Ngày xuân kể chuyện danh
nhân
GIAI
THOẠI
TẢ AO TIÊN SINH
Tả Ao tiên sinh là một trong những bậc thầy phong
thủy nổi tiếng nhất nhì của Việt Nam . Những giai thoại về
ông được lưu truyền rộng rãi cho đến tận ngày nay, trở thành những câu
chuyện hết sức ly kỳ.
Tả Ao tiên sinh, tên thật là Nguyễn Đức Huyên,
người làng Tả Ao, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh vào thời vua
Lê chúa Trịnh (1545 - 1788), là một bậc thầy phong thủy nổi tiếng nhất nhì
nước Việt.
Nhà
Tả Ao nghèo, cha mất sớm còn mẹ bị bệnh lòa mắt, vì thế nên
ông đến giúp việc cho một ông thầy thuốc người Tàu ở trong
huyện, trước lấy tiền trị mắt cho mẹ sau học thêm được nghề bốc
thuốc chữa bệnh. Chính vì thế mà ông chữa được bệnh mắt lòa cho
mẹ.
Ông
thầy Tàu thấy Tả Ao có chí lớn, nên khi về lại bên Trung Hoa đã dẫn
ông theo để dạy thêm nghề thuốc. Trên đất khách, gần nhà ông thầy
thuốc, có một thầy địa lý rất giỏi, cũng đang bị bệnh về mắt, Tả
Ao liền được thầy phái sang chữa trị thay ông ta.
Thầy
địa lý nói rằng, nếu Tả Ao chữa khỏi bệnh mắt cho mình thì ông sẽ
thưởng 50 lượng vàng. Tả Ao nhờ kinh nghiệm chữa khỏi bệnh mắt cho
mẹ, nên đã chữa khỏi bệnh cho thầy địa lý, nhưng ông không nhận vàng
mà chỉ xin ông ta truyền cho nghề xem phong thủy.
Vì
ơn nghĩa, nên thầy địa lý bằng lòng, truyền dạy hết tinh hoa địa lý
phong thủy cho Tả Ao, đến khi học thành tài, ông xin cả 2 ông thầy
cho về nước.
Trước
khi cho Tả Ao về Việt Nam, ông thầy địa lý muốn thử lần cuối sự
hiểu biết của Tả Ao, ông ta làm ra 100 mô hình đất kết trên bãi cát,
dưới mỗi huyệt có yểm một đồng tiền, rồi đưa Tả Ao 100 cây kim ra đó
tìm huyệt để điểm.
Tả
Ao điểm đúng 99 lỗ của đồng tiền, còn một cây điểm ở mép, mà huyệt
này lại là huyệt thứ 100. Đây là huyệt ảo, vì mô hình tạo dáng rất
huyền bí, ẩn hiện dưới những mô đất nhấp nhô, những thầy địa lý
giỏi cũng khó phát hiện ra đúng huyệt đạo.
Khi
Tả Ao về đến quê hương, ông chỉ lo hành nghề bốc thuốc, ít khi sử
dụng đến khoa địa lý, chỉ khi nào cần thiết ông mới ra tay xem thế
đất giùm mọi người, tuy vậy danh tiếng xem địa lý, phong thủy của Tả
Ao lại nổi hơn nghề thầy thuốc.
Cũng
chính vì ông không hành nghề xem phong thủy cho ai, nên không có hậu
bối. Khi Tả Ao mất người nhà chỉ tìm thấy 2 bộ sách viết về địa
lý phong thủy, là Địa đạo diễn ca và Dã đàm
Tả Ao. Nhưng trong dân chúng có nhiều sách được in ra nói là sách
do chính Tả Ao viết. Còn các nhà địa lý phong thủy, khi đọc xong 2
quyển sách trên, đều cho đây là sách quý.
Một
ngày nọ thầy phong thủy Tả Ao đi ngao du sơn thủy, tuổi tuy đã già
nhưng dáng người vẫn quắc thước khoẻ mạnh, khi ông đi đến một làng quê nọ, trời
nắng nóng nên ghé vào ngồi nghỉ mát dưới gốc cây đa bên làng, ông nhìn thấy một
anh nông dân đang miệt mài cày ruộng, đến khi mặt trời đứng bóng mới chịu tháo
cày cũng vào gốc đa ngồi mở cơm nắm ra ăn.
Thấy
một ông lão cùng ngồi ở đó nhưng không ăn uống gì cả, anh ta mới lên tiếng hỏi: “Xế
trưa rồi ông không dùng cơm sao, hay là ông không sẵn mang theo, thôi cùng nắm
cơm này ăn với cháu cho vui”.
Anh
nông dân vừa giở cơm, vừa mau mắn mời ông lão: “Cháu mời ông dùng cơm…”
Thấy
thái độ anh nông dân dễ mến, Tả Ao không khách khí, bèn vui vẻ ngồi lại cùng
ăn. Bốn năm ngày như vậy, anh nông dân vẫn một lòng kính trọng Tả Ao, mời cơm
và ông cũng không lần nào từ chối.
Đến
bữa cuối cùng, bỗng ông nói với anh nông dân: “Chắc anh vẫn không biết
ta là ai? Ta chẳng giấu gì anh, ta chính là thầy phong thủy Tả Ao
đây”.
Anh
nông dân nghe danh Tả Ao đã lâu, nay có dịp diện kiến nên vừa mừng vừa hốt
hoảng, liền cúi đầu xin ông tha lỗi. Tả Ao đỡ anh nông dân đứng dậy nói tiếp: “Ta
xem anh là người có đức nên có ý giúp anh đặt một ngôi mộ sau này sẽ phát phúc,
phát tài, cho anh nở mặt với thiên hạ”.
“Ông dạy quá lời, nhà cháu mấy đời nay đều là nông dân chân lấm tay bùn,
bần hàn, đi cày thuê cuốc mướn kiếm cơm qua ngày, mong gì nở mày nở mặt với ai”.
“Anh cứ yên tâm. Ta nói sẽ giúp anh được giàu sang phú quý trong vòng 100
ngày thôi. Nào anh hãy dẫn ta ra nơi mộ của cha mẹ của anh đi, ta xem thế nào
sẽ sửa cho”.
Anh
nông dân mừng rỡ bèn nghe theo lời Tả Ao, dẫn ông đi ra mộ của cha mình.
Tả Ao xem xong mới nói: “Mộ đặt nơi thế đất không tốt, suốt đời sẽ bần
hàn cơ cực. Phải đào lên cải táng, di dời qua nơi đất khác mà thôi”.
Nói
rồi bảo anh nông dân đào mộ lên, xếp xương cốt vào một chiếc hủ đất đem đi chôn
ở một huyệt đất mà Tả Ao đã chọn sẵn.
Xong
đâu đấy, Tả Ao căn dặn: “Anh nhớ không cho ai biết chuyện này! Một trăm
ngày nữa, vào ngày Mùi tháng Ngọ, đúng giờ Tý anh phải có mặt ở kinh đô, đứng ở
hướng Đông. Hễ gặp một người đàn ông mặc áo trắng, đi hài xanh, từ trong thành
chạy ra với bộ mặt hốt hoảng, thì anh cứ chạy lại bảo: ‘Con xin cứu ngài!’, rồi
cõng thẳng về giấu trong nhà, ngày ngày lo cơm nước cho tử tế. Anh cứ thế mà làm,
đừng suy nghĩ gì hết!”.
Nói
xong, Tả Ao từ biệt anh nông dân mà đi thẳng, về sau anh ta có đi tìm nhưng
chẳng biết ông đi về đâu. Đúng như lời dặn của Tả Ao, đúng ngày giờ anh
nông dân ra kinh đô đứng đợi ở cửa Đông. Bỗng nghe có náo động từ trong thành vọng
ra nào tiếng chiêng, tiếng trống, tiếng quân reo hò, tiếng người gào thét, rồi
lửa bốc cháy đỏ rực một góc trời.
Và
quả nhiên, một người đàn ông dáng thư sinh mặc áo trắng, đi hài xanh, hớt hải
một mình chạy qua gần chỗ anh nông dân đang đứng. Anh ta chỉ đợi có thế bèn
chạy đến bên nói to: “Thưa ngài, con xin cứu ngài!”
Nói
đoạn ghé vai cõng người ấy chạy một mạch về giấu trong nhà. Người ấy có
vẻ sợ hãi, suốt ngày im lặng nghe ngóng động tĩnh. Anh nông dân cũng chẳng
hỏi thân thế của người đàn ông ấy đang lo sợ đến quên ăn mất ngủ.Vài ngày sau
bỗng có loa truyền rằng, ai đang giữ vua ở đâu thì báo cho quan quân kịp đưa
vua về kinh.
Lúc
ấy ông khách mới nói cho anh nông dân biết mình chính là vua, mấy ngày trước
đây bị bọn gian thần định soán ngôi. Rồi nhà vua sai anh ta đi báo cho quan
quân biết nơi vua đang ở ẩn. Khi quan quân đến rước vua, vua cho phép cả anh
nông dân cùng đi theo mình về kinh thành.
Tại
kinh đô vua thiết triều, trấn an trăm họ và phong cho vị ân nhân là anh nông
dân được làm quan đến chức nhị phẩm, cùng vàng bạc lụa là nhiều vô số kể. Thì
ra ngôi mộ mà Tả Ao đặt cho người cha anh nông dân, kết phát y như lời ông nói
khi trước, chỉ trong vòng 100 ngày.
Dạy dỗ kẻ tham lam
Một hôm Tả Ao đang đi đến vùng đất nọ. Thấy ngôi
đình làng ở đây đặt hướng bị thất cách, ông đứng ngắm mãi rồi đến
gần để xem cho rõ. Các vị chức sắc trong làng biết danh Tả Ao nên khẩn khoản
nhờ ông đổi lại hướng đình làng để cả làng phát khoa bảng, muốn đè đầu
cưỡi cổ thiên hạ một phen cho họ biết tay.
Tả
Ao nghe xong chỉ cười, sau đó ra trước sân đình đặt tróc long định hướng,
rồi cắm hướng mới cho ngôi đình. Xong cáo biệt đi thẳng. Mấy
tháng sau khi đình đã được xoay ngôi đổi hướng, các vị chức sắc kỳ
mục không nói cho dân làng nghe chuyện, mà chỉ dặn con cháu ra công
đèn sách nay mai ứng thí.
Nhưng
không hiểu sao, tất cả đám con trai, từ lớn đến bé hễ cầm quyển sách
định học, nhưng học mãi mà chữ nghĩa chẳng vào đầu. Các thầy đồ
được mời đến dạy cũng thở dài ngao ngán. Rồi thay vì sách vở bút
nghiên, càng ngày càng có nhiều anh con trai con các chức sắc kỳ mục
rủ nhau đi sắm hòm đồ nghề thợ cạo, xách đi khắp nơi hớt tóc dạo.
Trong lúc hành nghề, họ tha hồ mà “đè đầu đè cổ” thiên hạ.
Các
cụ chức sắc lúc ấy mới hiểu ra cái thâm ý của thầy Tả Ao trước
đây. Nhưng cũng hiểu rõ, tại họ quá tham lam, chỉ biết tư lợi cá
nhân, nên mới bị Tả Ao dạy dỗ. Từ đó có giai thoại Tả Ao chuyên
dùng phép trị kẻ tham, kẻ ác.
*
Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐOẢN CA XUÂN
của Thanh Sơn qua tiếng hát Quang Linh:
*
ĐÀO ANH DŨNG giới thiệu
Địa chỉ: Thị tứ Phùng Hưng, xã Phùng Hưng,
huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Email: anhdungdao131@yahoo.com.vn
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 15.10.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang blog Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét