BẮC MÔN TỎA THƯỢC - HIỂU ĐÚNG LỜI NHẮC NHỞ CỦA TỔ TIÊN - Tác giả: Khuyết Danh

Leave a Comment


BẮC MÔN TỎA THƯỢC -
HIỂU ĐÚNG LỜI NHẮC NHỞ CỦA TỔ TIÊN
*
Cổng vào các đền thờ ở nước ta thường có ghi những chữ Hán mà ta quen gọi là “đại tự”. Chẳng hạn như cổng lên đền Hùng là bốn chữ “Cao sơn cảnh hành” (tạm dịch: đường lớn lên cao); cổng giữa đền Kiếp Bạc là “Dữ thiên vô cực” (tạm dịch: sánh cùng trời đất).
Trên cổng vào đền thờ vua Đinh tại cố đô Hoa Lư cũng được 4 chữ. Tuy nhiên, 4 chữ này hết sức đặc biệt. Đó là:
Bắc môn tỏa thược
– (Tạm dịch: Khóa chặt cửa Bắc).
Người Việt Nam ai cũng ít nhiều hiểu ý nghĩa sâu xa của những chữ này. Ấy chính là lời nhắc nhở của cha ông phải đặc biệt cảnh giác với phương Bắc. Vậy, “tỏa thược” phải chăng là “bế quan”, không bang giao, không tiếp xúc với phương Bắc? KHÔNG! Nếu ai hiểu như vậy thì e rằng vẫn chưa tỏ tường hết được hàm ý sâu sắc của cha ông! Hãy thử nhìn lại lịch sử một chút…
– Năm 970, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang giao hảo với nhà Tống.
– Năm 971, sau khi hoàn thành việc tiêu diệt Nam Hán, biên giới giữa Bắc Tống và Đại Cồ Việt chính thức liền kề.
– Năm 972, Đinh Tiên Hoàng sai con trưởng là Nam Việt vương Đinh Liễn đi sứ nhà Tống lần thứ 2.
– Năm 973, Đinh Liễn trở về. Tống Thái Tổ sai sứ sang phong cho Đinh Tiên Hoàng làm Giao Chỉ Quận Vương, Đinh Liễn làm Kiểm hiệu thái sư Tĩnh Hải quân tiết độ sứ An Nam đô hộ.
– Năm 975, Đinh Tiên Hoàng lại sai Trịnh Tú đi sứ nhà Tống lần thứ 3, đem vàng lụa, sừng tê, ngà voi sang. Đến mùa thu năm đó, Tống Thái Tổ sai Hồng lô tự khanh Cao Bảo Tự dẫn đầu đoàn sứ cùng Vương Ngạn Phù đem chế sách sang Đại Cồ Việt lần thứ 2, gia phong cho Nam Việt Vương Liễn làm Khai phủ nghi đồng tam ty, Kiểm hiệu thái sư, Giao Chỉ Quận Vương.
– Đầu năm 976, Đinh Tiên Hoàng sai em Trần Lãm là Trần Nguyên Thái đi sứ lần thứ 4, sang đáp lễ nhà Tống.
– Tháng 10 năm 976, Tống Thái Tổ qua đời, Tống Thái Tông lên ngôi. Sang năm 977, Đinh Tiên Hoàng sai sứ sang lần thứ 5, mừng Thái Tông lên ngôi.
Như vậy, chỉ trong vòng 11 năm tồn tại, nhà Đinh đã hoạt động ngoại giao với nhà Tống 7 lần: 5 lần sứ Đại Cồ Việt sang Trung Quốc, 2 lần sứ nhà Tống sang Đại Cồ Việt.
Hiểu cho hết lẽ, “Bắc môn tỏa thược” không phải là bế quan, là khép kín hay thụ động với phương Bắc. Trái lại, nước Việt luôn cảnh giác nhưng tự chủ, chủ động tay hòm chìa khóa để gìn giữ biên cương, nói rộng ra là trong mọi quan hệ với người phương Bắc. Đấy chính là nét đặc sắc trong sách lược ngoại giao mềm dẻo nhưng độc lập, tự chủ của cha ông ta.
Từ xưa, với nền kinh tế thuần nông của nước Việt, việc bang giao làm ăn với Trung Hoa không nhiều. Tuy vậy, ở các phiên trấn, cửa khẩu thủy bộ, dân hai nước vẫn làm ăn buôn bán tấp nập.
Về văn hóa, với gốc gác có nhiều điểm tương đồng, sự hòa nhập, giao thoa sâu đậm là không tránh khỏi. Tuy vậy, nền văn hóa Việt mang tính dân gian đậm nét vẫn có sức đề kháng kỳ diệu, vẫn chắt lọc được phần tinh túy nhất trong kho tàng văn hóa Trung Hoa để tự tồn và phát triển, không những thế còn cộng hưởng và làm giàu thêm nền văn hóa bản địa. Nhờ thế, chúng ta mới được thừa hưởng những giá trị và tinh hoa văn hóa Việt ngày hôm nay.
Người Việt trọng sự khiêm nhường, nhưng không phải lúc nào cũng phải hòa hiếu với kẻ luôn có sẵn dã tâm trong máu. Bài học lịch sử “Bắc môn tỏa thược”, trải hàng ngàn năm qua đã phải trả bằng xương máu của nhiều thế hệ cha ông. Chính vì vậy, trong giai đoạn ngày nay, chúng ta càng phải hiểu và vận dụng 4 chữ “BẮC MÔN TỎA THƯỢC” sao cho linh hoạt và phù hợp nhất để ĐÓN GIÓ LÀNH và NGĂN GIÓ ĐỘC. Có vậy, hòa bình, độc lập và phát triển mới có thể mãi vững bền!
----------------------
Ảnh: Cổng đền thờ vua Đinh với đại tự “BẮC MÔN TỎA THƯỢC”.

Mời thư giãn với nhạc phẩm ĐẤT NƯỚC LỜI RU
của Văn Thành Nho, qua tiếng hát Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hiền:
            
*
TÁC GIẢ (đang cập nhật)
Địa chỉ: (đang cập nhật)
Email: (đang cập nhật)
Điện thoại: (đang cập nhật)
.




- ĐẶNG XUÂN XUYẾN giới thiệu -
(Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến)
.

0 comments:

Đăng nhận xét