“LAN MAN...” và LAN MAN
CÙNG ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
(Tác giả Đỗ Anh Tuyến) |
Khi đọc 2 bài thơ “Lan man và…”, sáng tác theo trường phái
siêu thực của Đặng Xuân Xuyến, tôi thấy “lạ” và thích nhưng không có ý định
viết lời bình. Chiều qua, 14 tháng 06 năm 2017, đọc bài tản văn Cú
điện thoại bình thơ của cùng tác giả Đặng Xuân Xuyến, tôi ôm bụng
cười khi đọc lời bàn rất vui của một “ông chú” về 2 bài thơ “Lan man
và...” này:
“- Thơ của cậu thế nào ý. Đấy đếch phải là thơ.
Kiểu như cái bài Lan man và chuyện đàn cừu, với bài Lan
man và chuyện thằng bạn. Đúng là lan man thật. Sao lại lôi con Cừu vào
thơ thế? Lại bình đẳng con Cừu với Con Người Việt Nam ta là thế nào? Cậu có
biết hình ảnh con Cừu trong biểu tượng văn hóa là tượng trưng cho điều gì
không? Là nô lệ! Là tầng lớp bị trị ngu đần và bạc nhược! Ở Việt Nam ta có Cừu
không? Có nhưng không nhiều, rất hiếm, vì đấy là hàng “nhập ngoại” nên không
thể là hình ảnh tượng trưng cho bất kỳ điều gì trong thực trạng văn hóa của
người Việt Nam cả. Cậu dùng hình ảnh con Trâu, con Bò hoặc con Chó, con Lợn,...
còn khả dĩ chấp nhận được phần nào... Đằng này lại là hình ảnh con Cừu. Hẳn cả
một đàn Cừu. Đấy. Phi thực tế như thế mà cũng đưa vào thơ được. Mà... Sao lại “bạn
rủ tôi về nhà nghe hát”? Sao không là bạn rủ tôi về nhà nghe nhạc cho nó
sát với thực tế, mà cũng đậm đà chất thơ? Lại còn nửa đêm sợ tiếng thạch sùng,
với những tiếng tờ lạch tạch? Rất yếu đuối, rất phi thực tế. Đàn
ông đàn ang, ai lại sợ những con vật nhỏ bé, yếu ớt như con thạch sùng, con
gián, con kiến? Đàn bà, con gái cũng không ai yếu đuối đến vậy. Đã thế, đêm hôm
không lo ngủ, hoặc lo bảo nhau làm mấy cái chuyện sung sướng lại dựng bạn dậy
để khoe nhiều tiền.... Kiểu... Rất chi là vô học. Ừ. Còn lan man, vô lý ở chỗ:
Đang tả bạn thờ thẫn, man dại vì thèm tiền lại nhảy sang tả khuôn mặt bạn người
chẳng ra người, ngợm chẳng ra ngợm với những khuôn nét vừa của thánh nhân, vừa
của quỷ dữ. Xong, chốt câu “Tôi đã từng sợ ma” để hạ màn. Vớ vẩn. Sao
lại sợ ma ở đây? Chả ăn nhập gì với nhau. Linh tinh. Dở oẹt. Tóm lại, đấy đếch
phải là thơ. Là tản mạn mấy tiếng thở dài của mấy thằng dở người nửa đêm nửa
hôm đếch biết làm gì nên rủ nhau làm mấy cái chuyện khác người, rõ ngớ
ngẩn.”
Tôi nghĩ chắc cũng không ít bạn đọc có suy nghĩ
giống “ông chú” nọ, vì thế, tôi cầm bút lan man đôi điều về “Lan man
và...” của Đặng Xuân Xuyến, góp thêm một tiếng nói về cách cảm nhận
khác như thế về thơ anh.
1.
Lan man và chuyện thằng bạn (Xem: lan
man và chuyện thằng bạn ) là bài thơ lạ, nhiều tâm trạng, viết theo
trường phái siêu thực mà lớp nhà thơ trẻ thường sử dụng khi muốn làm mới thơ.
Để cảm được bài thơ này, phải lý giải bằng trực giác, bằng cảm xúc mạnh của
nỗi lòng. Không thể giải thích thực tế bằng lối chú giải, phân tích tẩn mẩn, cụ
thể như cách cảm nhận của các nhà thơ thủ cựu. Nếu đọc và cảm Lan
man và chuyện thằng bạn theo cách thủ cựu thì bài thơ này sẽ “thật
vớ vẩn”, thậm chí có người sẽ nhăn mặt: Văn nhảm chứ thơ phú gì…..
Khung cảnh của bài thơ là nhà “thằng bạn”, với thời gian là cả ngày
và đêm nhưng cả bài thơ, ở cả 2 phân đoạn thời gian: ngày và đêm, đều được vẽ
bằng gam màu sắc u ám, lạnh lẽo, rờn rợn vì ám đầy
tử khí. Sự giả dối, thói tham lam và bản tính độc ác, đểu giả của “thằng bạn”
được bóc trần nhẹ nhàng, từ từ khi thời gian còn là ban ngày (khổ thơ I), nhưng
khi thời gian đã chuyển sang đêm tối (khổ thơ II) thì cái mặt nạ của “thằng
bạn” đã bị lột huỵch toẹt, trắng phớ, bằng những câu tưởng chẳng ăn nhập
với cái hành động cũng tưởng như ngớ ngẩn của “thằng bạn”:
Đêm.
Bạn dựng tôi dậy khoe tiền nhiều
Lôi từ gầm giường những tờ tiền đỏ như rưới máu
Tôi không hỏi tiền nhiều từ đâu
Bạn tránh nhắc từ đâu tiền nhiều
Chỉ cần hình ảnh “thằng bạn” với “những tờ tiền đỏ như rưới máu”
đã đủ để vạch trần tất cả: Đó là những đồng tiền dơ bẩn, những đồng tiền tội ác
mà “thằng bạn” đã cướp giật từ những người lương thiện, nó thấm đẫm mồ
hôi, nước mắt và thậm chí cả máu, cả tính mạng của người lương thiện. Có lẽ vì
quá hiểu nguồn gốc của những đồng tiền tội ác đó nên “tôi”, nhà thơ,
không hỏi “tiền nhiều từ đâu”, nhưng “bạn” vì nghĩ “tôi”
ngờ nghệch, không biết nên tảng lờ, “tránh nhắc từ đâu tiền nhiều”.
Giọng thơ cứ cà tang, cà tang, tưng tửng, tưng tửng mà kỳ thực lại rất tỉnh,
rất lạnh, điểm suốt câu chuyện.
Bóng đêm thường đi liền với tội ác vì bóng đêm và
tội ác là cặp bài trùng. Và trong bóng đêm, bộ mặt, bản chất của “thằng bạn”
hiện lên thật rõ nét, vì “thằng bạn” với bóng đêm cũng chính là một cặp
bài trùng. Hình ảnh “thằng bạn” lần nữa được nhà thơ đặc tả thật ti
tiện, đáng sợ:
Cẩn thận
Vuốt vuốt những tờ tiền
Mắt lim dim
Bạn thả hồn vào khoảng không tối lịm
Và, trong cái “Quánh đêm” “Rờn rợn” “tối lịm” ấy, khuôn
mặt “thằng bạn” sau khi bị tróc bỏ hết lớp “sơn” đã hiện ra rõ nét là kẻ
giả tạo và độc ác: Khuôn mặt bạn/ Vời vợi của thánh nhân/ Ma lanh của
ác quỷ.
Đến đây, người đọc chắc chắn sẽ nhận ra chân tướng “thằng bạn” của
nhà thơ là ai, là người thế nào.
2.
Lan man và chuyện đàn cừu (Xem: lan man và
chuyện đàn cừu) cũng viết theo trường
phái siêu thực, khước từ sự chú giải, phân tích theo lối thủ cựu:
Tôi đặt cược đời mình
Bằng nụ cười nhếch mép
Bằng vòm ngực lép kẹp
Bằng căn phòng mốc meo ướt nhép
Bằng cót két tiếng giường ọp ẹp
Bằng cả tiếng ngủ mơ chóp chép...
Tôi kỳ vọng quá nhiều!
Tôi đặt cược quá nhiều!
Hình như...
Đây là tứ thơ mới nhưng nếu cảm theo cách cảm xưa cũ thì rất dễ đưa ra lời
phán: - Nhảm! Viết ba lăng nhăng! Nhưng rõ ràng đây là phân cảnh,
là tâm thức, tâm trạng của những con người thuộc tầng lớp lao động, thuộc lớp
dưới nhưng lại chiếm số đông trong xã hội, vất vả, cơ cực mà vẫn phải chịu cảnh
đói nghèo, lam lũ. Với khát khao, mơ ước tương lai được tươi sáng, tốt đẹp hơn,
“tôi” - nhà thơ, và số đông trong xã hội - đã không ngừng phấn đấu,
không ngừng tin tưởng, để rồi “tôi” phải cay đắng thốt lên: “Hình như”...
Câu “hình như...” nghe chua xót, tắc nghẹn nơi cuống họng làm tái tê,
rức buốt nỗi lòng.
Nếu ở Lan man và chuyện thằng bạn là giọng thơ tưng tửng nhưng lạnh mà tỉnh thì ở Lan man và
chuyện đàn cừu lại là giọng thơ trầm buồn, day dứt.
Nhà thơ tiếp tục câu chuyện của mình nhưng lại “lan man” sang chuyện
khác, chuyện của đàn cừu:
Đàn cừu
Ngoài kia...
Cấu trúc bài thơ thay đổi.
Cấu trúc đoạn thơ cũng thay đổi:
Con đầu đàn vừa bị hóa kiếp
Cả đàn chết khiếp
Lẩy bẩy
Chen đẩy
Vào chuồng
Ông chủ oang oang
Bà chủ nhẹ nhàng
Đàn cừu
Im lặng
Cúi xuống
Nhai...
Cách ngắt câu thành nhiều nhịp để diễn tả sát từng cung bậc tâm trạng:
khiếp sợ, cam chịu,... của “đàn cừu”, tượng trưng cho những kẻ bị thống trị,
cùng với cách sử dụng ngôn ngữ “cũ mới nương nhau”, đã đẩy bài thơ lên
tầm cao.
Thật đúng như lời nhà thơ, chủ bút trang Văn Đàn
Việt, cũng là người mà nhà thơ Đặng Xuân Xuyến đề tặng bài thơ, đã viết trên
trang facebook: “Tứ thơ mới. Cấu trúc mới. Ngôn ngữ mới cũ nương nhau, sắt
đanh nghe chan chát, âm âm chất thời sự! Chúc mừng tác giả!”
*.
Trên đây là những cảm nhận cá nhân của tôi về 2 bài thơ “Lan man và…”,
sáng tác theo trường phái siêu thực của Đặng Xuân Xuyến.
Viết bài “Lan man...” và lan man cùng
Đặng Xuân Xuyến, tôi muốn góp thêm một cách cảm thơ khác với cách cảm
nhận của “ông chú” nọ về 2 bài thơ “Lan man và…” của Đặng Xuân
Xuyến, nên có điều gì sơ xuất, hoặc không đúng, không vừa ý, Đỗ Anh Tuyến tôi
rất mong nhận được sự lượng thứ của quý bạn đọc.
-------------
MỜI
NHẤP CHUỘT ĐỌC THÊM:
*.
Thanh Nê, chiều 15 tháng 06.2017
ĐỖ ANH TUYẾN
Địa chỉ: Khu Cộng Hòa, thị trấn Thanh Nê,
huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình
Email: dovantuyenbk@yahoo.com.vn
.
...................................................................................................................
- © Tác giả giữ bản quyền.
- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 16.06.2017
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
0 comments:
Đăng nhận xét