NGHĨ VỀ CÂU
THÀNH NGỮ
‘HÀ NỘI
KHÔNG VỘI ĐƯỢC ĐÂU’
*
Ở Hà Nội, không biết từ bao giờ
xuất hiện một câu thành ngữ hiện đại “Hà
Nội không vội được đâu” như là một câu châm ngôn, tổng kết, khái quát cung
cách giao tiếp, giải quyết công việc của người Hà Nội, kiểu: "Muốn nhanh thì phải từ từ" đã ám
ảnh người dân thủ đô và người dân cả nước. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ đây là câu nói
tầm phào, kiểu như những câu nói thành ngữ “sành điệu” của giới trẻ nói cho vui
như: Ăn chơi sợ gì mưa rơi; Dở hơi biết bơi; Ngất ngây con gà tây; Bộ đội phải
chơi trội; Đẹp trai nhưng hai phai…. Mãi sau này, khi đọc các bài viết của
nhiều tác giả về Hà Nội và trong giao tiếp với người Thủ đô tôi mới biết câu
nói này là có “vấn đề”. Tôi đã tổng kết lại và có thể hiểu câu thành ngữ “Hà Nội không vội được đâu”, theo ba
nghĩa sau đây:(Tác giả Đỗ Huy Tấn)
Thứ nhất: Câu nói “Hà Nội không vội được đâu” phản ánh một thực trạng mang đặc thù của
thủ đô Hà Nội như: Chuyện tắc đường thường xuyên xảy ra. Trong một rừng xe rừng
người chen chúc, bỗng nhiên có một ai cứ muốn lách lên trên để đi trước. Sẽ có
người trong đám đông nhắc nhở: “Thôi anh
bạn đừng cố vượt lên vô ích. Anh không thấy “cả làng” người ta đều đứng chờ
thông đường hay sao “Hà Nội không vội được đâu”. Khi trời mưa, đường
sá ngập nước, nhiều xe chết máy, gây ùn tắc. Nhiều người cũng bảo nhau rằng: “Hà Nội không vội được đâu”. Vụ nắn đường
Trường Chinh từ thẳng thành “đường cong mềm mại” người ta cũng nói “Hà Nội không vội được đâu”…
Thứ hai: Đây là câu nói như “nhắc nhở”
mọi người, phải bình tĩnh và biết kiên nhẫn trong việc giải quyết mọi vấn đề
như: Chuyện lo giấy tờ, thủ tục cho một việc nào đó, ví dụ chuyện xin cho con
học ở trường tốt hơn, chuyện mua nhà, mua đất…, chuyện nào cũng phải tìm hiểu
cách thức, quy trình, “chi phí” để mà lo cho trọn. “Đất có lề, quê có thói”; “Phép
vua thua lệ làng” mà.
Như vậy, có thể là: “không vội được” trong câu nói “Hà Nội không vội được đâu” mang hàm
nghĩa với hoàn cảnh hiện tại của Hà Nội, chuyện muốn làm nhanh một việc gì đó
theo ý mình là khó thực hiện, cần phải chọn cách giải quyết sao cho được việc.
Bởi thế mới có chuyện “phong bì lót tay”
thành thứ lệ bất thành văn, mà nó như chuyện ngày thường người dân Hà Nội tự
chấp nhận là “Cái Hà Nội mình nó thế!”.
Giao thông không vội được; thủ
tục hành chính không vội được; thực phẩm bẩn lan tràn không vội được; khám
chữa bệnh tất nhiên cũng không vội được. Sắp chết cũng không vội được; chết rồi
quy trình cấp giấy chứng tử vẫn phải một ngày, nay không kịp an táng thì để
mai, không vội được đâu; …
Thứ ba: Câu thành ngữ “Hà Nội không vội được đâu” không hẳn chỉ
mang sắc thái kém tích cực như vậy. Vẫn còn một nghĩa nữa rằng không giống như
nhiều địa phương khác, Hà Nội có những nét riêng, được coi là hay, là tốt, là
truyền thống nằm trong ý thức văn hóa của người kinh đô Thăng Long xưa. Chẳng
thế mà người Hà Nội thường hay nói tới câu ca dao xưa với vẻ đầy tự hào:
“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch cũng người
Tràng An”
Cái nét riêng ấy của người Thủ
đô Thăng Long – Hà nội được thể hiện như: Người Hà Nội khi làm, khi ăn, khi vui
chơi, khi giao tiếp... dường như bất kể lúc nào, với ai, ở đâu cũng không ồn
ào, ầm ĩ, vội vàng, vồ vập... Dù có vui, có buồn, có mong mỏi, sốt ruột đến mấy
cũng cứ nhẹ nhàng, từ tốn, khoan thai. Không biết có phải cái cung cách ấy,
phong thái ấy nó ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu đậm vào quan hệ ứng xử, kể cả trong
giải quyết công việc nơi cơ quan công sở ở Hà Nội hay không mà ai vội mặc ai,
mới có sự vô cảm “Dân cần nhưng quan
không vội” như bây giờ. Công chức, viên chức Hà Nội ngại chịu trách nhiệm
cá nhân, dễ đùn đẩy, đánh võng, né tránh, thậm chí là để gây khó khăn, vòi vĩnh
người có việc. Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác cán bộ khi làm sai không
chịu nhận sai mà cãi nhem nhẻm tìm đủ mọi lý do, mọi cách biện minh để bảo vệ
mình. Những chuyện xẩy ra mới đây ở Hà Nội làm dư luận rất bức xúc: Như vụ nữ
Phó chủ tịch quận Thanh Xuân đi ăn bún ngang nhiên bất chấp luật pháp, đỗ xe
sai quy định lại còn "lạm quyền", hống hách, coi thường dân, ứng xử
vô văn hóa; Vụ xin giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa, con gái “hành
trình” gian nan đi đến 6 lần mới làm được giấy khai tử cho bố. Quá bức xúc chị
phải lớn tiếng thì bị nữ Phó chủ tịch phường xúc phạm: “Chị ra ngoài ngay. Tôi gọi bảo vệ và công an vào bây giờ.... Đồ vô văn
hóa”. Quả thật đây là sự hống hách, cửa quyền, khinh dân và vô cảm đến nhẫn
tâm! Một xã hội mà tốt đẹp, văn minh thì không bao giờ có công chức, viên chức
hư hỏng đến mức này.
Tôi không phải là người Hà Nội,
nhưng rất mong câu nói "Hà Nội không
vội được đâu" sẽ không còn đúng nữa. Hà Nội nơi “khí thiêng” hội
tụ, nơi “tinh hoa” chen chúc, phải phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xứng
đáng là trái tim của cả nước. Nếu cố hữu quan niệm “không vội” nghĩa là cứ chờ, là cứ giữ nguyên như cũ, không
vội là dẫu có sai thì cũng chưa cần sửa, hoặc đổi mới thực chất chỉ là
để sửa sai cái cũ trước đó…, thì đất nước bao giờ mới chịu lớn, bao giờ mới
không còn bú mớm? Một điều nguy hiểm nhất của “không vội” là làm cho đất nước tụt hậu và nghèo đói, là chấp nhận
trở thành kẻ đi sau và biến đất nước thành bãi rác cho kẻ đi trước xả
thải.
*.
ĐỖ HUY TẤN
Địa chỉ: Thôn Thượng Đáp, xã Nam Hồng,
huyện Nam
Sách, tỉnh Hải Dương.
........................................................................................
- Cập nhật
từ email: datinh_1974@yahoo.com ngày 29.11.2020.
- Bài viết
không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.
- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..
0 comments:
Đăng nhận xét