PHẬN CON DÂN - Tạp văn Dương Quốc Việt (Hà Nội)

Leave a Comment

PHẬN CON DÂN
*
(Tác giả Dương Quốc Việt)
Trong cuộc tồn sinh hàng nghìn đời nay, ngoài việc phải chống chọi với thiên tai, địch họa đã đành, những kiếp người “thấp cổ bé họng”, còn phải hứng chịu biết bao tủi nhục gây ra bởi bọn tham quan. Nếu gặp thể chế có vua sáng, tôi hiền thì còn “có làm có hưởng”, được chở che, những khi tai ương, dịch bệnh, hay được pháp luật bảo vệ, cản ngăn kẻ khác uy hiếp. Bằng không gặp phải “thời mạt”, thể chế suy đồi, vua chẳng ra vua, quan tham cướp bóc…, thì tai họa thật khôn lường. Dẫu vậy, kiếp “vạn đại” này, lại vừa sinh, lại vừa diệt mọi thực thể, mọi triều đại, mọi thể chế, để sinh sôi nảy nở, sáng tạo ra biết bao nền văn hóa.
Cha ông ta có câu: “Quan nhất thời, dân vạn đại”, để nhắc nhở con người ta bao đời. Ấy vậy, mà có mấy kẻ làm quan thấu được. Nhất là đang lúc gặp thời- “tiền hô hậu ủng”, kẻ nịnh nọt, xu thời vây bám. Đa phần trong số họ, phải gặp cảnh “thất cơ lỡ vận”, xuống làm thường dân, họa chăng mới nhớ ra cái điều cha ông răn dạy này. Rồi còn biết bao kẻ dựa vào sức dân, mà làm nên cơ nghiệp, thậm chí hiển hách, nhưng kết cục lại trở thành những kẻ lừa dối dân, bóc lột dân đến tận xương tủy. Chuyện “phản dân, hại nước” thì nhiều đến vô kể, ở mọi thời đại.
Nhưng lòng dân thật bao la rộng lượng đến vô cùng! Kẻ có xấu đến mấy, mà biết “quay đầu là bờ”, ăn năn-hối cải, dân vẫn sẵn sàng tha thứ. Đã thế dân còn có đức nhẫn nhịn-mềm mỏng-khép mình. Kẻ làm quan mà bị dân phản kháng cũng là vạn bất đắc dĩ, chỉ trừ khi họ bị đẩy vào “bước đường cùng”, như “con giun xéo mãi cũng quằn”. Lòng dân là vậy, nhưng làm mất lòng tin của dân, thì thật khó bề lấy lại!
Rồi công to việc lớn, cái gì cũng phải dựa vào sức dân. Quốc gia-lãnh thổ được gìn giữ, cũng đều nhờ cậy vào sự hy sinh xương máu vô điều kiện của dân mà thành. Và hơn tất cả, chính nhân dân đã tạo lập nên những thực thể, mang cái thiên chức-quyết định sự tồn vong của thế giới loài người. Rằng họ mới đích thực là những chủ nhân thực sự của hành tinh này. Và nhờ những chủ nhân này, nên những kiếp “phù du, ký sinh”, mới có chỗ “ăn nhờ-ở đậu”, mà  có cơ tồn tại.
Người ta đã ví phận con dân, cũng không khác gì phận cây cỏ. Một chức phận thật cao cả! Bởi thế, thay cho nhiều điều còn muốn nói về thân phận này, xin được kết thúc bài viết, qua những vần thơ dưới đây.
PHẬN CỎ CÂY

Sống giữa đất trời
Nắng lửa bão giông
Ta gồng mình chống chọi
Thân cỏ cây
Khỏi bị đốt thiêu
Gió thổi bốn mùa
Khiến thân ta
Lắt lay nghiêng ngả
Đêm khuya mịt mùng
Bao tiếng thở than
Khiến lệ ta rơi
Kết thành những giọt sương vạn thuở

Chiến trận bao đời
Vó ngựa phi
Bánh xe lăn
Những gót chân
Hung tàn giày xéo
Đâu chỉ can qua
Thái bình kiếp nạn
Đất bằng sóng nổi
Máu chảy lệ rơi
Thân rơm nhuộm đỏ
Khiến cỏ cây
Đêm vắng khóc thầm

Đâu chỉ chịu khổ đau
Khi lũ người chiến trận
Thấu chăng những phút giây
Kẻ chiến thắng
Hò reo trên quảng trường
Khiến cỏ hoa nhàu nát
Không gian sinh tồn
Bị tổn hao
Dành chỗ cho những tượng đài
Phận cỏ cây
Ta chỉ biết nép mình
Âm thầm trong ai oán

Thân rơm cỏ
Ta phủ xanh những nấm mồ
Kẻ chiến bại-người chiến thắng
Hằng đêm lệ tuôn rơi
Khóc cho bao mảnh đời oan nghiệt
Ta nuôi lũ các người
Bầu sữa mẹ có khi nào ngưng nghỉ
Gồng mình hứng chịu khổ đau
Những mưu toan muôn thuở
Bởi những kẻ bất kham gieo gió
Vậy sao nghìn đời nay
Ta vẫn cứ thứ tha

Hỡi các người
Dẫu thành quách nguy nga
Cũng có ngày sụp đổ
Dưới chân ta
Dẫu ngươi có là ai
Kẻ được lũ người kia
Phong thánh phong thần
Liệu có thoát khỏi màu xanh che phủ
Ta là chủ nhân-tạo hóa gửi trao
Muôn thuở địa cầu
Ta trường tồn nuôi màu xanh vĩnh cửu
Còn lũ các người sẽ lần lượt ra đi!
*
DƯƠNG QUỐC VIỆT
Địa chỉ:  Ngách 31/2 phố Phan Đình Giót,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: duongquocviet@fmail.vnn.vn
.





....................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 01.07.2020.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.    

0 comments:

Đăng nhận xét