MẢNH HỒN LÀNG
*
Đã thành nếp sống lòng mình, mỗi bận đi xa,
bao giờ tôi cũng tới thắp hương phần mộ cha, mẹ, rồi tới ngồi rất lâu trước nấm
mộ vợ tôi, ngắm hình em khắc trên bia đá sau làn hương mỏng tan vào sắc cỏ bốn
mùa mưa nắng đổi thay. Mùa xuân, những sợi cỏ gà như đang dệt nên tấm thảm xanh
gữa khuôn viên gạch xây cất. Mùa hè cỏ tốt bời bời nom đến nao lòng, tôi phải
rẽ vạt cỏ ra mới cắm được những cây hương lên mộ. Mùa thu cỏ chuyển dần vàng úa
để mùa đông tàn lụi… Mỗi lần như thế tôi lại như đi qua một giấc mơ dài - Thời
gian nhanh quá, mới ngày nào mình còn là cậu bé thơ ngây đầu trần, chân đất.
Sau những buổi học thường tha thẩn dưới những tán cây bóng rợp quanh làng với
cây ná cao su trong tay để rình những chú chim về ăn na, ăn ổi. Mùa trăng hồn
lâng lâng như có cánh bay, tôi lạc vào những mảnh vườn chuối tươi tốt bời bời
ngỡ như có hàng ngàn, vạn cánh buồm no gió đang chở, mặt đất cùng đi!... Rồi
tuổi thơ đi qua lúc nào không hay, rồi chiến tranh khói lửa. Không cầm súng
nhưng tôi cũng phải ra đi biền biệt. Nhớ mãi đêm nước nổi sông Hồng năm ấy, lần
đầu tiên được cầm tay dắt em xuống chiếc thuyền nan nhỏ bé, tôi chèo bơi cho em
đi dạo dưới ánh trăng vàng quanh quất, giữa những vườn tược xóm làng. Bàn tay
chưa ấm trong nhau, những ngày sau đã vội chia xa, để rồi gần mười năm về lại.
Con đường làng mùa rực kén vàng phơi. Những né kén nối nhau tít tắp như những
khung cửa vàng mơ tới chân trời… Tôi về ủ than nhóm lửa cho em ươm tơ kéo sợi.
Cuộc sống chẳng bao giờ hết những toan lo,
vất vả, buồn vui. Với tôi thì thêm lo toan, buồn vui kia lại làm cho mình thêm
yêu thương lắng đọng. Tháng ngày cứ như không đủ cho những người yêu nhau
thương mến, hàn gắn, bù đắp lại những gì đã phải cắt chia… Nhưng tất cả qua
rồi, giờ ngồi bên nấm mộ những người thương yêu của mình chỉ còn lại những bâng
khuâng tiếc nuối đã qua. Tìm đâu thấy lại hình bóng mẹ ngày xưa? Ơi em yêu dấu
ngày xưa giờ thành người thiên cổ! Tôi bàng hoàng nhìn lên cái tán cây gạo cổ
thụ giữa làng, đã sống mấy trăm tuổi, đã chứng nhân cho bao biến thiên cuộc
sống của làng. Đã có bao con người sinh ra, lớn lên yêu dấu cùng mảnh đất này.
Lại cũng đã có bao người cũng từ nơi này đã phải giã từ cuộc đời mình yêu
thương gắn bó… Giờ tới lượt cây. Cái tán lá từng che rợp bóng làng. Có việc đi
xa ngoài nỗi nhớ nhà, nhớ quê, qua gương mặt nụ cười, tôi còn có nỗi nhớ cây!
Tôi gọi cái tán xanh cao vời vợi giữa làng kia là “Mảnh hồn làng”. Khi trở về,
cách làng vài ba cây số đã thấy tán cây kia đứng đợi. Nhất là mùa hoa dâng lửa
đỏ rừng rực. Hay mùa bông gạo nở, rắc màn tơ trắng muốt, bay bay, vương vấn như
thể tơ trời giăng mắc nhớ thương. Một lần thi sĩ Xuân Diệu về chơi, tôi dẫn ông
tới ngắm cây. Xuân Diệu đã trầm trồ trước cái dáng cây cao ngất, gốc chẻ thành
ba mái chèo, làm thân cây càng thêm vẻ lực lưỡng. Nhà thơ nói rằng anh chưa gặp
ở đâu cây gạo cổ thụ to đẹp đến thế! Nhưng than ôi! Cái tán cây xanh ấy cũng đã
ba mùa lụi dần hết lá. Mùa hoa không còn hoa nở gọi bầy sáo tứ phương về ríu
rít quanh cây. Những cành cây đã trụi hết lá như những đốt tay khẳng khiu đang
vẫy biệt trời xanh… Người bảo do mạch nước ngầm ngày thêm cạn kiệt cây không đủ
sống. Lại có người cho rằng cây hết tuổi đang ngày tháng chết dần, lòng tôi sao
khỏi ngậm ngùi khi nhớ lại Xuân Diệu thi sĩ tài hoa một thuở từ lâu cũng đã đi vào
cõi xa xăm…
Có thể làm gì khác được, ngoài tình cảm, mỗi
phút giây đang còn được sống trên đời, giữa những con người, hãy sống, hãy yêu
thương quý trọng nhau hơn. Hãy yêu quý mảnh đất mình đang sống với tất cả lòng
dạ thiết tha tha thiết, để đến lúc phải chấp nhận cái quy luật muôn đời, chia ly
giã biệt, ta có thể mỉm cười thanh thản, nhắm mắt rời xa…
*.
HÀ NGUYÊN
Địa chỉ: 126 Nam Cao, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Email: kstoan12@gmail.com
...........................................................................................................
- Cập
nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 10.12.2020.
- Bài
viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui
lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng
lại.
.
0 comments:
Đăng nhận xét