TIẾNG VỌNG TỪ “SIÊU THOÁT TRONG RỪNG TÙNG” - Tác giả: Nguyễn Thiết (Hà Nội)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: Internet)
TIẾNG VỌNG TỪ
“SIÊU THOÁT TRONG RỪNG TÙNG”
*
Phần lớn những bài thơ trong tập “Siêu Thoát Trong Rừng Tùng” của nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn 2016) mang âm hưởng của ngôn ngữ và tinh thần phật học. Vậy có phải Thiền là chủ thể sáng tạo của Nguyễn Thanh Lâm.
(Tác giả Nguyễn Thiết)
Có đấy, mà là vẻ đẹp của cái không, cái khác. Nguyễn Thanh Lâm chỉ nương vào tinh thần của Thiền - năng lượng của Thiền chắp vào đôi cánh của thơ. Vén màn sương khói là sự sống của chúng sinh hiện ra với tất cả dáng vẻ, cung bậc vừa thành thiện vừa tục trần.
Thiền học sinh ra từ con người, vì hạnh phúc con người mà thơ và đạo phật sinh ra. Con người và sự sống trên hành tinh này là chủ thể của sáng tạo. Nhà thơ - công dân Việt Nam - công dân trái đất yêu cuộc đời, sự sống, khát khao điều tốt lành và bình yên cho cộng đồng, nhà thơ không khỏi những trăn trở, suy tư, day dứt trước những mặt trái của thiên nhiên, và con người mang đến những hiểm họa cho con người. Nhưng với đôi mắt thấu thị của thiền, ông nhìn: “Thế giới già nua tiếp nối trẻ trung/ Sự sống và cái chết/ Còn tất cả chỉ là bóng mây trôi/ Hạnh phúc ở tâm không thể mượn ở bên ngoài” và “Nhìn thẳng vào lòng mình mênh mông thế giới” (Nhìn ra thế giới - trang 76).
Với đôi mắt của thơ, Nguyễn Thanh Lâm rung động với vẻ hùng vỹ của Vạn Lý trường thành và thấu rõ: “Những trang sử Trung Hoa thấm trong thời gian như rượu/ Rượu ngâm số phận kiếp người”, ông nghe “Tiếng kêu oan từ Vạn Lý trường thành”, “Tiếng máu và gươm sục sôi tranh bá tranh hùng”. Và ông cười to, cười thẳng vào bản chất sự việc: “Bình rượu mới chất men vẫn cũ/ Vị lưỡi bò điếu ngư khiến nhân loại chau mày” (Men rượu cũ và đám mây chết đứng).
Tâm trạng nhà thơ như luôn bất ổn trước cái vĩ đại và cái mong manh của con người, con người luôn phải đối mặt với chiến tranh, khủng bố trên hành tinh này. Những rủi ro ngày càng gia tăng trước nhịp điệu sống hối hả đến chóng mặt, sống và chứng kiến những hậu họa mà con người phải gánh chịu nhà thơ muốn tìm một lối thoát: “Mời gọi khoa học và tôn giáo bắt tay nhau/ Tìm phương thuốc an lành cho con người/ Quên tham lam thù hận” (Tin buồn - Trang 92).
Chiến tranh là tàn bạo nhất mà loài người phải gánh chịu, bến mê và bờ giác rất gần mà lại rất xa, thật trớ trêu thay: “Đức phật hoàng dìu dắt chúng sinh diệt giặc/ Ngài biết giặc kia là chúng sinh của phật/ Nỗi buồn của ngài khôn nguôi cùng thời gian/ Đến bao giờ loài người hết chiến tranh”. (Ngôi chùa đang thở - trang 9).
Nguyễn Thanh Lâm mượn lời của phật nói với con người: “Con người sinh ra không ai không mắc lỗi/ Hãy tỉnh thức và sám hối/ Buông súng gươm thành phật/ Quay đầu lại là bờ”.
Phật dạy thế, nhưng nhà thơ Nguyễn Thanh Lâm vẫn băn khoăn, buông bỏ súng gươm có thành phật thật không? Và ông tự nói với lòng mình “Vào cõi phật tu thì dễ/ Tu trong cõi người khó biết bao” (Tản mạn sự đời - trang 123).
Day dứt và thao thức với đời nhà thơ tự nói tự khuyên bảo lòng mình “Sống chậm”, “Trở về nhà mình bỏ mũ áo và mặt nạ/ Nghe sự sống bên trong gieo nhạc lửa không lời”, nhà thơ “Thiền trong động/ Rũ bỏ cái tôi trở về tự do nguồn cội lòng mình” và nghe “Nắng cười nụ cười ngụ ngôn dịu dàng/ Đúng, sai cùng cười khúc khích” (Nắng cười - trang 37). Nhà thơ tự “Siêu Thoát Trong Rừng Tùng- siêu thoát trong cái đạo của người quân tử. “Phóng chiếu hồn mình” vào “Cửa phật cõi không/ Giả tưởng ước mơ có mà không có/ Nhưng tôi tin trái tim tôi đã đặt ở nơi này”.
Chất thiền của thơ, của hồn ông không vô vi mà vô vi, ông nhập cuộc cùng thời đại - trong không gian mạng internet “Kết nối những trái tim cô đơn/ Kết nối những chân trời hy vọng.../ Kết nối những cái tôi vô ngã”.
60 bài thơ trong “Siêu Thoát Trong Rừng Tùng” được viết trong rung cảm thực, tư duy sâu, biên độ thơ mở ra không gian rộng lớn, tạo sức nặng mà không mất đi cái lấp lánh, cái ảo của câu thơ, bài thơ, cái ngôn ngữ vượt ra ngoài ngôn ngữ.
Thơ viết nghiêng về tiết tấu, phù hợp với tâm trạng trung thực, lúc bình tĩnh, khi buồn, khi bất bình, nổi loạn và cả những câu thơ tứa máu nhưng rất thiền, rất đời. Hiện thực cuộc sống với con người là chủ đạo, hiện diện trong muôn dáng vẻ, nhiều cung bậc, màu sắc, nhẵn nhụi và thô nhám. Để làm ảo hơn nhà thơ đã sử dụng không ít những ngôn ngữ và một số nội dung tinh thần phật học. Đây là tư duy nghề - một lao động nghệ thuật. Một thủ pháp, thủ pháp được kéo dài gần như trong suốt tập thơ. Vì vậy thủ pháp này đã thành thi pháp của tập thơ.
Siêu Thoát Trong Rừng Tùng - một thông điệp gửi tới bạn đọc hãy sống tốt hơn, sống một cách trách nhiệm với chính mình, với người thân và cộng đồng.
Con người cũng như thi ca hãy vươn tới tuyên ngôn của nhân loại mà ở đó: “Giá trị chân thiện mỹ là tối thượng”, đó cũng là trách nhiệm công dân nhà thơ.
60 bài thơ trong Siêu Thoát Trong Rừng Tùng, tự nó đã tạo nên ấn tượng, chiều sâu, sức nặng, âm vọng trong lòng bạn đọc và góp thêm tiếng vọng vào lĩnh vực thi ca của ta hiện nay.
*
NGUYỄN THIẾT
Địa chỉ: 10 Nguyễn Khắc Nhu, phường Trúc Bạch
quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 097.607.64.17
…………………………………………………………………………
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật từ email thanhlam.tho@gmail.com ngày 29.11.2016 
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

0 comments:

Đăng nhận xét