái triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức: “Tôi phải là người như thế nào thì mới được… như thế”. Cũng như ông khoe với tôi: “Ông Minh đã được Hữu Thỉnh gọi là thầy chưa?” “Chưa! Tôi chẳng là gì để ông Thỉnh gọi là thầy”. Ông Đức lôi tập thơ Hữu Thỉnh có lời đề tặng: “Trò Hữu Thỉnh thân tặng thầy Nguyễn Hoàng Đức”, rồi ông bảo: “Tôi phải là người như thế nào thì Hữu Thỉnh mới gọi là thầy chứ.” Vâng! Thưa bạn đọc! Chả là có dạo Nguyễn Hoàng Đức một tuần hai buổi đến nhà riêng dạy nhà thơ Hữu Thỉnh học Anh ngữ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có lấy cho ông Đức một vé mời đi dự Ngày thơ quốc tế ở Indonexia. Ông về tặng tôi một cái bấm móng tay và khoe:

“Cả hội trường như chết lặng nghe tôi đọc Trường ca thần học “Ngước lên cao” bằng tiếng Anh, ông ạ”.

“Còn gì nữa?” - Tôi hỏi và mừng cho ông.

“Ở sảnh đường có đặt chiếc đàn piano. Không có nhà thơ nào dám mó vào, ông ạ.”

“Gì nữa?”

“Cả sảnh đường như chết lặng nghe tôi đàn piano, ông ạ”

“Còn gì nữa?”

“Tôi phải là người như thế nào thì mới được như thế chứ.”

Nguyễn Hoàng Đức có một khát vọng cháy bỏng là được đọc thơ ở chốn đông người như Maiacopxki đọc Trường ca Lê nin trên Quảng trường Đỏ nước Nga. Ông vẫn chờ đợi một ngày nào đó, và ông hi vọng đứng trên bục vinh quang ở Quảng trường Ba Đình, hay Sân vận động Mỹ Đình đọc Trường ca mỹ học “Kẻ hành hương từ đời đến thơ”. Chờ đến ngày Nguyễn Hoàng Đức hiên ngang đứng ở quảng trường lâu quá, bạn bè thương,các ông họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bèn tổ chức cho ông thực hiện khát vọng đáng yêu của mình. Rượu vang Chi lê và rượu mạnh Chivas trong không gian mỹ học đặc sắc tại galery họa sỹ Lê Thiết Cương, ông đắm đuối, da diết thăng đồng cùng trường ca Thần học “Ngước lên cao”. Hôm sau, ông hỏi tôi cảm nhận về buổi đọc thơ, tôi bảo: “Mọi người rất vui. Ông Thiều, ông Cương đã dành cho ông một món quà quý giá. Ông phải là người như thế nào thì mới được như thế chứ!” Nguyễn Hoàng Đức cười, nụ cười thỏa mãn chảy dài trên mặt.

Nhà văn Nguyễn Đình Chính đọc xong truyện ngắn “Công lý và trái tim di trú” của Nguyễn Hoàng Đức, ngạo nghễ nói trước mặt cả đám nhà văn ở Trại viết: “Văn chương các ông quanh quẩn chỉ là cái cổng làng, con trâu với bến nước, bụi tre. Còn lâu mới có hòn đảo cô đơn và mặt trời công lý như thằng Nguyễn Hoàng Đức nhé.” Lạ thay! Chẳng có ai tự ái. Chỉ có người thì lặng im, và kẻ cười ruồi.

Nhà thơ Lương Tử Đức nói về ông: “Nguyễn Hoàng Đức đã dấn thân và cô đơn trên con đường lý trí để thực hiện sứ mệnh của bản thân mình cho chân lý sáng tạo văn học nghệ thuật.”

Một lần tôi bảo Nguyễn Hoàng Đức:

“Ông ạ. Ông rất nhiều “nhà”: Nhà triết học, nhà thần học, nhà văn…Ai phong cho ông hay tự ông nhận? Ai gọi ông là “Nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu thế giới?”

“Chính ông! Ông đã phong cho tôi. Còn Nguyễn Quang Thiều viết trên Vietimes khẳng định tôi là “Nhà triết học số 1 châu Á”.

“Tôi phong ông là “Nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu thế giới” hay không thì tôi không còn nhớ. Nhưng, tôi nhớ như in, bài viết “Nguyễn HoàngĐức - Nhà triết học số 1 Châu Á?” có dấu hỏi (?) ở sau cùng tít bài. Như vậy, người ta còn nghi ngờ, đặt dấu hỏi là ông có thực như vinh danh không, chứ đã khẳng định đâu.”

Ông Đức bảo:

“Ngay cái việc manh nha đặt dấu hỏi về tôi thì tôi cũng phải như thế nào, người ta mới đặt dấu hỏi chứ. Ông có biết nhà văn Cao Hạnh - Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt không?”

“Có. Tôi chơi thân với anh ấy.”

“So với các Tổng biên tập các tạp chí Văn nghệ các tỉnh thành, ông Cao Hạnh thế nào?”

“Ôi. Ông lại bắt tôi định giá ư? Ừ thì ông Cao Hạnh cũng là một tay Tổng biên tập cứng cựa”

“Đấy! Ông Cao Hạnh cũng phong tôi là “Nhà lý luận phê bình văn học hàng đầu thế giới” nhé. Tôi phải là người như thế nào thì một ông Tổng biên tập mà ông khen, mới phong “thánh” cho tôi chứ. Cũng như tôi phải là người như thế nào thì cỡ Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Quang Thiều, Lê Thiết Cương, Đỗ Minh Tuấn, Lương Tử Đức, và ông với nhiều người khác khen và viết bài… khen chứ”.

Nguyễn Hoàng Đức nói có lý quá. Dường như, ông là kẻ nhà văn duy nhất ở Việt Nam luôn luôn tự định giá, tự sắp đặt vị trí của mình ở làng văn, vị trí của mình trong xã hội. Kể ra thì cũng là một đức tính tự tin đáng yêu, dám sống và chịu trách nhiệm với những gì mình sống, mình khẳng định, mình phát ngôn.

Nguyễn Hoàng Đức là một kẻ liên tài. Viết xong chuyên luận “Hành trình tâm linh nhân loại”, ông tự phong thánh cho mình là “Nhà Thần học”. Tuy vậy, ông không hề đố kị trong đời thường và văn chương. Ông hết lời ngợi ca Ngô Bảo Châu được Giải thưởng Fields về Toán học. Ông viết: “Với thành công được quốc tế công nhận, GS. Châu hoàn toàn xứng đáng là một bậc thầy của dân tộc. Vì vậy khi muốn tham vấn ông, hơn thế là một chút muốn đối thoại, thấp hơn là chia sẻ hay trao đổi, chúng ta nên tự biết mình là đang kiến diện một bậc thầy. Và buộc phải tôn trọng ông như một bậc thầy. Ông là một đẳng cấp cao, không thể như cành lá bên đường ta cứ muốn hái là với. Có một phương ngôn rằng “Văn hóa cao nhất là biết chấp nhận người khác”. Đúng vậy, chấp nhận người khác là biết vượt qua đố kỵ, đặc biệt là đố kỵ hiền tài. Vì thế khi ta biết đặt người khác và chính bản thân mình vào đúng chỗ đó là một khả năng văn hóa.”

Thêm một triết lý mang tên Nguyễn Hoàng Đức, ai là thầy ông đồng nghĩa với là thầy của cả dân tộc. Ông đang coi giáo sư Ngô Bảo Châu là thầy, dù giáo sư chưa một lần dạy ông nửa chữ. Nguyễn Hoàng Đức cũng có những khuyết điểm, sai lầm bởi những điều cả tin, tự tin, huyễn tưởng; nhưng tôi tin rằng: ngay cả những sai lầm của ông cũng là sai lầm tự tin chân thành.

Có phải Nguyễn Hoàng Đức là nhà triết học số một Châu Á? Có phải ông là nhà thần học, nhà mỹ học, nhà tiểu thuyết, nhà truyện ngắn, nhà thơ, nhà viết kịch tầm cỡ nhân loại? Có phải đặc biệt ông là “Nhà Lý luận Phê bình hàng đầu thế giới” không có đối thủ tranh luận? Người ta tự vấn như thế và mỗi người đi tìm lời đáp cho riêng mình; cũng có lúc người này hỏi và người khác trả lời, đôi khi có kẻ cười khẩy và lảng tránh.

Mặc, Nguyễn Hoàng Đức vẫn đang vác cái thánh giá nguyên lý đi chinh phục nhân gian và mong chờ đến ngày Chúa lòng lành không bỏ rơi ông. Ông có niềm tin của ông, một niềm tin thánh thiện, ngây thơ chân thành tiếp thêm cho ông sức mạnh sục sôi viết trong những tuần máu ứa đầy mình mẩy, nhưng chính cái niềm tin kỳ vĩ ấy cũng dắt ông vào cõi mộng du, và đôi khi mù màu bởi những đám mây ngũ sắc che mất đôi mắt vừa mang cái nhìn soi chiếu của vĩ nhân vừa mang ánh sáng của người trần mắt thịt. Nguyễn Hoàng Đức sẽ cứ mãi mãi cô đơn và sáng tạo trong cõi mộng du của mình, và người đời vẫn cứ vừa thương, vừa giận, vừa cười ông, để rồi một ngày không buồn không vui, đột ngột nhận ra: Ôi! Vắng dị nhân Nguyễn Hoàng Đức thì văn chương và cuộc sống… mới nhạt nhẽo làm sao!

 

Vĩ thanh:

Tôi viết bài này xong, in ra giấy đưa tận tay Nguyễn Hoàng Đức. Ông đọc chăm chú và cầm bút sửa cả lỗi morat. Tôi im lặng trong tâm trạng chờ đón cơn nóng nẩy tức giận, trách móc hoặc lạnh lùng quẳng vào sọt rác, nhưng ông mừng ra mặt bảo:

“Chết chưa! Từ trước đến nay, chưa bao giờ ông chịu công nhận tôi. Bài này coi như lá cờ trắng báo hiệu sự thất trận, ông là người cuối cùng đầu hàng tôi và đầu hàng trong oanh liệt. Chân lý bao giờ cũng chiến thắng nhá”.

Tôi dở cười dở mếu, chỉ còn biết nói:

“Ừ, chân lý bao giờ cũng chiến thắng”.

-------------

MỜI NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:

- Chuyện về thầy xem tướng Bùi Cao Thếl

- “Tưng tửng” 7 chuyện cùng Nguyễn Đăng Hànhl

- Nguyễn Hoàng Đức kẻ mộng du giữa đời thườngl

- Anh hề triết học - Chàng Đông Ky Sốt văn chươngl

- Khi Hữu Ước lên đồng nghệ thuậtl

*

SƯƠNG NGUYỆT MINH

Địa chỉ: số nhà 77, ngõ 475, đường Nguyễn Trãi,

phường Thanh Xuân Nam,

quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.

Email: suongnguyetminh@gmail.com

 

.

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 16.09.2016

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

.  

2 nhận xét:

  1. Nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về ông Nguyễn Hoàng Đức này sâu cay nhưng là kiểu sâu cay của bà hàng cá còn đạo diễn Đỗ Minh Tuấn viết cũng sâu cay nhưng là sâu cay của đấng trượng phu, đọc thích hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Hãy nhớ rằng Nhà thơ Walter Whitman nước Mỹ: Sinh thời khi ông in tập "Lá cỏ" đã tặng biếu rất nhiều văn sĩ nước Mỹ... Thì hầu hết những văn sĩ thời đó đã coi thường ông - Có nhà thơ nước Mỹ đang nổi danh thời đó, còn cẩn thận xé đôi tập thơ ông đã biếu rồi mới gửi theo đường bưu điện trả lại?? Nhưng rồi Walter Whitman vẫn trở thành Đại thi hào... và bọn văn sĩ kia vẫn chỉ là những tên vô danh tiểu tốt - Văn Đàn Việt ngay nay nhất là trên thi ca... vớ vẩn và tầm bậy nhất hạng - Ông nhà văn Sương Nguyệt Minh ạ ! Ông cũng nên cẩn thận cái chân dung nhà văn của ông đó! Vui nhưng phải giữ nhân cách nhà văn, đừng đi nói xấu người quá!
    Tôi chỉ là người đàn bà nhưng tôi thấy các ông các bà: Nhận thức đã làng nhàng, vớ vẩn... lại hay nói quàng bậy. Toàn loại văn thơ làm nhàm, a dua nói phét. Nào có tác phẩm nào giá trị đâu chứ? Có tác phẩm nào có khả năng tồn tại được trong nền văn học không? Các nhà thơ nói bậy ở đây? Hay cả nhà văn Sương Nguyệt Minh nữa... Tác phẩm nào của ông đủ khả năng có thể để lại cho văn hiến Thăng Long này? Nói láo, nói xấu người là giỏi. Tôi đây này! Có gì thì các ông các bà cứ chửi tôi cho thỏa chí đi? Tôi nghe.
    Cái facebook của nhà văn Sương Nguyệt Minh mang tiếng là nhà văn nhà thơ mà comment về thơ văn hầu hết toàn bọn a dua nói láo? Các ông bà chứng minh cho tôi xem: CÁI HNVVN đương đại này - Ngoài thơ trẻ con (gọi là thơ thần đồng) của Trần Đăng Khoa - Thì có vị nào kể từ Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương... trở xuống - Có gương mặt nào khi chết đi còn lưu lại được cho đời 1 tập thơ nào? Hay chết đi... là đem theo thơ xuống mồ luôn? May mắn thì vài gương mặt khi chết để lại được cho đời đôi ba bài loại hay vừa vừa: Thí dụ: Hoàng Nhuận Cầm: "Chờ mãi cuối cùng em cũng đến" - Vũ Quần Phương vẫn chỉ là một tí "ĐỢI"... một chút lục bát của Nguyễn Duy - Vượng Trọng ngay cả bài được coi là có tiếng tăm nhất: Bên mộ cụ Nguyễn Du... cũng chỉ là bài thơ loại nhàng nhàng... V.v... Làm gì có ông bà nào lưu lại được được cho hậu thế một tập thơ như thời tiền chiến? chứ đừng nói đến cả tuyển! Tôi thấy các ông bà khi nóí về nhà thơ Phạm Ngọc Thái toàn nói láo... của những kẻ vô văn chương, thậm chí là vô học...

    Trả lờiXóa