TÌNH YÊU CỦA CẶP ĐÔI THÚY VÂN - KIM TRỌNG - Tác giả: Lê Thanh Long (Hà Nội)

Leave a Comment

 

TÌNH YÊU CỦA CẶP ĐÔI

THÚY VÂN - KIM TRỌNG

*

(Tác giả Lê Thanh Long)

Trương Nam Hương có bài thơ “Tâm sự nàng Thúy Vân” viết rất hay. Trong bài thơ có bốn câu đóng chốt quan điểm của Trương Nam Hương: “Chị yêu lệ chảy đã đành/ Chớ em nước mắt đâu dành chàng Kim” và “Giấu đầy đến nỗi khát khao/ Kiều ơi, em đợi kiếp nào để yêu?”

Rất nhiều bài viết khen ngợi và bình bài thơ này theo quan điểm của Trương Nam Hương. Tôi đã xem hầu hết các bài viết về vấn đề này, nhưng thấy hơi buồn, vì không thấy có một phản biện nào theo hướng khác.

Tôi viết bài này để minh oan cho Kim Trọng, cho Thúy Vân, cho Thúy Kiều và cho cả Truyện Kiều Nguyễn Du.

Tôi không có ý tranh luận gì với Trương nam Hương và những người đã viết trước đó về vấn đề này, đó là quyền tự do của mỗi người, mỗi người có một quan điểm riêng, một cách nhìn riêng.

Tôi không đứng trên góc độ tư tưởng của người ngày nay mà xét chuyện ngày xưa, mà đứng trên góc độ, tư tưởng, quan điểm thực tế của người thời xưa, để xem xét chuyện ngày xưa.

Bài viết của chúng tôi là một góc nhìn khác, một cách nhìn khác về vấn đề này.

Sau khi lo xong việc bán mình lấy tiền cứu cha và em, trước khi ra đi, Thúy Kiều còn một việc không thể không làm, đó là trả nghĩa cho chàng Kim.

Sự đời éo le, Thúy Kiều bán mình chuộc cha, đi lấy người khác, để cứu cha và em, nhưng lại mắc vào một lỗi lớn là phản bội lời hứa, mặc dù đã hứa như đinh đóng cột với Kim Trọng “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai”, suốt đời không lấy ai, trước khi Kim Trọng về hộ tang chú. Vì vậy Thúy Kiều vô cùng ân hận, muốn em mình Thúy Vân và cha trả nghĩa cho Kim Trọng. Thúy Kiều vô cùng đau đớn “Nợ tình chưa trả cho ai/ Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan”. Thúy Kiều không sung sướng gì khi phải nhờ cậy em “Hở môi ra cũng thẹn thùng/ Để lòng thì phụ tấm lòng với ai”. Để việc nhờ cậy của mình nhất định phải thành công, trước khi nói, Thúy Kiều phải quỳ xuống lạy em mình Thúy Vân “Cậy em, em có chịu lời/ Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Một màn trao duyên cực kỳ cảm động, đau xót với cả Thúy Vân và Thúy Kiều. Chúng ta không thể không chia sẻ nỗi đau xót đến cùng cực của cả hai chị em Thúy Vân, Thúy Kiều lúc này. Ngày xưa cái nghĩa cử phải trả nghĩa nó cao quý, đẹp đẽ hơn cái cá nhân nhỏ bé rất nhiều, Thúy Kiều đã nói với Thúy Vân “Chị dù thịt nát xương mòn/ Ngậm cười chin suối vẫn còn thơm lây”. Thúy Kiều không phải không đau xót, không tiếc khi phải nhường người yêu cho em “Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về/ Hồn còn mang nặng lời thề/ Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai/ Dạ đài cách mặt khuất lời/ Rưới xin chén nước cho người thác oan”.

Thúy Kiều nói thẳng với Thúy Vân “Giữa đường đứt gánh tương tư/ Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”. Thúy Kiều nói thẳng với Thúy Vân “keo loan chắp mối tơ thừa” mối tơ duyên thừa của Thúy Kiều để lại, nhưng Thúy Kiều không ép buộc Thúy Vân, mà nói “mặc em” tự quyết định. Không ai ép buộc Thúy Vân phải lấy Kim Trọng, Thúy Vân hoàn toàn có thể từ chối.

Thúy Vân nhận cái lạy của Thúy Kiều và những đoạn sau đó im lặng, không nói gì, tức là đã tự nguyện chấp nhận lời đề nghị của Thúy Kiều. Hoặc giả Thúy Vân không thể nói gì trong trường hợp này.

Ở đây cũng phải nói thêm. Người thời xưa, việc gả chồng cho con gái là do bố mẹ quyết định, chứ người con gái không được chọn, không được tự chọn. Vương Ông đã nói với Thúy Kiều “Nay cha làm lỗi duyên mày/ Thôi thì nỗi ấy sau này đã em”. Thúy Vân không nói một lời nào trong suốt màn trao duyên, vì Thúy Vân không có quyền tự quyết định việc này. Ngày xưa người ta đi “hỏi vợ”, tức là hỏi xem bố mẹ và người con gái ấy có đồng ý lấy mình không, rồi hai người mới được đi lại, tìm hiểu nhau, Chứ không như bây giờ yêu nhau rồi, trước khi cưới mới đi “hỏi vợ”, không biết lúc này hỏi để làm gì, việc “ăn hỏi” ngày nay chỉ là hình thức.

Sau này Kim Trọng đã cứu cả nhà Thúy Vân thoát khỏi cảnh nghèo túng và nhờ vậy Vương Quan mới được học hành đỗ dạt. Thúy Vân và cả nhà Thúy Vân phải hàm ơn Kim Trọng rất nhiều.

Cả nhà Thúy vân đang trong cảnh nghèo túng “Nhà tranh vách đất tả tơi/ Lau treo rèm nát trúc cài phên thưa/ Một sân đất cỏ dầm mưa”. Khi gặp Kim Trọng, Kim Trọng đã đón cả nhà Vương Ông về thay Kiều chăm sóc “Vội về sửa chốn vườn hoa/ Rước mời viên ngoại ông bà cùng sang/ Thần hôn chăm sóc lẽ thường/ Dưỡng thân thay tấm lòng nàng ngày xưa”.

Theo ý kiến chúng tôi Thúy Kiều mất mọi thứ, nhưng Thúy Vân thì được mọi thứ. Được chồng đẹp trai, hào hoa phong nhã, con nhà trâm anh thế phiệt có truyền thống văn chương “Nền phú quý, bậc tài danh/ Văn chương nết đất, thông minh tính trời/ Thiên tư tài mạo tót vời/ Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, đi đến đâu sáng bừng lên đến đó “Hài văn lần bước dặm xanh/ Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”.

Sắc đẹp thúy Vân xứng tầm với Kim Trọng, người con gái có đức tính trong sạch như tuyết trắng “tuyết tinh thần”, đi đứng, ăn nói trang trọng “Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/ Hoa cười ngọc thốt đoan trang/ Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”.

Thúy Vân không yêu, không lấy Kim Trọng thì còn lấy ai đây để hơn được Kim Trọng. Kim Trọng không yêu không lấy Thúy Vân thì còn lấy ai đây để hơn được Thúy Vân (người đứng thứ hai (á hậu) chỉ sau Thúy Kiều (hoa hậu; số 1 về tài sắc).

Không có chứng cứ nào để nói Thúy Vân và Kim Trọng không yêu nhau, cặp đôi như thế không yêu nhau mới là điều lạ. Cặp đôi này không cần ai mối lái, họ cũng sẽ đến với nhau và lấy nhau. Thúy Vân lấy được chồng làm quan, đứng đắn, tài giỏi như thế, Thúy Vân còn mơ ước điều gì hơn thế. Nói Kim Trọng không có tình yêu với Thúy Vân và Thúy vân không yêu Kim Trọng chỉ là suy diễn theo quan điểm, tư tưởng người thời nay.

Ngày xưa các quan lại giầu có thường lấy nhiều vợ. Nguyễn Nghiễm cha Nguyễn Du lấy tới 8 bà vợ. Kim Trọng chỉ lấy một mình Thúy Vân. Điều đó nói lên gì?! Chẳng phải là Kim Trọng rất yêu Thúy Vân đó sao! Tình nghĩa vợ chồng thời xưa sâu nặng, bền vững.

Không có bất cứ lý do gì để hai người Thúy Vân - Kim Trọng không đến với nhau, không yêu nhau, không lấy nhau, cơ trời đã tác hợp cho họ nên duyên vợ chồng.

Các bạn nam trẻ, nếu bạn ở vào địa vị như Kim Trọng, bạn có yêu Thúy Vân không? Các ban nữ trẻ, nếu bạn ở vào địa vị như Thúy Vân, bạn có yêu Kim Trọng không? (Hãy nhấn vào yêu, thích để thể hiện ý kiến mình).

Lấy đoạn Nguyễn Du viết về Kim Trọng nhớ thương Kiều, sau khi biết tin Kiều phải bán mình chuộc cha, để nói rằng Kim Trọng lúc nào cũng tưởng nhớ Kiều là không thuyết phục, không đúng sự thật trong Truyện Kiều.

Kim Trọng đau đơn, xót thương Thúy Kiều đến độ nước mắt chảy ra pha máu hồng “Vật mình vẫy gió tuôn mưa/ Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai/ Đau đòi đoạn/ Ngất đòi thôi/ Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê’ và “Ruột tằm ngày một héo hon/ Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve/ Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê/ Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao”. Vương Ông khuyên giải mấy cũng không được “Quá thương chút nghĩa đèo bòng/ Nghìn vàng thân ấy thì hòng bỏ sao/ Dỗ dành khuyên giải trăm chiều/ Lửa phiền khôn dập càng khêu mối phiền”.

Cha Kim Trọng lo sợ cho tính mạng Kim Trọng “Xuân huyên lo sợ xiết bao/ Quá ra khi đến thế nào mà hay!”. Ông đưa ra một giải pháp tuyệt vời là cưới Thúy Vân cho Kim Trọng “Vội vàng sắm sửa chọn ngày/ Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng/ Người yểu điệu, kẻ văn chương/ Trai tài gái sắc xuân đương vừa thì”.

Tuy vậy nỗi đau đớn thương xót Thúy Kiều cũng không một lúc mà quên được “Tuy rằng vui chữ vu quy/ Vui này đã cất sầu kia được nào!/ Khi ăn ở lúc ra vào/ Càng âu duyên mới càng dào tình xưa/ Nỗi nàng nhớ đến bao giờ/ Tuôn châu đòi trận vò tơ trăm vòng/ Có khi vắng vẻ thư phòng/ Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa/ Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ/ Trầm bay lạt khói gió đưa lay rèm/ Dường như bên chái trước thềm/ Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng/ Bởi lòng tạc đá ghi vàng/Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây”.

Đó thể hiện sự thương nhớ của Kim Trọng thời kỳ đầu, khi biết tin Thúy Kiều phải bán mình chuộc cha. Điều đó chứng tỏ Kim Trọng là con người chân tình, có tình cảm sâu nặng. Con người như thế không thể nào không yêu Thúy Vân, khi lấy nàng làm vợ. Điều đó cũng chứng tỏ sự miêu tả tâm lý con người tuyệt vời của Nguyễn Du.

Sau đó nỗi thương cảm của Kim trọng cũng nguôi ngoai dần, chàng chăm chỉ học hành và thi đỗ làm quan “Cửa trời rộng mở đường mây/ Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần”.

Nguyễn Du ca ngợi cặp đôi Kim Trọng Thúy Kiều “Một nhà phúc lộc gồm hai/ Thiên niên dằng dặc quan giai lần lần/ Thừa gia chẳng hết nàng Vân/ Một cây cù mộc một sân quế hòe/ Phong lưu phú quý ai bì/ Vầy xuân một cửa để bia muôn đời”.

Kim Trọng và Thúy Vân đã đưa dòng họ Kim ngày càng phát đạt, trường tồn mãi mãi, là tấm gương sáng cho muôn đời sau và trở thành cụ Tổ nhiều đời của dòng họ.

*.

LÊ THANH LONG

Địa chỉ: Phòng 1132, nhà HH03C, Khu đô thị Thanh Hà,

xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Email: lethanhlong321@gmail.com

Điện thoại: 0822.098.772

 

 

 

 

...........................................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản từ email tác giả gửi ngày 12.10.2020

- Ảnh dùng minh họa cho bài viết được sưu tầm từ nguồn: internet.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến. 

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại.



0 comments:

Đăng nhận xét