NHỮNG CÂU CHUYỆN BÊN TÁCH TRÀ: THƯƠNG MỘT ÁNG MÂY BAY - Tản văn Thích Nhật Từ (Sài Gòn)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
NHỮNG CÂU CHUYỆN BÊN TÁCH TRÀ:
THƯƠNG MỘT ÁNG MÂY BAY
*
(Thượng tọa Thích Nhật Từ)
Mỗi câu chuyện “bên tách trà” trong tác phẩm này đều gởi gấm tâm tình người tu Phật với cuộc sống, thể hiện sự quan tâm mà đạo Phật dành cho cuộc đời, gợi mở lối sống có trách nhiệm, làm chủ thân và tâm, nhằm xóa đi các khoảng trống, cô đơn, buồn chán, tuyệt vọng, trầm cảm, bế tắc; đồng thời chỉ ra lối sống thiết thực, thể hiện trách nhiệm, xây dựng niềm tin, chia sẻ hạnh phúc, vun đắp an vui.
Thương một áng mây bay của Đại đức Thích Đồng Tâm là một tuyển tập 40 câu chuyện “bên tách trà” đăng trong tạp chí Đạo Phật Ngày Nay do tôi làm tổng biên tập. Mỗi câu chuyện “bên tách trà” trong quyển sách này là những lời tự sự của tác giả, viết cho chính mình, nói với chính mình, không dụng ý rao giảng như một khuynh hướng hay chủ trương.
Vì là lời tự sự, tác giả đã dồn hết tâm huyết vào từng câu chuyện bên tách trà, nhờ đó các câu chuyện trở nên sâu lắng, mang dấu ấn hiện thực, tuôn chảy rất tự nhiên, bút pháp rất mềm mại, ý tưởng gợi mở thênh thang, người đọc có cảm giác đang tung tăng bơi lội trong dòng tư tưởng vô tận của chính mình.
Các câu chuyện “bên tách trà" này lấy cuộc sống nhân sinh làm quy chiếu, lấy thực tập chánh niệm làm cốt lõi và được hình thành từ cuộc sống bây giờ và tại đây. Dầu không phải là đệ tử, tác giả chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thiền chánh niệm của Thiền sư Nhất Hạnh, từ việc sử dụng các khái niệm Phật học mới, ngôn từ mới, cho đến phong cách diễn đạt tao nhã, nhẹ nhàng.
Đối tượng và các nhân vật trong tập sách này là các vị tăng sĩ, Phật tử và người thân mà tác giả có cơ hội sống chung, thực tập chung, làm Phật sự chung. Do vậy các tình tiết chia sẻ trong sách rất thực và lắng đọng. Lời hứa với sư anh, thư viết cho sư chị, uống trà cùng mẹ, mẹ ơi đừng khóc… là những chuyện tự sự với tăng sĩ và người thân, dào dạt chất Đạo, thấm thía tình người.
Đại từ nhân sinh ngôi một “ta” được tác giả nhập vai như một hiện thực đang tương tác và đối thoại với đại từ nhân xưng ngôi hai “em” chỉ cho các thế hệ trẻ, những người tu sau, học sau tác giả, không ám chỉ người khác giới phái. Chờ em nơi chốn cũ, ta còn đó cho em, con đường mang tên em, còn lại gì cho em và ta, cho em và ta, thương nhau để đó nghe em, thương em tình ấy có hư hoại bao giờ… là những câu chuyện tác giả nhập hai vai ở ngôi một và ngôi hai, chia sẻ với các bạn trẻ không nên chạy theo lối sống “mì ăn liền”, sống vội vã, sống buông thả, sống thiếu trách nhiệm, sống thiếu chiều sâu, sống đánh mất chính mình trong dòng chảy vật dục như các lục bình trôi, bị sông lớn cuồn cuộn cuốn đi. Mượn hình thức tự sự, tác giả chia sẻ lối sống chậm, sống chánh niệm, sống hạnh phúc, sống bình an, bây giờ và tại đây, một lối sống không tốn tiền để mua, lại có nhiều giá trị.
Có nhiều câu chuyện “bên tách trà” bắt đầu từ hiện tượng thiên nhiên như: niệm diệt, một áng mây bay, nói với áng mây bay, hoa linh thoại, tự khúc mưa, mưa cuối, đi như một dòng sông, sân ga, chờ đến một ngày không mưa, bến bờ, khoảng trống… thể hiện triết lý vô thường trong mọi đơn vị nhỏ nhất của thời gian, vô ngã trong mọi sự vật, gợi mở thái độ sống buông xả, không hệ lụy vào nỗi khổ, niềm đau. Khi thấy được dòng sanh diệt trôi chảy với bốn giai đoạn “thành, trụ, hoại, không” như một hiện thực, thay vì sân hận, bực tức, khó chịu, bất mãn, hận đời, hận người, tác giả chia sẻ lời Phật dạy về nghệ thuật chánh niệm, làm chủ cảm xúc, trị liệu khổ đau.
Có những câu chuyện “bên tách trà” đi thẳng vào các ý niệm hạnh phúc, thanh thản, bước chân bình an… để mô tả những điều minh triết và đạo đức Phật dạy, có khả năng chuyển hóa khổ đau, bồi đắp hạnh phúc lâu dài. Lối sống biết đủ, không nặng lòng trông mong, chạy vạy… được tác giả thể hiện nhẹ nhàng, ấn tượng, thuyết phục.
Có khi tự sự với Bụt trong con, nói với Sujata thời hiện đại, bói Kiều ngày Tết… tác giả đang trải nghiệm những lời minh triết của Phật nhằm giải quyết các vấn nạn khổ đau của kiếp người. Tự sự với Phật là để làm chủ phàm tâm của mình. Trải nghiệm với Đạo để sống với tâm chân thật. Phật và ta đang tồn tại, Phật không sanh diệt, ta không nên bị cuốn trôi theo dòng đời. Phật trở thành biểu tượng của lý tưởng sống giải thoát. Ta là một hữu thể đang dõi theo, đi theo, học theo, làm theo lối sống tĩnh thức của Phật, để hạnh phúc có mặt bây giờ, tại đây.
Mỗi câu chuyện “bên tách trà” trong tác phẩm này đều gởi gấm tâm tình người tu Phật với cuộc sống, thể hiện sự quan tâm mà đạo Phật dành cho cuộc đời, gợi mở lối sống có trách nhiệm, làm chủ thân và tâm, nhằm xóa đi các khoảng trống, cô đơn, buồn chán, tuyệt vọng, trầm cảm, bế tắc; đồng thời chỉ ra lối sống thiết thực, thể hiện trách nhiệm, xây dựng niềm tin, chia sẻ hạnh phúc, vun đắp an vui.
Với bút pháp nhẹ nhàng, lời văn trong sáng, chứa đầy hiện thực, tác giả từng bước dẫn dắt người đọc vào thế giới Phật pháp, để mọi người trải nghiệm lối sống minh triết mang lại hạnh phúc cho mình và cho người.
Thương một áng mây bay, dù bay đi nhưng không mất. Thương cuộc đời vô thường, thương nhân tình thế thái, thương tình người biệt ly… vừa thể hiện sự quan tâm với thế giới của một trái tim từ bi, một khối óc trí tuệ, vừa giải phóng những nỗi đau, vượt qua bất hạnh. Trái tim từ bi đó không ngừng đập như áng mây bay không ngừng trôi, mênh mông, thênh thang, vô tận và tự tại.
*
Thượng tọa THÍCH NHẬT TỪ
Địa chỉ: Chùa Giác Ngộ, 92 Nguyễn Chí Thanh,
phường 3, quận 10, thành phố Sài Gòn.
Email: thichnhattu@yahoo.com





  ....................................................................................................
- Cập nhật từ email tranchicuong27@yahoo.com.vn ngày 17.01.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 
.  

0 comments:

Đăng nhận xét