(Nguồn ảnh: Internet) |
CÁCH NÓI DỐI
KHÔNG LÀM NGƯỜI KHÁC TỔN THƯƠNG
*
Trong tất cả các mối quan hệ giao tiếp và đối nhân xử thế bạn nên giảm tối đa
những điều khiến người khác bị tổn thương. Đó cũng là hạnh phúc bạn mang đến
cho người khác và cho chính bạn.
Trong cuộc sống không phải mọi lời nói dối, nói giảm, nói tránh… đều xấu,
không tốt cho người khác. Có những tình huống, bạn cần phải sử dụng những lời
nói dối – nói dối nhã ý như một điều tất yếu. Bạn phải nên biết rằng, có những
lời nói dối lại giải quyết vấn đề được tốt hơn.
Bác sỹ nhiều khi cũng phải nói dối tình trạng sức khoẻ, bệnh tật của bệnh
nhân để trấn an tinh thần họ. Đó lại chính là phạm trù đạo đức nghề nghiệp của
họ. Bác sỹ, họ không thể đánh mất niềm tin và hy vọng của bệnh nhân bằng những
lời nói thật về bệnh tình đang ngày một trầm trọng của họ.
Tiểu thuyết “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn Ôhenry nổi tiếng trên đất Mỹ
có thể coi là ví dụ điển hình cho điều đó: ở một bệnh viện, bên cạnh cửa sổ
phòng của một nữ bệnh nhân có một cây cổ thụ, mùa thu đến, những chiếc lá trên
cây dần rụng hết. Cô gái ốm yếu nằm trên giường nhìn những chiếc lá rơi rụng như
vậy. Cô nghĩ, khi những chiếc lá trên cây đó rụng hết thì mình cũng lìa khỏi
cõi đời này. Biết được điều đó, một hoạ sỹ đã vẽ lên bức tường cạnh cái cây đó
chiếc lá để tạo niềm tin vào cuộc sống cho cô gái, vì chiếc lá cuối cùng ấy sẽ
không bao giờ rụng cả, điều đó cũng đồng nghĩa cô gái sẽ không thể chết.
Đây có lẽ là tình huống nói dối vô cùng cần thiết, bởi nó còn có thể cứu sống
một sinh mạng.
Có những lời nói dối đôi khi thừa biết đó chỉ là những lời nịnh nọt, không
có căn cứ nhưng vẫn khiến cho người nghe cảm thấy vui vẻ và phấn khởi, hy vọng
nhiều hơn. Dù thế nào thì điều ấy cũng rất cần trong cuộc sống. Ví như một gia đình
nọ làm đầy tháng cho cháu đích tôn, họ tổ chức tiệc linh đình, mời rất đông
khách khứa. Hôm đó khách đến dự nhìn thấy cháu bé:
Anh A nói: “Cháu sau này nhất định sẽ giàu có, giỏi giang, vinh hoa phú quý
làm rạng danh tổ tiên”.
Anh B lại nói: “Ai mà chẳng muốn như vậy. Nhưng nhìn cái tai của cháu bé và
mỏng quá, cái trán thì quá thấp, e rằng say này khó phát đạt được, về vấn đề
này tôi đã được đọc rất nhiều sách rồi…”
Sau đó anh B bị chủ nhà tỏ ra khó chịu ra mặt. Lẽ nào anh B nói không đúng
sao? Đương nhiên là anh ta nói không sai, nhưng chỉ vì anh ta quá thật thà, vụng
về đến mức làm mất lòng người khác. Bên cạnh đó, những lời nói của anh A thật
chẳng có căn cứ gì, đó mới là những lời nói dối. Một người “phúc như Đông Hải
thọ tỷ Nam Sơn” thật khó, nhưng những lời ấy mới đựơc lòng người vì họ đang kỳ
vọng và mong ước cho con cháu mình như vậy.
Bản tính con người luôn hướng thiện, thích nghe những điều ngọt ngào, tốt đẹp,
do vậy việc gì chúng ta cũng tả thực thì chẳng còn gì là thú vị nữa.
Những lời nói mang tính khách sáo, nịnh nọt hay nói giảm, nói tránh thường
khiến người khác cảm thấy hài lòng và người ta nghĩ rằng mình luôn được vị nể.
Nên chẳng có lý do gì mà trong cuộc sống, quan hệ giao tiếp chúng ta không giảm
tối đa những điều khiến người khác không vui.
Một vị hoàng đế thời trai trẻ đã xông pha trận mạc, đánh Đông dẹp Tây, hết
lòng chăm lo cho đất nước, cho nhân dân. Nhưng đến khi về già, tuổi cao sức yếu,
nhưng ông ta lại sợ già nên không dám nghĩ mình đã già. Hễ cứ nghe thấy từ “già”
là ông ta lại cảm thấy buồn và nuối tiếc thời trai trẻ. Vì biết đựơc tâm lý đó
của đức vua nên đám quần thần trong cung rất thận trọng khi nói chuyện với ông,
họ không bao giờ dám nhắc đến từ “già”. Để chứng tỏ mình chưa phải đã già yếu, đức
vua thường dẫn hoàng hậu và các phi tử cùng quần thần vào rừng săn bắn…
Một lần, đức vua đã dẫn tốp người đó đi câu cá, chẳng mấy chốc cá đã cắn
câu, đức vua vội vàng nhấc cần câu lên và chỉ thấy mỗi con ba ba cắn câu, trong
lòng không cảm thấy vui chút nào. Nhưng cũng không ngờ khi vừa nhấc lên khỏi mặt
nứơc thì con ba ba đó cũng rơi tõm xuống, đứa vua lại tỏ vẻ nuối tiếc, hoàng hậu
thấy vậy liền an ủi: “Có lẽ con ba ba này già tới mức rụng hết cả răng rồi nên
mới không bị mắc câu đấy thôi”.
Ngay lúc đó một phi tử còn rất trẻ tuổi ngồi ngay bên cạnh đức vua thấy vậy
lại cười rất to khiến cho đức vua không khỏi tức giận. Người cho rằng lời của
hoàng hậu là không có ý gì, còn phi tử kia cười như vậy mới là chế giễu đức vua
là không còn răng, già rồi vô dụng.
Sau khi về cung, đức vua đã ra chỉ dụ nhốt phi tử đó vào lãnh cung cả đời
không cho ra nữa. Khi đó phi tử đó mới thấm thía và vô cùng hối hận mà than rằng:
“vì không thận trọng nên cả đời ta đã phải ở như vậy, đúng là ta tự hại ta. Ta
có thể nói những lời tốt đẹp mà!” Tại sao hoàng hậu có nhắc đến từ “già” nhưng
lại không bị phạt, còn phi tử kia chỉ cười thôi thì lại bị? Có lẽ, câu nói của
hoàng hậu có hai tầng ý nghĩa và tình cảm mà đức vua dành cho hoàng hậu cũng rất
tốt đẹp, nên đức vua đã nghĩ đến mặt tích cực của lời nói. Còn phi tử kia dù chỉ
cười, nhưng lại là cười trên lời nói của hoàng hậu… khiến đức vua đã nghĩ đến mặt
tiêu cực.
Lại có một khách hàng rất béo đến một cửa hàng quần áo, xem xét mãi cuối
cùng cô ta cũng tìm được chiếc áo mình thích là chiếc áo kẻ to, ngang. Nhân viên
bán hàng đã khuyên “chiếc áo hoa to, kẻ ngang này chỉ hợp với người gầy, béo như
chị mà mặc chiếc áo này thì rất xấu đấy”.
Lời khuyên đó của nhân viên bán hàng thực ra là có tốt, nhưng không may đã đụng
chạm vào điều cấm kỵ của cô khách hàng, khiến cho chị ta chẳng nói chẳng rằng
mà bỏ đi ngay. Sau đó anh nhân viên bán hàng mới thấy là mình đã sai lầm.
Có người bị tật ở hai cánh tay, nhưng anh ta không chịu buông xuôi mà khổ
luyện vẽ bằng chân. Những bức tranh anh ta vẽ đã được hội triển lãm tranh mang
ra nước ngoài triển lãm.
Một nhà báo xem tranh và đã phỏng vấn anh hoạ sỹ này: “Anh nổi tiếng nhờ những
ngón chân vậy thì xin hỏi anh tay có tác dụng hơn chân hay chân có tác dụng hơn?”
Câu hỏi này của nhà báo đã bị anh đánh giá là “ngu xuẩn” và anh đã hỏi vặn lại
nhà báo: “Bức tượng Venus nổi tiếng bởi cánh tay cụt, vậy xin anh cho biết bức
tượng đó có cánh tay đẹp hay không có cánh tay thì đẹp hơn”.
Câu hỏi này của anh hoạ sỹ đã khiến cho gã nhà báo cứng đờ lưỡi không đáp lại
được câu nào và cuộc phỏng vấn đó đã bị thất bại. Bởi gã nhà báo này đã phạm phải
một lỗi vô cùng nghiêm trọng đó là đụng chạm đến nỗi đau của anh hoạ sỹ. Đáng lẽ
khi đã biết người ta có những khuyết tật, đã phải cố gắng vươn lên bằng nghị lực
và tài năng thì phải nói những câu để khuyến khích họ. Nếu có muốn đề cập đến
những vấn đề tế nhị vốn họ chưa được hoàn thiện thì cũng nên tìm những từ ngữ
chân thành mà nói giảm, nói tránh để họ không cảm thấy mình bị tổn thương. Với
những người như vậy, họ cũng cần thiết chúng ta phải nói lên những điều thể hiện
sự thương hại.
Mời thư giãn với nhạc phẩm BẠC TRẮNG TÌNH ĐỜI
của Minh Khang, qua tiếng hát Châu Việt Cường:
*
VŨ THỊ HƯƠNG MAI
Địa chỉ: Khu tập thể Tổng công ty 319
quận Long Biên, thành phố Hà Nội.
Email: huongmai8081@yahoo.com.vn
.
.
..............................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 21.09.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét