BỎ BÀI ‘TIẾNG VỌNG’ RA KHỎI SÁCH GIÁO KHOA - Tác giả: Đỗ Hoàng (Hà Nội)

Leave a Comment

 

BỎ BÀI ‘TIẾNG VỌNG’

RA KHỎI SÁCH GIÁO KHOA

*

 (Tiếng Việt - Lớp 5 tập một)

Những tác phẩm được tuyển chọn vào sách giáo khoa là những tác phẩm tinh hoa kinh điển có giá trị cao về nội dung tư tưởng, nghệ thuật được thử thách qua thời gian và phù hợp tâm lý lứa tuổi học sinh. Chúng ta ai cũng có tuổi thơ cắp sách đến trường và những bài văn, bài thơ từ thuở ấu trò được ăn sâu trong trí nhớ và đi theo suốt cuộc đời của chúng ta, nó là mẫu mực trong sáng về tình yêu quê hương, đất nước, về tình cảm yêu thương không thể xóa nhòa:

(Tác giả Đỗ Hoàng)

"Bờ cỏ còn hơi sương

Nắng vàng trải trên đường

Cành cao chim chào đón

Chúng em đi tới trường

Một hồi kẻng khua vang

Từng đội đứng xếp hàng

Mắt nghiêm nhìn cờ đỏ

Phấp phới ánh sao vàng

Em hứa thầm cùng Bác

Năm nay cháu học ngoan!"

(Tập đọc cấp một những năm học thập kỷ 60 thế kỷ trước)

Lứa tuổi năm sáu mươi hôm nay không ai là không nhớ bài thơ tới trường này!

Thế hệ sau này, các em cũng được học những bài thơ rất hay, những vần thơ chan chứa tình cảm, hàm súc, âm vang và ngân xa:

"Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp

Hương rừng đưa thơm ngát

Nước suối trong thì thầm

Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi!..."

Hay:

"Rừng cọ ơi rừng cọ

Lá đẹp xanh ngời ngời

Khi yêu thường vẫn gọi

Mặt trời xanh của tôi!"

Thế mà sang thế kỷ XXI, trong sách giáo khoa lại có tuyển chọn những bài thơ không ra thơ, văn không ra văn, có những bài đang ở dạng thể nghiệm chưa được công chúng thẩm định, thế mà lại được đưa vào sách giáo khoa ở tuổi ấu trò giảng dạy. Điển hình là bài "Tiếng vọng' của Nguyễn Quang Thiều - sách giáo khoa Tiếng Việt - lớp 5 tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tái bản lần thứ 5 - tháng 1 năm 2011).

Nguyên bản:

Nguyễn Quang Thiều

TIẾNG VỌNG

Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Chết trong đêm cơn bão về gần sáng

Đêm ấy tôi nằm trong chăn nghe tiếng chim đập cửa

Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi

Và tôi ngủ ngon lành đến lúc bão vơi.

Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú

Không còn nghe tiếng cánh chim sẻ về

Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt

Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt

Một con mèo hàng xóm lại tha đi

Nó để lại trong ổ những quả trứng

Những con chim non mãi mãi chẳng ra đời

Đêm đêm tôi vừa chợp mắt

Cánh cửa lại rung lên tiếng đập cánh

Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ

Tiếng lăn như đá lở trên ngàn ./.

Tiếng vọng là một bài viết trục trặc, lủng ca, lủng củng, thừa ý, thiếu lời, thừa lời thiếu ý, tư duy rối rắm, lộn xộn, không nhất quán, lại rắc rối, tù mù, tối nghĩa... Như nói ở trên nó không ra văn vần, không ra văn xuôi, thơ cũng không phải thơ, vè cũng không phải vè, văn tế cũng không ra văn tế, phú cũng không ra phú, hát ru em cũng không ru hát ru em, hát vui chơi cũng không ra hát vui chơi, triết học cũng không ra triết học.... Nó chính là loại Vô lối đặc trưng cách viết của Nguyễn Quang Thiều và nhiều người viết hôm nay thể hiện; rồi nhiều người, nhiều tổ chức lăng xê lên mây xanh, ngay cả Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao tặng giải thưởng thơ năm 1993 cho tập "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều.

Tôi đọc bài này nhiều lần, nhiều năm. Lúc nào tôi cũng băn khoăn: - Vì sao các nhà làm sách lại chọn bài này vào sách giáo khoa dạy cho các em lớp 5 đầu học kỳ một tuổi mới lên 9, lên 10?

Nội dung của bài Tiếng vọng nói sự vô tình của một em bé về cái chết của con chim sẻ mẹ để cho bao thế hệ chim non không ra đời!

Con chim sẻ nhỏ vì cơn bão về gần sáng chết, tác giả xưng tôi vì ngủ quên trong sự ấm áp nên không biết nó chết, mèo hàng xóm lại tha chim đi, để những quả trứng không có chim mẹ ấp mãi mãi không nở thành chim con!

Chỉ từng ấy thôi nhưng Nguyễn Quang Thiều lại làm rắc rối đến nỗi nhiều thầy cô dạy bài không hiểu ra, chứ nói gì đến trẻ con!

Bài viết đầy những cái vô lý và thừa thải.

Nói chim là nói người, chim ở đây được nhân cách hóa, không ai nói con chim sẻ nhỏ chết rồi. Nghĩa tử là nghĩa tận, chim chết cũng như người chết, không ai táng tận lòng mình nói từ con và từ chết. Con dùng cho sự khinh miệt: con rận, con sâu, con đĩ, con phò, con ca ve...Chết dùng cho sự khinh miệt: con chó chết, con chuột chết, con sâu chết. Còn không ai nói con và chết cho người và vật, những gì mình yêu mến.

"Bác Dương thôi đã, thôi rồi

Nước non man mác ngậm ngùi lòng ta!"

(Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê)

Đọc bài Tiếng vọng thấy viết câu thứ nhất là "Con chim sẻ nhỏ chết rồi" và sau đó câu thứ mười một là "Nó để lại trong tổ những quả trứng" thì người đọc băn khoăn : "Con chim sẻ nhỏ mới toe toe mà biết đẻ"(!) Mà đẻ rất nhiều, đẻ ra cả ổ trứng (!). Đấy là sự vô lý.

Câu kể này rất bình thường, nó thua cả câu văn xuôi!

Chim sẻ ai chả biết là nó nhỏ. Tục ngữ nói "tấm cho sẻ ăn", tức là chỉ sự nhỏ bé của chim sẻ. Sẻ đã nhỏ thì con chim sẻ nhỏ, nhỏ biết chừng nào, chắc là nó mới ra ràng, sao lại gán cho nó một ổ trứng.

Có nhiều cách viết hợp lý hơn nhiều:

" Chim sẻ mẹ qua lúc bão về gần sáng"...

Những người chết trẻ, chết oan, bất đắc kỳ tức, người Việt hay dùng chữqua, như chị qua, anh qua, em qua...

Không ai nhẫn tâm nói:

"Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Nó chết trong đêm bão về gần sáng"

Nhiều câu trong bài Tiếng vọng vô nghĩa, thừa thải, và lộn xộn:

"Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà chiều gió hú".

Chiếc tổ cũ trong ống tre đầu nhà là đủ rồi, mặc chi đưa chiều gió hú vào đây? Chiều gió hú có thể một câu thơ được nhưng nó ở văn cảnh khác không thể đắp râu ông nọ chắp cằm bà kia!

Nếu sắp xếp câu kéo và hợp với lô gic thì câu thứ 9 trong bài phải đặt lên câu thứ ba mới đúng và hợp tình hợp lý, hợp văn cảnh'

" Con chim sẻ nhỏ chết rồi

Chết trong đêm cơn bão về gần sáng

Nó chết trước cửa nhà tôi lạnh ngắt".

Ở đây thêm điều vô lý nữa. Chim sẻ mẹ đang ấp làm gì có chim trống đến hót như tác giả tưởng tượng ra:

"Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt" (!)

"Và tiếng hót mỗi sớm mai trong vắt" Tiếng chim hót trong vắt hay "Ban mai trong vắt?

Tác giả khen tiếng chim trong vắt hay khen ban mai trong vắt? Học sinh 9, 10 tuổi mới lên lớp 5 làm sao biết được.

Rồi những kiểu nói cho lạ tai không thuần Việt:

"Sự ấm áp gối chăn đã giữ chặt tôi" Tây thật cũng chẳng nói kiểu này! Dịch ra nghĩa Việt là " Việc ấm áp của gối chăn đã giữ chặt tôi" . Có thể có cách nói: chăn ấm, gối êm làm tôi ngủ yên!

Tiếng vọng dùng từ lặp lại đọc nghe câu thơ nặng nề:

"Một con mèo hàng xóm lại tha đi

Nó để lại trong tổ những quả trứng

.....

Những quả trứng lại lăn vào giấc ngủ..."

Tôi có hỏi nhiều nhà giáo dục, nhiều nhà sư phạm về bài Tiếng vọng của Nguyễn Quang Thiều được chọn in trong sách giáo khoa - Tiếng Việt - Lớp 5 tập một.

Thạc sỹ giáo dục, nhà thơ, dịch giả, Trưởng ban biên tập, phụ trách Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục Trần Hậu, ông cho biết: "Đây là bài đang dạng thể nghiệm nên không thể đưa vào sách giáo khoa nhất là sách Tiếng Việt lớp 5, tập một. Bài Tiếng vọng nhiều người lớn không hiểu, làm sao trẻ hiểu nổi. Sách giáo khoa bây giờ còn nhiều bài như thế này cần nên loại bỏ!"

Thầy Trần Đức Trung, tổ trưởng chuyên môn khối 5, cô giáo Nguyễn Thị Kim Yến, giáo viên dạy giỏi thành phố Huế dạy lớp 5, cô Thu Dung giáo viên dạy lớp 5 ở trường Tiểu học Thuận Lộc, thành phố Huế đều nói :

- "Tiếng vọng" là một bài ý tứ lủng cũng, ngôn từ lộn xộn, khó hiểu đổi với các em học sinh mới lên lớp 5. Bài viết không vần điệu, không đi sâu vào lòng người nhất là học sinh tiểu học! Các thầy cô giáo còn chưa hiểu được làm sao học sinh hiểu được!

Cũng rất may mắn là năm học vừa rồi (năm 2011 - 2012) ở Thừa Thiên - Huế tuân theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong kế hoạch giảm thiểu chương trình nặng nề đã loại bài Tiếng vọng không dạy cho học sinh.

Năm học tới sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 5 nên loại bỏ bài Tiếng vọng ra khỏi sách giáo khoa và nhiều bài phi văn chương khác!

*.

Hà Nội, ngày 9/6/2012

ĐỖ HOÀNG

Quê quán: Cao Vân, Lệ Thủy, Quảng Bình.

Hiện sống và làm việc tại Hà Nội.

Email: donguyenhn@yahoo.com

Điện thoại: 091.336.96.52

 

 

 

 

 

  ........................................................................................

- Cập nhật theo nguyên bản tác giả gửi qua email ngày 16.01.2021.

- Bài viết không thể hiện quan điểm của trang Đặng Xuân Xuyến.

- Vui lòng ghi rõ nguồn dangxuanxuyen.blogspot.com khi trích đăng lại..      

0 comments:

Đăng nhận xét