(Đàn bò tót gầy trơ xương được nuôi tại dự án nghiên cứu khoa học cấp nhà nước) |
GIỌT NƯỚC MẮT CHO…BÒ!
*
(Viết nhân nỗi
buồn bò tót!)
Người ôm bò khóc. Và đôi
mắt bò cũng ướt đẫm, nước mắt tuôn chảy thành dòng. Đó là hình ảnh ba tôi bên
đôi bò của gia đình mà tôi đã ghi sâu vào ký ức, có lẽ chết vẫn không quên được! (Tác giả Nhụy GiaLai)
Nguyên trước 1975 nhà
tôi có đàn bò hơn trăm con. Hồi đó chiến tranh khốc liệt, nhưng quê tôi không
phải vùng có vị trí chiến lược nên ít có đánh nhau, việc nuôi cả đàn bò thực ra
cũng nhẹ nhàng, không tốn bao lăm công sức. Mùa mưa là mùa dân làm ruộng rẫy,
nhà tôi buộc phải thuê người chăn dắt vì sợ chúng ăn phá hoa màu. Đến mùa khô
gần như chẳng phải làm gì: cứ sáng mở cổng chuồng cho cả đàn tự đi kiếm ăn,
chiều muộn tự chúng lục tục nối đuôi nhau về đầy đủ. Cứ vậy bao nhiêu năm tháng
không hề mất con nào- dù hồi đó dân chúng hầu hết đều nghèo; thêm rất nhiều
người tản cư chiến sự từ các nơi khác đến trong cảnh vô gia cư, đói rách, sống
qua ngày bằng tiền cứu trợ… Cũng không thấy dịch bệnh gì, đàn bò vô tư sinh sôi
nảy nở ngày càng đông đúc. Nhưng rồi chiến tranh lan rộng, ba tôi quyết định
bán cả đàn bò gởi tiền vào ngân hàng vì sợ nhỡ có di tản cũng dễ dàng, chỉ giữ
lại cặp bò đực tơ để nuôi cho vui và giúp cày bừa chút ít quanh nhà.
1975 miền nam được giải
phóng. Đâu khoảng nửa năm 1976, nhà nước bắt đầu thực hiện hợp tác hóa nông
nghiệp: tất cả ruộng đất, công cụ … đều phải đưa vô hợp tác xã. Đất đai, đôi bò
và cái xe bò nhà tôi cũng bắt buộc phải vô hợp tác xã. Đôi bò không còn “quyền”
được tự do kiếm ăn nữa, chúng phải đi cày bừa, kéo xe cho hợp tác xã hàng ngày
dưới sự điều khiển của người khác, vì ba tôi do thương tật chiến tranh không
còn sức lao động. Ông được “ưu ái” giao trách nhiệm “quản lý” chút tài sản vốn
là của mình với ít ỏi công điểm mỗi ngày để cuối năm được chia lúa cùng các xã
viên khác, còn công điểm cày kéo thì người điều khiển bò hưởng. Nói “quản lý”
cho nó oai, thực ra mỗi ngày ba tôi chỉ phải bàn giao bò cho người khác dắt đi
làm gì, ở đâu...ông cũng chẳng biết; rồi lo cắt cỏ để dành vào chiều tối sau
khi nhận lại bò đem cho chúng ăn mới có sức hôm sau đi làm tiếp. Vốn tính hiền
lành, từ bi của một phật tử gốc mấy đời; ba tôi vẫn thương yêu, chăm sóc đôi bò
như ngày nào chúng còn là của mình. Trong khi đàn bò của hợp tác xã nhanh chóng
gầy trơ xương vì cha chung không ai khóc, đôi bò của ba tôi vẫn khá khỏe mập,
thậm chí ông còn được hợp tác xã tuyên dương vì điều đó. Nhưng tôi thấy ông
buồn hẳn, vì biết trước sau gì cũng không tránh khỏi sinh chuyện lôi thôi với
đôi bò.
Do làm việc quá sức, đôi
bò của ba tôi dần cũng ốm yếu thấy rõ. Ba tôi xót lắm, ông thường xuyên trở nên
giận dữ, bức xúc; nhất là vào lúc cuối ngày, mỗi khi nhận lại đôi bò với những
vết đòn roi bầm dập trên lưng. Má tôi thì thở dài: - Cứ làm ăn kiểu này, riết rồi người cũng trơ xương, nói chi là bò!...
Ba tôi càng trầm ngâm, lặng lẽ. Tính ông vốn hiền lành, lúc còn cùng đôi bò cày
bừa, kéo xe… ông chỉ quát, quá lắm thì nhịp khe khẽ cái roi trên mông bò chứ
không bao giờ mạnh tay vì sợ chúng đau. Mà đôi bò cũng khôn lắm, chả khi nào
làm trái ý chủ. Nhưng giờ đây chúng không còn là của ông nữa. Ông biết chuyện
thằng X, thằng Y… tính tình cục súc; hay ra sức hò hét, đánh roi đôi bò để cày
kéo cho nhanh được nhiều công điểm. Ông nhắc nhở chúng như nhắc con cháu, chúng
chỉ cười dạ …dạ ... rồi đâu lại vào đấy. Cho đến một ngày, chuyện đau lòng rồi
cũng xảy ra…
Hôm ấy, hợp tác xã phân
công cho thằng Cư, cháu của ông chủ nhiệm hợp tác xã đến nhận đôi bò của ba tôi
để đi cày. Ba tôi vốn không ưa thằng này, không phải vì nó từ bắc vào được ưu
tiên cấp hẳn cho cái nhà của ông xã trưởng cũ bỏ chạy hồi 1975, mà vì nó hay
bốc phét phụ họa với ông chủ nhiệm hợp tác xã mỗi khi họp hành về “thành tựu”
của hợp tác xã nơi quê nó ở miền bắc, chê bai ý thức xã viên ở đây, thỉnh
thoảng lại đả kích chuyện thờ Phật, theo Chúa của mọi người. Cầm tờ giấy phân
công của ông tổ trưởng tổ sản xuất, ba tôi cảm thấy bất an nên chủ ý dặn dò nó
mấy lần nhớ nhẹ tay với đôi bò. Nó cười cười: - Tôi cũng có ý thức giữ gìn tài
sản xã hội chủ nghĩa lắm, ông yên tâm đi… Hôm đó, đến tối mịt thằng Cư mới đem
đôi bò giao trả cho ba tôi. Nó bảo: - Hôm nay cày khai hoang, hợp tác khoán chỉ
tiêu hơi cao nên phải về muộn. Ba tôi soi đèn để nó dắt đôi bò vào chuồng, tôi
chợt nghe ông kêu lên: - Trời ơi là trời…
sao mà mày đánh chúng nó ác dữ vậy? Dưới ánh đèn dầu leo lét, toàn bộ mông,
lưng, vai của đôi bò hằn sâu ngang dọc những vết roi bật rĩ máu. Tiếng thằng
Cư: - Thì đất khai hoang nó nặng, không
đánh thì cày sao đạt chỉ tiêu? Ba tôi nói: - Mày là thằng ác nhơn thất đức, mày đánh như vầy thì bò nào sống nổi?.
Nó trả treo tỉnh queo: - Nó sống không nổi thì làm đơn xin xẻ thịt, bò của hợp tác
chứ bò gì nhà ông mà ông điêu thế. Kéo cày mà không cho đánh thì để mà thờ à... Chưa dứt câu liền có
tiếng loảng xoảng, thì ra ba tôi quăng mạnh cây đèn dầu vào thằng Cư, may mà nó
né kịp, cây đèn rơi xuống nền xi măng vỡ tan. Lửa bùng lên soi tỏ gương mặt đỏ
bừng giận dữ của ba tôi. Ông chụp lấy cây cuốc máng trên vách chuồng bò, nhưng
thằng Cư đã nhanh chân bỏ chạy. Ra khỏi tầm nguy hiểm, nó còn cố nói vọng lại:
- Địt mẹ, thằng này nể ông già cả đấy
nhé, đừng tưởng ở xa tới rồi dễ bắt nạt nhé…
Chưa bao giờ tôi thấy ba
tôi giận dữ đến vậy, kể cả lần ông cho tôi no đòn vì nghe lời đám bạn xúi dại
lượm lựu đạn Mỹ đi ném cá suýt chết cả đám. Rồi rất nhanh, ông thất thần đổ gục
trước đôi bò. Ông ôm đầu chúng khóc không thành tiếng, nước mắt tưởng như không
còn của người đàn ông đã chai sạn vì từng trải qua và sống sót sau cuộc chiến
tranh dài đăng đẳng bổng bật tuôn trào trong tiếng nấc nghẹn. Hai tay ông run
rẩy từng hồi với tột cùng uất ức, bất lực. Đôi bò dường như hiểu được tình cảm
của ông, chúng dụi đầu vào tay, vào mặt ông liếm láp. Và đôi mắt chúng cũng ướt
đẫm, nước mắt đớn đau nối nhau thành dòng rơi vào đêm đen thăm thẳm…
*
NHỤY GIALAI (tên thật: Phạm Văn Nhụy)
Địa chỉ: Số 177, đường Phạm Văn Đồng,
thành phố Pleiku, tỉnh Gialai
Email: nhuygialai@gmail.com
.
.
…………………………………………………………………………
- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 07.10.2020
- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét