(Nguồn ảnh: internet) |
SỬ THI ODYSSÉE - THI HÀO HOMÈRE
DẪN NHẬP
*
(Giáo sư Phạm Trọng Chánh) |
Homère là là thủy tổ của nền văn học Tây Phương. Iliade và
Odysée lả hai kiệt tác của nền văn
học nhân loại, ra đời cách chúng ta gần ba ngàn năm, nó vẫn làm say
mê mọi người trong suốt gần 30 thế kỷ. Ba nghìn năm qua các Thần
thánh, vua chúa, anh hùng, giai nhân, thành quách, lâu đài đều sụp đổ,
tan biến chỉ còn thơ Homère viên ngọc quý giá, bất tử với thời gian.
Theo Sử gia Hy Lạp Hérodote, thế kỷ thứ V trước Tây Lịch, Homère
sống trước ông 400 năm, nghĩa là Homère sống vào thế kỷ thứ IX trước
Tây lịch. Ông sinh tại Milet một bến cảng miền Tiểu Á nay thuộc Thổ
Nhĩ Kỳ. Theo truyền thuyết ông mù mắt, ông kế lại cho môn đệ ghi chép
hai trường ca vĩ đại. Tiếng địa phương
vùng Eolien, Homère chỉ có nghĩa là ông già mù. Thời Cổ Đại,
người ta thường gán một nguồn gốc thiêng liêng cho những thiên tài, anh
hùng, giai nhân sinh ra ngoài hôn nhân. Mẹ có lẽ một cô gái trót yêu
một chàng du tử thi sĩ, nàng say mê tiếng hát cung đàn nên trao thân
một đêm, sau đó chàng ra đi, cuộc
đời du tử thi sĩ nay đây mai đó kể chuyện, ngâm thơ đệm đàn lyre nuôi thân.
Homère sinh ra không có cha bên bờ sông Mèles được đặt tên là
Mélésigénès. Thời cổ đại có đến 12 tiểu sử khác nhau, mười hai
địa danh giành nơi Homère sinh ra dọc theo bờ biển Tiểu Á, Anatolienne
và các đảo lân cận: Kymè, Smyrne, Colophon và Chios có tiểu sử còn
cho ông sinh ra ở Athènes, Ai Cập hay Rome. Điều này chứng tỏ ông đi
khá nhiều và được nhiều nơi biết ̣đến. Thời đại ông sinh ra có tiểu
sử cho rằng ông dự kiến cuộc chiến thành Troie, có tiểu sử lại cho
ông sống thời đại vua Lydie Gygès năm thế kỷ sau.
Mẹ Homère được một thầy dạy học kiêm du tử tên là Phémios
gá nghĩa, Homère được ông nuôi nấng, dạy học, dạy đàn, hát, kể
chuyện. Các tiểu sử cho mẹ ông nhiều tên khác nhau: Critheis, Hyrnèthès
hay Hynéthès. Cha ông tên: Maion, Créton hay Alèmon. Trong Odyssée,
Homère đã cho người du tử ở Ithaque tên Phémios của mình. Theo truyền
thuyết Homère đi hát dạo nay đây mai đó, từ vùng Tiểu Á đến Rome,
Etrurie và Espagne, địa bàn sinh sống các thuộc địa, các thương cảng
dân Hy Lạp ngày xưa.
Sử thi nằm trong truyền thống Hy Lạp ngày xưa khi một nhân
vật quan trọng chết, gia đình mời một du tử lại kể chuyện đời người
quá cố, người thi sĩ du tử có tài năng kể lại câu chuyện thành thơ,
theo vần điệu ngâm ngay suốt ba ngày ba đêm tang lễ. Thế kỷ rồi nhiều
giáo sư đại học đi nghiên cứu thực
địa vùng Yougoslavie còn tìm thấy những thi sĩ du tử ngâm nga những
truyện thơ dài hàng chục ngàn câu. Có thuyết cho rằng hai sử thi được
khai sinh bằng truyền khẩu đến thế kỷ thứ 5 trước TL mới được viết
lại, các văn bản xưa nhất chúng ta có hiện nay có gốc từ thời đại
vua Hadien thế kỷ thứ I, thời đại này thư viện nhà vua được sao chép
có hệ thống và tàng trử tại Athènes bằng giấy da.
Có tiểu sử Cổ Đại còn ghi chép ông thi làm thơ với
Hésiode, một du tử danh tiếng khác nhân đám tang ông hoàng Chalsis
Amphidamas và con trai Amphidamas trao giải cho Hésiode vì thích hát ca
tụng hoà bình hơn chiến tranh. Mélisigénès trở thành Homère, ông già
mù, người thi sĩ thiên tài phải mù như tiên tri Tirésis trong Iliade,
hay Démodocos người du ca Phéaciens trong Odyssée, điều đó giải thích
trong khái niệm mọi người: người thi sĩ du ca mù thấy được những
điều kỳ diệu mà người có mắt không cảm xúc trong âm thanh, trong thi
ca. Tuy nhiên không phải tiểu sử nào
cũng cho Homère mù mắt, thời đại La Mã về sau thường vẽ ông cầm đọc
các cuộn giấy bằng thủy trúc (papyrus) chép thơ Odyssé và Iliade.
Homère mất tại đảo Ios trong quần đảo Cyclades. Sau và trước Homère
còn có nhiều truyện thơ khác ngày nay chỉ còn được biết tên qua các
sử gia, triết gia thời Cổ Đại nhưng không còn tác phẩm. Thư viện
Alexandrie Ai Cập trước khi bị tiêu hủy chứa 700 000 văn bản chép tay,
có rất nhiều truyện thơ đã cháy trong binh lửa. Trong Odyssée, Homère
tả người du tử Phémios hát lên nỗi lòng mong nhớ người đi đánh trận
thành Troie chưa về. Démodocos còn được Ulysse trường thuật các trận
đánh thành Troie và ông hát lại thành thơ.
Từ thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, hai tác phẩm Homère đóng
vai trò trung tâm trong nền giáo dục. Các trẻ con nhà quyền quý
thường có ba vị thầy: một vị dạy văn phạm và thơ Homère, một vị
dạy âm nhạc và đàn lyre và một vị dạy thể dục, thể thao. Nicératos
con trai nhà chiến lược thành Athènes tên Nicias đã tự cho mình thuộc
hết hai truyện thơ và sẵn sàng đọc cho mọi người nghe bất cứ đoạn
nào.(Xénophanes, Banquet IV, 6,7.) Vai trò trung tâm hai truyện thơ Homère
trong nền văn hoá Cổ Đại Hy Lạp đã dấy lên một vài chỉ trích. Triết
gia Xénophane de Colophon diễu cợt các Thần trong thơ Homère. Triết gia
Platon cho rầng Homère vô đạo đức và bất kính với các thần, tiếc
rằng các ảo ảnh làm mê hoặc, ràng buộc các thi sĩ làm cho mọi
người thán phục họ, xa lìa việc tìm kiếm chân lý. Trong sách Nền
Cộng Hoà, Platon đề nghị: choàng vòng hoa cho các thi sĩ và đuổi họ
ra khỏi thành phố. Tuy nhiên các triết gia khác thuộc trường phái
Pythagoriciens, Stoiciens, Néoplatoniciens lại có thái độ khác, họ phát
triển các giải thích để tìm kiếm các ẩn dụ hiền triết của thi hào
Homère, hay tìm kiếm thành lập một trường phái triết học dựa trên
thơ Homère. Homère được triết gia Zoide d’Amphipolis ca tụng và Aristote
lại phản bác lời này. Thi hào La tinh, Horace cho rằng Homère ngủ gục
một đôi khi trong truyện thơ. Các triết gia lớn thành Alexandrie thế kỷ
thứ III, II trước TL ca tụng người du tử viết Iliade và Odyssée là một thi sĩ ngoại hạng, có cái khôn
ngoan và đạo đức đáng kính như thần thánh. Mặc dù bị hai triết gia
lớn Platon, Aristote chỉ trích, thơ Homère vẫn được mọi người yêu mến
và truyền tụng.
Có thuyết nói ông sống vào
thế kỷ thứ VIII hay thứ VI trước Công nguyên, Homère tái tạo những
đoạn thơ truyền khẩu có trước ông kể lại chuyện Iliade: Chiến tranh
thành Troie và Odysséc chuyện Ulysse, người anh hùng mưu trí đánh
thành Troie trở về trải qua nhiều cuộc phiêu du kỳ dị. Khi Ulysse ra đi
đến chiến trường thành Troie, mười năm chiến trận thành Troie lại thêm
mười nâm lưu lạc phiêu lưu, bảy năm bị nàng tiên nữ Calypso bắt làm
người tình tù. Khi đi Télémaque còn bồng bế, Pénélope trung kiên chờ
chồng, có trăm người đến cầu hôn, cho rằng Ulysse đã chết khuyên nàng
lấy chồng, Pénélope hứa hẹn nàng phải dệt xong tấm khăn liệm cho cha
chồng, nhưng ban ngày nàng dệt ban đêm lại tháo ra tấm khăn chẳng bao
giờ xong, bọn cầu hôn làm áp lực hơn trăm người đến ăn ở nơi cung
đình, bắt gia nhân cung phụng bò heo rượu thịt hằng ngày. Télémaque
lớn lên đi tìm cha, đi gặp vua Ménelas, vua Nestor hỏi thăm tin tức cha,
trở về bị bọn cầu hôn phục kích nhưng nhờ thần nữ Athéné nên thoát
hiểm nguy. Về đến trại người nô bộc nuôi heo Eumé thì Ulysse cũng về
tới. Ulysse cải trang thành người ăn mày cùng nô bộc cai quản trại heo
về thành, đến giữa buổi tiệc xin ăn, Pénélope mở cuộc thi bắn tên.
Người ăn mày cũng xin thi và bắn
bọn cầu hôn, cuộc chiến giữa bọn cầu hôn và Ulysse cùng con và
người thân tín. Ulysse tiêu diệt đám người cầu hôn. Ulysse cho mời
Pénélope xuống nhưng nàng không nhìn chồng, người vú già rửa chân
nhìn ra vết sẹo nơi chân chủ. Ulysse tắm rửa sạch sẽ nàng cũng không
nhìn, nàng thử thách cho đến khi Ulysse biết chuyện chiếc giường
chàng đóng bằng bằng thân cây ô liu gốc rễ còn sống không thể xê dịch
đâu được, nàng mới nức nở oà lên khóc
nhận ra chồng.. Hai người sum vầy hạnh phúc. Thân nhân bọn cầu
hôn tìm đến trả thù, bị chiến bại, thần nữ Athéné giảng hoà, vương
quốc Ithaque trở lại yên lành.
Thơ Odyssée và Iliade ngày xưa, được các du tử (aèdes),
người thi sĩ kể chuyện chuyên nghiệp, đi từ vùng này sang vùng khác
ngâm thơ, đệm đàn lyre, họ kể mỗi chương vài trăm câu, mùa biển động
họ kể liên tục Iliade trong bốn ngày bốn đêm và Odyssé trong ba ngày
ba đêm. Thơ Homère trở thành niềm vui chung say mê mọi người. Họ ngồi
bắt chí cho nhau nghe đọc thơ. Nhân dân Hy Lạp ngày xưa nhiều người
thuộc vanh vách từng câu, từng chương như dân nước ta thuộc truyện
Kiều. Thời Cổ Đại Hy Lạp, thơ Homère trở thành trung tâm của nền
giáo dục, những nhân vật Ulysse, Pénelope, Télémaque trở thành người
mẫu lý tưởng xã hội. Thời hoàng
kim La Mã thơ Homère vẫn tiệ́p tục truyền bá rộng rãi. Vua
Hadrien thế kỷ thứ I, đã cho sao chép và chia mỗi Sử thi thành 24 chương.
Thời Trung Cổ, từ thế kỷ thứ IV Thiên Chúa Giáo từ Trung Đông truyền
qua Tây Phương, sau một thời gian dài bị La Mã cấm đoán đã chinh phục được các vị vua
Tây Phương, quyển Thánh Kinh trở thành quyển sách duy nhất được phổ
biến, các sách vở thời Hy Lạp bị cất dấu, nhưng thơ Homère và sách
vở Hy Lạp vẫn tiếp tục truyền bá tại các nước Á Rập. Trong hơn 1600
bản sách cổ viết trên giấy da tìm thấy tại Ai Cập ngày nay phân nửa là sách thơ Homère.
Các đế quốc Á Rập hùng mạnh chiếm các thánh địa Thiên Chúa Giáo,
Hy Lạp trong bốn thế kỷ, Tây Ban Nha trong tám thế kỷ. Ý thức sự yếu
kém thời Trung Cổ, Tây Phương đã tìm lại sao chép phổ biến sách vở
Hy Lạp tạo nên thời Phục Hưng, khôi phục lại thời Cổ Đại huy hoàng.
Các Trường Đại Học lập ra để giảng dạy Thần Học lần lượt tách rời
ra khỏi Giáo Hội Thiên Chúa Giáo, trở thành các Đại Học đa dạng với
đủ các ngành nghề từ Toán Học, Y Học, Sử Học, Luật Học, Vân Học,
Vật lý, Hoá Học.. ngành nào cũng có một ông tổ người Hy Lạp. Tây
phương sử dụng lại các con số Á Rập thay cho số La Mã có nguồn gốc
từ Ấn Độ và nghề làm giấy do Á Rập bắt cóc được một người Trung
Quốc học nghề và phát minh ra máy in sách. Văn học từ những bản
chép tay, những phòng khách văn chương nhà quyền quý được phổ biến
sâu rộng. Từ điêu khắc, văn học, khoa học làm sống lại nền văn minh
Cổ Đại Hy Lạp đã tạo nên thời đại Phục Hưng. Phục Hưng Tây Phương đã
phát triển nên một thời đại Ánh Sáng với muôn vàn phát minh sáng
chế, đến đến việc phát minh máy hơi nước và cuộc cách mạng kỹ
nghệ. Nền văn hoá đa dạng mọi lãnh vực từ văn học, điêu khắc, kiến
trúc đến hội họa , âm nhạc, bộ môn nào Tây Phương cũng vượt xa các
nền văn minh cũ. Tây phương trở nên hùng mạnh, đẩy lùi đạo Hồi ra khỏi Tây Ban Nha, Hy Lạp, mở các cuộc thám hiểm đi khắp các châu lục địa, tìm ra Châu Mỹ, chiếm
thuộc địa và khai thác kinh tế các nguồn tài nguyên các nơi. Những
cục đá lạ, người Phi Châu chỉ biết dùng chọi nhau, Tây Phương đã mài
dũa thành những hạt kim cương, hồng ngọc, lam ngọc quý giá thành nữ
trang, trang điểm cho cuộc đời. Nền văn minh Tây phương trở thành mẫu
mực sự tiến bộ, dân chủ, giàu có và thịnh vượng. Đồng thời với
việc sáng chế máy in, thơ Homère được dịch ra hầu hết các thứ
tiếng. Nhật Bản đã dịch thơ Homère từ năm 1943.
Thế kỷ thứ XIX, xuất hiện ngành Khảo Cổ Học, năm 1871-1890,
một doanh nhân người Đức tên H. Schlieman say mê thơ homère, đã tìm kiếm
và khai quật các di tích, ông đã khám phá ra thành Troie tại khu vực Hissarrlik
ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng địa phương gọi là Cổ Thành. Năm 1932-1938 các
nhà khảo cổ Hoa Kỳ tìm thấy trong các lớp thành, có một lớp bị
hỏa hoạn lớn khoảng nửa thế kỷ thứ XIII trước TL là năm bị đốt phá
bởi mưu ngựa gỗ của Ulysse. Kho tàng thành Troie cũng được Schiemen
khám phá với nhiều hiện vật nữ trang, ngọc ngà, gươm kiếm, cung tên,
giáp sắt và vật dụng nhà cửa cực kỳ phong phú. Các hiện vật được
chưng bày tại viện bảo tàng Berlin cho đến năm 1945 thì bị mất tích.
Năm 1996 lại tìm thấy tại nước Nga. Tại Hy Lạp, Schieman còn khai quật
năm 1876 cổ thành Mycènes các ngôi
mộ cổ hoàng gia chứa một kho tàng nữ trang, vật dụng vàng bạc quý
giá. Mycènes là đô thành của vua Agamemnon, Mycènes giàu vàng như
Homère đã kể.
Tôi đã đi thăm các viện bảo
tàng Hy Lạp từ Athènes, Mycène, Crète.. nhìn thấy tận mắt các vật
dụng, nữ trang như Homère mô tả. Tại đảo Crète sau khi độc lập thoát
khỏi ách thống trị Thổ Nhĩ Kỳ, tại Cnossos nhà khảo cổ Anh, Arthur
Evans đã tìm ra nền văn minh Minoenne, tên vua Minos, một nền văn minh
trước cả Mycéenne đã có chữ viết và tìm ra khá nhiều văn bản thẻ
đất nung gọi là Linéaire A, hiện nay vẫn chưa ai khám phá ra cách
đọc. Tại Pylos lâu đài vua Nestor, tìm được một căn phòng hàng ngàn
miếng sành chữ nhật gọi là Linéaire B. Năm 1952 Michel Ventris người
Anh nhờ các phương pháp hiện đại đã đọc được các mãnh sành này và
tìm thấy các vật dụng trong Odyssée miêu tả.
Các nhà văn Âu Châu học làm thơ viết văn với thơ Homère và
chịu nhiều ảnh hưởng sâu đậm thơ văn thời Cổ Đại Hy Lạp. Thơ Homère
nằm trong chương trình văn học bậc phổ thông và đại học các nước Âu
Châu. Từ nâm 1970 khi đi du học sang Âu Châu, Pháp, tiếp xúc với bạn bè
và nền văn minh Tây Phương, tôi thấy mình có một lổ hổng kiến thức
rất lớn, điều đó đã thúc đẩy tôi tìm đọc thơ Homère, tôi đã say mê
và dịch ra thơ lục bát gần ba chục ngàn câu thơ của thi hào Homère
với mơ ước người Việt Nam từ trong nước đến bốn phương trời ở hải
ngoại có thể đọc và hiểu được một kiệt tác của nền văn học Hy Lạp
bằng ngôn ngữ thi ca nước mình. Tôi đã in và xuất bản tại Paris năm
2005 và 2011. Việc in sách trên giấy
ngày nay có nhiều trở ngại trong việc phổ biến, nên tôi chia Sử thi
Odyssée gồm 12110 câu thơ lục bát làm
làm 25 bài, phần dẫn nhập và 24 Thi ca khúc để tiện phổ biến trên
internet, người yêu thơ có thể tự do trích
đăng trên site, hay facebook của mình để truyền đạt tấm lòng yêu
thi ca .
Odyssée hay Ulysse là tên chuyển
ra tiếng La Tinh, trong đoạn vú già rửa chân cho Ulysse có nói đến
Odysseus tên Hy Lạp do ông ngoại là Autolycos đặt cho có nghĩa là người
thách đố với thế gian, để kỷ niệm chiến công đánh thắng bọn cướp biển.
Sử thi Odyssée từ thế kỷ thứ I triều Hadrien chia ra
làm gồm có ba phần:
1. Cuộc du hành đi tìm tin tức
cha của Télémaque
2. Ulysse kể chuyện phiêu lưu
cho vua Alcinoos.
3. Ulysse trở về Ithaque gặp
con và trả thù bọn cầu hôn và tái hợp cùng Pénélope.
Cách chia này Horace cho rằng buồn ngủ, vì chuyện Ulysse mà đến
chương thứ 5 mới thấy Ulysse xuất hiện, Thiên Đình họp hai lần giống
nhau. Trong thơ Homère có nói truyện thơ ông có thể bắt đầu bất cứ
chương nào mình muốn. Do đó tôi thay
đổi đem phần 2 kể chuyện Ulysse phiêu lưu lên làm phần đầu, cuộc họp
Thiên Đình rút lại chỉ còn một lần ra mệnh lệnh Hermès xuống trần
gặp Calypso truyền lệnh thả Ulysse, và Athéné xuống Ithaque gặp Télémaque
giúp đi tìm cha. Thi ca khúc thứ nhất tôi tái tạo cho phù hợp mạch lạc
câu chuyện. Tôi thay câu: chuyện Odyssée có thể bắt đầu bất cứ thi ca
khúc nào bằng câu chuyện bắt đầu bằng thi ca khúc Ulysse được tiên nữ
Calypso cứu trên biển và giam giữ thành người tình tù.
Hai quyển Odyssée và Iliade là quà tặng Duy Nga cho tôi ngày
quen biết nhau năm 1976, tôi đã có ý diễn ca thành thơ lục bát nhưng
vì bận rộn chuyện “cơm áo không đùa với khách thơ” nên đành xếp lại.
Dịch các Sử Thi lớn trong kho tàng văn học nhân loại là một công việc
liên tục trì chí hàng chục năm trời, trăm người khởi đầu dịch chỉ
có hai ba người đi đến đích. Mùa xuân năm 2001 kỷ niệm 25 năm ngày
cưới nhau, tôi đưa Duy Nga đi Malte hành hương theo dắu chân Ulysse. Thăm
đảo Gozo có hang động Calypso, cửa đá Azur, bãi biển Rambla cát đỏ,
tương truyền nơi Ulysse chiều chiều
ra đó ngóng về quê hương.. Trước khung cảnh trời đất mơ màng đó tôi
đã cảm xúc và tái tạo và hoàn
tất hai thiên trường ca bất từ của
Homère bằng thơ lục bát, năm 2003 tôi lại đưa gia đình đi thăm Athènes
và các đảo Hy Lạp. Thăm đảo núi lửa Santorin nơi Homère nhân cách hóa
thành những người khổng lồ cuồng
nộ ném tung những tảng đá làm đắm thuyền đoàn quân của Ulysse. Và từ đó 5 lần tôi đã đi
thăm các di tích Hy Lạp, dịch một tác phẩm văn chương, việc thăm viếng
quê hương không gian người viết là điều cần thiết, nhiều nhà văn dịch
trước khi đi thăm, về sau khi đi thăm không gian người viết thường dịch
lại, vì thấy mình như chuyện ngụ ngôn con cá tả cảnh đất liền theo
lời kể một con rùa.
Dịch Sử thi Odyssée tôi dựa chính vào bản song ngữ Hy Lạp̣- Pháp, bản dịch của V Bérard
Collection đes Universités de France. Paris Les Belles Lettres 1999. và bản
dịch M Dufour et J Raison. Eds Garnier Frères 1961 cùng tham khảo 5 bản dịch khác và các sách của bà
Jaqueline de Romilly Hàn lÂm Viện Sĩ Pháp chuyên gia về Hy Lạp Cổ Đại.
Từ những năm 1981, nhà thơ Huy Cận thường sang Paris mỗi năm
ba bốn lần, dự Thượng Hội Đồng Pháp Ngữ ông được Tổng Thống Pháp
François Mittérand mời làm Đại Diện Pháp Ngữ vùng Đông Nam Á, và ông
cũng có chân trong Hội Đồng Tổ Chức Unesco, Liên Hiệp Quốc. Tại Pháp,
ông xem tôi và anh Đặng Tiến như bạn thơ tri âm tri kỷ, ông có dịp tâm
sự hỏi ý kiến mọi chuyện từ chuyện đất nước đến chuyện gia đình,
tôi có dịp đưa ông đi chơi nhiều nơi,
mỗi khi xong công việc, ông điện thoại cho tôi để cùng đi thăm một nhà
văn Pháp, đi tìm sách, đi mua quà cho gia đình, và nhiều khi đi rong
chơi trong thành phố Paris, thăm các viện bảo tàng. Tháng 10 năm 1981,
ông đưa ông Xuân Diệu sang Paris, ông giao ông Xuân Diệu cho tôi đưa đi chơi
và nói chuyện thơ các nơi. Ông Xuân
Diệu đã ký thác toàn bộ di cảo hơn 400 bài thơ chưa in, tâm sự cho tôi để soạn Tự Điển Tình Yêu
bằng thơ tình Xuân Diệu. Ông Huy Cận còn viết tựa cho tập thơ tình
của tôi, trong đời ông chỉ viết tựa cho hai người là Xuân Diệu và
Nhất Uyên. Ông thường đến nhà tôi và ông có dịp đọc bản thảo một số
thi ca khúc truyện thơ Odyssée của tôi và ông viết tặng tôi bài thơ kỷ
niệm đêm tâm sự về thơ Homère .
ĐÊM THƠ
Đêm ngủ xa nhà
có bạn thơ,
Có giàn sách đẹp
mới chen xưa.
Đi đâu cũng gặp
hồn nhân loại,
Còn có lòng tin có
đợi chờ.
Ta muốn bên đèn đọc
mãi thôi,
Đọc ngâm thơ bạn ngắm
thơ đời.
Trang thơ bát
ngát hồn thêm sáng,
Ai thức ngàn năm
tứ vẫn tươi.
Còn đ̣ược bao năm
sống cõi này,
Lòng ta ta hỡi
mãi mê say,
Sao hôm vừa lặn
sao mai mọc,
Kim cổ tờ thơm
thức giữa tay.
*
Paris, 2005̣ - 2019
PHẠM TRỌNG CHÁNH
Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục
Địa chỉ:, Viện Đại Học Paris V Sorbonne.
Email: phamtrongchanh@free.fr
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.07.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét