NHỮNG LƯỠNG QUỐC TƯỚNG QUÂN TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment
(Tướng Nguyễn Sơn)
NHỮNG LƯỠNG QUỐC TƯỚNG QUÂN
TRONG CHIẾN TRANH VIỆT NAM
*
"Lưỡng quốc tướng quân" - nghĩa là tướng quân ở hai nước, xưa nay tích này vốn chỉ ở trong truyện tàu. Nhưng những tình cờ lịch sử đã khiến cho ngay trong thế kỷ 20, Việt Nam ta lại có ba ông tướng phục vụ cho bốn đất nước và đều đeo lon tướng.

I. NGUYỄN SƠN - HỒNG THỦY
Thật ra Nguyễn Sơn là tên bí danh khi hoạt động cách mạng, tên thật của ông là Vũ Nguyên , sinh ngày 1 tháng 10 năm 1908 tại làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Cha ông là ông Vũ Trường Xương, một nhà tư sản ở Hà , từ nhỏ ông học tiếng , năm 14 tuổi vào học trường sư phạm Hà Nội và hình như có tố chất từ nhỏ, Nguyễn Sơn trở thành thủ lĩnh cầm đầu học sinh hai trường Sư Phạm và trường Bảo Hộ đi đánh nhau với đám học sinh tại các trường Pháp (trường Pháp là trường dành cho con cái những người mang quốc tịch Pháp, trong đó có nhiều người Việt Nam chuyển sang quốc tịch Pháp). Năm 17 tuổi, cha mẹ cưới vợ cho ông nhưng sau đó ông gặp được Ba Thu tức Nguyễn Công Thu, một trong những học trò đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc cử về Việt Nam để tập hợp những thanh niên có hoài bão giải phóng dân tộc, đem sang Quảng Châu học tập. Nguyễn Sơn quyết định viết giấy thôi vợ, để lại con gái mới 6 tháng tuổi lên đường đi Trung Quốc. Tại Quảng Châu, ông học cùng lớp với những Nguyễn Thị Minh Khai, Phạm Văn Đồng, Trần Phú, Lý Tự Trọng (lớp này về sau chết sạch, còn mỗi bác Đồng sống thọ nhất).
Năm 1925, Nguyễn Sơn được cử đi học khóa sĩ quan ở trường võ bị Hoàng Phố, bạn cùng lớp của Lê Hồng Phong, Lê Thiết Hùng và Phùng Chí Kiên, ông Hùng và ông Kiên sau này là những chỉ huy đầu tiên của Cứu Quốc Quân. Trong thời gian này, cùng với Lê Thiết Hùng, Nguyễn Sơn gia nhập Quốc Dân Đảng. Năm 1927, Quốc - Cộng phân liệt, Tưởng Giới Thạch bắt đầu đàn áp những người cộng sản, Nguyễn Sơn tách ra, đi theo Đảng Cộng Sản còn Lê Thiết Hùng tiếp tục ở lại Quốc Dân Đảng đến tận năm 1933, nhưng thực chất là làm gián điệp, buôn vũ khí và đôi lúc còn đánh tháo tù nhân cho phe Cộng Sản. Tháng 12 năm 1927, Nguyễn Sơn tham gia Khởi nghĩa Quảng Châu, gia nhập Đoàn giáo đạo 4, Phương diện quân số 2 do Diệp Kiếm Anh chỉ huy. Sau ba ngày chiến đấu, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị lộ là đảng viên cộng sản. Để tránh khủng bố trắng, ông phải rời Quảng Châu sang Thái Lan và tổ chức Việt kiều tham gia cách mạng. Năm 1928 ông trở lại Trung Quốc, tham gia Hồng quân Công Nông. Năm 1929, ông giữ chức vụ chính trị viên đại đội trong Trung đoàn 47, chỉ huy đại đội đánh nhiều trận ở Đông Giang. Trong thời gian này ông lấy bí danh là Hồng Thủy. Ông là sĩ quan người nước ngoài duy nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, từng làm Chính ủy trung đoàn, Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 34 thuộc Quân đoàn 12 Hồng quân Trung Quốc. Do có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và trình độ lý luận, ông được điều động đến giảng dạy tại Trường Quân sự Chính trị Trung ương của Hồng quân mới được thành lập ở Thụy Kim. Cuối năm 1932 ông còn tham gia thành lập đoàn kịch đầu tiên của Hồng quân công nông và làm Đoàn trưởng. Do đường lối tả khuynh thắng thế trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, trong thời kỳ 1933-1938 ông đã từng ba lần bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc, rồi lại được phục hồi đảng tịch.
Tháng 10 năm 1934, ông tham dự cuộc Vạn lý Trường chinh. Thời gian này, ông bị Trương Quốc Đào vu cáo là "gián điệp quốc tế", bị khai trừ khỏi Đảng và suýt bị giết hại. Ông may mắn được Chu Đức và Lưu Bá Thừa che chở nên thoát nạn. Trên đường đi, Nguyễn Sơn còn bị ốm nặng phải nằm lại dưỡng bệnh, rồi khi bình phục, ông phải một mình đuổi theo đoàn quân. Có lúc bị lạc đường, phải giả câm, vào vai thằng ngớ ngẩn để xin tá túc ở chỗ người dân tộc (người dân tộc thời này lại thù Cộng Sản, sơ hở là chúng cắt cổ). Cuối cùng, tháng 12 năm 1935, Hồng Thủy cũng về đến chiến khu Diên An, khi đến nơi, râu ria xồm xoàm, quần áo rách rưới và chỉ cân nặng đúng ... 37 kg, toàn thể đồng đội cũ khoing ai nhận ra ông. Mãi đến khi hoàn tất thẩm tra người ta mới tin là thật. Nguyễn Sơn là người Việt Nam duy nhất đã đi hết cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân (thật ra còn một đồng chí nữa quê Long An có tham gia vạn lý trường chinh, nhưng sau đó bị ốm nặng phải quay ngược lại nơi xuất phát nên không tính).
Tháng 7 năm 1937, bắt đầu thời kỳ chiến tranh chống Nhật, ông theo Tổng tư lệnh Chu Đức cùng Sư đoàn 115 Bát Lộ Quân vượt sông Hoàng Hà đến Sơn Tây lập căn cứ chống Nhật ở Ngũ Đài sơn. Tại Ngũ Đài sơn, năm 1938 ông đã gặp và kết hôn với bà Trần Kiếm Qua, (tên thật là Trần Ngọc Anh, tên Kiếm Qua do chính ông gợi ý đổi cho bà). Ông bà sinh được hai người con trai, đặt tên là Hàn Phong và Tiểu Việt. Nguyễn Sơn là người cương trực, thẳng thắn, đấy là phẩm chất đáng quý ở một người lính, nhưng đôi khi cũng mang lại cho ông rắc rối: Cũng trong năm 1938, Nguyễn Sơn đã đứng ra tố cao Diêm Tích Sơn, một quân phiệt ở vùng Sơn Tây, Sơn Nguyễn tố Sơn Diêm là loại cơ hội, hai mặt (à, mà thật ra là 3 mặt): Diêm Tích Sơn là tướng của Quốc Dân Đảng nhưng lại ngầm ủng hộ Đảng Cộng Sản, lại còn cộng tác với cả quân Nhật, nói cách khác là phe nào Diêm cũng chơi. Lúc bấy giờ thế lực của Đảng Cộng Sản còn yếu nên có người không muốn làm mất lòng Diêm Tích Sơn, thế nên họ xúm nhau trù dập Nguyễn Sơn, ông bị khai trừ đảng và chuyển sang Quân Chính. Thế nhưng các đồng chí của ông không để yên, họ bênh vực đòi trả lại công bằng cho ông, cuối năm đó ông được phục hồi Đảng tịch và mọi chức vụ cũ. Còn phần Diêm Tích Sơn sau này thì đã lộ rõ thái độ: Sau năm 1945, Diêm Tích Sơn trở nên nổi tiếng nhờ khả năng chiêu hàng những đơn vị quân đội cũ của Nhật, thậm chí Diêm còn có trò tước khí giới quân Nhật buổi sáng (cho đại diện Anh – Mỹ chứng kiến) nhưng trả lại vũ khí buổi tối. Sau này người ta còn phát hiện ra Diêm từng hô biến cả một tiểu đoàn quân Nhật thành đơn vị … lao công vệ sinh đường sắt.
Đến năm 1945, theo đề nghị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hồng Thủy – Nguyễn Sơn lên đường về Việt Nam chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, từ đây ông mới lấy tên là Nguyễn Sơn (còn tên ở Trung Quốc là Hồng Thủy). Năm 1947, ông được tin bà Trần Kiếm Qua và hai con trai của ông chết do bị máy bay Quốc Dân Đảng oanh tạc khi sơ tán khỏi Diên An. Ông cưới bà Huỳnh Thị Đổi. Hai người sinh được cô con gái Nguyễn Mai Lâm, do nhiều nguyên nhân hai người đã chia tay. Cũng trong năm này, ông kết hôn với bà Lê Hằng Huân và lần lượt có bốn người con với bà: Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Cương, Nguyễn Việt Hồng và Nguyễn Việt Hằng. Năm 1948, ông được Nhà nước Việt Nam phong quân hàm thiếu tướng trong đợt phong quân hàm đầu tiên. Cùng được phong thiếu tướng trong đợt này có 8 quân nhân khác. Theo giai thoại lưu truyền, khi biết mình chỉ được phong thiếu tướng, ông tỏ vẻ không hài lòng và không muốn nhận. Ông gửi công văn hỏa tốc cho Hồ Chí Minh để từ chối nhận quân hàm. Nhận được công văn, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lên tấm các của mình: "Gửi Sơn đệ" với 12 chữ Hán: "Tâm dục tế, Đảm dục đại, Trí dục viên, Hành dục phương (đại ý: Người làm tướng phải có cái tâm nên tế nhị, chính chắn; cái gan cần phải lớn; cái trí phải suy nghĩ trước sau, toàn diện; cái đức hạnh, hành động phải đầy đủ, ngay thẳng, cương trực) khiến ông chấp nhận. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thạch thay mặt Chính phủ vào Thanh Hóa làm lễ tấn phong ông (trong khi những ông tướng khác phải về chiến khu nhận quân hàm). Do tình hình của cuộc kháng chiến chống Pháp cũng như tình hình quân đội lúc bấy giờ (quân đội chủ yếu là đánh du kích, trang bị, khí tài còn kém, trong khi Nguyễn Sơn muốn xây dựng lực lượng quân đội chính quy, quy mô tác chiến lớn nên "va chạm" với không ít người) thế nên năm 1950 Nguyễn Sơn xin được trở lại Trung Quốc và được chấp nhận. Tại Trung Quốc, ông làm Cục phó Cục Điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân Giải phóng Nhân dân. Được xem là một trong 72 đại công thần, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm thiếu tướng. Ông cũng được chính phủ Trung Quốc tặng Huân chương Giải phóng hạng nhất. Ông được mệnh danh là Lưỡng quốc tướng quân, là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia độc lập.
Khi về lại Trung Quốc, ông mang theo cả gia đình Việt Nam của mình (bà Lê Hằng Huân cùng các con). Trớ trêu thay, khi sang đến Trung Quốc mới phát hiện là bà Trần Kiếm Qua cùng hai con trai ông vẫn còn sống và hiện đang ở Bắc Kinh. Thế chẳng đặng đừng, bà Trần Kiếm Qua đành cùng với hai con trai lớn ở riêng, dù tình cảm giữa bà và gia đình sau vẫn tốt đẹp. Sau 6 năm trên nước bạn, đến năm 1956 tướng Nguyễn Sơn bị phát hiện có khối u ở phổi, khi vào bệnh viện mổ thì khối u đã di căn quá nặng, không thể cứu được nữa. Nguyễn Sơn bèn đề đạt nguyện vọng lên quân ủy Trung Quốc, ngày 27 tháng 9 năm 1956, Nguyễn Sơn và gia đình lên tàu hỏa về Việt Nam, ra tận nhà ga tiễn ông còn có hai nguyên soái Bành Đức Hoài và Diệp Kiếm Anh cùng đông đảo bạn bè, đồng chí, học trò ... Thủ tướng Chu Ân Lai cho riêng gia đình ông 3 vạn nhân dân tệ, ban đầu Nguyễn Sơn không nhận nhưng Chu Ân Lai cho người đến nói rằng đấy là lệnh, buộc phải nhận. Số tiền ấy quy ra tiền Việt có thể mua được 4 căn nhà ở Hà Nội lúc bấy giờ, về sau trước khi mất Nguyễn Sơn dặn bà Huân trao lại hết cho chính phủ Việt Nam, với lời dặn: Đời tôi chiến đấu cho dân tộc, cho lý tưởng chứ không vì đồng bạc nào cả! - Ngày 30/9/1956, Nguyễn Sơn mất ở Hà Nội, đến năm 1998, bà Trần Kiếm Qua và hai con trai sang Việt Nam thăm mộ chồng và đoàn tụ với gia đình Việt Nam của ông. Các con Việt Nam của tướng Nguyễn Sơn vẫn gọi bà Trần Kiếm Qua là mẹ, bà mất vào tháng 1/2013, thọ 99 tuổi. Sinh thời bà Trần Kiếm Qua có xuất bản cuốn hồi ký Hoàng Hà luyến, Hồng Hà tình kể về những kỷ niệm của bà với tướng Nguyễn Sơn, cuốn này có dịch qua tiếng Việt với tựa đề Hoàng Hà nhớ, Hồng Hà thương.

II. NGUYỄN VĂN HINH
Nguyễn Văn Hinh được nhiều người viết quân sử Việt Nam Cộng Hòa gọi là cha đẻ của quân đội Quốc Gia Việt Nam, tiền thân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa sau này. Ông Nguyễn Văn Hinh là con trai của ông Nguyễn Văn Tâm, một nhà giáo quê gốc Tây Ninh, sau chuyển ngạch làm viên chức, từng làm chủ quận Cai Lậy thuộc Tiền Giang ngày nay, được dân Cai Lậy nhớ mặt đặt tên, chết danh với biệt hiệu: Cọp Cai Lậy. Tại sao một nhà giáo có biệt danh này? - Theo tài liệu còn lưu lại, năm 1940, khi khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, Nguyễn Văn Tâm khi đó là chủ quận Cai Lậy, lúc Việt Minh đánh chiếm huyện lỵ, ông Tâm không bỏ nhiệm sở mà ở lại bình tĩnh bàn giao sổ sách, lương thực rạch ròi, rõ ràng. Rồi mấy hôm sau, khi nhận được viện quân từ Sài Gòn xuống, từ Cần Thơ lên ông cho ruồng bố sạch sẽ phe nổi dậy và tra khảo rất ác, từ đó mà chết danh Cọp Cai Lậy.
Ông Tâm cũng có tiếng về tính cách nguyên tắc đến máy móc. Năm 1938, Mariani là một quan chức người Pháp đi từ Sài Gòn xuống Cai Lậy, xin mượn chiếc ghe gắn máy đuôi tôm để đi thăm ruộng ở kinh Tổng đốc Lộc. Thân mật đến mức ông Tâm chìa cho ông Mariani xem bức ảnh của tướng Nguyễn Văn Hinh (con trai ông Tâm) lúc ấy đang theo học tại trường võ bị tại Pháp, nhưng về việc cho mượn ghe máy, mặc dù ông Tâm cũng cùng đi chơi trên ghe này, nhưng ông Tâm vẫn bắt “quan Pháp” phải ký vào biên bản mượn tài sản công.
Tháng 9 năm 1945, sau khi Việt Minh giành lại chính quyền từ tay người Pháp, ông bị tổ chức Thanh niên tiền phong của Việt Minh bắt ở Chợ Đệm, bị chặt ngón tay giữa và bị tống giam. Nhưng sau đó, quân Pháp nổ súng chiếm lại Sài Gòn. Ông Tâm được quân Pháp cứu ra trong một trận tảo thanh do đại tá Massu chỉ huy vào tháng 9 năm 1945. Ông lại được người Pháp sử dụng và giao cho cai quản quận cũ Cai Lậy. Năm 1950, ông Tâm được trao chức Tổng giám đốc công an Sài Gòn. Ngày 21/1/1951, Bảo Đại giải tán chính phủ, ủy nhiệm ông Trần Văn Hữu lập chính phủ mới. Ông Tâm được giao kiêm nhiệm, cùng với chức Bộ trưởng An ninh. Ông được bổ làm Thủ hiến Bắc Việt thay ông Nguyễn Hữu Trí của đảng Đại Việt vào tháng 12 năm 1951. Đó là một quyết định tranh cãi bởi ông Tâm là người miền nam. Tuy nhiên, Quốc trưởng Bảo Đại giải thích lý do của ông là "để tỏ là vua cầm quyền bính" và "để chứng minh sự thống nhất ba kỳ", và ông Tâm đã tỏ ra thành công trong nhiệm vụ này.
Về phần con trai ông Tâm, Nguyễn Văn Hinh, sinh năm 1903, có quốc tịch Pháp, theo học trường Pháp từ nhỏ, đến khi xong tú tài toàn phần thì Nguyễn Văn Hinh xin nhập ngũ vào quân đội Pháp và được cử sang Pháp học trường không quân Salon de Provence và ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Khi thế chiến thứ 2 nổ ra, Nguyễn Văn Hinh theo phe Nước Pháp Tự Do của De Gaule và chiến đấu chống phát xít tại , Bắc Phi. Trong thời kháng chiến của nước Pháp, ông được tuyên dương cấp quân đội hai lần và được tặng thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bắc Đẩu Bội Tinh và còn được tặng thưởng Air Medal của Lục Quân Hoa Kỳ. Sau chiến tranh, ông tiếp tục chinh chiến ở các thuộc địa Pháp trên khắp thế giới cho đến tháng 3 năm 1948 thì hồi hương với cấp bậc Đại úy và làm sĩ quan tùy viên cho thủ tướng Nguyễn Văn Xuân của Quốc Gia Việt Nam khi đó mới thành lập. Giữa năm 1950, ông được thăng cấp Thiếu tá, chuyển công tác sang giữ chức vụ Tổng thư ký thường trực Quốc phòng. Đầu năm 1951 ông được thăng cấp Trung tá. Tháng 3 cùng năm ông được cử giữ chức Chánh Võ phòng của Quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt. Trung tuần tháng 12 cuối năm, trong chức vụ Chánh Võ phòng, ông được cử làm Tổng Chỉ huy cuộc duyệt binh tại Hà Nội. Đây là nhiệm vụ cuối cùng của Nguyễn Văn Hinh trên cương vị quân nhân của quân đội Pháp, sau đó ông chuyển công tác sang Quân đội Quốc Gia Việt Nam.
Đầu năm 1952 ông được thăng cấp Đại tá. Tháng 3 cùng năm ông được thăng cấp Thiếu tướng và được Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1953 ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm. Giai đoạn 1952 - 1953 là quãng thời gian vinh hiển của hai cha con Nguyễn Văn Tâm - Nguyễn Văn khi cha làm thủ tướng còn con trai làm tới tham mưu trưởng quân đội. Do ở Pháp nhiều năm và chịu ảnh hưởng nặng nề của Pháp (tướng Nguyễn Văn Hinh có vợ đầu là người Pháp, con gái của Jean Letourneau, một luật sư - chính trị gia nổi tiếng của Pháp), lại có vóc dáng cao lớn, trắng trẻo nên người đương thời kháo nhau là "ông tướng" nói tiếng Pháp còn sõi hơn tiếng Việt. Hình ảnh ông tướng đeo kính không quân, lướt trên chiếc motor Sachs là một hình ảnh "chất chơi" bậc nhất Sài Gòn thời đó.
Sang năm 1953, tình hình Quốc gia Việt Nam có nhiều biến động, Sau thất bại ở Điện Biên Phủ (1954), Chính quyền và Quân đội Liên hiệp Pháp phải tập kết về miền Nam. Các Lực lượng Quân sự Pháp phải rút về nước và bàn giao lại Chính quyền cho Chính phủ Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Với sự ủng hộ của người Mỹ, Thủ tướng Diệm đã lần lượt thay thế các sĩ quan trung thành với mình vào các vị trí chỉ huy, tìm cách tước dần ảnh hưởng của tướng Nguyễn Văn Hinh, được cho là chịu ảnh hưởng quá nhiều của người Pháp. Đầu tháng 9 năm 1954 Thủ tướng Diệm ra quyết định cử ông sang Pháp công cán trong 6 tháng để nghiên cứu việc cải tổ và canh tân quân đội, một động thái được cho là đẩy ông ra khỏi vị trí Tổng Tham mưu trưởng. Trước tình hình đó, với những lực lượng quân đội trung thành còn lại, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng quân sự của các giáo phái, tướng Hinh đã dự tính làm đảo chính vào ngày 20 tháng 9 để nắm lại chính quyền. Tuy nhiên, do sự can thiệp của người Mỹ cùng sự thờ ơ của người Pháp, tướng Hinh buộc phải từ bỏ ý định. Mỹ tung tiền cho chính quyền Ngô Đình Diệm mua chuộc các thủ lĩnh quân sự của các giáo phái như Trình Minh Thế, Nguyễn Thành Phương, Pháp chuyển giao 2 tiểu đoàn lính Nùng cho Ngô Đình Diệm, đồng thời người Pháp cũng tìm cách giữ chân Bảo Đại ở lại Pháp càng lâu càng tốt. Đến ngày 29/11/1954, ông nhận được lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại, giao chức vụ Tổng Tham mưu trưởng cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ (ông này về sau cũng bị lật, phải lưu vong sang Pháp, chỉ được về nước sau khi anh em Ngô Đình Diệm đã bị lật đổ) và sang Pháp để "trình diện Quốc trưởng". Ngay lúc đó, Thủ tướng Diệm đã bổ nhiệm Thiếu tướng Lê Văn Tỵ vào chức vụ Tổng Tham mưu trưởng và lần lượt tiêu diệt các phe phái đối lập, giành được Chính quyền. Một năm sau đó, Thủ tướng Diệm tuyên bố phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống của Quốc gia Việt Nam Cộng hòa mới được thành lập.
Trung tuần tháng 11 năm 1954 ông Nguyễn Văn Hinh trở về Pháp, định cư tại Paris. Sau đó ông lại được tái ngũ trong Quân đội Pháp với cấp bậc Trung tá Không quân, bằng với cấp bậc của ông trước khi chuyển sang Quân đội Quốc Gia. Năm 1960, ông được thăng cấp Đại tá và được cử làm Chỉ huy trưởng một căn cứ Không quân ở Algerie, tham chiến tại đây trong suốt năm 1961, được phong Bắc đẩu bội tinh Đệ Tam. Năm 1962 ông được thăng cấp Chuẩn tướng không quân, đến năm 1964 ông được thăng cấp Thiếu tướng (Général de corps aérien) được cử giữ chức vụ Tham mưu phó trong Bộ Tư lệnh Không quân Pháp cho đến khi về hưu vào năm 1970. Trước đây nhiều bài viết nói rằng ông được thăng thiếu tướng rồi trung tướng không quân Pháp là không chính xác, vì hệ thống quân hàm các nước phương tây khác với hệ thống quân hàm Việt Nam. Ở phương tây, 1 sao chưa phải là tướng thật sự, nôm na là "dự bị lên tướng", 2 sao mới tính là thiếu tướng, còn Việt Nam thì 1 sao đã tương đương thiếu tướng rồi nên mới có nhầm lẫn như trên. Năm 1993, ông Nguyễn Văn Tâm, cha ông mất tại Paris thọ 97 tuổi, đến ngày 26 tháng 6 năm 2004, ông Hinh mất tại nơi định cư, hưởng thọ 89 tuổi. Nguyễn Văn Hinh là trường hợp thứ hai được giới nghiên cứu đặt là Lưỡng quốc tướng quân.

III. NGUYỄN CHẤN Á
So với hai người ở trên thì người thứ 3 này ít người biết, lý do là vì ông ta đã thuộc về quân đội của một quốc gia không còn hiện hữu và sau khi mãn hạn tù cải tạo ông Nguyễn Chấn Á không chọn con đường ra nước ngoài mà chịu ở lại Việt Nam và bặt vô âm tín suốt nhiều năm.
Hồ sơ của của ông ghi lại rằng Nguyễn Chấn Á sinh năm 1922, tại Chợ trong một gia đình gốc Hoa đã định cư ở Việt Nam mấy đời. Ông học hết bậc thành chung thì gia nhập quân đội viễn chinh Pháp, được đi học ở trường sĩ quan thuộc địa vào năm 1942, ra trường năm 1943 với cấp bậc Chuẩn Úy Trung Đội Trưởng. Cuối năm 1944, quân Nhật tiến hành đảo chính ở Đông Dương, hất cẳng người Pháp, Nguyễn Chấn Á lúc bấy giờ đang đóng quân ở vùng trung du bắc bộ đã cùng với đơn vị của mình tìm đường chạy sang biên giới, tổ chức lực lượng kháng chiến dựa vào chính quyền Trung Hoa Dân Quốc tiến hành chiến tranh du kích dọc biên giới Việt - Trung. Vốn có gốc người Hoa, Nguyễn Chấn Á được các chỉ huy quân đội Quốc Dân Đảng khi đó tín nhiệm tin dùng nên thăng tiến nhanh. Sau năm 1945, các lực lượng kháng chiến Pháp đã quay về Đông Dương thì ông Á quyết định gia nhập quân đội Quốc Dân Đảng.
Từ năm 1945 đến 1949, Nguyễn Chấn Á chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Trung Hoa Dân Quốc chống lại Hồng quân Trung Hoa. Sau khi Quốc Dân Đảng thất bại trong cuộc nội chiến phải chạy ra Đài Loan, không hiểu bằng một cách nào đó, Nguyễn Chấn Á vẫn chạy ra đảo được và sau đó liên tục thăng tiến trong quân đội, từ Trung úy thằng đại úy, thiếu tá, trung tá, đại tá và cuối cùng lên đến Thiếu tướng vào năm 1959, tức là thăng đến 5 cấp chỉ sau 10 năm chạy ra đảo. Đến năm 1960, sau khi các kênh ngoại giao của người Mỹ đánh tiếng, tướng Nguyễn Chấn Á xin hồi hương và được phía Đài Loan chấp nhận. Trở về Sài Gòn, tổng thống Ngô Đình Diệm mời ông gia nhập quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cho giữ nguyên cấp Thiếu tướng và cử ông làm việc trong Bộ tổng tham mưu.
Năm 1966, ông được cử làm Giám đốc Cục An Ninh Quân đội thay thế Đại tá Nguyễn Ngọc Loan. Đến cuối năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao Cục An ninh Quân đội lại cho Đại tá Vũ Đức Nhuận. Sau đó, ông được chuyển về phục vụ trong Tổng cục Chiến tranh Chính trị. Đầu năm 1972, ông được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Binh chủng Quân cảnh. Sang đầu năm 1974, ông được cử giữ chức vụ Cố vấn Tổng cục Chiến tranh Chính trị và giữ chức vụ này từ đó đến ngày 30/04/1975.
Sau ngày 30/4, ông không di tản ra nước ngoài mà ra trình diện ủy ban quân quản. Cùng với 30 tướng lĩnh cao cấp khác của quân đội còn bị kẹt lại, ông lần lượt đi cải tạo qua các trại Quang Trung (Sài Gòn) rồi ra tuốt Hoàng Liên Sơn. Đến năm 1988, ông được mãn hạn cải tạo và trở về với gia đình ở Sài Gòn. Trong số 31 tướng lĩnh đi cải tạo thì một số bệnh chết trong trại, một số được tha về trong các năm 1985 - 1988, chỉ còn 13 người là ở lâu nhất, đến tận năm 1995. Trong đó có 12 ông là những người "cứng đầu" nhất, ông thứ 13 không mang quân hàm nhưng cũng được gọi là tướng, tướng cướp Lê Ngọc Lâm, tức Lâm Chín Ngón lừng danh. Sang những năm 90, ông có suất đi định cư Mỹ theo diện H.O nhưng khác với phần lớn các đồng đội, ông và cả gia đình không đi định cư mà chọn ở lại Việt Nam. Những năm tháng còn lại, ông sống khép mình, hầu như không giao thiệp với ai, kể cả đồng đội, bạn bè cũ nên gần như không ai biết tin tức gì. Theo các thông tin chưa được kiểm chứng thì ông Nguyễn Chấn Á đã mất vào năm 1998, đám tang tổ chức giản đơn, gọn nhẹ.
*
TÁC GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)





- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)
.

0 comments:

Đăng nhận xét