Truyện ma - truyện liêu trai: CƯỚI VỢ ÂM PHỦ - Nhiều Tác Giả

Leave a Comment

CƯỚI VỢ ÂM PHỦ

* 

CHIẾC PHONG CẦM BÊN NHÀ THỜ CỔ

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Nơi tôi ở trọ gần một nhà thờ. Mỗi buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi thường ngồi ở ghế xích đu trước hiên nhà, nhìn thiên hạ đi lễ và chờ đợi tiếng chuông vang lên báo hiệu buổi lễ tối bắt đầu. Không hiểu sao tiếng chuông kia quyến rũ tôi rất nhiều. Như con chó của Pavlov đã có phản ứng ứa nước miếng mỗi khi nghe tiếng chuông rung dù không có miếng thịt trước mặt, tâm hồn tôi cũng có phản ứng khát khao mãnh liệt một đức tin mỗi khi nghe chuông nhà thờ đổ, dù tôi không phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo.

Buổi chiều nay trời quá nóng. Bữa ăn chiều xong đã lâu. Ngồi đợi mãi vẫn chẳng thấy các con chiên đi lễ và cũng chẳng nghe tiếng chuông đổ, tôi uể oải đi ra biển hóng gió. Con đường dẫn ra biển phải đi vòng phía sau nhà thờ và ngang qua những dãy nhà lá chất đầy những chiếc rổ nhỏ được người lớn, trẻ em đua nhau đan, để bán cho các nhà thầu buôn cá hấp đem lên các tỉnh ở miền cao nguyên. Vượt qua một cồn cát đầy những cây xương rồng hoa nở đỏ ối, tôi đối diện ngay với mặt biển xanh thẩm. Lẫn trong ngọn gió mát từ ngoài khơi thổi vào, thỉnh thoảng có mùi tanh nồng của những con cá óc nóc nằm chết trên bờ gần mé nước. Tôi tiếp tục đi bộ thẳng xuống nơi có miếu thờ cá ông, nơi đó không khí trong lành hơn, vì xa khu dân chài đông đúc.

Trên bãi cát phẳng mịn có nhiều chiếc ghe được kéo lên nằm chờ con nước. Tôi đến ngồi trên một lưng ghe đen bóng, che gió châm thuốc hút, rồi nhìn chăm chăm mặt biển êm. Tôi thầm mong mình sẽ gặp con K. như nhà văn Ý Dino Buzzati đã mô tả. Theo truyền thuyết, con K. là một loài quái vật sống ở biển, nó luôn luôn sát hại kẻ nào đã lỡ nhìn thấy đó, dù cho kẻ đó có tìm mọi cách để chạy trốn. Tôi tưởng tượng con K. có đôi mắt thật lớn (tôi luôn luôn thích những đôi mắt lớn) và rồi chúng tôi sẽ im lặng nhìn nhau trong suốt đêm nay. Phải có một cái gì theo đuổi mình suốt đời dù là kẻ thù (như con K.) tôi thấy đời sống cũng đỡ tẻ nhạt.  

- Chị xem ông kia tức cười không?

- Um, để người ta ngồi suy nghĩ.

Chắc tôi không quay lại nếu tôi không nghe tiếng "Um" lạ tai đó. Có hai chị em gái đang đi vòng phía sau chiếc ghe tôi đang ngồi. Tôi cười hỏi cô em nhỏ:

- Trông tôi tức cười lắm sao?

Cô nhỏ giơ tay chỉ:

- Tóc ông bay trông giống như con gái.

Cô chị cú lên đầu em nhỏ rồi nhìn tôi.

- Nó liếng lắm, xin ông đừng chấp.

Lúc này tôi mới nhận ra cô chị chính là người thường mặc áo dài trắng đi lễ ngang qua chỗ tôi ăn cơm. Em là một con chiên ngoan đạo và tôi thường nói với bạn bè : trông khuôn mặt dịu hiền của em, chắc lớn lên em phải đi tu, vì đời sống trần tục này không có chỗ nào dung chứa khuôn mặt đó mà không làm nó hư hỏng đi. Tôi hỏi cô chị :

- Chiều nay em không đi nhà thờ?

- Dạ em đã đi lễ buổi sáng. Ông thường đi chầu buổi chiều?

- Không. Tôi thường thấy em đi ngang qua nơi tôi ở trọ.

- Vậy ông là người ở xa đến đây?

- Phải.

- Nơi đây buồn quá trời, ông đến đây làm gì?

- Tôi đến để "bắt ốc hái rau" sống qua ngày.

- "Bắt ốc hái rau", nghề gì kỳ vậy?

- Tôi cũng không hiểu nữa. Một ông bạn người Huế nói việc làm của tôi như vậy và tôi cũng chỉ biết vậy. Có lẽ ông ấy muốn ám chỉ việc làm của tôi rất nhàn và chẳng kiếm được bao nhiêu tiền.

Cô bé cười: - Làm công việc nhàn thật khỏe. Em cũng mong được đi "bắt ốc hái rau" như ông.

Tôi lắc đầu cười.

- Chẳng khỏe gì đâu. Ðói lắm!

Những nụ cười đã giúp chúng tôi nói chuyện với nhau cởi mở hơn. Cô bé hỏi tôi đã thấy thích quận lỵ nhỏ bé này chưa. Tôi nói : "Người ở đây nhiều tình nghĩa lắm!" Em nói :"Ông định "mọc rễ" luôn ở đây không?". Tôi cười đáp : "Nếu nhà em còn đất, tôi sẵn sàng "mọc rễ" ở đó". Cô bé vội cúi đầu, tóc xõa che lấp khuôn mặt. Một lúc sau ngẩng mặt lên, em hỏi lảng sang chuyện khác.

- Khi nãy gặp ông, em thấy ông nhìn chăm chăm như muốn tìm kiếm cái gì ở biển vậy?

Tôi không biết nói với em tôi đã tìm kiếm cái gì. Tôi chẳng thể nói ra ý định muốn gặp con K. kỳ quặc. Nhưng sợ hết chuyện nói, cô bé sẽ đòi đi về, nên tôi đã bịa ra tôi đã đánh rơi một vật quí giá xuống biển và tôi tin biển sẽ đem trả lại tôi. Nghe xong câu chuyện, cô bé ngạc nhiên hỏi :

- Ông đánh rơi cái gì vậy?

Tôi đáp gọn lỏn.

- Ðức tin.

Cô bé trố mắt nhìn tôi.

- Người ta có thể tìm thấy "đức tin" ở biển?

- Chứ em nói tôi phải tìm ở đâu bây giờ?

- Theo em, ông chỉ có thể tìm thấy ở nhà thờ.

- Chắc không?

- Chắc chắn. Ông cứ đến nhà thờ rồi ông sẽ tìm thấy đức tin.

- Vậy ngay chiều mai tôi sẽ đến nhà thờ dù cho tôi là một người ngoại đạo.

- Chúa ơi! Ông là người ngoại đạo?

- Vậy chắc tôi không thể tìm thấy đức tin ở nhà thờ phải không?

Cô bé nhíu mày suy nghĩ một lát, rồi đáp :

- Chúa đã dạy "Hãy tìm sẽ thấy". Ông cứ đến nhà thờ đi. Bây giờ trời tối rồi, em xin phép ông dẫn em nhỏ về kẻo ba má trông.

Hai chị em cô bé chậm rãi đi về phía có dốc cát cao để vào phố. Dốc cát đầy những bụi xương rồng rậm rạp che khuất cô em và tôi chỉ nhìn thấy đôi vai của cô chị nhô lên in rõ trên bầu trời tím hồng. Trước khi em xuống dốc, tôi thấy em quay lại nhìn về phía tôi. Ðôi mắt em đen, mở lớn và mặc dù cách một khoảng xa, tôi vẫn tin mình đã tìm thấy đôi mắt kia khẽ chớp. Ngay buổi chiều hôm sau tôi đi đến nhà thờ. Ðây là một nhà thờ cổ có màu vôi trắng, nhưng từ lâu lớp vôi chưa được quét lại nên biến thành màu xám nhạt. Trên gác chuông cao nhô lên từ phía sân sau, tôi thấy còn có treo một chiếc trống lớn, tôi rất ưa thích nhà thờ này bởi vẻ đơn giản và cổ kính của nó. Tôi không ưa được những nhà thờ tân tạo với kiến trúc đồ sộ và trang hoàng rắc rối. Tôi có cảm tưởng người ta khó mà tìm thấy đức tin ở một nơi đồ sộ và rắc rối như thế.

Bên trong nhà thờ không rộng lắm, chỉ vừa đủ kê hai dãy ghế dành riêng cho nam và nữ tín đồ. Trên tường có treo những bức tranh tả lại cuộc đời của Chúa, lồng trong những khung kính cũ mờ. Cha cả đang giảng kinh ở bục cao. Cha nói về sự hy sinh của Chúa để cứu vớt nhân loại và cha mong các tín đồ hay cố gắng noi theo gương sáng của ngài, để giúp con người bớt đau thương. Khi cha giảng xong, mọi người quỳ gối xuống và bắt đầu đọc kinh. Tôi không thuộc kinh, không biết làm dấu thánh, nên lẳng lặng ngồi im nhìn tượng Chúa đóng đinh trên thập giá bằng gỗ nâu bóng.

Ðiện trong nhà thờ không quá sáng. Bóng tối còn ẩn nấp ở gầm ghé và lảng vảng ở khung cửa sổ mở ra một khu vườn rộng. Chúa đã phán "Ta là ánh sáng". Nhưng cũng may, các tín đồ của Ngài không để nơi thờ phụng sáng rực, như một ngọn đèn néon cực mạnh. Người ta đã biết giữ lại bóng tối để giúp con người dễ tạo đức tin và dễ cảm thấy khát khao ánh sáng.

Bài kinh chấm dứt, các tín đồ ngồi lại ngay ngắn trên ghế. Tiếng phong cầm đột nhiên vang lên cùng lúc với tiếng đồng ca của các em gái mặc áo dài trắng. Tiếng đàn nghe thánh thót như những giọt mưa đầu mùa và đôi lúc trầm ấm như ngọn gió mùa Xuân. Chiếc phong cầm thực sự đã mê hoặc tôi và tôi quay lại nhìn nó bằng đôi mắt trìu mến.

Nó nằm đó, sát một góc nhà thờ, phía bên trái cửa ra vào, lẫn trong bóng tối, nhưng tôi vẫn nhìn thấy nó rõ ràng. Toàn thân nó tỏa ra một thứ ánh sáng kỳ lạ như hào quang ở đầu các thiên thần và có lẽ chỉ mình tôi nhìn thấy điều đó. "Hãy tìm sẽ thấy". Tôi tin rồi Chúa sẽ mặc khải cho tôi, đức tin sẽ đến với tôi từ chiếc phong cầm cũ kỹ kia chứ không phải từ lời giảng dạy của cha cả đã vang lên đều đều qua máy phóng thanh.

Tiếng phong cầm ngưng. Buổi lễ đã xong và mọi người lặng lẽ ra về. Ðiện trong nhà thờ tắt hết, chỉ còn hai bóng đèn nhỏ màu vàng đục cháy sáng ở đầu hai cây nến đặt trên bệ thờ. Tôi nghe có tiếng cửa đóng nhẹ, nhưng vẫn ngồi im trên ghế. Tự nhiên tôi linh cảm hãy kiên nhẫn đợi chờ thêm chút nữa, rồi tôi sẽ thấy điều tôi bằng khát khao tìm kiếm. Tôi nhìn chăm chăm vào tượng Chúa như bị thôi miên và miệng lẩm bẩm : "Lạy Chúa! Ngài đã nói "Ta là ánh sáng" nhưng sao mắt Ngài lại đầy bóng tối? Ôi! Nếu Ngài còn nói thêm "Ta cũng là bóng tối", chắc con đã quì gối phủ phục dưới chân Ngài".

Cơn mệt mỏi ùa chiếm thân thể, tôi uể oải đứng dậy, tôi ngạc nhiên thấy vị sư huynh trẻ tuổi vẫn còn ngồi bên chiếc phong cầm. Tôi gật đầu chào anh. Anh chào lại và mỉm cười: - Ông đã cảm thấy mệt mỏi?

Tôi e thẹn đáp: - Vâng, nhưng anh cũng biết tôi chẳng thể ngồi một mình ở đây lâu hơn nữa.

- Không sao, nếu thích, ông vẫn có thể ngồi lại. Người coi nhà thờ đã đi nghỉ, tôi sẽ đợi ông và đóng cửa sau.

- Như thế thật phiền. Chắc anh cũng có nhiều việc cần làm sau buổi lễ.

- Tôi làm việc rất khuya. Chúng ta có thể nói chuyện với nhau được chứ?

Thấy sư huynh trẻ chuyện trò cởi mở, tôi vui vẻ nói cho anh biết tôi là một người ngoại đạo và đang đi tìm đức tin. Tôi cũng xin lỗi không biết gọi anh bằng gì, gọi "ông" như thế khó nghe quá. Anh nói : "Thôi chúng ta cứ gọi nhau bằng "anh" cho tiện". Rồi anh kể anh là người Bùi Chu đi tu từ nhỏ, di cư vào Nam sống ở Biên Hòa và ra đây ở đã được ba năm.

Con chiên ở đây rất ít nên anh đều quen mặt. Ngay khi tôi bước vào nhà thờ lúng túng tìm một chỗ ngồi, anh đã nhận ra tôi mới tới đây lần đầu và không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo. Anh cũng đoán được tôi là người đang đi tìm đức tin. Ðức tin thật khó đến với một người ở tuổi tôi, nếu không có ai hướng dẫn.

Tôi nói, tôi muốn tự mình tìm kiếm đức tin dù có khó khăn. Tôi không thích nhờ vả bất cứ ai, ngay cả giáo lý. Tôi đã chán nghe lời giảng của các cha và cũng chán đọc những quyển sách kinh. Tôi tin một ngày nào đó Chúa sẽ nhắn nhủ tôi không phải qua một pháp lạ kỳ bí, mà có thể qua tiếng chuông nhà thờ đổ mỗi chiều hay qua tiếng đàn phong cầm mà anh đánh mỗi tối.

Vị sư huynh cười đáp: - Anh đừng tin vào tiếng đàn của tôi. Tôi không phải là người đánh đàn giỏi.

Tôi cười nói: - Ðánh đàn hay hoặc dở, điều đó đâu quan trọng. Ðiều quan trọng là tiếng đàn của anh đã vang lên đúng lúc. Chắc anh cũng đồng ý với tôi. Chúa không phải chỉ lựa chọn phát ngôn qua những người miệng lưỡi trôi chảy, có thể Ngài lựa chọn một người nói ngọng.

Vị sư huynh vỗ nhẹ lên chiếc phong cầm.

- Nghe anh nói, tôi nghĩ chắc anh mê chiếc đàn này lắm.

- Vâng. Bề ngoài trông có vẻ cũ kỹ nhưng thanh âm của nó nghe thật tươi mát và quyến rũ.

- Anh có thể đánh thử một bản nhạc anh thích.

Tôi lắc đầu.

- Tôi chưa đánh Harmonium lần nào.

- Không sao, anh đã nói: Điều quan trọng không ở chỗ đánh đàn hay hoặc dở mà ta là đánh đúng lúc.

- Nhưng tôi không biết nhạc thánh ca.

- Anh có thể đánh một bản nhạc tình cảm.

Tôi ngạc nhiên hỏi: - Tôi có thể đánh một bản nhạc tình cảm ở đây?

Vị sư huynh mỉm cười: - Tại sao không? Biết đâu anh chẳng đánh đúng lúc.

Lạy Chúa, tôi thật xúc động. Ngồi xuống ghế, tôi mân mê nắp đàn đen bóng và không dám chạm tay xuống những phím đàn trắng ngà. Ðột nhiên như bị đồng nhập, tôi đã vội vàng đánh một đoạn nhạc nào đó tôi không biết tên, tôi cũng chẳng rõ mình đánh có đúng phím nhạc không. Tôi chỉ biết tôi tay tôi lướt đi thành thạo trên những phím ngà cho đến khi đột nhiên nó chấm dứt như lúc đó mới bắt đầu. Tiếng đàn còn âm vang trong nhà thờ run rẩy như hai bàn tay tôi một lúc lâu. Tôi gục đầu xuống mặt bàn và đã nhận ra điều tôi hằng tìm kiếm.

Tôi cảm thấy có bàn tay ai đặt lên vai mình, tôi ngẩng mặt lên bắt gặp khuôn mặt nghiêm trang của sư huynh trẻ. Giọng anh nói thì thầm:

- Tôi không tin anh đã đánh được đoạn nhạc đó.

Tôi đã khóc, nên mọi việc đều trở nên sáng sủa. Tôi đáp: - Anh nói đúng. Tôi không đánh được đoạn nhạc đó. Chính chiếc đàn tự nó đã vang lên.

- Tôi nghĩ khác. Anh đã đánh đúng lúc và có người đã giúp anh.

- Không, chẳng ai giúp tôi. Chỉ có chiếc đàn đã giúp tôi đánh lên tiếng nhạc của lòng mình.

- Anh có tin đấy là một phép lạ?

- Nếu tin vào phép lạ, anh sẽ cho là Chúa đã giúp tôi đánh đoạn nhạc kia, vậy tôi chỉ tin vào chiếc đàn.

Vị sư huynh gằn giọng: - Anh thật cứng đầu. Suốt đời, anh sẽ chẳng bao giờ tìm thấy đức tin.

- Vâng, suốt đời tôi sẽ chẳng tìm thấy đức tin nếu tôi cứ tiếp tục tìm kiếm ở những nơi thờ phụng Chúa. Cám ơn anh đã cho tôi có dịp đánh đàn. Tôi hứa sẽ không bao giờ đến đây làm phiền anh nữa.

Tôi biết vị sư huynh đang giận nên không bắt tay chào anh. Tôi không thích làm những điệu bộ thân thiện khi lòng thân thiện chẳng còn. Tôi lặng lẽ bước ra khỏi nhà thờ. Bầu trời cao xanh biếc không một đám mây. Sao lấp lánh như những mảnh kính vỡ vụn và mặt trăng non màu vàng nhợt không chiếu xuống chút ánh sáng nào. Gió từ biển thổi vào từng đợt mát lạnh. Những chòm dương trong sân nhà thờ phát ra tiếng kêu vo vo như tiếng gió thổi những sợi tóc bay qua tai. Ở đây mười giờ đêm đã là khuya. Mọi nhà đều đóng cửa và ngay cả những quá chè bán đêm dọc lề đường cũng đã dọn dẹp hết. Ði ngang qua căn nhà nằm sát mặt đường, cách nhà thờ một khoảng ngắn, tôi nhìn thấy bóng một người đang ngồi trên bậc tam cấp. Khi tôi đến gần, người đó đứng dậy.

- Ông vừa đánh một đoạn nhạc trong nhà thờ phải không?

Vì người đó đứng trong bóng tối, nên khi nghe nói xong, tôi mới nhận ra em là cô bé, tôi đã gặp ngoài bãi biển. Tôi nói: - Nhà em ở đây à?

- Không, đây là nhà bà dì của em.

- Sao em biết tôi đã đánh một đoạn nhạc trong nhà thờ?

- Em ở trong ban hợp ca của nhà thờ nên rất dễ nhận ra tiếng đàn của vị sư huynh, vả lại, đoạn nhạc vừa rồi không phải là thánh ca. Ông đã tìm thấy điều ông muốn tìm không?

Tôi lắc đầu, nói:

- Tôi đã sai lầm khi đi tìm điều ấy ở nhà thờ.

- Sai lầm? Vị sư huynh không giúp gì cho ông?

- Chẳng ai giúp được tôi, trừ chiếc phong cầm.

- Chiếc phong cầm? Ông không nói đùa chứ?

Tôi kể lại trường hợp đánh đàn vừa qua. Tôi cố diễn tả thật giản dị để cho cô bé hiểu. Em gật đầu tỏ vẻ đã hiểu và còn hiểu hơn tôi nữa là khác. Em nói :

- Em tin Chúa đã giúp ông đánh đoạn nhạc đó. Chúa đã đến với ông, sao ông còn không tin Ngài?

Tôi thật sự chán nản. Cô bé này đã suy nghĩ y như vị sư huynh kia và tôi không biết phân giải làm sao cho em thay đổi ý kiến.

Sau cùng tôi đành nói:

- Ðấy không là phép lạ của Chúa. Ðấy là phép lạ của chiếc phong cầm. Nó đã đáp lại lòng mến mộ của tôi. Nó đã phản ảnh lòng tôi như tấm gương phản ảnh gương mặt người soi. Chỉ giản dị như vậy.

- Câu chuyện không giản dị như vậy, nếu ông không tin vào Chúa.

- Trong trường hợp này, tôi nghĩ tin vào Chúa chỉ rắc rối thêm.

- Em xin ông đừng xúc phạm đến Ngài.

- Không, tôi chỉ nói thật điều tôi nghĩ. Tôi xin lỗi, nếu có xúc phạm đến đức tin của em.

- Với em, ông không cần phải xin lỗi. Ông hãy xin lỗi Chúa, vì đã lầm lỡ không tin Ngài.

- Tôi chẳng thể xin lỗi Ngài,vì nếu tôi làm như thế, chiếc phong cầm sẽ đau lòng ghê lắm!

- Dù cho em tha thiết cầu mong, ông cũng không xin lỗi Ngài?

- Không.

- Ông đã làm em đau lòng.

- Ðành vậy. Em đừng bắt tôi gian dối, em cũng biết Chúa rất ghét những người gian dối.

- Thật đáng buồn, chúng ta đã làm mất cơ hội để gặp lại nhau.

Cô bé quay người, bước vội vào bóng tối của căn nhà. Tôi thở dài buồn bã, đứng lặng im chẳng muốn bước đi. Rồi đột nhiên, tôi nghe có tiếng phong cầm trầm ấm từ nơi nào đó đang nhẹ nhàng vang vọng lại.

 

LẤY VỢ CÕI ÂM

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Bà mai Lý Hà cố thuyết phục:

- Cái mối này không thể nào chê được, bảo đảm thấy là ưng liền!

Ông bà Tố Vấn nhìn nhau rồi nói:

- Chỗ nào cũng được, miễn là người ta đừng chê thằng Tô Hòa nhà này là được. Mà còn chuyện tiền nong nữa, họ có đòi hỏi gì không?

Bà Lý có dịp tâng bốc: - Tui mà đụng tới vụ nào là ngọt vụ đó! Mối này là nhà giàu, nhưng họ dễ chịu lắm, chẳng đòi hỏi gì nhiều, chỉ… một cặp hột bốn ly, với đôi vòng cổ và đôi xuyến đeo tay và...

Bà Tố Vấn trợn tròn mắt:

- Bấy nhiêu đó mà còn chưa nhiều sao?

Ông Vấn lắc đầu: - Không kham nổi mối này rồi! Thôi, bà khỏi lo nữa...

Ông chán nản bỏ vào trong chợt cậu con trai Tô Hòa chạy ra từ trong phòng riêng, kêu lên:

- Đi coi mặt giùm con, nhanh lên đi!

Bà Vấn gắt lên:

- Mày có đủ vòng vàng kim cương như người ta đòi không mà đòi đi coi mặt.

Ông cũng bước trở ra, lên tiếng:

- Đi tìm mối khác đi con, nhà mình nghèo mà…

Tô Hòa nhảy cỡn lên:

- Mối này coi như xong rồi mà, đi nhanh lên kẻo người ta đợi!

Bà mai Lý nghe vậy thì mừng rơn:

- Thấy chưa, tui đã nói rồi mà, cậu hai nhà này chỉ mới nghe thôi mà đã quýnh lên như thế, huống hồ là gặp mặt…

Nói cách gì Tô Hòa vẫn không nghe, cuối cùng cha mẹ anh ta phải chiều lòng con:

- Thôi được rồi, con muốn thì cha mẹ chiều, nhưng hậu quả ra sao thì đừng có than trách.

Họ chuẩn bị rồi cùng đi với bà mai Lý. Tuy nhiên khi ra đến ngoài rồi thì bà lại ngạc nhiên hỏi lại con trai:

- Sao đi hướng này?

Tô Hòa không đáp, vẫn chỉ cho xe đi theo ý mình, mãi đến khi bà Lý hỏi quá thì anh ta mới nói:

- Bà lắm lời quá để đến nơi rồi thì ắt biết.

Cuối cùng xe dừng lại ở một dãy Phố cổ, Tô Hòa nhìn số nhà rồi reo lên:

- Đúng chỗ này rồi!

Anh chủ động bước xuống vừa giục cha mẹ:

- Người ta đang đợi mình. Ba má vào trong đó nếu người ta có nói gì thì cũng gật. Mà tốt nhất cứ để con nói, con trả lời hết cho.

Anh quay sang bà Lý:

- Cho bà đi theo là cho đông người, ra vẻ long trọng một chút, còn ngoài ra bà không được nói bất cứ điều gì hết.

- Nhưng mà, đây đâu phải là cái mối mà tôi làm mai cho cậu?

Đến lúc này thì cha mẹ Hòa mới biết sự việc, họ chưa kịp hỏi gì thì cửa sắt của ngôi nhà đã được kéo ra.Từ trong có hai vợ chồng lớn tuổi bước ra, họ vồn vã đón chào:

- Dạ, có phải cậu Hòa và song thân đây không?

Hòa mau mắn giới thiệu:

- Đây là ba má con. Còn đây là... Vợ chồng kia mau mắn tiếp lời:

- Chúng tôi là song thân của Mai Nương. Con gái chúng tôi đang bận trang điểm trong phòng, sẽ ra chào quý vị sau.

Chỉ đơn giản có thế rồi họ nhiệt tình mời khách vào nhà khiến cho ông bà Tô Vấn có ngại mấy cũng phải bước vào trong.

Cũng là người Hoa với nhau, nên họ nhanh chóng chuyện trò và gần gũi nhau ngay. Lúc này bà Mai Liên mới nói rõ:

- Liên tiếp ba bữa nay, đêm nào vợ chồng tôi cũng nằm mộng thấy con gái về nói đã tìm được chồng, bắt chúng tôi phải sang ngay nhà ông bà để xin cưới cậu Hòa cho nó. Tụi tôi lo ngại quá chưa dám qua thì hồi tối này nó vừa khóc vừa đe dọa nếu từ chối thì nó sẽ thành tinh thành quỷ về quấy phá cả hai bên nhà!

Tô Hòa phụ họa thêm:

- Đúng vậy đó. Tối qua con thấy Mai Nương vô phòng con và nói rằng cô ấy chết ngộp dưới nước. Hồn phách không siêu thoát được, phải đi lang thang. Rồi mới đây chẳng biết ai sai khiến, cô ấy đã tìm tới con, cho biết rằng con với cô ấy có tiền duyên, không lấy nhau không được. Nếu con mà cãi lời thì sẽ chết theo cô ấy xuống cõi âm để gần nhau!

Lúc này chợt bà Tô Vấn ôm mặt khóc nức nở. Thấy lạ, ông Tô gạn hỏi:

- Chuyện gì vậy?

Bà Tô kể lể:

- Từ đêm tới giờ tôi tính kể cho ông và thằng Hòa, tôi cũng có một giấc mơ giống như vậy…

Tô Hòa kêu lên:

- Má cũng gặp Mai Nương?

- Má gặp và nó cũng nói y như lời con vừa kể!

Cha mẹ Mai Nương mừng quá:

- Đúng! Trời Phật thương chúng tôi rồi. Tôi xin ông bà, hãy vì bọn trẻ…

Ông Tô Vấn lưỡng lự:

- Việc này còn phải coi lại coi...

Bỗng Tô Hòa sụp xuống lạy cha mẹ mình:

- Cha mẹ thương con, đừng để con phải chết. Con muốn được kết hôn với Mai Nương!

Bà Mai Liên chỉ lên bàn thờ, nơi có di ảnh của Mai Nương:

- Từ ba bữa nay cứ đốt nhang lên là cháy bừng lên như sắp có hoạn, tui sợ quá không dám đốt nữa!

Tô Hòa nhanh nhẩu bước tới đốt một nén hương và cắm vào bát nhang. Quả nhiên, bát nhang bốc cháy thật khác thường!

Ông Tô Vấn muốn thử lại lần nữa, đích thân ông thắp hương và vái:

- Nếu cháu có linh ứng, muốn sánh duyên với thằng Hòa nhà tôi thì hãy để cho nhang cháy đến phân nửa rồi hãy...

Mọi người ngồi chờ đến gần mười phút. Nhang lúc đầu cháy rất bình thường, chợt đến nửa phần thì bỗng bừng lên ngọn lửa khá cao. Làm cho hai bà đều kêu lên: 

- Không xong rồi!

Bà Lý nãy giờ ngồi im, giờ cũng phải lên tiếng:

- Tôi đi Hồng Kông năm ngoái cũng đã chứng kiến một chuyện giống như vậy. Tôi nghĩ đây là ý trời. Đây là tiền duyên.

Ông Tô Vấn buồn lắm. Ngồi lặng thinh một lúc lâu chợt ông thở dài, than nghe não lòng: - Trời hại nhà họ Tô rồi. Từ nay không kẻ nào nối dõi rồi!

Nghe ông nói bà vợ cũng buồn lây:

- Nhà mình vô phước, cây chỉ có một trái mà bây giờ lại như thế này thì hết phước rồi…

Họ buồn lắm, nhưng trước tình thế này họ không còn biết làm cách nào hơn. Theo tục lệ của cộng đồng họ thì chuyện kết hôn giữa hai người hai cõi âm dương không phải chuyện hiếm... Nên sau cùng họ định hứa hẹn, giao ước một nghi lễ chỉ có họ biết với nhau thôi.

Ba ngày sau, ông bà Tô Vấn cũng sắm sửa lễ vật y như cho một đám cưới thật rồi đưa sang nhà họ Mai. Chỉ người trong dòng họ có mặt với nhau và âm thầm tiến hành hôn lễ.

Tô Hòa không hề tỏ ra ân hận. Trái lại anh ta rất vui khi mặc đồ chú rể và đứng trước di ảnh của Mai Nương, anh nói lớn:

- Con hứa với tổ tiên, từ nay con sẽ là rể của nhà họ Mai. Con nguyện thương yêu Mai Nương trọn đời trọn kiếp.

Anh khấn xong, đốt một nén nhang và cắm vào bát cẩn thận, nhang cháy bình thường. Cha mẹ Mai Nương vui mừng ra mặt. Họ chắp tay tạ ơn:

- Lạy Phật Trời, nhà họ Mai từ nay không đơn độc nữa rồi.

Hai họ cùng nâng ly, cùng chúc tụng nhau. Những nén nhang thơm cháy và tỏa hương nức thơm cả nhà.

Tô Hòa rước di ảnh của Mai Nương về đặt trong phòng riêng của mình và từ đó chỉ ở miết trong phòng, ít khi bước ra ngoài.

Anh ta làm nghề thợ bạc, trước đây phải ra ngoài lãnh hàng đem về làm cật lực suốt ngày rồi đi giao. Nay không thấy làm gì hết, vậy mà cứ chiều đến là các mối hàng lại tới lấy và có hàng giao rất đúng hẹn, nhiều người lại khen là lúc này Tô Hòa làm kỹ, chất lượng hơn lúc trước! Và lạ hơn nữa, đêm nào ông bà Tô Vấn cũng nghe từ trong phòng con trai vọng ra những tiếng nói thì thầm, giống y như có hai người đang tâm sự với nhau. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng cười trong trẻo nữa!

Quần áo của Tô Hòa mặc từ đó cũng không đem ra ngoài giặt giũ nữa, nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, thẳng nếp, phẳng phiu. Hỏi thì Hòa chỉ đáp ỡm ờ:

- Thì có giặt mới sạch…

Là người Hoa lại sống trong xóm toàn đồng hương, nhà cửa san sát, chật hẹp, vậy mà những điều lạ đang lại xảy ra trong nhà họ Tô, những người ngoài chẳng một ai hay biết.

Kể cả mụ mai mối Lý Hà, kể từ hôm làm mối hụt trở về, sau đó không thấy mụ ta xuất hiện nữa. Nếu có ai hỏi mụ về chuyện nhà họ Tô, mụ ta chỉ lắc đầu rồi nói:  - Họ sống theo họ, tui đâu có biết…

Ông bà Tô Vấn dần dần cũng nguôi ngoai chuyện không có cháu nối dõi.

Nhưng bỗng một hôm sau khi ngủ dậy bà bỗng hoảng hốt bảo chồng: - Mình sắp có cháu nội rồi. Cháu trai đích tôn nữa!

Ông Tô ngạc nhiên: - Bà mơ nữa hả?

Ghé sát tai ông, bà tiết lộ:

- Đêm rồi tôi thấy con Mai Nương hiện về báo rằng nó sắp sinh cho mình đứa cháu nội trai!

Ông Tô lắc đầu:

- Lại chuyện mộng mị nữa rồi...

Nhưng bà thì tỏ vẻ tin tưởng lắm: - Giống như lần trước, tôi tin đây là chuyện có thật!

Gọi Tô Hòa ra hỏi thì anh chàng chỉ đáp:

- Chuyện gì tới ắt sẽ tới…

Anh ta viết mấy dòng trên mảnh giấy dán ở cửa phòng rồi khóa kín lại. Bà Tô đọc xong mảnh giấy thì kêu ông bảo:

- Nó dặn sáng mai đừng kêu dậy ăn sáng bởi nó làm việc khuya cần ngủ đến trưa.

Họ chỉ biết có vậy và nhìn nhau lắc đầu…

Sáng hôm sau khi họ còn chưa mở cửa thì đã nghe tiếng gõ cửa và giọng phấn chấn, hồ hởi của bà sui gia bên ngoài:

- Không ra đón cháu nội đây, còn ngủ sao?

Vợ chồng ông Tô Vấn vừa mở cửa ra đã vô cùng sửng sốt khi thấy bà Mai Liên bế trên tay một đứa bé còn trong tháng.

- Cháu nội đích tôn đây!

- Nó, nó ở đâu vậy?

Bà Mai Liên nhanh nhẩu:

- Tối qua vợ chồng tôi được con Mai Nương về báo là sáng mai phải sang đây sớm để cùng mừng cháu ngoại với ông bà nội! Nó còn dặn là hễ thấy đứa bé bọc trong tấm khăn lụa màu đỏ thì đó chính là cháu của mình! Hồi nãy vừa xuống xe tui đã thấy đứa bé này nằm ngay cửa, nó là một đứa cháu trai ông bà nội ơi.

Nhìn đứa bé thì ông bà Tô Vấn giật mình, bởi nó giống Tô Hòa như khuôn đúc!

Ông Tô lắp bắp:

- Nó… nó là…

Bà Mai đáp ngay:

- Nó là cháu nội của ông chớ ai nữa!

Sợ hàng xóm biết chuyện dị nghị lôi thôi nên họ cùng kéo vô nhà ngồi nhìn thằng bé đang vô tư ngủ… lát sau bà Tô gọi cửa phòng con trai:

- Hòa ơi! Ra đây coi chuyện này nè!

Kêu mãi chẳng nghe Hòa đáp, bà sốt ruột muốn đẩy cửa vô, nhưng ông Tô đã nhắc:

- Nó dặn là để đến trưa mới kêu.

- Nhưng bây giờ…

Vừa lúc ấy cửa phòng xịch mở Tô Hòa từ trong lao ra và sà ngay lại chỗ thằng bé:

- Con tôi đây rồi!

Anh ôm thằng bé vào lòng, trìu mến lạ thường. Rồi chính anh nói:

- Vợ con sẽ về sau con về đây trước để đón con.

Từ hôm ấy nhà có thêm đứa trẻ, Tô Hòa chẳng giải thích gì thêm, nhưng ông bà Tô Vấn vẫn thương thằng bé và hầu như quên thắc mắc về nguồn gốc của nó. Với ai họ cũng bảo: - Đứa này là con thằng Tô Hòa, là cháu đích tôn của chúng tôi!

Từ ấy Tô Hòa vui hơn. Đứa bé thì suốt ngày ở trong phòng với Hòa, chẳng thấy đem sữa cho bú móm gì, nhưng thằng bé vẫn ngày càng bụ bẫm và rất mau lớn.

Thấm thoát nó đã biết gọi ba ba và còn vui hơn khi nó cất tiếng gọi ông, bà thật dễ thương.

Nhà họ Tô đã có người nối dõi...

 

NÀNG DÂU ÂM PHỦ

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Nói tới Hai Lân thì cả làng không ai là không biết. Chỉ cần nghe tiếng bước chân nặng nề, khi đi, khi chạy là người ta đã nói đúng phóc người đó là ai. Bởi Hai Lân tuy còn trẻ, dáng người mảnh khảnh, nhưng có bước chân nặng, lóc chóc đến khó tin.

Nhà Lân nghèo, cha mẹ già lại chỉ có mỗi Lân là con, nên dẫu thấy Lân suốt ngày cứ đi lêu lỏng, chẳng chịu làm việc gì, họ cũng chỉ biết lắc đầu than thở một mình, chớ chẳng nỡ trách mắng.

Có người cắc cớ hỏi Hai Lân:

- Sao mày không lấy vợ, để vợ nó đỡ đần cho bà mẹ tuổi gần đất xa trời?

Thì chỉ nhận được ở Hai Lân một nụ cười hiền lành và câu trả lời tội nghiệp:

- Có ai chịu đâu mà cưới.

Cũng có lần Hai Lân nói đùa:

- Nếu cô nào chịu về nuôi tui thì tui lấy liền!

“Có ma nó nuôi!” Đó là câu nói của hầu hết con gái trong làng khi nghe câu nói đùa của Hai Lân. Họ còn nguyền rủa: - Thằng đó có ngày chết bờ chết bụi để rồi ma quỷ nó đưa về nuôi!

Kể ra cũng tội cho Hai Lân. Thuở nhỏ anh ta cũng được ông bà Hai Mộc cho đến trường. Cũng học hành giỏi dang, chữ nghĩa đủ dùng, nếu không muốn nói là còn khá hơn nhiều con nhà giàu trong vùng. Chỉ có điều là do nhà nghèo, nên đang học lên cấp cao hơn thì Hai Lân phải bỏ ngang. Bởi vậy, tuy lêu bêu, không việc làm, không có sự nghlệp, nhưng Hai Lân không bao giờ làm gì bậy bạ. Anh sống có nghĩa có tình với làng xóm, nên tuy không trọng anh, nhưng mọi người vẫn không có gì để khinh rẻ.

Bỗng một hôm Hai Lân nói nghiêm túc với mẹ:

- Con đi tìm vợ đây!

Bà Mộc vốn đã quen kiểu nói chuyện tưng tửng của con, nên nghe xong bà vẫn không thèm để ý. Mãi đến lúc thấy Hai Lân mặc áo mới đi ra thì ngạc nhiên hỏi: - Mày đi đâu?

Hai Lân đáp tỉnh bơ: - Đi kiếm vợ!

Ông Hai Mộc đang nằm ngủ nghe vậy cũng phải bật dậy: - Chắc có con vợ hư của ai đó ném bãi rác, nó đi tìm để nhặt về đó!

Hai Lân chẳng nói chẳng rằng, cứ cắm cổ đi một hơi. Bà Mộc gọi với theo:

- Nhớ chiều về ăn cơm rồi còn đi chùa với tui đó!

Ông Hai Lân lắc đầu ngao ngán:

- Nói chơi vậy chớ nếu nó nhặt được con vợ hư bỏ đi của ai đó đem về, thì tui với bà cũng còn có hy vọng kiếm được đứa cháu nội! Hơn là vô vọng mãi như thế này...

Trong khi đó Hai Lân đi bộ khá xa, đến tận đầu làng. Nơi anh chàng ghé lại chính là cơ dinh của ông đại gia giàu nhất làng Dương Sơn. Nơi đó đang có một đám cưới đang cử hành!

Vốn không quen biết gia chủ, lại cũng không phải khách mời, mà còn ăn mặc lôi thôi nữa, nên khi vừa bước vô tới cổng đã bị mấy con chó giữ nhà ào ra sủa dữ dội. Nhưng thay vì sợ hãi, Hai Lân lại cứ tỉnh queo bước sâu vào sân. Một người ra dáng là quản gia, bước chận ngang mặt Hai Lân, hất hàm hỏi:

- Chú mày đi đâu? Bộ muốn chôm chỉa gì trong này phải không? Khôn hồn thì đi ra, không tao cho gông đầu lại bây giờ!

Hai Lân vẫn không ngán:

- Bộ đám cưới đón khách kiểu này hả?

Một bà lớn tuổi có lẽ sợ huyên náo ảnh hưởng tới bữa tiệc, vội bước tới nhỏ nhẹ hỏi: - Cậu là khách của đàng trai hay đàng gái?

- Cả hai đàng! Nhất là cô dâu!

Vốn cô dâu Thiên Hương trước khi lấy chồng đã có nhiều sự giao du thoải mái, nên bà nọ không nghi ngờ lắm lời nói của Hai Lân, bà ta nói khẽ với gã kia:

- Cũng không chừng nó thuộc đám bạn của con Thiên Hương lúc đi học. Hay là cứ để nó vô đại đi. Con Thiên Hương mà biết mình ngăn cản bạn nó thì phiền hà lắm, ông bà chủ đang muốn xoa dịu nó...

Tay quản gia chỉ cho Hai Lân tới khu vực bàn dành cho khách nghèo của hai họ, một khu vực mà trong các đám cưới lớn cô dâu chú rể ít khi tới nơi chào hỏi.

Không quan tâm tới tiểu tiết đó, Hai Lân vô tư tới ngồi vào một bàn toàn người lạ. Cũng may cho anh ta, trong bàn hầu hết là những người lớn tuổi, có họ hàng xa với cô dâu hoặc chú rể, nên họ cũng không để ý chuyện ăn mặc xuềnh xoàng của Hai Lân. Đúng là đám cưới nhà đại gia có khác! Nguyên cả ngôi nhà đồ sộ, với khu sân vườn rộng thênh thang mà góc nào cũng kê bàn ghế, vậy mà khách còn khó kiếm chỗ trống để ngồi.

Mấy người bàn tán chuyện với nhau, có người nói: - Con Thiên Hương chưa chịu lấy chồng, bị ba má nó bắt ép nên tưởng đâu đám cưới này không thành rồi.

Một người khác, chừng như là có họ hàng với đàng trai nên giọng điệu hơi bênh bên họ mình: - Cô dâu này mà được về làm dâu bên nhà đó thì trúng số!

Người bên đàng gái thì không chịu:

- Bộ nhà này không giàu nhứt xứ này sao, cần gì của cải của ai!

Cuộc cãi vã sắp căng thì người ngồi bên cạnh Hai Lân tìm cách lái câu chuyện sang hướng khác, bà ta hỏi lớn:

- Cậu có gia đình chưa?

Hiểu ý bà ta, Hai Lân cũng đáp to, át cả lời đôi co của hai người kia: - Dạ chưa, bởi chưa gặp người ưng ý. Mà cũng tại cháu, lâu nay ít đi ra ngoài, ít tới những chỗ đông người. Ông bà ta vẫn nói mà, trai khôn tìm vợ chợ đông mà…

Nghe cách nói chuyện ngồ ngộ của Hai Lân, mọi người quay sang anh bắt chuyện:

- Vậy bữa nay tới chốn “chợ đông” này, chắc cậu tìm được vợ?

Hai Lân cười tươi: - Chắc là vậy! Tui đang tìm…

Nhờ Hai Lân mà không khí trong bàn trở lại thoải mái, vui vẻ hơn. Lát sau, một người nói:

- Đã chấm được ai chưa cậu gì đây…

Hai Lân vẫn giữ nụ cười thân thiện:

- Dạ vẫn chưa. Nhưng cũng sắp rồi. Linh tính báo cho cháu biết như vậy…

Cô dâu chú rể đang tới từng bàn chào hai họ. Phải mất hơn nửa tiếng sau họ mới tới gần khu “nhà nghèo”, một người nói vui: - Khu vực của mình đời nào được tới chào. Bởi họ biết có chào thì tiền mừng cũng chẳng được bao nhiêu!

Câu nói gây sốc, nhưng lúc này không ai lên tiếng phản đối. Đột nhiên cô dâu chú rể hướng về bàn của Hai Lân đang ngồi, mà người chủ động là cô dâu, nàng ta gần như lôi chàng rể đi!

Một người thân với gia đình cô dâu lên tiếng:

- Con nhỏ vậy mà được. Nó tới chào mình đó!

Chợt đôi mắt Hai Lân sáng lên, anh ta lẩm bẩm:

- Đúng là nàng rồi! Đúng là nàng…

Bà ngồi cạnh hỏi nhỏ:

- Cậu tìm được người ưng ý rồi hả?

Hai Lân đáp liền: - Được rồi!

- Mừng cho cậu! Nhưng là ai vậy, chỉ tui coi được hôn?

Hai Lân không ngại, đưa tay chỉ thẳng vào cô dâu: - Nàng đây!

Lúc ấy cô dâu đã buông tay chú rể ra, ào tới ôm chầm lấy Hai Lân, trước sự bàng hoàng của đám đông! Dĩ nhiên là vợ chồng chủ gia đã kịp can thiệp, họ kéo tay Thiên Hương ra và sừng sộ với Hai Lân:

- Thằng này là ai vậy?

Hai Lân chưa kịp đáp thì cô dâu một lần nữa nhào tới đứng chận ngang trước mặt cha mẹ:

- Đây mới chính là người con yêu! Ba má mà cản thì con cắn lưỡi chết liền cho coi!

Cô le lưỡi ra đặt giữa hai hàm răng như sắp cắn, khiến cho bà Chủ Lụa phải kêu lên:

- Đừng ép nó. Để tui...

Bà xuống giọng với con gái: - Có chuyện gì thì con từ từ nói với má. Sao lại làm như vầy hả Thiên Hương. Con có biết thằng này là ai đâu, tại sao...

Bà nói chưa dứt lời thì cô nàng đã quay lại ôm Hai Lân lần nữa:

- Đây mới chính là nhân duyên của con. Cái đám cưới này là thứ mà con bị ép buộc phải lấy, con không đời nào chịu làm vợ anh ta đâu ba má đừng ép!

Chú rể nãy giờ ngỡ ngàng, bấy giờ mới lên tiếng:

- Em điên rồi phải không Thiên Hương! Anh đây mới là chồng em...

Anh ta vừa nói vừa xông tới đấm thẳng vào mặt Hai Lân. Do quá bất ngờ, Hai Lân không hề né kịp, anh chờ để lãnh trọn cú đấm, thì... thật bất ngờ, mọi người nghe một tiếng thét lớn, rồi cô dâu ngã xuống với máu chảy ra từ khóe miệng! Thì ra cú đấm vừa rồi đã rơi thẳng vào mặt Thiên Hương, bởi cô nàng đã đưa má ra lãnh thay cho Hai Lân!

- Trời ơi, chết con tôi!

Bà chủ Lụa cúi xuống ôm con, vừa tru tréo:

- Sao mày đánh nó!

Bà đỡ con dậy, Thiên Hương mở mắt ra, nhìn trừng trừng vào chú rể:

- Mày nhớ nghe! Cú đấm này mày phải trả giá! Tao dứt khoát không lấy mày!

Vừa nói nàng ta vừa vùng dậy, phóng chạy ra ngoài trước sự ngơ ngác của thực khách! Hai Lân cũng lao theo: - Cô... cô gì ơi! Cô Thiên Hương ơi!

Bóng họ mất hút trong bóng đêm... Vợ chồng nghiệp chủ Trần Văn Lụa sững sờ rồi sau đó sượng sùng khi mọi quan khách đều nhìn vào họ như để chờ câu trả lời. Nhưng biết nói sao cho phải đây? Nghiệp chủ Lụa lắp bắp:

- Tụi nó... tụi nó điên hết rồi!

Chú rể Tấn Đạt sau một lúc sượng mặt, vội nói giọng yếu xìu: - Con xin lỗi ba má, thật ra con không muốn làm như vậy. Người mà con nhắm đánh là thằng khốn nạn đó!

Bà chủ Lụa rên rỉ:

- Con có biết là ba má đã tốn bao công sức để dụ nó về và gả cho mày không? Nó đã phản đối bằng cách bỏ nhà đi cả tháng trời, rồi còn uống thuốc độc tự tử nữa, may mà người ta cứu kịp. Khi nó về nhà chính má là người năn nỉ nó suốt mấy đêm liền nó mới chịu thuận tình cho cử hành hôn lễ. Chuyện hồi nãy đúng ra con phải bình tĩnh, nhỏ nhẹ với nó, cộng với sự khuyên lơn của má, chớ đâu nên làm mạnh tay như vậy. Con nhỏ tánh tình ương ngạnh, không dễ để nó tha thứ cho chuyện vừa xảy ra đâu!

Ông chủ Lụa giục gia nhân đuổi theo. Nhưng sau một hồi rất lâu, bọn họ trở về báo lại: - Dạ, cô chủ đã chạy đằng nào tụi con không tìm thấy.

Đám cưới trở thành một đám giặc. Do nhà trai bắt lỗi chuyện vừa rồi. Sui gia bên trai là một người có thế lực trong thương trường, sự giàu có còn trùm hơn cả nhà chủ Lụa, nên mụ vợ nhà đó lớn tiếng sỉ vả:

- Tưởng con gái mấy người quý lắm sao mà làm nhục con trai tôi! Để rồi coi đứa nào phải lạy đứa nào để xin lỗi! Đi về tụi bây!

Bọn họ rùn rùn bỏ ra về. Các thực khách khác thấy vậy cũng kéo về theo. Những bàn tiệc cỗ cưới mới ăn được vài món, còn bỏ lại ê hề...

Vợ chồng chủ nhà thẫn thờ như kẻ mất hồn... Nhất là bà chủ Lụa, khi bà chợt nhớ lại tánh mạng con gái mình, bà hốt hoảng gào lên:

- Đem xe ra cho tao đi kiếm con Thiên Hương coi! Nhanh lên!

Hình ảnh một Thiên Hương quá quẫn bách nhảy xuống dòng sông nào đó, hay thậm chí lao đầu vào xe đang chạy là điều có thể xảy ra lắm!

- Dạ thưa bà, xe đã chuẩn bị xong rồi.

Bà vụt chạy ra xe, ông chủ Lụa định chạy theo thì bị bà nạt ngang: - Ông đi làm gì cho rối thêm! Ông ở nhà đó mà đi lạy lục thằng bạn làm ăn của ông, nó mới chửi ông như chửi chó đó chưa đã sao!

Tuổi già trên bảy mươi của ông, lăn lộn thương trường cũng lắm điều trái ngang, nhục nhã, nhưng chưa bao giờ Lụa bị một vố đau điếng, sỉ nhục như thế này. Ông nuốt nhục, chịu đựng một mình bây giờ cũng chỉ vì tự ông gây ra. Việc bắt ép con gái lấy người nó không yêu là bởi ông cần vay bên sui gia một số tiền lớn để kinh doanh, bởi thế họ mới coi thường ông, con gái nó hận ông...

*                 *

*

Bà chủ Lụa lắng nghe người nọ kể:

- Cô Hai có ghé đây ở chơi nửa buổi rồi đi, tui có giữ lại nhưng cô không nghe. Mà lạ lắm, lúc đi tui thấy cô ấy khóc!

- Nó đi với ai chị có biết không?

- Làm gì có ai, cổ đi một mình. Đích thân cổ lái chiếc xe hơi màu đen xì, mà chạy lẹ lắm, suýt chút nữa là đụng gãy hàng rào nhà kế bên rồi!

Bà chủ Lụa nhẹ lắc đầu:

- Cái con này, tối qua tới giờ có ăn uống gì đâu, lại uống rượu nữa, mà lái xe kiểu đó...

Người phụ nữ tên gọi là dì Xinh, vốn bà con xa với bà chủ, hỏi lại: - Chị mới nói hôm qua mà hôm qua nào? Cô Thiên Hương đâu có ghé đây hôm qua. Tui nói là nói cách đây hơn một tháng. Hôm ấy cổ ghé qua rồi đi, tới nay đâu có trở lại.

Bà chủ Lụa thất vọng:

- Vậy mà tui tưởng dì nói nó mới ghé.

Bà thở dài thườn thượt rồi lên xe đi tiếp, dặn với lại: - Nếu nó có ghé lại đây lần nữa thì dì làm ơn giữ lại dùm, rồi báo liền cho tôi hay. Tốt nhất là dì biểu ai đó trong nhà xì bánh xe để nó không chạy được, như vậy mới giữ nó được.

Bà bảo tài xế:

- Chạy lẹ lẹ lên Trung Lương, tui ghé nhà người quen nữa, may ra nó có ghé lại đó.

Xe vừa vọt đi thì người ở nhà bên cạnh chạy ra đưa tay ngoắc:

- Bà chủ! Bà chủ!

Tài xế ngừng lại, bà chủ Lụa chưa kịp hỏi thì chú nói: - Cô gì lái chiếc xe màu đen thỉnh thoảng có ghé đây chơi, là cái gì của bà chủ? Tui là Tư Há, tui có chuyện này muốn hỏi bà...

Bà chủ Lụa đáp:

- Nó là con gái tôi. Nghe nói hôm trước nó xém đụng ngã hàng rào của chú, vậy mà có sao không?

- Dạ không sao. Nhưng sau đó bộ bà không hay chuyện gì về cô ấy?

Bà chủ Lụa ngạc nhiên:

- Bộ nó đụng ai nữa phải không?

- Dạ cũng không. Không đụng vào ai, nhưng đụng vô lan can cầu!

Câu nói của anh ta khiến bà chủ Lụa phải mở cửa xe bước xuống, hốt hoảng hỏi:

- Đụng vô cầu nào? Sao tôi không nghe nó nói gì hết. Con thiệt tệ...

Lại đến phiên người đàn ông kia kinh ngạc:

- Bà nói cô ấy còn... còn... sống?

- Kìa chú! Chú nói...

Bà chủ Lụa thất thần, hỏi tiếng được tiếng mất:

- Chú... chú nói... chú nói... con tôi thế nào? Thì nó... còn sống chớ có chuyện gì...

Người nọ lẩm bẩm:

- Sao kỳ vậy... sao lại có chuyện...

Bà chủ Lụa vẫn còn run:

- Chú nói vậy là sao? Con tôi...

Ông ta quay vào nhà mình, kêu lớn:

- Sáu à, con ra đây ba biểu!

Người được gọi là Sáu, tên là Sáu Đời, từ trong nhà chạy ra ngay.

- Con nói cho bà chủ đây nghe chuyện cô gái lái chiếc xe đen bữa trước đụng gãy lan can cầu rồi rớt xuống sông ra sao?

Anh chàng tuổi cỡ mười lăm mười sáu, khá lanh lợi kể: - Hôm đó cháu đi trên chợ về, vừa ngang cầu Rạch Gò thì đúng lúc chiếc xe đen đó lao lên lan can, đụng mạnh vô đó và rớt luôn xuống sông! Việc rất nhanh, nhưng con còn kịp nhìn thấy người lái xe là một cô gái, mà con còn nhớ cô ấy chính là cái cô thỉnh thoảng hay ghé đây thăm bà Hai bên cạnh. Con có đứng đó xem người ta mò tìm cô ấy...

Bà chủ Lụa gần muốn xỉu tại chỗ, bà hỏi hầu như không còn nghe rõ:

- Có... có sao không?

Sáu Đời thật tình đáp:

- Dạ, cổ chết tại chỗ!

- Trời ơi!

Chỉ kêu được hai tiếng đó rồi bà ta quỵ xuống, ngất đi. Trong lúc đó bà dì Xinh ở nhà bên vừa chạy ra, bà ngạc nhiên hỏi:

- Chị ấy sao vậy?

Người đàn ông đáp:

- Bà ấy nghe con tui kể chuyện cô gái lái xe hôm đó lọt xuống sông chết, vừa nghe xong bả xỉu liền!

Dì Xinh giật bắn người: - Ai chết?

Tư Há nhíu mày nhìn sang con, hỏi: - Bộ từ bữa đó tới nay con chưa báo cho Dì Xinh biết?

Sáu Đời lúng túng: - Dạ chưa... bởi vì...

Dì Xinh phải giải thích thay:

- Có lẽ nó tránh mặt tui. Số là bữa trước nó theo ghẹo con gái tui, bị tui rầy...

Tư Há ôm đầu kêu lên:

- Trời ơi, con ơi là con! Vậy mà tui tưởng nó báo cho Dì biết rồi.

Chú quay sang giục dì Xinh:

- Phải cứu tỉnh bà chủ lại thôi!

Bà chủ Lụa tỉnh lại sau một lúc được xoa dầu. Vừa mở mắt ra bà gào lên:

- Không phải! Con tôi còn sống!

Bà giục tài xế: - Chạy ngay lên cầu gì đó...

Chừng như Sáu Đời muốn đoái công nên mau mắn: - Để con dẫn đường cho!

Cậu ta nhảy lên xe và chỉ đường:

- Chạy khoảng hai cây số thì tới. Cây cầu đó cái lan can tới bữa nay vẫn còn chưa sửa.

Chỉ vài phút sau thì xe chạy tới đầu cầu, rõ ràng lan can cầu còn dấu gãy do bị xe đụng.

Sáu Đời nói thêm:

- Chiếc xe hình như vẫn còn kẹt dưới sông chưa được vớt lên. Chỉ có xác chị ấy thì bữa đó hình như người ta đưa vô nhà làng ờ đàng kia...

Bà chủ Lụa tức tốc đi về phía nhà làng. Vì còn trong giờ làm việc nên có mặt hầu như đủ ban hương chức hội tề. Khi nghe bà hỏi vụ việc đó, một người xưng là hương hào Mỹ nói liền:

- Do đương sự không đem theo giấy tờ tùy thân, nên chúng tôi căn cứ theo chiếc lắc đeo ở tay mà biết được tên là Lý Thị Thiên Hương. Đây, ông Hương sư Phẩm còn giữ lại chiếc lắc đó làm bằng. Mời bà gặp ông Hương sư.

Bà ta khỏi hỏi, bởi Hương sư Phẩm vừa bước ra, ông đã cầm sẵn chiếc lắc vàng đưa lên hỏi:

- Bà nhận ra vật này không?

Vừa trông thấy, bà Lụa đã kêu lên:

- Của nó đây mà!

Rồi sợ họ không tin, bà nói luôn:

- Chiếc này do chính tôi đặt làm cho con gái tôi đeo hồi nó mười hai tuổi tới giờ, nặng một lượng vàng y, do tiệm vàng Ngọc Hương làm.

Hương sư Phẩm gật gù:

- Đúng rồi. Vì sợ chôn theo xác bị người tham đào bới lấy trộm, nên tui tạm giữ giùm. Do không biết người chết ở đâu, nên lâu nay tui cũng có ý đợi hoài...

Bà Lụa chết điếng trong lòng, cố hỏi rõ:

- Có thật là xác của nó, của... một đứa con gái phải không?

- Do ngồi trong xe, khi tai nạn xảy ra do chấn động mạnh nên đầu cô ấy có va đập vào vô lăng, bị thương chớ phần khác của thân thể thì không. Lúc liệm đem chôn tui có nhìn rõ. Mồ mả hiện nay còn ở nghĩa địa làng ở gần đây, bà có thể ra đó thăm, rồi sau đó có nhu cầu thì chúng tôi sẽ giúp bốc mộ giùm.

Những lời nói sau của ông Hương sư hầu như bà chủ Lụa không còn nghe thấy gì. Bà lảo đảo...

Ở tại nghĩa địa làng bà Lụa không tiện mở nắp quan tài ra nhìn, chớ thật ra bà chưa tin hẳn trong đó là con gái mình. Mãi đến khi quan tài chuyển về nhà, bà đã bàn với chồng:

- Phải nhờ cái chỗ gì đó của Tây, người ta gọi là... là... cái gì y y đó, để họ khám nghiệm xem sao.

Ông chủ Lụa nói:

- Đó là pháp y, nhưng mà cần gì tới họ. Nó chết do tai nạn xe, chớ có phải ai giết đâu mà nghi ngờ...

Bà tru tréo lên:

- Nhưng tui thì nghi ngờ. Chết sao mới rồi nó còn về nhà làm đám cưới?

Câu nói của vợ làm cho ông chủ Lụa giật mình! Ông lẩm bẩm:

- Ờ há, sao lại có chuyện đó?

Ông hồi nhớ lại và bỗng giật mình:

- Mà cũng có thể lắm! Hôm nó trở về nhà sau thời gian bỏ đi, chẳng biết là đi đâu, bà nhớ không, nó chẳng nói rằng gì với ai hết suốt mấy ngày liền, tánh tình cũng thay đổi nhiều... Cho đến khi bà thuyết phục được nó chịu làm đám cưới với thằng Tấn Đạt. Nó như là người mất hồn... Bà Lụa thì đang nhớ chuyện khác. Bà chưa quên cái cảm giác khi chạm vào thân thể con gái lúc chuẩn bị ngày cưới:

- Tui nhớ ra rồi, thịt da nó lúc ấy sao không có hơi ấm! Tui có hỏi thì nó chỉ lắc đầu không nói, lúc ấy tui cứ nghĩ do quá đau lòng nên nó như vậy. Đâu có ngờ...

- Bà ngờ điều gì? Phải chăng...

Họ lặng người đi, không ai dám nói ra điều mình đang nghĩ...

Cuối cùng quan tài cũng được mở ra, do những gia nhân của nhà chủ Lụa thực hiện. Xác chết trong áo quan đúng là Thiên Hương, bởi dù đã qua gần một tháng, nhưng vẫn còn có thể nhận diện được. Lúc này nỗi đau trong họ còn có thêm nỗi sợ hãi nữa.

Bà Lụa không dám nói lớn, như sợ có người nghe được: - Như vậy nó là... hồn ma hay sao?

Ông Lụa thừ người ra khá lâu, rồi cũng run giọng nói: - Nhà mình đến ngày cùng tận rồi hay sao mà xảy ra chuyện này! Tội của ai đây, hở trời!

Lại sắp có cuộc cãi nhau về chuyện ai có tội, thì chợt có đứa người làm chạy vào báo:

- Thưa ông bà, có người ở làng Tân Hội đem lễ vật qua xin ông bà cho... cưới cô Thiên Hương ạ!

Bà chủ Lụa tái mặt: - Họ là ai?

- Dạ, không biết là ai, nhưng đi theo còn có cái người mà... mà trong đêm cưới đã khiến cho cô Thiên Hương nhận làm chồng đó!

Cả vợ chồng chủ Lụa điếng vía:

- Họ... họ... hả? Mời... mời họ vô!

Họ bước ra cửa thì đã gặp vợ chồng Hai Mộc và Lân bước vào. Họ cố diện quần áo tươm tất hơn, nhưng do nghèo, nên bộ cánh cũng không tỏ rõ được là đi hỏi vợ cho con. Ông Hai Mộc lên tiếng trước: - Xin thưa với ông bà chủ. Hôm nay vợ chồng tui...

Ông nói chưa dứt lời thì Hai Lân đã chen ngang:

- Nói chi dài dòng ba, hôm nay theo lời dặn của Thiên Hương, tụi tui đem chút lễ vật qua để xin cưới...

Đang bực bội, bà chủ Lụa quát lớn:

- Cưới xin gì, mau cút đi!

Hai Lân hình như đoán biết trước tình hình, anh chàng vẫn bình tĩnh:

- Bớt nóng đi má, con làm theo lời Thiên Hương mà. Đây là những lễ vật mà má thách cưới với bên nhà thằng Tấn Đạt. Giá trị còn có phần hơn!

Anh ta giở cái hộp thiếc ra, ánh sáng chói lòa của những món nữ trang bằng kim cương, ngọc thạch làm lóa cả mắt người nhìn! Bà chủ Lụa líu cả lưỡi:

- Mày... mày có...

Hai Lân cười lớn: - Nhằm nhò gì ba cái đó! Má cần thì tui còn nữa...

Đang phát hoảng vì những thứ trước mắt, nhưng chợt nhớ lại chuyện con gái, bà bật khóc nức nở, rồi chỉ tay về phía quan tài đang mở nắp:

- Mày tới mà coi, lấy cái xác của nó được thì lấy!

Hai Lân không tới xem, mà lại nói:

- Thiên Hương đang ở nhà con mà, cần gì xem!

Ông chủ Lụa không nhịn được nữa, lớn tiếng:

- Nó chết còn nằm kìa, lải nhải gì nữa!

Đến lượt chú Hai Mộc lên tiếng:

- Vậy hóa ra ông bà nói chúng tôi giết con dâu mình sao? Nó đang ở bên nhà, chờ chúng tôi đem lễ vật sang cho phải lẽ, rồi thì chính thức làm dâu. Xin ông bà nhận sính lễ cho...

Bà chủ Lụa gào lên:

- Cưới xin gì được với cái xác đó thì cưới đi!

Hai Lân lúc này mới bước tới gần quan tài nhìn rồi phá lên cười: - Ba má quẫn trí rồi, xác gì đâu?

Câu nói của anh ta làm cho cả vợ chồng nghiệp chủ Lụa phải cùng chạy lại nhìn vào quan tài. Họ cùng kêu lên:

- Trời ơi!

Trong quan tài trống không! Ông chủ Lụa quay sang hỏi người nhà:

- Tụi bây đem nó đi đâu?

Mấy người đều rùng mình:

- Tụi con sợ gần chết, ai dám rớ tới!

Hai Lân nói tỉnh bơ:

- Tui đã nói rồi, Thiên Hương đang ở nhà tui mà!

Hai Mộc cũng nói:

- Hôm qua hai đứa nó dẫn nhau về, vợ chồng tui rối hết sức, nay phải qua để xin lỗi ông bà...

Hai Lân lớn tiếng:

- Không lỗi phải gì cả! Thiên Hương là vợ của con, nàng ấy về nhà với con là phải đạo lý, chớ sao lại lỗi phải ở đây! Còn lễ vật hôm nay là Thiên Hương muốn con đem về để cho cha mẹ đem trả lại cho nhà thằng Tấn Đạt!

Lúc ấy bà chủ Lụa nhìn kỹ lại thì đúng những nữ trang kia chính là sính lễ của bên đàng trai đem qua bữa trước, Bà nhìn sang chồng hội ý:

- Bây giờ làm sao?

Hai Lân lại nói:

- Thiên Hương nói nàng ấy không bao giờ về nhà nữa đâu. Ông bà có muốn thăm con thì qua bên đó mà thăm thôi.

Ông chủ Lụa nói yếu xìu:

- Thử qua bên đó xem sao...

Vợ chồng họ đi theo Hai Lân mà lòng dạ hoang mang vô cùng. Họ không hiểu con gái mình mà Hai Lân nói đang ở bên nhà anh ta và cái xác trong quan tài ai mới là Thiên Hương? Họ vừa van vái cho con mình còn sống, nhưng nghĩ tới việc nó sẽ là vợ của một thằng không ra gì thì họ không đành lòng... Còn nếu đúng là Thiên Hương đã chết, thì còn thảm kịch nào hơn!

Trong tâm trạng bấn loạn đó, họ hầu như chẳng còn tỉnh táo, bởi vậy lúc bước vô căn nhà lá tồi tàn, họ không để ý cô con gái rượu của mình đang đứng đợi sẵn. Cho đến khi Thiên Hương lên tiếng:

- Ba, má!

Ngẩng lên nhìn, bà chủ Lụa reo lên trước:

- Con. Con tôi đây mà!

Rồi bà quay sang chồng:

- Ông ơi, con Thiên Hương còn đây, đâu có chết!

Ông chủ Lụa vẫn chưa tin là sự thật, hơi lắp bắp hỏi: - Con... con thiệt đây sao Thiên Hương?

- Chẳng lẽ con là giả?

- Vậy còn... cái xác chết chìm cùng chiếc xe?

Nàng cười, nhỏ nhẹ đáp, thái độ hơi khác thường với một Thiên Hương đanh đá, nói ngang trước đây:

- Dạ, ba má và mọi người lầm rồi. Xác đó không phải, là của con. Hôm đó một người bạn mượn xe con lái rồi bị nạn, ai cũng tưởng là con.

Nhớ lại chiếc lắc đeo tay, bà hỏi: - Vậy sao chiếc lắc của con lại ở trong tay người chết?

Thiên Hương ngạc nhiên: - Chiếc lắc nào? Lắc của con còn trong tay con đây.

Nàng đưa tay lên, quả nhiên vẫn còn chiếc lắc vàng chính bà chủ Lụa sắm cho từ lâu! Bà chủ Lụa hốt hoảng đưa tay sờ vào túi áo mình, tìm chiếc lắc mà ông Hương sư đưa bữa qua, thì bà điếng hồn, bởi nó chẳng còn trong túi!

- Kỳ vậy? Mới đây...

Bà sờ khắp túi cũng không có, lòng hoang mang vô cùng. Vừa lúc đó thì nghe Thiên Hương nói:

- Ba má đã biết con ở đây rồi thì cứ yên tâm mà về. Để tránh tai tiếng và sự làm khó dễ của bên nhà Tấn Đạt, từ nay con sẽ không về thăm ba má.

Nói xong nàng ta quay bước đi vào trong. Ông chủ Lụa phát hiện điều lạ đầu tiên, ông nói khẽ với bà:

- Sao giọng nói của nó là lạ, bà có thấy không?

- Thì... có thể do nó khóc nhiều nên khan tiếng, đổi giọng. Mà thôi, nó còn sống là mừng rồi, để vài bữa nó bình tâm lại mình sẽ tính sau...

Hai Mộc mời:

- Đã tới đây rồi, dẫu nhà nghèo, vợ chồng tui cũng xin mời ông bà ly nước. Và cũng xin ý kiến ông bà về việc hôn nhân của tụi nó?

Bà chủ Lụa thở dài: - Còn ý kiến ý cò gì nữa. Tụi tui có bắt về nó cũng không về. Vậy mấy người muốn làm sao đó thì làm.

Bà hỏi ông: - Đi về chớ còn đứng đó làm gì!

Họ ra về rồi thím Hai Mộc mới lo lắng: - Xem ra họ không vui. Mà tui cũng không hiểu, thằng

Hai Lân nhà này ham chi vợ đẹp, vợ giàu, để cho rắc rối thêm!

Thiên Hương bước ra, nói tỉnh rụi: - Rắc rối gì má lo. Rồi đây chính họ mới cần đến mình đó.

Những câu nói khó hiểu đó làm sao đôi vợ chồng nghèo, chất phác này hiểu được. Nên họ chỉ nhìn nhau rồi im lặng...

Trong khi đó vợ chồng chủ Lụa vừa về tới nhà đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc xe hơi màu đen vốn là của Thiên Hương đang đậu trước sân!

- Xe của con Thiên Hương kìa ông?

Họ chạy lại nhìn vô xe và một lần nữa muốn đứng tim! Bởi ở băng sau xe có một xác người nằm dài trên đó!

- Cái xác... hồi nãy!

Thì ra đó chính là cái xác nằm trong quan tài mà người ta nói là của Thiên Hương.

- Nó biến mất lúc nãy, sao bây giờ ở đây?

Họ còn đang hoang mang thì bất chợt có đôi vợ chồng lạ từ ngoài cổng bước vào. Họ lên tiếng ngay:

- Xác đó là của con gái tôi!

Họ nhào tới ôm lấy xác con, khóc òa lên khiến cho vợ chồng nghiệp chủ Lụa ngơ ngác:

- Kỳ vậy?

Họ không ngại cái xác đã bốc mùi, cứ ôm nó mà gào khóc! Mãi sau đó người chồng mới bình tĩnh lại, nói:

- Con Hoa Lài, con gái tui được một người bạn gái, nghe nói là con của ông bà đây rủ đi chơi bằng xe hơi, để rồi cả tháng nay không thấy về. Tụi tui đã đi tìm kiếm khắp nơi mà không gặp, hôm qua nó về báo mộng là hãy qua đây mà nhận xác về, nên tui mới biết đây mà tới.

- Con ơi là con!

Nhìn họ khóc thảm thiết mà lòng dạ vợ chồng chủ Lụa đau theo. Họ muốn lên tiếng an ủi, nhưng sợ nói ra rồi họ đi tìm Thiên Hương sẽ lôi thôi ra, nên đành nín thinh. Lát sau bà chủ Lụa nói cho qua chuyện:

- Con gái tụi tui cũng chưa thấy về... không biết nó sống chết ra sao?

Bà cũng cố gắng khóc theo, y như thật. Có lẽ do đồng cảnh ngộ với nhau, nên vợ chồng người kia cũng không khó dễ gì, họ được nhận xác con là an lòng, nên vội mướn ghe chở xác về ngay. Còn lại hai vợ chồng, ông chủ Lụa bàn:

- Tui tính như vầy, dẫu sao thì bây giờ con Thiên Hương cũng yên phận bên đó rồi. Mà tánh khí nó bà biết rồi, nếu ép nó lần nữa thì chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Mà như thế cũng ổn, bởi nó mà trở về đây thì dám bên đàng trai đâu để mình yên!

Nhìn thấy chiếc xe hơi còn đậu trước sân, ông chủ Lụa bất nhẫn nói giọng rầu rầu:

- Bây giờ nhìn chiếc xe này tui lại thấy sợ. Xe mà đã lọt xuống sông rồi thì không nên để, hay là bán đi.

Bà thì tính khác:

- Tui tính đưa qua cho con Hương có đi đâu thì đi. Mà nè ông, tui thắc mắc nãy giờ, chẳng hiểu sao chiếc xe đang ở dưới sông tận đó, mà đột nhiên lại nằm ở đây là sao?

- Thì... thì có thể bên đó ai người ta vớt lên giùm rồi đem qua đây cho mình.

Ông gọi mấy đứa gia nhân hỏi:

- Hồi nãy tao và bà đi vắng, có ai tới giao chiếc xe này không?

Mấy gia nhân đều lắc đầu:

- Dạ không có ai hết. Tụi con đang ở nhà sau, khi bước ra thì giựt mình thấy chiếc xe đậu sẵn rồi!

- Không thể như vậy được...

Bà Lụa ra nhìn kỹ chiếc xe, nó còn nguyên vẹn, không có bất cứ dấu vết nào của sự va chạm, nhất là khi bị rơi từ trên cầu xuống sông và nằm dưới đó cả tháng qua...

- Lạ quá ông ạ...

Ông chủ Lụa vốn người không thích suy nghĩ rắc rối, nên nói lảng sang chuyện khác:

- Con mình nó sống là may rồi. Còn mọi chuyện cho qua đi.

Bà gọi con Mẫn, đứa tớ gái thân tín của Thiên Hương và dặn:

- Mày lên phòng cô Hương, lấy hết quần áo của cô cho vô va-ly lớn, sau đó đem qua nhà của Hai Mộc ở xóm Chùa bên xã gần mình đây, nói là gởi cho cô Thiên Hương. Gởi xong thì về ngay, đừng hỏi han lôi thôi gì nữa.

Mẫn nghe lời chạy lên, và ngay lập tức trở xuống báo: - Dạ, phòng cô Hai không còn bất cứ món gì hết. Ai dọn sạch cả rồi!

Quá đỗi ngạc nhiên, đích thân bà chủ Lụa chạy lên xem và ngẩn người ra, bởi hầu như những thứ thiết yếu đều đã không còn.

- Ở nhà có ai vô dọn đi không?

- Dạ không, tụi con ở nhà không hề mở cửa cho ai vô hết thì làm sao dọn được!

Lại một chuyện mà bà không tài nào hiểu nổi. Bà nhớ lúc nãy ở bên nhà Hai Lân, bà đã nhìn thấy Thiên Hương mặc bộ đồ mát vốn là thứ cô chỉ để riêng trong phòng, khi về nhà mới mặc, mà bữa chạy đi cô nào có đem theo bộ đồ đó? Lưỡng lự một lúc, sau đó bà bước hẳn vào phòng. Xem xét lại những vật dụng, bà bất ngờ phát hiện ở bàn phấn của Thiên Hương có một chiếc lắc vàng rất lạ, cầm lên xem bà giật mình khi thấy có khắc tên hai chữ rất đẹp: Hoa Lài!

Dằn bên dưới chiếc lắc đó là một mảnh giấy với chữ viết mà bà Lụa nhận ra ngay đó là nét chữ của Thiên Hương: “Sinh ra thì xác hồn đều của cha mẹ, nay thác, xác phải mượn hồn kẻ khác! Con xin đắc tội...” Bà chủ Lụa chợt hiểu, bà không thốt được lời nào, ngã quỵ và ngất đi...

Thiên Hương quỳ trước mặt cha mẹ chồng, giọng chân thành:

- Con xin ba má hãy giúp cho chuyện này. Số là con và anh Hai Lân có duyên số từ kiếp trước, nhưng do hoàn cảnh không gặp được nhau sớm. Cho đến khi anh ấy đi lang thang nhậu nhẹt với bạn bè rồi nằm ngủ ở nghĩa địa cách đây gần một tháng, mới tình cờ gặp con. Lúc ấy con đã thành người cõi âm sau tai nạn lọt xe xuống nước, hồn phách con đang vô định thì hai đứa gặp nhau và hiểu rằng đã là số kiếp, duyên số thì không làm sao xa rời được nhau. Tuy nhiên, do lúc ấy con đã bị chết rồi, nên dẫu cõi âm có thương tình, muốn tác hợp cũng không còn kịp nữa. Cũng may, đúng khi ấy người bạn tên Hoa Lài của con đi cùng xe cũng cùng chết mà số cô ấy lại chưa tới lúc phải chết, nên phán quan liền cho hồn cô ấy nhập vào xác của con để sống lại, hầu làm trọn duyên phận với anh Lân. Đó là sự thật, xin ba má nghe rồi đừng nói lại với ai, cứ để tụi con sống mà phụng dưỡng cha mẹ.

Bà Hai lo sợ: - Như vậy lỡ ông bà chủ hỏi tội thì tui biết nói sao?

Thiên Hương quả quyết: - Má đừng lo, họ sẽ chẳng bao giờ dám lôi thôi nữa. Vả lại, bây giờ con chỉ còn mang cái xác của con gái họ, chứ  phần hồn thì là của Hoa Lài rồi. Chuyện bây giờ con muốn nhờ là ba má hãy sang nhà ba má của Hoa Lài, làm con...

Cô đưa cho cha mẹ chồng số tiền khá lớn:

- Ba má đưa giùm họ, nói tiền này là của một người có hàm ơn với Hoa Lài, muốn tặng để họ dưỡng già, bù lại chuyện họ mất đứa con...

Vợ chồng Hai Mộc ngập ngừng không muốn nhận, bởi xưa nay họ không quen nói dối, vả lại mang theo bên mình số tiến lớn họ đâm sợ... nhưng cuối cùng do Thiên Hương quá khẩn thiết nên họ phải làm theo. Khi họ tìm được nhà của cha mẹ Hoa Lài thì vô cùng ngạc nhiên khi có một cô con gái khá đẹp đang ngồi trong nhà. Thím Hai lên tiếng hỏi:

- Đây có phải là nhà của ba má cô Hoa Lài?

Cô gái cười tươi, lên tiếng đáp:

- Dạ, con là Hoa Lài đây!

Câu nói khiến thím Hai muốn té xỉu! Thím lui nửa bước, nhìn vào cô gái:

- Cô nói lại coi? Cô là...

Vừa khi ấy hai ông bà chủ nhà bước ra, họ đã nghe câu hỏi và trả lời, nên người mẹ lên tiếng ngay:

- Con tui nói đúng, nó chính là Hoa Lài, đứa mà đáng lẽ đã chết cùng với Thiên Hương con ông bà chủ Lụa!

Bà ngừng kể, nhìn sang con gái như đợi sự đồng ý của nó. Hoa Lài gật đầu:

- Má cứ nói đi. Bây giờ chị con dâu của hai bác đây cũng đã nói ra rồi, đâu cần giấu nữa làm gì.

Bà mẹ cô mới tiếp tục:

- Không riêng gì hồn của con tôi được cõi âm cho sống lại nhập vào xác cô Thlên Hương, bởi họ thấu hiểu nỗi đau của cha mẹ có con bị chết oan, mà hồn của cô Thiên Hương cũng đã được nhập vào xác con Hoa Lài đây nè!

Rồi bà nói thêm:

- Dẫu xác là con mình mà hồn là của người khác, nhưng dẫu sao mình cũng cứ nhận nó là con, bởi tui biết chắc con Hoa Lài cũng đang còn sống. Khi sống tụi nó là bạn của nhau, khi chết dùng xác hồn trao đổi nhau là chuyện bình thường.

Thấy bà ta nói như chẳng có chuyện gì, vợ chồng Hai Mộc cũng không biết nói gì thêm, đành đưa số tiền cho họ rồi kiếu ra về. Nhưng họ thẳng thừng từ chối:

- Tụi tui sống đạm bạc quen rồi, đâu cần nhiều tiền làm gì. Tuy nhiên...

Bà nói tới đó chợt nhớ hồn của Hoa Lài bây giờ không có trong xác nó, mà là của cô gái con nhà giàu, nên bà ngập ngừng hỏi:

- Ý con sao?

Hoa Lài xua tay:

- Con bây giờ khác rồi, tuy vẫn là hồn của con gái nhà nghiệp chủ Lụa, nhưng đang sống trong nhà ba má Hoa Lài, thì con phải là... Hoa Lài chớ! Con đâu cần giàu...

Hai Mộc chen vô nói:

- Nhưng tiền này con dâu tui nói là để anh chị dưỡng già...

Hai ông bà cười, chỉ vào Hoa Lài:

- Có đứa con gái này là tụi tui đủ sức sống tới trăm tuổi rồi!

Họ đãi khách một bữa cơm thịnh soạn, sau đó Hoa Lài gọi vợ chồng Hai Mộc ra dặn riêng:

- Hai bác biết chuyện này là để bụng, đừng bao giờ nói lại với bên nhà cha mẹ con. Bởi cho tới giờ này họ vẫn nghĩ con là Thiên Hương còn sống như con dâu hai bác. Mọi việc rồi sẽ qua đi...

Giữ đúng lời, vợ chồng Hai Mộc không hé răng với ai. Mọi sự cứ bình thản trôi qua...

Duy có một điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là chẳng hiểu sao từ ngày lấy vợ tự dưng Hai Lân đâm ra thông minh, linh hoạt hẳn. Anh chàng vốn trước đây không chịu học, bây giờ siêng năng đèn sách và vài năm sau đó bất ngờ trở thành người hay chữ nhất vùng. Đặc biệt là ngoài chữ nghĩa giỏi giang ra, Hai Lân còn có biệt tài chữa bệnh! Anh trị bệnh không lấy tiền, chữa được cả những bệnh nan y, khiến danh tiếng được đồn xa, nhiều người nể trọng.

Nếu có ai nghĩ rằng bao nhiêu tài năng của Hai Lân đều do hưởng được từ vợ thì cũng không sai...

 

CĂN NHÀ CỦA BÀ CỐ

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Khi còn theo học bậc cao đẳng, tôi cư ngụ trong một ngôi nhà do ông cố tôi xây từ năm 1915. Ông từ trần trong căn nhà này vào thập niên 1940 và bà cố tôi tiếp tục ở đó cho tới khi khăn gói đi tìm ông tôi vào năm 1978. Bà cố rất thương tôi vì tôi là thằng chắt đầu tiên của ông bà, và tôi được đặt tên là An, tên của ông tôi. Căn nhà của ông bà cố là loại nhà hai tầng kiểu Victoria nằm cách mặt đường khoảng 20 thước. Trước nhà là hai cây xồi khổng lồ cành lá xum xuê khiến những ai không để ý, từ ngoài đường không thể nhìn rõ ngôi nhà. Sau khi bà cố tôi từ trần, ông nội tôi chia ngôi nhà thành ba apartment rộng rãi, một apartment trên lầu với ba phòng ngủ, và hai apartmanet dưới nhà mỗi cái hai phòng ngủ, cho sinh viên mướn vì nhà chỉ cách trường đại học Winthrop chưa đầy hai trăm thước. Khi tôi lên đại học, dĩ nhiên tôi tới ở đây, trong apartment trên lầu cùng hai bạn học, mỗi đứa một phòng. Hai căn dưới nhà mỗi căn cũng có hai sinh viên cư ngụ.

Sau khi ở đây chừng hai tháng, hai người bạn ở chung apartment với tôi cho biết nhiều đêm họ đột nhiên thức giấc vì có cảm tưởng rõ rệt là có người lạ mặt trong phòng. Vì đó là một cảm tưởng rất thực nên họ đã kiểm soát phòng tắm, phòng vệ sinh, cửa ra vào, cửa sổ, tủ áo... nhưng không thấy gì hết. Tôi thú nhận với họ rằng chính tôi nhiều đêm cũng có cảm giác tương tự. Sau khi thảo luận, chúng tôi cho rằng có lẽ vì ngôi nhà quá cũ, thỉnh thoaœng cột kèo sàn ván lại kêu cọt cà cọt kẹt khiến chúng tôi thức giấc và có thể có cảm tưởng như vậy.

Tuy nhiên các sinh viên ở hai apartment bên dưới cũng nói rằng họ có cùng cảm giác như chúng tôi. Nhiều lần họ đột nhiên giật mình thức giấc giữa nữa đêm với cảm tưởng có người lạ mặt trong phòng. Lời giải thích rằng ngôi nhà quá cũ tạo nên những tiếng động khác thường vào lúc nữa đêm không thuyết phục được Bổn, một sinh viên ở tầng dưới, và anh đã dọn ra ở chung với người bạn gái.

Mấy tuần sau, một nữ sinh viên ở tầng trệt, cũng không chịu nổi cái cảm giác hãi hùng vào lúc nữa đêm về sáng vì sự hiện diện vô hình nào đó nên cũng cuốn gói dọn đi nơi khác.

Thực ra chính tôi cũng cảm thấy e ngại, và tuy không nói ra, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng nhà có ma. Riêng tôi, tôi tự an ủi rằng nếu trong nhà thực sự có ma thì hồn ma đó chắc chắn là của một người đã khuất trong gia đình tôi, và nếu hằng đêm hồn ma này có hiện về đi thăm từng phòng một, chắc cũng chỉ để trông chừng chúng tôi mà thôi. Những người còn lại cũng cố cho rằng cảm tưởng bất thường đó bắt nguồn từ sự cũ kỹ của ngôi nhà và của hai cây xồi cổ thụ phía trước với những cành khẳng khiu rủ lá, nhiều khi trông như những cánh tay ma quờ quạng giữa đêm trường.

Tình trạng sống trong lo lắng và tự an ủi này kéo dài tới một buổi sáng tháng Tư năm 1990 khi tôi xuống lầu để tới trường cho kịp buổi diễn giảng vào lúc 8 giờ. Vừa xuống được nữa cầu thang bên hông nhà, tôi thấy Hợp, một nữ sinh viên ngụ tại một căn phòng ở tầng dưới, ôm mền ngồi ở hiên trước. Hợp là một nữ sinh viên cao đẳng nghệ thuật tại trường đại học Winthrop, và tuy không phải là bạn, chúng tôi dĩ nhiên phải biết nhau vì cùng ở chung một nhà. Sáng hôm đó mặt mũi Hợp trông bơ phờ - mà tôi nghĩ rằng chữ “kinh hãi” có lẽ gần đúng hơn, và có vẻ chờ đợi tôi. Khi tôi chào cô và hỏi cô có việc gì mà ôm mền ngồi trước cửa, Hợp kể cho tôi nghe một kinh nghiệm hãi hùng bằng một giọng còn run rẩy. Cô cho biết đêm hôm trước cô thức khuya nằm trên giường đọc sách, vừa đọc vừa vuốt ve con mèo nhỏ nằm cạnh cô. Đột nhiên con mèo như “cứng mình lại” (nguyên văn lời Hợp nói) và gừ gừ một cách hãi hùng.

Hợp bèn đặt quyển sách xuống, hướng tầm mắt về phía con mèo đang gừ gừ, và đột nhiên cô lạnh toát cả xương sống khi thấy hình dáng một bà lão bé nhỏ có vẻ lâng lâng như sương khói đang ngồi trên một cái ghế cách giường ngủ của cô khoảng năm sáu thước, nhìn chầm chập vào cô bằng đôi mắt, hay nói đúng hơn bằng hai hốc mắt, đen ngòm sâu thẳm.

Sự kinh hoàng khiến Hợp nằm chết cứng, tiếng la kinh hoàng của cô bị tắc nghẽn trong cổ họng, đôi mắt trợn trừng nhìn “hình dáng” bà lão bé nhỏ lâng lâng như sương khói mà Hợp biết chắc là một hồn ma. Tình trạng hãi hùng này có lẽ chỉ diễn ra trong năm mười giây đồng hồ, nhưng đối với Hợp, dài như vô tận. Khi “hình dáng” bà lão đột nhiên tan biến, Hợp mới vùng thoát ra được sự kinh hoàng vẫn giữ chặt cô trên giường, ngồi bật dậy, chụp lấy cái mền, phóng xuống giường, lao mình đẩy tung cửa trước, chạy ra ngồi run rẩy suốt đêm dưới hiên trước cho đến sáng.

Thoạt tiên, bản chất nghệ sĩ cũng như lối ăn mặc bất cần đời của Hợp khiến tôi nghĩ rằng có lẽ cô đã uống rượu hoặc hút cần sa ma túy tạo cho cô cái ảo giác đó. Nói cách khác, tôi không tin một chút nào câu chuyện của cô. Dù sao tôi cũng tìm lời an ủi Hợp và nói rằng có thể cô gặp cơn ác mộng hoặc một cái gì đó, nhưng Hợp cả quyết rằng những gì nàng vừa kể hoàn toàn là sự thật một trăm phần trăm.

Chiều hôm đó trước khi trở lại nhà, tôi ghé nhà cha mẹ tôi cũng ở gần đó và kể cho cha tôi câu chuyện của Hợp. Cha tôi nghe một cách chăm chú rồi hỏi tôi xem ông có thể gặp và nói chuyện với Hợp được không. Tôi bèn điện thoại cho Hợp, nói với cô rằng tôi đã kể câu chuyện mà cô nói với tôi hồi sáng cho cha tôi nghe, và bây giờ cha tôi muốn tới gặp cô. Hợp đồng ý, có lẽ chỉ vì cô biết cha tôi là chủ nhà. Trước khi lên đường, cha tôi lấy một bức hình của bà cố tôi bỏ vào túi. Khi chúng tôi tới nơi, Hợp vẫn có vẻ bồn chồn, bứt rứt. Khi cô kể lại câu chuyện mà tôi đã nghe vào buổi sáng, cha tôi có vẻ chăm chú lắng nghe. Khi cô kể xong, cha tôi nói rằng “hình dáng” bà lão bé nhỏ mà Hợp nhìn thấy trong đêm có thể là bà cố tôi. Tôi thấy rõ vẻ hãi hùng trong đôi mắt Hợp khi nghe câu “kết luận” của ba tôi.

Khi ba tôi hỏi Hợp xem cô có muốn coi hình bà cố tôi xem có phải là người mà cô đã gặp đêm hôm trước hay không, Hợp có vẻ ngần ngại nhưng rồi đồng ý. Khi ba tôi đưa bức hình bà cố tôi ra trước mắt Hợp, cô chỉ nhìn bức hình trong khoảng hai giây rồi gục xuống cái ghế kế bên, vừa khóc nức nở vừa đưa tay đẩy bức hình ra xa.

Không một diễn viên thượng thặng nào có thể diễn xuất nét mặt kinh hoàng của Hợp khi nhìn thấy bức hình của hồn ma mà nàng đã đối diện đêm hôm trước, và không còn nghi ngờ gì nữa, chính hồn ma của bà cố tôi đã trở về ngôi nhà cũ, thăm lại từng căn phòng quen thuộc ngày xưa.

Để Hợp thổn thức trong vài phút, ba tôi tìm lời khuyên nhủ khi nói với nàng rằng bà cố tôi là một người rất tốt, luôn giúp đỡ mọi người, và bà chỉ trở về thăm lại nơi bà đã sống hạnh phúc một đời chứ không hề quấy phá ai. Ngay cả việc Hợp nhìn thấy hồn ma của bà khiến nàng kinh hãi cũng là một sự bất ngờ mà có lẽ chính bà không muốn.

Tuy nhiên vì ba tôi rất thật thà nên ông nói thêm rằng có thể bà cố tôi đã về ngồi yên lặng trong phòng Hợp nhiều lần mà Hợp không biết, lần này Hợp mới thấy chỉ vì con mèo gừ gừ khi trông thấy bà và bà biến đi không kịp. Tôi không kịp cản cha tôi vì tôi biết rằng những gì ông nói chỉ khiến Hợp hãi hùng hơn, vì chỉ nhìn thấy bà có một lần nàng đã gần muốn chết, nếu bà đã lui tới phòng nàng nhiều lần, chắc Hợp sẽ không thể ở thêm một ngày. Khi Hợp đã thôi thổn thức tuy những nét hãi hùng vẫn còn in đậm trên khuôn mặt bơ phờ mất ngủ, người cha thật thà của tôi lại nói rằng phòng này chính là phòng ngủ ngày trước của bà cố tôi và cũng chính là nơi bà trút hơi thở sau cùng.

 

NGƯỜI ĐẸP TRONG VƯỜN TRÚC ĐÀO

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Vào những năm 1948 - 1950, trên những chuyến xe đò liên tỉnh từ Sài Gòn về miền Tây thường rất ít khách. Nhất là ở chuyến xe “tài nhì”, tức xe chạy trễ, chuyến cuối lại càng ít người đi hơn.

Chuyến xe chạy Sài Gòn - Vĩnh Long khi tới Bắc Mỹ Thuận thì trên xe chỉ còn đúng năm người: Hai cậu con trai vốn là sinh viên học ở Sài Gòn về quê nghỉ hè, một đôi vợ chồng già có lẽ đi thăm con cháu ở xa về, trên tay xách nách mang quá nhiều quà cáp và một cô gái mà suốt đoạn đường xa chỉ thấy ngồi im rồi lại ngủ, gần như chẳng quan tâm gì đến chung quanh.

Hai anh chàng ngồi băng ghế sau cô gái, đến lúc này, khi khách đã xuống gần hết mới chú ý đến người đẹp. Mà quả cô nàng đẹp thật, đẹp đến không ngờ!

Linh, anh chàng đeo kính cận tỏ ra ngạc nhiên:

- Vậy mà nãy giờ mình không để ý. Đẹp quá, Đạt ơi! - Đạt, người ngồi cạnh nhưng mắt nhìn, vẻ thờ ơ:

- Ờ thì đẹp, nhưng mắc gì tới mầy, sao quan tâm dữ vậy?

Lời nói của Đạt hơi lớn, nên khiến cô gái phải quay lại nhìn. Linh lúng túng thấy rõ: - Mày… mày có im đi không thằng khỉ gió. Mày...

Người đẹp chỉ liếc qua hai anh chàng rồi lại tiếp tục im lặng. Xe bắt đầu xuống phà. Đôi vợ chồng già có lẽ tới nhà nên gọi xe lôi, chất đồ lên khi hành khách xuống phà. Do phải xách mấy túi đồ khá nặng theo, nên khi đi một quãng xuống gần tới sông, Linh mới dáo dác tìm quanh, chẳng thấy cô gái đâu, anh ta lại hỏi Đạt: - Cô ta đâu rồi?

Đạt chau mày: - Cô nào?

Linh phát cáu: - Thì người đẹp ban nãy chứ cô nào nữa! Mới đây mà sao chẳng thấy cô ta đâu nữa? Chẳng lẽ...

Cả hai xuống phà, trên phà khá đông người, nên Linh có cố nhướng mắt tìm khắp nơi cũng không thấy cô gái mặc áo dài trắng. Anh chàng tiếc ngẩn tiếc ngơ, bởi dễ gì gặp được một người đẹp cỡ đó trên cùng một chuyến xe chiều...

Phà tách bến chậm, gió từ sông cái thổi lồng lộng xua đi cái oi bức mà suốt mấy giờ liền hành khách phải chịu đựng trên xe. Lại chẳng còn xa nữa là tới bến, nên mọi người có vẻ nhẹ nhõm, khoan khoái. Linh chẳng còn hỏi Đạt xem đã tới chưa như khi còn ngồi trên xe, bởi mắt anh chàng còn bận đảo khắp nơi để tìm. Anh ta lẩm bẩm:

- Chẳng lẽ cô nàng xuống ở bờ bên kia rồi?

Chẳng mấy chốc phà đã tới bến Vĩnh Long. Hành khách hấp tấp đi bộ lên để đi một đoạn năm, bảy cây số nữa để đến bến xe cuối. Mấy tay lơ xe giục giã:

- Bà con đi xe Thuận Thành hãy mau lên xe cho kịp chuyến đò cuối về bên Cồn đi!

Linh lần đầu tiên theo bạn về quê nghỉ hè, nên hỏi lại Đạt: - Về bên Cồn có phải về nhà cậu không?

Lúc này Đạt mới cười: - Bây giờ mới hỏi, bộ hết còn trông ngóng người đẹp nữa hả?

Linh hơi ngượng, nhưng giọng vẫn tỏ ra tiếc nuối: - Chẳng kịp bắt chuyện gì hết...

Đạt đấm vào vai bạn một cái:

- Thằng mê gái.

Linh miễn cưỡng theo Đạt bước trở lên xe. Và lúc này đôi mắt anh ta sáng rực lên khi nhìn thấy cô gái vẫn còn ngồi yên ở băng ghế. Cô nàng vẫn đang nhắm mắt ngủ.

Tay lơ xe nói như giải thích cho Linh và Đạt về việc cô gái không xuống xe:

- Cô ấy bị say xe xuống không được chớ còn bắt buộc ai cũng phải xuống đi bộ qua phà.

Linh đâu cần lời giải thích đó, bởi việc người đẹp vẫn còn đây là quá đủ với anh chàng rồi. Vậy mà... Linh sung sướng nhắm nghiền mắt lại, làm Đạt phải buột miệng:

- Mày cũng say xe nữa sao?

Linh chẳng đáp, anh cứ nhắm nghiền mắt như muốn tận hưởng phút giây hạnh phúc này, Đạt tưởng bạn bệnh thật nên đưa tay lên sờ trán, khiến Linh càng muốn nhắm mắt thật lâu thêm. Lát sau xe đã tới bến. Linh cố nhắm mắt để như nhốt hình ảnh người đẹp vào đó, cứ sợ nó mất đi.

Mà mất thật! Lúc anh ta nghe lơ xe giục: “Xuống xe nhanh lên”, thì nhìn lại đã chẳng còn thấy cô gái đâu. Hoảng quá anh ta nhéo Đạt một cái rõ đau:

- Sao mày không kêu tao ngay!

Nhìn một lượt, chợt thấy cô nàng áo trắng đang leo lên một chiếc xe lôi, xe chạy thật nhanh, Linh giục:  - Mau lên Đạt!

Anh ta bắt một chiếc xe lôi khác và hối:

- Chạy theo chiếc xe kia!

Đạt xẵng giọng:

- Đi về bến đò qua cồn cho kịp đò cuối, chớ còn đi đâu nữa, thằng khùng!

Bị mắng nhưng Linh không giận, bước lên xe lôi rồi mà mắt vẫn dõi theo bóng áo trắng phía trước, buồn bã như vừa đánh mất một bảo vật gì đó…

Mãi đến khi xuống ghe rồi mà Linh vẫn còn ngoái lại nhìn lên bờ, mặt buồn so...  

Đây là lần đầu tiên Linh về một vùng quê nhiều sông nước, vườn cây trĩu quả, nên thích thú vô cùng. Anh chàng đã quên được chuyện lạc mất người đẹp. Mặc dù suốt đêm qua hầu như thức cũng mơ mà trong giấc ngủ cũng mơ thấy nàng.

Đạt rủ: - Bữa nay cho mày đi vô vườn xoài của nhà tao ở cách đây năm cây số. Tha hồ mà leo cây, hái trái và bơi xuồng, lội sông khoái chưa!

Linh phấn khởi:

- Đã quá mày! Nhưng mà nè Đạt, ở thứ vườn tược xa xôi thế này mà cũng có người đẹp dữ vậy sao?

Đạt trợn tròn đôi mắt:

- Người đẹp nào ở đây? Ở đây làm gì có…

Nhưng chợt nhớ ra, cậu ta phá lên cười:

- Cô nàng chắc là con nhà giàu đâu ở bên chợ, chớ làm gì có ở xứ này! Thôi, đừng tơ tưởng nữa, ông tướng. Ta chuẩn bị đi nào.

Đạt đã xin phép cha mẹ để dẫn bạn đi chơi, nên được mẹ và chị gái chuẩn bị cho khá đầy đủ là thức ăn, cơm nắm…

Bà Tư, mẹ Đạt còn dặn dò:

- Bạn con chưa quen sông nước vùng này, đừng để nó lội sông lớn, nghe không con.

Linh được dịp khoe tài:

- Tuy con ở miền Đông, nhưng biết lội giỏi, dư sức qua sông Cái bác Tư ơi.

Ba Đạt dặn thêm:

- Hồ bơi ở Sài Gòn khác, sông nước này khác. Tốt nhất là chỉ nên ở rạch nhỏ. Nhớ chiều về sớm.

Khu vườn xoài của nhà Đạt tuy xa, nhưng khá rộng và nhiều trái. Ngoài xoài, còn có nhiều thứ cây ăn quả khác như mận, ổi, cam, quýt, dừa. Thứ nào Linh cũng mê.

Vừa hái những trái mận căng da Linh vẫn không quên người đẹp:

- Thứ này mà có cô nàng tao sẽ tặng một rổ luôn, nàng mê phải biết.

Đạt chỉ lắc đầu cười. Anh ném cho Linh hai quả dừa mới hái cùng với con dao to:

- Đừng mơ mộng viển vông nữa, hãy thử chặt mấy trái dừa uống cho đã khát đi cha nội.

Linh chưa chịu chặt dừa mà cố leo lên trên ngọn cây mận. Từ chỗ đó đưa mắt về phía xa, chợt anh nhìn thấy mấy nóc nhà ngói, Linh reo lên:

- Ở đây cũng có những nhà lớn đó sao, Đạt?

Đạt không nhìn theo Linh, nhưng vẫn đáp:

- Đó là nhà ngày xưa còn lại, cũng giống như nhà cha mẹ mình. Ở đây hồi trước còn giàu hơn bên xóm mình nữa…

- Vậy có nghĩa là... bây giờ bên này nghèo hơn?

Đạt nói cho qua:

- Tớ không rõ lắm vì ít qua đây, nhưng nghe nói hồi năm 45 – 46 ấp này bị giặc Pháp tràn vô đốt phá tiêu điều…

Linh là người cực kỳ tò mò, cứ muốn biết mọi chuyện, nhưng thấy Đạt có vẻ không rành nên thôi...

Họ ở chơi đến xế chiều thì chính Linh lên tiếng đề nghị:

- Hay ta về sớm một chút.

Họ về tới nhà thì trời còn sáng. Trong lúc Đạt đi tắm, thay quần áo thì Linh chẳng biết lẻn đi đâu, mất dạng. Cả nhà Đạt quýnh lên về chuyện biến mất của Linh. Họ trách Đạt sao không trông chừng bạn, làm cho Đạt phát bực lên:

- Nó lớn rồi có phải con nít đâu mà lúc nào cũng trông với coi!

Mãi đến tối mịt Linh mới mò về. Vừa bước vô nhà, trông thấy Đạt, anh ta đã reo lên như một đứa trẻ:

- Trời ơi, không thể tưởng tượng được mày ơi! Cô nàng! Mày nhớ cô nàng không?

Đạt đang bực nên quát to:

- Mày có biết là từ chiều đến giờ cả nhà này không ai ăn uống gì được vì sự biến mất của mày không! Mày đi đâu thì cũng phải nói chớ.

Linh không hề giận vì bị la và cũng chẳng để ý tới sự tò mò của cả nhà đang dồn vào mình. Anh chàng kéo ngay Đạt vào nhà trong, sự phấn khích vẫn còn: - Mày không thể tưởng tượng nổi đâu, hồi chiều biết có nói mày cũng không cho, nên tao đã lén đi một mình. Tao trở lại mấy chỗ ngôi nhà ngói xưa nhìn thấy lúc trưa ở vườn xoài...

Đạt chặn ngang: - Chi vậy?

Linh nheo một mắt:

- Không uổng công chút nào hết. Tao tới tận ngôi nhà ngói lớn nhất vì linh tính như mách bảo với tao điều gì đó. Mà quả không sai. Mày biết tao nhìn thấy gì trong ngôi nhà đó không?

Đạt bực, gắt lên: - Thấy ma!

Linh cười thích thú: - Ma nữ mới đã chứ!

Rồi anh chàng hạ thấp giọng như sợ người nhà của Đạt nghe:

- Không thể ngờ được mày ạ, tao gặp nàng! Mày nhớ người ngồi trên xe đó hồi trưa không? Đúng là trời thương tao rồi!

Đạt cũng phải ngạc nhiên:

- Cô ta ở đâu bên xóm nhà hoang đó?

Linh nhún vai:

- Ai mà biết. Chỉ có điều đây là sự thật. Tao đi dài dài theo xóm, bởi tò mò muốn biết thôn xóm xứ mày ra sao, thì bất ngờ tao tới ngôi nhà ngói xưa đó. Nhìn vô cả một vườn cây trúc đào đang nở hoa đỏ cả một sân. Tao đang thích thú ngắm nhìn thì chợt tao không còn tin vào mắt mình nữa, nàng đang xuất hiện ngay trong vườn trúc đào ấy, như một nàng tiên! Nàng mặc một bộ đồ lụa trắng, mái tóc để xõa dài xuống tận lưng, trông lạ hơn khi ở trên xe, nhưng tao vẫn nhận ra, bởi làm sao tao quên được gương mặt khả ái đó…

Đạt vẫn không tin:

- Nghe mày kể chuyện khác nào liêu trai. Thôi đi ông tướng, đã lỡ đi chơi suýt lạc đường thì thú thiệt đi để ngày mai tao còn hướng dẫn cho.

Vẫn không bực vì bị nghi ngờ nói phét. Linh đi tắm mà mồm luôn nghêu ngao hát. Anh ta vui đến tột cùng, quên cả bữa cơm chiều.

Lần này thì chuyện Linh mất tích không còn là nỗi lo của gia đình Đạt nữa, mà là cả xóm. Một vài người lắm chuyện đã đoán già đoán non:

- Ở ngoài sông Cái, chỗ ngã ba Vàm năm nào cũng có người chết trôi. Đặc biệt là các chàng trai, cô gái còn đồng trinh. Người ta đồn ở khúc sông đó có thủy thần, hằng năm về đòi mạng.

Chỉ có ba của Đạt thì ra vẻ trầm ngâm. Ông gọi riêng Đạt ra ngoài hỏi:

- Mày nói cho ba nghe coi, liệu thằng Linh có quen biết đứa con gái nào ở gần đây không?

Điều này chính Đạt đã nghĩ tới từ lúc trưa khi không thấy Linh về ăn cơm trưa, nhưng còn bán tính bán nghi...

Anh hỏi chị gái mình:

- Lâu nay chị có qua xóm nhà hoang không? Bên đó vẫn hoang tàn như xưa hay có thay đổi gì không?

Chị Mai rất rành chuyện xóm làng, chị quả quyết: - Đâu có gì thay đổi. Kể từ khi xóm ấy bị giặc Pháp dội bom, đổ quân đốt nhà, hãm hiếp người thì hầu như cả xóm đều tản cư đi các nơi khác sống. Các ngôi nhà ngói vẫn bỏ hoang tàn.

Đạt nhớ lại những lời mô tả của Linh, nào là ngôi nhà với vườn hoa trúc đào, nào là cô gái áo trắng v.v... Đạt nghĩ đó chẳng qua là lời ba hoa của một anh chàng dại gái, đầu óc lãng mạn. Nhưng dẫu sao vẫn phải nghĩ đến chỗ những ngôi nhà hoang.

Đạt bảo:

- Để con qua bên xóm nhà hoang xem sao.

Chị Mai cũng đồng tình:

- Để chị đi với em. Chị rành bên đó.

Trên đường đi Đạt chợt hỏi: - Chị nhớ ở bên đó có cô gái nào đi học Sài Gòn không?

Mai quả quyết: - Làm gì có. Xóm đó giờ chỉ còn một số người nơi khác tới ở để đi làm mướn. Chỉ có...

Đạt tò mò: - Còn có ai nữa?

Mai cười: - Chỉ có hồi bốn, năm năm trước. Hồi đó có con ông Hương Cả hình như là học ở trường áo Tím Sài Gòn. Cô Giáng Hương, bạn của chị.

- Cô ấy còn ở đây?

Mai chép miệng:

- Cô ấy đã chết trong trận càn của giặc năm 1947. Chết do bị giặc cưỡng hiếp dã man!

Rồi Mai kể rành rọt hơn:

- Năm ấy cũng vào những ngày hè như vầy. Giáng Hương về nhà nghỉ hè thì bị nạn. Năm đó cô ấy chỉ mới mười tám tuổi.

Chị em Đạt tới xóm nhà hoang thì trời xế chiều. Khi đi gần tới ngôi nhà ngói xưa thì Mai chỉ và nói:

- Đây là nhà của ông Hương Cả, cha của Giáng Hương, hồi đó chị thường sang chơi.

Ngôi nhà nhìn từ xa đã thấy sự hoang tàn, bởi mái ngói và tường nhà rêu phong, sân rộng phía trước cỏ mọc đầy. Chợt Đạt kêu lên: - Cái gì vậy chị Mai?

Trong ngôi nhà hoang có nhiều người tụ tập khác thường. Mai cũng ngạc nhiên: - Chuyện gì đây?

Chị em họ chen được vào trong thì cũng vừa lúc người ta khiêng ra bằng võng một người gần như là một xác chết. Đạt vừa nhác thấy đã thét lên:

- Linh! Thì ra nạn nhân là Linh.

Một người tham gia cấp cứu đã kể lại vắn tắt:

- Suốt đêm hôm qua tôi đi soi ếch ở sau nhà, lâu lâu lại nghe có tiếng cười rồi lại khóc ở trong nhà này. Ban đầu tôi cứ tưởng là như mọi khi người ta vẫn gọi đây là ngôi nhà ma, nên tôi không dám vào. Tuy nhiên khi gần sáng khi sắp sửa xách giỏ ếch về thì lại nghe ai đó kêu lên kinh hoàng lắm! Tôi chạy về nhà kể lại chuyện thì con vợ tôi một hai ngăn không cho tôi trở lại đây, nó nói đó là hồn ma. Tôi thì không tin, nhưng… Anh ta ngừng lại thở hổn hển rồi tiếp:

- Cho đến chiều nay khi xách cần câu đi nhấp cá, khi ngang qua sau nhà tôi lại nghe nhiều tiếng rên gấp lắm. Lúc ấy tôi không còn bình tĩnh được nữa nên gọi thêm mấy anh em nữa, xông vào nhà và gặp người này đang nằm hấp hối dưới nền đất ẩm. Anh ta nhìn mình mẩy không có thương tích gì nhưng xem ra bị mất sức giữ lắm, da mặt tái nhợt, tay chân nhấc không lên.

Đạt nghe xong, thất thần:

- Linh ơi, sao vậy Linh!

Linh được đưa ra bệnh viện tỉnh, cứu được mạng sống, nhưng anh ta vẫn trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, mồm miệng cứ lầu bầu mấy tiếng “Giáng Hương… Giáng Hương...”

Cuối cùng Linh được chuyển về Bệnh viện Tâm thần Sài Gòn. Ở đây người ta kết luận:

- Anh chàng này vừa bị một cú sốc kinh hoàng lắm mà không chết đã là may. Anh ta đã qua cơn nguy hiểm tính mạng, nhưng chứng hoang tưởng sẽ còn kéo dài. Anh ta chỉ duy nhất nghĩ về một cô gái tên Giáng Hương, cứ gọi tên cô ấy và đôi lúc còn hỏi: “Vườn trúc đào đâu rồi?...”

 

OAN THAI

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Đã lâu lắm không đi tắm suối một mình trong một trưa vắng, nên kể từ hôm về đây nghỉ hè, lúc nào Mỹ Hạnh cũng cứ ước ao. Cho đến trưa nay thì cơ hội đó tới.

Phương, anh chồng công tử khó tánh của Hạnh trở về Sài Gòn một mình bởi có công việc gấp, nên Mỹ Hạnh lập tức gọi bà Hai quản gia:

- Lát nữa Dì Hai khóa kỹ cái cổng nhà mình lại, ai gọi cũng không mở.

Bà Hai ngạc nhiên:

- Sao vậy mợ?

- Ờ thì... cháu muốn đi tắm suối. Đang tắm mà có người lạ vào thì...

Hiểu ý cô chủ, bà Hai cười:

- Khỏi khóa cổng thì cũng chẳng ai ra sau nhà được, vậy mợ đừng lo.

- Nhưng cháu muốn chắc ăn, vậy Dì cứ khóa cổng cho cháu. Nhớ, nếu có ai hỏi thì nói là cháu cũng về Sài Gòn với nhà cháu rồi.

- Dạ...

Nhưng khi Mỹ Hạnh vừa bước về phía suối được mấy bước thì bà Hai chợt nhớ, nên gọi giật lại:

- Mợ Hai, không được!

- Gì vậy Dì Hai?

- Tôi quên, ở suối có...

Mỹ Hạnh nghĩ là bà già cho rằng mình sợ ma, nên cười to vừa chạy nhanh hơn:

- Chẳng ai làm gì được cháu đâu, dì đừng lo!

- Nhưng mà...

Bà định nói hết câu, nhưng Mỹ Hạnh đã chạy mất dạng sau những lùm cây. Dòng suối chảy qua khu đất đồn điền của ba má Phương khá gần với ngôi nhà, nên trước đây Mỹ Hạnh đã đôi lần ra đó tắm, nhưng những lần ấy đều có đông người, còn nay...

Mỹ Hạnh lâu lắm mới thoát được cảnh lúc nào cũng bị chồng kè kè một bên. Nhất là hầu như khá lâu rồi Hạnh chưa có được cái thú tắm suối trong tư thế của bà... Êva có nghĩa là tắm mà không có mảnh vải che thân, giống như những cô gái thượng! Hôm nay thì nhất định Hạnh phải tắm cho bằng được kiểu ấy, để xem cái cảm giác có còn như thời con gái cô vẫn thích làm hay không?

Không mang theo khăn choàng, cũng chỉ có duy nhất bộ đồ mặc trong nhà, nên chuyện tắm Êva là điều đương nhiên. Mỹ Hạnh chọn một vị trí thích hợp và chẳng chút ngại ngần, cô tuột hết y phục ra rồi từ từ bước xuống suối. Đoạn suối này do chảy qua đất nhà, nên ngoài người trong nhà ra thì chẳng có ai lọt vô, nên Hạnh khá yên tâm mà vùng vẫy dưới dòng suối mát. Quả thật là tắm suối kiểu này thích thú nhất trần đời! Hạnh nhắm mắt lại, thả người cho dòng nước đưa nhè nhẹ đi tới. Và không biết có phải đó là định mệnh hay không, lúc Mỹ Hạnh mở mắt ra thì chợt hoảng hốt, khi nhìn lên bờ phát hiện ra mình đã bị dòng nước đưa đi khá xa, hình như là đã ra khỏi khu đồn điền!

Mặc dù bơi khá giỏi, nhưng nước lúc này chảy xiết, nên rất khó khăn cho Hạnh khi bơi ngược dòng. Phải mất khá lâu, nhưng nhìn lên bờ cô vẫn thấy chừng như mình chưa trở lại được bao xa! Hơi hoảng, bởi lúc này dù có muốn leo lên bờ để trở về cho nhanh thì Hạnh cũng không dám.

Cố hết sức, vừa bơi vừa bám vào những gờ đá, những vết cắt do đá bén và trơn suýt làm cho Hạnh phải bật khóc, nhưng trong cơn nguy cấp này, cô vẫn phải ráng hết sức và nén đau... Phải mất gần nửa giờ sau, Hạnh vừa thoáng thấy mái ngôi nhà lầu của mình thì chợt cô sảy tay, chới với giữa dòng và... cô cảm giác như có ai đó từ phía trên dòng nước lao khá mạnh vào mình. Rồi thì mọi thứ như đảo lộn…

Bà Hai hốt hoảng chạy đi tìm khi chờ mãi mà không thấy Mỹ Hạnh trở về và gặp cô nằm ngất trên một tảng đá trong tình trạng không mảnh vải che thân. Một cách mệt nhọc, bà cõng được Hạnh về nhà cũng vừa lúc cô tỉnh lại.

Tuy nhiên, suốt đêm hôm đó Hạnh cứ gào to rồi khóc rưng rức. Bà Hai hỏi chuyện gì đã xảy ra nhưng Mỹ Hạnh không hề hé răng.

Phương và gia đình nhà chồng được báo tin và họ lập tức lên ngay đồn điền, sau đó đưa Hạnh về Sài Gòn. Nhưng thật lạ mỗi lần chiếc xe chở Hạnh vừa ra tới cổng thì động cơ ngừng hoạt động. Lặp lại đến gần chục lần như vậy, chính Phương cũng phát hoảng và không còn kiên nhẫn được nữa, phải đích thân cõng vợ ra lộ đón xe đò để đi bởi tình trạng sức khoẻ của Hạnh càng lúc càng suy giảm. Một lần nữa điều kỳ lạ lại xảy ra, chiếc xe đò đang chạy ngon lành, nhưng từ lúc Hạnh được đưa lên thì bị tắt máy!

Mất gần một giờ, tài xế cũng không cách nào làm cho xe chạy được, làm cho nhiều hành khách bực bội, chuẩn bị bỏ xe, đi xe khác. Lúc ấy bà Hai mới nói khẽ với Phương:

- Không cách nào khác hơn, cậu Ba nên đưa mợ Ba trở vô nhà rồi mình tính sau...

Phương lại cõng vợ trở vô với nỗi thất vọng, ông bà Hiệp Hòa, cha mẹ Phương, vô cùng lo lắng: 

- Gần đây đâu có thầy thuốc hay bệnh viện, mà tình trạng của Hạnh thì quá nguy kịch, vậy có lẽ bà Hai phải đi giùm, gọi y tá cũng được, bảo họ tới ngay.

Bà Hai vừa thay áo, chưa kịp đi thì Mỹ Hạnh tỉnh lại. Lần này cô không la hét như lúc trước, mà trái lại, cô đã bật ngồi dậy, đi đứng khá tự nhiên, như không hề có việc gì xảy ra. Có điều, ai hỏi gì về chuyện đã xảy ra thì cô chỉ lắc đầu.

Ba tháng sau…

Tin Mỹ Hạnh mang thai làm cả nhà chồng đều mừng vui khôn tả. Bởi từ ngày cưới đến lúc đó đã gần năm năm mà Hạnh vẫn chưa có tin vui. Nhưng trái với niềm vui của nhà chồng. Mỹ Hạnh lại ra chiều ủ dột và ít nói, ít cười...

Hơn sáu tháng sau nữa..

Tới ngày sanh, Mỹ Hạnh chẳng biểu hiện gì bất thường, nên ai trong nhà cũng thoải mái chờ đợi, ít ngày sau, Hạnh vào nhà bảo sanh ngay lúc có triệu chứng đau bụng. Và đúng nửa đêm hôm đó cô sanh.

Phương và mẹ theo, đứng chờ bên ngoài phòng sanh. Khi cô y tá bước ra, bà Hòa Hiệp hỏi ngay:

- Thế nào cô, trai hay gái?

Cô y tá hết nhìn bà rồi nhìn sang Phương, chị hơi ngập ngừng:  - Con trai. Có điều là…

Phương hoảng hốt:

 - Có chuyện gì vậy cô?

Lúc đó vị bác sĩ phụ trách sanh bước ra, bà nói thẳng: - Một đứa con trai kháu khỉnh, tuy nhiên nó lại không được trắng như cha mẹ.

Bà Hòa Hiệp kêu lên: - Cái gì? Sao lại…

Cô y tá bổ sung: - Thằng bé mũi tẹt, nhưng da lại đen như... dân châu Phi!

Hai mẹ con Phương đứng chết lặng, trong lúc bên trong phòng sanh Mỹ Hạnh đang khóc nức nở. 

Càng nhìn thằng bé. Phương lại càng mường tượng nó giống như người nào đó mà anh đã từng gặp... Cho đến khi bà Hai nhắc khéo:

- Cậu Ba à. Cậu có nhớ thằng Hơ Răng ngày xưa không?

Cái tên Hơ Răng làm cho Phương giật mình, há hốc mồm, người thì toát mồ hôi.

Đúng rồi! Hơ Răng là một thanh niên người Thượng, đã vô tình đập chết con chó săn của gia đình Phương cách đây gần mười năm và chính Phương khi ấy sẵn cây súng săn trên tay đã giết chết anh ta bằng hai phát đạn. Đúng ra thì Phương đã phải đi tù vì vụ đó, tuy nhiên nhờ có nhiều tiền và thế lực nên cuối cùng Phương thoát nguy. Từ đó Phương dần quên tội ác của mình. Nhưng hình như ở thế giới tâm linh thì không...

Một ngày kia, khi bà Hai ở giữ trang trại một mình thì có một ông già làng người Thượng ghé qua. Sau khi quan sát khắp nhà một lúc, ông ta nói mà không chờ được hỏi:

- Nhà này làm sao bà ở được nữa, khi hồn phách thằng Hơ Răng nó đã về đây rồi.

Sau cùng, trước khi bước ra, ông nói:

- Sắp tới ngày nhà này phải trả lại cho Hơ Răng những gì là của nó!

Và ông biến mất…

Chỉ một ngày sau, có tin từ nhà của Phương cho hay Phương tự dưng phát điên, đập phá lung tung và dọa giết bất cứ ai lại gần. Mỹ Hạnh thì từ lúc sanh con, đã bị nhà chồng hất hủi, đã bỏ nhà đi biền biệt, không quay trở về...

Nửa năm sau thì cả ông bà Hòa Hiệp đều qua đời một cách đột ngột và bí ẩn.

Thằng bé oan gia được xác định là con của Hơ Răng, do hồn anh ta đã cưỡng đoạt Mỹ Hạnh lúc cô tắm suối và sanh ra. Nó lớn rất nhanh và càng lớn càng giống Hơ Răng như đúc!

Hơn chục năm sau, cái gia sản khổng lồ của nhà Hòa Hiệp, trong đó có khu đồn điền rộng ngút ngàn của họ, bỗng dưng bốc cháy gần như cùng lúc! Người ta đồn rằng, cái oan thai kia đã báo thù một cách cay độc...

 

CON MA GỐC KHẾ

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Tôi năm nay đã ngoài sáu mươi, vậy mà khi ngồi xem phim ma cùng đám cháu nội thì xin lỗi, có lẽ tôi là người duy nhất sợ hãi.

Tuổi trẻ bây giờ chúng tin vào khoa học hơn những điều huyền bí có vẻ hoang đường, nên chúng thường bảo: - Làm gì có ma thật nội ơi! Chỉ Ià họ tưởng tượng để thu lợi nhuận mà thôi. Mấy hình ảnh này chỉ giỏi dọa con nít hai ba tuổi.

Cũng có thể vì chúng chưa gặp ma lần nào nên không có khái niệm sợ ma. Còn tôi đã một lần lâu lắm rồi, từ hồi năm 1966. Năm ấy tôi đã hai mươi lăm tuổi chứ ít gì, vậy mà tôi vẫn bàng hoàng sợ hãi như một đứa con nít.

Câu chuyện đó luôn ám ảnh tôi cho tới ngày hôm nay. Tôi không bao giờ muốn kể lại cho các cháu tôi, vì theo một cách nào đó tôi nghĩ như thế sẽ hay hơn. Nhưng nếu trở thành cát bụi mà không kể được với ai chuyện này thì tôi không chịu nổi. Nên các bạn thứ lỗi và hãy chia sẻ cùng tôi nỗi sợ hãi kinh hoàng khi chứng kiến một sự thật khủng khiếp...

... Tôi phải bắt đầu câu chuyện bằng một chi tiết có liên quan, đó là năm đầu tiên chúng tôi vào đại học, tôi và thằng bạn thân nhất từ hồi tiểu học. Nhưng một cái tin bất ngờ đã khiến Sơn bạn tôi phải quay trở lại nhà. Mẹ của Sơn đột nhiên mất tích, mọi người đổ xô đi tìm nhưng hoài công. Cảnh sát thời ấy cũng bó tay, một thị trấn bé nhỏ thì việc tìm kiếm không phải là quá phức tạp. Ngoại trừ bà ấy bị dòng sông cuốn mất, hay tự bà đã leo lên một chiếc xe nào đó và biến khỏi thị trấn một cách khó hiểu.

Hai ngày sau, có một số người đến cảnh sát làm chứng rằng đã thấy mẹ Sơn ra bến xe khách và leo lên một chuyến xe rời bến mất tăm. Theo lời Sơn thì mẹ của Sơn đã có triệu chứng bệnh tâm thần từ hồi Sơn còn học lớp chín, sau cái chết quá thương tâm vì tai nạn giao thông của ông bà ngoại Sơn. Ông bà ngoại Sơn rất giàu, mẹ Sơn lại là con một nên bao nhiêu gia tài đều để lại cho một mình bà. Cha Sơn là một bác sĩ giỏi nhất nhì của thị trấn nhỏ bé nơi Sơn sinh ra. Lẽ ra ông đã đi du học ở Pháp, nhưng vì sự hiện diện của Sơn trong bụng mẹ nên ông đành phải hủy chuyến đi mà ở lại thực hiện trách nhiệm làm chồng, làm cha trước áp lực của ông bà ngoại.

Thế rồi do đau buồn, năm ấy Sơn bỏ học. Năm sau để tránh cho con thoát khỏi ký ức đau buồn, cha Sơn đã lo cho anh đi du học ở nước ngoài. Câu chuyện mẹ Sơn mất tích chìm dần vào quên lãng.

Năm năm sau Sơn từ nước ngoài trở về nghỉ hè tại quê nhà để giảm tải sức ép tâm lý trước khi bắt tay vào việc làm báo cáo tốt nghiệp. Người đầu tiên Sơn hối hả đến gặp là tôi, lúc ấy tôi đã chuyển nhà lên Sài Gòn được ba năm rưỡi rồi. Hai anh em kéo nhau về lại quê với tâm trạng bồi hồi, bồn chồn thật khó tả. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi diện kiến dung nhan kế mẫu của Sơn. Tôi chỉ biết lo học miệt mài không màng đến những chuyện râu ria ấy, nhưng là chỗ qua lại với mẹ

Sơn từ thuở chúng tôi còn chơi thân nên mẹ tôi có biết chuyện cha Sơn đã tái hôn cùng cô y tá phòng mạch sau khi Sơn du học hai năm. Bạn không nói nhưng tôi dư hiểu là Sơn rất buồn với việc tái hôn của cha, vì dù sao khoảng thời gian đó vẫn còn là quá ngắn cho việc kết luận mẹ Sơn không thể trở về nữa.

Tôi vô cùng ngạc nhiên khi bước qua khỏi hàng rào gỗ, cây cối um tùm che cả lối đi, cỏ dại mọc khắp nơi trông là biết ngay nơi này không ai ở. Hiểu ý tôi, Sơn tần ngần đứng lại giữa lối đi, cất giọng bùi ngùi:

- Cha mình đã không còn ở đây sau khi lấy dì ấy. Cha có ý định bán căn nhà này, nhưng mình đã không đồng ý. Lâu lâu cha có cho người đến dọn dẹp. Có lẽ mình về không cho cha hay trước nên…

Sơn giơ tay khoát một cử chỉ vào khoảng không như để nén bớt cảm xúc đang dâng trào khóe mắt. Để xua tan khoảnh khắc bối rối trong tâm bạn, tôi vội nắm vai nó bóp mạnh:

- Không sao! Vậy thì hai đứa mình cùng làm. Đồng ý không?

Những tia nắng cuối cùng trong ngày phút chốc chợt bừng lên trước khi tắt lịm chuyển sang màu tím thẫm xuống không gian u tịch của khu vườn. Tối đó, chúng tôi chỉ kịp quét dọn căn phòng của Sơn để nghỉ lưng. Những kỷ niệm xa xưa được ôn lại như những thước phim bị đứt quãng.

Dần dần Sơn chìm vào giấc ngủ. Phần tôi, không biết vì lạ chỗ hay vì những tiếng động lạ trong nhà và cả ngoài sân, tôi cứ hồi hộp đăng đắng không sao chợp mắt được. Nhưng rồi tôi cũng ngủ thiếp đi trong nỗi khắc khoải mệt mỏi vào lúc gần sáng, với một cơn ác mộng mà sáng hôm sau tôi chỉ còn nhớ loáng thoáng một vài hình ảnh ma quái.

Lúc bấy giờ tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng vì tôi quá mệt nên mới mơ thấy chuyện quái dị.

Ngày hôm sau Sơn báo tin cho cha hay là mình đã về. Đồng thời cả hai chúng tôi bắt tay vào việc phát quang sân vườn được một khoảng lớn sáng sủa, sạch sẽ. Chúng tôi nghỉ tay xách xe đi lòng vòng hóng mát, đến nhà bạn bè cũ, hay bất chợt ghé vào nơi đã từng để lại dấu ấn trong lòng chúng tôi thuở trước.

Đêm đó mới là đêm bắt đầu của sự khủng khiếp.

Vào chập tối, khi tôi và Sơn còn cố nán lại ngoài sân, nơi cái bàn đá dưới gốc giàn hoa tigôn để hóng gió, đột nhiên tôi có cảm giác rằng ai đó đang nhìn mình.

Gáy tôi nhồn nhột, tôi quay phắt về phía sau, nơi cây khế được trồng trong một cái chậu to tướng. Hình ảnh một người đàn bà ngồi thu lu dưới gốc cây mờ mờ ảo ảo. Tôi hoảng hồn dụi mắt nhìn kỹ thì không thấy gì nữa.

Thấy bộ dạng của tôi. Sơn hỏi:  - Có gì vậy?

- Không có gì.

Tôi giục Sơn vào nhà và tự nhiên thấy mình dựng cả tóc gáy.

Mấy ngày tiếp theo hai đứa chúng tôi tiếp tục hoàn thành nốt phần việc còn lại và đi câu cá, bắn chim như thời còn học trung học.

Khi dọn cỏ gần cây khế to sai trĩu quả tôi thắc mắc cùng Sơn là tại sao lại trồng cây khế trong chậu trong khi bên ngoài thiếu gì đất trống, trồng bên ngoài sẽ tốt hơn là bị gò ép trong chậu, cây khế sẽ không phát triển bằng. Sơn cho biết lúc trước nó vốn được trồng ngoài cổng. Nhưng sau đó không hiểu sao cha Sơn lại mua cái chậu to tướng này về và trồng nó vào đó rồi đẩy tuốt ra ngoài gốc vườn như thế. Lạ một điều tuy sống trong chậu nhưng nó ngày càng sum suê và trĩu quả, tốt tươi không thua gì lúc trước. Nhìn cái chậu kiên cố và to quá khổ, tôi có một linh cảm là lạ nhưng chưa nhận ra đó là điều gì.

Đêm kế tiếp tôi lại nghe những âm thanh lạ khi hai đứa đi chơi về khuya. Rõ ràng khi Sơn đang loay hoay mở cổng tôi đã nghe tiếng phụ nữ khóc trong vườn. Tiếng khóc như đang than van cùng ai đó điều gì phiền muộn. Tôi hỏi Sơn có nghe gì không thì nó nói không nghe gì cả. Thật ra Sơn có nghe hay không thì tôi cũng không rõ vì vẻ mặt Sơn cứ như đang lo lắng, suy nghĩ điều gì mà không tiện nói ra vậy.

Đêm thứ bảy tôi mơ một giấc mơ khủng khiếp. Tôi mơ thấy mình ngồi đọc sách nơi chiếc bàn đá, bỗng trời tối sụp, cây cối trong vườn đột nhiên chao đảo như đang có một cơn giông lớn.

Và hình ảnh người đàn bà ấy lại xuất hiện, ngay cạnh chậu khế. Bà ta ngồi gục đầu giữa hai gối, mái tóc rũ xuống che cả gương mặt. Người đàn bà cứ lắc lư làm mớ tóc buông thõng đong đưa liên tục. Hai tay bà ôm chặt đôi ống chân teo nhỏ chỉ còn bằng chân trẻ nít. Tôi hoảng sợ gọi Sơn um sùm. Sơn giật mình thức giấc do Sơn nghe tôi ú ớ nên lay gọi tôi. Mồ hôi ướt cả ngực áo, tôi trùm mền giả vờ ngủ tiếp…

Hôm sau, lúc ra chợ mua thức ăn, tôi làm ra vẻ tự nhiên hỏi bạn đêm ngủ có ngon không. Sơn bảo bình thường, im lặng một lúc, Sơn nói thêm:

- Có mơ thấy mẹ…

- Thấy mẹ thế nào?

Sơn kể chỉ mơ thấy mẹ như ngày xưa, trước lúc Sơn vào đại học. Tôi định kể cho Sơn nghe giấc mơ kỳ quái của mình nhưng lại thôi, vì nói chung, tôi không muốn nhắc đến cơn sợ hãi lần thứ hai.

Đêm đó, tôi lại mơ thấy bà ta xuất hiện. Lần này tôi bực tức la lên: “Bà là ai?”. Bà cứ lắc lư và lết lại phía tôi. Nhưng bà chưa đến thì tôi đã bàng hoàng thức giấc rồi thở hồng hộc như trâu thở, mồ hôi tuôn ướt cả lưng. Tôi sợ. Ngày hôm sau tôi cũng mơ y như vậy. Tôi mệt mỏi vì mất ngủ. Trưa ngày thứ mười, hai đứa ghé thằng bạn cũ chơi. Sơn ngạc nhiên khi thấy tôi mới đến chưa nói được ba câu đã ngả người trên sôpha và ngủ luôn một giấc dài tới chiều.

Tối đó tôi sợ quá không dám chợp mắt, định kể đầu đuôi cho bạn nghe. Nhưng tôi nghĩ lại, chỉ còn đêm nay nữa thôi, trưa mai chúng tôi đã ra ga đáp tàu về Sài Gòn, thôi thì cố nén không làm bạn kinh sợ theo mình. Tôi rủ:

- Hay là hai đứa mình đánh cờ tới sáng đi!

Chơi được hai ván. Sơn giơ tay đầu hàng và lăn ra ngủ ngon lành. Còn lại một mình, tôi bắt đầu thấy sợ. Đêm tối dày đặc, ngọn đèn dầu đã được tôi vặn bấc lên thật cao cũng không thể soi sáng hết mọi góc tối. Tôi tưởng tượng đâu đâu cũng có ánh mắt theo dõi từng cử chỉ của mình khiến tôi không dám cục cựa. Thức thế này còn tệ hơn ngủ. Nỗi sợ hãi càng tăng khi ý thức hoạt động. Mắt tôi bỗng ríu lại, cơn buồn ngủ kéo ập đến, tôi choàng tay ôm cuốn kinh Phật nhặt được trong gầm bàn lúc sáng dằn lên bụng rồi thiếp đi nặng nề.

Tôi thấy mình ngồi dậy và bước đi ra ngoài. Trời đang mưa lâm thâm, bóng đêm đen đặc. Tôi nhìn quanh bóng tối và mơ hồ không biết mình phải làm gì. Tôi chợt nghĩ sẽ vấp té nếu đi giữa trời tối om như thế này. Vừa nghĩ thế thì một tia chớp nhá lên. Tôi kịp nhìn thấy trước mặt là một con đường mòn. Tôi bước đi như người mộng du. Bỗng chân tôi bị ngáng bởi một vật gì lành lạnh. Tôi dừng lại, định quay đầu bỏ chạy nhưng một bàn tay lạnh ngắt đã giữ tay tôi lại.

Và… Bỗng nhiên tôi thấy rõ mặt bà ta, trắng bệt, hai mắt là hai lỗ đen sâu hoắm, miệng cũng chỉ là một lỗ hổng đen ngòm không có lưỡi và răng, tóc bà ướt lết bết in những lằn đen ngoằn ngoèo trên gương mặt hốt hoảng. Tuy nhiên tôi có cảm giác bà rất quen. Miệhg bà há hốc không cử động nhưng tôi nghe được tiếng nói yếu ớt.

- Phong... ơi! Hãy cứu dì… khỏi đây… đi con…!

Trời ơi! Đúng rồi! Dì đây mà! Mẹ của Sơn... Sơn ơi...

Tôi cố hết sức vùng ra khỏi tay dì để gọi Sơn.

Rồi tôi bừng tỉnh. Bóng đêm vẫn dày đặc. Dường như tôi không còn nằm trên bộ phản cạnh Sơn nữa. Lưng tôi nhớp nháp ướt. Quơ tay chung quanh, tôi đụng cái chậu to đùng. Tôi la thất thanh và vùng dậy chạy. Tôi tập trung hết mức định hướng lối vào nhà và phóng đi như có gắn lò xo dưới gót chân.

Sơn đang ngủ ngon lành. Không còn nhịn được nữa, tôi lay bạn dậy, tôi kể cho Sơn nghe từ đầu đến cuối. Sơn bàng hoàng tỏ vẻ không tin và nhìn chằm chằm vào tôi như thể cân nhắc sự việc.

Chợt Sơn vỗ vai tôi đánh bốp:

- Cây khế!

Sơn chạy vào nhà kho lấy ra cây búa tạ. Tôi lục ba lô tìm cây đèn pin. Sau bảy tám nhát búa, cái chậu có một không hai này mới chịu vỡ ra.

Tôi run bần bật suýt đánh rơi cả đèn pin. Cây khế ngả nghiêng, từng khúc xương, dài có ngắn có, vung vãi. Tôi tự bịt miệng mình để kềm tiếng la hoảng. Sơn cũng chẳng khác gì tôi. Có điều nó bình tĩnh hơn một chút, có lẽ vì nó không phải trải qua cơn ác mộng. Sơn ra hiệu cho tôi đưa đèn pin xáp lại gần. Cái sọ bị kẹt trong chẳng ba của cái rễ to, tóc quện cùng rễ thành một chùm. Mùi hăng hắc bốc lên thoang thoảng trong gió. Sơn đứng im trừng trừng nhìn đống xương, sự căng thẳng như đang từ từ xiết chặt bạn. Chợt thấy một vật gì sáng lấp lánh nằm lẫn trong đất, tôi chỉ Sơn và lấy cây khều ra. Một hình Ông Phật nhỏ xíu bằng vàng đã khiến bạn tôi gào lên trong đêm khuya. Đó là kỷ vật của ngoại để lại mà mẹ Sơn thường cầm trong lòng bàn tay khi niệm Phật. Tiếng kêu “mẹ” của Sơn nghẹn lại tức tưởi nghe xót xa đau đớn. Sơn đổ xuống, tay nắm chặt nắm đấm nện vào nền đất vô tri vô giác. Tôi đưa tay quệt hai hàng nước mắt mà nghe lòng dậy lên nỗi căm phẫn dù chưa biết kẻ nào đã nhẫn tâm.

Vụ án mất tích của mẹ Sơn được lật lại…

Tội nghiệp bạn tôi lận đận trên đường học vấn. Phải mùa thu năm sau mới có thể an tâm hoàn thành báo cáo tốt nghiệp.

Hoàn cảnh Sơn thật thương tâm. Mọi bằng chứng đều bất lợi cho bác sĩ Hồng, cha của Sơn. Phân nửa tài sản sẽ là của ông ta, việc đi lại với cô y tá trong thời gian mẹ Sơn bị gán bệnh tâm thần quái ác, thật ra là ông đã cho vợ uống thuốc ngủ triền miên cả mấy năm trời khiến tâm thần bà bất ổn.

Còn mấy người ngày đó làm chứng với cảnh sát rằng họ thấy mẹ Sơn leo lên xe đò đi mất tăm, bây giờ ai cũng có một miếng đất kha khá do ông Hồng ban tặng. Tìm được người hại mẹ lại là cha đẻ của mình, trông Sơn tội nghiệp vô cùng. Sơn không nói không rằng suốt hai tháng trời khiến tôi lo sốt vó. Cũng từ đó, tôi không hề gặp ma lần nào nữa.

 

ÂM HỒN TRỪNG PHẠT

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Đoàn hát đến đây đã được năm ngày, nhưng chỉ mới hát được hai đêm đầu. Đêm sau, đêm nay là đêm thứ ba, mưa vẫn tiếp tục rơi vào buổi chiều.

Cứ khoảng bốn giờ, khi cả đoàn cơm nước xong và bắt đầu chuẩn bị cho đêm diễn thì từ phía chân trời đằng kia mây đen kéo tới. Những đám mây cuồn cuộn như những khối khói đậm đặc làm anh em trong đoàn đau lòng. Cứ thế mưa lại đến. Mưa không lớn lắm, nhưng cũng vừa đủ sức mạnh ngăn chặn những khán giả thân yêu của đoàn. Đến khoảng chín mười giờ đêm, thì mưa chỉ còn lắc rắc cũng giống như lúc này.

Tiếng mưa rơi đều đều trên mái ngói cũ tạo thành âm thanh trầm đục nghe buồn buồn và uể oải lòng người.

Nơi đây là một xã nhỏ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, xã chẳng nghèo mà cũng không giàu. Bãi hát nằm ở một vị trí khá đặc biệt. Nó là sân sau rất lớn của hai ngôi nhà gần nhau. Một cái lớn là nhà của ông Huyện Sướng, cái nhà mà chúng tôi đang tạm trú trên lầu. Nhà xây gạch kiên cố, nghe nói năm bốn mươi lăm, nhân dân nổi dậy chất lửa đốt và lấy chày vồ đập nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Nhà một trệt, một lầu, xây và trang trí theo kiểu Tây với rất nhiều hoa văn chạy viền chung quanh.

Căn nhà nhỏ hơn kế bên cũng là căn nhà một trệt, một lầu nhưng nhìn thiếu hẳn vẻ bề thế và chắc chắn như căn nhà kia. Đó là nơi để gia nhân của Huyện Sướng ở.

Từ ngày được chức huyện hàm, Huyện Sướng có hai tiểu đội lính phục vụ. Họ vừa canh gác vừa bảo vệ và làm cả những việc trong nhà. Họ được cấp súng, nhưng Huyện Sướng phải tự trả lương cho lính.

Sau đó, Huyện Sướng chết. Vợ con ông ta mỗi người một ngả. Kẻ ăn người ở tứ tán. Hai căn nhà chỉ còn một người ở lại trông coi, dọn dẹp. Ông ta tự nguyện ở lại trông coi có lẽ vì tứ cố vô thân, không nhà không cửa. Đó là ông Năm Ghiền, đang có mặt trong bữa lai rai này.

Rất khó đoán tuổi của ông Năm Ghiền, có thể là năm mươi, sáu mươi, hay bảy mươi cũng không chừng. Ông đã già lắm, người cứ quắt lại, thâm xì, da nhăn nheo. Suốt ngày chẳng nghe ông nói tiếng nào, cứ đi đi lại lại như là cái bóng. Nếu có ai hỏi điều gì, ông dừng bước, ngước đôi mắt nhìn hết sức đặc biệt về người hỏi. Đôi mắt trũng sâu, cái nhìn như xa xôi, như oán hận, lại như chịu đựng đến cùng cực. Một lúc sau cái miệng móm mém, không còn cái răng nào của ông mới cất tiếng. Giọng nhỏ và khàn đục.

Lúc đoàn mới về, được chỉ chỗ ở trên lầu hai ngôi nhà trên, nhiều anh em chiếm chỗ trên lầu căn nhà lớn. Nơi đây sạch sẽ hơn và ít ẩm thấp hơn căn nhà bên kia. Nhưng sau đêm đầu thì có người dọn qua nhà nhỏ vì ở bên nhà lớn thấy... ma. Có người thấy bóng trắng thấp thoáng ngoài mùng, có người nghe tiếng gõ cửa không ngủ được. Sau đêm thứ hai thì số người đổi chỗ ở qua nhà nhỏ nhiều hơn, nhất là những cặp vợ chồng. Hình như mỗì lần vợ chồng ôm nhau là như có một cái gì đó kéo họ ra.

Cuối cùng chỉ còn đám trẻ độc thân, sau bữa lai rai, họ lăn ra ngủ một giấc tới sáng, chẳng có việc gì xảy ra. Tối nay cũng vậy, đám trẻ gom tiền lại mua rượu lai rai và rủ thêm ông già giữ nhà, ông Tư Ghiền. Ông Tư uống rất ít, chỉ ngồi đó nhìn với ánh mắt buồn buồn. Lâu lâu có người nào nói gì đó thì cái miệng móm mém của ông hé cười. Hình như ông cười hay ông khóc gì thì hình dáng cái miệng vẫn giống nhau. Đặc biệt là mấy ngày sau mọi người mới phát hiện được cái bàn tay cụt của ông.

Ông thường dấu trong túi áo bà ba đen. Chỉ trừ ngón cái, bốn ngón còn lại đứt hẳn. Nhưng không sao, ông vẫn làm tốt mọi việc bằng cái bàn tay như vậy. Bàn nhậu có một khoảng thời gian yên lặng. Tự nhiên có một người cất tiếng hỏi:

- Ông Tư ơi, con hỏi thiệt ông nghen. Nhà này có ma thiệt không?

Mọi người quay lại nhìn về phía ông Tư Ghiền. Ông hấp háy đôi mắt, mỉm cười, không biết có phải mỉm cười không, trả lời: - Tui nghe nói có, nhiều người nói, mà bả chưa cho tui thấy lần nào.

- Bả nào ông Tư?

- Thì bả đó.

- Bả nào mới được chớ? Tối nay buồn quá, ông kể cho tụi con nghe với.

Ngoài trời mưa nặng hạt hơn một chút. Có đứa nào đó rót một ly rượu đầy đưa cho ông. Ông cầm lấy, ực một cái.

- Thôi được. Tối nay tui cũng thấy buồn quá, tui kể cho mấy chú nghe. Tui cũng chưa kể ai nghe bao giờ. Cái phòng mình đương ngồi đây là phòng của ông Huyện...

Theo lời ông Tư Ghiền thì Huyện Sướng là tay nhà giàu nhờ đất điền cha mẹ để lại. Hắn có anh là Tổng Sung, hùng cứ ở phía bên kia con sông cái. Hai anh em hắn xích mích do giành nhau cướp đất của dân nghèo, thậm chí phải thưa kiện nhau. Huyện Sướng thì đầu óc chẳng có bao nhiêu, nên mọi chuyện đều nằm trong tay bà huyện, Vì vậy mà trong nhà ông rất ít quyền hành.

Cũng như những địa chủ khác. Huyện Sướng cũng rất thích của lạ. Nhưng với ông chỉ là những lần lén lút bà Huyện mà léng phéng. Có lần thì với đứa gia nhân trong nhà. Có lần thì với đám vợ con tá điền mà bọn đệ tử ruột mua chuộc hay cưỡng bức hiến cho ông. Những lần như vậy, nếu bà Huyện không hay thì thôi, nếu chuyện vỡ lỡ thì người đàn bà đó không còn thấy xuất hiện ở nơi nầy nữa.

Cũng theo đám đệ tử Huyện Sướng đưa tin thì ông ta có sở thích kỳ quặc trong chuyện đó. Khi ngủ với đàn bà, ông ta khoái trói tay trói chân và xé quần áo của họ. Hình như là ông chỉ thích hiếp hơn là được cho. Chính vì vậy mà có những người chấp nhận ngủ với ông để đổi lấy tiền cũng chạy mặt và ông luôn luôn thèm khát.

*                *

*

Cho đến một hôm…

Huyện Sướng đang ngồi ngáp vặt trong phòng thì có một tên lính xin vào.

 - Bẩm Huyện...

Hắn bước tới khúm núm nói nhỏ vào tai Huyện Sướng. Huyện Sướng sáng mắt lên: - Mày nói tao biểu nó vào trình diện rồi mới được gặp.

Tên lính quay ra. Huyện Sướng quá sướng. Từ hôm qua, bà Huyện đi về nhà mẹ ruột ở Vĩnh Long đám giỗ. Chắc phải ngày mai mới về. Phen này thì ông mặc tình mà làm mưa làm gió.

Ông bước qua bộ sa lông, vuốt lại quần áo, ngồi đợi. Có tiếng gõ cửa. Huyện Sướng lên tiếng, đúng là giọng quan huyện, trầm trầm mà hách dịch vô cùng.

- Vô đi.

Cửa mở. Tên lính đưa vào phòng người đàn bà đang lớ ngớ với cái giỏ đệm trong tay.

Huyện Sướng ra lệnh cho tên lính:

- Để đó, mầy ra đi. Nhớ đóng cửa lại.

Rầm! Cái cửa được thiết kế đặc biệt, mỗi lần đóng khít thì nó tự động khóa lại. Chỉ có xâu chìa khóa trong túi áo Huyện Sướng mới có thể mở được. Huyện Sướng chỉ về phía cái giường.

- Ngồi lên đó!

Người đàn bà loay hoay lúng túng:

- Dạ, bẩm…

Huyện Sướng nhìn kỹ người đàn bà. Chắc chừng hăm mấy. Dân ruộng rẫy, làn da hơi đen nên trông càng săn chắc. Tóc dài búi lên nên để lộ cái cổ thơm tho. Huyện Sướng liếc nhẹ xuống dưới. Cặp chân dài núp hờ bên trong cái quần mỹ a đen, nhưng vẫn không giấu được cặp đùi thon thả.

Huyện Sướng nuốt nước miếng. Người đàn bà run run lên tiếng:

- Bẩm ông, con tới kiếm...

Huyện Sướng cướp lời:

- Tao biết rồi. Nhưng có người còn nói mày tới đây tính ám sát tao. Nó đi tuần ở ngoài kia.Tao đang cho kêu nó dìa. Nếu nó nhận mày thì thôi, còn nó không nhận thì tức là mày đi ám sát tao, tao bỏ tù cả nhà mầy. Bây giờ ở đây ngồi đợi nó, tao phải trói mầy lại, nếu không mầy làm bậy thì chết tao.

Người đàn bà phản ứng bằng cách thụt vô trong giường và kẹp hai tay lại.

- Mày không phải sợ. Nó về nó nhìn mày là vợ thì tao thả ra liền. Hay là mày sợ tao trói mày rồi mày ám sát tao hổng được?

Huyện Sướng lấy sợi dây để sẵn trên bàn bước tới kéo hai tay người đàn bà trói lại một cách nhanh lẹ và chắc chắn, phía đầu dây còn lại hắn buộc vào một đầu giường.

Thế là xong. Một chiếc khăn nhét vào miệng. Hai đoạn dây buộc hai chân vào đầu giường bên kia. Huyện Sướng mặc tình mà hành động.

Hắn như con thú say mồi. Hắn thực sự hứng thú khi nhìn đôi mắt hoang dại của người đàn bà tuôn chảy những dòng nước uất hận. Hắn cảm thấy hấp dẫn khi nghe tiếng ú ớ phản kháng.

Khi có tiếng gõ cửa, Huyện Sướng bực dọc hỏi vọng ra:  - Cái gì?

- Bẩm Huyện có chuyện.

- Chuyện gì? Tụi bây không xử được sao phải gọi tao?

- Dạ...  không được. Cậu Ba Tiền, con trai của ông Tổng Sung, nhậu say qua đây chửi bới um sùm trước cửa.

Vậy là ông biết Ba Tiền muốn kiếm tiền nhậu tiếp. Ba Tiền kêu Huyện Sướng bằng chú ruột. Nhưng từ hồi nào tới giờ có nghe thấy tiếng chú nào đâu. Mỗi lần say rượu hết tiền là Ba Tiền đến nhà Huyện Sướng kêu ra mà chửi, chừng nào Huyện Sướng đích thân cầm tiền ra đưa thì nó mới đi.

Ba Tiền biết Huyện Sướng không đời nào dám đụng tới nó vì đụng tới nó thì ba nó làm lớn chuyện, chưa biết ai chết ai sống. Huyện Sướng không dại gì tự chui vào cái thế như vậy.

Huyện Sướng lấy tiền bỏ vào túi áo bà ba.

Rầm! Cái cửa tự khóa lại. Huyện Sướng xuống dưới nhà giải quyết chuyện Ba Tiền.

Lúc mở cửa vào phòng trở lại, cảnh tượng trong phòng làm Huyện Sướng kinh hoảng. Hắn hét to:

- Bây đâu? Bây đâu. Lên đây mau. Mau lên!

Hắn khuỵu chân xuống, nhìn vào trong. Với đoạn dây trói tay buộc vào đầu giường, người đàn bà đã quấn quanh cổ siết mạnh. Lúc này Huyện Sướng thấy đôi mắt lồ lộ căm thù nhìn hắn, đôi chân còn giựt giựt mấy cái và cái lưỡi thè ra tím ngắt.

Khi đám lính chạy lên Huyện Sướng vừa run lập cập vừa ra lệnh gói người đàn bà vào chiếc chiếu, đem ra sau vườn đào lỗ chôn.

Hôm sau bà huyện về…

Cũng hôm sau người lính mới biết người đàn bà bị hãm hiếp và thắt cổ chết trong phòng ông huyện là vợ mình. Hắn uất ức xách súng lên lầu kiếm ông huyện trả thù, nhưng mọi người đã cảnh giác, phát hiện bắt trói tên lính.

Bà huyện nói: - Tội ám sát ông huyện là tội chết, biết chưa? Nhưng nghĩ tình mày cũng có cái khổ tao tha chết nhưng phải phạt. Từ đây về sau mày không được đi khỏi cái khuôn viên này, không được làm gì có hại. Còn bây giờ thì phải chặt tay mày để mày nhớ. Và bọn lính nghe lệnh bà huyện lôi tên lính ra chặt đứt bốn ngón tay.

- Vậy người lính đó là ông?

Không có tiếng trả lời, chỉ nghe ông Tư kể chuyện…

Dĩ nhiên người lính mất vợ và cụt tay đó nuôi ý định tìm dịp trả thù. Nhưng chuyện xảy ra tức thì.

Tối đêm thứ ba, sau cái chết của người đàn bà, lúc Huyện Sướng đang thiu thiu ngủ thì nghe tiếng gõ cửa. Huyện Sướng vừa ngồi dậy ra cửa vừa hỏi:

- Đứa nào?

Không có tiếng trả lời. Huyện Sướng mở cửa ra. Không có ai trước cửa. Bực mình Huyện Sướng đóng cửa lại, lên giường nằm.

Lại có tiếng gõ cửa. Mở cửa. Không có ai. Huyện Sướng lẩm bẩm:

- Hừ, đứa nào dám kiếm chuyện với tao vậy. Chắc mày gan trời.

Lần này, Huyện Sướng giả như đã đóng cửa, khép hờ và đứng canh cạnh cửa. Khoảng năm phút sau có tiếng gõ cửa. Huyện Sướng bật mạnh cửa ra. Người đàn bà ngồi bó gối trước cửa, áo rách te tua, lưỡi le dài đang nhìn vừa ngơ ngác vừa căm thù. Hoảng quá Huyện Sướng la lớn:

- Bây đâu, cứu tao! Bây đâu, bây đâu!

Bóng người đàn bà tan ra. Khi đám lính và người nhà chạy lên thì Huyện Sướng đang quỵ ở cửa mắt trợn trừng. Khi Huyện Sướng hồi tỉnh và kể lại câu chuyện thì bà Huyện quyết định sẽ vào ngủ trong phòng với ông và cử hai tên lính gác cửa.

Tất cả đã yên ắng trở lại. Hai tên lính gác đã ngủ gục trước phòng. Bà Huyện đã bắt đầu cất tiếng ngáy. Chỉ có Huyện Sướng là còn trằn trọc. “Cộc, cộc…Cộc, cộc… cộc… Cộc… cộc…” Huyện Sướng hoảng hốt, im lặng lắng nghe. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục. Hắn kéo mạnh tay bà Huyện. Bà Huyện giật mình thức dậy, hiểu ngay mọi chuyện. Hai vợ chồng nằm yên. Tiếng gõ cửa lại tiếp tục… “Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…”

Huyện Sướng rên rỉ:

- Nó gõ đó. Nó đó!

Nhưng bà Huyện có nghe gì đâu. Mọi vật đều vắng lặng. Huyện Sướng ôm chặt bà Huyện và lại tiếp tục rên rỉ:

- Nó gõ đó. Nó tới đó, bà ơi!

Bà Huyện không nghe gì cả. Tức mình bà xô ông ra, đứng dậy, mở cửa. Hai tên lính vẫn ngồi ngủ gục phía trước. Bà hét lên cho chúng thức dậy. Từ đó tới sáng, không ai ngủ được. Chỉ có Huyện Sướng là vẫn nghe tiếng gõ cửa.

Hôm sau bà Huyện cho mời một ông thầy trị ma giỏi nhất trong vùng đến cúng cả ngày.

Tối hôm sau bà Huyện cũng qua ngủ chung với Huyện Sướng. Có hai tên lính gác cửa. Khi mọi người đã thiu thiu ngủ thì. “Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…”

Huyện Sướng rên nhỏ: - Nó tới nữa đó.

- Ừ, tui nghe.

Hôm nay thì bà Huyện cũng nghe được tiếng gõ cửa. Bà bước ra mở cửa. Bà thấy rõ. Người đàn bà ngồi bó gối trước cửa, áo rách te tua, lưỡi le dài đang nhìn vừa ngơ ngác vừa căm thù. Quá hoảng hốt bà Huyện thét lên và cắm đầu chạy thẳng xuống lầu. Cánh cửa tự động phòng Huyện Sướng khép đánh rầm một cái.

Khi bà Huyện hoàn hồn trở lên và ra lệnh cho đám lính phá cửa phòng thì còn nghe Huyện Sướng ặc ặc mấy cái, hai chân giật giật. Mọi người xúm đỡ ông lên thì lưỡi ông đã le dài, mắt trợn trừng.

Từ đó mọi người trong nhà đều thấy ma, trừ ông Tư Ghiền. Đó là một cái bóng trắng thấp thoáng nơi này nơi khác trên lầu nhà. Đó là tiếng gõ cửa trong đêm. Sau đó bà Huyện bán hết đất điền cùng đi với một người đàn ông khác, chẳng biết ở đâu, người ta đồn như vậy. Chỉ có căn nhà ma không ai dám mua. không ai dám ở trong một thời gian dài, trừ ông Tư Ghiền.

Trước khi gục xuống như say, như ngủ, ông Tư Ghiền còn nói một câu giọng than thở, buồn phiền:

- Cớ gì mà bả không chịu gặp lại tui...

Khuya rồi. Mọi người xúm lại đỡ ông Tư lên chiếc giường duy nhất trong phòng. Vài ba đứa dọn dẹp bàn nhậu trong im lặng, buồn buồn.

“Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…”

Mọi người đang có mặt trong phòng nhìn nhau.

“Cộc, cộc… Cộc… cộc, cộc... Cộc… cộc…”

Cửa mở. Cánh cửa phòng không còn đóng tự động nữa. Một bóng trắng như sương, như khói trôi vào. Bóng trắng trôi đến bên ông Tư. Giọng ông Tư khẽ cất lên:

- Mình đó hả?

Tất cả mọi người có mặt nhẹ nhàng bước ra khỏi phòng, cố giữ không gây một tiếng động nào. Cảm giác của họ bây giờ rất lạ, cũng sợ nhưng rất ít, cái chính là xúc động là xót thương.

Đám tang ông Tư Ghiền diễn ra trong lặng lẽ. Khách đưa là anh em trong đoàn hát. Không khăn tang trắng. Không trống kèn nhưng mọi người đều nghĩ ông rất vui. Từ đó căn nhà hoàn toàn không có ma cỏ gì nữa cả.

 

NGHIỆP CHƯỚNG 1

(Tác giả: Người Khăn Trắng)

 

Thi hỏng cả ba lần tú tài, mà nhà lại nghèo, nên coi như con đường công danh của Phan đã chấm dứt. Tại quê nhà có người đề nghị Phan vào làm thư ký tại một nhà máy xay lúa để kiếm miếng cơm độ nhật. Tuy nhiên với Phan thì như vậy lại càng đau lòng thêm. Bởi chung quanh anh những bạn bè cùng trang lứa ai cũng đỗ đạt, hoặc ít ra thì cũng giàu có sắm tàu xe làm chủ nọ vênh vang…

Cuối cùng đã Phan cũng chọn giải pháp ra đi khỏi quê, làm một chuyến phiêu bạt thật xa. Và anh dừng chân ở một thành phố lớn. Tiền bạc trong túi có rất ít, nên Phan chỉ có thể tìm những chỗ trọ rẻ tiền, để ngày ngày lê bước khắp nơi tìm việc làm.

Đã hai tháng trôi qua mà công việc vẫn chưa có nơi nào. Tiền tiêu, tiền nhà đều cạn... Phan buồn tình ghé vào một quán nhậu bên đường gọi một xị đế ngồi uống cho đến lúc chuếch choáng say mới lê chân về chỗ trọ. Với Phan coi như đêm nay là đêm cuối cùng anh ngủ ở đây. Ngày mai chưa biết ra sao...

Tỉnh giấc vào giữa khuya, Phan nghe đầu nhức như búa bổ, toàn thân lại đau như vừa bị cơn cảm nặng. Có lẽ do xị rượu buổi chiều. Phan chợt giật mình khi có một bàn tay ai đó mát lạnh, mềm và đang nhẹ nhàng lướt lên trên lưng mình, từ cao xuống thấp, như xoa bóp...

Đang ở tư thế nằm nghiêng, Phan cố xoay người trở lại, chợt anh suýt kêu lên khi chạm một thân thể bên cạnh và người đó lại là phụ nữ và lại còn... không mảnh vải che thân!

- Sao? Sao lại...

Phan cố bật dậy, nhưng tay chân anh như tê liệt, anh chỉ có thể nghiêng người đủ để nhìn thấy cô gái hơi quen quen...

Bấy giờ cô gái mới lên tiếng:

- Lạ lắm sao? Rõ là khéo vờ…

- Cô…

Cô nàng đưa tay chận ngang miệng Phan, nói thật khẽ:

- Bộ muốn cho cả nhà hay biết sao?

Phan kịp nhận thức được chỗ anh nằm đúng là phòng trọ chật hẹp và nhìn lên tường thấy đồng hồ treo chỉ đúng hai giờ. Hai giờ sáng, và... chuyện gì đã xảy ra?

Cô gái bất ngờ ôm chầm lấy Phan vừa hôn lấy hôn để. Hôn như chưa bao giờ được hôn... Không còn khả năng chống trả, nên Phan chỉ biết ậm ừ trước cơn bão táp mà mình đang gặp phải. Bất ngờ... Từ bên ngoài có tiếng ai đó thét lên dữ tợn:

- Thằng khốn kiếp này, mày dám làm chuyện thối tha!

Vừa lúc cánh cửa phòng trọ của Phan bật mở tung, cùng lúc với đèn phòng được bật sáng choang. Vợ chồng ông chủ nhà đang hùng hổ đứng giữa phòng, mồm họ há hốc kinh ngạc nhìn lên giường của Phan. Cô gái kéo vội chiếc chăn đang đắp chung về phía mình để che giấu thân thể lõa lồ, còn Phan thì lại lộ ra trần trụi... Đến lúc đó thì Phan mới tá hỏa khi nhận ra toàn thân mình cũng còn rất ít vải che. Hình như lúc anh đang trong cơn say...

Tiếng ông chủ nhà quát to:

- Thằng khốn nạn, tao sẽ giết mày!

Ông ta lao tới với con dao dài trên tay. Phan có muốn vùng dậy cũng chẳng thể nào làm được. Bỗng bà vợ lão chủ nhào theo ôm cứng chồng lại, bà ta giọng khẽ hơn:

- Ông đừng nóng như vậy, kẻo thiên hạ biết cả bây giờ.

Bà quay sang một người đàn bà nữa nãy giờ đứng phía sau: - Chị Tư đóng cửa lại giùm.

Con dao trên tay lão chủ bị lấy đi, nhưng lão ta vẫn còn hung hăng rất đáng sợ:

- Tao đâu ngờ cho một thằng khố rách áo ôm như mày vô mướn nhà để rồi mày làm nhục nhà tao!

Phan cố chống chế. - Dạ, con đâu có...

Bấy giờ bà chủ mới chỉ vào người bên cạnh Phan, hỏi: - Chứ ai nằm đó?

Từ trong chăn cô gái khóc rưng rức như tự giới thiệu sự hiện diện của mình.

Tiếng bà chủ ráo riết: - Con đó còn hông ngồi dậy đi, còn nằm đến bao giờ!

Lúc này Phan mới dần tỉnh trí, anh bắt đầu hiểu: cô gái trong chăn kia mà anh cảm thấy quen quen chính là cô con gái kiêu căng con chủ nhà trọ mà hai tháng nay anh vẫn thấy mặt. Nhưng còn chuyện này... thì sao? Chính Phan cũng không thể nào hiểu nổi, anh chỉ nhớ mang máng là đêm qua quá say anh mò về nhà và ngủ vùi...

Như đã được chuẩn bị từ trước, người phụ nữ đứng phía sau được lệnh từ vợ chồng chủ nhà đã bước tới đưa máy ảnh lên chụp liền mấy kiểu vừa lúc cô gái như cố ý tung chăn để lộ mặt và phần thân trên ra. Xong đâu đấy vợ chồng lão chủ bảo người chụp ảnh:

- Chị đi ra để chúng tôi giải quyết.

Bà chủ nhà quay sang chồng: - Ông cũng vô nhà nghỉ đi, để tôi tính chuyện này.

Chờ mọi người ra hết rồi bà Lệ tên người chủ nhà mới nhẹ giọng hơn: - Con Lan mày chưa dậy mặc đồ vô, còn chờ gì nữa?

Lan - cô con gái - lúc này mới chui hẳn ra khỏi chăn, kéo quần áo vứt bừa bãi dưới nền gạch, mặc vào.

Quay sang Phan bà ta bớt gay gắt hơn: - Cậu nghĩ sao mà làm vậy? Cậu có biết con gái tôi nó còn là gái tân, tháng sau là chồng đi coi mắt rồi...

Phan lúng túng: - Dạ thưa bà, con... con đâu có... con đâu...

Bà Lệ nghiêm giọng: - Đến nước này nếu khôn thì cậu phải thành tâm. Tôi thật sự không ghét bỏ, thù hằn gì cậu. Tôi muốn tìm một lối thoát cho cậu...

- Dạ, bà chủ giúp con!

Giọng bà chậm nhưng rõ ràng:

- Đến nước này nếu cậu làm tùm xùm ra thì chính gia đình tôi, con gái tôi mang nhục mà thôi. Cậu đã gây ra chuyện tày đình thì cậu phải giải quyết hậu quả. Cậu hiểu tôi nói gì không?

- Dạ, con không...

Bà Lệ lại phải xẵng giọng:

- Cậu còn bướng bỉnh phải không? Hay để ông nhà tôi tính chuyện với cậu?

- Dạ...

Thấy thái độ của Phan có vẻ thuần phục, bà Lệ hạ giọng: - Nó là con một, là con gái rượu của chúng tôi, nhưng đến nước này thì tôi đành phải...

Bà ngừng nói, đưa tay gạt nước mắt, giọng trở nên bi thiết hơn:

- Con cái nó dại, nó làm hại cha mẹ nên giờ đây tôi phải chấp nhận. Tôi gả nó cho cậu.

Câu nói như một tiếng sét giáng xuống Phan. Mặc dù cú sét đánh này không gây thương vong, nhưng với Phan anh không thể nào tin được...

- Thế nào, cậu tính sao?

Nhìn gương mặt nghiêm nghị của bà, rồi quay sang nhìn Lan đang co người khóc rấm rức, Phan rối như tơ vò. Anh tìm mãi mà chẳng ra lời nào để nói…

- Nếu thuận thì bắt đầu từ hôm nay dọn đồ đạc lên căn gác phía sau nhà mà ở. Cậu như người trong nhà. Còn mọi việc để tôi lo...

Bà nói xong kéo tay cô con gái bước trở vô nhà lớn. Phan ngồi đó mà tưởng như mình đang trong cơn chiêm bao...

 

Sáu tháng sau...

Đang ngon giấc, chợt Phan bị đánh thức dậy:

- Dậy nhanh. Vợ đẻ tới nơi mà còn mê ngủ!

Tiếng giục là của bà Lệ. Phan nhìn sang chỗ vợ thì thấy Lan đang nằm ôm bụng rên la. Anh bật dậy ngơ ngác:

- Thai mới năm sáu tháng mà đẻ nỗi gì?

Bà Lệ quát to: - Sáu tháng hơn rồi! Động thai hay thai hư gì đó, còn lôi thôi gì nữa, nhanh lên!

Phan là trai tơ nên hoàn toàn khờ khạo trong chuyện này. Kể cả có những điều bất thường như việc vừa làm đám cưới với Lan xong chưa hơn một tháng thì Lan báo tin có bầu. Đến tháng thứ hai thấy bụng Lan to, Phan hỏi thì Lan nạt ngang bảo:

- Cái thai trong bụng lớn nhỏ là tùy nó, sao lại hỏi tui?

Thắc mắc nhưng không biết hỏi ai nên Phan đành câm nín với nỗi niềm riêng.

Thấy Phan còn ngồi thừ ra đó, bà Lệ lại phải giục: - Mau chạy đi mời bà bác sĩ tới đi! Cái thằng...

Phan như cái máy chạy ra cửa. Nhưng vừa sắp bước xuống thang lầu, anh quay lại hỏi:

- Sao không đưa đi bệnh viện mà sanh ở nhà?

- Bảo đi nhanh đi, lôi thôi hoài!

Lan cũng phát khùng về thái độ lừng khừng của chồng, cô ta lắc đầu than: - Thật là vô tích sự.

Bà Lệ xỉ một cái vào trán cô gái: - Phải như vậy thì mày mới ém nhẹm cái thai quỷ quái này đến nay!

Bà đưa tay nhẩm tính rồi nói:

- Bữa nay là đúng 9 tháng 12 ngày rồi…

Mười lăm phút sau Phan trở về với bà bác sĩ già. Như đã có hẹn trước, bà bác sĩ bảo:

- Đã chuẩn bị mọi thứ cho tôi chưa?

- Xong hết cả.

Xua tay mời mọi người ra ngoài, bác sĩ bắt tay ngay vào việc. Vừa khám bụng, bà giục ngay:

- Sắp sinh rồi, cho thau nước nóng nhanh lên.

Không để cho kẻ ăn người làm có mặt, đích thân bà Lệ và Phan lo mọi việc. Họ vừa quay đi lấy thau nước thì đã nghe tiếng khóc oe oe trong phòng. Mừng quá bà Lệ hỏi vọng vào:

- Con trai hay gái?

Không nghe tiếng trả lời. Bà Lệ sốt ruột hỏi lại:

- Trai gái vậy?

Bà đẩy cửa phòng bước vô. Trước mắt bà, bà bác sĩ đang ngồi thừ người nhìn bào thai vừa lọt lòng mẹ.

- Trời ơi!

Tiếng kêu thảng thốt là của bà Lệ, khi ánh mắt bà chạm phải cái bào thai còn đỏ hỏn.

- Cái… cái gì đây?

Đúng là một hài nhi, nhưng đứa bé có cái đầu nhỏ như nắm tay, còn phần cơ thể thì dài hơn bình thường. Đặc biệt là phần bộ phận sinh dục thì khó mà mô tả… Bà bác sĩ già buông thõng một câu:

- Nó là con trai!

Bà muốn nói thêm: Nhưng là một quái thai, nhưng kịp dừng lại. Lúc đó bà Lệ mới từ từ bước tới gần hơn. Bà nhìn trân trối vào chỗ giữa háng của đứa bé: Bộ phận sinh dục của nó phát triển y như một người lớn trưởng thành!

Sau khi làm mọi việc cho thai phụ, thai nhi, bà bác sĩ lặng lẽ rời khỏi phòng, thì bà Lệ ôm mặt khóc nức nở:

- Trời đã hại tôi!

Tiếng than của bà đã đánh thức Lan đang lịm đi sau khi sinh. Cô nghiêng nhìn sang con và thét lên trong nỗi bàng hoàng:

- Trời ơi!

Phan từ bên ngoài chạy vào và đứng khựng lại như trời trồng...

 

Mười lăm năm sau...

Thằng bé Dị - tên đứa con oan nghiệt Lan sinh ra - càng lớn lên càng quái dị. Bởi vậy, dù nó có tên là Thành Nhân, nhưng chẳng một ai gọi chính tên nó, mà gọi là Dị, riết rồi chết tên. Ban đầu Lan và bà Lệ rất giận khi ai đó gọi con cháu họ với tên Dị, nhưng lâu ngày họ cũng chẳng còn quan tâm, mặc ai muốn gọi sao cũng được.

Thằng bé Dị thì lại rất khoái khi được gọi cái tên ấy. Nó đưa tay dứ vào mặt mỗi khi ai gọi nó là Nhân. Tính tình thằng bé cổ quái, hung tợn khác thường, lúc nào như cũng muốn gây sự và khiêu khích bất cứ ai đến gần. Ngoại trừ nữ giới. Điều lạ là ở chỗ đó. Ngay từ lúc còn trong nôi thằng Dị đã ghét đàn ông. Có lần Phan bế con, đã bị nó cào cấu và cắn cho đau điếng. Chỉ đến khi có mấy người tớ gái đến bế thì nó mới yên.

Do nó dị tướng, nên bà Lệ mướn một lúc ba đứa tớ gái thay nhau bồng bế trong nhà và chỉ ở quanh quẩn trong phòng, tuyệt đối không cho xuất hiện ở nhà ngoài, đặc biệt là lúc nhà có khách.

Lan thì từ khi con lọt lòng, cô ta chưa một lần bồng ẵm và gần như là dị ứng với thằng bé. Mỗi lần nhìn thấy Dị là y như là giữa hai mẹ con gầm gừ nhau như chó với mèo.

Đặc biệt hơn, có một người nữa, mỗi lần trong thấy Dị là ông ta kêu thét lên và cắm đầu chạy như gặp phải ma. Người đó là ông ngoại của Dị, ông Thiện Hảo! Mà phần thằng Dị cũng vậy, hễ lần nào gặp người đàn ông đó nó đều chỉ vào mặt và hét lớn:

- Đồ ác nhân! Đồ khốn kiếp!

Riết rồi bà Lệ hầu như cách ly Dị khỏi cuộc sống trong gia đình. Và điều đó là nguyên nhân dẫn tới những bi kịch khôn lường. Đầu tiên là chuyện một đứa tớ gái bồng bế Dị từ nhỏ đột ngột mang bầu! Cô ta khóc lạy bà Lệ xin thôi việc mà không đòi hỏi quyền lợi gì. Truy hỏi mãi mới vỡ lẽ, tác giả bào thai không ai khác hơn là thằng Dị!

Rồi tiếp đó luôn cả hai đứa tớ gái còn lại cũng đến xin thôi. Hỏi nguyên nhân, chúng chỉ khóc...

Sau cùng bà Lệ cũng hiểu. Thằng nghịch tử Dị tuy mới ở tuổi 15 mà đã thành quỷ, cứ bắt buộc các hầu gái cho nó giở trò đồi bại, ai không cho thì nó đánh, nó nằm vạ la khóc ỏm tỏi, đến nỗi phải chịu quy phục. Bà Lệ đã thay đến bốn, năm lần tôi tớ, vậy mà chẳng ai ở được quá một tuần. Đến nỗi tiếng dữ đồn xa, cả khu xóm ai ai cũng biết chuyện và chẳng một ai dám vào làm dù được trả công gấp hai, ba lần người khác.

Thằng Dị thì càng ngày càng quỷ quái hơn. Một bữa nó kêu thẳng bà Lệ vào bảo:

- Bà phải cưới ba con vợ cho tui!

Có ma mới dám lấy nó. Bà Lệ phải năn nỉ ỉ ôi mãi nó mới chịu yên. Nhưng kể từ đêm đó nó cứ gào khóc trong phòng, gây náo loạn cả nhà chẳng ai ngủ nghê gì được.

Bà Lệ phải thương lượng với nhiều nơi để tìm vợ cho cháu với điều kiện chia cho một phần tài sản.

Vào một buổi sáng... Có một cô gái tuổi chưa quá hai mươi, từ ngoài cửa bước vô và lên tiếng ngay:

- Ai cần thì tui sẵn sàng làm vợ!

Trông cô gái cũng bình thường và có phần đẹp, hấp dẫn, chứ chẳng hề có dấu hiệu gì của bệnh hoạn. Cô ta gặp ngay bà chủ nhà và hỏi thẳng:

- Bà ra điều kiện nếu lấy cháu bà thì được gì?

Bà Lệ nhìn cô ta từ đầu đến chân, rất kỹ, có lẽ ưng ý, bà nói:

- Tôi chia cho một phần tư tài sản này cho cô sống với cháu tôi.

Cô gái cười nửa miệng rồi lắc đầu: - Cả tài sản hoặc ít nhất cũng tạm thời là phân nửa!

Cô ta nói xong tự nhiên đi thẳng ra nhà sau trước sự ngạc nhiên của bà Lệ. Ra đến thang lầu dẫn lên phòng của Dị, cô gái lên tiếng:

- Ra mà đón vợ đi!

Thằng Dị như chực chờ từ lúc nào rồi, nó chạy bay xuống cầu thang và tự nhiên ôm chầm lấy cô gái lạ. Thấy bà Lệ bước vô, Dị cười khoe.

- Đây là vợ tui!

Bà Lệ đứng nhìn chưa biết phản ứng ra sao thì Dị và cô gái đã nắm tay nhau đi thẳng lên lầu, biến mất sau cửa phòng đóng kín...

Kể từ hôm đó cô gái không trở ra nữa mà nghiễm nhiên cô ta thành vợ Dị.

Biết có chống đối cũng vô ích, nên cuối cùng bà Lệ đành giả câm giả điếc chấp nhận.

Nhưng nào đã được yên, một hôm cô gái đứng trước mặt bà nói thẳng:

- Từ nay bà không được bước lên phòng ở của tụi tui. Nhất là lão già Thiện Hảo, nếu để chúng tôi nhìn thấy mặt thì đừng nói sao chúng tôi độc ác!

Mà ông chồng bà Lệ vài tháng nay cũng chẳng bén mảng về nhà. Phan và Lan thì hầu như mạnh ai nấy đi ra ngoài với công việc của mình. Tóm lại từ đó trong nhà chỉ còn lại bà Lệ già như một chiếc bóng.

Mọi việc dần dần đều do cô gái tên Thủy đứng ra lo liệu. Cô ta còn dám mạnh miệng tuyên bố với mọi người:

- Tôi cháu dâu đích tôn, từ nay chỉ có tôi là chủ trong nhà này!

Và cô ta hành xử vai trò như một chủ nhân. Mà cũng lạ, kể từ khi có vợ, thằng Dị thôi không phá phách, kêu la nữa. Nó tỏ ra mê đắm người vợ hấp dẫn kia nên hầu như cả ngày không bước ra khỏi phòng.  

 

Ba năm nữa...

Thằng Dị được mười tám tuổi.

Hôm đó nghe tin vợ nó chuyển bụng sinh nên cả Phan và vợ đều về thăm. Những chỉ ở nhà ngoài cùng bà Lệ để chờ tin. Vẫn bà bác sĩ cũ, nay dù đã ở tuổi trên 80 nhưng vẫn được bà Lệ tin tưởng gọi đến.

Lúc họ đang ngồi ở phòng khách thì chợt thấy ông Thiện Hảo từ ngoài đi vô, ông ta trông tiều tụy, thiểu não vô cùng.

Vừa trông thấy mọi người ông chợt quỳ sụp xuống và khóc rống lên.

Phan ngơ ngác nhìn chưa hiểu gì thì Lan chợt hét lớn: - Cút đi!

Cô ta định xông ra với cái gạt tàn thuốc trên tay. Bà Lệ phải kéo con lại:

- Kệ ổng. Giờ ổng đền tội cho đáng cái đời!

Ông Hảo không chạy mà lại mọp xuống gần như nằm sấp dưới đất. Lan như chẳng còn chịu đựng nổi nữa lại sắp sửa lao ra, thì bà Lệ lên tiếng:

- Để má nói cho thằng Phan nghe…

Bà quay sang nắm lấy tay Phan, giọng thân tình:

- Bấy lâu nay thấy con ăn ở má thương. Con hiền lành, thương vợ, trong lúc đó con Lan cứ ngày đêm bị ám ảnh nên cọc cằn, bẳn gắt...

Bà dừng lại dường như để lấy hơi rồi mới tiếp:

- Con Lan không phải là con ông Thiện Hảo. Má lấy ông ấy khi đã có bầu bốn tháng, giống như con và Lan…

Phan nhìn sững bà Lệ, rồi quay lại nhìn Lan. Bà Lệ ôn tồn kể tiếp:

- Ông ta là dượng ghẻ. Đến khi con Lan lớn lên mười tám tuổi thì bị ông ta nổi cơn tà dâm, thú vật, cưỡng hiếp nó có mang và má đã dàn cảnh để con phải gánh chịu hàm oan...

Phan chỉ kịp kêu lên một tiếng:

- Trời ơi! Các người thật là độc ác!

Rồi ngồi như trời trồng. Lan thì gục đầu vào ghế khóc nức nở.

Bà Lệ lại tiếp:

- Không ngờ cái thai khốn kiếp đó sinh ra lại là quái thai. Đúng là trời hại nhà này mà…

Bà đang nói bỗng giật mình kêu lên:

- Ông Hảo, sao vậy?

Ông Hảo ngã ngang ra, miệng trào máu tươi lênh láng. Khi bà Lệ tới bế ông dậy thì phát hiện ông ta đã cắn lưỡi.

- Trời ơi là trời!

Tiếng bà chưa dứt thì từ trên lầu bà bác sĩ già được người tớ gái dìu xuống, mặt bà xanh như tầu lá, miệng thều thào:

- Lại... lại quái... quái thai...

Con vợ của Dị sinh hai cái bào thai đỏ hỏn, tròn như trái mít tố nữ, không tay chân, chỉ có mặt và đôi mắt láu liên...

Bà Lệ nhũn người ra, lịm đi...

Hậu quả đúng là khôn lường. Sau khi sinh hai quái thai, vợ chồng Dị chẳng buồn phiền gì, trái lại ngày ngày còn vui đùa với hai... cục thịt đỏ hỏn đó với sự thích thú.

Ông bà Hảo và Lệ đều chết cùng một ngày. Phan và Lan thì bỏ đi biệt dạng. Ngôi nhà to lớn cùng với tài sản khổng lồ giờ trong tay vợ chồng Dị. Từ đó hầu như chẳng một ai dám lui tới ngôi nhà ấy. Cũng chẳng biết cuộc sống của những người nửa người nửa ma quỷ đó ra sao...

 

CÂY CHỔI YÊU TINH

(Tác giả: N/A)

 

Lâu ngày thành yêu, vật nào cũng thế, không những chỉ có vàng và ngọc... Như trong vườn hoang ở một ấp kia có một tòa miếu cổ xây bằng gạch. Đằng trước có một cửa nhỏ, chỉ vừa một người ra vào, bên trong chỉ rộng bằng một chiếc chiếu. Trên đặt bái hương và một cây đèn bằng gỗ. Mỗi năm có hai lần người trong ấp đến lễ bái thì mở cửa mà vào, quét miếu thắp hương. Xong việc lại ra, đứng bên ngoài khép cửa lại, còn người dưng thì không ai bước tới. Trong miếu có một cái chổi rễ kết bằng những mảnh tre nhỏ. Khi vào cúng bái, dùng để quét, quét xong lại dựng trong góc miếu. Tương truyền là chổi rễ ấy dùng đã lâu ngày mà lúc nào cũng vẫn thấy như mới. Người trong ấp thường thấy có ma hiện ra. Khi ấy có người học trò quẩy tráp đi học, đến ấp thuê nhà ở gần đó để tiện đến nhà thầy nghe giảng. Ở trọ được ba tháng.

Bỗng một đêm khuya thấy người con gái đẹp đứng ngoài cửa sổ ném một bài thơ vào:

Thiếp vốn sao trời xuống dưới trần,

Trên cùng Cơ Vĩ vốn cùng thân. (Hai câu này nói bóng là hình cây chổi)

Thường đem quét tước trần ai sạch,

Muốn kết ái ân Chu với Trần.

Người học trò nhặt bài thơ xem, ngồi im lặng hồi lâu. Người con gái nhìn vào cửa sổ cười rằng:

- Thế gọi là "văn cùng" đó.

Người học trò thấy cô gái có nhan sắc đẹp, cùng nhau ngâm họa rồi lân la gần gũi. Đến gà gáy, ả vội đứng dậy từ biệt. Người học trò muốn giữ lại, ả nói:

- Thiếp là con gái quan nội triều (chữ triều ở trong là chữ miếu) ở trong ấp này, ở không đã lâu, nhưng tính cha mẹ nghiêm ngặt, quanh năm không cho ra khỏi cửa, người trong ấp chưa ai trông thấy mặt. Vì thế, thiếp chưa có gia thất. Hôm qua, ngẫu nhiên nhìn qua khe cửa, thấy chàng đi quạ Đã ưa người đẹp, lại mến tài cao. Cho nên chui lối ngạch đi ra, quên cả hổ thẹn. Nếu mãi vui, có người biết được, thì không những mang tiếng chê bai, suốt đời không ai dám hỏi nữa, mà lại còn điếm nhục cả đến gia thanh, để lo buồn cho cha mẹ, đến phải tự tử mà chết mất. Nếu chàng có lòng yêu thiếp phải nói dối kẻ trên để lén lúc đợi đêm tối sẽ đến, dần dần ta sẽ kết duyên giai lão, như thế có hơn không? Giữ thiếp ở lại làm gì? Nhưng điều này nên giữ kín, nhất thiết không nên nói chuyện này với ai.

Nàng nói xong thì vội vàng ra đi.

Người học trò từ đó học hành chểnh mảng. Ngày thì ngủ say, đêm thì vui đùa với con yêu nữ. Đã hơn một tháng, thầy không thấy anh ta đến học, sai người đến nhà trọ hỏi duyên cớ và bảo anh ta đến gặp thầy. Người học trò thấy thầy gọi, liền đi theo người đến.

Thoạt trông thấy anh, thầy giật mình hỏi rằng: - Mới qua một tin hoa nở mà nhan sắc xanh xao, tinh thần sút kém đến như vậy. Ngươi mắc bệnh gì thế?

- Thưa, con không bệnh gì.

Thầy nói:

- Không bệnh gì mà hình dung thế kia à? Đúng là bị gái hư nào làm mê hoặc rồi. Nếu không, can chi vóc người sút hẳn đi như thế?

Người học trò trước còn giấu diếm, sau bị thầy hỏi vặn đến cùng bấy giờ anh mới nói rõ đầu đuôi câu chuyện. Thầy nghĩ hồi lâu nói:

- Bên nhà ngươi trọ, có cây cổ thụ không? Có đầm sâu hay là có miếu cổ nào không?

Người học trò nói: - Trong vườn hoang có ngôi miếu cổ, không biết làm từ đời nào. Cảnh miếu vắng vẻ, cách nhà con trọ độ năm trăm thước, hàng ngày con đi học thường phải qua đó.

Thầy nói:

- Đứa con gái ấy tất là con yêu trong ngôi miếu cổ. Ngươi không nói sớm, chỉ ba tháng nữa là chết.

Anh ta sợ quá, lạy phục trước giường xin thầy bảo cho phép trừ yêu.

Thầy nói:

- Xem lời lẽ bài thơ, trong lúc vội vàng, chưa có thể đoán được tà yêu. Hãy để xét nghiệm dần dần xem nó là yêu gì mới có thể trừ được.

Nói xong thầy lấy một cái khăn vuông lụa đỏ đốt hương thư phù vào mặt khăn, rồi đưa cho anh học trò và dặn rằng:

- Nó đã là yêu thì những câu gì ta nói với ngươi, tất nhiên nó cũng biết. Đêm nay con yêu đến, nếu nó có hỏi đi hỏi lại, phải kiên quyết nói là không. Nếu nói lộ ra thì kế ta không thể thi hành được, nhà ngươi tất phải chết. Nên làm thơ tự tình gấp hai mọi ngày. Đợi khi gà gái con yêu sắp dập từ biệt, cầm khăn hồng này tặng nó và nói: "Tình nương, tình nương của ta, có yêu hàn nho không? Có định cùng ta kết làm vợ chồng không? Chúng ta nguyền ước ba sinh, há lại không có một vật gì làm tin ư? Vuông khăn hồng này, khi ta mới sinh, có một ông quan trông ấp mừng chọ Cha mẹ lấy làm quý báu cất kỹ để dành. Nay ta đem tặng này, xin đừng khinh thường. Nàng nên buộc nó vào dây lưng, như vậy thì suốt ngày, như có ta ở bên cạnh. Đợi khi thành hôn, ta với nàng lau chung với nhau, có sung sướng hơn không? Bảo nó như vậy, nếu con yêu nhận lấy chiếc khăn là phúc cho nhà ngươi:

Anh học trò bỏ khăn vào túi áo, lạy thầy hai lạy rồi ra về.

Đêm hôm ấy con yêu vừa đến đã hỏi ngay rằng:

- Lang quân! Lang quân! Hôm nay lang quân đi đâu thế?

Anh học trò trả lời:

- Không!

Con yêu nói:

- Thiếp ở trong cửa thấy lang quân đi quạ Thiếp đi theo sau đến chỗ cổng nhà thầy, thiếp muốn theo vào, nhưng thấy khí văn bốc lên cao vút, lởm chởm trông rất sợ. Thiếp đứng nấp ngoài cổng để đợi lang quân. Một lát lang quân ra, thiếp lại theo về. Sao lại nói là không đi đâu? Hay là đã có đám nào đấy chăng? Có lẽ đúng. Ngạn ngữ có câu:

"Vợ chồng mới cưới nói ba phần thật,

Chưa thể bày ra cả tấm lòng."

Câu nói ấy đúng tâm lý lang quân lắm đấy!

Anh học trò nói:

- Cũng là ngày đi học đấy thôi!

Con yêu im lặng, rồi lại vui cười như trước.

Đến lúc từ biệt, anh ta theo lời thầy, đưa tặng khăn hồng và nói rất thiết thạ Con yêu nhìn khăn hai ba lần, xem mặt trên rồi mặt dưới, tựa hồ có ý sợ hãi, nghĩ ngợi rồi thở dài, nói rằng:

- Ai đưa vật này cho chàng? Đây là một vật làm cho vợ chồng ta lìa nhau. Không thế thì sao bây giờ mới có, trước kia lại không?

Anh học trò nói thác cớ là cha mẹ vừa mới gửi đến. "Thương nàng, yêu nàng, ta không tặng nàng, thì tặng ai? Đã khăng khít với nhau như liền khúc ruột, sao nỡ đem lòng ngờ vực như thế?". Anh ta giả đò giận. Con yêu mới lấy khăn rồi ra về.

Sáng hôm sau thầy đến hỏi chuyện, biết là con yêu mang khăn về rồi, liền bảo anh đi xét trong miếu cổ. Quả nhiên thấy vuông khăn hồng vắt trên cái chổi rễ bằng tre. Thầy trỏ vào cái chổi nói rằng:

- Đúng là cái chổi này thành yêu.

Thầy bảo đem chổi về đốt, thì nghe trong ngọn lửa có tiếng kêu khóc. Từ đó con yêu chổi không còn đến quấy rầy anh học trò nữa..

 

 

CƯỚI VỢ ÂM PHỦ

Chịu trách nhiệm xuất bản:

       BÙI CAO TIÊU

Biên tập:   NGUYỄN CẨM HƯƠNG

Sửa bản in: GIANG MINH TRƯỞNG

Trình bày bìa: SONG THÀNH

 

In 1.200 cuốn khổ 13x19cm, tại Xưởng in NXBGTVT

Số trích ngang xuất bản: 371-2009/CXB/27-53/ThaH,

In xong và nộp lưu chiểu Quý I năm 2010

.............................................................................................................

- Cập nhật theo bản lưu trữ tại tại Công ty TNHH Văn Hóa Bảo Thắng.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.

.

 

0 comments:

Đăng nhận xét