QUAN NIỆM NGƯỜI XƯA
VỀ
ĐỨC HẠNH CỦA NGƯỜI VỢ
Người phụ nữ xưa không chỉ gánh vác công việc gia
đình, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng
công danh sự nghiệp, dạy con mà còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự.
Một người vợ giúp gia đình hưng thịnh, vượng phu phải
hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình. Ngày nay đạo lý ấy vẫn
còn giá trị, nên người ta hay có câu nói: “Giàu vì bạn, sáng vì vợ” là
có hàm ý như vậy.
Hãy xem người xưa trau dồi phẩm hạnh về đạo làm con, làm
vợ thế nào để khiến gia đình hưng thịnh.
VAI TRÒ VÀ ĐỨC HẠNH
CỦA NGƯỜI VỢ
Thời cổ đại, để nhận định một người phụ nữ có phải là
“hiền thê, lương mẫu” (người có đức hạnh tài năng hơn người, cổ nhân gọi là
“người hiền”.) hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là
“Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”. “Giúp chồng, dạy con” vừa là
tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của người phụ nữ xưa và cũng là lời khen ngợi đối
với người vợ, người mẹ.
Ngày nay chúng ta cũng thường nghe thấy câu:“Đằng sau
sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ.”Quả
thực, từ thời xa xưa đến nay có rất nhiều người chồng đạt được những thành công
nhất định trong cuộc đời đều là có sự trợ giúp của người vợ hiền.
Nhạc Dương Tử là một danh nhân, quê ở Lạc Dương, Hà Nam , sinh sống
vào thời Đông Hán. Ông là người có đạo đức cao thượng, học vấn uyên bác, mọi
người đều rất kính trọng ông. Những thành tựu mà ông đạt được đều có quan
hệ mật thiết với những điều khuyên bảo và trợ giúp của người vợ.
Thời còn chưa thành danh, có một lần Nhạc Dương Tử
đang đi trên đường thì nhặt được một thỏi vàng của người khác đánh rơi. Ông vô
cùng mừng rỡ đem về nhà đưa cho vợ. Ông nghĩ rằng vợ ông nhìn thấy
vàng sẽ được mở mắt và cùng chung vui với mình.
Thế nhưng, không ngờ người vợ của ông lại nhíu mày rồi
đăm chiêu suy nghĩ một lát. Bà không hề liếc nhìn thỏi vàng ấy mà nói một
cách nghiêm túc: “Thiếp nghe nói người liêm khiết không uống nước suối Đạo, người
khí tiết cao thượng không ăn đồ bố thí. Huống chi, chàng nhặt được vật quý
mà người ta đánh rơi, không nghĩ đến việc trả lại người mất của mà muốn bỏ vào
túi riêng. Làm như vậy chẳng phải là làm ô uế phẩm hạnh của mình hay sao?“
(Chú thích: Suối Đạo là một con suối thời cổ. Truyền thuyết kể rằng những ai
uống nước suối này sẽ trở nên tham tài quên nghĩa.)
Nhạc Dương Tử nghe xong những lời này như bị dội một
gáo nước lạnh. Ông lấy làm kinh hãi, rồi lập tức sáng suốt, bình tĩnh trở lại.
Ông cảm thấy vô cùng xấu hổ về việc làm của mình, liền lập tức đem thỏi vàng để lại
chỗ cũ.
Người vợ thấy chồng biết lỗi lầm liền sửa ngay thì
hết sức vui mừng và thương. Bà lại khuyên nhủ ông: “Nhân lúc còn trẻ này,
chàng hãy ra ngoài bái sư cầu học, tương lai làm người có học vấn cao, như thế
mới có tiền đồ“.
Nhạc Dương Tử nghe lời vợ nói có lý liền từ biệt vợ rời
nhà, đi xa bái sư cầu học. Một năm sau, Nhạc Dương Tử đột ngột trở về nhà.
Người vợ kinh hoảng hỏi: “Sao chàng học xong trở về nhanh như thế? Có
nguyên nhân nào đặc biệt chăng?“
Nhạc Dương Tử nói: “Thời gian lâu rồi, ta rất nhớ
nhà. Không có nguyên nhân đặc biệt nào cả.”
Người vợ hiểu chồng, tận tình chăm sóc chồng nghỉ
ngơi mấy ngày. Mấy hôm sau, bà ngồi bên khung cửi nói với chồng: “Thiếp
một mình ở nhà dệt vải, cũng rất bơ vơ khốn khổ. Nhưng chúng ta bây giờ còn
trẻ, chịu khổ một chút, rèn luyện chính mình thì mới có lợi.
Chàng xem,
thiếp ở nhà dệt vải, những sợi tơ này rất mảnh, con thoi cứ đi đi lại lại,
từng chút từng chút tích lũy lại mới dài được một tấc. Lại từng tấc từng tấc
tích lũy mới được một trượng. Bây giờ nếu lấy những mảnh vải đã dệt được
trên khung cửi, một nhát dao cắt đứt đi (bà lấy một con dao nhỏ, hươ tay một
cái), vậy thì sẽ là ‘kiếm củi ba năm thiêu một giờ’, phí công nhọc sức, lãng
phí mất rất nhiều công lao khổ cực và thời gian.
Chàng ở bên
ngoài bái sư cầu học, cũng là như thế, cần phải kiên trì không ngừng nghỉ,
tích lũy từng ngày, không ngừng tiến bộ, mới có thể có thành tựu“.
Nhạc Dương Tử nghe những lời vợ nói thì trong lòng vô
cùng rung động. Ông hạ quyết tâm, bắt đầu trở lại, một lần nữa đi xa cầu học,
đến khắp nơi tìm minh sư xin thỉnh giáo. Suốt 7 năm liền ông không về nhà. Cuối
cùng trở thành người đạo đức cao thượng, học vấn uyên bác, được người đời tôn
kính.
Khi vợ của Nhạc Dương Tử qua đời, quan Thái thú tại
địa phương đã cử hành nghi thức an táng long trọng cho bà. Triều đình còn phong
tặng cho bà danh hiệu “Trinh nghĩa”.
Trong sách sử “Hậu Hán Thư” cũng có ghi lại sự tích
“Người vợ của Nhạc Dương Tử ở Hà Nam ”. Bà không chỉ giúp chồng trở
thành người có phẩm chất đạo đức cao thượng, thành tựu được sự nghiệp mà còn
được sử sách lưu danh ngàn đời.
TIÊU CHUẨN NGƯỜI
XƯA VỀ ĐẠO CỦA NGƯỜI VỢ
Đạo của người vợ theo tiêu chuẩn xưa như sau:
1. Người vợ là người mẹ, là người phụ nữ của một gia
đình, cho nên người vợ phải luôn dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là
trung tâm, nhân duyên của cả gia đình.
2. Người vợ phải giống như nước “ở vào vật
chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình
tròn”. Ý nói, người vợ phải thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp.
Người vợ giống như nước, có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại không cùng vạn
vật tranh chấp, luôn ở chỗ chũng nhất, khi đến chỗ thấp thì chảy xuống giống
như đức tính nhường nhịn và bao dung của người phụ nữ.
3. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người
chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Người vợ không nhu mềm
thì gia tài không hưng vượng.
4. Người vợ đừng là người vừa cứng vừa hung
bạo, đừng nóng nảy, đừng dài dòng nhiều chuyện, lại càng không nên quản lý việc
của chồng, thay vào đó nên trợ giúp chồng chứ không nên gây phiền lụy
cho chồng.
5. Người vợ trước hết phải có “tính theo thiên lý”, “tâm
theo đạo lý” và “thân theo tình lý” mới có thể định trụ được vị trí của mình và
trợ giúp chồng hoàn thiện phẩm chất, đạo đức.
“Thân theo tình lý” là việc mình nên làm thì tự mình đi
làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị
em, ở dưới là dạy bảo con cái. Tất cả những việc ấy được xem là bổn phận của
người vợ trong gia đình. Người vợ không sợ khổ, không sợ khó, làm việc mà không
tức giận, oán hận và hối hận.
“Tâm theo đạo lý” là chỉ người vợ phải buông bỏ tâm tư
lợi, tranh giành, tham lam mà phải suy nghĩ đến cách báo hiếu người già, cách
hòa hợp với chị em dâu, cách giáo dục con cái.
“Tính theo thiên lý” là loại bỏ đi những tính cách
xấu để làm cho bản tính của mình trở về với bản tính tốt đẹp ban đầu, là bản
tính trời sinh, như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.
6. Nếu một người vợ mà vừa hung bạo, quản người
chồng, “chèn ép” người chồng, lời nói tựa như “tiếng sét đánh”, “một tay che
trời” được gọi là “hãn phụ” tức là người phụ nữ đanh đá, chua ngoa. Một người
phụ nữ như thế này sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, “người chồng chưa
già đã yếu”, thậm chí sinh ra người con cũng không có ích cho xã hội.
7. Người vợ mà không làm việc gì, việc gì cũng ỷ lại vào
người chồng, ỷ lại vào cha mẹ được gọi là “nhược phụ” (người phụ nữ yếu kém).
Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của
gia đình.
8. Người vợ là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia
đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho gia đình. Họ đối xử bình đẳng
với mọi người, ôn hòa và là phúc khí của gia đình.
9. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không,
thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng
yếu. Người phụ nữ có thể dưỡng tính như nước thì nhất định sẽ sinh được quý tử,
giúp chồng thành đức, gia đình viên mãn.
Quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày
nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ngày nay gánh vác chức vị có thể nói là
ngang với nam giới. Nhưng dù là thời nào thì một người phụ nữ hiểu đạo vẫn luôn
được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.
NGƯỜI VỢ TỐT LÀ CÁI
PHÚC CỦA NGƯỜI CHỒNG
Thời xưa có rất nhiều điển cố điển tích về người con dâu
hiếu thảo với nhà chồng được truyền lại qua các thời đại và cho đến tận ngày
nay.
Câu chuyện diễn ra vào thời nhà Thanh (năm 1644 - 1911)
kể về người con dâu đức hạnh của gia đình một ông lão tên là Cố Thành.
Ông lão họ Cố này có một người con trai đã lập gia đình
với cô gái trẻ họ Tiền. Một lần, khi người con dâu của ông lão về
thăm cha mẹ đẻ thì một căn bệnh truyền nhiễm đã đột ngột lan tới thị trấn, nơi
mà gia đình chồng cô đang sinh sống. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng
khắp khiến rất nhiều người bị chết.
Mọi người rất sợ hãi và thậm chí cả người thân cũng không
dám tới thăm nhau vì sợ bị nhiễm bệnh. Điều đáng buồn chính là không
lâu sau khi dịch bệnh lan tới thì vợ chồng ông lão họ Cố cùng với sáu
người con trai, con gái đều bị nhiễm bệnh.
Khi người con dâu của ông lão biết được tin
này đã không hề lo ngại mà ngay lập tức chuẩn bị trở về nhà chồng để chăm
sóc gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ đẻ của cô vì quá yêu thương con gái
nên đã ngăn cản và cố thuyết phục cô rằng: “Bệnh dịch lây lan rất
nhanh, cha mẹ lo sợ rằng con cũng sẽ nhiễm bệnh mà chết mất.”
Cô gái họ Tiền này nghe cha mẹ nói xong, đã không do dự
mà trả lời: “Khi con lấy chồng, cũng là lúc con có bổn phận phải phục
vụ và giúp đỡ cha mẹ chồng và gia đình anh ấy. Bây giờ họ đang gặp
phải nguy hiểm của bệnh tật, nếu con không quay về chăm sóc họ, đó có phải
là bất nhân, bất nghĩa không?”
Lời nói của cô dường như vẫn không lay chuyển được thái
độ kiên quyết của cha mẹ đẻ. Phải sau nhiều nỗ lực hết mình, cô mới có thể
trấn an được cha mẹ mình đừng quá lo lắng. Cuối cùng cô con dâu của ông
lão họ Cố cũng nhanh chóng lên đường quay trở về quê chồng trong tâm trạng lo
lắng.
Nhưng điều kỳ lạ chính là, ngay sau khi cô vừa về tới nhà
thì cả tám thành viên của gia đình chồng cô đều dần dần hồi phục
và nhanh chóng khỏe lại sau đó không lâu.
Người dân địa phương ai cũng kinh ngạc về điều này. Họ
tin rằng, lòng tốt và lòng hiếu thảo của cô con dâu trẻ đã lay động được Thần
linh khiến họ ban phước lành cho cả gia đình cô. Từ đó, câu chuyện về
người con dâu đức hạnh, hiếu thảo của gia đình họ Cố được người dân khắp vùng
biết đến và truyền đến tận đời sau.
Các bậc thánh hiền xưa đều giảng rằng, gia đình có
tầm quan trọng đối với sự thịnh suy của một quốc gia. Trong cuốn sách nổi
tiếng “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững
vàng.”
Trong “Kinh Lễ” cũng viết: “Các gia đình có nền
nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.”Mà một gia đình có hòa thuận,
hưng thịnh hay không thì vai trò của người vợ là rất quan trọng. Vì vậy,
từ xưa đến nay dù trong gia đình hay ngoài xã hội, thì một người vợ tốt,
người con dâu hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và kính trọng.
NGUYÊN TẮC ĐỐI ĐÃI
GIỮA CHỒNG VÀ VỢ
Trong “Đằng văn công thượng”, Mạnh Tử viết: “Phu
phụ hữu biệt”, ý nói vợ chồng có sự khác biệt, bất đồng. Vì sao có sự
khác biệt? Chính là giữa nam và nữ, từ sinh lý đến tâm lý, từ tư
duy đến tập quán, từ tính cách đến hành vi, thậm chí là trách nhiệm
gánh vác đều là khác nhau. Nam
và nữ có sự khác biệt cho nên vợ và chồng chính là có sự khác biệt.
“Phu phụ hữu biệt” được ghi chép sớm nhất trong
“Dịch kinh”. Trong “Dịch Kinh” viết: “Gia nhân, nữ chính vị hồ nội, nam
chính vị hồ ngoại. Nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã.” Ý tứ
rằng: Người vợ đóng vai trò làm người lo việc nội trợ, phải lo săn
sóc, dạy dỗ con cái, trong khi người chồng có bổn phận phải đi ra ngoài, để lo
sinh kế. Sự phân chia vai trò của người chồng và người vợ như vậy được cho
là phù hợp với đại Đạo của Thiên địa âm dương.
Trong “Dịch Kinh” cũng viết:“Âm tuy hữu mỹ, hàm chi dĩ
tòng vương sự, phất cảm thành dã. Địa đạo dã, thê đạo dã, thần đạo dã”.Ý
nói, “Âm” mềm là người dưới, mặc dù có đức đẹp chỉ nên
cất giữ không để lộ mà nên lấy nó để giúp cho sự nghiệp của đấng Quân
vương, không dám nhận sự thành công là của mình. Đó là đạo lý thuận trời, đạo
lý theo chồng, đạo lý tôi trung với vua.
Âm dương ngũ hành là đại đạo vận hành của vạn
vật Trời đất. Trong gia đình, người chồng là dương, người vợ
là âm, âm chỉ có thể phụ giúp dương mà không nên áp chế
dương để hiển lộ mình, nếu không sẽ là nghịch Thiên.
Vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều có tồn tại thuộc tính âm
dương. Cho nên, con người và sự vật nếu như đều có thể thuận theo sự an bài sẵn
theo thuộc tính của mình thì mới có thể cân bằng, hài hòa và yên ổn. Còn
nếu như cậy mạnh lấn yếu, bên dưới lại mạo phạm bên trên thì sẽ sinh ra biến
dị, nghiêng lệch, không hài hòa. Âm dương đảo ngược, âm thịnh dương suy…đều là
biểu hiện của sự biến dị.
“Kết hợp nhu và cương” chính là Đạo vợ chồng. Người
chồng là thuộc tính dương, là cương, mạnh mẽ. Người vợ là thuộc tính âm,
là nhu mềm. Trong gia đình, người chồng cương trực, vững chãi, khoan dung, độ
lượng làm chủ, làm người bao bọc bên ngoài gia đình. Ngược lại, người vợ
có tính ôn nhu, nhún nhường, mềm mại làm phụ, làm người quán xuyến mọi việc bên
trong gia đình. Đây cũng chính là sự an bài theo đặc tính của
người nam và người nữ.
Người chồng trong gia đình được xưng là chủ nhà, là trụ
cột, là người đứng đầu, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người trong gia đình, nên
phải đảm đương trách nhiệm của một nam tử hán. Còn người vợ có nghĩa vụ phụ
giúp chồng, dạy con, nghe theo lời đề xướng hợp quy phạm đạo đức của người
chồng, cân bằng mối quan hệ của cả gia đình, là nơi bến cảng để mọi người nghỉ
ngơi. Vợ chồng có chủ, có phụ, có trong có ngoài, có ân có tình cùng hỗ trợ cho
nhau thì sẽ xây dựng được một gia đình hòa thuận, đầm ấm.
Cho nên, trong gia đình, vợ chồng phải yêu thương và
kính trọng lẫn nhau, làm tròn bổn phận của mình, không làm việc trái luân lý
đạo đức, kính trọng nhau như khách, có việc thì cùng bàn bạc để làm.
Lúc đó gia đình sẽ hòa thuận, sự nghiệp hưng thịnh và tự nhiên
sẽ được “bách niên giai lão”.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐÁM CƯỚI ĐẦU XUÂN
của Trần Thiện Thanh qua tiếng hát Tuấn Vũ:
*
TẠ HỒNG TRƯỜNG
Địa chỉ: Khu đô thị mới, thị xã Phố Nối, Hưng Yên.
Email: tahongtruong@yahoo.com.vn
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày
08.01.2018.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi
trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét