SỰ
HẤP DẪN CỦA
‘ĐÀN BÀ VÀ THƠ’
*
ĐÀN BÀ VÀ THƠ
Sự hấp dẫn của đàn bà
trước tiên là nhan sắc chứ không phải đức hạnh.
Sự hấp dẫn tiếp theo của đàn bà
là tài hoa chứ không phải riêng nhan sắc.
Sự hấp dẫn làm nên chất của đàn bà
là đức hạnh chứ không phải chỉ nhan sắc và tài hoa.
Nhưng cái hấp dẫn nhất của đàn bà
không phải cả ba điều trên mà là sự rung động bí ẩn
của đối tượng trước người đàn bà đó.
Điều ấy có đúng với thơ không?
*.
NGUYỄN HÀN CHUNG
LỜI BÌNH:
Bài thơ đưa ra quan niệm về sự hấp dẫn của đàn bà, để từ
đó nói về sự hấp dẫn của thơ – nhưng cái hấp dẫn đầu tiên hình như lại là tính
gây hấn, thách đố đến từ chính những phủ định nối tiếp của tứ thơ! Bài thơ có
lẽ ít nhiều liên quan tới quan niệm của Xuân Quỳnh trong đề thi tuyển sinh
chuyên Văn lớp 10 của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc
gia Hà Nội: “Thơ đối với cuộc sống ví như
một người con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc,
nhưng cái để sống với nhau lâu dài lại là đức hạnh”, theo đó, nhan sắc và
đức hạnh được hiểu là ẩn dụ cho hình thức ngôn từ, giọng điệu và nội dung xúc
cảm, tư tưởng của thơ.
Bài thơ 10 câu chia thành năm phân đoạn, mỗi phân đoạn là
một thông điệp, thông điệp sau phủ định một phần thông điệp trước nhằm bổ sung
thêm ý tưởng, cứ thế, như thách đố, như giỡn đùa, đặng tới chặng thứ tư, phủ
định tất cả và đưa ra thông điệp cốt yếu, và tới câu cuối, chặng cuối, người
đọc mới nhận ra, mỉm cười: à ra nhà thơ ổng nói về thơ!(Tác giả Trịnh Thu Tuyết)
Quan niệm “Sự hấp
dẫn của đàn bà trước tiên là nhan sắc/ chứ không phải đức hạnh” thực ra
không mới so với suy nghĩ của Xuân Quỳnh khi bà cho rằng: “… cái để cho người ta làm quen là nhan sắc”
– nhan sắc xưa nay vẫn được gửi vào chữ “dung”, một trong tứ đức của người phụ
nữ, là gương mặt, ánh mắt, nụ cười, là làn da, vóc dáng…, là những cái thuộc về
thể chất bên ngoài – và quả thật, đó dường như luôn là yếu tố đầu tiên khả dĩ
thu hút cái nhìn của những người chỉ quan sát đơn thuần bằng mắt! Cũng như vậy,
nếu coi “nhan sắc” là yếu tố hình thức của thơ thì một bài thơ sẽ hấp dẫn người
đọc trước tiên vì những du dương, dìu dặt, bay bổng, lấp lánh của ngôn từ,
giọng điệu…, dù trong thực tế, chẳng mấy ai hiểu và yêu thơ mà lại đọc thơ theo
cách phân loại cơ học, cực đoan tới mức siêu hình, tách rời giữa hồn và xác,
giữa hình thức ngôn từ và nội dung tư tưởng, tình cảm như vậy! Nhưng dù sao,
yếu tố ngọt ngào, sang và sáng… của ngôn từ, giọng điệu cũng sẽ là sự mời gọi
đầu tiên với người đọc, dẫu đó chưa phải là tất cả “hình thức”, bởi rất khó dẫn
dụ người đọc dấn sâu hơn vào một bài thơ mà ngay từ hình thức đã trúc trắc, ngô
nghê, sai sót, ngọng nghịu hay rẻ tiền; cũng như sẽ khó có sự thu hút ánh nhìn
đầu tiên bởi sự phản cảm nào đó về ngoại hình của người đàn bà (dẫu sự phản cảm
hay gợi cảm trong hình thức của thơ và ngoại hình của người đàn bà tuyệt đối
không đơn thuần do ngôn từ hay nhan sắc, nhưng điều đó nói sau!)…
Và cũng chính vì cái “nói sau” đó mà nhà thơ tiếp tục đẩy
tứ thơ tới phân đoạn thứ hai, khi đưa thêm tiêu chí “hấp dẫn” mới đồng thời với
việc phủ định sự độc tôn của tiêu chí cũ: “Sự
hấp dẫn tiếp theo của đàn bà là tài hoa/ Chứ không phải riêng nhan sắc”!
Nếu “tài năng” cho thấy trí tuệ và năng lực xuất sắc trong một lĩnh vực bất kỳ
nào đó thì “tài hoa” nghiêng nhiều hơn về lĩnh vực của nghệ thuật, của cái đẹp…
Và đó quả thật là tiêu chí có sức dẫn dụ đầy ma mị, rất khó chống đỡ bởi cả đàn
bà và thơ đều là hiện thân của cái đẹp, đều gợi tới cái đẹp, đều khiến người
quan sát, chiêm ngưỡng hoặc chiếm lĩnh có cảm giác thăng hoa khi chinh phục
được cái đẹp. Nếu “nhan sắc” là hình xác thì “tài hoa” mới chính là hồn vía của
cái đẹp thực sự – so sánh nào cũng khập khiễng, nhưng tôi vẫn hay nghĩ tới
những bông hoa giả tinh xảo, rực rỡ, hữu sắc vô hương, chỉ có hình xác mà không
có hồn vía, chỉ có thể thỏa mãn những nhu cầu khá dễ dãi của thị giác mà không
tạo mê đắm của thưởng thức như với những cánh hoa đẫm đìa hương sắc dẫu mang vẻ
đẹp đầy nhân tính của sự sớm nở tối tàn! Và nữa, nếu sự hiển lộ tư chất thông
tuệ tài hoa làm nên sức hấp dẫn tự thân của người đàn bà thì chính tài hoa nghệ
sĩ mới là yếu tố quyết định làm nên “nhan sắc” – hình thức của thơ.
Sau kỳ thi tuyển sinh chuyên Văn lớp 10 của trường Đại
học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi từng nói về điều
này (xin trích một vài đoạn): “Nhan sắc
hay vẻ đẹp của người con gái cũng như hình thức nghệ thuật của một bài thơ,
tuyệt đối không phải “nước sơn” bên ngoài gỗ. Hai chữ “nhan sắc” nhiều khi bị
mặc định là vẻ đẹp ngoại hình, nhưng không thể coi là đẹp với một cô gái mặt
đẹp, dáng chuẩn, nhưng quần áo lố lăng, phấn son lòe loẹt, ăn nói dung tục, cử
chỉ thô phàm! Cho nên, vẻ đẹp của một cô gái không dừng lại trong một khuôn mặt
hay dáng người, mà là sự thống nhất, hài hòa giữa vẻ đẹp ngoại hình, lời ăn,
tiếng nói, trang phục, cử chỉ, hành động… với vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ; và sự
thống nhất, hài hòa không phải dấu cộng của các yếu tố mà là sự thể hiện ra bên
ngoài vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn,văn hóa, trí tuệ […]. Theo đó, khái niệm
“nhan sắc” trong quan niệm của Xuân Quỳnh về hình thức nghệ thuật của thơ tuyệt
đối không thể coi đó chỉ là sự lấp lánh, du dương của ngôn từ, nhạc điệu mà chủ
yếu là sự đắc địa trong khả năng biểu đạt, biểu cảm, và vì vậy, đó là một thứ
hình thức chứa nội dung, hình thức biểu hiện nội dung. Câu thơ đẹp không phải
vì ngôn từ hay giọng điệu hoa mỹ, câu thơ đẹp là câu thơ thể hiện đúng, trúng,
sâu, hay… trạng thái tâm hồn của con người. Và khả năng thể hiện được cái thế
giới bên trong mong manh, vô hình, vô lượng ấy là chính là nhờ vào tài hoa của
nghệ sĩ”!
Ví dụ, trong câu thơ “Cậy
em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị, lạy, rồi sẽ thưa”, khi đọc câu 8 với
nhịp ngắt bất thường 4/1/3, thậm chí là 4/1/1/2 thay thế cho nhịp chẵn êm đềm
của thơ lục bát, chúng ta có thể nhận ra cái ngập ngừng, khó nói, cái sự “Hở môi ra cũng thẹn thùng” của người chị
đang sắp nhờ cậy em gái một trong những việc khó khăn nhất của đời người đàn
bà. Nhịp ngắt đã trở thành yếu tố hình thức giúp biểu hiện những nỗi niềm tâm
sự của người con gái bất hạnh: nói ra vừa đau lòng vì viễn cảnh người mình yêu
ở bên người đàn bà khác (dẫu em gái thì cũng vẫn là người đàn bà khác!), vừa
ngại ngùng với em bởi sự ích kỉ cố giấu trong lòng chị, nỗi gượng ép sẽ đi theo
em tới hết cuộc đời… Đây là dẫn chứng cho thấy tài hoa của thi nhân đã hiển lộ
thành cái “nhan sắc” say người cho tác phẩm của họ.
Trở lại với phân đoạn thứ ba của bài thơ: “Sự hấp dẫn làm nên chất của đàn bà là đức
hạnh/ Chứ không phải chỉ nhan sắc và tài hoa”! Với phủ định lần thứ ba, tứ
thơ đã mang tới cho người đàn bà một tiêu chí hấp dẫn mới trong khái niệm “đức
hạnh” – đó là chữ cuối cùng trong tứ đức công dung ngôn hạnh; là yếu tố căn cốt
neo giữ giá trị cho người đàn bà theo quan niệm xưa, bởi dù làm giỏi (công),
nói hay (ngôn), mặt đẹp (dung), giá trị của họ cũng bằng không nếu không tròn
chữ “hạnh” – và nếu chữ “hạnh” ngày xưa gắn với đạo tam tòng thì ngày nay, đó
là sự thống nhất, hòa quyện hài hòa vẻ đẹp của nhân cách, tâm hồn, trí tuệ.
Nếu liên tưởng tới thơ, phải chăng “đức hạnh” của thơ
cũng chính là sự tử tế, nhân văn được gửi gắm trong nội dung tư tưởng, tình cảm
hoặc dâng trào, hoăc đằm lắng trong câu thơ, ý thơ, bài thơ? Và nếu theo quan
niệm của Xuân Quỳnh, “nguyên nhân tạo nên sức hấp dẫn của thơ, sẽ tách thành
hai cấp độ, tầng bậc, quá trình – người đọc thường bị “sét đánh” bởi “nhan sắc”
– vẻ đẹp bên ngoài của cái biểu đạt, và sẽ ngấm, sẽ thấm, sẽ yêu lâu dài bởi “đức
hạnh”, có thể coi là vẻ đẹp của cái được biểu đạt […] Tuy nhiên nếu hiểu “nhan
sắc” là vẻ đẹp của thơ thì vẻ đẹp ấy sẽ không thể tách khỏi “đức hạnh” – bởi
thực tế, chúng ta không thể tách rời hai yếu tố hình thức nghệ thuật và nội
dung tư tưởng, tình cảm của thơ, khi chúng gắn kết hữu cơ với nhau như mối quan
hệ giữa “tâm hồn và thể xác”
(Bielinxki)… Đã có một thời, chúng ta còn cực đoan, thiên lệch, chỉ quan tâm
tới “đức hạnh” của thơ mà bỏ bê “nhan sắc”; chỉ mang những chủ trương, những
đường lối tư tưởng làm khuôn mẫu, tiêu chí xét đoán “phẩm hạnh”, giá trị của
một bài thơ, phủ nhận không thương tiếc nếu bài thơ lạc ra ngoài khuôn tư
tưởng, tình cảm thời đại; chính vì coi trọng cái được coi là “đức hạnh”, phẩm
hạnh thuần túy, nhiều khi thô kệch, gượng ép, không nhận ra hình thức của thơ
là hình thức của nội dung nên có thời, chúng ta đã lẫn lộn thơ/vè tuyên truyền
với thơ ca nghệ thuật; chỉ lo “tải đạo/ ngôn chí” mà quên tính thẩm mỹ đặc thù
của phương tiện chuyên chở”.
Tuy nhiên, nếu bài thơ chỉ dừng ở đây, nó sẽ không góp
thêm điều gì mới hơn so với quan niệm ngắn gọn của Xuân Quỳnh, nhưng sự phủ
định cuối cùng đã xuất hiện, tạo ra tứ thơ, tạo nên sự mới mẻ, tạo bất ngờ thú
vị cho người đọc:
“Nhưng cái hấp dẫn nhất của đàn
bà
không phải cả ba điều trên mà là
sự rung động bí ẩn
của đối tượng trước người đàn
bà đó.”
Có cảm giác khi lần lượt đưa ra các tiêu chí làm nên sự
hấp dẫn của đàn bà theo sự tăng tiến phù hợp với quy luật tâm lý và đạo lý, đó
là nhan sắc, tài hoa, đức hạnh…, tác giả thực chất chỉ nhằm tạo đòn bẩy để bất
ngờ phủ định ưu thế của tất cả những tiêu chí đó, đưa ra một tiêu chí mới, rất
gần với quan niệm của Kant: “Vẻ đẹp không
nằm ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình” – sự
hấp dẫn của người đàn bà là do “sự rung động bí ẩn của đối tượng trước người
đàn bà đó”! Vậy hóa ra sự hấp dẫn không hẳn thuộc về cái bên trong hay bên
ngoài, hình thức hay nội dung của bản thân người đàn bà hay bài thơ, sự hấp dẫn
nằm ở “sự rung động bí ẩn” không thể cắt nghĩa của người chiêm ngưỡng, tiếp
nhận, chinh phục, chiếm lĩnh… khi đứng trước đối tượng thẩm mỹ – cả đàn bà và
thơ!
Và hóa ra nguyên nhân lớn nhất làm nên sự hấp dẫn của đối
tượng nhiều khi lại vượt ra ngoài mọi lý do có thể cắt nghĩa theo cách duy lý
xưa nay, một cái gì đó gây bất ngờ chấn động sâu xa tự tiềm thức, theo cái dẫn
dụ kỳ lạ của trực cảm, không quy luật, không lý lẽ, không logic, và không thể
chống đỡ!
Trong bài Sóng, Xuân Quỳnh cũng đã lý giải sự
không thể lý giải của tình yêu trong một câu thơ “đàn bà” nhất, duy cảm nhất: “Em cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau”
– đây cũng là một qui luật phổ biến trong tình yêu: trực cảm thường đến trước
lí trí, thậm chí dẫn dắt và chi phối lí trí; và chính sự bí ẩn của trực cảm lại
là yếu tố tạo nên nét quyến rũ nhiều khi không thể cưỡng lại của tình yêu; hơn
nữa khi con người không thể lí giải nổi tình cảm của mình thì cũng là lúc họ
đang sống thật nhất với những xúc cảm vô tư, chân thành, trong sáng của tình
yêu – chỉ có sự bí ẩn không thể lý giải của rung động mới lý giải được sự hấp
dẫn kỳ lạ của một người đàn bà có thể không hiển lộ đồng thời cả nhan sắc, tài
hoa, thậm chí đức hạnh; cũng như lý giải sự rung động sâu xa khi ta đọc một tứ
thơ giản dị có thể không hiện hữu những giá trị thông thường về nội dung hay
nghệ thuật!
Ví như từ lần đầu tiên đọc bài Qua nhà của Nguyễn
Bính, tôi đã không thể quên được hai câu kết hầu như không có những phép tu từ
quá độc đáo hay những yếu tố biểu cảm, những hình ảnh đặc sắc có thể khiến
người đọc lập tức bị ấn tượng, chỉ là hai câu thơ miêu tả có vẻ rất thực, rất
quê, rất đời: “Giếng thơi mưa ngập nước
tràn/ Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”, vậy mà mấy chục năm qua, tôi vẫn
chưa bao giờ thấy bình yên khi đọc hai câu thơ rất bình yên ấy, cứ luôn cảm
thấy như đang ngơ ngác giữa không gian mênh mang, thênh thang, hoang phế, trống
trải, nhạt nhẽo, lạnh vắng tới se lòng ấy!
Hay trong bài hát Trịnh “Có một dòng sông đã qua đời”,
rất nhiều câu, nhiều tứ hay, độc đáo, nhiều so sánh thật rạo rực, hân hoan về
“lòng như khăn mới thêu”, nhưng chỉ có một so sánh khiến lần nào nghe tôi cũng
bâng khuâng, xa xót, ngẩn ngơ bởi cảm giác lạc giữa không gian núi rừng vắng,
lạnh, buồn heo hút, đó chính là một so sánh bình dị: “Có người lòng như nắng qua đèo”… Nhiều khi tôi cũng tự tìm hiểu
trong cõi sâu tiềm thức, ngõ hầu phát hiện mối liên hệ bí ẩn nào đó giữa nỗi
buồn xao xác trong lòng mình với ánh nắng chiều nhạt tênh, dẫu trong gian nhà
trống hay lưng đèo muộn…, mà không thể tìm ra, đành chỉ tự nghĩ, đó là mối liên
hệ bí ẩn nào đó, có lẽ tự kiếp trước…! Nhưng quan trọng là tôi hiểu một điều,
như trong phân đoạn cuối của bài thơ, sự hấp dẫn, dù của đàn bà hay thơ, cơ bản
đều xuất phát từ “sự rung động bí ẩn” của đối tượng bên ngoài người đàn bà, bên
ngoài bài thơ – phải chăng đó là sự bắt gặp kỳ lạ của trực cảm luôn bí ẩn với
chính họ. Và vì không thể cắt nghĩa, nên chúng ta chỉ có thể tuân theo sức mạnh
ghê gớm của trực cảm, bất tri lý! Để tình yêu thực nhất không bao giờ cần lý
giải, bởi yêu là lý do của tình yêu!
*
Hà Nội, 14 tháng 8 năm 2020
TRỊNH THU TUYẾT
Địa chỉ: số nhà 73, đường Nguyễn Trãi,
quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội.
Email: trinhthutuyet59@gmail.com
.
........................................................................................
- Cập nhật từ email: tahongtruong@yahoo.com.vn
ngày 29.10.2020
- Bài viết không thể hiện quan
điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ
nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét