ĐÊM TRẮNG CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA - Tác giả: Nguyễn Xuân Dương (Bắc Ninh)

Leave a Comment
(Nguồn ảnh: internet)
ĐÊM TRẮNG
CỦA TRẦN ĐĂNG KHOA
*
ĐÊM TRẮNG
-Tặng bạn tôi, một người Việt xa xứ -


Đêm trắng lạnh, có một người không ngủ
Nhớ quê hương mà chẳng thể trở về
Ngoài cửa sổ cây bạch dương biết thế
Trổ lên trời lặng lẽ đóa trăng quê...
*.
TRẦN ĐĂNG KHOA
LỜI BÌNH:
Ngôn ngữ của bài thơ đã cho ta hiểu được tài năng và sự kì khu nghiêm cẩn về sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Với tôi, vâng chỉ với tôi thôi, tôi coi đây là một bài thơ đẫm chất trữ tình nhất của nhà thơ. Rồi tôi bỗng nhớ đến sự tích của hai từ: Thôi Xao.
Giả Đảo một nhà sư và cũng là nhà thơ tài hoa đời Đường, vào một đêm trăng đến thăm nhà bạn. Dọc đường cảnh sinh tình ông đã nghĩ ra bài thơ sau này trở thành nổi tiếng vì sự tích Thôi Xao:
Điểu túc trì biên thọ.
Tăng thôi (xao) nguyệt hạ môn.
Độc hành đàm để ảnh,
Sác tức thụ biên thân.
Tạm dịch:
Chim đỗ cây bến nước,
Sư đẩy (gõ) cửa dưới trăng.
Mình đi bóng chiếu xuống,
Tựa cây mà thở than.
Giả Đảo cứ phân vân mãi không biết nên dùng từ nào Thôi (Đẩy) hay Xao (Gõ), rồi cứ đứng dưới trăng bên cạnh con lừa mà giơ tay như đẩy rồi như gõ. Hàn Dũ một nhà thơ tài hoa nhưng vì can vua nên bị phế cũng lang thang trong đời đi ngang qua thấy chuyện lạ lùng mới hỏi cớ làm sao thì Giả Đảo nói lên suy nghĩ của mình và được Hàn Dũ bảo dùng chữ XAO (Gõ) đúng hơn và câu thơ hoàn chỉnh “Sư gõ cửa dưới trăng”. Vâng nếu dùng chữ đẩy thì rất khiếm nhạ vì tự nhiên đẩy cửa vào nhà dù là bạn. Trước khi vào nhà nên gõ cửa đó là phép lịch sự tối thiểu. Thế mới biết người xưa kì khu và nghiêm cẩn trong ngôn ngữ thi ca biết chừng nào. Chính vì lẽ đó thơ Tứ Tuyệt và thơ Đường luật đã tồn tại trên 1500 năm và sẽ tồn tại mãi với thời gian.
Xin được quay lại bài thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài thơ ban đầu có tên là Đêm Nga, nhưng khi vào mạng và một số nhà thơ cop đăng giới thiệu bài thơ này thì nó lại là vô đề. Tôi nghĩ nên là bài thơ Vô Đề vì ngôn ngữ của bài thơ đã nói rất đủ đầy và hai từ ĐÊM NGA không còn là tên nữa và nó trở thành một chú thích rất vô nghĩa. 
Bài thơ chỉ 32 chữ thôi vì thế không thể có một chữ nào vô nghĩa kể cả tên bài. Ở đây ta đã cảm nhận được kỹ năng và thiên chức ngôn ngữ của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đạt đến độ thượng thừa. Mỗi chữ đều có chức năng của nó vì nó đều ẩn chứa một thông điệp để gửi đến cho người đọc.
Mở đầu là Đêm chỉ về thời gian, rồi đến Trắng tuy nó là sắc màu nhưng lại chỉ không gian vì đây là đêm của miền tuyết trắng cực Bắc, Lạnh chỉ về thời tiết. Một đêm lạnh ở vùng cực Bắc. Trong cái đêm trắng lạnh ấy có một người xa xứ không ngủ được vì nỗi nhớ quê hương. Chỉ mấy chữ sau đó thôi đã cho ta hiểu tâm trạng của nhà thơ. Không ngủ và nhớ quê nhưng lại bất lực dù nỗi nhớ dày vò hằng đêm mà vẫn chẳng thể trở về...
Sức nặng tâm trạng của thơ được đẩy cao hơn khi nỗi nhớ của nhà thơ đã lay động đến thiên nhiên mà ở đây là cây Bạch dương đứng ngoài cửa sổ. Cây Bạch dương đã cho ta hiểu thêm về không gian địa điểm vì nó là loài cây đặc trưng của nước Nga. Rất khó lí giải sự cảm thông, thấu hiểu, sẻ chia giữa thiên nhiên và con người. Có thật thế chăng cây bạch dương ngoài cửa sổ đã thấu hiểu hay chỉ là vì quá cô đơn nên nhà thơ đã nghĩ như thế. Không còn một sự sống nào xung quanh ngoài cây bạch dương nên nhà thơ đã lấy nó làm cứu cánh để giải thoát nỗi cô đơn, nỗi nhớ. Cây bạch dương đã trổ lên trời một đóa trăng quê lặng lẽ để an ủi, ôm ấp và che chở cho tâm hồn cô đơn của nhà thơ. Ta cứ nghĩ nếu cây Bạch dương trổ một bông hoa của nó thì vô nghĩa biết chừng nào...Bởi vì chỉ có đóa trăng quê lặng lẽ ấy mới tạo nên sự đồng vọng giữa nhà thơ với quê hương...
Chỉ 32 chữ thôi mà gửi đến cho ta như trùng trùng những thông điệp, sự giao thoa hòa quyện, thấu hiểu và sẻ chia của thiên nhiên, vũ trụ đối với con người, nhưng phải là con người có một sức sống nội tâm mạnh liệt, có một trái tim biết run rẩy, biết cảm thụ trước những rung động nhỏ nhặt nhất của thiên nhiên và vũ trụ.
Tất cả đã cho ta thấu hiểu cảm thông rồi chia sẻ với nỗi buồn, nỗi cô đơn của những con người xa xứ luôn cháy bỏng một tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc...như nhà thơ của chúng ta
Thời thơ ấu chỉ mấy năm thôi Trần Đăng Khoa đã có hai tập thơ. Nhưng càng về già ông hình như chững lại thơ ông ít xuất hiện. Sự chững lại ấy cũng nhắc tôi nhớ đến một bài thơ nữa của Giả Đảo và phải chăng những tâm hồn lớn thường gặp nhau trong cách cảm, cách nghĩ về thi ca. Tôi xin giới thiệu với các bạn bài thơ của Giả Đảo để hiểu thêm tâm thế của nhà thơ thân yêu Trần Đăng Khoa của chúng ta:
“Nhị cú tam niên đắc,
Ngâm thành son lệ lưu.
Tri âm như bất thưởng,
Qui ngọa cố sơn thu.”
Dưới đây là bản dịch của Hoài Nam Tử:
“Ba năm được hai câu,
Ngâm lên giọt lệ trào,
Tri âm bằng chẳng hiểu,
Về ẩn chốn non cao.”
Đọc những bài thơ Trần Đăng Khoa sáng tác ngắt quảng như: Ở nghĩa trang thành phố, Gưỉ bạn, Mascova mùa đông 90, ta đã thấy thơ ông đẫm đầy nước mắt. Những giọt nước mắt khóc thương những kiếp người và khóc thương nhân loại...Và phải chăng ông ít làm thơ vì “Tri âm bằng chẳng hiểu” như Giả Đảo đã sẻ chia. Có lẽ là thế, vì hiện nay một số người khi nói về thơ Trần Đăng Khoa họ chỉ nghĩ đến: Góc sân nhà em và Góc sân và khoảng trời. Họ thường quên đi hay cố tình quên đi những bài thơ ông sáng tác khi tuổi trưởng thành...Đó là cái bệnh mạn tính của các nhà thơ và các nhà phê bình...
Nhưng tôi rất rất vui vì thơ Trần Đăng Khoa vẫn được cộng đồng đón nhận rất hào hứng và nhiệt liệt. Khi tôi giới thiệu thơ ông trên trang tôi ít nhất cũng có vài trăm người yêu thích- Một con số mà nằm mơ tôi cũng không có được khi giới thiệu những bài thơ của các tác giả nổi tiếng khác.

Mời thư giãn với nhạc phẩm GIỮA MẠC TƯ KHOA NGHE CÂU HÒ
NGHỆ TĨNH của Trần Hoàn, qua tiếng hát Lê Sang:
           
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.                                         


.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 22.10.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại. 

0 comments:

Đăng nhận xét