217 ĐIỀU KIÊNG KỴ
VỚI NGƯỜI CAO TUỔI
- Thái Đắc Xuân (bút
danh của Đặng Xuân Xuyến)
tuyển soạn ; Nhà xuất
bản Hà Nội xuất bản năm 1998;
Nhà xuất bản Thanh Hóa
tái bản năm 2004 -
*
LỜI GIỚI THIỆU (Tác giả Thái Đắc Xuân -
bút danh của Đặng Xuân Xuyến)
Sống vui, sống khoẻ, sống có ích là điều mà người già
luôn mong muốn có được. Người già qua những kinh nghiệm sống của mình luôn đóng
vai trò là kho tàng của những tri thức, kinh nghiệm mà không phải sách vở nào
cũng có. Tuy nhiên, khi xã hội càng phát triển, cuộc sống càng văn minh thì có
những điều từ trước đến nay mọi người vẫn cho là đúng lại không hoàn toàn đúng.
Những quan niệm, những thói quen không khoa học dẫn đến những cách sống vừa
không khoa học, vừa có hại cho sức khoẻ. Vì vậy, trong bối cảnh người già ngày
càng được xã hội quan tâm, chăm sóc hơn như hiện nay thì vấn đề sống một cách
khoa học, hợp lý để khoẻ mạnh, sống thọ càng được quan tâm nhiều hơn. Đây cũng
chính là lý do để chúng tôi biên soạn cuốn sách: "217 ĐIỀU KIÊNG KỴ DÀNH
CHO NGƯỜI CAO TUỔI".
Cuốn sách này được hoàn thành dựa trên nhiều công trình
nghiên cứu, nhiều tài liệu tham khảo kết hợp với những sưu tầm kinh nghiệm thực
tế trong cuộc sống. Mục đích cuối cùng của cuốn sách là giúp mọi người, đặc
biệt là người già có những việc làm, lối sống khoa học để tuổi già luôn khoẻ
mạnh, vui sống dài lâu.
Chúng tôi rất mong nhận được ý kiến đóng góp của bạn đọc
gần xa để cuốn sách hoàn thiện hơn trong những lần tái bản sau.
1 - Người cao tuổi
không nên giảm béo
Từ xưa mọi người thường nói: "Ngàn vàng khó mua được
cái gầy của người già" nên những người cao tuổi thường tìm mọi cách để
giảm trọng lượng. Thực ra đây là một cách hiểu không đúng.
Người già do thể lực tiêu hao ít, lại không thường xuyên
hoạt động thể lực nên nếu ai ăn uống tốt thì rất dễ bị béo phì. Mặc dù béo phì
có thể làm người già mắc một số bệnh như bệnh tâm huyết quản hay bệnh chuyển
hoá nhưng những người gầy thường mắc bệnh về đường hô hấp nhiều hơn người béo.
Theo các thống kê thì những người gầy có tỷ lệ mắc bệnh viêm phổi cao gấp 6 đến
7 lần người có cân nặng bình thường và cao gấp 2 đến 4 lần những người hơi nặng
cân. Các nhà nghiên cứu Phần Lan đã tiến hành cân, đo chiều cao và cân nặng ở
những người trên 85 tuổi. Sau khi theo dõi 5 năm thì thấy tỷ lệ tử vong cao
nhất là ở tuổi có thể chất thấp (chiều cao x thể trọng). Trong số những người
gầy nhất ở tuổi này có 87% tử vong. Ngược lại trong tuổi có chỉ số thể chất cao
nhất thì chỉ có 53% tử vong. Điều này chứng tỏ rằng trong số những người cao
tuổi, nguy cơ tử vong không phải do béo phì. Thể trọng càng cao thì tỷ lệ tử
vong càng thấp. Do đó các nhà khoa học trên thế giới cho rằng, ở những người
cao tuổi, thể trọng lớn không hoàn toàn là một nhân tố nguy hiểm mà có khi còn
là điều tốt cho sức khoẻ. Cho nên những người già có trọng lượng cao không nhất
thiết phải giảm béo.
2 - Giảm béo không
nên chỉ là ăn ít
Nếu chỉ dựa vào việc hạn chế ăn uống để chữa bệnh béo phì
thì chỉ tạm thời làm cho cơ thể giảm trọng lượng nhưng lại làm tăng cảm giác
đói khiến con người luôn bị hành hạ. Biểu hiện của bệnh béo phì không phải chỉ
là thể trọng tăng lên một cách không bình thường mà còn là biểu hiện của một
loạt những căn bệnh khác tổng hợp lại. Vì vậy chỉ đơn thuần dựa vào việc hạn
chế ăn uống về trước mắt chỉ làm thể trọng giảm đi đôi chút chứ không có hiệu
quả về lâu dài. Ngoài ra do hạn chế quá về ăn uống, không những làm cho cơ thể
lúc nào cũng cảm thấy đói mà tinh thần cũng chịu những tổn thương. Vì vậy giảm
béo không chỉ nên hạn chế ăn uống mà cần chú ý cả rèn luyện, vận động thân thể
đúng cách hay phối hợp dùng những loại thuốc điều trị thích hợp mới đạt được
hiệu quả như ý muốn.
3 - Người già không
nên ăn chay trường
Qua một nghiên cứu trong giới tăng ni, các nhà y học đã
nhận thấy hầu hết họ đều bị thiếu dinh dưỡng với mức độ khác nhau. Trong đó,
người trường thọ cũng có tỷ lệ như người bình thường chứ không phải ăn chay làm
tăng tuổi thọ.
Trong quá trình trao đổi chất hàng ngày, cơ thể người cần
một lượng lớn chất béo và protein. Còn trong những thức ăn chay đều chứa hàm
lượng protein rất thấp không dễ dàng cho việc tiêu hoá, hấp thu và lợi dụng. Vì
vậy phương pháp giữ gìn sức khoẻ, sống trường thọ là ăn đủ loại thực phẩm.
Những người bị bệnh sỏi mật cũng không nên ăn chay quá lâu vì nghĩ rằng chất
béo làm đau mật. Làm như vậy sẽ có ba điều nguy hại:
- Làm hỏng chức năng co giãn của túi mật.
- Ảnh hưởng sự hấp thu vitamin trong chất béo.
- Sức đề kháng giảm.
4 - Người già không
nên kiêng ăn mỡ
Không nên ăn quá nhiều lượng mỡ đặc biệt là mỡ động vật,
nhưng cũng không có nghĩa là không nên ăn một chút mỡ nào, thậm chí cả dầu thực
vật. Nếu nồng độ colexteron trong huyết thanh quá thấp sẽ dẫn đến nguy cơ mắc
bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư đường ruột vì những thức ăn ít chất béo sẽ
làm giảm khả năng hấp thụ vitamin A. Do vậy không nên kiêng ăn mỡ hoàn toàn.
5 - Người già không
nên ăn nhiều đường hoá học
Đường hoá học được chiết xuất từ thành phần nhựa đường.
Khi đường hoá học vào cơ thể người chỉ trong 24h là thải ra ngoài qua nước tiểu
nên không ảnh hưởng nhiều lắm đến sức khoẻ con người. Đồ ngọt của đường hoá học
bằng 500 lần đường mía nên không nên pha chế quá tỷ lệ 1,5/1000 trong đồ uống.
Thường xuyên ăn đường hoá học sẽ làm ảnh hưởng đến chức năng tiêu hoá do thận
phải làm việc nhiều. Nếu ăn đường hoá học lại hút thuốc nhiều sẽ làm tăng khả
năng bị ung thư bàng quang.
6 - Người già không
nên kiêng ăn thịt mỡ
Nhiều người cao tuổi sợ bị cao huyết áp nên kiêng ăn thịt
mỡ. Như vậy, hoàn toàn không nên. Thịt mỡ có tác dụng duy trì chức năng sinh lý
con người vì:
- Chất mỡ là một trong những nhiên liệu quan trọng đối
với cơ thể để sản sinh ra nhiệt năng. Người bình thường mỗi ngày phải hấp thu
30 - 40g chất mỡ mới đảm bảo đầy đủ sinh lực.
- Chất mỡ là môi trường hoà tan một số sinh tố cần thiết
như vitamin A, D, E, K...
- Thịt mỡ chứa nhiều colexteron là thứ không thể thiếu
trong cơ thể con người để duy trì tính ổn định của tế bào miễn dịch và sự hoạt
động của bạch cầu.
- Chất mỡ photpho trong mỡ là bộ phận tạo thành tế bào.
- Chất mỡ làm da, tóc bóng đẹp hơn.
7 - Không nên chỉ ăn
dầu thực vật
Chỉ ăn dầu thực vật cũng gây nên một số loại bệnh tật.
Các loại dầu như dầu đỗ, dầu hạt hướng dương, dầu ca cao đều mang thành phần
axít mỡ bão hoà. Nếu chỉ ăn dầu thực vật thường xuyên cũng gây bệnh tim. Tỷ lệ
dùng dầu thực vật và mỡ động vật nên là 3 : 2. Các loại dầu tốt nhất là dầu
vừng, dầu hướng dương, dầu ngô và dầu đỗ tương.
8 - Người béo không
nên uống nhiều cà phê
Nhiều người lầm tưởng cà phê không những làm tinh thần
phấn chấn mà còn có tác dụng giảm béo phì. Uống cà phê làm giảm nhẹ cảm giác no
căng nhưng lại kích thích dịch vị bài tiết làm tăng tiêu hoá và hấp thụ thức
ăn. Như vậy không những giảm béo mà còn làm tăng cân hơn. Cho nên người béo
không nên uống cà phê.
9 - Những điều tránh
khi uống bia
- Không dùng bia để uống thuốc sẽ làm nảy sinh những tác
dụng phụ, làm tăng độ chua của dạ dày khiến thuốc nhanh chóng hoà tan trong dạ
dày làm giảm nhẹ hiệu quả.
- Uống bia không nên ăn cùng thức ăn ướp nướng dễ mắc
bệnh về đường tiêu hoá.
- Khi ra nhiều mồ hôi không nên uống bia vì khi ra mồ
hôi, lỗ chân lông giãn ra nếu uống bia lạnh sẽ làm chúng đột nhiên khép lại,
không ra được mồ hôi dẫn đến bị cảm.
10 - Năm điều cần
tránh khi uống trà
- Không nên uống trà đặc. Trà đặc có thể làm niêm mạc dạ
dày co thắt, ngưng đọng protein ảnh hưởng chức năng tiêu hoá của dạ dày. Uống
trà đặc thường xuyên có thể làm suy giảm khả năng hấp thu chất sắt, dẫn đến
thiếu máu. Ngoài ra trà đặc cũng gây ra các bệnh như thiếu vitamin B1, bệnh đái
đường, bệnh gan, thận, cao huyết áp, mất ngủ.
- Không uống trà khi đang đói, vì sẽ làm vị toan phai
nhạt hại tiêu hoá, dễ gây viêm niêm mạc dạ dày.
- Không nên uống trà trước khi đi ngủ sẽ gây mất ngủ, đi
giải nhiều.
- Không nên uống nước trà để qua đêm vì chất dinh dưỡng,
vitamin C, D bị mất, trong nước trà chứa các chất kích thích làm hại tì vị,
viêm đường ruột, dạ dày.
- Không nên uống thuốc bằng nước trà. Trong nước trà có
chứa nhiều axít nên dễ phát sinh tác dụng hoá học với chất protein, chất hỗn
hợp sắt trong thuốc làm hạn chế công hiệu thuốc.
11 - Người già không
nên coi thường uống nước buổi sáng
Uống một chút nước khi ngủ dậy là điều rất tốt cho sức
khoẻ. Nước sẽ có tác dụng rửa qua ruột non, dạ dày hỗ trợ việc tiêu hoá và hấp
thu thức ăn trong ngày mới. Những người cao tuổi càng nên uống nước buổi sáng
vì làm cho đại tiện thông suốt. Uống nước nên cho một chút muối nhạt sẽ có tác
dụng tiệt trùng đối với vùng miệng và hệ tiêu hoá.
Nước uống nên dùng nước sôi để nguội như vậy sẽ kích
thích nhẹ nhàng, tăng sự co bóp của dạ dày và đường ruột. Nếu không muốn uống
nước lạnh cũng có thể dùng nước ấm.
12 - Người già không
nên thường xuyên uống nước tinh lọc
Trong nước tinh lọc đã mất một số nguyên tố hữu ích như
Mg, Zn, Fe, Se, I nên uống sẽ làm mất cân bằng. Nếu thường xuyên uống nước tinh
lọc cần điều chỉnh kết cấu thức ăn hàng ngày nhưng cũng khó lấy được những
nguyên tố vi lượng trong mô hình kết cấu thức ăn hiện nay. Do vậy dùng nước có
những nguyên tố vi lượng là con đường tiện dụng nhất.
Hơn nữa, nước tinh lọc khi tiếp xúc với không khí trong
vòng 24h sẽ làm vi khuẩn sinh sôi. Vì vậy nước tự nhiên và nước máy phù hợp
tiêu chuẩn là nước uống lý tưởng nhất.
13 - Người già không
nên uống nhiều nước có gas
Khí CO2 trong nước gas sẽ trung hoà với vị toan trong dạ
dày làm giảm sức tiêu hoá và sức đề kháng của dịch vị gây kém ăn. Uống nhiều
nước cũng làm tăng thành phần nước trong máu, làm tim và thận phải làm việc
nhiều hơn khiến người mệt mỏi. Do vậy chỉ nên uống lượng nước vừa phải.
14 - Người gãy xương
không nên ăn nhiều canh xương
Sau khi bị thương, sự tái sinh của xương chủ yếu dựa vào
màng và tuỷ xương mà hai thành phần này phải trong điều kiện keo xương tăng lên
mới phát huy tác dụng. Canh xương chứa nhiều chất photpho và kali. Nếu khi
xương gãy lại bổ sung nhiều photpho và kali sẽ làm tăng thành phần chất vô cơ
trong xương làm mất cân bằng, ảnh hưởng đến sự liền xương.
15 - Người già không
nên uống quá nhiều rượu, bia
Uống nhiều rượu có thể bị viêm gan. Khi rượu đi vào dạ
dày, đường ruột phải qua gan để phân giải, xử lý. Nhưng khả năng phân giải
trong gan có hạn và ngay cả khi đã phân giải thì một phần rượu còn đã chuyển hoá
thành axêtan đêhítêtanala có hại cho cơ thể. Chất này lưu lại trong máu làm
viêm gan, xơ cứng gan. Rượu còn làm hại đến hệ thần kinh, bệnh đường ruột và dạ
dày hoặc xơ cứng động mạch.
Lượng cồn trong bia thấp hơn trong rượu nhưng vẫn không
thấp hơn 35o. Uống bia vẫn khiến bị say, tác hại không kém gì uống rượu.
16 - Người già không
nên uống rượu để chống rét
Nhiều người khi lạnh thường uống rượu như một biện pháp
làm nóng cơ thể nhưng thực tế không phải vậy. Tác dụng của cồn làm mạch máu
giãn nở, lượng máu lưu thông tăng lên, nhiệt độ ngoài da tăng làm người có cảm
giác ấm. Nhưng cảm giác này sẽ nhanh chóng mất đi vì mạch máu càng giãn, sự tán
nhiệt trong cơ thể càng nhanh, độ ẩm trong cơ thể giảm nhanh chóng khiến người
càng lạnh hơn so với khi chưa uống rượu nên dễ bị cảm lạnh.
17 - Người già không
nên dùng chè, nước có gas để giải rượu
Rượu kích thích tim rất mạnh, chè cũng có tác dụng tương
tự nếu dùng hai thứ cùng một lúc càng tăng sự kích thích đối với tim.
Nước có gas cũng không thể làm chất để giải rượu vì nó sẽ
làm cồn trong rượu được hấp thụ nhanh hơn. Chất CO2 trong nước gas kích thích
niêm mạc dạ dày, giảm sự tiết dịch vị ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hoá, thậm chí
còn dẫn đến viêm đường ruột và dạ dày cấp, co giật dạ dày làm xuất huyết ruột non,
tăng huyết áp.
18 - Người già không
nên uống chén nước đầu ở bình giữ nhiệt
Bình giữ nhiệt có nút ấn do tác dụng lắng đọng, hàm lượng
kim loại của lớp nước đáy bình thường nhiều hơn lớp nước ở trên. Nước lắng đọng
này có hại cho sức khoẻ đặc biệt đối với người bị bệnh bướu cổ, nhiễm trùng
nước, nước tiểu, người ốm lâu.
19 - Người già không
nên ăn nhiều đồ ăn nướng, quay
Vì những thức ăn này thường chứa loại vật chất hỗn hợp có
thể dẫn đến ung thư. Nhiệt độ để làm chín thức ăn càng cao thì hỗn hợp gây độc
sản sinh trong thức ăn càng nhiều.
Tuy vậy ăn lượng vừa phải thức ăn nướng, quay thì cũng
không sao vì ung thư còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách chế biến, thức ăn
ăn kèm, sức khoẻ. Khi ăn thức ăn nướng, quay phải ăn thêm nhiều rau xanh và hoa
quả.
20 - Người già không
nên ăn quá nhiều muối
Ăn muối quá nhiều sẽ làm cơ thể phải cần nhiều nước. Uống
nhiều nước sẽ làm thận và tim làm việc nhiều hơn, gây ảnh hưởng xấu. Nếu ăn
nhiều muối sẽ làm tăng tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp. Mỗi người lớn chỉ cần 5 -
7g muối mỗi ngày là đảm bảo nhu cầu.
21 - Người già không
nên ăn quá nhiều đường
Hàng ngày những thức ăn tinh bột đã cung cấp lượng đường
cần thiết cho cơ thể nên không cần phải bổ sung thêm. Nếu ăn nhiều lượng đường
vừa phải cũng không hại gì nhưng nếu ăn nhiều quá thì không nên.
Đường là thức ăn không chứa canxi. Nếu ăn nhiều đường
tính axít tăng để duy trì sự cân bằng tính canxi yếu, canxi trong cơ thể sẽ
tiêu hao. Người già ăn nhiều đường sẽ dẫn đến bệnh đái dường và xơ cứng mạch
máu.
22 - Người già không
nên ăn quá nhiều hoa quả
Hoa quả thường chứa nhiều đường mà chất đường này cơ thể
không qua tiêu hoá hoặc rất dễ tiêu hoá nên trực tiếp hấp thu vào máu. Việc này
gây nên điều hại là làm cho nồng độ đường huyết tăng nhanh, kích thích tuyến
tuỵ tiết ra nhiều insuhin khiến cho nồng độ đường lại hạ xuống... Sự dao động
này làm tinh thần bất an, mệt mỏi, nhức đầu và không tập trung tinh thần. Vì
vậy hoa quả chỉ nên coi là món ăn phụ trợ.
23 - Người già không
nên ăn hoa quả thay thế rau
Trong rau xanh chứa các chất dinh dưỡng có chức năng điều
tiết chức năng sinh lý cơ thể và bảo vệ sức khoẻ con người. Rau không những có
giá trị dinh dưỡng cao mà còn có thể giúp cơ thể hấp thu mỡ, protein và đường.
Người cao tuổi không thể thiếu rau xanh vì ở người già nhu cầu tiêu hao nhiệt
lượng đã giảm trong khi đó rau xanh lại chứa ít calo, nhiều vitamin và muối vô
cơ.
24 - Không nên ăn
cơm chan canh
Nhiều người cao tuổi khi ăn cơm thường chan canh để dễ
nuốt nhưng thường xuyên ăn như vậy sẽ làm giảm chức năng tiêu hoá của dạ dày,
đường ruột gây bệnh đau dạ dày.
Khi nhai lâu thức ăn được nghiền nhỏ, nước bọt trộn đều
thức ăn, sẽ phân giải thức ăn để dạ dày và ruột dễ hấp thu hơn. Còn ngược lại
khi chan canh, thức ăn chưa được nhai kỹ đã bị nuốt vào dạ dày, thần kinh cảm giác
chưa được kích thích, nước bọt tiết ra ít làm dịch vị của dạ dày cũng không
tiết nhiều làm thức ăn không được tiêu hoá, hấp thu đầy đủ.
25 - Không nên ăn
uống quá nóng
Ăn uống khi quá nóng sẽ làm hại khoang miệng thực quản và
dạ dày. Khoang miệng, niêm mạc dạ dày và thực quản chỉ có thể chịu được nhiệt
độ từ 50oC - 60oC. Thói quen ăn quá nóng có mối liên quan đến sự phát sinh ung
thực quản.
26 - Không được coi
nhẹ bữa ăn sáng
Bữa ăn sáng ảnh hưởng đến đường huyết trong cơ thể cả
ngày. Nếu không ăn sáng hoặc ăn ít, sau khi thức ăn tiêu hoá xong thì tư duy
chậm và hỗn loạn. Bữa ăn sáng phải có đủ protein, chất béo và tinh bột. Bữa
sáng phải là thức ăn chứa nhiều nước. Dạ dày và ruột qua một đêm phải khôi phục
lại trạng thái hoạt động nếu ăn thức ăn khô sẽ không ăn được nhiều và khó tiêu.
Vả lại sau một đêm cơ thể cần bổ sung lượng nước nhất định để hoạt động bình
thường. Do đó không nên ăn khô vào bữa sáng.
27 - Những điểm cần
tránh khi ăn bữa ăn tối
- Không nên ăn no quá vì:
+ Dễ làm cho người béo.
+ Gan và lá lách bị chèn ép.
+ Xơ cứng động mạch.
+ Dễ mắc bệnh đái đường.
- Không nên ăn quá muộn vì ăn xong đi ngủ ngay sẽ làm khó
ngủ và mơ nhiều ảnh hưởng đến đại não.
- Không nên ăn nhiều chất: Nếu bữa tối ăn nhiều chất
những năng lượng dư thừa sẽ chuyển hoá thành chất béo dễ dẫn đến bệnh về hệ tim
mạch.
- Bữa tối không nên uống nhiều rượu: uống rượu vào buổi
tối dễ mắc bệnh xơ cứng gan, viêm di tuỵ và giảm mức đường huyết.
28 - Không nên vừa
ăn vừa đọc sách
Khi ăn, dạ dày, ruột non hoạt động nhanh hơn, dịch tiêu
hoá tiết ra nhiều hơn. Để đảm bảo hệ tiêu hoá làm việc tốt, mạch máu của đường
ruột và dạ dày giãn ra, tuần hoàn máu tăng lên. Nếu vừa ăn vừa đọc sách lượng
làm việc của đại não tăng làm lượng cung ứng máu cũng tăng khiến hệ tiêu hoá
không được cung cấp máu đầy đủ, sức tiêu hoá kém, lâu ngày sẽ tạo thành chứng
tiêu hoá không tốt.
29 - Những điều cần
tránh sau bữa ăn
- Khi ăn xong không nên đi lại ngay, làm máu lưu thông
toàn thân, làm đường ruột và dạ dày thiếu máu, thức ăn không tiêu hoá tốt.
- Sau bữa ăn không nên hút thuốc. Người ta đã phát hiện
ra sau khi ăn hút thuốc lượng chất độc của điếu thuốc hấp thụ vào cơ thể cao
hơn 10 lần lúc bình thường. Ngoài ra hút thuốc sau khi ăn còn làm sự tiêu hoá
thức ăn chậm hơn.
- Không nên ăn hoa quả sau bữa ăn. Người ta vẫn quan niệm
rằng ăn hoa quả sau khi ăn sẽ giúp tiêu hoá tốt hơn nhưng thực ra ăn như vậy
lâu ngày sẽ dẫn đến rối loạn chức năng tiêu hoá. Vì vậy nên ăn hoa quả trước 1
giờ hoặc 2 giờ sau bữa ăn.
- Ăn cơm xong không nên uống trà ngay: Uống trà ngay sẽ
làm dịch vị bị pha loãng, nồng độ vị toan bị giảm, thời gian tiêu hoá thức ăn
tăng. Tốt nhất nên uống 1 giờ sau khi ăn.
30 - Người già không
nên cấm dục
Nhiều người già cho rằng "vô dục tắc trường
thọ", quan điểm như vậy không hoàn toàn đúng. Tính dục là bản năng của con
người không nên quá khiên cưỡng. Người già không phải là mất đi tính dục hoặc
khoái cảm. Tính dục có thể đảm bảo đến năm 70 - 80 tuổi. Quá dung tục cũng có
hại nhưng cấm dục cũng có ảnh hưởng. Nhu cầu tình dục được thoả mãn sẽ thúc đẩy
sự chuyển hoá trong cơ thể làm cơ thể phấn chấn hơn.
31 - Người già không
nên dùng hố xí ngồi xổm
Khi ngồi xổm những động mạch quản ở thành bụng gấp khúc
nhỏ hơn 40o, huyết quản ở chi dưới cũng bị cong làm trở ngại máu lưu thông.
Thêm nữa, sức ép ở bụng cao làm huyết áp tăng đột ngột gây tình trạng huyết
quản ở ngực bị đứt khiến tai biến mạch máu não.
32 - Người già không
nên đố kỵ
Đố kị, ghen ghét là một bệnh thái tâm lý, nó làm người ta
ăn không ngon, tâm thần giảm sút, buồn bực làm thay đổi hàng loạt sinh lý, bệnh
lý. Dưới hệ thống khu vành ngực và bộ phận lân cận tồn tại hai trung khu thần
kinh là "khoái lạc" và "đau khổ" sẽ dẫn đến việc tăng phân
tiết tuyến thượng thận, mạch máu vành ngoài co hẹp, cơ bắp rệu rã, hệ tiêu hoá
giảm sút, nhịp thở thay đổi... Thế nên để đề phòng bệnh tật người già không nên
ghen ghét.
33 - Mùa đông không
nên mặc quần áo quá dày
Cơ thể người có khả năng thích ứng nhất định với những
thay đổi của môi trường bên ngoài. Mặc áo ấm mùa đông là bổ sung sự thiếu hụt
thích ứng ấy. Nếu mặc quần áo quá dày sẽ làm không khí trong cơ thể hình thành
một vi tiểu khí hậu, nhiệt độ cao, độ ẩm cao, trở lực toả nhiệt, toả hơi ấm của
cơ thể tăng lên ảnh hưởng đến sự điều giải cân bằng nhiệt. Khi độ dày của tầng
không khí đối lưu tăng lên việc toả nhiệt tăng lên còn tính giữ nhiệt lại giảm
xuống làm giảm khả năng chống rét của cơ thể. Người già mặc quần áo quá dày sẽ
cử động, đi lại rất khó khăn. Vì vậy mùa đông không nên mặc quần áo quá dày.
34 - Người già không
nên uống rượu, hút thuốc lá
Hút thuốc lá hầu hết gây các bệnh về đường hô hấp. Còn
uống rượu nhiều sẽ làm lớp mỡ trong cơ tim tăng lên, công năng của buồng tim
giảm, buồng tim to ra. Men rượu cũng làm ảnh hưởng sự chuyển hoá mỡ thúc đẩy
gan hoạt động, khiến khả năng thanh lọc máu của cơ thể giảm, tăng nguy cơ bị xơ
cứng động mạch và bệnh tim.
35 - Người già không
nên ăn thức ăn giàu protein
Người già ăn nhiều thức ăn chứa protein không có lợi cho
sức khoẻ vì nó sẽ làm tăng lượng bài tiết canxi dễ dẫn đến bệnh xốp xương, hư
công năng thận. Mỗi ngày người già chỉ nên ăn 50g protein là vừa đủ.
36 - Người già không
nên ăn thức ăn tinh dài ngày
Trong lớp vỏ của gạo có nhiều nguyên tố vi lượng quan
trọng và thực vật xenlulô. Nếu thiếu hai loại nguyên tố này sẽ sinh ra bệnh xơ
cứng động mạch. Chất xenlulô sẽ làm tăng bài tiết chất cholesteron trong máu.
Những thực phẩm ăn tinh nghèo chất xenlulô sẽ làm tăng cảm giác thèm ăn sinh
béo phì. Vì vậy huyết quản sẽ xơ cứng, bệnh cao huyết áp sẽ phát triển.
37 - Người lớn tuổi
không nên ăn nhiều thức ăn béo và ngọt
Ăn nhiều chất béo hoặc thực phẩm có hàm lượng cholesteron
cao sẽ gây nhiều loại bệnh khác nhau như tăng mỡ trong máu, tim mạch, béo phì.
Còn ăn nhiều của ngọt cũng làm tăng lượng mỡ trong máu, khả năng tắc động mạch
cao. Đường còn tác dụng tăng cường sự hợp thành giữa gan và mỡ. Nếu ăn nhiều
đường trong 3 tuần liên tiếp lượng glyxerin trong máu sẽ tăng gấp đôi. Vì vậy
người già không nên ăn nhiều chất béo, chất ngọt.
38 - Người già không
nên quá ưu tư
Sự ưu tư sẽ làm tăng cảm giác cô đơn, tâm thần u uất.
Tình trạng tâm lý tiêu cực như vậy sẽ tăng gánh nặng cho đại não làm mệt mỏi,
chán chường hay nặng hơn là rối loạn công năng hệ thần kinh dẫn đến tâm trạng
bi quan. Trạng thái này sẽ dẫn đến những chứng bệnh khác như cao huyết áp, hen
xuyễn, đái đường, xơ cứng động mạch hay bệnh mất trí nhớ ở người già.
39 - Người già không
nên ngồi lâu
Ngồi lâu làm cho nhiều cơ quan nội tạng, khí quan và tổ
chức của cơ thể con người không được rèn luyện làm ảnh hưởng đến sự tái tạo và
phát dục thường xuyên của cơ thể khiến lưu lượng tuần hoàn máu bị giảm sút.
Ngồi lâu còn là nguyên nhân của bệnh béo phì, tăng cường mỡ trong máu, bệnh
trĩ, bệnh phụ khoa, suy nhược thần kinh, tiêu hoá giảm sút ảnh hưởng đến chức
năng của phổi... Do vậy, người già không nên ngồi lâu.
40 - Người già không
nên quay đầu đột ngột
Quay đầu đột ngột rất nguy hiểm đối với người già. Nặng
còn nguy hiểm đến tính mạng vì khi quay đầu đột ngột cơ chuyển động mạnh nên
động mạch cột sống bị ép hẹp lại. Nếu động mạch cột sống trước đây đã bị tổn
thương thì càng bị co hẹp hơn. Ngoài ra do bị kích thích nên thần kinh giao cảm
ở cổ bị co giật huyết quản não. Tất cả những biểu hiện trên làm việc cung cấp
máu cho não bị giảm sút, tốc độ lưu chuyển máu trong huyết cảm bị chậm lại làm
não bị thiếu máu tạm, thời xuất hiện nhiều triệu chứng như đau đầu, chóng mặt,
tim đập nhanh, mắt hoa, buồn nôn, tai ù, chân tay mỏi mệt... Những trường hợp
nặng hơn sẽ phát sinh thành bệnh teo mạch máu não làm người mất thăng bằng, mặt
nóng, thống cảm tiêu thất hay bị liệt.
41 - Không nên đứng
phắt dậy ngay
Ngồi lâu, đứng dậy quá nhanh làm lượng máu ở não tương
đối giảm sút tạo nên hiện tượng thiếu máu tạm thời ở não nên thường bị váng
đầu, hoa mắt, tim đập nhanh, rất hay bị ngã dẫn đến những tổn thương bất ngờ.
Cho nên khi ngồi lâu nên đứng dậy từ từ.
42 - Người già không
nên ngủ gật
Ngồi ngủ gật khi tỉnh dậy thường thấy mình mẩy đau nhừ,
váng đầu, mỏi chân, ù tai, mắt nhìn lờ mờ. Nếu ngay lúc ấy đứng dậy đi rất hay
bị vấp ngã. Hiện tượng này là do máu ở bụng không được cung cấp đầy đủ gây nên.
Khi ngồi ngủ gật, máu chảy vào bụng sẽ giảm, phần trên dễ bị mất thăng bằng làm
hao tổn cơ lưng gây đau vùng thắt lưng, hoạt động khó khăn. Ngoài ra khi ngồi
ngủ gật dễ bị cảm mạo.
43 - Người già không
nên ngủ trưa
Giấc ngủ trưa ngắn rất có ích cho sức khoẻ nhưng những
người từ 65 tuổi trở lên, những người béo phì hay huyết áp thấp không nên ngủ
trưa. Sau khi ăn trưa, lưu lượng máu của đại não giảm, huyết áp hạ thấp, lượng
ôxy cung cấp cho máu cũng giảm. Nếu ngủ trưa, đại não không được cung cấp máu
đầy đủ dễ bị trúng gió. Biện pháp tốt nhất là đi bách bộ để thúc đẩy tuần hoàn
máu và cung cấp máu cho đại não.
44 - Người già không
nên ngủ quá ít
Tuổi càng cao thì thời gian ngủ càng ít. Song ngủ quá ít
cũng làm tổn hại đến sức khoẻ.
Trong thời gian ngủ cơ thể được nghỉ ngơi, khôi phục và
tích luỹ lại năng lượng. Cơ năng sinh lý của người già giảm sút, việc khôi phục
lại sức lực tương đối chậm cho nên thời gian ngủ không nên ít quá. Người già 60
- 70 tuổi mỗi ngày nên ngủ 8 tiếng. Người từ 70 - 90 tuổi nên ngủ 9 tiếng mỗi
ngày còn người già trên 90 tuổi mỗi ngày ngủ 12 tiếng là vừa.
45 - Người già không
nên nằm giường lò xo
Người già nằm giường lò xo chỉ có hại chứ không có lợi.
Nằm giường lò xo sẽ làm cho phần giữa thân cơ thể bị hãm lại. Tuy phần cơ bắp
phía trên thân thể được thoải mái nhưng phần cơ bắp phía dưới lại bị căng thẳng
làm cơ sống lưng bị tổn thương dễ bị bệnh. Nếu người nào đã có bệnh thì bệnh
càng nặng thêm.
46 - Không nên nằm
gối cao
Nếu thường xuyên dùng gối quá cao phần cổ bị cố định sẽ
gục về phía trước lâu ngày làm biến dạng xương cổ, gây đau vai, đau đầu.
Xương cổ gục về phía trước còn gây chèn ép động mạch cổ,
làm tuần hoàn máu trở ngại, lượng máu vào đại não giảm sẽ gây thiếu ôxy não
khiến tế bào não bị suy lão quá sớm. Do vậy gối đầu chỉ nên cao từ 6 - 9cm.
47 - Không nên đi
ngủ quá muộn
Giấc ngủ buổi tối bổ sung những năng lượng đã tiêu hao
trong ngày, 25 - 35% nội tiết tố sinh ra trong lúc ngủ. Nếu giấc ngủ không đầy
đủ sẽ phá hoại sự trao đổi chất trong cơ thể, không bổ sung năng lượng đã tiêu
hao làm ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Thiếu ngủ, làm chậm quá trình sinh trưởng của tế bào tạo
tâm lý mệt mỏi, cáu gắt và ăn uống không ngon miệng, khả năng miễn dịch kém,
mất ngủ, cao huyết áp...
48 - Mùa đông ngủ
không nên đắp chăn qua đầu
Đây là một thói quen thiếu khoa học vì làm ngăn chặn sự
trao đổi ôxy của cơ thể. Đắp chăn qua đầu làm lượng ôxy trong chăn dần ít đi,
lượng CO2 tăng lên gây tức ngực, đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi...
49 - Ngủ không nên
đóng kín cửa sổ
Đóng kín cửa sổ làm không khí trong nhà không thông
thoáng. Nếu nhà chật, đông người thì không khí trong nhà sẽ bị ô nhiễm. Hít lâu
không khí như vậy rất có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên khi mở cửa sổ ngủ, không
để gió thổi thẳng vào người.
50 - Trước khi đi
ngủ không nên hoạt động mạnh
Trước khi ngủ vận động mạnh sẽ làm tim đập nhanh, thở
dốc, toàn thân căng thẳng, tay chân mỏi mệt khiến rất khó ngủ vì vậy chỉ nên
hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, tập khí công...
51 - Ngủ dậy không
nên dậy ngay
Người cao tuổi thường hay bị trúng gió vào các thời điểm
8 - 9h sáng, 2 - 4h chiều, 1 - 4h sáng.
Người cao tuổi các bộ phận cơ thể bị suy thoái, thành
mạch máu bị xơ cứng, tính co giãn kém. Ngồi dậy ngay khi thức dậy làm trạng
thái cơ thể biến đổi đột ngột, động lực học của dòng máu đột nhiên thay đổi,
chức năng sinh lý của nó không được điều chỉnh tốt sẽ làm cho huyết áp tăng đột
ngột dễ làm đứt mạch máu não. Khi thức dậy, tiểu cầu tăng cao hơn khi ngủ, máu
đặc hơn dễ làm tắc mạch máu. Vì thế người cao tuổi khi thức dậy nên nằm trên
giường một lúc rồi từ từ ngồi dậy.
52 - Người già không
nên trèo cao
Người già chân tay không còn linh hoạt, bắp tay, chân yếu
nên năng lực giữ thân thể cân bằng giảm. Vì vậy, khi làm các công việc nên
tránh trèo cao. Nếu bắt buộc phải trèo cao thì kiểm tra thật kỹ những vật để
leo trèo, trọng tâm có ổn định hay không, mặt sàn phải bằng phẳng... Khi đã
trèo lên phải đứng thật vững, cảm thấy choáng váng, chân run thì phải xuống
ngay.
53 - Người già không
nên tắm nhiều
Tắm không những làm sạch da mà còn làm giãn gân cốt, đỡ
mỏi chân tay. Nhưng người già không nên tắm nhiều.
Nếu tắm quá nhiều thì người già da mỏng, lớp mỡ bên ngoài
ít dần nên da sẽ bị khô, nứt nẻ, ngứa ngáy. Nếu tắm nước quá nóng cũng khiến dễ
bị trúng gió vì thân nhiệt trong người không toả kịp... Ngâm nước quá lâu cũng
làm cho mao vi huyết quản nở ra, làm thiếu máu đại não, sinh chóng mặt hay
ngất. Vì vậy, người già không nên tắm quá nhiều.
54 - Sau khi vận
động không nên tắm nước nóng
Khi vận động xong, cơ bắp phải hoạt động mạnh, máu chảy
vào bắp thịt tăng, để đáp ứng nhu cầu máu lưu thông vào tim cũng tăng. Vận động
xong, trạng thái này vẫn duy trì một thời gian nữa. Nếu tắm nước nóng ngay sau
khi vận động sẽ làm máu trong thịt và da tiếp tục tăng, máu cung cấp cho các bộ
phận trong cơ thể giảm sẽ làm bệnh tim đột phát hoặc sự cố do não thiếu ôxy. Vì
vậy khi vận động xong không nên tắm ngay bằng nước nóng.
55 - Người già không
nên nhuộm tóc
Dùng thuốc nhuộm lâu dài sẽ rất có hại cho thân thể vì
trong thuốc nhuộm tóc có các hoạt chất dễ làm da đầu bị viêm nhiễm gây đỏ,
ngứa, sát bỏng hay mọc những nốt chảy nước vàng. Các loại thuốc nhuộm tóc có
chứa cả những chất gây ung thư tồn đọng trong các bộ phận thân thể của người
nhuộm tóc làm cho tế bào trong cơ thể tăng lên gây đột biến mạnh. Thường xuyên
nhuộm tóc dễ mắc bệnh ung thư da, ung thư thận, ung thư tử cung. Vì vậy những
người già không nên thường xuyên nhuộm tóc.
56 - Người già không
nên ăn uống quá thanh đạm
Dân gian thường truyền tụng câu "Thô trà, đạm
phạn" nghĩa là ăn uống càng thanh đạm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Để
giảm bớt gánh nặng cho ruột và dạ dày, dễ tiêu hoá và phòng các bệnh về tim.
Tuy nhiên những nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, người già ăn uống quá thanh
đạm cũng rất có hại.
Người già không nên ăn uống quá nhiều cũng không nên ăn
uống quá thanh đạm. Đối với người già thức ăn có chất tanh thúc đẩy sự trao đổi
chất, làm chậm lão hoá, nâng cao sức đề kháng chống lại bệnh tật cho cơ thể.
Người già có thể dùng lương thực chính là gạo, bột mì hoặc tạp lương. Thức ăn
chính là thịt nạc và các loại rau xanh cùng với sữa bò, tôm, cá. Tuyệt đối
không nên ăn uống quá thanh đạm.
57 - Người già không
nên ăn hoa quả đóng hộp
Hoa quả khi đóng thành hộp, hàm lượng đường tăng lên mà
đối với người già thì thực phẩm nhiều chất đường không có ích lợi nhiều.
Con người đến tuổi già, thời gian hoạt động giảm đi, năng
lượng tiêu hoá cũng giảm đi một cách tương ứng. Người già 60 - 70 tuổi, mỗi
ngày có được 1500 - 1700 calo là đủ nhu cầu. Thường xuyên ăn những thực phẩm có
hàm lượng đường cao rất dễ phát phì và dễ mắc những chứng bệnh khác như đái
đường, huyết áp cao và bệnh tâm huyết quản cao gấp đôi người bình thường. Vì
tuỵ của người già phân tiết giảm, tác dụng điều tiết đường huyết cũng suy giảm,
ăn uống nhiều chất đường cũng dẫn đến nguy cơ mắc bệnh đái đường nhiều hơn. Cho
nên người già nên hạn chế ăn hoa quả đóng hộp.
58 - Người già không
nên ăn ngân nhĩ
Ngân nhĩ là một loại chất bổ dùng cho người già và người
mới ốm dậy. Nhưng không phải ai cũng nên sử dụng, ví dụ những người mắc bệnh
khạc ra máu, đi phân đen, viêm ruột non. Những người mắc những bệnh trên không
nên dùng ngân nhĩ vì khi ngân nhĩ vào cơ thể người bệnh sẽ làm tiêủ cầu khó
ngưng tụ. Do vậy vào thời kỳ khôi phục sức khoẻ không nên dùng.
59 - Một số bệnh
người già không nên ăn cua
Cua mang tính hàn, thịt cua chứa nhiều chất protein và
cholesteron. Vì vậy, những người mắc bệnh thương hàn, sốt nóng, đau dạ dày, ỉa
chảy, mẩn ngứa, viêm da mọc mụn ăn cua sẽ làm bệnh nặng thêm. Những người bị
bệnh van tim, máu nhiễm mỡ nên kiêng hoặc ăn ít. Những người bị lạnh bụng, viêm
dạ dày mãn tính, loét ruột non, viêm gan, viêm túi mật, sỏi mật cũng nên hạn
chế ăn cua.
60 - Người già không
nên thường xuyên uống bia
Bia là đồ uống có nhiều chất dinh dưỡng nên thường được
gọi là "bánh bao nước". Nhưng người già nếu thường xuyên uống bia
cũng không tốt cho sức khoẻ.
Trong quá trình sản xuất và vận chuyển bia, chất nhôm của
thùng đựng bia dễ hoà tan vào bia. Nhôm là một nguyên tố độc với cơ thể người.
Trường Đại học Y khoa Hoàng gia Anh đã tiến hành điều tra 7000 người có độ tuổi
từ 40 - 60 ở 24 thành phố thì phát hiện ra rằng những người thường xuyên uống
bia có hàm lượng nhôm trong máu cao hơn những người không thường xuyên uống
bia. Nguyên nhân là công năng chuyển hoá của người già giảm thấp, năng lực thải
chất độc tương đối kém, chất nhôm dễ tích trữ do vậy ảnh hưởng đến công năng
của đại não làm xuất hiện chứng trì độn và tính khí thất thường. Vì vậy người
già không nên thường xuyên uống bia.
61 - Người già không
nên cho rằng "Già thì gầy"
Sự béo gầy của con người chỉ là hiện tượng bên ngoài chứ
không thể chứng thực người đó khoẻ hay yếu. Có hai loại gầy của người già, một
là tự nhiên gầy và hai là gầy do bệnh tật. Ở loại thứ nhất, chất chuyển hoá
trong cơ thể, việc tiết vật của tì vị có thể hơi bị suy giảm, năng lực hấp thu
và lợi dụng những thành phần dinh dưỡng hạ thấp dần dần dẫn đến gầy gò. Ở loại
gầy thứ hai là khi con người ta đến tuổi già, khí huyết suy nhược, năng lực đề
kháng bệnh tật không đủ nên thường xuất hiện các bệnh như cao huyết áp, xơ cứng
động mạch, bệnh xuất huyết não và bệnh tim. Trước đây nhiều người thường cho
rằng những bệnh này chỉ thấy ở người già bị béo chứ không thấy ở người gầy.
Thực tế không phải vậy, khả năng chống lại bệnh tật của người gầy thấp hơn
người béo và tỷ lệ phát bệnh của người gầy cũng cao hơn người béo. Cho nên
người già không nên cho rằng già phải gầy mới tốt. Béo quá cũng không tốt nhưng
gầy quá cũng không phải là điều tốt cho sức khoẻ.
62 - Người già không
nên thường xuyên xem bi kịch
Người già thường xuyên xem bi kịch không có lợi cho sức
khoẻ cả về thể chất và tinh thần. Những người lớn tuổi sau khi xem xong một vở
bi kịch rất khó tránh khỏi những băn khoăn, suy nghĩ u uất tinh thần. Nếu bị
kích thích như vậy nhiều lần sẽ gây ra hiện tượng như ăn không ngon miệng, ngủ
không ngon giấc, thể trọng giảm sút, động tác chậm chạp... Nhất là đối với các
cụ đã cao tuổi, do quá đau thương có thể sinh ra tâm trạng chán đời coi thường
cuộc sống. Y học hiện đại đã nghiên cứu và chứng minh rằng âu sầu quá độ có thể
hạ thấp sự miễn dịch của cơ thể, dẫn đến tái phát những bệnh cũ và có thể làm
cho động mạch vành co giật, tuyến thượng thận phân tiết tăng lên, tim đập quá
nhanh, nhịp tim không đều, dẫn đến đau thắt tim và tắc nghẽn cơ tim. Vì thế
người già không nên thường xuyên xem bi kịch.
63 - Người già cũng
không nên xem những tiết mục gay cấn, giật gân
Xem những tiết mục gay cấn, giật gân không có lợi cho sức
khoẻ của người già. Bởi vì những tiết mục này có thể kích thích thần kinh giao
cảm và tuyến tố thượng thận, sự phân tiết của tuyến thượng thận gia tăng, tim
đập nhanh hơn, huyết quản thu nhỏ lại, huyết áp tăng cao khiến cho những người
đã từng mắc bệnh cao huyết áp hoặc xơ cứng động mạch bị vỡ huyết quản não và
trúng phong. Những người bị bệnh tim có thể vì cơ tim thiếu máu mà xuất hiện
bệnh đau thắt tim, thậm chí nặng hơn còn làm cơ tim tắc nghẽn.
64 - Người già khi
ăn không nên vừa ăn vừa cười nói
Khi ăn uống, vừa ăn vừa cười nói rất nguy hiểm đối với
người già. Do công năng của thần kinh đại não và hệ thống thần kinh trung khu
suy yếu khiến cho phản ứng của cảm giác và thần kinh vận động chậm chạp, động
tác không phối hợp đều đặn. Một phần nữa vì niêm mạc trong mồm, trong cổ họng
co lại hoặc kéo dày lên hoặc răng bị rụng xuống nếu mang răng giả... Nếu vừa ăn
vừa cười nói rất hay bị nghẹn, di vật rơi vào thực quản... rất nguy hiểm đến
tính mạng. Cho nên người già không nên vừa ăn vừa cười nói.
65 - Người già không
nên ăn nhiều hạt hướng dương
Chất dinh dưỡng trong hạt hướng dương rất phong phú vì
thế có người gọi hạt hướng dương là thực phẩm của sắc đẹp. Hạt hương dương tuy
ăn ngon nhưng người già không nên ăn nhiều quá.
Nguyên nhân là trong hạt hướng dương có một lượng lớn
chất axít béo không bão hoà. Nếu ăn nhiều quá thì sẽ làm tiêu hao nhiều chất
kiềm của gan trong cơ thể. Do đó tạo thành sự mất cân bằng trong việc điều hoà
việc vận chuyển mỡ trong cơ thể làm cho mỡ tích tụ lại trong gan nhiều, dẫn đến
công năng của gan bị trở ngại làm hoại tử gan hay xơ cứng gan. Ngoài ra trong khi
chế biến hạt hướng dương, người ta thường cho thêm các hương liệu như quế chi,
hoa tiêu, đại hồi... để tăng hương vị. Nhưng những hương liệu này lại kích
thích dạ dày. Trong quế chi hàm lượng hoàng chương tố đã được chứng minh là
chất độc gây ung thư. Trong quá trình chế biến hạt hướng dương người ta còn cho
rất nhiều muối ăn. Muối ăn ngấm nhiều vào hạt hướng dương dễ làm đọng nước
trong cơ thể dẫn đến bệnh huyết áp cao. Vì vậy người già không nên ăn nhiều hạt
hướng dương.
66 - Người già không
nên chỉ ăn chay
Người già do nhiệt lượng tiêu hao ít, khẩu vị giảm sút
hay vì mục đích giảm béo, chữa bệnh và để chữa bệnh cao huyết áp nên ăn chay,
không dám ăn chất tanh. Thực ra đây là sự nhận thức sai lầm có hại cho sức
khoẻ.
Con người già yếu, đầu bạc, răng long, xương giòn và sinh
ra các bệnh về tâm huyết quản đều có liên quan đến việc thiếu nguyên tố măng
gan. Thiếu nguyên tố này không những ảnh hưởng đến sự phát triển gân cốt mà còn
dẫn đến những bệnh như đau thân thể, kiệt sức, lưng còng, gãy xương... Thiếu măng
gan còn có thể dẫn đến trí lực kém, cảm ứng không linh hoạt. Trong thức ăn có
nguồn gốc thực vật cũng bao gồm nguyên tố măng gan nhưng không dễ được hấp thụ.
Cho nên ăn thịt là con đường quan trọng để cơ thể hấp thụ măng gan. Cho nên
người già không nên ăn chay có hại cho sức khoẻ.
67 - Người già không
nên không có nơi gửi gắm tinh thần
Đối với người già, những mục tiêu phấn đấu của đời người
không còn là cái đích vươn tới nữa. Người già cần phải xây dựng mục tiêu mới để
chiến thắng sự cô đơn của những ngày cuối đời, làm sinh sôi những tín hiệu mới
của cuộc sống trước mắt. Những người già không có nơi gửi gắm tinh thần dễ tạo
thành tính cách biến thái, nảy sinh tâm lý cô độc.
Nơi ký thác tinh thần của người già rất rộng rãi như:
Giao tiếp với nhau trong đó có việc đi lại thăm con cái, cháu chắt trong gia
đình, giao tiếp với các giới trong xã hội, ngâm thơ, vẽ tranh, nuôi chim, trồng
hoa thả cá cùng với những hoạt động nhàn tản khác nhau. Người già chỉ có đi tìm
nơi ký thác tinh thần mới có thể đổi lấy được thời thanh xuân thứ hai của cuộc
đời. Cho nên người già không nên không có nơi gửi gắm tinh thần.
68 - Người già không
nên đi du lịch quá dài
Đi thăm thú cảnh vật thiên nhiên sẽ làm tâm hồn con người
vui vẻ thoải mái. Nhưng người già không nên quá ham vui ảnh hưởng đến sức khoẻ
sẽ dẫn đến những tai nạn bất ngờ.
Người già thường mắc bệnh tâm huyết quản. Trên đường đi
tham quan nếu quá mệt sẽ làm tăng gánh nặng cho tâm não huyết quản. Do vậy dễ
nảy sinh ra tai biến mạch máu não, tim co thắt hoặc tắc cơ tim. Cho nên người
già đi thăm quan phải lượng sức mình để đi. Để đề phòng những tai nạn bất ngờ
khi đi tham quan du lịch nên mang theo một số thuốc như thuốc chống cao huyết
áp, thuốc trợ tim như một biện pháp phòng ngừa để khi cần thì có thuốc dùng
ngay.
69 - Không nên báo
tin buồn cho người già
Người già nghe thấy những tin tức không vui có thể làm
tâm trạng nặng nề, dễ sinh bệnh thậm chí gây hậu quả chẳng lành là tử vong.
Cơ năng sinh lý của người già suy giảm. Nhận được tin
buồn sẽ gây tâm trạng sợ hãi, đau thương đứng ngồi không yên, ăn không ngon,
ngủ không yên giấc và có thể làm các hệ thống công năng của cơ thể mất ổn định
nghiêm trọng, huyết áp lên xuống thất thường. Với tâm trạng nặng nề như vậy, có
thể làm người già ốm liệt không dậy được. Cho nên đối với người già không nên
thông báo những tin buồn. Nếu bắt buộc phải báo những tin buồn thì nên lựa lời
nhẹ nhàng, làm tốt công tác giải thích tư tưởng.
70 - Người già không
nên chơi cờ thời gian quá lâu
Chơi cờ, đánh bài là một trong những hoạt động vui chơi
giải trí yêu thích của những người cao tuổi. Những hoạt động này có tác dụng
làm thư giãn tinh thần, rèn luyện tư duy. Song nếu chơi cờ đánh bài trong thời
gian quá dài sẽ có hại cho sức khoẻ.
Khi chơi cờ tâm thần của người già thường hay bị thắng
thua làm cho xúc động, đại não đang ở trong trạng thái hưng phấn cao độ. Nếu
kéo dài thì năng lực hoạt động và phản xạ của đại não hạ thấp, công năng của
thần kinh thực vật bị rối loạn, thậm chí còn sinh ra ốm đau nữa. Ngoài ra ngồi
lâu bất động còn làm nhu cầu của tì vị chậm dần, năng lực tiêu hoá giảm sút,
chất thải lưu cữu trong ruột quá lâu dễ phát sinh bệnh táo bón và bệnh trĩ. Cho
nên người già không nên quá ham chơi cờ, phải biết dừng lại đúng lúc.
71 - Người già không
nên sống ở nơi quá tĩnh mịch
Hoàn cảnh sinh hoạt của người già nên tránh nơi ồn ào
nhưng sống trong ngôi nhà hoặc căn phòng quá ư yên tĩnh cũng không có lợi cho
sức khoẻ.
Sống không có người nói chuyện phiếm, giao lưu tâm sự lâu
sẽ làm cho tính tình trở lên cô lập, tinh thần uỷ mị không vui, khẩu vị mất
ngon, đối với sự vật xung quanh thì thờ ơ lãnh đạm do đó làm cho sức khoẻ ngày
càng giảm, tuổi thọ không cao.
Những âm thanh tươi tắn như tiếng chim hót, tiếng người
cười nói, tiếng va chạm hàng ngày có thể giúp trút bỏ được gánh nặng tâm lý của
con người, cũng là một sự kích thích tốt đối với thần kinh, cải thiện được công
năng điều tiết của hệ thống thần kinh đối với cơ thể con người. Vì vậy người
già không nên ở nơi quá yên tĩnh gây tâm trạng trầm uất không có lợi.
72 - Người cao tuổi
không nên đi giày đế bằng
Người già khi chọn giày dép thường chọn những đôi đế
bằng, không có gót cho rằng như vậy là an toàn, có lợi cho sức khoẻ. Thực tế
điều này không hoàn toàn đúng.
Bởi vì cơ bắp bộ đùi của người già thay đổi với dây
chằng, lực đàn hồi của chân tương đối kém, khả năng chịu đựng giảm sút. Người
già đi, đứng một thời tương đối dài sẽ cảm thấy đau lưng, đau xương hông, đầu
gối, gót chân, bắp đùi.
Giầy đế bằng tuy nhẹ, tiện lợi nhưng không có lợi cho sức
khoẻ, cho việc chịu đựng và đi đứng, đặc biệt là năng lực chống chấn động hạ
thấp. Ngoài ra, tính đàn hồi của sụn đệm đốt sống của người già bị suy giảm, bị
chấn động dễ gây đau đầu. Đi giầy đế bằng, tính định hướng chuyển động lớn, dễ
dẫn đến tổn thương bắp đùi. Cho nên người già không nên đi giày đế bằng. Nói
chung giày có độ cao từ 1,5cm đến 1cm là vừa.
73 - Người già không
nên lạm dụng thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh có tác dụng quan trọng đối với việc
phòng ngừa và chữa trị các bệnh cảm nhiễm. Song sử dụng không thoả đáng có thể
dẫn đến trúng độc hoặc tạo thành hai lần cảm nhiễm.
Bởi vì thuốc kháng sinh đối với hệ thống thần kinh, hệ
thống tạo máu và các bộ phận như gan, thận, tâm huyết quản... đều có tính độc
hại nhất định, nhất là đối với những người già khi công năng gan, thận không
tốt thì tổn hại lại càng lớn hơn thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Cho nên người
già không nên lạm dụng thuốc kháng sinh.
74 - Không nên uống
nhiều vitamin
Vitamin là một nhóm dinh dưỡng rất cần thiết cho cơ thể
con người, một số vitamin còn có thể chống suy lão, ung thư. Nhưng không phải
vì thế thì càng dùng nhiều vitamin càng có lợi cho sức khoẻ. Mà ngược lại nếu
dùng vitamin quá liều còn có thể bị ngộ độc.
Nếu dùng vitamin A quá liều (quá 100.000 đơn vị) sẽ xảy
ra ngộ độc cấp tính, đau đầu, buồn nôn, tróc da... Dùng nhiều trong thời gian
dài sẽ gây ngộ độc mãn tính khiến đi không vững, xương trụ cẳng tay và xương
ống chân bị sức nặng nên đau.
Dùng vitamin B1 quá liều sẽ gây hoảng hốt, đau đầu, mệt
mỏi, tê thần kinh bắp thịt, tim mạch đập nhanh, chuột rút, phù nề. Nếu tiêm bắp
quá liều còn có thể bị ngất.
Dùng vitamin B2 quá liều sẽ gây chuột rút, tiêm bắp quá
nhiều cũng có thể bị ngất.
Nếu dùng vitamin B12 quá liều sẽ xuất hiện những triệu
chứng thở khò khè, mẩn ngứa, phù mặt, rét run... hay phát sinh hiện tượng tim
loạn nhịp, đau vùng ngực trước thậm chí người ta còn cho rằng dùng B12 quá liều
sẽ làm khối u mọc nhanh hay chuyển dịch.
Dùng vitamin C quá liều cũng gây hại làm phát sinh những
chứng bệnh như ỉa chảy, mẩn mụn sỏi thận, tị toan quá nhiều và phá hoại vitamin
B12 trong cơ thể.
Dùng vitamin D quá nhiều sẽ xuất hiện các triệu chứng ngộ
độc như buồn nôn, khô mồm, táo hay ỉa chảy, gầy đi, mệt mỏi, đi giải nhiều.
Vitamin E quá liều cũng làm cơ thể mệt mỏi, hơi buồn nôn,
đau đầu, chóng mặt, thị lực giảm sút, viêm vùng miệng. Những người bị bệnh cao
huyết áp, xơ cứng động mạch tim, đái đường, chức năng gan không bình thường
phải chú ý không được dùng vitamin E quá liều.
Do vậy vitamin không nên lạm dụng sẽ gây hại cho sức
khoẻ.
75 - Không tự ý uống
thuốc với đường
Khi uống thuốc không nên tự ý cho đường cho dễ uống vì
mấy nguyên nhân sau:
- Đường có thể ức chế hiệu quả chữa bệnh của một số thuốc
giảm sốt, gây rối loạn sự hấp thụ của dạ dày và đường ruột đối với muối vô cơ
và vitamin.
- Chính vị đắng của thuốc cũng có những tác dụng chữa
bệnh nhất định. Nếu cho đường vào uống sẽ làm giảm tác dụng của thuốc.
- Một số thành phần hoá học của thuốc có phản ứng với
đường dẫn đến những thành phần hữu hiệu trong thuốc bị lắng đọng, biến đổi dược
tính, hạ thấp ảnh hưởng của thuốc.
- Đường có thể phân giải thành phần chữa bệnh của một số
thuốc làm giải trừ dược tính của thuốc.
- Những người mắc bệnh đái đường, viêm nhiễm... không nên
uống đường.
76 - Không nên uống
một số thuốc bằng nước nóng
Một số thuốc không nên uống bằng nước nóng như thuốc tổng
hợp dung môi anbumin của dạ dày, vitamin C vì nước nóng dễ làm cho hoạt tính
của dung môi giảm thấp.
Các loại sirô cũng vậy, tác dụng chống ho của sirô là
sirô mang chất thuốc. Sau khi nuốt, nó phủ kín lên niêm mạc cổ họng một lớp để
giảm nhẹ sự kích thích niêm mạc. Nếu uống bằng nước sôi sẽ làm thuốc bị pha
loãng trôi xuống dạ dày rất nhanh.
77 - Không nên dùng
nước sôi để đun thuốc bắc
Các vị trong thuốc bắc hầu hết đều lấy trong các loại rễ
cây, thân hoặc hoa, lá trong thiên nhiên. Thành phần hữu hiệu của chúng tồn tại
trong các tế bào. Nếu dùng nước đã sôi để đun thuốc sẽ làm các chất protein,
tinh bột lắng đọng, dẻo hoá, thành phần hữu hiệu của thuốc không phát huy làm
giảm hiệu quả của thuốc.
Cho nên cách đun thuốc bắc đúng cách là dùng nước bình
thường ngâm từ 28 - 45 phút rồi đun lửa nhỏ cho cạn dần. Có như vậy thì thành
phần nước thẩm thấu vào trong thuốc, theo nhiệt độ của nước tăng lên, tế bào
thực vật sẽ dần nở ra, thành phần hữu hiệu của thuốc cũng hoà tan trong nước,
đảm bảo hiệu quả chữa bệnh của thuốc.
78 - Không nên uống
thuốc bắc đã đun cháy
Các thành phần trong thuốc bắc tương đối phức tạp, chủ
yếu là kiềm sinh vật, chất chát, dầu bốc hơi chất bột. Thường một loại thuốc
lại mang nhiều thành phần hữu hiệu. Thuốc bắc phải đun lâu, đun kỹ để chiết
xuất ra các thành phần hữu hiệu trong thuốc chữa bệnh.
Cách đun thuốc có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của
thuốc. Nếu đun nhanh sẽ không lấy được hết thành phần hữu hiệu làm ảnh hưởng
đến tác dụng chữa bệnh. Ngược lại đun lâu quá cũng không tốt bởi nó làm các
thành phần hữu hiệu bị phân huỷ và bốc hơi. Nếu đun thuốc bắc đến cháy có thể
làm tính chất của thuốc bị thay đổi làm các vị chuyển thành đắng không còn tác
dụng nữa. Nên nếu chẳng may đã đun cháy thuốc thì nhất quyết không nên dùng.
79 - Không nên
thường xuyên dùng thuốc giảm đau
Dùng thuốc giảm đau phải theo chỉ định của bác sĩ. Thường
xuyên tự ý sử dụng có thể làm che lấp bệnh tật khiến việc chuẩn đoán, điều trị
không chính xác gây hậu quả nghiêm trọng.
Một số thuốc giảm đau mạnh còn chứa cả chất gây nghiện.
Khi dùng lâu sẽ nghiện thuốc bắt người bệnh chỉ được uống loại thuốc đó mới
hiệu quả.
Các loại thuốc giảm đau đều có tác dụng phụ như gây phản
ứng với đường ruột và dạ dày, tổn thương chức năng gan, thận, gây khó khăn
trong việc tạo máu. Vì vậy khi phải dùng thuốc giảm đau nhất định phải theo sự
chỉ định của bác sĩ.
80 - Không dùng nhân
sâm tuỳ tiện
Nhân sâm là một loại dược liệu rất quý có tác dụng bồi bổ
sức khoẻ. Tác dụng này tập trung chủ yếu ở ba mặt sau:
- Giảm nhẹ và chống mệt mỏi.
- Nâng cao khả năng sinh dục ở nam.
- Chống lão hoá.
Nhân sâm không phải là thứ thuốc vạn năng điều trị mọi
chứng bệnh, cũng không phải là thuốc đặc trị một chứng bệnh cụ thể cũng không
phải là thứ để chống lão hoá nên không thể tự ý sử dụng.
Không phải ai dùng nhân sâm cũng đều tốt vì nó cũng có
tác dụng phụ.
Những người suy nhược cơ thể, thiếu nguyên khí thì nên
dùng nhân sâm còn ngoài ra những bệnh khác đều không nên dùng. Bệnh cao huyết
áp nếu uống nhân sâm sẽ làm huyết áp tăng lên cao hơn.
Dùng nhân sâm cũng cần phải lưu ý đến liều lượng. Nếu
dùng quá liều sẽ làm nổi mụn trên mặt, tăng huyết áp. Vì vậy dùng nhân sâm phải
theo lời khuyên của bác sĩ.
81 - Người cao tuổi
không nên giới hạn hoạt động xã hội
Người già nên nhiệt tình tham gia một số hoạt động của
thanh niên sẽ khiến tinh thần phấn chấn, tăng thêm sự hứng thú cho bản thân, có
lợi cho tâm hồn và thể lực. Vì vậy hoạt động giao tiếp của người già không nên
chỉ khoanh vùng giữa những người lớn tuổi.
Chỉ đi lại với những người cùng độ tuổi với mình sẽ khiến
tầm nhìn của mình không được mở rộng, tinh thần không cảm thụ được những hứng
thú mới nên không phát huy được tác dụng tích cực. Ngược lại thanh niên không
được người lớn tuổi chỉ bảo, giáo dục về nhân sinh quan, cũng không có lợi cho
sự phát triển toàn diện. Do vậy, những người già nên mở rộng các mối quan hệ,
các hoạt động xã hội, không nên đóng khung trong thế giới người già.
82 - Người già không
nên coi nhẹ những việc làm đẹp
Thường người già hay có tâm lý không chú ý đến dáng vẻ bề
ngoài vì cho rằng không cần thiết nữa nhưng như vậy không đúng.
Làm đẹp và yêu cái đẹp là một nhu cầu của con người. Thật
khó có thể tưởng tượng một người già quần áo xộc xệch, đầu tóc bù rối, râu ria
bụi bẩn mà lại được thanh niên, bạn đồng niên yêu quý. Cái đẹp trong giao tiếp
không có sự hạn chế về tuổi tác. Người già cũng cần trang điểm, ăn mặc cho phù
hợp với tuổi tác, thể hiện được phong độ của mình. Làm sao trong cái nho nhã
thấy được cái tươi mới, trong cái già lão thấy được sự ổn định làm cho con
người trở nên đúng mực thanh cao khiến người ngoài cảm nhận được đấy là một con
người rất chú ý tu dưỡng bản thân. Cho nên ăn mặc, trang điểm phù hợp là một
cách không chỉ làm giảm vẻ già nua, yếu đuối mà còn làm cho giao thiệp được
thoải mái, tinh thần thêm vui vẻ có lợi cho sức khoẻ người già.
83 - Không nên nói
khuyết điểm của con cháu trước mặt người ngoài
Trong gia đình người già là đối tượng được mọi người tôn
trọng. Mỗi lời nói, việc làm của người già đều có tác dụng như sự làm gương cho
thế hệ con cháu noi theo. Con cháu có mắc sai lầm khuyết điểm gì nên kịp thời
phê bình khuyên bảo nhưng nhất thiết không nên nói ra cho người ngoài biết
những sai lầm khuyết điểm này.
Trước mặt người ngoài lại nói ra những điều này sẽ gây nên
phản ứng và sự xúc phạm tình cảm giữa con cháu và người già khi họ thấy mình
không được người già giữ thể diện.
Cho nên nếu không phải là những vấn đề thuộc về nguyên
tắc như vi phạm kỷ luật hay luật pháp thì nên giữ thể diện cho con cháu, không
nên nói cái xấu cho người ngoài biết.
84 - Không nên xâm
phạm vào đời tư của con cái
Có một số người làm cha, làm mẹ cho rằng thư từ của người
khác mình có thể bóc xem, nhất là của con cái. Nhưng làm như vậy vừa vi phạm
luật pháp, vừa ảnh hưởng đến mối quan hệ trong gia đình.
Mỗi người đều có những bí mật riêng và có quyền được giữ
bí mật đó cho riêng mình. Vì vậy không nên xâm phạm đời tư của người khác.
85 - Người già giảm
béo không nên ăn bột hạt cải
Bột hạt cải là một loại gia vị có vị cay. Mùa hè làm món
sa - lát cho thêm chút bột hạt cải sẽ làm món ăn ngon hẳn lên. Nhưng những
người định giảm béo không nên ăn bột hạt cải.
Trong bột hạt cải có một chất hoá học, có thể kích thích
niêm mạc dạ dày, gây ra nhiều chất vị toan làm người luôn cảm thấy đói, thèm ăn.
Kết quả là người đang muốn giảm lượng ăn lại ăn nhiều hơn, giảm béo không còn
hiệu quả. Cho nên người muốn giảm béo không nên ăn hột cải.
86 - Trong khi dưỡng
bệnh tắc nghẽn cơ tim không nên giao hợp
Tắc nghẽn cơ tim là một loại bệnh tâm huyết giảm nghiêm
trọng. Sau khi phát bệnh, thời gian phục hồi không nên giao hợp vì có thể dẫn
đến nhịp tim thất thường rất nguy hiểm có khi là tử vong.
Bởi vì khi giao hợp, hệ thống thần kinh ở vào trạng thái
hưng phấn cao độ, tim đập nhanh, huyết áp tăng cao... làm những người đang hồi
phục bệnh có thể làm sinh lý tâm điện bị rối loạn, thậm chí dẫn đến tử vong.
87 - Người già không
nên khảnh ăn
Ăn uống không đầy đủ thường không cung cấp đủ chất dinh
dưỡng cho cơ thể. Nếu ăn ít rau xanh thiếu chất diệp lục sẽ làm thiếu chất
vitamin C có tác dụng giảm lượng cholesteron, không ngừa bệnh xơ cứng động
mạch. Nếu ăn ít các loại thực phẩm làm từ đậu đỗ thì không làm tăng sự bài tiết
cholesteron trong phân ra ngoài. Không ăn được hành tỏi cũng không tốt vì hành
tỏi có tác dụng làm giảm bớt mỡ trong máu. Vì vậy người ở tuổi trung niên nên
ăn uống đủ chất.
88 - Người già không
nên thường xuyên ăn cơm rang
Cơm rang cũng còn gọi là cơm trộn nhưng ăn cơm rang nhiều
không tốt cho sức khoẻ. Sau khi xào nấu xong những chất còn lại trong chảo như
dầu mỡ, mì chính, muối, xì dầu... do chảo quá nóng bị cháy tạo thành chất
nitrat amin... Chất này là nhân tố tiềm tàng của bệnh ung thư. Cho nên không
nên ăn cơm rang thường xuyên.
89 - Không nên ngồi
xổm ăn cơm
Khi ngồi xổm ruột và dạ dày bị ép mạnh ảnh hưởng đến công
năng tiêu hoá, đồng thời động mạch bụng cũng bị co ép, vị tì huyết quản ở dạ
dày không được bổ sung kịp thời lượng máu cần thiết dẫn đến công năng tiêu hoá
bị suy giảm. Cho nên ngồi xổm để ăn cơm là không khoa học.
90 - Không nên nhịn
đói lâu
Nhiều người thường có thói quen không ăn bữa sáng. Như
vậy sẽ làm thời gian bụng trống rỗng kéo dài. Nhịn đói lâu không có lợi cho sức
khoẻ dễ gây ra bệnh sỏi mật.
Khi bụng đói, việc phân tiết chất mật bị giảm, lượng
cholesteron trong mật cũng giảm mà hàm lượng cholesteron không thay đổi. Nếu để
tình trạng này quá dài sẽ xuất hiện trạng thái bão hoà và lắng đọng lại ở trong
túi mật từ đó hình thành nên cholesteron hoá thạch. Bệnh này hay thấy ở phụ nữ
đứng tuổi. Cho nên không nên nhịn đói quá lâu.
91 - Người già không
nên uống nước để lâu ngày
Không uống nước chè để qua đêm là thói quen của nhiều
người nhưng cũng không nên uống nước lọc để qua 4, 5 ngày. Nước này tiềm ẩn mối
nguy hiểm mang bệnh.
Nước đun sôi để nguội lâu ngày, ôxy trong nước đã bốc đi
gần hết, những vật hữu cơ bị phân giải, những vật vô cơ lắng đọng xuống do đó
làm mất hết giá trị nước uống. Thực nghiệm đã chứng minh, nước bình thường
không có chất muối, axít nitrat nhưng để sau một ngày, mỗi lít nước có thể sản
sinh 0,004mg muối axít nitrat, để sau 3 ngày có 0,011mg muối axít nitrat, 20
ngày có thể lên đến 0,73mg.
Muối axít nitrat là chất có thể gây ung thư cho nên nước
đun sôi để nguội hoặc nước để lâu ngày trong phích nước nhiều nhất chỉ nên để 3
ngày vì thế không nên để nước đun sôi để nguội quá lâu.
92 - Không nên uống
nước chưa sôi kỹ
Lấy nước vừa đun sôi để pha trà ngay là không khoa học.
Đun sôi nước là để diệt vi trùng trong nước lã, giảm bớt những chất có độc.
Người ta đã chứng minh được rằng, hàm lượng halohydrocacbon như clorophooc tăng
lên theo độ nóng của nước. Khi nước nóng lên đến 100oC thì hàm lượng hai chất
này vẫn vượt quá mức độ an toàn. Cho nên để đảm bảo an toàn, nước vừa bắt đầu
sôi không nên lấy ngay ra uống mà tiếp tục đun sôi trong 3 phút rồi đem dùng là
tốt nhất. Song cũng không nên để thời gian sôi lâu quá.
93 - Không nên uống
trà lúc đói
Uống nước trà thường xuyên có lợi cho cơ thể nhưng khi
đang đói uống nước chè sẽ bị hiện tượng "say chè". Biểu hiện của hiện
tượng này là: Tim đập mạnh hay chóng mặt, chân tay mệt mỏi, đứng ngồi không
yên, đi không vững, cảm thấy đói bụng. Nói tóm lại, người bị suy nhược hay bị
yếu thận thường dễ bị say chè hơn những người khoẻ mạnh. Vì vậy khi đói không
nên uống nước chè.
94 - Không nên uống
nước chè lạnh
Uống nước chè lạnh không có lợi cho sức khoẻ vì khi uống
nước chè lạnh, nhiệt lượng trong cơ thể có thể bị hạ thấp vì tính lạnh của nước
chè và bài tiết theo nước tiểu ra bên ngoài.
Khi uống nước trà nóng thì nhiệt lượng của cơ thể sẽ làm
tính lạnh của trà tăng lên làm tinh thần sảng khoái, tai thính mắt tinh. Uống
trà lạnh không những làm mất hết tác dụng giải nhiệt, hạ đờm mà còn bị hại là
bị lạnh, kéo đờm...
95 - Không nên
thường xuyên uống nước chè đặc
Uống nước chè đặc có nhiều cái lợi nhưng thường xuyên
uống nước chè đặc lại có hại.
Bởi vì trong nước chè đặc có tương đối nhiều chất làm cho
niêm mạc dạ dày co lại, chất protein rắn lại, lắng xuống và làm loãng dịch vị,
ảnh hưởng đến công năng tiêu hoá.
Đồng thời kết hợp quá nhiều nhu toan và vitamin B1 sẽ dẫn
đến thiếu vitamin B1. Những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim, bệnh đái tháo
đường, bệnh viêm gan, viêm thận... mà uống nước chè đặc vào lúc đói có thể làm
cho bệnh nặng thêm.
Ngoài ra chất nhu có thể ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất
sắt trong cơ thể, nếu kéo dài sẽ sinh bệnh thiếu máu, thiếu sắt.
Nước chè đặc còn ức chế việc phân tiết dịch tiêu hoá gây
nên bệnh táo bón. Vì vậy, không nên thường xuyên uống nước chè đặc.
96 - Không nên nấu
nước chè
Lịch sử uống trà của người Trung Quốc đã có từ lâu đời.
Trước Triều đại nhà Minh, người ta thường bỏ chè vào ấm để nấu, nước chè có mùi
rất nồng. Ngày nay vẫn có nhiều nơi có thói quen này. Nấu chè không ngon bằng
pha chè.
Bởi vì trong lá chè có một chất nhu toan vị chát. Dưới
tác dụng của nhiệt độ cao, chất nhu toan ra rất nhiều tăng thêm độ chát của
chè. Cho nên không nên nấu nước chè mà nên pha để uống.
97 - Người già không
nên uống quá nhiều nước chè
Uống nước chè vừa phải chỉ có lợi chứ không có hại. Nhưng
uống quá nhiều thì lại có hại mà không có lợi. Bởi vì trong lá chè có nguyên tố
vi lượng flour. Flour tuy là một trong những nguyên tố vi lượng cần thiết cho
cơ thể nhưng nhu cầu sinh lý mỗi ngày chỉ cần từ 1 đến 1,5mg. Qua sự kiểm
nghiệm của trên 20 loại chè, thì hàm lượng flour trong chè cao hơn gấp 10 lần thậm
chí hàng trăm lần so với các loại thực phẩm khác.
Nếu chất flour vào trong cơ thể mỗi ngày nhiều hơn mức an
toàn mỗi ngày từ 3 đến 4,5mg thì sẽ dẫn đến tích tụ trúng độc. Người trúng độc
flour thường có biểu hiện men răng biến màu (thành màu vàng, màu nâu hoặc màu
đen, triệu chứng về xương là tứ chi và xương sống bị đau nhức, sai khớp xương,
bị bệnh tê liệt... Cho nên không nên uống quá nhiều nước chè. Mỗi ngày không
nên uống quá 5mg chè. Tốt nhất là không nên uống chè bánh bởi vì hàm lượng
flour trong đó quá cao.
98 - Không pha chè
bằng cốc bảo ôn
Dùng cốc bảo ôn để pha chè, không những làm mất đi mùi
thơm vốn có của chè mà còn làm cho nước chè bị chát đắng, những vitamin bị phá
hoại.
Trong lá chè có chất nhu toan, chất trà kiềm, dầu thơm và
rất nhiều chất vitamin. Dùng cốc bảo ôn để pha chè, nước chè bị giữ ở nhiệt độ
cao trong thời gian tương đối dài, cứ như bị nấu trong nước sôi. Kết quả là
chất dầu thơm bị bay đi, làm cho chè nồng quá, chất nhu toan, trà, kiềm quá
nhiều, làm cho nước chè có vị đắng, uống vào rất khó chịu, vitamin C và vitamin
D cũng bị mất đi rất nhiều. Cho nên không pha trà bằng cốc bảo ôn.
99 - Khi sốt nóng
không nên uống nước chè đặc
Những người bị cảm cúm mà uống nước chè nóng và đặc, rất
không có lợi cho việc phục hồi sức khoẻ. Bởi vì trong lá chè có chất trà kiềm
có thể làm tăng nhiệt độ trong cơ thể. Đồng thời nước chè còn có thể làm giảm
đi hoặc vô hiệu hoá tác dụng của thuốc bệnh. Cho nên khi đang bị sốt thì không
nên uống nước chè đặc, mà chỉ uống nước chè loãng hoặc nước đun sôi mà thôi.
100 - Người thiếu
máu không nên uống nước chè
Thiếu máu là bệnh thường thấy, nhiều nhất là những người
thiếu máu do thiếu chất sắt. Trong cơ thể thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến việc hợp
thành chất hemoglobin trong cơ thể, người bệnh sẽ có biểu hiện mặt trắng bệch,
tim đập nhanh... Người bị bệnh thiếu máu mà uống nước chè sẽ làm cho bệnh càng
thêm nặng.
Nguyên nhân là chất sắt trong thức ăn nhập vào đường tiêu
hoá, qua tác dụng của dịch vị, chất sắt bậc cao chuyển thành chất sắt bậc thấp
thì mới được cơ thể hấp thu. Trong chè có một lượng nhu toan rất lớn, nhu toan
rất dễ kết hợp với chất sắt bậc thấp hình thành chất nhu toan sắt không cao, do
đó mà trở ngại cho việc hấp thu chất sắt, khiến cho bệnh thiếu máu càng thêm
trầm trọng. Vì vậy những người bị bệnh thiếu máu thì không nên uống nước chè.
101 - Không nên uống
nước chè khi uống thuốc bổ máu có chất sắt
Chè là thứ đồ uống rất thông dụng, được người già rất ưa
thích. Uống chè một cách hợp lý thì có thể có lợi cho thần kinh và trí nhớ, cơ
thể làm giãn gân cốt, bớt mệt mỏi, đỡ khát và giảm bớt phiền muộn, rất có lợi
cho sức khoẻ.
Hiện nay người ta đã phát hiện trong thành phần hoá học
của chè, chất sa nanh chiếm từ 3 - 13%, hàm lượng caphêin chiếm khoảng 2 - 4%.
Những người thiếu máu thường là do thiếu chất sắt mà ra,
bổ sung chất sắt là loại thuốc chủ yếu để chữa bệnh thiếu máu do thiếu sắt.
Nếu trong khi uống thuốc bổ máu có chất sắt mà lại đi
uống nước chè thì chất sananh trong chè và chất sắt hợp thành chất sananh sắt
lắng xuống, do đó làm giảm bớt hiệu quả của thuốc và sẽ kích thích cho dạ dày
và ruột gây nên tác dụng phụ không có lợi cho dạ dày.
Cho nên những bệnh nhân thiếu máu đang dùng thuốc bổ máu
có chất sắt thì không nên uống nước chè. Một người bình thường mà uống nước chè
trong một thời gian dài cũng có thể dẫn đến thiếu máu.
102 - Không nên nhai
bã chè
Uống nước chè có lợi cho sức khoẻ. Nhưng có một số người
sau khi uống nước chè còn nhai bã chè lại có hại. Bởi vì không khí và thổ
nhưỡng bị ô nhiễm bởi phân hoá học và thuốc trừ sâu ngày càng nghiêm trọng.
Đồng thời trong quá trình gia công sản xuất chè do tác dụng nhiệt giải của
cacbit, chè bị ô nhiễm và có nhiều chất làm giảm mùi thơm của chè. Những chất
này khó tan trong nước dễ dẫn đến ung thư. Nếu nhai bã chè này, chất ung thư có
thể đọng lại trong cơ thể. Cho nên không nên nhai bã chè. Sau khi uống nước chè
rồi thì nhổ bã chè đi, cho dù cánh chè có tươi non thì cũng không nên ăn.
103 - Trước khi ăn
không uống rượu
Uống rượu trước rồi ăn cơm sau là một cách làm sai lầm
không tốt. Uống rượu trước khi ăn trong dạ dày trống rỗng, niêm mạc dạ dày và
thực đạo bị chất cồn kích thích dễ phát sinh tổn thương làm đau đớn, nôn mửa,
chảy máu. Nếu nặng hơn thì bị viêm dạ dày cấp tính. Cho nên trước khi ăn thì
không nên uống rượu. Nên ăn cơm rồi mới uống vì trong dạ dày đã có thức ăn sẽ
nhanh chóng giảm bớt sự hấp thụ cồn rượu, sự kích thích của rượu cũng giảm đi,
phản ứng xấu cũng ít hơn và chậm lại.
104 - Nam giới không
nên dùng rượu để kích thích tình dục
Không ít người cho rằng sau khi nam giới uống rượu có thể
kích thích tình dục. Điều này là một sự hiểu lầm.
Rượu không những không làm tăng thêm tính dục của nam
giới mà hoàn toàn ngược lại, rượu còn có thể làm giảm chất kích tố, làm cho
tính dục và năng lực của nam giới giảm đi rõ rệt.
Cho nên nam giới không nên uống rượu để kích dục.
105 - Không nên ăn
nhiều trứng gà
Chất dinh dưỡng ở trứng gà tương đối nhiều, đặc biệt là
chất abumin và chất khoáng, cho nên mọi người đều thích ăn. Nhưng không phải ăn
nhiều là tốt. Căn cứ vào kiểm nghiệm lâm sàng của các nhà dinh dưỡng học thì
trong vòng 24 tiếng thì một người ăn 40 quả trứng gà và một người ăn 3 quả
trứng gà đều hấp thụ một lượng abumin như nhau. Nói chung mỗi ngày chỉ ăn 3 - 4
quả là đủ.
Để nâng cao giá trị dinh dưỡng của trứng gà nên chú ý ăn
nhiều chất rau, hoa quả, cũng nên ăn thêm các chất xơ, ăn thêm các chế phẩm làm
từ đậu, ăn tôm, cá, thịt để cho các chất dinh dưỡng của các món ăn bổ sung cho
nhau.
106 - Những người
không nên ăn lạc
Trong lạc hàm chứa một lượng dầu ngưng huyết rất lớn, có
thể rút ngắn thời gian ngưng huyết, dễ gây tắc mạch máu. Tuy nó có nhiều hàm
lượng chất béo không bão hoà nhưng chất axít ấy có thể làm cho axít có tính bão
hoà ở trong máu lắng đọng và thẩm thấu ở thành huyết quản, dẫn đến chất xơ cứng
động mạch cho nên những người già và những người đứng tuổi bị xơ cứng động
mạch, bị ứ máu do ngã thì không nên ăn lạc.
Ngoài ra trong lạc còn có rất nhiều chất dầu. Cho nên
những người bị viêm túi mật và đã cắt túi mật thì trong người không còn nhiều
lượng mật dự trữ, không thể tiêu hoá một lượng dầu lớn ở trong lạc được, sẽ làm
cho gan phải làm việc nhiều để tiết ra chất mật, như vậy sẽ làm tổn hại đến
công năng của gan. Cho nên những người đã có bệnh về mật thì không nên ăn lạc.
Lạc khó tiêu hoá và có tác dụng làm trơn ruột cho nên
những người có bệnh đường ruột cũng không nên ăn lạc.
107 - Không nên ăn
xì dầu sống
Có một số người có thói quen trộn xì dầu vào rau sống
hoặc thức ăn . Đó là cách làm không vệ sinh.
Trong xì dầu sống có nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra,
còn có loại xì dầu chế biến không đúng quy cách, nên xì dầu có mùi mốc, mùi
cay, có độc. Đem xì dầu này trộn vào thức ăn hay chấm bánh mì sẽ có nguy cơ mắc
bệnh truyền nhiễm cao.
Do vậy, trừ những loại xì dầu cao cấp có thể dùng ngay,
nói chung là không nên ăn xì dầu sống mà nên chỉ dùng để xào, nấu. Nhưng khi
xào, nấu xong không nên để lâu sẽ mất nhiều chất tốt trong xì dầu.
Xì dầu khi mới mua về nên bỏ vào mấy nhánh tỏi để giữ
được lâu.
108 - Người già không
nên ăn nhiều thực vật chứa axít
Khi cơ thể ở trạng thái bình thường, muối là chất kiềm
yếu. Trong máu, bất kỳ chất axít nhiều hay chất kiềm nhiều cũng đều không có
lợi cho cơ thể. Máu axít hoá gọi là thể chất toan tính. Người thuộc thể chất
này thường có cảm giác mệt mỏi, dễ cảm cúm, da bủng beo, vết thương lâu lành...
Thể chất toan tính đến mức độ nghiêm trọng sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến công
năng thần kinh não, từ đó dẫn đến việc suy nhược trí nhớ, năng lực tư duy giảm
sút, đa sầu đa cảm, tâm thần u uất.
Hàng ngày người ta thường ăn một lượng thực vật rất lớn
có tính toan nhưng cũng cần phải ăn một lượng nhất định thực vật có tính kiềm
để trung hoà tính toan, đảm bảo sự cân bằng thực phẩm có chất toan và chất
kiềm. Đó là các loại rau, hoa quả, các loại đậu, các loại rong biển, cà phê,
sữa bò. Ăn nhiều rau quả tươi mới, vừa bảo vệ được thể chất có tính kiềm nhẹ,
lại vừa tăng thêm được nhiều vitamin.
109 - Không ăn chuối
tiêu lúc đói
Chuối tiêu vừa thơm, vừa ngọt, chất dinh dưỡng phong phú.
Ăn chuối tiêu lúc đang đói thực tế không làm hết đói mà còn không khoa học.
Trong chuối tiêu có một hàm lượng lớn magiê. Khi bụng
đang đói mà ăn chuối tiêu có thể làm cho hàm lượng magiê trong máu tăng lên đột
ngột, làm tỷ lệ magiê, canxi trong máu mất cân đối, gây tác dụng ức chế tâm
huyết quản, không có lợi cho sức khoẻ con người.
110 - Người già không
nên uống nước lạnh để giải nhiệt
Tiết trời mùa hè nóng bức, ai cũng nghĩ rằng uống nước
lạnh là cách giải nhiệt, giảm nóng tốt nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược
lại. Giải nhiệt và giảm nóng tốt nhất không phải là nước lạnh mà là nước chè
nóng.
Trong những ngày hè nóng nực, nhiệt độ lên đến 40oC người
ta đã tiến hành thí nghiệm. Họ chia một số người thành các nhóm khác nhau, cho
uống các loại nước nóng lạnh khác nhau để đo mức độ nhiệt độ giảm đi của cơ
thể. Kết quả cho thấy rằng nhóm những người uống nước lạnh cao cấp thì nhiệt độ
cơ thể giảm đi 0,5oC, nhóm những người uống nước chè nguội, nhiệt độ cơ thể
giảm đi 0,5 - 0,8oC, nhóm những người uống nước chè nóng ấm nhiệt độ cơ thể
giảm đi 0,8 - 1,5oC, nhóm những người uống chè nóng giảm 1 - 2oC. Như vậy uống
nước chè nóng hiệu quả giảm nhiệt độ tốt nhất. Uống nước chè nóng tuy không cảm
thấy mát mẻ nhưng dần dần cảm thấy người nhẹ nhõm.
Lý do là nước chè nóng có thể làm cho vị tì huyết quản to
lên, lỗ chân lông thông hơn, mồ hôi toát ra nhanh hơn làm nhiệt lượng trong cơ
thể giảm đi, đạt được hiệu quả tỏa nhiệt.
Còn nước lạnh thì chỉ có miệng và dạ dày, ruột hấp thụ
được nhiệt lượng, nhiệt độ lớp da trên toàn thân thể chưa kịp giảm thì đã cảm
thấy khát, nhiệt độ cơ thể tăng lên rất nhanh.
Uống nước lạnh làm cho nội tạng gặp lạnh đột ngột, có thể
làm dạ dày và ruột bị co giật, ảnh hưởng đến công năng tiêu hoá.
Cho nên đồ uống phòng nhiệt, giảm nóng không phải càng
lạnh càng tốt. Mùa hè không nên uống nhiều đồ lạnh, mà nên uống nước chè nóng
là tốt nhất. Uống nước chè nóng so với uống nước lạnh còn có lợi cho sức khoẻ.
111 - Không nên khát
mới uống nước
Khát thì uống là một nhu cầu thường tình của mọi người,
không có gì phải bàn cãi. Nhưng trên thực tế, khi khát mới uống nước về thời
gian cũng là quá muộn. Khát là biểu hiện sự thoát nước trong cơ thể nếu không
có sự thoát nước thì cũng không cảm thấy khát.
Khi thoát nước, dung lượng máu giảm đi, nồng độ máu tăng
lên, chất dính của máu lắng đọng trong huyết quản nên hay xảy ra trúng gió hoặc
tắc nghẽn cơ tim. Cho nên không những cần phải uống nước khi không thấy khát mà
còn phải định giờ uống nước.
Thời gian uống nước tốt nhất nên vào buổi sáng sau khi
ngủ dậy, vào khoảng 10 giờ sáng, trước khi ăn cơm trưa, 3 giờ chiều và lần cuối
cùng trước khi đi ngủ. Không nên chờ đến khi khát nước mới uống.
112 - Không nên uống
nước ngọt thay nước đun sôi để nguội
Khi mức sống được nâng cao nhiều người thường dùng các
loại nước ngọt để uống thay nước lọc để tăng thêm chất dinh dưỡng. Thực ra cách
nghĩ này là sai lầm. Một số nhà dinh dưỡng học đã chỉ ra rằng, nước đun sôi để
nguội là thứ nước bổ sung tốt nhất cho cơ thể.
Bởi vì các loại nước hoa quả, nước có gas đều chứa tương
đối nhiều đường tinh và một số lớn chất điện giải. Những chất này không thể rời
dạ dày nhanh như nước lọc được, nó có tác dụng lâu dài làm cho dạ dày sinh ra
các chất kích thích không tốt, ảnh hưởng đến tiêu hoá và khẩu vị. Cùng với nó,
thận phải lọc quá nhiều, ảnh hưởng đến công năng của thận. Hấp thu quá nhiều
đường còn gây nên bệnh béo phì.
Trong tình hình bình thường, hay cả khi vận động căng
thẳng cơ thể cũng không thiếu chất muối và kali cho nên nước mới là cái bổ sung
cần thiết. Ăn uống nhiều chất ngọt không có lợi mà còn gây hại. Cho nên không
nên dùng nước ngọt thay cho nước lọc. Nếu có dùng nước ngọt thì cũng nên lấy
nước lọc pha cho loãng bớt.
113 - Người già không
nên uống nhiều nước có chất chua
Uống nhiều nước có chất chua chỉ có hại cho sức khoẻ.
Cách pha chế đồ uống có chất chua thường lấy chanh làm
nguyên liệu chính rồi thêm đường ăn, đường tinh và các phẩm màu thực phẩm vào.
Uống nhiều loại đồ uống này, phần lớn chất hữu cơ vào trong cơ thể sẽ sinh ra
bệnh máu chua. Đặc biệt là uống quá nhiều hoặc nhiều lần uống sẽ làm cho độ pH
trong dịch máu giảm sút, sinh ra mệt mỏi và rất khó khôi phục nên luôn có cảm
giác mệt mỏi, kiệt sức. Nhất là vào mùa hè nóng, nhiệt độ bên ngoài tương đối
cao cùng với việc ra nhiều mồ hôi, những chất điện giải như natri, kali, clo...
cũng mất theo mồ hôi, khi nóng nực thì lại không muốn ăn khiến cho những chất
trên được bổ sung rất ít, làm cho cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, mình mẩy đau vì
thiếu chất này. Nếu lúc này mà uống nhiều nước có chất chua chỉ làm tình hình
càng trở lên xấu hơn. Cho nên mùa hè oi bức không nên chỉ uống nước lã, cũng
không nên uống nước có chất chua như nước chanh, nước mơ hay canh chua... Cách
tốt nhất là uống nước có pha muỗi loãng hoặc nước có gas.
114 - Người mắc bệnh
mạch máu não không nên uống cà phê
Cà phê là thứ đồ uống đang rất phổ biến hiện nay. Bởi vì
nó không những là đồ uống mà còn là dược liệu.
Cà phê không những chỉ có tác dụng làm hưng phấn mà còn
có thể gây ra bệnh teo mạch máu não làm cho lưu lượng máu trong đại não ít đi.
Uống hai cốc cà phê, khoảng nửa tiếng sau, lưu lượng máu trong đại não giảm đi
rõ rệt. Những ai bị bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch máu não, thiếu máu não
tạm thời hoặc tắc mạch máu não... đều không nên uống cà phê.
115 - Không nên uống
nhiều loại thuốc cùng một lúc
Có một số người mắc nhiều bệnh cùng một lúc cho nên phải
dùng nhiều loại thuốc cùng một lúc. Nhưng nếu chỉ vì lý do cho tiện, cùng uống
tất cả những loại thuốc ấy một lúc có thể ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả
bình thường của mỗi loại thuốc thậm chí còn gây ngộ độc thuốc.
Bởi vì mỗi loại thuốc có tác dụng dược lý, tính chất lý
hoá và tác dụng phụ đặc biệt của nó. Vị trí tác dụng và thời gian duy trì chúng
ở trong cơ thể ngắn dài cũng không giống nhau. Nếu uống nhiều loại thuốc cùng
một lúc sẽ ảnh hưởng đến việc hấp thụ, phân bổ, chuyển hoá và bài tiết cũng như
sự kết hợp giữa thuốc và chất đạm. Ngoài ra còn ảnh hưởng cả đến tác dụng của
thuốc đối với hệ thần kinh. Cho nên không uống nhiều loại thuốc cùng một lúc.
Phải phân chia thời gian, thứ tự một cách hợp lý để uống từng loại thuốc. Nói
chung, mỗi loại thuốc nên uống cách nhau 1 giờ.
116 - Người già nên chú
ý khi dùng một số loại thực phẩm
Chè: Người đang dùng các loại thuốc bổ như nhân sâm thì
không nên uống nước chè.
Mộc nhĩ trắng: Người bị ngoại cảm, phong hàn thì không
được dùng, người bị táo bón, đau bụng cũng không nên dùng.
Rượu: Người bị bệnh đau gan, đau mắt không nên dùng.
Thịt vịt: Người bị bệnh mưng mủ ngoại khoa thì không được
ăn.
Hồng: Người suy nhược có nhiều bệnh tật, phong hàn ngoại
cảm và người bị thiếu máu không nên dùng.
Cam sành: Người bị phế hàn, tả lị thì không được dùng.
Đào: Không được vừa ăn đào vừa uống nước đá.
Dưa hấu: Người suy nhược, công năng dạ dày và ruột không
tốt thì nên thận trọng khi ăn.
Đậu xanh: Người suy nhược không nên ăn.
Củ cải: Người nào thân thể suy nhược và đau dạ dày thì
không nên ăn.
117 - Không nên đựng
rượu trong chai lọ bằng thiếc
Trong những đồ dùng bằng thiếc thường chứa hàm lượng chì
rất cao. Theo phân tích hàm lượng chì trong đồ dùng làm bằng thiếc thì có trên
70%, có cái còn lên đến 95%. Phân tích rượu đựng trong hũ này thì hàm lượng chì
trong mỗi lít rượu cao đến mức 0,036 - 5,7g, trong khi tiêu chuẩn vệ sinh thực
phẩm quy định hàm lượng chì trong mỗi lít rượu không được quá 1mg. Nếu cứ uống
nhiều rượu đựng trong bình thiếc thì lượng chì tụ lại trong cơ thể dần tăng cao
sẽ gây ngộ độc chì mãn tính. Cho nên không nên đựng chì trong hũ thiếc càng
không nên hâm rượu. Nên dùng những dụng cụ khác không độc để đựng rượu thì hơn.
118 - Không nên đựng
mật ong trong những đồ dùng kim loại
Đựng mật ong trong những đồ bằng kim loại không những mau
biến chất mà còn dễ bị trúng độc.
Trong mật ong có axít hữu cơ và đường. Với tác dụng của
men, một phần những chất này biến thành axít etylenic. Chất này ăn mòn lớp
ngoài của hộp sắt do đó mà tăng thêm hàm lượng kim loại như chì, thiếc, sắt...
trong mật ong làm cho mật ong biến chất. Như vậy thành phần dinh dưỡng có trong
mật ong bị phá hoại, người dùng dễ bị trúng độc như lợm giọng, nôn mửa... Vì
vậy không nên đựng mật ong trong đồ dùng bằng kim loại.
119 - Không nên uống
sữa bò khi sáng sớm còn đói
Có nhiều người có thói quen sáng sớm khi bụng còn đói đã
uống sữa bò. Họ tưởng rằng lúc đang đói uống sữa bò có thể hấp thu được toàn bộ
chất dinh dưỡng. Nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy.
Nguyên nhân là khi bụng đói nhu cầu hấp thụ tăng nhanh,
uống sữa bò chất dinh dưỡng chưa kịp hấp thu đã trôi vào đại tràng. Đại tràng
chỉ hấp thu phần nước chứ không hấp thu chất dinh dưỡng. Ngoài ra chất axít
amin và chất moocphin có tác dụng an thần ở trong sữa bò có thể làm cho người
ta mệt mỏi hoặc buồn ngủ, do đó mà ảnh hưởng đến công suất làm việc của buổi
sáng. Cho nên buổi sáng khi còn đói không nên uống sữa bò. Nếu uống sữa bò vào
giờ ngủ trưa hay buổi tối trước khi đi ngủ thì rất có lợi vì phát huy được các
chất dinh dưỡng trong sữa bò nhiều hơn.
120 - Sau khi uống
rượu không nên uống cà phê
Thành phần chủ yếu của cà phê là caphêin. Uống vừa phải
thì có tác dụng làm cho con người hưng phấn, nâng cao tinh thần và có lợi cho
dạ dày. Nhưng nếu uống quá nhiều có thể bị trúng độc hay khi uống rượu xong
uống cà phê rất nguy hại.
Bởi vì cà phê có thể làm cho cồn rượu gây nguy hại cho cơ
thể nhiều hơn, đặc biệt càng nguy hiểm cho đại não. Lúc mới đầu thì đại não rất
hưng phấn, rồi lại bị ức chế cực độ và kích thích huyết quản phình ra, đẩy
nhanh tuần hoàn máu, tăng thêm gánh nặng cho huyết quản tim, gây hậu quả gấp
mấy lần uống rượu bình thường.
Cho nên sau khi uống rượu không nên uống cà phê.
121 - Không nên gối
đầu cao khi ngủ
Khi ngủ gối đầu cao dễ xảy ra hiện tượng "sái
cổ" và dễ bị bệnh về cổ. Xét về góc độ y học thì câu "cao chẩm vô
ưu" là không có cơ sở khoa học.
Bởi vì cổ người có thể hoạt động tự do là do sự phối hợp
điều hoà giữa xương cổ với hàng loạt cơ gân, cơ bắp, dây chằng mới thành. Nếu
cứ gối đầu cao lâu ngày sẽ làm cho sinh lý xương cổ cong đi dần dần làm cho cơ
gân, cơ bắp, dây chằng luôn bị căng thẳng, lâu dần sẽ bị những chứng bệnh về cổ
như vôi hoá, hai vai mỏi mệt, hai tay tê bì, váng đầu hoa mắt...
Ngoài ra ngủ đầu gối cao sẽ dẫn đến lưu lượng máu trong
não bị giảm, máu chảy chậm, nặng còn bị tắc mạch máu não thành ra bị liệt. Cho
nên khi ngủ không nên gối đầu cao quá.
122 - Không nên gối
đầu thấp quá
Gối đầu cao quá không có lợi nhưng gối đầu thấp quá cũng
không nên. Vì khi không gối đầu hay gối đầu thấp quá làm cho vị trí đầu quá
thấp huyết quản trên đầu dễ bị xung huyết, sau khi tỉnh dậy thường có cảm giác
đầu bị trương ra, mặt và mắt có hiện tượng trương phù.
Bởi vì xương cổ của con người lồi về phía trước nếu không
dùng gối hay gối đầu quá thấp, khi ngủ rồi các cơ bắp ở cổ không nghỉ ngơi
thoải mái. Sau khi tỉnh dậy, nhẹ thì cảm thấy ở cổ bị đau mỏi, nếu nặng thì các
cơ bắp ở cổ sẽ cứng hay sái cổ. Cho nên không nên gối đầu thấp quá.
123 - Không nên ngủ
quá nhiều
Ngủ là nhu cầu sinh lý của con người. Ngủ thoả đáng và
đầy đủ giúp tiêu trừ sự mệt mỏi rất hiệu quả. Nhưng nếu ngủ quá nhiều thì không
có lợi cho sức khoẻ.
Bởi vì ngủ quá nhiều sẽ tăng gánh nặng cho trung khu thuỳ
miên đại não, làm cho các hoạt động sinh lý và thay thế đều bị giảm xuống mức
thấp nhất. Nếu cứ kéo dài, không những làm cho người mệt mỏi mà còn làm cho
công năng cảm giác của các cơ quan khứu giác, thị giác, thính giác, xúc giác bị
giảm sút, độ bền chặt của xương bị kém đi, từ đó sinh ra nhiều bệnh tật.
Ngoài ra đã có người quan sát thống kê, một người trong
tình trạng bận rộn ít ngủ so với người ngủ nhiều và nhàn rỗi, tỷ lệ ốm đau thấp
hơn 25% đến 38%. Đó là vì hoạt động tư duy có thể sinh ra một loại vật chất
tăng cường sức miễn dịch của cơ thể đó là pép-tít thần kinh. Vì vậy thời gian
ngủ không nên quá dài. Nói chung người già nên ngủ 9 - 10 tiếng mỗi ngày là
vừa.
124 - Không nên xem
sách báo trong nhà vệ sinh
Khi đi đại tiện mà xem sách báo không có lợi cho sức
khoẻ. Bởi vì động tác đại tiện là do trung khu thần kinh cấp thấp và trung khu
thần kinh cấp cao cùng tham gia. Khi đại tiện mà xem sách báo, ý thức đại tiện
bị ức chế, mất tính mẫn cảm kích thích áp lực của đại tràng với phân, làm cho
phân lưu lại trong ruột quá lâu, hút mất nhiều nước, dẫn đến bị táo bón.
Đồng thời thời gian ngồi quá lâu gây nên ứ máu trong
khoang chậu và khúc cong của tĩnh mạch trĩ gây lên bệnh trĩ. Không khí trong
nhà vệ sinh ô nhiễm, thiếu ôxy, ngồi lâu sẽ thấy váng đầu mệt mỏi, có khi còn
xảy ra hiện tượng ngất xỉu. Cho nên khi đi đại tiện không nên xem sách báo.
125 - Mùa hè không
nên cởi trần
Cởi trần không làm cho người mát mà càng cảm thấy nóng
hơn. Nếu như khí hậu ngoài trời gần như hoặc cao hơn nhiệt độ trong người
(37oC) thì cởi trần không mát mẻ hơn mà càng cảm thấy nóng.
Bởi vì sự điều tiết của cơ thể không chỉ dựa vào sự bốc
hơi của làn da, mà còn dựa vào sự bức xạ của làn da nữa.
Khi nhiệt độ ngoài trời quá 37oC thì nhiệt độ trong người
chủ yếu dựa vào sự bốc hơi của làn da để tản nhiệt.Khi nhiệt độ ngoài trời vượt
quá 37oC làn da không thể thông qua phương thức bức xạ nhiệt để tản nhiệt mà
còn bị nhiệt lượng bên ngoài ngấm vào.
Cho nên khi cởi trần dễ bị cái nóng bên ngoài thấm vào do
vậy càng cảm thấy nóng bức hơn. Do nhiệt lượng tăng lên, mồ hôi từ lỗ chân lông
thoát ra. Mồ hôi ra nhiều mà cái nóng vẫn hoàn toàn không giảm. Cho nên khi
nhiệt độ bên ngoài lên trên 35oC mà cởi trần thì cảm thấy nóng bức hơn, nhất là
khi không có gió sẽ cảm thấy điều này rất rõ.
126 - Không nên ngồi
bàn làm việc quá cao
Bàn làm việc quá cao sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.
Vì bàn làm việc quá cao khi làm phải nhô vai lên, khi đọc, khi viết đều rất tốn
sức dễ làm người mệt mỏi và giảm hiệu suất làm việc. Nếu ngồi làm việc lâu sẽ
sinh ra đau vai, đau ngực, tổn thương cơ bắp. Khi ngồi đọc các tài liệu, cự ly
quá gần rất có hại cho mắt, gây cận thị, người già dễ bị mỏi mắt, nhìn không
rõ.
Để làm việc dễ dàng hơn, nhiều người phải kê đệm để ngồi
như vậy hai chân lại không được để tự nhiên trên sàn, khiến cho chân hoạt động
trở lên bất tiện, tuần hoàn máu không thông làm cho chân nặng và không có lực.
Nếu kéo dài tình trạng này sẽ làm cho tĩnh mạch gấp khúc,
cơ bắp teo lại. Cho nên không nên ngồi bàn làm việc quá cao. Độ cao thích hợp
là mặt bàn ngang với hốc ngực.
127 - Không nên liếm
ngón tay ướt để đếm tiền
Liếm ngón tay ướt để đếm tiền hay các loại tem phiếu là
việc làm rất nguy hại.
Bởi vì những loại giấy tờ được lưu hành hàng ngày chứa
rất nhiều vi trùng, mầm bệnh và ký sinh trùng. Qua xét nghiệm, người ta đã thấy
rằng trong các loại tiền giấy có chứa những loại vi khuẩn như vi trùng gây bệnh
viêm gan B, vi trùng salmon, trực trùng gây mủ, trực trùng biến dạng, cầu trùng
nho màu hoàng kim, trực trùng đường ruột và trực ký sinh trùng đường ruột.
Khi đưa tay quyệt lên lưỡi rất dễ gây nhiễm khuẩn, vi
trùng gây bệnh, trứng ký sinh trùng theo vào mồm, truyền bệnh sang cho người.
Cho nên khi đếm tiền không được quyệt tay vào lưỡi mà nên dùng một miếng bọt
biển thấm nước để quyệt ngón tay đếm tiền và sau đó phải rửa tay ngay bằng xà
phòng.
128 - Không nên nuốt
đờm
Tuỳ tiện nhổ đờm nguy hại đến công chúng nhưng không vì
vậy mà gắng gượng nuốt đờm vào trong. Cả hai điều này đều không nên làm.
Trong đờm có rất nhiều vi trùng, nếu nuốt vào trong dạ
dày, có thể một phần vi trùng bị vị toan tiêu diệt, nhưng còn một bộ phận lớn
vi trùng thì vẫn sống sót và đi vào đường ruột, gây nên những chứng bệnh về
ruột.
Nếu người nào bị bệnh lao thì trong đờm chứa rất nhiều vi
trùng lao, nuốt đờm này vào có thể bị lao ruột và qua đường máu truyền vào gan,
thận, não mô... từ đó có thể dẫn đến những bệnh trầm trọng như lao gan, lao
thận, viêm não mô có tính lao. Cho nên khi có đờm không nên tuỳ tiện khạc nhổ
nhưng cũng không nên miễn cưỡng nuốt, phải nhổ vào bô, vào thùng.
129 - Không nên ngồi
lâu trên xe lăn
Ngồi lâu bất động trên xe lăn sẽ làm cho mông bị loét. Vì
khi ngồi xe lăn, trọng lượng phần trên đều do mông chống đỡ. Nếu ngồi lâu bất
động thì chỗ mông sát với ghế sẽ bị đè nặng một thời gian dài làm cho tuần hoàn
máu không thông, thiếu máu cục bộ. Nếu kéo dài sẽ làm loét nặng.
Cho nên những người phải ngồi xe lăn, sau 15 phút phải
xoay người một lần làm cho chỗ mông bị đè được dịch chuyển, khôi phục tuần hoàn
máu. Tốt nhất là mỗi ngày xoa bóp 3 - 4 lần chỗ mông để duy trì lưu thông thông
suốt tuần hoàn máu.
130 - Trong phòng ở
không nên nuôi chim.
Nuôi chim từ lâu đã được coi là một thú vui của mọi người
đặc biệt là những người cao tuổi. Nhưng nuôi chim trong căn hộ không có lợi cho
sức khoẻ.
Theo các nhà khoa học Hà Lan thì những người nuôi chim
trong phòng ở, đến khi về già, nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 7 lần so
với người bình thường. Trong số 49 người mắc bệnh ung thư phổi thì có 33 người
đã từng nuôi chim trong phòng ở.
Nuôi chim trong phòng ở sẽ gây ô nhiễm không khí trong
phòng rất nhiều, khi có nhiều bụi thì những sợi lông vũ bay vào phổi làm cho
một phần cơ năng miễn dịch phổi bị tổn hại gây nên bệnh ung thư phổi. Cho nên
không nên nuôi chim trong phòng.
131 - 6 nhóm thực
phẩm người già không nên ăn chung
- Không nên ăn trứng gà và sữa đậu cùng nhau. Khi ăn
chung trứng gà và sữa đậu sẽ làm giảm thấp giá trị dinh dưỡng của chúng. Lòng
trắng trứng gà chứa protein chất dính, nó kết hợp với tơrupxin trong sữa đậu,
làm protein phân giải bị trở ngại, hạn chế khả năng hấp thu protein trong cơ
thể.
- Không nên ăn chung củ cải và quýt. Ăn hai thứ này một
lúc sẽ dẫn đến bướu cổ vì chúng sinh ra những chất axít ức chế chức năng của
tuyến giáp trạng, là nguyên nhân gây ra bệnh bướu cổ.
- Không nên ăn chung hồng và khoai lang. Ăn khoai lang sẽ sinh ra nhiều axítclohydric, nếu đồng
thời ăn hồng, những axít kia sẽ làm lắng xuống một số chất trong quả hồng thành
kết tủa không hoà tan trong nước, chất này không dễ tiêu hoá và bài tiết ra bên
ngoài. Để lâu sẽ dần hình thành sỏi dạ dày phải dùng đến phẫu thuật.
- Không nên ăn chung sữa bò và sôcôla. Sữa bò chứa nhiều chất protein và kali còn trong sôcôla
chứa axít ôxalic. Khi ăn lẫn hai thức ăn này, kali trong sữa và axít ôxalic
trong sôcôla sẽ kết thành chất axít ôxalic - kali, chất này không tan trong
nước. Ăn vào không những không hấp thu được trong cơ thể dễ sinh ra bệnh ỉa
chảy, khô tóc. Nếu không muốn bị bệnh này không nên ăn chung hai thứ trên.
- Không nên ăn nho, sơn trà, quả lựu, quả hồng sau khi ăn
hải sản. Vì những quả này mang một loại axít khi gặp chất protein trong hải sản
sẽ tạo thành chất lắng đọng, khó tiêu hoá. Chất này lưu lại trong đường ruột sẽ
dễ gây ra hiện tượng lên men. Vì vậy để tránh điều này, khi ăn hải sản 4 tiếng
sau mới nên ăn các loại hoa quả trên.
- Không nên ăn cùng lúc sữa bò, sữa chua và phomat cùng
với bắp cải, đậu nành, rau dền, rau muống vì sữa chứa lượng kali phong phú
trong khi đó những chất rau kể trên mang những thành phần hoá học ảnh hưởng đến
sự tiêu hoá và hấp thụ chất kali.
132 - Không nên ăn
một số loại thực phẩm khi đang đói
Hồng, táo đen, cà chua: Là những loại quả chứa nhiều
phênôn axít và keo quả. Khi những quả này vào dạ dày có thể làm loét dạ dày.
Khoai lang: Ăn khoai lang khi đói sẽ kích thích dạ dày
tiết ra nhiều chất chua không tốt cho dạ dày.
Qủa quýt: Quýt chứa nhiều đường và axít hữu cơ ăn vào sẽ
gây kích thích niêm mạc dạ dày làm đầy bụng.
Quả vải tươi: Ăn vải tươi khi đói bụng có khi làm cơ thể
đột ngột tăng lượng đường gây hôn mê.
Uống chè đặc: Khi đang đói uống chè đặc sẽ gây nên
"say chè" khiến tim đập loạn nhịp, chóng mặt, chân tay bủn rủn, run
bắp thịt.
Uống rượu khi đói sẽ dễ bị trúng độc rượu cồn cấp tính,
gây nôn đau dạ dày, choáng váng.
133 - Người có bệnh
van tim không nên ăn quá no
Mạch máu trong đường ruột và dạ dày của con người được
phân bố rất nhiều khi ăn no để đáp ứng yêu cầu về tiêu hoá và hấp thu, lượng
máu tải ra trong tim đòi hỏi nhiều hơn, phủ tạng trong vùng bụng ở trạng thái
xung huyết vì vậy bệnh nhân yếu tim khi ăn no do lượng máu tải ra trong tim
tăng lên khiến tim làm việc nhiều. Cộng thêm nữa là dạ dày căng sẽ đẩy hoành
cách mô lên trên ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
Khi ăn no, dây thần kinh thứ mười của hệ thần kinh não ở
trạng thái hưng phấn mạnh làm tắc mạch máu cơ tim cấp tính.
Do đó, những người yếu tim nên tránh ăn no bằng cách ăn
thành nhiều bữa, ăn những thức ăn dễ tiêu. Đồng thời phải đảm bảo bài tiết
thông suốt, tránh không để thần kinh căng thẳng, không vận động quá nặng.
134 - Người cao tuổi
không nên tham dự nhiều tiệc tùng
Người cao tuổi không nên dự nhiều liên hoan tiệc tùng. Vì
những người cao tuổi thường hay mắc bệnh về huyết mạch. Nếu hay tham dự những
buổi tiệc tùng, môi trường sinh hoạt thường ngày bị thay đổi hay dẫn đến sự cố
như trúng gió, xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Những người đã từng có sự cố về
tim mạch càng nên hạn chế tham dự tiệc tùng.
135 - Bảy điều nên
tránh khi uống bia
Không dùng bia để uống thuốc. Khi uống thuốc bằng bia sẽ
làm nảy sinh những tác dụng phụ không tốt làm dạ dày tăng độ chua, làm thuốc
trong dạ dày bị hoà tan nhanh chóng, ảnh hưởng đến sự hấp thu, giảm nhẹ hiệu
quả của thuốc.
Không nên uống bia ăn cùng thức ăn ướp nướng để hạn chế
sự phát sinh bệnh đường tiêu hoá.
Không nên uống bia khi đổ mồ hôi nhiều: Mồ hôi ra nhiều
sẽ làm lỗ chân lông giãn ra. Nếu ngay lúc ấy uống bia lạnh sẽ làm lỗ chân lông
gặp lạnh đột ngột khép lại mồ hôi không ra được nữa dễ dẫn đến cảm.
Không dùng phích đựng nước nóng để đựng bia: Phích nước
nóng có tích nhiều cặn, sau khi đựng bia các thành phần có hại trong nước cặn
sẽ hoà tan lẫn vào trong bia khi ta uống sẽ theo vào cơ thể gây bệnh.
Không nên uống bia để lâu: Bia để quá hạn, chất axít
trong bia sẽ kết hợp với protein trong bia làm bia bị vẩn đục hay do dùng nước
chất lượng kém đóng chai sẽ làm bia bị lên men. Uống bia như vậy sẽ bị đi
ngoài, ngộ độc.
Không nên uống bia đã đóng băng: Không nên uống bia đã
đóng băng vì sau khi uống sẽ làm dạ dày, đường ruột khó chịu và sinh chứng kém
ăn.
136 - Những ai không
nên mặc áo lông
Những người bị viêm mũi do dị ứng, viêm khí quản do hen xuyễn,
có vấn đề về đường hô hấp không nên mặc áo lông.
Áo lông có lớp giữ nhiệt bằng lông gia cầm, những sợi
lông này tiếp xúc với da hoặc sau khi bị hít vào đường hô hấp sẽ gây dị ứng như
mẩn ngứa, mẩn mụn, ngứa mũi, ngứa mắt, tức ngực...
137 - Không nên may
quần áo lót bằng hàng dệt kim
Hàng dệt kim, hàng dệt sợi Terilen pha nylon đều qua xử
lý bằng chất nhựa cây nên không nên dùng để may áo lót. Bởi vì khi cất giữ quần áo loại này sẽ sinh ra chất
anđehit tự do dưới tác dụng của các nhân tố nóng, ẩm gây dị ứng, ngứa, kém ăn,
khó ngủ.
Áo mới mua về cũng không nên mặc ngay. Vì những hoá chất
trong quá trình xử lý gia công tiếp xúc với da, qua lỗ chân lông thâm nhập vào
cơ thể làm xuất hiện phản ứng. Những
người bị nhẹ thì chỉ mẩn ngứa ngoài da còn những người bị nặng sẽ bị mẩn mụn,
ngộ độc.
138 - Người cao tuổi
không nên mặc áo cao cổ
Mặc áo cao cổ, cứng và chặt khi xoay cổ sẽ làm động mạch
cổ bị chèn ép có thể gây ra ngất. Động
mạch cổ ở yết hầu có bộ phận cảm nhận áp lực. Ở người bình thường khi động mạch
cổ bị co kéo chèn ép thì thần kinh yết hầu sẽ điều chỉnh tuần hoàn máu trong cơ
thể không gây nên nguy hại. Nhưng những người cao tuổi, do động mạch cổ bị xơ
cứng nếu bị áp lực sẽ dẫn đến phản xạ không bình thường làm tim và huyết áp
giảm xuống đột ngột gây thiếu máu não mà bị ngất, thậm chí gây hậu quả nghiêm
trọng. Vì vậy người cao tuổi, đặc biệt là người bị bệnh tim xơ
cứng động mạch, nhịp tim chậm không nên mặc áo cao cổ.
139 - Người già không
nên giơ cao cánh tay khi ngủ
Khi đi ngủ dùng tay gối đầu hoặc giơ cao cánh tay để lên
đầu đều không tốt cho sức khoẻ. Cứ duy trì một thời gian dài sẽ sinh ra chứng
tức ngực và viêm thực quản.
Khi ngủ giơ tay cao làm bắp thịt bị co kéo, hoành tá
tràng bị di chuyển, sức nén của bụng tăng lên. Nếu ăn no trước khi ngủ thì
người cao tuổi càng thấy hiện tượng này rõ rệt hơn.
Thường xuyên giơ tay cao quá đầu khi ngủ còn làm cho thức
ăn và dịch tiêu hoá chạy ngược về thực quản khiến thực quản bị viêm loét.
Ngoài ra khi giơ cao cánh tay khi đi ngủ còn làm co bắp
ngoài lá lách, thành bụng và cơ trước, cơ sau của vùng ngực không được tự nhiên
co kéo, ảnh hưởng đến hô hấp bình thường của phổi gây tức ngực và mệt mỏi.
Vì vậy không nên giơ tay quá cao.
140 - Không nên từ
chối thổ lộ
Trong cuộc sống hàng ngày không mấy ai tránh khỏi những
tình huống khó khăn, làm người buồn bực, khó chịu, chán nản. Khi gặp những
trường hợp như vậy nên tìm những người bạn thân để tâm sự, thổ lộ những điều
cần chia sẻ. Nếu cứ để những phiền não trong lòng sẽ làm ảnh hưởng đến sức
khoẻ.
Luôn phải sống trong tâm trạng u uất không khác gì bị một
kẻ thù luôn đe doạ, làm con người phải lo lắng.
Lo lắng nhiều làm tổn thương đến tì vị, tức tối sẽ làm
tổn thương đến gan, lo lắng sẽ tổn thương đến phổi, sợ hãi sẽ tổn thương đến
thận. Đó đều là những kết luận của những nhà đông y.
Tinh thần bị kích thích sẽ gây trạng thái u uất khó chịu,
nặng thì khiến tâm tính bất thường, nhẹ thì làm thần kinh suy nhược, rối loạn
nội tiết...
Vì vậy không nên giấu kín trong lòng tâm sự, hãy giải toả
những phiền muộn để loại trừ sức ép về tâm lý và sinh lý, mang lại sự khoẻ
khoắn trong tâm hồn.
141 - Không để bí
đại tiểu tiện khi tập thể dục buổi sáng
Tập thể dục buổi sáng khi đang bí đại tiểu tiện có hại
đến sức khoẻ:
Phân đọng lâu trong cơ thể, một số vật chất có hại sẽ bị
hấp thu trở lại gây đau đầu, chóng mặt kèm chứng mệt mỏi, ăn không ngon miệng.
Phân không được bài tiết ra ngoài sẽ khô cứng lại đến khi
cần bài tiết sẽ làm tổn hại đến hậu môn.
Phân không kịp bài tiết ra ngoài trở nên khô, chèn ép
tĩnh mạch thành ruột, mạch máu không thông, ruột, tĩnh mạch bị tụ máu hình
thành nội trĩ.
Đi đại tiện khó khăn, những người mắc bệnh cao huyết áp
dùng sức quá mạnh sẽ gây xuất huyết não.
Ngoài ra nhịn đi tiểu cũng có hại cho sức khoẻ vì trong
nước tiểu chứa 95 - 97% là nước, 3 - 5% vật rắn là chất điện giải và urê. Hai
chất này có hại cho sức khoẻ con người.
Khi thức ăn đi vào trong cơ thể người, các bộ phận trong
cơ thể sẽ sàng lọc, các phế liệu được tập hợp trong máu, khi máu chạy qua thận,
thận sẽ lọc các phế liệu ra, các chất này qua ống dẫn liệu đi vào bàng quang và
tích tụ lại ở đây.
Người bình thường có dung lượng chứa dịch niệu bàng quang
từ 150ml đến 250ml thì sinh ra cảm giác muốn bài tiết, khi lên tới 250ml đến
450ml là có nhu cầu muốn bài tiết. Nếu vượt quá số lượng trên mà chưa được thải
ra ngoài sẽ làm cho sức ép trong bàng quang tăng lên, khiến đau bụng dưới, xuất
hiện cảm giác rạo rực.
Nước tiểu không được kịp thời thải ra ngoài sẽ làm cho
chức năng tiết niệu giảm, không những dần xuất hiện số lần tiết niệu tăng lên, thời
gian tiết niệu kéo dài, không tự khống chế... mà còn dẫn đến phù thận và ngộ
độc nước tiểu.
Những người có thói quen nhịn tiểu sẽ mắc bệnh ung thư
bàng quang lớn hơn gấp 3 - 5 lần những người bình thường.
142 - Người già không
nên chạy khi trời có sương mù
Khi thời tiết sương mù, không khí bị ô nhiễm khá nặng thì
không nên chạy thể dục nhất là chạy đường dài.
Bởi vì trong sương mù có một số vật chất hoà tan có hại
của mặt đất như các loại axít kẽm, muối amin, benzen... và những bụi bẩn có
hại, các mầm bệnh.
Ở những thành phố lớn mức độ ô nhiễm lớn hơn thì vật chất
có hại trong sương mù cũng nhiều hơn. Buổi sáng nếu chạy trong sương mù hoặc
vận động mạnh vô tình ta đã hít phải những vật chất có hại làm phát sinh một số
bệnh như viêm khí quản, viêm giác mạc, dị ứng...
Vì vậy vào những ngày có sương mù chỉ nên tập thể dục
trong nhà.
143 - Không nên tuỳ
tiện khạc nhổ
Nước bọt là một dịch tiêu hoá tiết ra từ tuyến nước bọt.
Nó có tác dụng:
- Làm ướt vùng miệng để khí quan phát thanh được linh
hoạt, trộn lẫn thức ăn cho dễ nuốt, cảm nhận được vị ngon.
- Làm sạch những thức ăn còn lại để bảo vệ răng và tiêu
diệt bộ phận virut, trung hoà chất chua trong dạ dày và bảo vệ vùng miệng, niêm
mạc dạ dày.
- Chất xúc tác dung môi tinh bột trong nước bọt có thể
xúc tiến phân giải tinh bột trong thức ăn thành đường mạch nha làm tiêu hoá
tinh bột.
- Nước bọt còn chứa muối vô cơ như kali và amin. Nên
không được tuỳ tiện nhổ nước bọt bởi nước bọt là vật phân tiết tác dụng tốt đối
với sức khoẻ.
144 - Mồ hôi không
nên lau khô ngay
Lau mồ hôi ngay làm việc tán nhiệt trong cơ thể bị ảnh
hưởng, giảm nhẹ chức năng điều tiết nhiệt độ cơ thể của da.
Việc tán nhiệt trong cơ thể chủ yếu được thực hiện thông
qua hiện tượng khúc xạ, truyền dẫn, đối lưu và bốc hơi mồ hôi. Trong môi trường
nhiệt độ cao hoặc do vận động nặng khiến nhiệt lượng trong cơ thể tăng lên,
tuyến mồ hôi tiết ra nhiều mồ hôi, lượng mồ hôi này bám trên da. Mồ hôi khi
chuyển từ dạng nước sang dạng hơi sẽ mang đi một lượng nhiệt lớn, có tác dụng
giải nhiệt. Khi 1ml mồ hôi bốc hơi sẽ mang đi 0,58 kcalo nhiệt lượng.
Nếu khi ra mồ hôi lại lau khô ngay sẽ không phát huy được
tác dụng tán nhiệt của mồ hôi. Nhiệt lượng do không được phát tán sẽ khiến
tuyến mồ hôi tiếp tục tiết ra. Các thành phần muối, vitamin trong cơ thể cũng
theo mồ hôi tiết ra ngoài mà tiêu hao không có lợi cho sức khoẻ.
Chú ý không nên lau mồ hôi bằng nước lạnh hay khăn lạnh
vì khi bị kích thích, lỗ chân lông sẽ khép kín lại, mao quản cũng co rút lại.
Bên ngoài da tuy mát nhưng tích nhiệt trong cơ thể thì không bốc hơi ra bên
ngoài, ngược lại sẽ sinh ra cảm giác oi nóng.
Dùng nước nóng, khăn mặt nóng để lau mồ hôi làm bề mặt da
nóng lên kích thích lỗ chân lông mở ra nhanh làm mao quản bị giãn ra, nhiệt
lượng được phát tán ra nhiều và nhanh, cơ thể cảm thấy mát và dễ chịu.
145 - Người già không
nên ngồi dưới bóng cây mát vào buổi tối
Ban ngày nhiệt độ dưới bóng cây thấp hơn nhiệt độ bên
ngoài là 3,3oC vì tán cây có thể phản xạ và hấp thu một phần nhiệt lượng, lá
cây quang hợp có thể hấp thu khí CO2, thải ra ôxy. Vì vậy ban ngày ngồi dưới
bóng cây sẽ cảm thấy mát hơn.
Khi tối, dưới bóng cây sẽ nóng hơn những chỗ khác vì sau
khi hết nắng, sự tán nhiệt ở mặt đất dưới bóng cây bị tiêu tán cây chặn lại sẽ
làm tốc độ tán nhiệt chậm hơn so với bên ngoài. Hơn nữa khi đêm xuống, lá cây
ngừng tác dụng quang hợp, tác dụng hô hấp khoẻ hơn hấp thụ khí ôxy, thải ra khí
CO2. Vì vậy buổi tối nhiệt độ dưới bóng cây cao hơn, chất lượng không khí dưới
bóng cây cũng kém hơn.
Vì vậy buổi tối mùa hè không nên ngồi dưới gốc cây hóng mát.
146 - Không nên vẩy
nước để giảm nhiệt độ trong nhà
Vẩy nước trong nhà để giảm nhiệt độ là cách làm không
khoa học. Sự bốc hơi của nước có thể mang đi một số nhiệt lượng nên có thể giảm
thấp nhiệt độ trong phòng. Nhưng sự bay hơi nước trong phòng phải dựa trên sự
lưu thông của không khí với điều kiện là nhiệt độ bên ngoài phải cao, sức gió
nhỏ thì không khí trong nhà khó lưu thông. Lúc này nếu dội nước trong nhà thì
hơi nước vẫn đọng lại trong phòng làm độ ẩm trong nhà tăng lên khiến người cảm
thấy oi bức, nóng nực hơn trước.
Hơi nước bốc nhanh cũng làm vi trùng và bụi trong nhà
theo hơi nước bay vào không khí làm không khí trong nhà vẩn đục hơn. Vì vậy
không nên giảm nhiệt bằng cách này.
147 - Không nên gội
đầu bằng nước lạnh khi mệt mỏi
Gội đầu bằng nước lạnh chỉ giải toả được mệt mỏi ngay lúc
ấy còn xét ra không có lợi cho sức khoẻ về lâu dài.
Khi đọc sách hay lao động trí óc, đại não ở trạng thái
hưng phấn cao độ. Nhưng khi vượt quá mức độ nào đó sẽ làm ta cảm thấy mệt mỏi
chóng mặt khi đó cần phải nghỉ ngơi. Nếu ta không nghỉ ngơi mà gội đầu bằng
nước lạnh để cho tỉnh táo sẽ làm đại não bị kích thích, bắt đại não phải duy
trì miễn cưỡng sự hưng phấn dẫn đến sự rối loạn của việc gây hưng phấn với chức
năng ức chế. Thời gian ức chế kéo dài sẽ làm thần kinh suy nhược, sinh ra chứng
mất ngủ, trí nhớ kém...
148 - Người già không
nên ăn cơm bằng đũa sơn dầu
Sơn dầu là chất có hại cho cơ thể vì nó là tổng hợp của
cơ chất, nhựa cây, dung môi hữu cơ và benzen. Những chất này ở nhiệt độ bình
thường đã có thể bốc hơi nếu ở nhiệt độ cao thì bốc hơi càng mạnh. Dung môi hữu
cơ chứa axêtôn và benzen có thể bị hít vào phổi thông qua đường hô hấp hay đi
vào cơ thể qua tiếp xúc với lớp da hoặc niêm mạc vùng miệng.
Ngoài ra những chất hữu cơ trên tiếp xúc với chất mỡ thì
dễ bị hoà tan, có thể theo thức ăn vào cơ thể. Dùng đũa sơn dầu lâu ngày sẽ có
hại cho cơ thể.
149 - Không nên xát
xà phòng lên khăn mặt
Khi rửa mặt, rất nhiều người thích xát xà phòng thơm lên
khăn mặt, rồi sau đó mới dùng khăn mặt đã xát xà phòng thơm để rửa mặt. Cách
làm này vừa tiết kiệm thời gian, vừa tiết kiệm được sức lực, bảo vệ được lớp
da. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại.
Xà phòng thơm xát lên mặt không những gây lãng phí mà còn
làm cho khăn mặt có một mùi rất khó chịu, làm giảm thời gian sử dụng của khăn
mặt. Hơn nữa nếu sử dụng cách rửa này lâu sẽ làm lớp bảo vệ da bên ngoài ảnh
hưởng khiến da trở lên sần sùi.
Phương pháp rửa mặt đúng đắn nhất là: dùng xà phòng thơm
rửa sạch tay, sau đó cầm bánh xà phòng thơm trên tay xoa lên mặt, dùng hai bàn
tay xát nhẹ lên mặt một vài lượt, sau đó dùng nước rửa sạch bọt xà phòng, dùng
khăn mặt thấm khô là được.
150 - Không nên hút
thuốc lá
Nhiều người biết là hút thuốc lá có hại nhưng vẫn không
bỏ được. Hút thuốc lá sẽ dẫn đến các bệnh về phổi, tim mạch, gây tỷ lệ tử vong
khá cao.
Trong thuốc lá có nhiều thành phần có hại cho cơ thể như
chất nicôtin, ôxit cacbon, xianôgien và những chất có tính phóng xạ. Những chất
này thâm nhập vào cơ thể lâu ngày sinh các bệnh về khí quản và cơ thể dẫn đến
ung thư.
Trong thuốc lá có chứa hơn 40 chất gây ung thư, trong đó
có 10 loại có thể làm cho bệnh ung thư phát triển nhanh hơn.
Chất nicôtin trong thuốc lá có thể làm tăng việc phân
tiết ở tuyến tố thượng thận, làm cho huyết quản bị tổn thương, huyết áp tăng cao,
chất cholesteron trong máu tăng lên vì vậy sinh ra bệnh xơ cứng động mạch dẫn
đến các tai nạn huyết quản ngực, bệnh quán tâm, bệnh tắc nghẽn cơ tim.
Những thành phần có độc trong thuốc lá còn có thể cản trở
tuyến tiêu hoá phân tiết dịch tiêu hoá dễ dẫn đến bệnh sa ruột.
Hút thuốc lá có thể bị trúng độc làm mắt kém ảnh hưởng
đến việc nhìn màu sắc. Người đang ốm hút thuốc lá thì bệnh càng nặng thêm, làm
giảm hiệu quả của thuốc đang dùng.
Theo thống kê, cơ hội mắc bệnh mãn tính của người hút
thuốc lá cao gấp 2 lần so với những người không hút thuốc; có 36% người hút
thuốc lá mắc bệnh về hệ thống tiêu hoá, 20% mắc bệnh về hệ thống hô hấp, 11%
mắc bệnh tim, các bệnh về tim và huyết quản.
Hút thuốc lá có thể làm giảm thọ từ 3 đến 13 năm. Trên
thế giới hàng năm có trên 1 triệu người chết vì hút thuốc lá. Vì vậy mọi người
không nên hút thuốc lá.
151 - Không nên nằm
uống thuốc
Ngồi dậy để uống thuốc thì lợi ích hơn là nằm uống. Vì
khi ngồi hoặc đứng uống thuốc, dùng 60ml nước để uống thuốc thì chỉ trong 5
giây những viên thuốc đã có thể trôi vào dạ dày. Nhưng nếu nằm uống thuốc thì
dù uống bao nhiêu nước đi chăng nữa cũng chỉ có một nửa số thuốc vào dạ dày còn
nửa còn lại thì tan ngay trên đường thực quản.
Như vậy không những công năng của thuốc không được phát huy
đầy đủ mà còn làm thực quản bị kích thích. Ngoài ra khi nằm uống thuốc còn làm
thuốc có khi trôi vào thực quản gây sặc. Cho nên khi uống thuốc không nên nằm.
152 - Không nên dùng
tay xoa, ấn lên chỗ vừa tiêm
Xoa liên tục lên chỗ vừa tiêm xong là việc làm không khoa
học.
Xoa mạnh lên chỗ mới tiêm có thể làm cho vị tì huyết quản
dưới da bị chảy máu, hình thành phù máu, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ phận
đó. Ngoài ra, qua nghiên cứu, người đã phát hiện ra rằng, trên tay người chưa
rửa có đến 40 vạn con vi trùng. Nếu dùng tay xoa lên chỗ mới tiêm sẽ làm cho vi
trùng theo lỗ kim tiêm chứa kín xâm nhập vào cơ thể hoặc vào mạch máu làm nhiễm
trùng. Nếu nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến bệnh bai huyết.
Song, sau khi tiêm cũng có thể dùng tay ấn nhẹ lên chỗ
vừa mới tiêm để ngăn cho máu không chảy. Phương pháp đúng đắn là sau khi rút
kim tiêm ra khỏi da hoặc tĩnh mạch, dùng bông thấm cồn hay bông đã khử trùng
khẽ ấn vào chỗ tiêm để máu không chảy ra nữa. Khi máu ngưng thì vứt cục bông đó
đi.
153 - Không nên bố
trí phòng ngủ đối diện cửa chính
Trong bố trí nhà ở, không nên bố trí phòng ngủ đối diện
với cửa chính trong nhà. Phòng ngủ là nơi tương đối kín đáo, yên tĩnh để nghỉ
ngơi. Nếu cửa chính đối diện với phòng ngủ khi có người ra vào, những tiếng
động bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ. Những người già vốn thính ngủ sẽ bị
tác động rất mạnh. Hơn nữa, bố trí phòng ngủ chính diện với cửa chính còn làm
giảm mỹ quan. Giường ngủ tốt nhất nên bố trí nơi kín đáo, người ngoài bước vào
không nhìn thấy là hay nhất.
Kê giường cũng có những điều cấm kỵ. Từ góc độ khoa học
có mấy điểm cần chú ý như sau:
- Đầu giường không nên ở dưới cửa sổ. Nếu đầu giường ở
dưới cửa sổ, người nằm ngủ sẽ có cảm giác không an toàn, cảm giác này sẽ tăng
lên khi có gió to, mưa lớn hay sấm chớp.
Ngoài ra cửa sổ là nơi thông gió, nếu không đề phòng dễ
bị cảm lạnh.
- Đầu giường không nên kê ở chỗ thông gió giữa cửa chính
và cửa sổ phòng ngủ. Đó là vì ở nơi thông gió thường có gió mạnh làm dễ bị cảm
gió, nhức đầu chóng mặt. Ngoài ra, ngồi ở phòng khách sẽ nhìn thấy giường trong
phòng ngủ gây mất mỹ quan.
- Không nên kê giường đối diện tủ gương trang điểm. Từ
ngày xưa, giường kê đối diện với gương đã là điều nghiêm cấm. Nguyên nhân là
nếu tỉnh dậy vào ban đêm, người ngủ sẽ thấy bóng tối mập mờ trong gương dễ gây
cảm giác sợ hãi. Nếu ngủ một mình trong phòng cũng không an toàn.
- Mặt giường không nên lồi lõm. Giường là chỗ nghỉ ngơi
nên nhất định phải vững vàng mới thoải mái. Giường lồi lõm hay lung lay đều
không nên dùng. Ngày nay nhiều người dùng đệm lò xo, nếu giường không tốt cũng
làm lò xo bị hư hỏng, tính cách nhiệt và hút ẩm kém, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Những đệm quá mềm, xương sống dễ bị cong nằm ngủ lâu sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn
máu, người mệt mỏi, dễ sinh bệnh. Cho nên khi chọn giường phải chọn cái chắc
chắn, đệm giường không quá cứng, không quá mềm.
- Không để những thứ linh tinh ở dưới gầm giường. Theo
cách nói của người xưa thì để nhiều thứ linh tinh dưới gầm giường là không tốt
lành. Điều này cũng có những căn cứ khoa học nhất định của nó. Vì gầm giường là
nơi ẩm thấp không thoáng khí. Để những thứ linh tinh vào đó rất dễ hút ẩm, làm
cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Nếu hàng ngày không năng quét dọn sẽ trở thành
góc chết. Trong phòng ngủ có nơi như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ.
154 - Không nên trồng
những loại hoa lá có hại cho sức khoẻ
Những cây không nên trồng ở trong phòng.
Cây Tùng bách, nếu để ở trong phòng một số lượng lớn sẽ
toả ra nhiều mùi dầu thông nồng đậm, ảnh hưởng đến khẩu vị của người ở trong
phòng, có thể gây buồn nôn.
Cây Thiên trúc tế sẽ gây một số phản ứng mẫn cảm đối với
nhiều người.
Cây hoa Úc kim sẽ toả ra một mùi hương có chứa chất kiềm
độc, tiếp xúc lâu ngày sẽ làm cho tóc bị rụng. Ban đêm cây hết tác dụng quang
hợp sẽ toả ra một lượng thán khí rất lớn làm cho những người mắc bệnh cao huyết
áp và đau tim cảm thấy u buồn.
Mùi của cây Tiếp cốt mộc toả ra cũng làm người ta cảm
thấy buồn nôn, chóng mặt. Do vậy không nên để những loại cây trên lâu trong
phòng.
Những loại hoa có chất độc.
Đỗ quyên vàng: Trong thân cây và hoa đều có chứa chất
độc. Nếu ăn nhầm sẽ bị trúng độc.
Nhất phẩm hồng: Cả cây đều có độc, nhựa màu trắng có thể
kích thích da sưng đỏ, nếu ăn nhầm phải nụ, lá của nó sẽ gây ngộ độc chết
người.
Hiệp trúc đào: Trong cành, lá, vỏ cây đều chứa chất
glucozit. Nếu ăn nhầm phải vài gam Hiệp trúc đào cũng đủ bị trúng độc.
Cây có độc thuộc loại thực vật nhiều nhựa: Sau khi ngắt
nụ, nó sẽ chảy ra một thứ nước trắng có thể làm cho da mọng đỏ, nếu để bắn vào
mắt có thể gây mù.
Mai ngũ sắc: Hoa, lá đều có chất độc, ăn phải những thứ
này sẽ bị đau bụng, đi ngoài, sốt.
Thủy tiên: Trong thân cây có chứa chất lacôtin, ăn nhầm
sẽ bị viêm ruột, nôn. Nước ở trong lá và hoa của thuỷ tiên có thể làm cho da bị
mọng đỏ.
Thạch toan: Thân cây có chứa kiềm thạch toan là chất độc.
Nếu chạm phải sẽ rất ngứa và sưng mọng lên. Chất kiềm thạch toan vào đường hô
hấp sẽ gây chảy máu cam, nếu ăn nhầm phải sẽ bị nôn mửa, đau bụng đi ngoài,
chân tay rét run đầu óc choáng váng. Nếu nghiêm trọng hơn sẽ làm trung khu tê
liệt dẫn đến tử vong.
Cơ hàm tu: Trong cơ thể có chất kiềm cơ hàm tu nếu tiếp
xúc nhiều sẽ gây rụng tóc, rụng lông mày.
Hồ kính mai, Bá vương liên: Chất nhựa trắng trong cây rất
độc, không được để rơi vào mắt.
Hoa lá vạn niên thanh: Trong hoa lá có chứa chất axít và
chất môn tung, ăn nhầm phải sẽ bị sưng đau mồm, họng, thực quản, dạ dày, ruột
thậm chí còn nguy hiểm đến thanh đới, làm cho bị câm.
Cây Tiên nhân chưởng: Có chứa chất độc, sau khi bị nó
châm vào người thì sẽ bị mọng đỏ, đau, ngứa.
155 - Không nên để
tủ lạnh trong phòng ngủ
Sau khi tủ lạnh khởi động, các nguyên kiện điện tử phát
ra sóng điện từ gây ảnh hưởng tới hệ thống thần kinh của con người, có thể ảnh
hưởng tới năng lực miễn dịch của cơ thể. Đồng thời bức xạ điện từ còn có thể
trực tiếp làm tổn thương đến các tế bào của cơ thể. Động cơ trong tủ lạnh khi
làm việc, tiếng ồn cũng làm ảnh hưởng nhất định đến giấc ngủ. Do vậy tủ lạnh
nên kê trong phòng khách, phòng bếp chứ không nên đặt trong phòng ngủ.
Đặt trong phòng ngủ khi cắm điện vào trong tủ lạnh sẽ
phát sinh ra ô nhiễm điện tử, gây nguy hại cho sức khoẻ con người. Sóng điện từ
do nguồn điện phát ra còn có thể làm tổn thương tới hệ thần kinh và cơ năng của
hệ thống nội tiết và cũng có thể làm tổn thương tới ADN bên trong các tế bào
của cơ thể làm cho các gen này đột biến dẫn đến ung thư. Cho nên không nên đặt
tủ lạnh trong phòng ngủ.
156 - Không để thuốc
vào trong tủ lạnh
Có một số người hay có thói quen để các loại thuốc uống
dở hay những loại thuốc quý chưa dùng đến vào trong tủ lạnh. Họ cho rằng như
vậy có thể làm thuốc được bảo quản lâu hơn không bị hỏng. Nhưng thực tế đã
chứng minh điều ngược lại.
Để thuốc bắc trong tủ lạnh dài ngày, các loại vi khuẩn có
thể xâm nhập vào thuốc, hơn nữa thuốc dễ bị ẩm, ảnh hưởng đến chất lượng của
thuốc. Do vậy không nên cất giữ thuốc trong tủ lạnh. Phương pháp tốt nhất là
đem những loại thuốc bắc quý như nhân sâm, nhung, thiện ma... dùng cát mịn sao
vàng lên, sau đó bỏ những loại thuốc này vào những lọ thủy tinh sạch vùi trong
gạo rang để nguội sau đó đậy kín lọ, đặt nơi bóng mát thoáng gió thì có thể cất
trữ được lâu dài không bị hỏng.
Tủ lạnh cũng không nên để quá nhiều đồ bởi những thực
phẩm cần có một khoảng trống nhất định để không khí lưu thông, để nhiệt độ đủ
lạnh không làm hư hại thực phẩm.
Nếu trong tủ lạnh để nhiều thực phẩm, đặc biệt các loại
thịt sẽ làm sinh ra hiện tượng ngoài lạnh trong nóng làm cho vi khuẩn trong
thực phẩm dễ sinh sôi nảy nở, làm thực phẩm bị ôi thiu, biến chất. Những thực
phẩm nóng quá thì phải đợi cho nguội hẳn mới đặt trong tủ lạnh.
Không nên biến tủ lạnh thành tủ vạn năng, cái gì cũng bảo
quản được. Các mùi vị chua, ngọt, cay mặn của các loại thực phẩm khác nhau do
chịu ảnh hưởng của nhiệt độ mà các vị này có sự thay đổi, có mùi tăng lên, có
mùi giảm đi. Ví dụ như đường rát ở nhiệt độ 23 - 24oC có vị ngọt cao nhất, nếu
nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn nhiệt độ này thì vị ngọt sẽ giảm hơn.
Các loại đường hoa quả như đường nho... thì nhiệt độ càng
thấp lại càng ngọt. Những thực phẩm có vị cay, vị ngọt, nhiệt độ càng cao thì
mùi vị càng kém. Nếu lại đem những thứ này đặt vào tủ lạnh sẽ lạnh hơn, cay hơn
một chút. Vị chua ảnh hưởng rất nhiều bởi nhiệt độ. Cho nên không phải tất cả
mọi thực phẩm đều có thể để trong tủ lạnh.
157 - Người già không
nên mặc quần áo len sát người
Quần áo len rất nhẹ, mềm xốp và giữ được độ ẩm. Nhưng nếu
mặc sát vào người thì lớp nhung rất mau bị dính bết vào nhau, bị cứng lại, tính
giữ ẩm cũng giảm đi nhiều.
Bởi vì lớp da người toả ra mồ hôi và mồ hôi dầu làm cho
sợi nhung dính vào nhau trở lên cứng hơn. Khi giặt nếu dùng sức vò mạnh, sợi nhung
càng dính bết vào nhau chặt hơn. Sau khi phơi khô sẽ thành những mảng cứng, mặc
vào không đẹp, tính giữ nhiệt giảm đi nhiều.
Vì thế không nên mặc áo len vào sát người, khi giặt không
nên vò, vắt mạnh. Khi phơi nên phơi mặt phải ra ngoài. Khi quần áo khô khẽ dùng
tay vò cho quần áo trở lại xốp nhẹ, mềm mại.
Quần áo nilon mặc sát người cũng có hại cho sức khoẻ. Bởi
lẽ những quần áo bằng sợi hoá học như nilon khi mặc vào người sẽ không ngừng cọ
xát, sản sinh ra tĩnh điện và phóng điện. Nếu mặc áo sát người, những tia nhỏ
của tĩnh điện sẽ không ngừng kích thích làn da. Ngoài ra sợi hoá học sát vào da
sẽ gây cho làn da quá mẫn cảm.
Nói chung áo lót nilon thường hơi chật, áo dính sát vào
da một thời gian sẽ gây nên ngứa ngáy nổi mề đay, xuất hiện viêm da có tính quá
mẫn cảm. Cho nên không được mặc áo nilon quá sát người.
158 - Không nên ăn
thức ăn quá béo
Thức ăn quá béo, theo như quan niệm của Đông y là những
món ăn ngon, vị đậm, béo ngậy, nhiều mỡ. Những loại thức ăn này mặc dù có giá
trị dinh dưỡng cao nhưng do chứa một hàm lượng mỡ tương đối cao nên dễ làm cho
người già mắc bệnh béo phì, tăng lượng mỡ trong máu ảnh hưởng đến tâm huyết
quản thậm chí nặng hơn còn làm chức năng của tim suy yếu.
Thường xuyên ăn nhiều thức ăn béo sẽ làm tì vị phải chịu
gánh nặng dẫn đến mất thăng bằng khiến tiêu hoá kém, không hấp thụ được các
thành phần chất dinh dưỡng trong thức ăn, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Điều tra những người sống lâu trên 100 tuổi ở Trung Quốc
người ta nhận thấy người béo chiếm tỷ lệ rất thấp. Những người này đều nói rằng
trong bữa ăn hàng ngày thức ăn chính của họ là đồ ăn chay, thức ăn mặn đa số là
thức ăn thực vật, ít thịt cá và mỡ động vật. Qua đó chúng ta có thể kết luận ăn
những thức ăn thanh đạm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo sức khoẻ
và kéo dài tuổi thọ.
Theo cách giải thích của những nhà Đông y thì khi về già
ai cũng đều bị suy giảm chức năng hay mắc một chứng bệnh mãn tính nào đó. Nếu
cơ thể đã suy nhược không làm được nhiều thì cũng không nên ăn quá nhiều, nhất
là những đồ ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao làm tăng gánh nặng cho cơ thể. Như
vậy không những không có tác dụng bồi bổ mà ngược lại sẽ phát sinh bệnh tật.
Những người béo phì bị viêm phế quản mãn tính, bệnh tim,
phổi, cao huyết áp càng phải kiêng ăn dầu mỡ vì cơ thể hấp thụ nhiều mỡ sẽ làm
cho đờm thấp nặng thêm, nặng sẽ làm kết đờm hoá nhiệt. Lượng mỡ trong máu cao
cũng gây nên sự biến đổi bệnh lý, bệnh tim.
Những người bị bệnh viêm túi mật mãn tính, sỏi mật, bệnh
gan ăn nhiều mỡ cũng làm cho bệnh tái phát nặng hơn, làm gan mật ứ tắc, đờm
nhiều, bệnh nặng hơn. Các bệnh như viêm tuyến tiền liệt, viêm ruột, trĩ... cũng
là bệnh thường thấy ở người già.
Do vậy những người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nên kiêng ăn
thức ăn nhiều mỡ.
159 - Người già nên
kiêng những thức ăn quá mặn.
Người già cần ăn uống thanh đạm nghĩa là không hẳn không
ăn thức ăn có vị mà ăn uống ngũ vị không được thái quá, không được ăn uống quá
mặn. Ăn nhiều muối sẽ làm mạch máu ngưng tắc không thông, sắc thái thay đổi,
làm cho xương hư tổn, cơ bắp co lại, tâm khí đè nén khó chịu.
Các nghiên cứu y học ngày nay cũng chứng minh được rằng
tỷ lệ người mắc bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, xơ gan, trúng phong, bệnh
thận có mối liên quan với ăn uống quá mặn.
Qua nghiên cứu người ta cũng nhận thấy muối là chất xúc
tác của bệnh huyết áp cao. Ăn quá nhiều muối sẽ làm tích tụ muối trong tế bào,
phá vỡ tế bào thần kinh và cơ nhẵn của mạch máu làm cho mạch máu bị hẹp lại,
huyết áp tăng cao. Những người có thói quen ăn mặn tỷ lệ ung thư đường ruột cao
hơn người ăn uống bình thường 12 lần.
Trong cuộc sống hàng ngày ăn nhiều muối sẽ gây khát nước,
dạ dày bị đốt nóng và đau. Nếu ăn quá nhiều sẽ có hiện tượng nôn mửa, tiêu
chảy, sưng lợi và chảy máu.
Như vậy ăn quá mặn rất có hại cho sức khoẻ đặc biệt là
cho người già. Vì thế nên ăn nhạt là một kinh nghiệm hết sức quý báu.
160 - Không ăn quá
cay
Những gia vị cay như hành, gừng, tỏi, ớt, hồ tiêu... đều
có tính nóng, có tác dụng phát tán. Dùng một lượng vừa phải có thể có tác dụng
thông dương hoà vị, thích hợp với những người già bị bệnh tiêu chảy hay đau dạ
dày thuộc chứng tì vị hư hàn. Tuy nhiên do tính chất cay nóng của các loại gia
vị nên ăn nhiều hay sinh đờm, động hoả, sinh phong, hại đến mắt. Người già
thường có những biểu hiện suy yếu chức năng phủ tạng, mất cân bằng âm dương.
Phần nhiều thường bị âm hư, huyết hư nên khi ăn chất cay nóng dễ làm tổn thương
âm, huyết. Đặc biệt những ai hay choáng đầu hoa mắt, nuốt khó, lưỡi khô, ra mồ
hôi trộm vào ban đêm càng phải kiêng ăn đồ cay nóng. Bởi vì những người âm hư
dương thịnh, nếu ăn cay càng làm cho dương thịnh, âm hư, xuất hiện các chứng
bệnh như co giật cơ mạch, khô nóng tay. Ăn nhiều thức ăn cay còn làm cho tinh
thần uể oải. Do vậy người già ăn những thứ quá cay sẽ làm mất cân bằng âm dương
sinh ra bệnh tật.
Ngoài ra những người bị bệnh xuất huyết, ho suyễn đờm các
loại u nhọt... đều phải kiêng ăn cay để không làm bệnh nặng thêm.
161 - Không ăn quả
ngọt
Những thức ăn chứa nhiều đường có tác dụng bồi bổ cơ thể,
điều hoà chức năng tỳ vị và giảm đau, bảo vệ gan... Nhưng cũng chính vì hàm lượng
đường cao nên lượng nhiệt nó sinh ra cũng cao, ăn nhiều sẽ không tốt đối với
sức khoẻ, nhất là người già.
Bởi vì chức năng cơ thể của người già ngày càng suy yếu,
khả năng hấp thụ, tiêu hoá thức ăn của tì vị cũng yếu, tác dụng khí hoá giảm
dần nên ăn những thứ giàu đường, đậm ngậy khó tiêu hoá, hấp thu. Từ đó làm tì
vị ngày càng hư hại thêm, dẫn đến tiêu hoá kém, chán ăn, đầy bụng, ợ hơi...
Ăn nhiều đồ ngọt sẽ làm tăng nhiệt lượng trong cơ thể,
nếu ăn thường xuyên còn hoá nhiệt sinh hoá hao tổn nước bọt và nhiệt thịnh, dễ
gây nên bệnh biến ung thư nhọt độc.
Thường xuyên ăn đồ ngọt còn làm lượng đường trong cơ thể
tăng ảnh hưởng đến sự tiêu hoá hấp thụ các thức ăn khác của tì vị do vậy sẽ làm
thiếu một số chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Đường tồn tích lại trong cơ thể nhiều sẽ sinh đờm, làm
tăng trọng lượng cơ thể gây bệnh béo phì. Bệnh béo phì tăng gánh nặng cho cơ
thể, lượng tiêu hao ôxy tăng 30 - 40% so với bình thường, như vậy sẽ ảnh hưởng
đến chức năng của tim, phổi thậm chí còn gây nên bệnh suy kiệt chức năng tim,
phổi.
Như vậy mặc dù ăn đồ ngọt cũng có một số tác dụng nhất
định nhưng ăn nhiều cũng không tốt. Tuy vậy ăn ít và ăn nhiều bữa thì ăn một
chút bánh ngọt cũng có thể được.
162 - Những ai cần
kiêng ăn gạo nếp
Gạo nếp là lương thực có tính ôn bổ, cường tráng, ngọt và
ấm, có tác dụng bổ trung ích khí, chứa những bệnh do khí tì vị hư gây lên như
cơ thể suy nhược, tiêu chảy mãn tính, ra mồ hôi... Nhưng những người già bị
bệnh ho, viêm phế quản mãn tính, sốt, đờm vàng dính... thì không nên ăn thức ăn
làm bằng gạo nếp. Thay vào đó nên ăn những đồ ăn như mã thầy, cà rốt, trà,
hoàng linh, hạnh nhân để thanh nhiệt, giải đờm.
Những người bệnh thấp nhiệt tương đối nặng, bị viêm gan
truyền nhiễm cấp tính, viêm nhiễm đường tiết niệu, sốt vào buổi chiều cũng
không nên ăn của nếp. Vì tà thấp nhiệt rất khó chữa, bệnh kéo dài dễ xâm nhập
vào tì, xuất hiện những bệnh không muốn ăn, tiêu hoá kém, buồn nôn, đầy bụng,
đại tiện lỏng nên nếu ăn gạo nếp có tính nóng, độ dính cao sẽ trợ nhiệt, làm
trệ thấp, không có lợi trong chữa trị bệnh tật.
Gạo nếp chứa nhiều tinh hồ, độ dính cao, khó tiêu hoá nên
những người tiêu hoá kém, bụng hay đầy... cũng không nên ăn. Các món bánh, đồ
ăn chế biến từ gạo nếp cũng khó tiêu hoá nên cần tránh.
163 - Không nên ăn
lạc rang
Lạc rang do đã rang qua dầu mỡ thì giá trị dinh dưỡng và
nhiệt năng nó cung cấp chỉ bằng 1/3 khi chưa rang, hơn nữa dầu khi đi qua nhiệt
độ cao thường rất khó tiêu hoá, hấp thụ. Cộng thêm vào đó người già thường suy
nhược tì vị, ăn lạc rang càng ảnh hưởng đến chức năng của chúng. Những người bị
bệnh hư hàn, tiêu chảy càng cần kiêng ăn lạc rang, nếu không càng ảnh hưởng đến
chức năng tì vị làm bệnh thêm nặng.
164 - Không nên ăn
lòng lợn
Lòng lợn có giá trị dinh dưỡng cao nhưng lại chứa nhiều
cholesteron. Ăn nhiều lòng lợn sẽ làm lượng cholesteron trong máu tăng cao và
lắng đọng lại trên thành vách động mạch, gây xơ cứng động mạch, bệnh cao huyết
áp, tim. Những bệnh này là những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong ở người già.
Do vậy phải có biện pháp kiểm soát lượng mỡ động vật và lượng thức ăn nhiều
cholesteron.
Tuy vậy cholesteron là chất không thể thiếu trong quá
trình trao đổi chất trong cơ thể. Chất này quá ít hay quá nhiều đều không có
lợi cho cơ thể. Cholesteron trong cơ thể phần lớn là do cơ thể tự sinh ra. Nếu
chất này vào trong cơ thể nhiều thì lượng tự tạo trong cơ thể ít đi và ngược
lại. Nhưng do chức năng tự điều chỉnh này ở người già ít nên gây ra hiện tượng
rối loạn. Vì vậy ăn ít hoặc không ăn các thức ăn chứa lượng cholesteron cao như
lòng lợn là tốt nhất. Hơn nữa, chức năng hấp thụ và tiêu hoá ở người già suy
yếu nên ăn lòng lợn hay bị đau bụng, nôn mửa, viêm ruột và dạ dày, nặng hơn có
thể bị bệnh viêm túi mật, sỏi mật...
165 - Bữa sáng không
nên ăn cơm nguội
Bữa sáng không nên ăn cơm nguội vì khi mới ngủ dậy, công
năng ruột và dạ dày chưa được khôi phục còn chưa muốn ăn, nếu lúc ấy lại ăn cơm
nguội không những không ăn được nhiều mà còn khó tiêu hoá. Hơn nữa sau một đêm
ngủ, cơ thể tiêu hao rất nhiều nước nên ở trạng thái tương đối thiếu nước. Vì
vậy, ăn cơm nguội sẽ không tốt cho cơ thể.
166 - Không nên pha
nước sôi vào trứng gà
Nước sôi pha trứng gà không những có giá trị dinh dưỡng
cao mà còn rất tiện lợi cho nên nhiều người có thói quen ngâm trứng gà vào nước
sôi để uống. Nhưng thực tế cách làm này không có lợi.
Khi trứng gà đem ngâm vào nước sôi thường nửa sống nửa
chín. Những chất protein như vậy rất khó hấp thu. Trong trứng gà sống có chất
"lòng trắng trứng kháng sinh vật" và chất "men lòng trắng trứng
kháng tuỷ". Chất trên có thể gây ảnh hưởng đến việc hấp thu và lợi dụng
các sinh vật tố của cơ thể còn chất dưới có thể phá hoại công năng tiêu hoá của
tuyến tuỷ.
Ngoài ra trong trứng gà sống còn chứa các loại vi khuẩn
ăn vào dễ mắc bệnh. Nên luộc trứng chín để ăn là biện pháp tốt nhất.
167 - Không nên uống
nước ngay khi vừa lao động xong
Sau khi lao động xong, mồ hôi ra nhiều, sẽ cảm thấy khát
nước. Uống nước ngay lúc ấy sẽ đỡ khát nhưng có hại cho thân thể.
Bởi vì khi lao động mệt mỏi, những mạch máu trên đường
ruột dạ dày ở trạng thái co lại, đại bộ phận mạch máu tập trung vào các cơ bắp
mà khi lao động rất căng thẳng. Nếu lúc này uống nước nhiều, năng lực hấp thu
của đường ruột dạ dày kém, nước dễ tích tụ lại ở trong đường ruột dạ dày làm
cho người có cảm giác buồn bã khó chịu, dẫn đến tiêu hoá kém. Đồng thời vừa lao
động xong, buồng tim cần được nghỉ ngơi, nếu uống nhiều nước sẽ khiến tim phải
làm việc nhiều hơn. Cho nên không nên uống nhiều nước ngay sau khi lao động.
168 - Không uống
nước chè để lâu
Trong nước chè tươi có hơn 100 chất hoá hợp. Tất cả những
chất hoá hợp này đều không có hại cho cơ thể. Nói chung sau khi pha chè 4 - 6
phút bắt đầu uống trà là thích hợp. Để lâu sẽ làm giảm mất những chất hoá hợp
có ích trong chè.
Bởi vì trong nước chè pha rồi để mấy tiếng đồng hồ, nhất
là để trong phích nóng hay để trên bếp lửa sẽ sinh ra những biến hoá về hoá
học. Mùi thơm của nước chè sẽ mất đi hương vị vốn có của nó và nước sẽ biến
thành màu nâu. Nước chè lạnh sẽ bị vẩn đục, cuối cùng không còn là nước chè
nữa. Lúc đó vitamin C và vitamin B trong chè bị phá huỷ. Vì vậy không nên uống
nước chè để lâu.
169. Không nên chỉ
điều trị ho bằng thuốc chống ho
Nhiều người thường có thói quen dùng thuốc chống ho khi
thấy ho và cho rằng thuốc càng mạnh thì càng tốt vì cơn ho sẽ hết ngay. Thực
ra, không đơn giản như vậy. Ho co rất nhiều loại, mỗi loại do những nguyên nhân
khác nhau gây ra như ho lao, ho suyễn, ho gà, ho do viêm nhiễm khuẩn đường hô
hấp, viêm phế quản cấp tính, sưng màng phổi, ho do virut hô hấp, do dai dẳng có
nguồn gốc từ mũi, hầu ho dị ứng...
Bản thân mỗi loại ho lại mang những tính chất không giống
nhau như ho kèm theo sốt, ho từng cơn thở rít, ho khan kèm đau ngực, ho khẽ kèm
khó thở, ho có đờm, ho ra máu... Như vậy, ho là một phản xạ bảo vệ phế quản. Do
đó, sẽ là không hợp lý nếu chỉ sử dụng thuốc ho một cách riêng rẽ. Điều quan
trọng là phải tìm ra nguyên nhân gây ra ho trước khi bắt đầu trị liệu ho để có
thể trị được tận gốc.
170 - Người cao tuổi
không nên dùng thuốc để trị chứng kém ngủ
Người lớn tuổi thường hay bị mất ngủ. Để chữa chứng bệnh
này, nhiều người thường nhờ đến công dụng của thuốc. Điều này thực tế lợi ít,
hại nhiều vì có nhiều loại thuốc lại trở thành nguyên nhân gây rối loạn giấc
ngủ. Vì vậy hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Thay vào đó, người già có thể áp dụng một số biện pháp sau để có thể ngủ nhiều
và ngon giấc hơn:
- Nên đi ngủ và thức giấc vào một thời điểm nhất định
trong ngày.
- Trước khi đi ngủ không uống cà phê hoặc nước chè.
- Không vận động tập thể dục ít nhất 5 giờ trước khi ngủ
vì làm cho kích thích khó ngủ.
- Không ngủ nơi có tiếng động, ánh sáng, nhiệt độ quá cao
hoặc quá thấp.
- Không để bụng no quá hoặc đói qua khi đi ngủ.
- Nếu khó ngủ vào ban đêm thì nên hạn chế ngủ trưa. Nếu
cần thiết chỉ cần nằm nghỉ mà không ngủ để đêm ngủ ngon hơn.
171 - Không để rượu
nhẹ lâu
Những loại rượu như rượu trắng, rượu vàng thì càng để lâu
càng thơm nhưng rượu nhẹ như bia, rượu nho... thì không phải như vậy. Bởi vì
trong quá trình cất giữ rượu trắng có thể làm cho tạp cồn ở trong rượu dần dần
hoá thành ôxy sinh ra este rất thơm và làm chất axêtan đêhit ở trong rượu bốc
lên. Đồng thời những phần tử rượu và phần tử nước sinh ra tác dụng tụ họp làm
cho cồn rượu rất thơm, chất đắng của rượu giảm thiểu hoặc mất đi. Cho nên càng
để lâu càng thơm. Song thời gian cất giữ cũng có một hạn độ nhất định. Trong
các loại rượu nhẹ như bia, rượu nho, do hàm lượng chất đạm và chất đường nhiều
dễ thành môi trường lý tưởng cho các loại vi sinh vật, làm cho rượu biến chất,
chua. Cho nên rượu nhẹ không nên cất giữ lâu.
172 - Những người
không nên dùng sữa ong chúa
Sữa ong chúa là loại dinh dưỡng cao cấp nhưng không phải
tốt với tất cả mọi người. Những người sau đây không nên dùng sữa ong chúa.
Người bị huyết áp thấp: Trong sữa ong chúa có những chất
làm cản trở hoạt động của buồng tim làm nở động mạch huyết quản, làm hạ huyết
áp. Vì vậy người huyết áp thấp không nên dùng sữa ong chúa.
Người đường huyết thấp: Sữa ong chúa có chứa chất
insulin, có thể tăng cường tác dụng của chất insulin trong cơ thể, càng làm tăng
phản ứng đường huyết thấp.
Những người quá mẫn cảm. Trong sữa ong chúa có chất
anbumin lạ lấy từ phấn hoa mà ra và chất độc của nọc ong, đối với người quá mẫn
cảm hoặc người có phản ứng với phấn hoa thì sẽ sinh phản ứng mẫn cảm.
Đau bụng đi ngoài: Trong sữa ong chúa có chất độc của nọc
ong, gây rối loạn công năng của đường ruột, cho nên người đau bụng đi ngoài
không nên dùng sữa ong chúa.
Người bị bệnh truyền nhiễm đang sốt. Theo đông y thì bệnh
truyền nhiễm là do ngoại tà dẫn đến, thời kỳ đang sốt phải lấy việc giải nhiệt
là chính, không nên dùng sữa ong chúa để tăng thêm chất bổ, đề phòng bệnh tình
sẽ kéo dài.
173 - Đau mắt không
được ăn tỏi
Ăn tỏi liên tục, nhất là với những người bị đau mắt rất
có hại. Người ta thường nói: Củ tỏi có trăm cái lợi duy chỉ có hại cho mắt. Có
người bình thường cũng rất thích ăn tỏi, nhưng đến khi 50 - 60 tuổi mới cảm
thấy thị lực giảm sút, tai ù... Đây chính là những hậu quả của ăn nhiều tỏi. Y
học đã khuyên những người mắc bệnh về mắt khi đang điều trị phải kiêng 5 thứ là
kiêng ăn những chất kích thích như tỏi, hành tây, hành ta, gừng sống và ớt nếu
không thì hiệu quả chữa trị không đáng kể.
174 - Người bị sỏi
thận cần chú ý
- Không được hút thuốc lá, uống rượu, uống nước chè đặc,
cà phê đề phòng kích thích thành dạ dày và làm cho chất vị toan tiết ra quá
nhiều dẫn đến hiện tượng co túi mật, việc tiết ra mật bị trở ngại làm cho gan
bị quặn đau.
- Không được ăn những chất thảo toan và kali. Bệnh nhân
phải ăn những loại rau có ít chất thảo toan như rau chân vịt, hồ đào, lạc,
sôcôla... Ăn nhiều thức ăn giàu chất kali thì về mặt tác dụng hoá học dễ hình
thành sỏi mật.
- Không ăn dấm và thứ có axít. Ăn nhiều quả chua như
chanh, mơ, táo, mận là những thứ dễ kích thích tá tràng phân tiết nhiều, túi
mật bị co lại có thể làm đau gan.
- Không được ăn thức ăn có nhiều mỡ.
- Không được ăn, uống quá nhiều.
- Kiêng chất cholesteron.
- Không ăn gan, óc, bầu dục, xương động vật và các loại
bột, trứng gà.
175 - Những người bị
bệnh thận không nên ăn thức ăn có chất anbumin
Thận là cơ quan bài tiết quan trọng nhất, chức năng chủ
yếu của nó là hình thành, bài tiết nước tiểu và bài tiết cả những chất độc
trong cơ thể, những chất phế thải sau khi thức ăn đã chuyển hoá tạo thành.
Khi cơ quan thận bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến hiện tượng
có một số lớn chất anbumin nhập vào nước tiểu rồi bài tiết ra ngoài hoặc vì
công năng bài tiết bị trở ngại mà dẫn đến chất phế thải sau khi chất anbumin đã
chuyển hoá tồn đọng lại trong cơ thể.Cả hai tình huống này đều có thể gây nên
những hậu quả nghiêm trọng. Cho nên người bị bệnh viêm thận phải hạn chế ăn
những thức ăn có nhiều chất anbumin, nếu không sẽ không có lợi cho việc phục
hồi công năng của thận.
176 - Không nên ăn
nhiều mía
Ăn mía không những có thể sạch răng mà còn có tác dụng
giải nhiệt, giải khát. Mía có rất nhiều đường nên cũng có tác dụng chống đói
nhưng ăn nhiều quá cũng có hại cho cơ thể.
Hàm lượng đường trong mía rất cao, lên đến 12 - 17% vì
vậy ăn nhiều mía là đã đưa một lượng đường rất lớn vào cơ thể. Vì ngay một lúc
khó tiêu hoá, hấp thụ và chuyển hoá nên một lượng đường khá lớn tồn lại trong
đường ruột, dạ dày khiến cho một phần thẩm thấu áp bị nâng cao, kết quả là
thành phần dịch thể trong máu và dịch thể giữa các tế bào cơ thể thâm nhập vào
đường ruột, dạ dày, gây nên tình trạng mất nước có tính cao thẩm, do đó gây
nhức đầu, buồn nôn, chân tay tê bì, thần trí bất ổn... Bệnh này còn gọi là hôn
mê có tính cao thẩm. Ăn mía nhiều có hại như vậy nhưng ăn mía đã biến chất, đã
bị ủng có thể dẫn đến trúng độc, thậm chí dẫn đến tử vong.
Mía chưa già hay mía thu hoạch không được cất giữ đảm bảo
sẽ làm mía ủng, biến chất. Mía ủng bên ngoài không còn bóng bẩy, ở gốc mía và ở
chỗ chặt có màu tím trắng hoặc có những sợi lông tơ. Khi chẻ ra, trên mặt có
màu vàng hoặc màu nâu, nước mía có mùi rượu hoặc mùi chua.
Ăn mía ủng nhẹ thì bị nôn mửa, đau bụng, đau đầu, chóng
mặt, hoa mắt. Nặng thì bị co giật, hôn mê thậm chí tử vong. Vì vậy không nên ăn
mía ủng.
177 - Không nên ăn
nhiều hồng
Ăn quá nhiều hồng, nhất là lúc đang đói, hồng còn xanh
không tốt. Ăn hồng còn xanh có thể sinh ra bệnh sỏi dạ dày. Bệnh sỏi dạ dày là
do hồng còn xanh nhựa ngưng đọng thành cục trong dạ dày. Những cục này ngày
càng lớn lên, rắn lại, không thể tống ra bên ngoài. Nếu mắc phải bệnh này
thường có những cơn đau bụng dữ dội, hồi hộp, nôn mửa, chán ăn... Nếu nặng thì
có thể nôn ra máu có thể phát triển thành bệnh sa dạ dày. Thành phần chủ yếu
của sỏi hồng dạ dày là chất phênôn trong quả gặp phải muối vị toan rồi ngưng
kết lại và lắng xuống. Ngoài ra hồng chưa chín có khá nhiều chất astringen, kết
hợp với các chất kiềm toan loãng ở trong dạ dày thành cục nhỏ, dần tụ lại thành
cục lớn. Trong hồng còn có 14% chất keo và 7% chất nhựa quả dưới tác dụng của
vị toan chất này sẽ rắn lại. Cho nên không nên ăn quá nhiều hồng.
Hồng cũng không nên ăn lúc đói bởi vì trong hồng có tương
đối nhiều chất phênôn, axít amin và chất keo. Các chất này khi gặp vị toan
trong dạ dày cũng tạo thành chất lắng lại, không tan. Khi đói, nồng độ vị toan
cao, vật dễ lắng đọng thành cục lớn khó tiêu hoá do vậy sinh ra chứng đầy bụng,
nặng hơn tạo thành những viên sỏi.
178 - Mùa đông không
nên uống bia để lạnh
Mùa hè uống bia để giải khát, giải nhiệt, ngăn ngừa mồ
hôi. Nhưng mùa đông uống bia lạnh không thích hợp. Bởi vì mùa đông dùng bia
cũng là thứ đồ uống tốt nhưng bia lạnh sẽ mất hết mùi vị, uống xong người sẽ
lạnh, đồng thời có vị chát đắng. Cho nên uống bia vào mùa đông có nhiệt độ 15oC
là vừa, như vậy khẩu vị của bia mới chính xác. Song không thể đặt bia trực tiếp
lên lửa, mà khi uống nên ngâm chai bia vào chậu nước nóng khoảng 30oC để cho
bia nóng lên là vừa.
Để cho bia lạnh, vào mùa hè cũng không nên để bia vào
ngăn đá tủ lạnh. Bia là thứ đồ uống có đường, có đạm nếu để vào nơi nhiệt độ
quá thấp chất đạm sẽ bị phân giải, nổi lên, làm bia bị biến chất, vẩn đục hoặc kéo
thành sợi. Cho nên không nên đặt bia vào ngăn đá tủ lạnh. Nhiệt độ tốt nhất để
giữ bia là trên dưới 8oC, thấp nhất cũng không nên dưới 1,5oC.
179 - Những ai không
nên uống bia?
Người bị bệnh sỏi thận: Bia là thứ đồ uống có chứa nhiều
chất dinh dưỡng, có tác dụng lợi tiểu vì vậy những người bệnh thận uống bia thì
có hại.
Trong mạch nha của men làm bia không những có chất canxi
và thảo toan mà còn có cả chất ô hạch toan là chất gây nên sỏi thận. Vì vậy
những người bị sỏi thận không nên uống bia.
Người bị viêm dạ dày mãn tính không nên uống bia.
Hàm lượng cồn ở bia tuy ít hơn rượu trắng nhưng người bị
bệnh đau dạ dày mãn tính không nên uống bia.
Bởi vì viêm dạ dày mãn tính là do chất axít ăn mòn niêm
mạc dạ dày gây ra. Trong bia có một số thành phần đặc biệt có thể giảm bớt hoặc
gây trở ngại cho niêm mạc dạ dày hợp thành chất vitamin E của tuyến tiền liệt,
từ đó khiến cho chất vi toan làm tổn hại đến niêm mạc dạ dày mãn tính, cũng có
thể làm cho người đang bị bệnh trầm trọng hơn. Vì thế người viêm dạ dày mãn
tính không nên uống bia.
180 - Những kiêng kỵ
trong cuộc sống hàng ngày
Không ăn sáng: Không ăn uống gì buổi sáng rất dễ cảm thấy mệt mỏi, ruột cồn cào, nhức đầu. Nếu
kéo dài sẽ sinh ra sỏi mật.
Chạy bộ lúc đói: Khi bụng đang đói mà chạy bộ thì tim và gan
sẽ phải làm việc nhiều, xuất hiện tình trạng không bình thường, nguy hại đến cơ
thể. Những người già trên 50 tuổi, do năng lực chất axít béo di chuyển trong cơ
thể bị hạ thấp nên càng nguy hiểm hơn.
Ngủ gật: Làm tăng áp lực lên ngực, tim, gan và mật, làm
cho cột sống bị vẹo. Sau khi tỉnh dậy sẽ xuất hiện hiện tượng mặt bị phù và mắt
bị vằn đỏ.
Ăn thực phẩm bị ám khói: Có thể dẫn đến ung thư dạ dày,
bệnh máu trắng.
Ăn đũa sơn: Sơn chứa nhiều chất hoá học có hại cho cơ
thể, đặc biệt là thành phần diêm tiêu sau khi ngấm vào rồi thì sẽ cùng với chất
nitơ hợp thành một á diêm tiêu rất mạnh có thể gây ung thư.
Vải nhựa phủ bàn ăn: Trong vải nhựa chứa rất nhiều độc
tố, dụng cụ ăn thường xuyên tiếp xúc với các loại độc tố này sẽ làm cho người
bị nhiễm độc từ từ.
Uống nước trà sau bữa ăn: Ăn xong uống nước trà ngay
không những làm loãng dịch vị mà số lượng lớn axít amin trong trà sẽ kết hợp
với chất anbumin trong thức ăn đọng lại không có lợi cho việc hấp thụ tiêu hoá
chất anbumin.
Hút thuốc lá ngay khi vừa ăn xong: Thói quen này rất nguy
hại. Khi ăn xong thì tuần hoàn máu trong đường máu và dạ dày tăng nhanh, tăng
cường nhu động, các mạch máu ở mô mao ruột dài ra. Trong thuốc lá có những chất
độc tố dễ thâm nhập vào cơ thể, cho nên độc hại càng tăng.
Ăn xong đi bách bộ: Ăn xong thì máu chảy vào dạ dày để
giúp cho việc tiêu hoá, vì thế việc cung cấp máu cho các bộ phận khác ít đi.
Nếu ăn xong đi bộ ngay sẽ tăng thêm gánh nặng cho cơ thể, giảm bớt máu cung cấp
cho ruột già và dạ dày. Do đó những người già có bệnh tâm huyết quản và dạ dày
yếu ăn cơm xong nên nghỉ ngơi.
181 - Không nên dùng
một loại hương trừ muỗi trong một thời gian dài
Dùng một loại hương trừ muỗi trong một thời gian dài hiệu
quả trừ muỗi không cao. Bởi vì cùng một loại hương trừ muỗi thì các phối liệu
sẽ như nhau, mùi thơm cũng giống nhau, sử dụng một thời gian dài, muỗi sẽ quen
dần với mùi thuốc và có sức đề kháng thuốc mạnh hơn, do đó giảm thấp hoặc mất
hiệu quả chống muỗi trong một thời gian dài, mà nên thường xuyên thay đổi nhãn
hiệu hương trừ muỗi như vậy mới nâng cao hiệu quả.
Cũng không nên dùng thuốc trừ sâu để đuổi muỗi. Cách đuổi
muỗi như vậy rất có hại cho sức khoẻ. Phun thuốc trừ sâu trong nhà, thuốc sẽ
qua đường hô hấp và qua da xâm nhập vào trong cơ thể. Thành phần chủ yếu của
thuốc trừ sâu là chất kiềm axêtyl có thể tích tụ trong tổ chức thần kinh gây ra
trúng độc.
Người bị trúng độc thường có hiện tượng chóng mặt, nhức
đầu, ra nhiều mồ hôi, thân thể mềm nhũn, kiệt sức, đầy bụng, ăn không thấy ngon
và buồn nôn... Nếu da bị tiếp xúc với thuốc trừ sâu sẽ bị đau, ngứa. Kiểu trúng
độc mãn tính này nếu nhẹ thì dễ bị người ta bỏ qua nhưng nếu kéo dài thì hậu
quả sẽ nghiêm trọng. Vì vậy chỉ nên dùng những loại hương trừ muỗi không độc
cho người.
182 - Lưu ý khi
trồng hoa trong phòng
Trồng hoa có nhiều sinh khí trong phòng là có lợi. Tuy
nhiên phải chú ý những điểm sau.
- Không đặt bình hoa trên nóc ti vi.
- Không được đặt những cây hoa có thể tích lớn ở trong
phòng. Diện tích cây hoa cỏ không được chiếm quá 1/10 diện tích căn phòng.
- Không nên trồng quá nhiều loại hoa, số lượng quá nhiều,
số loại quá phức tạp, màu sắc không nên quá nhiều. Nên bố trí, chọn lựa sao cho
ít mà tinh.
- Màu sắc hoa cỏ và mầu sắc bối cảnh về mặt sắc điệu
không nên quá gần nhau.
- Những loài cây có gai, có chất độc thì không được đặt ở
nơi trẻ em có thể với tới được.
- Không nên đặt những chậu hoa có màu xanh thẫm lên trên
những dụng cụ có màu trà thẫm bởi sẽ gây cảm giác u tối, không có sinh khí.
- Không nên đặt những chậu hoa cao tròn lên trên những
chiếc bàn dài vì sẽ gây cho người ta cảm giác không thoải mái.
- Những hoa cỏ có thân hình cao không nên đặt trên những
chiếc ghế hoặc bàn cao, nếu không sẽ gây cho mọi người cảm giác không ổn định.
- Không nên đặt những chậu hoa xa nhau quá sẽ không gây
cảm giác về bối cảnh, làm căn phòng trở lên rời rạc.
Trong phòng ngủ không nên đặt những chậu hoa có mùi thơm
quá. Trên bệ cửa sổ không đặt những chậu hoa có thân cao, nếu không sẽ ảnh
hưởng đến sự thông gió và ánh sáng trong phòng.
183 - Khi tắm không
nên kỳ cọ mạnh
Nhiều người có thói quen kỳ cọ mạnh khi tắm vì cho rằng
như vậy mới sạch nhưng làm như vậy không có lợi cho da.
Bên ngoài cơ thể con người có một tầng tế bào thượng bì
phủ lên toàn thân, mà ta hay gọi là lớp da chết. Lớp da này chỉ dày khoảng
0,1mm nhưng lại rất quan trọng. Nó có chứa chất axít nhẹ có thể ngăn trở rất
hiệu quả sự xâm nhập của vi trùng và những tia tử ngoại vào bên trong cơ thể.
Tốc độ thay đổi của lớp da này rất chậm, chỗ nào nhanh nhất cũng phải trên 100
ngày. Khi tắm nếu kỳ cọ quá mạnh sẽ làm tổn hại chất lượng lớp da này, vi trùng
bệnh và những tia tử ngoại có hại cơ thể xâm nhập vào cơ thể, làm cho da bị
nhiễm độc, gây bệnh viêm mao nang, thậm chí có thể phát triển thành ghẻ lở,
thành bệnh bại huyết. Vì vậy khi tắm không nên kỳ cọ quá mạnh, đặc biệt là
những chỗ da non chỉ nên kỳ cọ nhẹ nhàng.
184 - Người già không
nên dùng xăng dầu để rửa tay
Khi tay bị dính dầu mỡ hoặc những chất bẩn khác, dùng
xăng dầu để rửa tuy có khử được những vết bẩn khỏi tay nhưng rất có hại cho da
tay.
Xăng dầu là loại chất lỏng không màu, dễ cháy, hơi có mùi
hôi, có thể làm tan dầu mỡ, có tác dụng tẩy mỡ. Bề ngoài lớp da người có một
lớp da để làm cho da mềm và bảo vệ làn da. Rửa tay bằng dầu xăng sẽ làm cho lớp
mỡ này bị mất đi, da trở lên thô ráp, khô cứng, nứt nẻ thậm chí còn bị viêm da,
mẩn ngứa. Dầu xăng có chứa những chất có thể gây tổn hại cho hệ thống máu và hệ
thống thần kinh trung khu của cơ thể. Cho nên khi tay dính dầu mỡ không nên
dùng dầu xăng để rửa tay mà nên dùng giấy cũ để lau khô sau đó dùng xà phòng
rửa cho sạch.
185 - Không nên ngồi
bàn ăn quá thấp
Nhiều gia đình khi ăn cơm thường có thói quen dùng bàn ăn
nhỏ hay ngồi xổm ăn cơm. Những thói quen này đều không có khoa học và có hại
cho sức khoẻ.
Khi dùng bàn ăn nhỏ để ăn cơm, bàn ăn thấp khi ngồi ăn
không thể ngồi thẳng người lên được, kết quả là do ngực cúi xuống nên bụng bị
ép, ảnh hưởng đến việc tuần hoàn máu trên đường tiêu hoá, ảnh hưởng đến sự phân
tiết dịch tiêu hoá, đến nhu động ruột và dạ dày. Nếu để kéo dài sẽ bị đau dạ
dày. Vì vậy không nên để bàn ăn quá thấp.
186 - Không nên hút
thuốc lá khi vừa ăn cơm xong
Hút thuốc lá sau bữa ăn thường mang lại một cảm giác dễ
chịu đặc biệt. Nhưng, ăn cơm xong hút thuốc lá rất có hại.
Nguyên nhân là khi ăn cơm xong hoạt động của ruột và dạ
dày được tăng cường, tuần hoàn máu tăng nhanh, khi đó hút một điếu thuốc thì
lượng trúng độc lớn gấp 10 lần hút vào những lúc khác.
Hút thuốc lá sau lúc ăn cơm, sẽ thúc đẩy việc phân tiết
của mật tăng lên nhiều đồng thời hạn chế việc phân tiết của proteinese và
cacbonic axít của tuỷ, do đó ảnh hưởng đến việc tiêu hoá và hấp thụ thức ăn. Ăn
cơm xong hút thuốc lá sẽ làm huyết quản niêm mạc dạ dày co hẹp lại, dẫn đến làm
mất cân bằng giữa độ toan và kiềm, khiến cho dạ dày hoạt động không bình
thường. Vì vậy sau khi ăn cơm xong không nên hút thuốc lá.
187 - Không nên nuốt
thuốc viên khan
Rất nhiều người khi uống thuốc viên không dùng nước lọc
để uống mà trực tiếp nuốt những viên thuốc đó. Cách uống thuốc như vậy rất có
hại.
Bởi vì những viên thuốc trên đường xuống dạ dày rất khó
tan ra, nên hiệu quả hấp thụ chậm, tác dụng của thuốc cũng chậm. Những viên
thuốc sau khi tan ra trong cơ thể, có chỗ nồng độ rất cao dễ dẫn đến gây kích
thích từng bộ phận dạ dày. Nếu phía trên đường tiêu hoá có chỗ viêm hay khối u
thì viên thuốc không trôi xuống được, có khả năng bị tắc nghẽn, thậm chí bị
chảy máu ở phía trên đường tiêu hoá cho nên khi uống thuốc phải dùng nước đun
sôi để uống. Khi uống những loại thuốc như sunlfamit hoặc thuốc đi ngoài nên
uống nhiều nước hơn để giảm những phản ứng phụ của thuốc và tăng thêm hiệu quả
của thuốc.
188 - Người già không
nên dùng quá nhiều vitamin E
Dùng vitamin E dài ngày có thể dẫn đến những phản ứng
không tốt như mệt mỏi, nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, viêm loét mồm, nổi mề
đay. Những người bị bệnh cao huyết áp, đau tim nếu không dùng đúng liều có thể
làm huyết áp tăng cao, tim đau nặng hơn, lượng cholesteron tăng cao.
Uống vitamin E dài ngày còn có thể dẫn đến viêm tĩnh mạch
kiểu tắc mạch máu phổi. Bệnh nhân viêm tĩnh mạch mà uống vitamin E thì bệnh càng
nặng thêm. Người ta đã chứng minh, uống quá nhiều vitamin E còn hạ thấp việc
hấp thu vitamin A, K do đó làm thị lực giảm sút, xuất huyết.
Vitamin E còn có thể làm rối loạn phân tiết, gây trở ngại
cho hoạt động bình thường của cơ thể. Liều lượng dùng vitamin E thường là người
lớn mỗi ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 5 - 100mg. Nếu uống để chống lão hoá và
dùng dài ngày thì mỗi ngày không nên uống quá 100mg.
189 - Người bị bệnh
tim không nên ăn nhiều trái cây
Ăn trái cây có ích cho cơ thể nhưng nên ăn vừa phải.
Trong trái cây có các chất dinh dưỡng như vitamin, axít hữu cơ, chất xenlulô,
canxi, kali, chất sắt... Ngoài ra trong trái cây còn có đường hoa quả, đường
nho, đường mía...
Ăn nhiều trái cây có thể làm lượng mỡ trong máu tăng lên,
béo phì và tăng huyết áp. Cho nên người bị bệnh tim không nên ăn nhiều trái
cây.
190 - Những loại
thực phẩm không nên ăn cùng nhau
Có một số thực phẩm không thể ăn cùng với nhau nếu không
sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng.
Thịt bò với dưa hấu.
Chuối tiêu với cá chép.
Cam thảo với cá chép.
Tôm với hoa quả
Thịt gà với hoa cúc.
Củ đậu với chuối tiêu.
Thịt thỏ với rau tế.
Thịt với cua.
Thịt chó với đậu xanh.
Gừng sống với mật ong.
191 - Không nên dùng
lồng bàn để đậy thức ăn
Mùa hè là mùa những côn trùng như ruồi, muỗi sinh nở rất nhanh.
Để đậy thức ăn, người ta thường dùng lồng bàn để ngăn không cho ruồi, muỗi đậu
vào, gây ô nhiễm, đảm bảo vệ sinh. Trên thực tế như vậy không thực sự an toàn.
Ruồi nhặng tuy không trực tiếp đậu vào thức ăn nhưng ruồi
nhặng có thể đậu trên lồng bàn, trứng và vi trùng của chúng có thể qua những
khe hở của lồng bàn rơi xuống thức ăn. Nếu thức ăn này không được xào, nấu lại
hay đun không kỹ thì người ăn vẫn có thể mắc bệnh do ruồi nhặng đem lại. Vì thế
không nên dùng lồng bàn để đậy thức ăn. Nếu thức ăn chưa dùng đến nên để trong
chạn bát, hoặc tủ lạnh.
192 - Không nên ăn
sữa chua lúc đói
Sữa chua có nhiều chất dinh dưỡng nhưng khi đói ăn sữa
chua không thích hợp. Bởi vì trong sữa chua có nhũ toan khuẩn sống. Loại vi
khuẩn này trong môi trường axít nhẹ có thể sinh nở rất nhanh, có tác dụng bảo
vệ sức khoẻ cho cơ thể. Nhưng ở trong môi trường axít mạnh thì loại vi khuẩn
này khó tồn tại. Khi đang đói, nồng độ vị toan cao, nhũ toan khuẩn rất khó tồn
tại, tác dụng bảo vệ sức khoẻ sẽ giảm đi. Cho nên khi đói không nên ăn sữa
chua.
193 - Không nên đặt
máy giặt trong nhà vệ sinh
Nhiều gia đình để máy giặt trong nhà vệ sinh. Như vậy sẽ
rất bất lợi trong việc bảo dưỡng máy giặt và có hại cho tuổi thọ sử dụng của
máy. Bởi trong nhà vệ sinh thường có một loại thể khí có mùi hôi, có tính kích
thích mùi amôniắc. Nó có tác dụng ăn mòn rất mạnh đối với những kim loại ở
trong máy giặt.
Ngoài ra độ ẩm không khí ở trong nhà vệ sinh rất cao, rất
dễ làm cho vỏ tủ lạnh bị han gỉ và đường dây điện cũng dễ bị hở. Cho nên không
đặt máy giặt trong nhà vệ sinh.
194 - Không nên để
yên xe đạp quá cao
Xe đạp là một trong những phương tiện giao thông rất phổ
biến, thuận tiện. Nhưng khi đi xe đạp không nên để yên xe quá cao.
Khi yên xe đạp cao quá tầm của khung xe người đi xe phải
cúi gò ngực về phía trước còn hai vai phải khuỳnh về phía sau, sức nặng của
toàn bộ cơ thể đè lên yên trong một thời gian dài, tác dụng ngược lại lên bộ
phận sinh dục. Cho nên phải dựa trên chiều cao, độ dài chân người để điều chỉnh
yên xe cho thích hợp.
Xe đạp mới mua về cũng không nên lấy nilon bọc khung xe.
Sau khi bọc nilon, lớp sơn của xe dễ mất độ bóng, thậm chí còn bị tróc ra hàng
loạt. Nguyên nhân của hiện tượng này là thành phần nước trong không khí chui
qua những kẽ hở của nilon ngấm vào sơn. Thời gian kéo dài, sức chịu đựng của bề
mặt sơn giảm đi, lớp sơn bị rạn nứt rồi bong ra. Cho nên không nên dùng nilon
để bọc khung xe đạp.
195 - Không nên dùng
quá nhiều xà phòng để giặt quần áo
Giặt quần áo mà dùng quá nhiều xà phòng thì quần áo càng
khó sạch. Bởi vì xà phòng không thể hạ thấp trương lực của nước. Quần áo sau
khi dùng xà phòng để giặt, những cáu bẩn trên quần áo biến thành những hạt li
ti tách khỏi quần áo, phân tán trong nước. Những hạt này khi tách ra, nổi trên
mặt nước cùng với bột xà phòng khi nồng độ nước xà phòng vào khoảng 40% thì
hoạt tính bề ngoài mạnh nhất, hiệu quả tẩy vết bẩn cao nhất. Nếu nồng độ nước
xà phòng quá đặc thì hoạt tính bề ngoài giảm thấp, do đó quần áo khó giặt sạch.
Vì thế giặt quần áo không nên cho quá nhiều xà phòng.
196 - Giặt quần áo
không ngâm lâu
Ngâm quần áo trước khi giặt sẽ làm sạch những vết bẩn,
quần áo được sạch hơn. Nhưng nếu ngâm quần áo trong nước quá lâu thì hiệu quả
lại ngược lại.
Vết bẩn trong sợi quần áo chỉ cần 15 phút là ngấm ướt.
Nếu ngâm quần áo trong thời gian quá dài thì những chất bẩn ở trong nước lại
ngấm vào quần áo, đến lúc giặt sẽ khó sạch hơn. Vì thế khi giặt quần áo không
nên ngâm quá 15 phút.
Giặt quần áo cũng không nên dùng xà phòng bột và xà phòng
bánh. Bởi vì xà phòng bột có tính toan còn xà phóng bánh lại có tính kiềm. Nếu
dùng chung hai loại xà phòng này sẽ gây ra phản ứng trung hoà tan kiềm, do vậy
làm giảm khả năng tẩy rửa vết bẩn của từng loại xà phòng.
197 - Không nên bón
cây bằng vỏ trứng và bã chè
Dùng vỏ trứng, bã chè đổ vào chậu hoa để giữ độ ẩm và làm
cho hoa tươi tốt là cách làm không khoa học, lợi ít, hại nhiều.
Khi ta đặt vỏ trứng vào trong chậu hoa, lòng trắng trứng
còn sót lại trong vỏ trứng sẽ ngấm vào đất trong chậu hoa, lên men và phát
nhiệt, do đó làm hỏng bộ rễ, làm cho hoa bị chết. Đồng thời lòng trắng lên men
sẽ tạo ra mùi hôi thối, làm môi trường thuận lợi cho sâu bệnh phát triển.
Đổ bã chè vào trong chậu hoa, vì trong lá chè có chất
kiềm chè, kiềm cà phê... đối với các chất hữu cơ trong đất cũng có tác dụng phá
hoại nhất định. Bã chè mốc nhũn cũng làm cho đất trong chậu hoa ẩm nhiều, không
thoáng khí, ảnh hưởng đến việc hấp thụ chất dinh dưỡng ở bộ rễ.
Do hoạt động của các loại vi khuẩn anaêrôbic sinh ra
muội, gây nguy hiểm cho sự sinh trưởng của rễ cây. Cho nên không nên dùng vỏ
trứng, bã chè để bón cho hoa.
198 - Không dùng
nilon để phủ giường
Dùng nilon để phủ giường là không đúng. Bởi vì một người
lớn sau một đêm ngủ, thông qua làn da sẽ toả ra một lượng hơi nước khoảng hơn
200ml. Một bộ phận hơi nước này sẽ bị chăn và đệm giường hấp thu.
Ban ngày nếu dùng nilon để phủ lên giường thì thành phần
nước ở trong chăn rất khó thoát ra ngoài. Nếu kéo dài, độ ẩm dần tăng cao không
những ảnh hưởng đến giấc ngủ con người, mà đối với những người đang bị thấp
khớp, bị đau lưng... càng bất lợi, thậm chí còn làm cho bệnh nặng thêm. Cho nên
không nên dùng nilon để phủ giường.
Nilon cũng không nên dùng để bọc chăn cất đi vì như vậy
sẽ làm cho mền bông bị bí hơi, mục nát. Khi ngủ, cơ thể con người toả ra mồ hôi
và phần nước trong không khí rất dễ bị mền bông hấp thu. Dù có đem phơi chăn
vào những ngày nắng nóng hơi nước vẫn tồn tại trong khe hở của chăn bông. Nilon
không thoáng khí nên nếu dùng nilon để bọc chăn bông thì hơi nước trong chăn
bông rất khó thoát ra ngoài. Mùa hè độ ẩm trong không khí cao sẽ làm chăn bông
bị bí hơi, sinh mủn mục. Vì vậy không nên dùng nilon để bọc chăn bông.
199 - Không nên đựng
thực phẩm trong đồ nhựa tái sinh
Những phế phẩm bằng nhựa tái sinh là do thu mua những
loại nhựa cũ đem về chế biến lại mà thành. Loại phế phẩm này có nhiều chất độc
không nên dùng để dựng thức ăn vì có thể gây nhiễm độc cho người sử dụng.
Hiện nay trên thị trường có bán những bao bì thực phẩm và
các dụng cụ bằng nhựa đều không có chất độc như chất pôlivinin, chất
polistiren, chất pôliprôpilen... còn những loại nhựa dùng để sản xuất những túi
sách, áo mưa, đế giày, ống nước và những thứ linh kiện điện... thì có độc như
những chất pôlivininclorit, phenon, urê... Nhựa phế thải được thu hồi từ các
nguồn rất phức tạp, điều kiện gia công cũng không đồng đều, yêu cầu công nghệ
không cao, những chế phẩm bằng nhựa tái sinh khó tránh khỏi những loại nhựa có
chất độc hại. Nếu dùng những đồ làm từ nhựa này để đựng thức ăn, nhất là loại
thực phẩm có chất chua và các loại dầu, rất có thể bị ngấm các chất độc, người
ăn sẽ bị trúng độc ngay hoặc trúng độc từ từ. Cho nên không dùng các chế phẩm
từ nhựa tái sinh để đựng thức ăn.
200 - Không nên trải
nilon trên bàn ăn
Nhiều gia đình thường dùng nilon để trải trên bàn ăn cho
đẹp mắt, dễ lau chùi. Nhưng trên thực tế làm như vậy chỉ có hại chứ không có
lợi.
Đa số nilon đều làm từ pôlivinin, bản thân chất này không
độc nhưng trong nó lại chứa chất clorôêtylen thì lại có độc. Nhựa phenon và
nhựa urê cũng có những chất có độc. Ngoài ra những nước sơn trên nilon lại có
chất chì và nhiều chất độc khác.
Trên bàn ăn trải nilon, người ta thường đặt trực tiếp
dụng cụ ăn như thìa, đũa, bát... Những đồ này dính chất độc, truyền qua mồm vào
cơ thể gây nên tình trạng trúng độc mãn tính, thiếu máu đau ở vùng tim, viêm
gan có tính trúng độc chì. Cho nên bàn ăn không nên trải vải nilon, nên trải
bằng những loại vải bông thì tốt hơn.
Dùng túi lưới nhựa để đựng thức ăn cũng rất nguy hiểm vì
túi nhựa là do những nguyên liệu hoá học như P.V.C hợp thành, là một chất rất
có hại cho cơ thể. Ăn những thực phẩm đựng trong túi nhựa này sẽ làm cho cơ thể
xuất hiện những triệu chứng như phản ứng quá mẫn cảm bị ngứa ngoài da, trúng
độc có tích luỹ. Cho nên không nên đựng thức ăn vào túi nhựa.
201 - Không nên ăn
nhiều trứng muối
Để làm được trứng muối phải có muối kiềm,vôi bột hoàng
đơn... Người ta trộn những thứ trên cùng với đất bùn, trấu bao bên ngoài trứng.
Để một thời gian sẽ thành trứng muối lòng trắng trứng màu nâu trong, lòng đỏ
đặc nhưng không cứng có các màu theo từng lớp, mùi vị thơm ngon.
Mỗi 100g trứng muối có 13,6g protein; 12,4g chất béo, 4 g
đường; 82mg kali; 3mg sắt; 212mg phốt pho; 940 đơn vị vitamin A. Trứng muối là
thức ăn chứa nhiều chất, tiện lợi, thanh nhiệt, sáng mắt, bổ gan.
Nhưng chất bột hoàng sơn để chế biến trứng muối có chứa
ôxit chì. Trứng muối đảm bảo là mỗi gam trứng muối không được phép quá 3mg chì.
Vì nếu vượt quá con số này ôxit chì sẽ vào cơ thể gây hiện tượng ăn không ngon,
viêm đường ruột và dạ dày, nặng hơn nữa sẽ gây mất ngủ, đau nhức cơ bắp, thiếu
máu. Vì vậy không nên ăn nhiều trứng muối.
202 - Người già không
nên thường xuyên ăn mì ăn liền
Ăn mì ăn liền thường xuyên sẽ khiến cơ thể bị thiếu chất
dinh dưỡng, thiếu máu, thiếu vitamin B2, vitamin A và chất kẽm.
Thành phần chủ yếu của mì ăn liền là đường, mì chính,
muối. Những loại mì như mì gà, mì bò thì hàm lượng của chất thịt cũng rất ít.
Để chống cho mì khỏi hỏng người ta còn cho thêm những sắc
tố, thuốc bảo quản thức ăn vào mì mà những chất này đều có hại cho sức khoẻ con
người. Vì vậy, hãy hạn chế ăn mì ăn liền. Nếu ăn nên cho thêm thịt, rau tươi để
bổ sung đầy đủ chất.
203 - Không nên ăn
đường trắng để quá lâu
Đường trắng nếu để quá lâu sẽ biến màu và sinh ra loại
sán Hạt hồng, ưa ăn đường trắng và sinh sôi trong đó. Khi con người ăn phải loại
sán này, chúng sẽ theo vào đường tiêu hoá, ký sinh trong đó và gây bệnh tật.
Nếu sán Hạt hồng đi vào đường tiết niệu chúng sẽ làm nảy sinh những bệnh khó
chịu, viêm khí quản và suyễn.
Vì vậy nếu đường trắng để trong vòng một năm thì phải nấu
lên ở nhiệt độ 70oC trong 3 phút.
204 - Không nên để
bánh ngọt lâu
Bánh ngọt chứa nhiều đường và mỡ nên nếu để trong một
thời gian dài sẽ bị biến đổi về thành phần lý, hoá gây ngộ độc.
Bánh ngọt cũng chứa một lượng nước tương đối nhiều, nếu
không được bảo quản cẩn thận sẽ bị mốc gây bệnh, nặng hơn là ung thư.
Vì vậy những loại bánh ngọt, bánh mì... thời gian bảo
quản không nên quá 7 ngày (mùa hè thời gian ngắn hơn) các loại bánh khác cũng
không nên quá 10 ngày. Nếu thấy bánh có những màu lạ, vị khác thì không nên ăn.
205 - Không nên ăn
dầu ăn đun ở nhiệt độ cao
Những chất béo như dầu thực vật, mỡ động vật đều chứa các
chất sinh tố mỡ phốt pho, cholesteron, axít mỡ, mỡ protein và nguyên tố vi
lượng. Dầu mỡ đun ở nhiệt độ cao tác dụng ôxy hoá sẽ tăng nhanh khiến một số
axít mỡ và vitamin cần thiết bị phân huỷ. Mặc khác, axít mỡ sau khi phân hoá có
thể phát sinh ra những tác dụng hỗn hợp, cấu thành chất hỗn hợp phân tử lớn,
mang theo những độc tố nhất định. Nó không những làm ngưng trệ sự sinh trưởng
của cơ thể mà còn gây sưng gan, cản trở chức năng sinh dục và gây ung thư.
Do vậy không nên đun dầu ăn ở nhiệt độ quá cao và cũng
không nên dùng dầu ăn đã rán đi rán lại.
206 - Không nên dùng
nước nóng để làm tan thịt đông lạnh
Dùng nước nóng để tan giá sẽ khiến thịt khi nấu không mềm
và thơm. Vì thịt khi đưa vào kho đông lạnh được làm lạnh rất nhanh, nên dịch
thể bên trong, bên ngoài và giữa các tổ chức tế bào bị đóng băng nhanh chóng,
các vị tươi, ngon của thịt được giữ gìn.
Nếu để băng tự tan, các chất nước giữa các tế bào sau khi
tan vẫn ngấm trở lại vào trong tế bào, khôi phục lại trạng thái ban đầu của
thịt. Còn nếu ngâm trong nước nóng, các chất ngon trong nước thịt sẽ hoà tan
vào nước, không còn ngon như ban đầu. Vì vậy không nên dùng nước nóng để làm
tan thịt đông lạnh.
207 - Những điều cần
tránh khi nấu thức ăn
- Không nên luộc trứng gà lâu. Nếu luộc trứng lâu bề mặt
của lòng đỏ trứng sẽ thành màu tro xanh vì trong lòng đỏ trứng, li tử sắt thiếu
hoá hợp với sunphát trong lòng trắng tạo ra sunphát sắt. Chất này rất khó hấp
thu, làm giảm giá trị dinh dưỡng của trứng.
- Tráng trứng không nên cho mì chính: Cho mì chính khi
tráng trứng chỉ làm mất vị thơm của trứng và lãng phí vì bản thân trứng gà có
chứa thành phần tương đồng với mì chính.
- Không nên rán lạp xườn, thịt muối, dăm bông vì khi rán
một số nitơrat ammôni cho vào trong quá trình gia công sẽ sinh ra chất gây ung
thư.
- Không đổ nước lã khi đang ninh thịt, xương vì trong
thịt, xương có nhiều protein và chất mỡ. Nếu đang đun đổ thêm nước lạnh sẽ
khiến nhiệt độ trong nồi tự nhiên giảm xuống, protein và mỡ đột nhiên đông lại
do vậy mà thịt, xương khó nhừ.
- Không nên để lửa to khi rán mỡ lợn: rán mỡ lợn để lửa
to lên tới 200oC sẽ sinh ra một chất thuộc nhóm anđêhit, có vị hôi, kích thích
vùng miệng, thực quản, khí quản và niêm mạc mũi gây bệnh về đường tiêu hoá.
- Không nên cho mì chính vào thức ăn có vị chua nếu không
sẽ tạo thành một chất axít mới làm giảm chất chua, có hại cho sức khoẻ.
- Xào rau không nên cho dấm: Chất diệp lục trong rau xanh
dưới điều kiện mang tính chất chua và gia vị sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của
rau.
- Không dùng dầu mỡ đã qua sử dụng: Vì như vậy kcalo của
nó chỉ còn 1/3 của dầu mỡ còn mới, hơn thế nữa trong dầu còn chứa một chất làm
ta chậm lớn, gan bị sưng. Vitamin trong loại dầu mỡ này hầu như bị phân huỷ
hết.
- Không đánh trứng trong đồ nhôm: Khi đánh trứng, lòng
trắng trứng sẽ biến thành màu tro trắng, lòng đỏ sẽ biến thành màu xanh. Đánh
trứng gà nên dùng đồ sứ.
208 - Một số rau quả
không nên dùng
- Giá đỗ không có
rễ: Loại giá đỗ này rất mập ngon nhưng không nên dùng vì khi làm người ta
cho chất hoá học, gây ung thư, đột biến trong cơ thể.
- Cà chua chưa chín:
Loại cà chua này mang một thứ độc tố kiềm. Khi cà chua chín thì độc tố này
giảm, không có hại đối với sức khoẻ con người. Nhưng cà chua xanh, hàm lượng
độc tố này tương đối cao, nếu ăn nhiều sẽ xuất hiện nhiều chứng ngộ độc gây
buồn nôn, chóng mặt, nôn và chảy nước dãi thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng.
- Rau kim châm tươi:
Loại rau này mang một thứ chất kiềm khi ăn vào cơ thể có thể gây ngộ độc, triệu
chứng như đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn. Rau này nếu phơi khô thì sẽ mất chất
kiềm do vậy nên ăn rau đã phơi khô.
- Rau cần dại:
Thường mọc lẫn trong rau cần. Rau cần dại chứa độc tố kiềm, nếu ăn phải sẽ gây
sốt, chóng mặt, tê chân tay, nặng có thể tử vong. Vì vậy khi mua rau cần phải
lựa chọn kỹ càng.
209 - Người có bệnh
van tim không nên ăn quá no
Trong đường ruột và dạ dày có rất nhiều mạch máu. Khi ăn,
do yêu cầu về tiêu hoá và hấp thụ lượng máu tải trong tim đòi hỏi phải tăng lên
các phủ tạng trong trạng thái xung huyết vì thế bệnh nhân bệnh tim khi ăn no,
lượng máu tải ra của tim nhiều bắt tim làm việc nhiều. Dạ dày căng lên cũng đẩy
hoành cách mô lên trên càng ảnh hưởng đến tim. Ăn no cũng làm dây thần kinh thứ
10 của hệ thần kinh não ở trạng thái hưng phấn dẫn đến tắc mạch máu cơ tim cấp
tính.
Bệnh nhân yếu tim nên ăn làm nhiều bữa và ăn những thức
ăn dễ tiêu. Bên cạnh đó phải giữ cho bài tiết thông suốt, không để căng thẳng
thần kinh và lao động quá nặng nhọc.
210 - Những điều cần
chú ý khi uống sữa đậu nành
- Không nên uống sữa đậu khi mới đun sôi lăn tăn vì lúc
này sữa mới chỉ 80oC, uống vào sẽ có hại. Do vậy phải đun sôi kỹ mới diệt hết
chất độc.
- Không nên cho đường đỏ vào sữa đậu nành vì trong đường
đỏ chứa nhiều loại axít hữu cơ. Chúng sẽ kết hợp với protein trong sữa đậu lắng
xuống khiến cơ thể khó hấp thu. Vì vậy nên uống sữa đậu với đường trắng.
- Không nên uống quá nhiều sữa đậu vì chúng có thể gây
đầy bụng, khó chịu, ỉa chảy. Do vậy uống sữa đậu chỉ nên hạn chế.
211 - Không uống trà
sau khi ăn thịt dê
Thịt dê có nhiều chất dinh dưỡng nhưng ăn xong uống trà
ngay không tốt cho sức khoẻ. Bởi vì trong thịt dê hàm lượng protein phong phú
còn trong trà lại nhiều axít. Nếu vừa ăn thịt dê, uống nước trà ngay hai chất
này sẽ kết hợp với nhau tạo thành chất suy yếu nhu động của ruột, hút bớt thành
phần nước trong phân khiến táo bón.
212 - Người già ngủ
dậy không nên gấp chăn ngay
Thời gian ngủ cơ thể thải ra lượng hơi nước lớn làm chăn
bị ẩm. Các chân lông trên cơ thể cũng tiết ra nhiều mùi hôi. Vì thế nếu gấp
ngay chăn khi ngủ dậy sẽ khiến chăn bị ẩm, toát ra mùi khó ngửi ảnh hưởng đến
sức khoẻ. Vì vậy ngủ dậy lật chăn phía trong ra, mở cửa sổ để không khí làm mất
độ ẩm, mùi hôi rồi mới gấp chăn lại. Khi trời nắng nên đem chăn ra phơi để tiệt
trùng.
213 - Không ăn gan
lợn khi đang uống vitamin c
Ăn gan lợn sẽ làm hạn chế tác dụng của vitamin C vì gan
lợn chứa hàm lượng đồng rất phong phú. Nếu uống vitamin C, ăn gan lợn cùng lúc
chất đồng trong gan lợn sẽ làm vitamin bị ôxy hoá làm vitamin C không công
hiệu.
214 - Không nên dùng
thuốc giảm sốt khi vừa bị sốt nóng
Sốt thường do vi rút, vi khuẩn gây lên. Người bệnh sau
khi bị sốt, tim đập nhanh, tuần hoàn máu tăng, lượng máu dồn về chỗ viêm tăng.
Như vậy sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, kích thích kháng thể tiêu diệt vi
khuẩn, vi rút gây bệnh khiến bệnh tình chuyển biến theo chiều hướng tốt.
Nếu ta dùng thuốc giảm sốt ngay không những làm quá trình
chuyển hoá khó khăn mà còn làm khó chuẩn đoán.
215 - Lưu ý khi dùng
thuốc cảm mạnh
Những người bị bệnh cao huyết áp, bệnh tim, người già
yếu, quáng gà không nên dùng thuốc cảm mạnh vì thuốc này chứa thành phần
caphêin. Thành phần này làm thần kinh hưng phấn, tim đập nhanh, huyết áp tăng.
Những ai bị dị ứng hay thận yếu cũng không nên dùng thuốc cảm mạnh.
216 - Không nên tuỳ
tiện lấy ráy tai
Dùng tăm, ngón tay hay cái lấy dáy tai ngoáy tai là một
thói quen xấu, có hại. Khi ngoáy lỗ tai chỉ cần sâu một chút sẽ khiến màng nhĩ
bị thủng ảnh hưởng đến thính giác. Vì thế khi cảm thấy ngứa tai chỉ nên dùng
bông lau nhẹ nhàng.
217 - Người già không
nên giữ bực tức trong người
Theo y học phương Đông thì "Bách bệnh sinh ra từ
khí". Những bế tắc trong cuộc sống hàng ngày không giải toả được khiến tâm
thần bất ổn, tinh thần không tập trung gây hao tổn tinh lực, buồn bã, suy giảm
sức đề kháng của cơ thể.
Những biến đổi tâm lý xấu như vậy sẽ làm rối loạn chức
năng miễn dịch, mất cân bằng đại não khiến những bệnh nhân tim mạch, cao huyết
áp, đau đầu càng nặng thêm.
Vì vậy không nên để bực tức, có điều gì khó chịu nên tìm
cách giải toả. Một trong những cách giải toả tốt nhất là thổ lộ tâm tình với
những người thân như vậy sức ép về tâm sinh lý sẽ được trút bỏ, mang lại lợi
ích cho sức khoẻ.
NHÀ XUẤT BẢN THANH HÓA
248 - Trần Phú - Ba Đình - Thành phố Thanh Hoá
ĐT: 037.852281 - 853548 - 750748 Fax: 037.720399
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Thoa
Biên tập: Ngọc Diệp
Sửa bản in: Nguyễn Đắc Quân
Trình bày bìa: Hạ Vinh Thi
Trình bày sách: Trần Thị Thái Loan
In 2.000 cuốn khổ 13x19 tại Công ty In - PHS và Thiết bị
Quảng Ngãi
SỐ ĐKKH 20/273 CXB NGÀY 15 THÁNG 03 NĂM 2004
IN XONG VÀ NỘP LƯU CHIỂU QUÝ II NĂM 2004
0 comments:
Đăng nhận xét