ĐỌC ‘TÂM
THÀNH LỄ BẠC’
CỦA NHÀ THƠ
NGUYỄN PHÚC VĨNH BA
*
(Tác giả Châu Thạch) |
Nhà thơ Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, một cây bút thuộc bậc thượng thừa thành phố Huế, chuyên về
lối văn Biền Ngẫu, là lối văn có cấu trúc văn chương cổ xưa, trong đó lấy đối
làm nguyên tắc cơ bản, tạo cho lời văn sự nhịp nhàng cân đối.
Theo nghĩa chữ Hán, “Biền” là hai con ngựa chạy
song song với nhau, “Ngẫu” là chẳn đôi. Biền ngẫu là cách nói hiện tượng hóa,
chỉ những thể văn trong đó có các câu sóng đôi đối nhau từng cặp, có vần điệu
hài hòa,sử dụng điển tích, từ ngữ xúc tích.
Nhà thơ
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, người chúng tôi thường gọi là Mệ, vì họ Vĩnh Phúc
cúa ông thuộc hoàng tộc triều Nguyễn. Nhà thơ đã xuất bản một tập sách trong đó
bao gồm các bài cáo, phú, hịch, văn tế, văn bía, viết theo cấu trúc văn chương
biền ngẫu, lấy tựa đề sách là “Tâm Thành Lễ Bạc”
Châu Thạch tôi, thật tình dốt về các thể văn nầy,
nhưng khi đọc sách của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, cảm nhận được đây là một tập sách
rất có giá trị văn học, cần cho thế hê bây giờ và mai sau, nên cao hứng phải
viết về nó, như con dế nằm trong cỏ thấy
ngôi sao lóe sáng trên bầu trời thì gáy vậy.
Trước khi đi vào sách nầy ta cần có khái niệm về
các thể văn biền ngẫu, hầu tác động trí tò mò muốn đọc cúa ta. Tôi tra cứu trên
google và tạm định nghĩa ngắn gọn như sau:
Văn Cáo: Cáo là một thể
văn thư có cội nguồn từ thời xa xưa, nhà vua dùng để ban bố cho thần dân nhằm trình bày chủ trương, công bố kết quả một
sự nghiệp. Sau nầy đổi tên gọi thành chiếu, chiếu chỉ.
Văn Phú: Phú là một thể
văn chương cổ của Việt Nam, xuất phát từ Trung Hoa. Đây là một thể văn vần
có từ thời nhà Hán,
nhưng thể phú thông dụng nhất tại Việt Nam là loại đặt ra từ đời nhà Đường,
nên còn gọi là Đường phú. Những thể khác ít dùng.
Văn Hịch: Hịch là thể văn nghị luận
thời xưa, thường được vua
chúa, tướng lĩnh viết ra một phong trào dùng để cổ động, thuyết phục hoặc kêu
gọi đấu tranh chống thù trong giặc ngoài. Hịch có kết cấu chặt chẽ, có lý lẽ
sắc bén, có dẫn chứng thuyết phục. Đặc điểm nổi bật của hịch là khích lệ tình
cảm, tinh thần người nghe. Hịch thường được viết theo thể văn biền ngẫu
(từng cặp câu cân xứng với nhau).
Văn Tế: Thời xưa, trong
thủ tục tế lễ trời đất, núi sông thường có bài văn cầu chúc. Về sau, khi chôn cất
người thân người ta cũng dùng văn tế để tưởng nhớ người đã mất. Cùng với sự
phát triển của xã hội, nội dung văn tế cũng ngày một phong phú thêm. Đó là sự
uất ức về cảnh nước mất nhà tan, xót thương cho những người dám hi sinh vì
nghĩa lớn, lên án bất công như Văn tế nghĩa sĩ
Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu,
Văn tế đồng bào chết vì nạn bão lụt ở Nghệ - Tĩnh của Phan Bội Châu...;
hay bộc lộ nỗi đau thương có pha lẫn tiếng cười trong Văn tế sống vợ của Trần Tế Xương,
mỉa mai giễu cợt trong Văn tế thuốc phiện, Văn tế xôi thịt của tác giả khuyết
danh, châm biếm và đả kích trong Văn tế Cutxô của Nguyễn Văn Từ, văn tế Nguyễn
Du của Kha Tiệm Ly đoạt giải nhất toàn quốc vừa qua.
Văn bia: Văn bia là một loại thư tịch, có niên đại rõ
ràng, có giá trị như những tác phẩm văn học, nghệ thuật, chứa đựng hệ thống
thông tin nhiều mặt về lịch sử, kinh tế, xã hội... đương thời, không chỉ có giá
trị trong quá khứ mà còn cả trong hiện tại. Văn bia (Bi văn) là từ dùng để chỉ
bài văn khắc trên bia đá.
Tập sách “Tâm Thành Lễ Bạc” của Nguyễn Phúc
Vĩnh Ba có 17 bài văn, trong đó gồm có 1
bài cáo, 1 bài hịch, 2 văn bia, 9 văn tế, 3 bài phú và 1 điếu văn. Theo nhận
định của nhà văn Nguyễn Văn Uông thì “văn phong trang trọng, chỉnh tề, đúng vần
luật . Đọc qua một lần nghe nhạc điệu
biền ngẫu râm rang hùng tráng; đọc lại thấy tư tưởng phấn chấn rộn ràng như những hồi kèn xung
trận. Thật là một dụng công hiếm có”.
Vì thể văn
cáo, Phủ, tế… nầy rất dài nên tôi chỉ xin trích ra đây một đôi câu đầu
bài văn để chúng ta có ý niệm về bút pháp của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba mà thôi:
“Vua một nước lưu đày vì nước, khổ ấy là vinh
Người hai quê khoắc khoải nhớ
quê, chết mà như sống
Việc bôn tẩu mưu đồ diệt tặc,
dân còn ghi khắc cốt tâm mình
Chuyện bại hư hữu chi vô thời,
sử đã chép công bình chính thống”
(Văn tế vua Hàm Nghi)
“Hỡi ơi!
Trời còn nổi gió hướng Nam
Đất đà khóc người xứ Bắc
Những tưởng xông xáo trường văn
trận bút, cho thỏa lòng mong muốn thuở: Tiếng ta còn
Ai hay vắng hoe gò trống đồi
hoang, mà thắt ruột đau một đời: Tiên sinh mất
Con trẻ Tạo sao quá đành hanh?
Lão già Thiên lẽ nào quá quắt!”
(Văn Tế Nam Phong Chủ Bút) tức cụ Phạm Quỳnh
“Khéo thay
Rồng đã hết hạn
Rắn đã tới phiên
Rồng bay trên cao, bay bổng tời
xanh, lộn ngược lộn xuôi, thế cũng có ngày cong đuôi chạy
Rắn bò dưới thấp, bò lê đất đỏ,
quẳn qua quẳn lại, ai ngờ gặp buổi ngẩn đầu lên
Sự thế đổi thay, âu cũng là
điều tất yếu
Việc đời biến hóa, chẳng qua
vốn lẽ đương nhiên.
(Quy Tỵ Tân Niên Phú)
Qua một vài câu văn mở đầu trên, ta thấy lời văn
biền ngẫu của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba thật là giản dị, dân dã mà xúc tích, hàm chứa
trọn vẹn ý tứ, cũng như đối ngẫu nhẹ nhàng, thanh thoát. Còn về sự sâu nhiệm
thì nhà văn Nguyễn Văn Uông đã viết trong lời bạt như sau:
“Đọc Tâm Tình Lễ Bạc của Nguyễn Phúc Vĩnh Ba, người đọc cảm khái được
cái hào sảng đong đầy từng câu chữ, khơi dậy hào khí dân tộc qua những thăng
trầm lịch sử”
“Một tập
sách gắn bó với tình tự dân tộc như thê xuất hiện trong gia đoạn “Cái học nhà
nho đã hỏng rồi”. Một “tấm lòng” với dân với nước cần được nhìn nhận như một
cống hiến đáng trân trọng, cổ xúy”
Nhà thơ ZuLu DC, một cây bút bình luận văn thơ có
uy tín ở hải ngoại đã nhận định như sau:
“Công phu
và tâm huyết lắm bạn ta. Một chi tiết rất quan trọng, đó là cách gieo vận trong
văn biền ngẫu, văn biền ngẫu thường là độc vận, nó chứng tỏ khả năng, bản lãnh
và trí tuệ của người sáng tác, về mặt này, hiện nay chưa có tác giả nào qua mặt
Nguyễn Phúc Vĩnh Ba! Một điều cần nêu rõ
là, từng chi tiết trong bài viết của Mệ là chính xác, không hư cấu, hứng tình
viết bừa bãi, theo cảm tính của nhiều tác giả xử dung biền ngẫu gần với thơ tự
do!”
Nhà thơ Kha Tiệm Ly. Người vừa đoạt giải nhất
tòan quốc năm 2020 trong cuộc thi viết văn tế Nguyễn Du đã viết: “Tôi nể phục anh Nguyễn Phúc Vĩnh Ba về tài
năng lẫn đức độ.”
Nhà thơ Lang Trương, cây bút viết phú, viết văn
tế đầy uy tín, được mến mộ hiện nay đã viết về Nguyễn Phúc Vĩnh Ba như sau:
“Anh Nguyen Phuc Vinh
Ba là hậu duệ đời thứ 06 của Đức Thế Tổ Cao Hoàng Đế Gia Long. Anh
là nhà giáo đầy tài năng và tâm đức được các đồng nghiệp kính trọng. Trong anh
vẫn chảy dòng máu cao quý của dòng dõi vương giả. Tôi thực sự ngưỡng mộ, kính
trọng anh về nhân cách và tài năng. Tâm Thành Lễ Bạc là tuyển tập những bài văn
biền ngẫu theo thể Phú Đường Luật Độc Vận, một thể văn cổ rất khó viết, đòi hỏi
tác giả phải có tâm, tầm và vốn liếng ngôn ngữ phong phú, khoáng đạt. Tuy tập
sách in kiểu nhà nghèo chỉ dành tặng bạn bè nhưng là ấn phẩm rất có giá trị văn
học. Tôi học hỏi được nhiều điều từ các bài viết của anh. Kính.”
Châu Thạch trân trọng giới thiệu cùng quý thân
hữu và bạn đọc tập sách có giá trị nầy.
Ước mong sách sẽ đi vào lòng người và nhà trường để những gia trị văn chương
văn hóa dân tộc còn tồn tại mãi mãi trong thế hệ hậu sinh ./.
*.
CHÂU THẠCH (Trương Văn Trạn)
Địa chỉ: 75 Phan Kế Bính, Đà Nẵng.
ĐT: 0929128967 - 05113894610
Email: truongvantran@hotmail.com
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 06.07.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân
Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét