LUẬN BÀN VỀ SAO THÁI ÂM - Tác giả: Đào Anh Dũng (Hưng Yên)

Leave a Comment

 

LUẬN BÀN VỀ SAO

THÁI ÂM

*

Tử vi đẩu số Toàn thư khi luận về sao Thái Âm bao giờ cũng dựa trên 3 cơ sở:

Đứng đúng chỗ hay không? Miếu hay hãm địa?

Sinh ban ngày hay ban đêm?

Sinh vào thượng tuần, trung tuần hay hạ tuần trong tháng?

Thái Âm đóng Hợi Tí Sửu tốt nhất; Thân Dậu Tuất thứ nhì; ở Dần Mão Thìn thì gọi là thất huy (mất vẻ sáng); ở Tỵ Ngọ Mùi là lạc hãm. Trong chỗ tốt nhất thì Hợi tốt hơn cả, cổ nhân đặt thành cách: “Nguyệt lãng thiên môn”

Sinh ban ngày hay ban đêm chia theo 2 nhóm giờ như sau:

Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi.

Thân, Dậu, Tuất, Hợi, Tí, Sửu.

Về thượng tuần hay hạ tuần thì từ 1 đến rằm là thượng tuần, từ 16 đến ba mươi là hạ tuần. Thượng tuần Mặt Trăng mỗi ngày mỗi tròn. Hạ tuần Mặt Trăng mỗi ngày mỗi khuyết. Tròn tốt, khuyết xấu. Người sinh hôm rằm trăng tròn tới cực điểm lại không đẹp bằng người sinh ngày 13, 14.

Về Thái Âm trong những câu luận đáng có một câu đáng chú ý là: “Thái Âm tại Mệnh Thân cung tuỳ nương cải giá” – nghĩa là bỏ chồng về nhà mẹ đẻ? Điều này không phải cứ Thái Âm là áp dụng. Còn phải tuỳ Thái Âm có rơi vào hãm địa không đã. Nếu Thái Âm ở Tỵ, lại sinh vào hạ tuần mà sinh vào ban ngày nữa thì lời luận đoán trên rất đúng về cái việc “tuỳ nương cải giá”, còn thêm sát tinh phụ hội thì lại càng đúng hơn, nhất là Hoả Tinh.

Cổ nhân còn viết: “Thái Âm thủ Mệnh bất lợi cho những người thân thuộc về phái nữ, vào số trai mẹ mất sớm, về cuối đời goá vợ, xa chị em gái; vào số gái cũng thế, ngoài ra còn ảnh hưởng đến cả bản thân nữa”. Điều này cũng chỉ có thể áp dụng qua tình trạng Thái Âm lạc hãm, sinh thượng tuần, hạ tuần và sinh ban ngày ban đêm. Thái Âm vào cung Thân, ảnh hưởng còn nghiêm trọng hơn so với Thái Âm đóng Mệnh. Với trường hợp Thái Âm tại Tỵ mà gặp Thái Dương Thiên Lương ở Dậu, rồi bên cạnh Thái Âm còn gặp sát tinh hội tụ nữa, ảnh hưởng nặng nề hẳn

Với thời đại ngày nay, chuyện “tuỳ nương cải giá” không như ngày xưa nên khi nói về hậu quả của sự việc ấy phải rộng rãi hơn, nhiều hướng và nhiều ý nghĩa khác nữa. Nguyên tắc của Tử Vi sao hay có cặp đôi thấy Thái Âm thì trước tiên hãy xem thế đứng của Thái Dương.

Trong bản số chỉ có 2 cung Thái Dương, Thái Âm đứng một chỗ là Sửu và Mùi. Nếu tốt cả hai cùng tốt, mà xấu thì cả hai cùng xấu. Các sao đi cặp, hễ các sao xung chiếu bị ảnh hưởng tốt xấu đều phản xạ qua sao bên kia.

 

Nhật Nguyệt ở Sửu Mùi thì ở Mùi tốt hơn ở Sửu

Tại sao? Vì Thái Dương ảnh hưởng mạnh hơn Thái Âm mà Mùi cung thì Thái Dương không bị “thất huy” như ở Sửu mới có sức trợ giúp Thái Âm. Cho nên Nhật Nguyệt ở Sửu, cuộc đời khó hiển đạt và lên xuống thất thường, còn Nhật Nguyệt ở Mùi thì an định hơn.

Nhật Nguyệt đồng cung mang nhiều khuyết điểm, vì cổ ca viết: Nhật Nguyệt thủ bất như chiếu hội, tịnh minh nghĩa là, Nhật Nguyệt đóng Mệnh không bằng chiếu Mệnh hoặc đứng hai chỗ cùng sáng như Thái Âm Hợi, Thái Dương Mão hoặc Thái Âm Tuất, Thái Dương Thìn.

Phú nói:

Nhật Nguyệt Mệnh Thân cư Sửu Mùi/ Tam phương vô cát phản vi hung.

Vậy thì cách Nhật Nguyệt Sửu Mùi cần những sao tốt khác trợ lực mới đáng kể.

 

Thái Âm gặp Cự Môn Hoá Kỵ bị nhiều phiền luỵ

Như trường hợp Mệnh Vô Chính Diệu gặp Nhật đóng ở cung Thân, Nguyệt đóng ở cung Ngọ thì lúc ấy bên cạnh Nhật có Cự mà lại thêm Kỵ thì phá mất cái tốt của việc hợp chiếu. Thái Âm cũng không ưa Thiên Lương, trong trường hợp Thái Âm đóng ở Tỵ mà Dương Lương từ Dậu chiếu sang thường đưa đến tình trạng vợ chồng ly tán. Trường hợp Mệnh Cự Môn, Thái Dương mà cung Phu Thê có Đồng Âm gặp Hoá Kỵ duyên cũng khó bền.

Về Thái Âm cổ nhân còn tìm thấy cách “Minh châu xuất hải” (hòn ngọc sáng rực ngoài biển khơi). Cách này đòi hỏi Mệnh Vô Chính Diệu tại Mùi, Thái Âm đóng Hợi, Thái Dương đóng Mão. Sách viết: “Nhật Mão Nguyệt Hợi Mệnh Mùi cung. Minh châu xuất hải vị tam công” (Thái Dương Mão, Thái Âm Mùi, Mệnh lập Mùi là cách minh châu xuất hải chức vị cao, quyền thế). Nhưng cách “Minh châu xuất hải” vẫn phải cần Tả Hữu đứng cùng Nhật Nguyệt mới toàn bích, thiếu Tả Hữu mà gặp thêm hung sát tinh thì chỉ bình thường.

Luận về Thái Dương Thái Âm còn phải chú ý đến các cách giáp Mệnh

Như Thiên Phủ thủ Mệnh ở Sửu, Nguyệt tại Dần, Nhật tại Tí; Thiên Phủ Mùi, Nguyệt ở Thân, Nhật giáp từ cung Ngọ.

Rồi đến Nhật Nguyệt hiệp Mệnh như Tham Vũ ở Sửu và Mùi. Tham Vũ Sửu thì Thái Âm Tí, Thái Dương Dần. Tham Vũ Mùi thì Thái Âm Ngọ, Thái Dương Thân. Mệnh lập Sửu vẫn tốt hơn Mệnh lập Mùi. Hiệp với giáp vào cung vợ chồng không mấy tốt, nếu kèm theo hung sát tinh đưa đến tình trạng hôn nhân có biến.

Trường hợp Thiên Phủ ở cái thế kho lủng, kho rỗng, kho lộ mà giáp hiệp càng gây khó khăn hơn. Thái Âm là âm thủy chủ về điền sản, tiền bạc.

Thái Âm thủ Mệnh nữ hay nam đều có khuynh hướng về hưởng thụ công việc gì cần nhẫn nại gian khổ không thể giao cho người Thái Âm. Thái Âm vào nữ mạng sinh ban đêm là người đàn bà có nhan sắc, có cả Xương Khúc nữa càng mặn mà. Thái Âm trên khả năng thông tuệ nhưng lại thiếu nhẫn nại để mà học cao đến mức hiển đạt vì học vấn.

Thái Âm hãm độc tọa thủ Mệnh vào nam mạng vào nội tâm đa nghi. Vì Thái Âm chủ về điền sản nên đắc địa vào cung điền trạch rất tốt. Thái Âm đắc địa thủ Mệnh số trai dễ gần cận phái nữ không ồn ào mà âm thầm nhưng khi thành gia thất rồi, vợ nắm quyền.

Thái Âm nữ mạng đắc địa, đa tình lãng mạng, thiện lương nhưng thiếu chủ kiến, có tâm sự u uẩn phải bộc bạch ra mới yên, với bản chất quý thủy (nước trong) nên bao giờ cũng thích làm dáng, ăn ngon mặc đẹp.

Thái Âm hãm thủ Mệnh lại đứng cùng Văn Khúc hãm nữa chỉ thành tựu như một nghệ nhân tầm thường với cuộc sống phiêu bạt, kiếm chẳng đủ miệng ăn. Tử Vi Đẩu Số Toàn Thư còn ghi một câu: Thái Âm cư Tí, thủy chừng quế ngạc, Bính Đinh nhân dạ sinh phú quí trung lương (Thái Âm đóng Tí như giọt sương mai đọng trên hoa quế, người tuổi Bính Đinh sinh vào ban đêm giàu sang, tâm địa trung lương vì tuổi Bính tuổi Đinh đều có gặp Lộc Quyền hay Lộc Tồn mà nên vậy)

 

Sau đây là những câu phú liên quan đến Thái Âm

Nguyệt Diệu Thiên Lương nữ dâm bằng

(Thái Âm gặp Thiên Lương đàn bà đa dâm và nghèo. Câu này chỉ vào trường hợp Thái Âm ở Mão hay Tỵ, hội chiếu Thiên Lương từ Mùi hoặc Dậu, Thái Âm hãm mới kể)

Nữ mệnh dung nhan mỹ tú, ái ngộ Nguyệt Lương

(Người đàn bà có nhan sắc là bởi Thái Âm, Thiên Lương. Về nhan sắc thì Thái Âm hãm hay đắc địa như nhau, duy Thái Âm đắc địa dung nhan phúc hậu hơn)

Nữ mệnh kị Nguyệt ngộ Đà

(Đàn bà rất kị Thái Âm gặp Đà La. Tại sao? Vì ưa loạn dâm. Thái Âm vốn dĩ đa tình lại có Đà La tượng trưng sinh thực khí của đàn bà tức kể như nữ tính quá phần mạnh mà loạn)

Nguyệt tại Hợi cung minh châu xuất hải tu cần, Quyền Kỵ Khúc Xương hạn đáo

(Nguyệt ở Hợi là cách minh châu xuất hải, để phấn phát còn cần gặp vận Khúc Xương Quyền Kỵ)

Âm Dương lạc hãm tu cần Không diệu tối kị sát tinh

(Âm Dương đứng không đúng chỗ cần gặp Tuần Triệt, Địa Không ngại gặp sát tinh hãm hại)

Thái Âm Dương Đà tất chủ nhân ly tài tán

(Sao Thái Âm gặp Kình Dương Đà La thì nhân ly tài tán. Đây là nói về Thái Âm hãm thôi)

Âm Tang Hồng Nhẫn Kỵ Riêu, tân liên hàm tiếu, hạn phùng Xương Vũ dâm tứ xuân tình liên xuất phát.

(Thái Âm có Hồng Loan, Kình Dương, Riêu Kỵ người đàn bà đẹp như đoá sen mới nở, nhưng hạn gặp Văn Xương, Văn Khúc tất sa ngã vì tình)

Thanh kỳ Ngọc Thỏ tuy lạc hãm nhi bất bần

(Mệnh có sao Thái Âm dù không đắc địa, không bao giờ túng quẫn)

Âm Dương lạc hãm gia Hình Kỵ Phu Thê ly biệt

(Cung phối Nhật hay Nguyệt hãm mà thêm Hình Kỵ vợ chồng không sống đời với nhau)

Nguyệt phùng Đà Kỵ Hổ Tang, thân mẫu thần trái nan toàn thọ mệnh

(Thái Âm gặp Đà La, Hóa Kỵ, Tang Hổ thì mẹ mất sớm)

Thái Âm đồng Văn Khúc ư Thê cung thiềm cung triết quế

(Thê cung có Thái Âm đứng cùng Văn Khúc như lên cung trăng bẻ cành quế, lấy vợ đẹp và giàu sang. Nếu là Phu cung thì không được như vậy, tuy vẫn gọi là tốt)

Duyên lành phò mã ngôi cao

Thái Âm đắc địa đóng vào Thê cung

Vợ giàu của cải vô ngần

Thái Âm phùng Khúc Lộc Ấn Mã đồng

Âm Dương Tuần Triệt tại tiền

Mẹ cha định đã chơi tiên chưa nào

(Phải Âm Dương đắc địa mới kể)

Âm Dương hội chiếu Mệnh Quan

Quyền cao chức trọng mới đàng hanh thông.

Nguyệt miếu vượng trùng phùng Xương Khúc

Việt Khôi Hóa Quyền Lộc Đào Hồng

Thiên Hỉ, Tả Hữu song song

Giàu sang hổ dễ ai hòng giám tranh

Thái Âm lạc hãm phải lo

Kỵ lâm thường thấy tay vò đăm chiêu

Nguyệt gặp Long Trì ở cùng

Tuy xấu nhưng cũng được phần ấm thân

Thiên Cơ với Nguyệt cùng ngồi

Ở cung hãm địa ấy người dâm bôn

(Cơ và Thái Âm ở Dần, đẹp nhưng lãng mạn)

Về hai sao Thái Dương và Thái Âm còn có một luận đoán đáng kể mà không thấy ở các sách Tử Vi chính thống như sau:

Nam mạng Thái Âm thủ Mệnh trên cử chỉ thái độ hao hao như nữ tử, trái lại nữ mạng Thái Dương thủ thì tính quyết liệt, động tĩnh nhiều nét nam tử

Nam mạng Thái Dương thường xung động Thái Âm ở cung đối chiếu thường có khuynh hướng tà dâm, đổi lại nữ mạng Thái Âm thủ xung động Thái Dương thường là thủy tính dương hoa (lẳng,lãng mạn) nhiều ít cũng còn phải tùy thuộc cung Phúc Đức. Nam mạng Thái Âm thủ ưa thân cận với nữ phái, ngược lại nữ mạng Thái Dương thủ thích giao du với nam phái.

--------------

Mời nhấp chuột đọc thêm:

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2016/05/14-chinh-tinh-trong-la-so-nhung-ieu-bi.html

http://dangxuanxuyen.blogspot.com/2015/08/vi-tri-nhat-nguyet-tren-la-so-phan-1.html

https://dangxuanxuyen.blogspot.com/2016/11/kien-thuc-ve-tu-vi-sao-thai-am-tac-gia.html

*

ĐÀO ANH DŨNG

Địa chỉ: Thị tứ Phùng Hưng, xã Phùng Hưng,

huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Email: anhdungdao131@yahoo.com.vn

 

 

 

...............................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản của tác giả gửi qua email ngày 17.07.2019

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..

.

0 comments:

Đăng nhận xét