PHÂN TÍCH CẶP ĐÔI NHÂN VẬT
THÚC SINH VÀ HOẠN THƯ
(Tác giả Lê Thanh Long) |
Mỗi
nhân vật trong Truyện Kiều đều có một chức năng, nhiệm vụ nhất định, phục vụ
cho câu chuyện chung. Mỗi nhân vật đều có những nét riêng, đại diện cho một lớp
người. Nguyễn Du đã thể hiện sự sáng tạo sâu sắc, từng trải, thâm hậu, lão
luyện, hiểu đời, lõi đời trong việc miêu tả hình thể, tính cách, hành động, suy
nghĩ nội tâm, ứng xử… của mỗi nhân vật khác nhau. Mỗi nhân vật một khác, không
có nhân vật nào giống nhân vật nào… Mô tả đúng nhân vật trong hoàn cảnh xẩy ra
câu chuyện, người đọc thấy câu chuyện có lý, dễ bị thuyết phục.
Hai
nhân vật Thúc Sinh và Hoạn Thư có mối liên hệ nhân quả, nên phải xét trong cùng
một mục mới nổi lên rõ nét.
Thúy
Kiều là nhân vật chính trong Truyện Kiều, ở đây giữ vai trò người lên quan, bị
hại.
Hai
nhân vật Thúc Sinh và Hoạn Thư có những tính cách ngược nhau, nhưng lại không
hề đối kháng, mà lại rất hòa hợp.
Thúc
Sinh là một người chân tình, thực thà, nhưng nhút nhát, ham chơi và bị cái bóng
quá lớn của gia đình quan tể tướng lơ lửng trên đầu ảnh hưởng đến mọi suy nghĩ,
hành động của anh chàng trẻ tuổi này.
Hoạn
Thư là cô gái đảm đang, chăm chỉ, tháo vát trong mọi việc gia đình, lọc lõi
trong ứng xử, mưu mô, thâm hiểm, không biểu lộ tình cảm và suy nghĩ ra ngoài
mặt. Khi nói về Thúc Sinh và Hoạn Thư, Nguyễn Du không tả hình thể của hai nhân
vật này, nếu tả đẹp hay tả xấu đều là dở và non cơ, không phục vụ gì cho câu
chuyện. Hoạn Thư không hấp dẫn Thúc Sinh bởi sắc đẹp, mà bởi dòng dõi con nhà
quyền quý, giầu có, con gái quan tể tướng, măc dù Hoạn Thư có thể rất đẹp. Hoạn
Thư hấp dẫn Thúc Sinh ở con đường tương lai danh vọng, giầu có, được nhờ vả.
Thúc Sinh một anh học trò bình thường cũng nòi thư hương, nhưng không phải nòi
văn quan gốc gác truyền thống, nên Thúc ông còn phải đi buôn, mở cửa hàng. Thúc
Sinh chắc không dám đến hỏi Hoạn Thư (tiểu thư họ Hoạn) con quan tể tướng làm
vợ. Chắc là được quan tể tướng và Hoạn tiểu thư chọn. Họ chọn một anh sinh viên
bình thường, có triển vọng sau này học hành đỗ đạt, hiền lành, dễ bảo. Cặp đôi
này đến với nhau như lẽ tự nhiên.
"1275. Khách
du bỗng có một người,
Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương.
Vốn người huyện Tích châu Thường,
Theo nghiêm đường mở ngôi hàng Lâm Tri".
"1529. Vốn
dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư.
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều dàm buộc thì tay cũng già".
Duyên
Đằng là duyên may mắn, kết duyên cùng chàng Thúc một cách may mắn, nhanh chóng.
Chàng
Thúc Sinh là một chàng trai trẻ mê gái đẹp, quen thói tiêu tiền không cần đếm:
"1303. Thúc
sinh quen nết bốc rời,
Trăm nghìn đổ một trận cười như không".
Bị
nàng Kiều làm cho mê mẩn:
"1001. Lạ cho
cái sóng khuynh thành,
Làm cho đổ quán xiêu đình như chơi".
Nàng
Kiều lúc này chỉ có thể làm cho “đổ quán xiêu đình” thôi, chứ không như lúc
trước có thể làm “nghiêng nước nghiêng thành”:
"27, Một hai
nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một tài đành họa hai".
Chàng
Thúc cũng là tay nói khoác có hạng để Kiều an tâm:
"1363. Đường
xa chớ ngại Ngô Lào,
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Đã gần chi có điều xa,
Đá vàng cũng quyết phong ba cũng liều".
Khi
Thúc Ông biết chuyện Thúc Sinh lấy vợ lẽ, ông quyết phân chia, muốn đuổi Kiều
về lại lầu xanh. Thúc Sinh cũng rất kiên quyết, rắn mặt với bố:
"1395. Rằng;
“Con biết tội đã nhiều,
Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam.
Trót vì tay đã nhúng chàm,
Dại rồi còn biết khôn làm sao đây”.
“Lượng trên quyết chẳng thương tình,
Bạc đen thôi có tiếc mình làm chi”.
Khi
bị quan phủ xử đánh Thúy Kiều, anh chàng Thúc Sinh thật thà, chân tình nhận lấy
trách nhiệm về mình:
"1443. Tại tôi
hứng lấy một tay,
Để nàng cho đến nỗi này vì tôi.
Thúy Kiều nhận xét về Hoạn Thư:
1483. Trộm nghe kẻ lớn trong nhà,
Ở vào khuôn phép nói ra mối rường".
Thúy
Kiều đã dặn Thúc Sinh rất kỹ lưỡng mọi điều về phải thú thật với vợ cả Hoạn
Thư:
"1505. Nàng
rằng: “Non nước xa khơi,
Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm”.
“Đôi ta chút nghĩa
đèo bòng,
Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh”.
Thúc
Sinh về đến nhà, không biết Hoạn Thư đã biết rõ mọi chuyện:
"1545. Lại còn
bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười".
Trong
bụng Hoạn Thư đã có sẵn một âm mưu:
"1551. Làm cho
nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên".
Ngoài
mặt Hoạn Thư vẫn cười nói như không biết gì và nàng chặn họng, cố tình không
cho Thúc Sinh nói ra sự thật:
"1575. Mấy
phen cười nói tỉnh say,
Tóc tơ bất động mảy may sự tình".
"1583. Rằng: “Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài,
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia”.
Thúc
Sinh đã mắc mưu Hoạn Thư, tưởng rằng đã giấu được rồi, nên:
"1577. Nghĩ đà
bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng".
Thực
ra Hoạn Thư rất sợ Thúc Sinh nói ra sự thật là mình muốn lấy vợ lẽ, vì lúc đó
Hoạn Thư không thể không đồng ý. Vì thời đó đàn ông có quyền lấy lẽ, mà chàng
Thúc lại chưa có con nối dõi.
Hoạn
Thư đã tự nói với mình:
"1539. Ví bằng
thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên.
Dại gì chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?"
Hoạn
Thư đã tính toán chi ly màn bịt miệng Thúc Sinh này, để thực hiện âm mưu của
mình.
Kế
hoạch của Thúy Kiều vạch ra cho Thúc Sinh là rất kỹ lưỡng, nhưng Kiều thua Hoạn
Thư ở hai điểm: Thứ nhất là thiếu “tin tình báo” và người thực hiện quá nhút
nhát và ở vào hoàn cảnh không dám thực hiện. Lý do cơ bản là Thúc Sinh luôn sợ
cái bóng quan tể tướng, lúc nào cũng bao trùm lên mọi suy nghĩ, hành động của
anh chàng trẻ tuổi này, nên không dám dùng quyền của ông chủ vườn xuân của mình
để quyết lấy vợ lẽ. Sau một năm ở Vô tích với vợ, được nàng Họan Thư gợi ý về
chăm sóc bố ở lâm Tri:
"1599. Cách
năm mây bạc xa xa,
Lâm Tri cũng phải tính mà thần hôn".
Chàng
Thúc Sinh mừng quá, vì sắp được gặp lại nàng Kiều xinh đẹp, nên nhìn đâu cũng
thấy đẹp:
"1601. Được
lời như mở tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng".
Chàng
Thúc vừa đi khỏi thì nàng Hoạn Thư cũng sang ngay nhà mẹ đẻ là Hoạn Bà, trình
bày kế hoạch bắt Thúy Kiều và cử Khuyển Ưng theo đường biển bắt Kiều đưa về,
trong lúc không có mặt Thúc Sinh ở đó, để trả thù Kiều và cả chồng là chàng
Thúc:
"1617. Dọn
thuyền lựa mặt gia nhân,
Hãy đem dây xích bộc chân nàng về.
Làm cho, cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Trước cho bõ ghét những người,
Sau cho để một trò cười về sau".
Kiều
bị bắt về Vô Tích, bị Hoạn Bà đánh cho một trận tơi bời, đổi tên thành Hoa nô,
rồi đưa sang làm con hầu cho Hoạn Thư, là một cách làm nhục nàng Kiều:
"1775. Sớm
khuya khăn mặt lược đầu,
Phận con hầu giữ con hầu dám sai".
Thúc
Sinh biết Kiều đã chết, một năm sau nhớ quê chàng về Vô Tích thăm quê, thăm vợ
Hoạn Thư:
"1797. Tìm đâu
cho thấy cố nhân,
Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương.
Chạnh niềm nhớ cảnh gia hương,
Nhớ quê chàng lại tìm đường thăm quê".
Và
ở đây xẩy ra một màn đánh ghen nổi tiếng gọi là “ghen kiểu Hoạn Thư”. Ghen Hoan
Thư là kiểu ghen giấu kín ở trong lòng, không thể hiện ra ngoài mặt, mà vẫn
cười nói như không “Giận dầu ra dạ thế thường/ Cười dầu mới thực khôn lường
hiểm sâu” (Cười dầu là giận mà vẫn tươi cười, không thể hiện ra ngoài mặt):
"1805. Bước ra
một bước một dừng,
Trông xa nàng đã tỏ chừng nẻo xa.
Phải rằng nắng quáng đèn lòa,
Rõ ràng ngồi đó chẳng là Thúc Sinh.
Bây giờ tình mới rõ tình,
Thôi thôi đã mắc vào vành chẳng sai.
Chước đâu có chước lạ đời,
Người đâu mà lại có người tinh ma.
Rõ ràng thật lứa đôi ta,
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi".
Kiều
có một nhận xét nêu bật được tính cách nham hiểm của Hoạn Thư:
"1815. Bề
ngoài thơn thớt nói cười,
Mà trong nham hiểm giết người không dao".
Hoạn
Thư đưa cặp đôi Thúc Sinh và Thúy Kiều vào trong hoàn cảnh không biết xưng hô,
ăn nói ra làm sao nữa:
"1817. Bây giờ
đất thấp trời cao,
Ăn làm sao, nói làm sao bây giờ".
Chàng
Thúc Sinh ngạc nhiên, đau đớn, dở khóc dở cười, đến lúc này mới hiểu ra là đã
mắc mưu bà vợ thâm hiểm:
"1823. Sinh đà
phách lạc hồn xiêu,
Thương ôi chẳng phải nàng Kiều ở đây.
Nhân làm sau đến thế này,
Thôi thôi ta đã mắc tay ai rồi".
Chàng
Thúc Sinh trong thâm tâm vẫn sợ Hoạn Thư con quan tể tướng, nên không dám tỏ ra
là có quen nàng Kiều, nhưng không thể ngăn được giọt nước mắt thương cảm:
"1827. Sợ quen
dám hở ra lời,
Khôn ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa.
Tiểu thư trông mặt hỏi tra,
Mới về có việc chi mà động dong.
Thúc sinh phải đưa việc hết tang mẹ ra để nói dối:
1831. Sinh rằng: Hiếu phục vừa xong,
Suy lòng trắc dĩ đau lòng chung thiên".
Qua
đây ta tháy Thúc sinh là một anh chàng sợ vợ đến mức nào và Hoạn Thư là người
có quyền uy trong cái gia đình này, chứ không phải Thúc Sinh.
Hoạn
Thư hành hạ về tình cảm, tâm lý, tư tưởng nàng Kiều và chàng Thúc sinh, làm họ
đau đớn về tinh thần hơn cả thể xác:
"1837. Bắt khoan
bắt nhặt đến lời,
Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay.
Sinh càng như dại như ngây,
Giọt dài giọt ngắn, chén đầy chén vơi.
Dửng đi chợt nói chợt cười,
Cáo say chàng đã dạm bài lảng ra.
Tiểu thư vội thét: Con Hoa,
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn.
Sinh càng nát ruột tan hồn,
Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay".
Trong
khi Thúc Sinh và Kiều bị tra tấn về tinh thần đau đớn như vậy, thì Hoạn Thư giả
bộ say, cười nói một cách thích thú:
1847. Tiểu thư cười
nói tỉnh say,
Chưa xong tiệc rượu
lại bày trò chơi.
Và
đưa cuộc tra tấn về tâm lý lên một nấc cao hơn là bắt Kiều đánh đàn:
"1853. Bốn dây
như khóc như than,
Khiến người trên tiệc cũng tan nát lòng.
Cùng trong một tiếng tơ đồng,
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Tiểu thư lại nẹt lấy nàng:
Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi.
Sao chẳng biết ý tứ gì,
Cho chàng buồn bã tội thì tại người.
Sinh càng thảm thiết bồi hồi,
Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua".
Một
màn đánh ghen kỳ lạ, khác đời, được Nguyễn Du dựng lên quá hay, không chê vào
đau được.
Một
cuộc hành hạ về tâm lý kéo dài từ chập tối cho đến gần sáng:
"1865. Giọt
rồng canh đã điểm ba,
Tiểu thư nhìn mặt dường đà cam tâm.
Lòng riêng khấp khởi mừng thầm,
Vui này đã bõ đau ngầm xưa nay".
Qua
đây ta thấy anh chàng trẻ tuổi Thúc Sinh hèn đến mức nào. Thực ra chung quy
cũng là do cuộc sống, do đồng tiền, vì tương lai, mà Thúc sinh phải nhẫn nhục
như vậy. Mặt khác Thúc Sinh là người có học, nên không thể hành xử theo kiểu vũ
phu được, vả lại Hoạn Thư rất khéo, rất lọc lõi khi hành xử, nên Thúc sinh không
bắt bẻ được.
Nàng
Kiều đau đớn và hiểu ra âm mưu cuối cùng của Hoạn Thư là chia rẽ hai người,
không bao giờ có thể quay lại được với nhau nữa, chứ không phải đơn thuần là
tra tấn về mặt tinh thần:
"Bây giờ mới
rõ tăm hơi,
Máu ghen đâu có lạ đời nhà ghen.
Chước đâu rẽ thúy chia uyên,
Ai ra đường nấy, ai nhìn được ai.
Bây giờ một vực một trời,
Hết điều khinh trọng hết lời thị phi.
Nhẹ như bấc nặng như chì,
Gỡ ra cho nợ còn gì là duyên".
Gỡ
ra, rồi để đấy cho nợ, chưa xử tiếp. Kiều biết Hoạn Thư đã chặn mọi ngả
đường, nên nàng phải xin Hoạn Thư cho đi tu:
"1895. Cúi đầu
quỳ trước sân hoa,
Thân cung nàng mới thảo qua một tờ".
Qua
đây ta thấy Thúy Kiều nhục nhã như thế nào, khi phải quỳ trước mặt Hoạn Thư và
Thúc sinh mà xin được đi tu.
"1909. Tiểu
thư rằng: ý trong tờ,
Rắp đem mệnh bạc xin nhờ cửa không.
Thôi thì thôi cũng chiều lòng,
Cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra".
"Sẵn Quan Âm Các vườn ta…
… Cho nàng ra đó giữ chùa tụng kinh".
Khi
Thúc sinh tìm gặp Kiều ở Quan Âm Các, Hoạn Thư bắt được quả tang, nghe hết mọi
chuyện, nhưng vẫn vui vẻ như không biết gì:
"1983. Cười
cười nói nói ngọt ngào,
Hỏi: Chàng mới ở chốn nào lại chơi".
Kiều
sau khi hỏi hoa tì, biết Hoạn Thư đã rõ mọi chuyện, thì kinh sợ:
"2003. Nghe
thôi kinh hãi xiết đâu,
Đàn bà thế ấy thấy âu một người.
Ấy mới gan, ấy mới tài,
Nghe càng thêm nỗi sởn gai rụng rời.
Người đâu sâu sắc nước đời,
Mà chàng Thúc phải ra người bó tay.
Thực tang bắt được dường này,
Máu ghen ai cũng chau mày nghiến rang.
Thế mà im chẳng đãi đằng,
Chào mời vui vẻ nói năng dịu dàng.
Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười dầu mới thực khôn lường hiểm sâu".
Khi
gặp Thúc sinh ở Quan Âm các, Kiều muốn Thúc sinh “mở cửa cho ra”:
"1965. Liệu
bài mở cửa cho ra,
Ấy là tình nặng ấy là ân sâu".
Thúc
sinh biết thế của mình không làm được việc đó, nên khuyên Kiều bỏ trốn:
"1967. Sinh
rằng: Riêng tưởng bây lâu,
Lòng người nham hiểm biết đâu mà lường.
Nữa khi giông tố phũ phàng,
Thiệt riêng đấy cũng lại càng cực đây.
Liệu mà cao chạy xa bay,
Ái ân ta có ngần này mà thôi".
Lo
sợ, nên Kiều quyết định bỏ trốn:
"2015. Thân ta
ta phải lo âu,
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này.
Ví chăng chắp cánh cao bay,
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa.
Phận bèo bao quản nước sa,
Lênh đênh đâu nữa cũng là lênh đênh".
Đến
đây Hoạn Thư coi như đã hoàn thành mỹ mãn kế hoạch của mình là chia rẽ Thúc
Sinh và Thúy Kiều mãi mãi, vĩnh viễn không bao giờ có thể quay lại được với
nhau. Đoạn nói về cặp đôi này dài tới 759 câu thơ lục bát, từ câu 1275 đến2034.
Thực
ra hai nhân vật Thúc Sinh và Hoạn Thư chưa kết thúc ở đây. Họ còn gặp lại Thúy
Kiều một lần nữa ở vụ Thúy Kiều xử án.
Ở
vụ xử án Thúy Kiều đứng ở cửa trên. Khi Hoạn Thư được dẫn vào, Thúy Kiều đánh
phủ đầu:
"2357. Thoạt
trông nàng đã chào sơ,
Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây.
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan.
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều".
Đứng
trước hàng gươm giáo tuốt trần, Hoạn Thư cũng sợ mất vía:
"2363. Hoạn
Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng giở điều kêu ca".
Tuy
vậy Hoạn Thư vẫn đủ tỉnh táo, bình tĩnh tự thanh minh cho mình:
"2365. Rằng:
Tôi chút dạ đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình.
Nghĩ cho khi các viết kinh,
Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo.
Lòng riêng riêng cũng kính yêu,
Chồng chung chưa dễ ai chiều cho ai.
Trót đà gây việc chông gai,
Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng".
Thúy
Kiều đã phải thốt lên khen:
"2373. Khen
cho: Thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực nói năng phải lời".
Thúy
Kiều sợ mình bị đánh giá nhỏ nhen trước Từ Hải và Thúc Sinh, nên tha bổng Hoạn
Thư:
"2375. Tha ra
thì cũng may đời,
Làm ra thì cũng ra người nhỏ nhen.
Đã lòng trí quả thì nên,
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay".
Thực
ra việc Thúy Kiều tha Hoạn Thư còn có mối liên quan khác, đó là Thúc Sinh.
Dù
sao thì Kiều vẫn còn có tình có nghĩa với Thúc Sinh. Nếu Kiều xử Hoạn Thư thì
Thúc Sinh sẽ mất vợ và mất nơi nương tựa là quan tể tướng, nên Kiều đã tha Hoạn
Thư. Điều này thể hiện ở lúc Thúy Kiều nói với Thúc Sinh:
"2327. Nàng
rằng: Nghĩa trọng nghìn non,
Lâm tri người cũ chàng còn nhớ không?
Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng,
Tại ai há dám phụ lòng cố nhân.
Gấm trăm cuốn bạc nghìn cân,
Tạ lòng dễ xứng báo ân gọi là".
Cái
anh chàng trẻ tuổi Thúc Sinh nhát gan, thực thà, nhưng lại hay gặp may.
Phải
công nhận rằng Nguyễn Du viết rất khéo, rất tài, làm cho người đọc thấy sự việc
có lý có tình. Cuối cùng thì Thúy Kiều vẫn thua Hoạn Thư ở sự khôn khéo.
*.
LÊ THANH LONG
Địa chỉ: Phòng 1132, nhà
HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,
xã
Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Email: lethanhlong321@gmail.com
Điện thoại: 0822.098.772
...........................................................................................................
- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày
10.09.2020
- Ảnh dùng
minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng
Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét