QUỸ ĐẠO MỚI - KHI NGƯỜI TÀU
VƯƠN RA KHỎI MẶT ĐẤT
*
“Tám giờ sáng nay, giờ Hà Nội, Thần Châu 5, tàu không
gian đầu tiên của quốc gia đông dân nhất thế giới đã cất cánh… Ðẩy phía bên
dưới con tàu là tên lửa Trường Chinh II F. Chuyến bay của Thần Châu… đưa
Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới đưa được con người ra khỏi
bầu khí quyển trái đất, sau Liên Bang Sô Viết trước đây và Mỹ.”
(VNExpress, 15/10/2003)
Chuyện kể rằng ở thời nhà
Minh ở thế kỷ 15, có một học giả nổi tiếng Trung Hoa tên là Vương Dương Minh
(Wang Yangming) đã bỏ ra bảy ngày đêm để nhìn vào một cây măng nhằm hiểu về nó.
Cuối cùng ông đã bị ngã bệnh và tuyên bố rằng sự nghiên cứu nhằm thông hiểu về
thế giới khách quan chỉ có thể đạt được khi cá nhân trở về lại quán chiếu đời
sống nội tâm. Một sử gia thiên nhiên của triều đại nhà Thanh, Lưu Hiến
Đình (Liu Xianting) cũng đã viết trong tinh thần tương tự, “Ta có nghe nói rằng
một miếng sắt có thể ngăn cản một khúc nam châm khỏi hấp lực một miếng sắt khác
và đã bày ra thử nghiệm để xác nhận điều đó. Tuy nhiên, đó là việc không cần
thiết bởi vì những thử nghiệm như thế chỉ đưa đến những sự thật nhỏ nhoi.
Ta cũng nghe nói rằng củ tỏi có thể ngăn cản cục nam châm khỏi hấp lực một
miếng sắt. Ta cũng chưa hề thử nghiệm điều này.”
Ðây có thể là những chuyện nhỏ của lịch
sử Trung Hoa, nhưng chúng nói lên một thảm kịch lớn của tinh thần trí thức của
người Tàu, vốn nằm ngủ trong học thuyết và truyền thống Khổng Mạnh, để rồi bỏ
lỡ nhiều cơ hội cách mạng khoa học cho nền văn minh cổ đại lớn lao này. Ðối với
người Trung Hoa thời đó, mọi quy trình thực nghiệm (empirical experimentation)
đều vô ích. Vì thế, khoa học của người Tàu vẫn còn ở lại với trình độ thủ
công và thực dụng, không có nền tảng bằng chứng thực nghiệm để vươn lên tới
chiều cao lý thuyết.
Cũng ở thời gian đó thì ở Âu Châu một
cuộc cách mạng khoa học đang trỗi dậy như cơn thuỷ triều. Khi mà Vương
Dương Minh ngồi nhìn cây măng, thì ở Ý, Leonardo da Vinci (1452-1519) đang vẽ
nàng Mona Lisa với nụ cười bí mật đồng thời thực hiện những thí nghiệm phẫu
thuật về cơ thể con người và thiết kế những máy móc gia dụng khác. Vinci
tuyên bố rằng khoa học chỉ là vô dụng và đầy những phi lý nếu nó không được
minh xác bằng con đường thực nghiệm. Ðó là quan điểm chung của giới trí thức
khoa học Âu Châu đương thời – một lập trường tri kiến phát xuất từ siêu hình
học Aristotle. Cùng lúc này, Ferdinand Magellan vừa hoàn tất chuyến viễn
hành vòng quanh địa cầu lần đầu tiên, Paracelsus khám phá ra hóa học y khoa,
còn Copernicus và Vesalius đã đem một cách mạng mới về vũ trụ quan và khoa học
- thuyết Heliocentrism - với hai đại tác phẩm De revolutionibus
Coelestium và De humani corporis fabrica.
Ngoài sự khác biệt về vũ trụ quan và
nhân sinh quan, thì có một sự phân định quan trọng cho lý do tại sao mà cuộc
cách mạng khoa học đã được khởi sinh ở Âu Châu thay vì ở Trung Hoa: sự độc tài
của các cơ chế xã hội. Sở dĩ khoa học được tung cánh ở Âu Châu vào thời
đó là nhờ sự xuống dốc của quyền lực giáo hội La Mã – vốn đã đè nén năng lực
trí thức Tây Âu suốt mười lăm thế kỷ – sử ký gọi là “thời đại bóng tối” (the
Dark Age). Cho đến khi sự độc tôn trí thức bởi giáo quyền đi vào thoái trào,
thì cây cổ thụ khoa học của nhân loại được vươn lên ngay ở Âu Châu.
Trong khi đó, ở Trung Hoa, dù trí thức
không bị áp chế bởi một giáo hội nhưng họ lại bị nghiêm trị bởi các cơ chế
chính trị vương quyền. Mọi triết học và lý thuyết khoa học đều nhấn mạnh
đến sự biện minh cho chính thống tính của Thiên tử và trật tự vương quốc liên
hệ. The Dark Age của chính trị Trung Hoa vẫn còn tiếp diễn
cho đến ngày hôm nay.
Trên một phương diện khác, Trung Hoa
mang một gánh nợ thứ hai không kém nặng nề và phản tiến bộ. Ðó là một truyền
thống bản thể luận thiếu minh bạch. Trong lúc khoa học Tây phương đang
vươn lên không gian bao la thì người Tàu vẫn còn bị dính chằng chịt vào một hệ
thống vật luận (metaphysics) huyền bí và mơ hồ. Khâu Nhân Tông (Qiu
Renzong), giáo sư triết ở Bắc Kinh, đã viết, “Các hiện tượng đa dạng của vũ trụ
đã chỉ được hiểu (bởi người Tàu) với những hệ thức (schemes) như là Âm-Dương,
Nhu-Cương… Trong khung thức Âm-Dương, Nhu-Cương, những hệ thống vũ trụ
luận đại thể (holistic cosmic systems) được thiết lập, mà trong đó, sự phân
biệt giữa hiện tượng thiên nhiên và những vấn đề xã hội vốn trở nên rất lu mờ.
Hai hệ thống đại thể Âm-Dương và Nhu-Cương này được coi như là nền tảng của
thiên văn học và là một bí thuật, không thể bị chứng minh là sai – do vậy mà
không được thay đổi cả hàng ngàn năm.”
Hãy tưởng tượng rằng một Hi Lạp mà siêu
hình học bị dừng lại ở Plato – và Aristotle không bao giờ xuất hiện. Ðó là
trường hợp của Trung Hoa. Sau Khổng Tử – mà triết học rất gần với Plato –
không còn có một triết gia tầm cỡ nào phủ định và vượt qua ông cả. Từ đó,
nền tảng bản thể học và vũ trụ luận của người Tàu bị đông lạnh. Chúng trở
nên cơ sở biện minh cho chính thống chính trị vương quyền Trung Quốc suốt cả
chiều dài lịch sử của họ – cho đến ngày người Cộng sản đứng lên làm lịch sử với
biện minh nhân dân và giai cấp mới. Tuy nhiên, dù Marx hay không Marx, bản
chất đế quyền của người Tàu vẫn không hề thay đổi: khép kín, độc tài, cưỡng
chế, bạo lực. Chính trị Cộng sản chỉ là một chiếc bình mới cho một chất
rượu văn hóa chính trị cổ đại mà người Tàu cho đến bây giờ vẫn còn đang bị đóng
khung.
Con người và văn hóa Trung Hoa mang nặng
tính bảo thủ, cố chấp, và bản địa. Tính dân tộc của họ rất là cao – nhiều
khi đến độ không cần thiết. Thế hệ ngườì Hoa thứ hai, thứ ba, sinh ra ở
các quốc gia khác, như ở Mỹ hay ở Việt Nam, vẫn coi Trung Hoa là “mẫu quốc” và
vẫn cho mình là người Hoa. Có thể nói rằng vì tinh thần văn hóa này mà
người Hoa đã kiến lập một vũ trụ luận sai lầm. Khi Alexandre de
Rhodes đến truyền giáo ở Trung Hoa vào những thập niên đầu của thế kỷ 17, ông
đã có lần viết, “Người Trung Hoa tưởng đất nước của họ là tất cả những gì đẹp
nhất cõi đất. Họ bỡ ngỡ khi nhìn vào bản đồ của ta (Pháp), cho thấy nước
họ chỉ nhỏ bé so với toàn quả địa cầu. Họ có bản đồ của họ, họ vẽ trái
đất vuông, Trung Quốc ở giữa (vì thế mà gọi là Trung Quốc), biển ở dưới với mấy
đảo nhỏ, một đảo là Âu Châu, đảo khác là châu Phi, đảo khác nữa là Nhật
Bản. Do đó, chúng tôi cho họ biết họ chẳng thông thái gì hơn chúng tôi.”
Ðã mấy ngàn năm, trong vòng ảnh hưởng
của văn hóa chính trị trưởng thượng với một vũ trụ luận giới hạn và thuần bản
địa của người Tàu mà lịch sử Việt Nam quay theo. Dân tộc và lịch sử Việt
chỉ như là một chiếc bóng xoay vần theo một cái trục lớn, chắc nịch, đầy thành
kiến của ý thức và tâm hồn của người Tàu. Con người và văn hóa Việt Nam
chỉ là những mẫu sao chép thiếu khả năng và vụng về từ các nguyên bản Trung Hoa.
Cho đến giờ phút này.
Khi con tàu Thần Châu phóng cao lên
không gian để vươn ra khỏi bầu khí quyển của trái đất, trên phương diện biểu
tượng, thì đây là lúc mà văn minh Trung Hoa vừa vươn thoát khỏi chính mình –
cái vòng kiềm toả của tính dân tộc, tính bản địa, tính lịch sử và vũ trụ luận
cổ đại nay đang được bùng vỡ. Vỏ trứng gà của văn hóa thượng cổ đã không
còn đủ sức mạnh biện minh nuôi dưỡng một chính thống tính chính trị đã nghịch
thời. Người Hoa hôm nay đã bắt đầu nhận thức ra một thế giới phổ quát và
một vũ trụ luận tương xứng với thời đại. Cơ năng Internet, ý thức pháp
luật, phong trào dân chủ và nhân quyền, khoa học và công nghệ Tây phương – với
những ưu và khuyết điểm của chúng – đang góp phần đưa con tàu ù lỳ Trung Hoa
vào thế kỷ mới. Ðây mới là một “bước nhảy vọt” văn hóa đích thực – dù đã quá
trễ – cho người Tàu.
Sau khi hỏa tiễn Trường Chinh II F
(chính thể) đẩy Thần Châu (ý thức và tinh thần) lên được vào không trung, thì
hỏa tiễn Trường Chinh bị phế bỏ ngay sau đó. Ðây là một biểu tượng ngoạn
mục (và bất ngờ) cho năng lực đào thải thể chế chính trị bằng sự vươn lên của
tinh thần và ý thức – dù là cái thể chế đó đã huy động được nhân tài và vật lực
cho chuyến tàu không gian này. Mấy giờ đồng hồ sau khi vào quỹ đạo ngoài
trái đất, nhìn xuống quả địa cầu tròn trịa và một nước Trung Hoa tương đối nhỏ
bé so với tất cả vũ trụ và không gian, phi hành gia Vương Lợi Vĩ đã thốt lên,
“Hảo thị, hảo thị.” Không biết có phải người không gian họ Vương nhận
thức ra rằng đã đến lúc văn minh và tâm thức Trung Hoa thực sự được giải phóng!
Và nếu Trung Hoa đang vươn thoát ra khỏi
quỹ đạo giới hạn của họ, thì liệu Việt Nam chúng ta cũng đã đến lúc tung mình
ra khỏi quỹ đạo Trung Hoa – và giải phóng ngay cả cái vòng kềm tỏa văn hóa dân
tộc và chính trị đầy bóng tối quá khứ của chính mình?
Mời nhấp chuột đọc thêm:
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 1l
- Đặng Xuân Xuyến
- Cảm nhận thơ văn 2l
Mời nghe AudioBook Chọn Lọc đọc truyện ngắn
CHUYỆN CỦA GÃ KHỜ của Đặng Xuân Xuyến:
*.
Định
cư tại: thành phố San Jose,
Tiểu
bang California, Hoa Kỳ.
Email: liemesq@yahoo.com
.............................................................................................................
- Cập nhật từ email nguyenhung967812@gmail.com
ngày 06.01.2021.
- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được
sưu tầm từ nguồn: internet.
- Bài viết không thể
hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.
0 comments:
Đăng nhận xét