SỰ MẤT NGỦ
CỦA TRÂU BÒ
*
(Tác giả Đông La) |
Vừa rồi, cả một thời gian dài, tôi không quan tâm
đến văn chương, ông bạn Thiều cũng biệt tăm, không liên lạc, có lẽ bị sốc do
cha mẹ mất cùng năm. Tôi tôn trọng sự im lặng đó nên không liên lạc. Đột nhiên
Thiều vào Sài Gòn gọi, lại gặp nhau, và bị Thiều phê phán: “Ông là một người chồng, người cha tốt, nhưng
là một người có trí tuệ như ông mà không viết thì ông có lỗi với chính ông”.
Thiều bảo tôi nên in sách. Thế là lại bị cuốn vào
cái trò chơi chữ nghĩa, lọ mọ sắp xếp những bài đã đăng, viết thêm một bài đã
dự tính từ lâu mà chưa viết về văn của ông bạn, thành ra cuốn “Bóng tối của ánh sáng”, loại đi bao
nhiêu mà cũng còn đến 550 trang. Rồi sau đó ít lâu Thiều gọi điện khoe “Viện Văn nó tổ chức Hội thảo thơ tôi đấy,
tôi gởi ông cái Tuyển tập, ông viết một bài nhé”. Tôi ậm ừ, không phải ngại
mà có cái khó là tôi đã viết một bài hoành tráng về thơ Thiều rồi, có mấy người
còn cho là bài hay nhất về thơ Thiều, ông Nhà thơ Lê Xuân Đố ở Đài Truyền hình
Thành phố Hồ Chí Minh còn cho là tôi đã chạm đến cái cao nhất của thơ ca, vậy
làm sao viết được một bài nữa mà hay đây. Rồi Thiều gởi cho tôi cuốn thơ dầy
như cục gạch, thấy có nhiều bài mới, nảy ra được nhiều ý mới, lại cặm cụi viết,
không ngờ bài sau còn hay hơn bài trước.
Rồi thật kỳ lạ, như có một sự xếp đặt huyền bí
nào đó, ngày nào tôi cũng lên mạng mà chỉ sau khi viết xong bài về thơ Nguyễn
Quang Thiều nói trên, tôi mới lạc vào cái trang của Đỗ Hoàng (http://dohoang.vnweblogs.com/). Một người
tôi chưa biết, vào đọc thì nhận ra ngay, ngoài cựu binh Trần Mạnh Hảo, Đỗ Hoàng
cũng chính là một “sát thủ thơ Nguyễn Quang Thiều” thứ thiệt!
Đỗ Hoàng cho thơ Nguyễn Quang Thiều là loại thơ
“Vô lối”, với định nghĩa sau:
“Điển hình
của Vô lối là triệt tiêu một trăm phần vần điệu, xóa bỏ cách nghĩ, cách cảm của
ông cha và thơ ca truyền thống dân tộc và thế giới, tắc tỵ, rắc rối, tù mù, dài
dòng văn tự, dây cà ra dây muống, nhạt nhẽo, đánh đố mình, đánh đố người đọc,
dung tục, tình dục bệnh hoạn, sính dùng chữ nước ngoài một cách tùy tiện, tuỳ
hứng…”.
Đỗ Hoàng còn khoe đã được “thần đồng” Trần Đăng
Khoa cổ vũ:
- Bác đả Nguyễn Quang Thiều hay đấy!
- Tôi định viết một bài phê phán hoàn chỉnh nhưng
chưa làm xong!
- Bác đả thế là Nguyễn Quang Thiều nốc
ao rồi, không cần nhiều lời nữa!
Đỗ Hoàng cũng đăng tiếp trên trang của mình bài
của ông “Nhà văn Nguyễn Hiếu” cũng là người tôi chưa biết, bài “Thơ và sự lạm phát thơ”. Ông nhà văn
đã “đánh” mấy tập thơ vừa được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Về mấy tập
thơ đó vì chưa đọc nên tôi không quan tâm, chỉ quan tâm chuyện Nguyễn Hiếu viết
về thơ Nguyễn Quang Thiều:
“…sự lặp
lại hiện tượng giống như thơ của Nguyễn Quang Thiều cách đây trên dưới hai mươi
năm. Hồi đó Nguyễn Quang Thiều đang sung sức, cũng bắt đầu nhàm chán cáí lối
thơ và tư duy thơ cổ lỗ của các bậc đàn anh đi trước, lại sẵn có khả năng ngoại
ngữ nên Thiều đã chọn con đưòng mô phỏng thơ nước ngoài, chủ yếu là thơ tiếng
Anh mà ít nhiều tôi nhìn thấy tựa tựa cách viết theo những bài thơ lừng lẫy
trong tập lá cỏ của Witman”.
Cái chuyện sở thích thơ ngược nhau là bình
thường, cái không bình thường ở đây là họ đưa ra cái cơ sở lý luận để xổ toẹt
thơ người ta là không đúng. Nếu hiểu lịch sử Văn học Việt Nam thì cái chuyện
ảnh thưởng thơ nước ngoài đã trở thành một lẽ tự nhiên, bởi nếu không, thơ
thuần Việt chỉ có hò vè thôi. Trước đây các cụ đã ảnh hưởng thơ Trung Quốc,
nhất là thơ Đường luật, Thời thơ Mới ảnh hưởng thơ Pháp, thời kháng chiến ảnh
hưởng thơ Liên xô. Vậy bây giờ người ta ảnh hưởng thơ Mỹ thì có sao? Và
thật bậy bạ khi từ cái nhìn chủ quan, thiển cận, thiếu kiến thức lý luận văn
học nghệ thuật hiện đại, đã phán bừa. Trong lịch sử Hội họa, Họa sĩ vĩ đại Van
Gogh từng là nạn nhân của sự bảo thủ ngu dốt của thời đại ông, từng bị ghẻ
lạnh, ông có cả hàng ngàn bức tranh, có bức giờ hàng trăm triệu đô, vậy mà
cả đời ông chỉ bán được một bức có 40 đô, phải sống dựa vào em và tự sát
chết khi mới 37 tuổi trong trạng thái cùng quẫn về nhiều thứ. Vậy thực là hồ đồ
khi Đỗ Hoàng cho thơ Nguyễn Quang Thiều là “một
loại quái thai của văn chương”; và còn bậy bạ hơn nữa, thậm chí phạm
pháp khi Đỗ Hoàng vu cáo, phỉ báng cá nhân cũng như cả cơ quan nhà nước khi
viết: “mà lại được đám ba đầu sáu tay
tung hô hết cỡ”, rồi: “các học giả, nhà phê bình, giáo sư đại học, cánh hẩu
viết bài lăng xê, ca ngợi hết lời”. Tôi đề nghị các cơ quan liên quan nên kiện
thằng cha này ra tòa!
Bây giờ ta thử xem “sát thủ” Đỗ Hoàng này đã “ní
nuận” như thế nào?
Ông ta viết: “Nguyễn
Quang Thiều cố tìm một cách nói, cách lập ngôn như việc đặt tên tập thơ “Sự mất
ngủ của lửa” – (Hỏa đích bất thụy sự), đã thể hiện cách ấy. Đọc thấy lạ tai,
không theo cách nói cách viết thuần Việt, nó như là cách viết của Tây, nhưng
Tây người ta không viết thế. Câu thơ, câu văn của Tây dài nhưng phải chính xác,
không thừa chữ, không thừa ý và phải thuần chủng ngôn ngữ. Đằng này Nguyễn
Quang Thiều cố tạo ra cách viết lạ nhưng lại vừa dùng chữ nước ngoài, vừa không
theo cách cảm cách nghĩ của dân tộc. Cách này cũng đã có người trước Nguyễn
Quang Thiều viết như “Sự em có mặt cần thiết như những sớm mai” (Liên khúc
những bài thơ tình thời cách xa – Thanh Tâm Tuyền)
Chữ sự
nguyên là chữ Hán đã tương đối Việt hóa. Nó có ba nghĩa : 1- việc, 2
- làm việc, 3 - thờ. Không hiểu sự mất ngủ của lửa ở đây là việc, làm
việc hay là thờ? Suy đoán trong bài hiểu theo nghĩa Hán “Hỏa đích bất
thụy sự” thì có thể là việc. Dịch ra là “Việc mất ngủ của lửa” chắc là đúng ý
tác giả!...
…Lại bàn về mất
ngủ. Mất ngủ chỉ một trạng thái tâm lý của con người do lao lực, do nghĩ ngợi
đau khổ nhiều, thần kinh yếu, do chấn động thần kinh, do chấn thương sọ não…
nên dẫn đến mất ngủ. Nói chung nó là một trạng thái bệnh lý nhiều hơn. Còn
người khỏe mạnh, thần kinh vững vàng thì khó có thể mất ngủ…
… Người khỏe mạnh,
cứng rắn, người ta chưa ngủ hoặc người ta không ngủ để lo quốc gia đại sự, chứ
họ không bị chứng bệnh mất ngủ!
Vì vậy việc đặt tên
tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” vừa không Việt hóa, vừa thừa chữ, thừa lời,
vừa không ổn trong nhận thức. Có thể đặt theo cách thuần Việt “Lửa mất ngủ”
hoặc “Lửa thức”…”
Một sự tối giản của ngữ pháp, trẻ con cũng còn
hiểu, vậy mà cái ông “sát thủ” này cũng không hiểu thì còn luận với bàn cái gì?
“Mất ngủ” là động từ (diễn tả trạng thái ngược với “ngủ”), “Sự mất ngủ” là danh
từ, thế thôi. Khi đặt nhan đề, người ta thường dùng danh từ, chứ không dùng
động từ. Bởi dùng động từ là cụt, chỉ nói lên một động tác, một trạng thái mà
không nói lên cái gì. Còn dùng danh từ thì đã như một khái niệm, khái quát được
nhiều ý. Như chữ “ăn uống” chỉ nói lên cái động tác ăn uống; còn “ Sự ăn
uống” thì đã chứa đựng bao sự đời, như nhiều ít, sướng khổ, bình dân, quý tộc
v.v…
Còn chuyện Nguyễn Quang Thiều viết “Sự mất ngủ của lửa” là thuộc về
chuyện tài năng rồi, thể hiện người viết có tài hay không có tài, người đọc
“tai trâu” hay là không “tai trâu” rồi! Nếu Nguyễn Quang Thiều viết “Sự mất ngủ
của Đỗ Hoàng” thì bình thường, ai cũng viết được, còn “Sự mất ngủ của lửa” là một sự lao động sáng tạo, cụ thể đó là
một phép ẩn dụ, chứ chẳng phải lai Tây hay lai Tàu gì hết. Trong bài tham
dự Hội thảo Thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi cũng đã viết về chuyện này:
“Trong
những chê bai ồn ào đó, tôi lại chú ý nhiều hơn đến một ông nhà thơ, nhạc sĩ
khá nổi tiếng, giờ thì đã chết rồi, chê cái nhan đề tập thơ Sự mất ngủ của
lửa là “Tây quá”. Không hiểu do trình độ hay do lòng đố kỵ mà người ta
thường sai lầm khi chê bai nhau một cách cảm tính như thế. Bởi Nguyễn Đình Thi
cũng có một thao tác ngôn ngữ y hệt Nguyễn Quang Thiều, mà viết trước Nguyễn
Quang Thiều cả mấy chục năm, thì chẳng thấy ai cho là lai Tây cả, ngược lại,
lại tôn vinh là những câu thơ hay nhất không chỉ của riêng Nguyễn Đình Thi mà
của cả nền thơ Việt Nam:
Ôi những cánh đồng
quê chảy máu
Dây thép gai đâm
nát trời chiều
Nguyễn Đình Thi có
quyền viết “cánh đồng chảy máu”, còn Nguyễn Quang Thiều không có quyền viết “sự
mất ngủ của lửa” sao? Với thơ, công cụ quan trọng nhất làm cho nó hàm súc chính
là trí tưởng tượng, không có trí tưởng tượng các nhà thơ sẽ chỉ mô tả được cái
vỏ hình ảnh giống nhau của đời sống. Mà cái thao tác để biểu đạt trí tưởng
tượng ấy chính là tri thức ngôn ngữ, như những phép ẩn dụ, phúng dụ, hoán dụ,
đề dụ v.v… Những nhà thơ vì có năng khiếu nên có khi chẳng cần học, chẳng cần
biết về chúng vẫn sử dụng một cách hoàn toàn tự nhiên. Nếu hiểu “Sự mất ngủ của
lửa” theo ngôn ngữ giao tiếp sẽ thấy vô nghĩa, còn hiểu nó là một hình ảnh ẩn
dụ thì sẽ thấy phải có một trí tưởng tượng phong phú đến như thế nào, sự lao
tâm khổ tứ đến như thế nào mới có thể nghĩ ra được một hình ảnh lung linh và có
sức gợi như thế. Như tôi đã viết vài lần ở đâu đó, nếu nói cụ thể về một điều
gì đó thì người đọc chỉ hiểu về điều đó, còn nói một cách tượng trưng, tức chỉ
gợi mở thôi, sẽ tạo ra sự liên tưởng nhiều chiều. Ngọn lửa đời thường thì không
thể mất ngủ được rồi, chỉ nấu cơm được thôi, còn “ngọn lửa” trong thơ Nguyễn
Quang Thiều là ngọn lửa của tình yêu, ngọn lửa của lương tri, sự “mất ngủ”
chính là sự thao thức, sự trăn trở nghĩ suy về toàn bộ đời sống con người. Và
thật thú vị, nếu ta đã đọc và đồng cảm được với thơ anh, ta sẽ nhận ra Sự mất
ngủ của lửa chính là tuyên ngôn về thơ của Nguyễn Quang Thiều, và toàn bộ thơ
ca của anh, cả hình thức lẫn nội dung, đều viết theo cái tinh thần đó”.
Viết đến đây thì chắc các bạn hiểu tại sao khi
trả lời Vô
lối, tôi lại nhét cái tên Đỗ Hoàng vào: “Cái thằng Đỗ Hoàng nào đó rất ngu, cái đầu đề "Sự mất ngủ của
lửa" mà cũng không hiểu thì còn làm thơ với bình thơ cái nỗi gì. Chắc nó
chỉ nhìn thấy sự mất ngủ của trâu bò thôi”!
*
ĐÔNG LA (tên thật:
Nguyễn Văn Hùng)
Địa chỉ: quận Bình Thạnh, thành phố Sài Gòn
Email: donglasg@gmail.com
..
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật từ email: ngocthai1948@gmail.com ngày 23.12.2017.
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét