(Nguồn ảnh: internet) |
CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG
*
Giọng cha thuốc lá
thuốc lào
Tiếng khàn tiếng
đục hanh hao gió mùa
Cũng thì bắt ốc mò
cua
Mà xưa mẹ hát bướm
đùa hoa bay.
Bỏ cày day cuốc
liền tay
Phồng kia chưa lặn
rộp này đã lên
Đường kim mũi chỉ
không quen
Nhìn con áo rách mà
len lén buồn.
Nghẹn ngào húp chén
canh suông
Nhớ mùi rau mít cá
chuồn mẹ đun
Trời không gió bấc
mưa phùn
Sao lòng thon thót
lạnh run thế này?
Ầu ơ ngơ ngác cạn
ngày
Con cò trắng lả
cánh bay qua chiều
Mịt mờ bóng mẹ
thương yêu
Tóc cha ngày một
thêm nhiều sợi mây...
Lộc chồi con chửa
xanh cây
Thương cha vàng lá
vơi đầy tuổi thu
Nắng đâu mà vén
sương mù
Cho người hong ấm
lời ru gió mùa?!
*.
NGUYỄN NGỌC HƯNG
(Tác giả Nguyễn Xuân Dương) |
LỜI BÌNH:
Tôi và các bạn đã được đọc rất nhiều bài thơ viết
về cảnh mẹ góa con côi, những bài thơ bao giờ cũng làm cho lòng ta nhỏ lệ. Còn
những bài thơ viết về cảnh người cha cô đơn gà trống nuôi con thì đây là lần
đầu tiên trong đời ta được đọc. Tất nhiên đã có rất nhiều bài viết về người cha
của các nhà thơ, thi sỹ xúc động lòng người nhưng hình như ở một hoàn cảnh
khác. Đó là sự mạnh mẽ bao dung và che chở của ngọn núi Thái Sơn. Về hình ảnh
người cha cũng lắm vất vả nhọc nhằn hai sương một nắng để nuôi vực một gia
đình. Còn với Lời ru gió mùa thì là một hình ảnh của người cha cô đơn đến tận
cùng khi nguồn nước của nghĩa mẹ đã cạn kiệt mất rồi. Thi ảnh của bài thơ được
tập trung khai thác lời ru của người cha thay cho lời ru người mẹ. Tiếng ru đó
cứ nghẹn tắc cứ đứt quãng giữa tháng ngày cô đơn buồn tủi:
Giọng cha thuốc lá
thuốc lào
Tiếng khàn tiếng
đục hanh hao gió mùa
Cũng thì bắt ốc mò
cua
Mà xưa mẹ hát bướm
đùa hoa bay.
Thay cho giọng ngọt ngào thơm nồng mùi trầu, thơm
nồng nghĩa tình của người mẹ giờ là cái giọng khàn giọng đục, chát khê của
thuốc lá thuốc lào. Cũng kể lể nỉ non học lời ru của người vợ năm nào nhưng ta
nghe như một tiếng nghẹn nấc. Cũng kể lể nọ kia nhưng trong giọng hát của mẹ
thì có bướm đùa hoa bay, còn trong giọng của cha chỉ thấy cái hanh hao của gió
mùa miền Trung khô cháy. Liệu với giọng ru như thế có làm yên giấc cho đứa con
thơ. Chỉ cần thế thôi ta mới thấm thía hết tình mẹ. Ta mới hiểu chẳng có gì ở
trên đời này có thể thay được lời ru của mẹ!
Bỏ cày day cuốc
liền tay
Phồng kia chưa lặn
rộp này đã lên
Đường kim mũi chỉ
không quen
Nhìn con áo rách mà
len lén buồn.
Cảnh gà trống nuôi con thật vô cùng cực nhọc.
Ngày xưa thì “Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Còn bây giờ chỉ một thân, một
mình thui thủi. Bỏ tay cày thì lại phải day tay cuốc chứ biết cậy ai bây giờ
khi người vợ đã bỏ bố con ông bơ vơ trên cõi đời này. Khi còn có mẹ người cha
xốc vác mạnh mẽ biết bao nhiêu giờ không còn mẹ nữa người cha trở nên mong manh
yếu đuối khổ cực biết chừng nào. Ngày xưa còn mẹ bàn tay cha đâu đến nỗi này.
Chỉ mấy câu thơ khắc họa người cha trong cảnh cô nam, Nguyễn Ngọc Hưng đã cho
ta hiểu thêm vai trò của người vợ, người mẹ Việt Nam lớn lao biết chừng nào.
Việc gì cũng đến tay người cha từ đường kim mũi chỉ vá lại manh áo rách cho con
cho mình sao vụng về thô ráp làm vậy. Đành vậy “Nhìn con áo rách mà len lén buồn”.
Lại chữ “len lén” nhẹ vậy sao ta thấy có vật gì đó nặng đến ngàn cân đè xuống
tim ta, đè xuống lòng ta. Chỉ dám len lén vụng trộm buồn một mình vì không thể
để đứa con thơ dại biết cha mình đang buồn lo cho cuộc sống của mình. Và cũng
chỉ biết len lén một mình vì biết ngỏ cùng ai:
Nghẹn ngào húp chén
canh suông
Nhớ mùi rau mít cá
chuồn mẹ đun
Trời không gió bấc
mưa phùn
Sao lòng thon thót
lạnh run thế này?
Sự thiếu vắng bàn tay chăm sóc của người vợ,
người mẹ đã được nhà thơ đẩy lên đến tận cùng. Có phải thế chăng mà tục ngữ đã
có câu “Sẩy cha ăn cơm cá, sẩy mẹ liếm lá ngoài đường”. Bữa ăn bây giờ người
cha chỉ có bát canh suông húp. Nhớ lắm bát canh chua cá chuồn cá quả mẹ nấu
ngày nào... Thiếu vắng người vợ người mẹ không chỉ thiếu bát canh, miếng cháo
ngọt lành mà còn thiếu hơi ấm của một gia đình luôn phả ra từ tình yêu thương
của người mẹ. Điều tài hoa và sức nặng trong thơ Nguyễn Ngọc Hưng cũng chính là
chỗ này đây. Thơ anh viết về người cha nhưng hình như đó chính là cái bệ phóng
tôn vinh người mẹ lên một tầm cao mới. Trời đất vẫn yên hàn nhưng không còn hơi
ấm phả ra từ người vợ, người mẹ ta thấy được cái mạnh mẽ khang cường của người
cha bay đi đâu mất chỉ còn lại sự yếu đuối cô đơn đến tận cùng khi Nguyễn Ngọc
Hưng buông vào đây câu thơ làm lạnh lòng cả thế gian này: ”Sao lòng thon thót
lạnh run thế này”:
Ầu ơ ngơ ngác cạn
ngày
Con cò trắng lả
cánh bay qua chiều
Mịt mờ bóng mẹ
thương yêu
Tóc cha ngày một
thêm nhiều sợi mây...
Không biết làm cách nào để ủ ấm đời con, ủ ấm đời
mình cha chỉ biết gửi vào tiếng ru. Nhưng tiếng ru dù cạn cả ngày thì vẫn vậy
thôi chẳng thể cải tạo được cảnh gà sống nuôi con. Lời ru của mẹ là "cánh
cò bay lả bay la". Còn lời ru của cha thì: “Con cò trắng lả cánh bay qua
chiều”. Cũng là chữ lả nhưng ở đây khác nhau một trời một vực vì nó ở hai thái
cực đã như đối lập. Chữ lả của mẹ chỉ về cái dịu dàng, là vẻ đẹp của cánh cò
bay trên đồng nội. Còn chữ lả của cha là sự mệt mỏi rũ rượi lả đi khi bay đã
trở nên yếu đuối như sắp tàn hơi. Nhìn theo cánh cò đang lả đi chỉ thấy mịt mờ
sương khói trong chiều buông. Sương khói ấy giờ đọng lại trên mái đầu cha mới
ngày nào còn mượt xanh dưới bàn tay mẹ gội trong những chiều mưa nhàn rỗi việc
ruộng đồng, giờ tóc cha đã thêm nhiều sợi mây. Câu thơ nhẹ vậy vẫn cứ gieo vào
lòng ta một nỗi buồn thương!
Lộc chồi con chửa
xanh cây
Thương cha vàng lá
vơi đầy tuổi thu
Nắng đâu mà vén
sương mù
Cho người hong ấm
lời ru gió mùa?!
Đọc khổ thơ này ta lại cảm nhận sâu sắc thêm sự
tài hoa của Nguyễn Ngọc Hưng khi dùng hình tượng đời lá, đời cây để chỉ đời
người. Con chửa lớn khôn chỉ là cái chồi non mới nhú mà sao đời cha đã vàng lá
rụng rơi. Thiếu mẹ cha khổ lắm, cô đơn lắm và yếu đuối lắm phải không cha? Cha
hãy trở lại là chính mình đi cha, hãy là hòn núi Thái cho con tựa vịn cho con
khôn lớn thành người. Phải chăng đó chính là lời đứa con muốn nhắn gửi cho
người cha dù biết rằng đất trời, cuộc đời không có nắng để vén sương sa gió
lạnh của đời mình. Thì cha hỡi hãy vì con mà đứng dậy để ở trên cao xanh kia mẹ
được an lòng. Hãy hâm nóng lời ru cha nhé. Con sẽ cảm nhận được hơi ấm từ lời
ru gió mùa của cha như lời ru của mẹ ngày nào...
Mời thư giãn với nhạc phẩm NỖI NHỚ MÙA ĐÔNG
của Phú Quang, qua tiếng hát Ngọc Tân:
*
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Email: nguyenxuanduong1940@gmail.com
Điện thoại: 037.224.23.92
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.11.2019.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét